Tiếp nối bài viết về chiếc máy cassette, vốn dĩ cũng đã xa lạ với thế hệ 8X, 9X, hôm nay [dongnhacxua.com] xin đăng lại một bài viết về một máy nghe nhạc có lịch sử thậm chí còn xưa hơn: máy hát băng cối mà người miền Nam hay gọi là máy Akai.
Xem thêm:
“Tôi là Lâm Hào, vẫn còn sống đây!”
Cassette: Hoài niệm một thời
Mai này có còn băng cassette?
Phương Chánh Hùng: Người đam mê băng đĩa nhạc xưa
Akai & máy hát đĩa kim: thú chơi nhạc xưa tốn kém
TÍN ĐỒ AKAI
(Nguồn: bài viết của tác giả Nguyễn Đình đăng trên DoanhNhanSaigon.vn)
Phải đến những năm 2000, phong trào chơi nhạc xưa, săn lùng máy Akai mới bắt đầu quay trở lại với một ít người tiên phong trong thú chơi hội đủ các độ khó và phức tạp của nghề sưu tầm.
“Nghĩa Akai”
“Ngày nào mà không loay hoay với băng đĩa, máy hát Akai, tự nhiên thấy trong người thiếu thiếu một cái gì đó” – Nghĩa Akai tâm sự ngắn gọn về niềm đam mê bất tận của mình với thú chơi mà anh theo đuổi từ hơn 10 năm nay.
Nghĩa Akai đang sở hữu bộ sưu tập Akai đồ sộ về chủng loại, số lượng và cũng đồng thời là chủ nhân của bốn quán cà phê nghe nhạc xưa. Chính vì thế mà dân sưu tầm gán luôn biệt danh “Akai” cho Nghĩa như khẳng định niềm đam mê bất tận của anh với thú chơi này.
Nghĩa kể: “Tôi mê nhạc xưa từ năm 1982. Khi ấy, muốn kiếm quán cà phê nghe nhạc khó khăn lắm, sau đó vướng bận chuyện học hành, đây đó khắp nơi, làm đủ nghề, về lại Sài Gòn, mãi đến năm 2003, tôi mới có đủ điều kiện tập trung sưu tầm máy Akai. Khi ấy nguồn máy còn nhiều, chợ Nhật Tảo là điểm đến quen thuộc vì nơi này hay bán máy cho các đoàn làm phim mua làm đạo cụ. Ở Lê Công Kiều cũng có bán nhưng người mua để trưng bày hơn là sử dụng. Nhìn chung, giới chơi Akai lúc đó ít lắm vì băng đĩa rất hiếm”.
Có những lần gặp Nghĩa thấy hai con mắt thâm quầng, hỏi ra mới biết anh thức trắng đêm chỉ để nghe đi nghe lại một cuốn băng mới sưu tầm với những bài nhạc xưa quý hiếm.Khắp nhà Nghĩa, máy Akai xếp từ chân tường đến đụng trần. Chủ nhân suốt ngày loay hoay chỉnh sửa, rã máy này, ráp máy kia.
Nghĩa kể: “Lúc đầu chưa kinh nghiệm, coi máy không kỹ, mua về bị máy hành đến nơi đến chốn, rồi phải tự mày mò, lục tìm thông tin trên mạng, gặp gỡ những thợ sửa Akai trước đây để học hỏi thêm. Ở Việt Nam hết máy để tìm thì lên eBay đấu giá, nhờ bạn bè, người thân ở nước ngoài xách máy về”.
Nghĩa còn có một kho nhạc đồ sộ, từ nhạc xưa của Việt Nam đến các thể loại nhạc nước ngoài. Tuy Nghĩa không dám khẳng định là đầy đủ trọn bộ, nhưng giới chơi Akai, hễ ai thiếu thứ gì, người đầu tiên họ nghĩ đến là Nghĩa, và hầu hết những yêu cầu đều được đáp ứng.
Cả những ca sĩ của Sài Gòn xưa như Lệ Thu, Giao Linh, Phương Dung…, đến các nhạc sĩ tên tuổi ngày nay cũng tìm đến Nghĩa để xin tư liệu là các bản nhạc mà Nghĩa sưu tầm do chính họ trình bày mà không lưu giữ được.
Chơi Akai dễ mà khó
Những người yêu thích nhạc xưa, thích sưu tầm máy Akai trước đây hầu hết ở lứa tuổi từ 35-60, bởi Akai từng là một thời kỷ niệm của họ. Những năm gần đây, người trẻ mê Akai ngày càng nhiều.
Với khả năng nghiên cứu, tìm tư liệu trên mạng, các diễn đàn chơi Akai trong và ngoài nước, cùng trí nhớ tốt, những người trẻ đang dần làm sống lại thế giới nghe ngạc bằng máy Akai. Do nguồn tài chính hạn chế nên trong giới yêu nhạc xưa qua máy Akai đa phần tập trung sưu tầm nhạc, chưa chú trọng nhiều đến âm thanh và nguồn máy.
Những ca sĩ của dòng nhạc hiện đại như rapper Tiến Đạt cũng là một tín đồ của Akai, sở hữu một chiếc Studer dùng để thu âm với 24 đường tiếng, là hàng độc của thị trường Akai Việt Nam.
Giới chơi Akai riêng ở Sài Gòn nay đã có vài điểm đến quen thuộc để gặp gỡ, giao lưu và trao đổi máy móc, chia sẻ đam mê. Việc mua bán máy Akai trên thị trường cũng ngày càng dễ dàng hơn, nhất là việc chọn mua trên mạng từ các nước sản xuất dòng máy này như Nhật, Đức, Mỹ, với các thương hiệu Akai, Revox, Ampex, Studer, Teac, Sony… giá đủ cấp độ, từ đôi ba triệu cho đến năm bảy nghìn USD tùy theo giá trị và chất lượng của từng đời máy. Cái dễ của việc sưu tầm máy Akai là vậy.
Akai hư hỏng, sửa ở đâu? Máy Akai dễ hư nhất là đầu từ, nhưng có thể thay thế nhờ giới sưu tầm, những quán cà phê như Nhạc Xưa, Con Sóc ở đầu đường Bà Huyện Thanh Quan, Nghĩa Akai cuối đường Pasteur… Việc chỉnh sửa, thay đổi hoặc mua máy mới cũng dễ dàng, bởi ở các điểm cà phê Akai của Sài Gòn đều có anh em trong nghề chuyên cung cấp dịch vụ này, hoặc giới thiệu, trao đổi những dòng máy Akai cho người chơi. |
Nhưng cái khó nhất trong thú chơi Akai, theo Nghĩa, là nguồn băng. Đây là mảng quan trọng nhất, bởi có máy xịn mà băng dở thì cũng bằng không.
Bộ dạng với băng từ loằng ngoằng, hai bánh cối to đùng, nút bấm, đèn đóm, đồng hồ loạn xạ…, quả thật nhìn máy hát Akai có vẻ khó sử dụng ngay cả lúc cho băng vào máy. Nhưng khi tiếng nhạc cất lên, âm thanh mộc mạc, phô diễn chất giọng thật của ca sĩ thì những giai điệu ấy làm xốn xang lòng người, nhất là người luôn sống với thời quá vãng. Những quán cà phê của Sài Gòn thập niên 1980 như Thái Sơn – Đồng Khởi, Châu Thạnh – Lý Chính Thắng, Hương – Lê Thị Riêng… từng là một thời để nhớ của những tín đồ mê nhạc xưa phát ra từ chiếc máy Akai cũ kỹ. Những người chơi Akai kỳ cựu khuyên rằng, bắt đầu chơi Akai, nên chọn những dòng máy phổ thông, vừa túi tiền, sau mới phát huy dần kỹ năng và sở thích để nâng cấp các dòng máy phù hợp với nhu cầu. Băng là hàng đầu, sau đến cặp loa, amply, rồi tới máy. Chọn được bộ Akai đồng bộ là tốt nhất, nhưng với trên 100 đời máy của các nhãn hiệu và chủng loại thì công việc này không mấy đơn giản, đòi hỏi phải có lượng kiến thức đáng kể cùng việc tiêu tốn khá nhiều thời gian, công sức và tiền bạc. Các diễn đàn về âm thanh trên mạng như VNAV, hoặc có thể tra cứu “AKAI” trên mạng cũng sẽ tìm được nhiều thông tin phong phú về các đời máy và các hội nhóm sưu tầm Akai. Các điểm cà phê Akai cũng là nơi trao đổi băng nhạc, người chơi có thể tìm đến các địa chỉ này để tìm nghe, trao đổi, chép lại những bản nhạc xưa yêu thích. |
NGUYỄN ĐÌNH
[footer]
Bài viết rất hay vì họ đã trãi lòng chân thật của người vừa đam mê, vừa am hiểu nghệ thuật của âm nhạc. Tâm trạng của tôi cũng giống như tác giả vậy. Tôi biết nghe nhạc, phân biệt hay dở. Nhạc bây giờ đầy rẩy trên mạng, mới, củ đều có. Chỉ cần click chuột là nghe, không lo rối băng, kẹt máy gì cả. Nhưng để nghe thật rõ tiếng đàn, giọng ca mà tôi cho là rất quí giá thì không thể được. Và rồi phải tìm về băng cassette để nghe.