Sau hiệp định Geneva 1954, đất nước chúng ta bị chia cắt thành hai miền Nam – Bắc với hai thể chế chính trị khác nhau. Có thể nói mà không sợ bị cho là quá lời là trong suốt 75 năm hình thành và phát triển của nền tân nhạc Việt Nam thì giai đoạn 20 năm từ 1954 – 1975 là thời kỳ cực thịnh của dòng nhạc Việt, xét về số lượng nhạc sỹ, ca sỹ cũng như số lượng và chất lượng của các tác phẩm, mà đại đa số là xuất phát từ miền Nam Việt Nam. Thế nhưng, bên cạnh cảnh ‘trăm hoa đua nở’ ở miền Nam ngày đó, chúng ta vẫn tìm được nhiều ‘bông hoa đẹp’ trong vườn hoa âm nhạc ở miền Bắc trong giai đoạn này.
Hôm nay [dongnhacxua.com] xin trân trọng giới thiệu một trong số đó: bản ‘Ngôi sao ban chiều’ của nhạc sỹ Đinh Tiến Hậu.
NGÔI SAO BAN CHIỀU: SỰ THẬT VỀ MỘT BÀI HÁT NGA
(Nguồn: tác giả Trần Can đăng trên DotChuoiNon.com ngày 21/10/2011 )
Thuở đất nước thống nhất (1975), người dân hai miền Nam Bắc háo hức tìm hiểu về nhau sao bao năm chia cắt. Tìm hiểu về âm nhạc cũng là một cách để hiểu biết văn hóa. Người sống ở miền Nam như mình thuở đó nghe những bài “Cô gái vót chông”, “Tiếng đàn Ta Lư” thấy rất… kinh ngạc vì lối hát cao vút và véo von nghe chẳng khác gì tiếng…Tàu
Thậm chí lúc đầu mình còn không nghe được lời hát nhưng nghe mãi thì cũng…quen tai, nhạc miền Bắc chủ yếu phục vụ chiến tranh nên giai điệu rất hào hùng (mà sau này ta hay gọi là Nhạc Đỏ).
Nhạc miền Nam bị xếp vào loại Nhạc Vàng và bị cấm hát vì tình cảm… ủy mị, làm người nghe mê muội, mất …ý chí phấn đấu
Vậy mà mình nhớ năm đó khoảng 1977, lúc chơi ở nhà cô bạn thì gặp hai anh bộ đội, hai anh chàng chơi Guitar và hát một bài hát được giới thiệu là Nhạc Nga: “Ngôi sao ban chiều”. Bài hát có giai điệu đẹp, êm đềm và lời hát cũng khá tình cảm, tha thiết.
“Màn chiều dần buông xuống, gió ngàn vi vu
Lấp ló đầu hiên, ngôi sao ban chiều
Gợi lòng ta thương nhớ, tới người yêu ở phương trời xa
Em thân yêu nơi nao có nhớ tới chăng, đôi ta năm xưa, chung lời nguyện ước
Bây lâu con tim ta vẫn nhớ tới em, như ngôi sao hôm, đêm ngày không mờ
vì lòng ta mãi mãi vẫn còn khắc ghi, bóng hình dáng em…”
Sau đó mình cũng nghe nhiều người hát bài này và đều được giới thiệu là nhạc Nga.
Nhưng thật bát ngờ, tác giả bài hát này lại là một người…Việt, dân Hà Nội chính hiệu con nai vàng
Nhạc sĩ Đinh Tiến Hậu sinh năm 1944 tại Hải Phòng, yêu âm nhạc nhưng không thể thi vào trường Âm Nhạc Việt Nam chỉ vì lý lích của ông bị phê: Có người nhà di cư vào Nam. Sáng tác bài hát “Ngôi sao ban chiều” năm 1964, ông đã phải giả vờ cho bài hát của mình là…nhạc Nga, chấp nhận là một nhạc sĩ vô danh để thanh niên miền Bắc thuở ấy có nhạc trữ tình hát lên mà không bị cấm đoán hay ..kiểm điểm.
Ông hiện vẫn còn sống ở Phố Bạch Đằng, Hà Nội. Mình có số điện thoại, bạn nào cần gọi để kiểm chứng, xin hãy liên hệ nhé.
Bổ sung của Vũ Ngọc Tiến (ngày 30/10/2011) cho bài viết của Trần Can:
Cảm ơn anh Trần Can đã cho biết thông tin rất thú vị về tác giả bài hát. Do ở Hà Nội nên lần theo thông tin đó, ngày 29/10 vừa qua chúng tôi đã ghé thăm người nhạc sĩ Đinh Tiến Hậu tại nhà riêng của ông ở ngõ 738 Bạch Đằng. Người nhạc sĩ nhỏ bé gày gò nhưng cởi mở, hồn hậu và tràn đầy năng lượng. Đây là lời hát tôi gõ lại từ bản nhạc do chính người nhạc sĩ đáng kính ký tặng (ông bảo lời có nhiều dị bản quá!).
Màn chiều dần buông xuống, gió ngàn vi vu, lấp ló đầu hiên ngôi sao ban chiều.
Gợi lòng ta xao xuyến nhớ người yêu nơi phương trời xa.
Em thân yêu nơi đâu, có nhớ tới chăng, đôi ta năm xưa chung lời hẹn ước?
Bấy lâu con tim ta vẫn nhớ tới em, như ngôi sao hôm bao ngày không mờ.
Vì lòng ta mãi mãi vẫn còn yêu em không bao giờ phai.
Người mà tôi yêu mãi, nay ở chốn nao, tháng năm dần trôi, tôi vẫn mong chờ.
Giờ này em ở đâu, hỡi người yêu, ta mong chờ em.
Ôi không gian bao la, hãy nói cho ta, em yêu phương xa có còn chờ nữa?
Nơi xa xôi nghe chăng, tiếng hát nhắn em, không gian mang theo bao lời ân tình.
Vì lòng ta mãi mãi vẫn còn yêu em không bao giờ phai.
SAU NỬA THẾ KỶ TÌM ĐƯỢC TÁC GIẢ CA KHÚC ‘NGÔI SAO BAN CHIỀU’
(Nguồn: nhà báo, nhạc sỹ Nguyễn Thụy Kha đăng trên báo Lao Động ngày 02/11/2013)
“Ngôi sao ban chiều” là một ca khúc mà tất cả các bạn trẻ thời chiến tranh chống Mỹ ở miền Bắc đều rất yêu quý.
Nghe mãi, nàng còn đề nghị tôi phải có “Ngôi sao ban chiều” của tôi tặng nàng. Và tôi đã viết ca khúc “Chiều về” với những lời ca: “Mắt em là bầu trời – đọng ánh sao đẹp tuyệt vời – sưởi ấm trong lòng tôi – mãi khi chiều xuống lay động sáng ngời”. Khi vào Quảng Trị, mùa hè 1972, tôi đã hát “Ngôi sao ban chiều” cho những người đồng đội nghe để vơi đi những tiếng gầm rú máy bay, tiếng bom nổ, tiếng pháo bầy. Lúc ấy, tôi cứ ngỡ “Ngôi sao ban chiều” là một ca khúc Nga. Nhưng tôi đã lầm. Sau chiến tranh, nhiều người nói qua tôi rằng, “Ngôi sao ban chiều” là của một tác giả Việt Nam.
Gần đây, nhạc sĩ Nguyễn Văn Bằng – cũng là lính Quảng Trị như tôi – báo tin: “Em đã gặp tác giả “Ngôi sao ban chiều” rồi. Anh ấy cũng muốn gặp anh”. Rồi một chiều, Bằng gọi: “Anh đến quán này ngay, tác giả “Ngôi sao ban chiều” đang chờ anh”. Tôi mừng quá, tới ngay. Đến quán, trước mặt tôi là một người nhỏ thó chừng “thất thập cổ lai hy”. Tôi đưa tay bắt “Chào anh. Nửa thế kỷ mới gặp tác giả ca khúc mà tôi yêu thích”. Người đàn ông bắt tay tôi và cười: “Tôi là Đinh Tiến Hậu. Tác giả “Ngôi sao ban chiều” đây. Rất vui được gặp anh”. Và Đinh Tiến Hậu kể, câu chuyện lùi về nửa thế kỷ trước, những ngày kề chiến tranh.
Đinh Tiến Hậu là người ở ngoại ô Hà Nội. Do hoàn cảnh gia đình, phải xuống Hải Phòng ở cùng họ hàng thời cắp sách. Anh học trường Hoàng Văn Thụ (vốn là trường Trí Tri do bố tôi xây dựng nên thời Hải Phòng bị tạm chiếm). Ở trường vào tuổi thanh xuân, Đinh Tiến Hậu đã thầm yêu một người bạn học. “Ngôi sao ban chiều” được viết ra để dành tặng cô ấy. Có tác phẩm của người yêu viết tặng, cô gái đã nhờ một thầy guitar Hải Phòng tập cho mình hát.
Người thầy chắc cũng có cảm tình với cô gái nên chép lại “Ngôi sao ban chiều” cho cô, còn thì cầm bản gốc. Người chị của cô gái cũng thích ca khúc, bèn chép lại, mang lên Trường Đại học Sư phạm Hà Nội nơi mình đang học. Từ đấy, “Ngôi sao ban chiều” bắt đầu được phổ biến trong sinh viên, học sinh Hà Nội. Song, do lưu truyền một ca khúc trữ tình lúc ấy rất khó, mọi người đều ghi vào đó là một ca khúc Nga, như trường hợp “Đêm chia tay” của Hải Thoại, hay “Giã từ” – một đoạn trong ca khúc của Hoàng Trọng ở miền Nam lan truyền ra.
Với Đinh Tiến Hậu, anh đã dùng tác phẩm của mình gửi để dự thi vào Nhạc viện Hà Nội. Anh được chọn qua giấy báo trúng tuyển cùng các anh Minh Khang, Thanh Phúc… Nhưng giấy báo yêu cầu phải có chứng nhận của địa phương về nhân thân. Anh mang giấy báo về quê thì được phê rằng “Có người nhà ở miền Nam”. Lúc ấy, với lời phê này tức là không được nhận học. Đó là mùa thu 1964. Vậy là ước mơ học Nhạc viện Hà Nội của Đinh Tiến Hậu tan thành mây khói. Từ đó, anh bước vào một cuộc dấn thân khác.
Trên bước đường dấn thân, đã bao lần anh được nghe những người khác thể hiện “Ngôi sao ban chiều” dưới ”mũ” ca khúc Nga. Anh nghe mà tự hào về mình, nhưng không thổ lộ với ai. Vì sao “Ngôi sao ban chiều” lại lan truyền trong thanh niên, sinh viên thời ấy, vì đó là một ca khúc tình yêu hay. Nhưng sao họ lại tin đó là ca khúc Nga, vì nó ảnh hưởng giai điệu Nga khá rõ. Thời ấy, chuyện một ca khúc Việt Nam ảnh hưởng Nga hay Châu Âu là chuyện bình thường. Ảnh hưởng đó còn dư âm đến bây giờ.
Ngay ca khúc “Chiều về” của tôi tặng người yêu, cũng là ảnh hưởng nặng nề “Mặt trời của tôi” của Ý. “Ngôi sao ban chiều” được thực hiện bằng tiết nhịp boston (3/4). Nó được viết bằng điệu thức la thứ hòa thanh (điệu khúc la thứ có nốt sol thăng).
Nó được mở đầu bằng chùm nốt nằm trong điệu thức la thứ, rồi nối tiếp tiết nhịp qua rê thứ, mi thứ ở câu đầu: Màn chiều dần buông xuống/ Gió ngàn vi vu/ Lấp ló đầu hiên/ Ngôi sao ban chiều.
Câu thứ hai là một mô phỏng lùi và kết ở chủ âm: Gợi lòng ta xao xuyến/ Nhớ người yêu/ Nơi phương trời xa.
Ở đoạn sau là cuộc di dịch của những nốt mí đồng âm, sau đó là rê đồng âm để rồi lại trôi lên nốt mí: Em thân yêu nơi đâu/ Có nhớ tới chăng/ Đôi ta năm xưa/ Chung lời hẹn ước.
Cuộc di dịch được nhắc lại: Bấy lâu con tim ta/ Vẫn nhớ tới em/ Như ngôi sao Hôm/ Đêm ngày mong chờ.
Câu sau của đoạn đầu đã được dùng để kết bài: Vì lòng ta mãi mãi/ Vẫn còn nhớ em/ Không bao giờ phai.
Cứ thế “Ngôi sao ban chiều” được lan truyền trong đời sống chiến tranh cả đến những nơi ác liệt nhất là mặt trận Quảng Trị mùa hè 1972. Trong cuốn sách viết về những người lính sinh viên của Đại học Bách khoa thời ấy, những người biên soạn đã trân trọng đưa “Ngôi sao ban chiều” vào trong phần những ca khúc ấn tượng nhất đời lính ngày ấy cùng một ca khúc Nga thật sự là “Bài ca tuổi trẻ sôi nổi”.
Suốt nửa thế kỷ qua, bao người cứ đi tìm tác giả “Ngôi sao ban chiều”, còn tác giả thì lại đi tìm cô gái – người mà mình dành tặng ca khúc đầu đời – ca khúc mối tình đầu. Có lúc Đinh Tiến Hậu đã thổ lộ với các nhạc sĩ Nguyễn Cường, Nguyễn Lưu. Và Nguyễn Lưu đã từng viết về “Ngôi sao ban chiều” ở tờ Đầu Tư. Song có lẽ sự lan tỏa văn nghệ ở một tờ báo như tờ Đầu Tư không mấy mạnh mẽ, nên vẫn ít người biết “Ngôi sao ban chiều” là sáng tác của Đinh Tiến Hậu. Còn Đinh Tiến Hậu thì lại cứ mải miết đi tìm cô gái ngày xưa.
Cuối cùng, qua bao nhiêu tình cờ, Đinh Tiến Hậu đã có thể nói chuyện qua điện thoại. Kỳ lạ nhất là sau nửa thế kỷ, hai người đều ở Hà Nội. Nhưng nói qua điện thoại mà nhờ sự kết nối của người chồng thì nói được là bao, mặc dù người chồng cũng nhận thấy đây là một câu chuyện hay. Người ấy – giờ đã là người đàn bà có tuổi – nói: “Lúc ấy, anh quá nhát”. Cái sự nhát ấy đã chỉ còn để lại âm hưởng trong một ca khúc tình yêu tuyệt vời mà chẳng mang lại được gì trong đời sống thực. Vậy là chẳng thể thành đôi. Bà hẹn sẽ có lúc gặp mặt. Nhưng lúc nào, thì chính Đinh Tiến Hậu đang còn chờ đợi khi cả “chàng” và “nàng” đã ở tuổi “thất thập”.
Cũng gần đây, trong một tuyển tập ca khúc nước ngoài do Nhà xuất bản Âm nhạc ấn hành – do nhạc sĩ Đào Ngọc Dung tuyển chọn, “Ngôi sao ban chiều” đã được đưa vào tuyển tập với tên tác giả là P.I.Tchaikovsky. Đinh Tiến Hậu bàng hoàng. Ca khúc của mình mà được coi là ca khúc của P.I.Tchaikovsky thì phúc cho mình quá.
Tuy nhiên, anh vẫn tìm gặp nhạc sĩ Đào Ngọc Dung để trình bày về sáng tác của mình. Đào Ngọc Dung nghe ra và đã ghi lời xin lỗi tác giả về sự nhầm lẫn rất hay này. Song Đào Ngọc Dung không phải không có lý khi nhầm lẫn. “Ngôi sao ban chiều” đã bị ảnh hưởng vô thức bởi ca khúc “Cô gái miền đồng cỏ” của P.I.Tchaikovsky.
Dù sao, đến nay “Ngôi sao ban chiều” vẫn được nhiều thế hệ hát. May sao, quyền tác giả của Đinh Tiến Hậu lại được Trung tâm Bảo vệ bản quyền tác giả âm nhạc Việt Nam do nhạc sĩ Phó Đức Phương (người vào Nhạc viện Âm nhạc cùng năm với Đinh Tiến Hậu nhận giấy báo) xác nhận. Và tiền bản quyền “Ngôi sao ban chiều” vẫn được chuyển đều cho Đinh Tiến Hậu.
Điều mà Đinh Tiến Hậu kỳ vọng ở tôi là – qua bài viết này – “Ngôi sao ban chiều” chính thức được đời sống âm nhạc rộng rãi của Việt Nam công nhận là của anh. Một đời người làm âm nhạc, chỉ cần có được một “Ngôi sao ban chiều” thấm vào nhân gian như Đinh Tiến Hậu đã viết ra, tưởng là dễ, nhưng đâu có dễ. Bởi thế, tôi cũng như mọi người rất trân trọng anh, dù thời gian đã trôi qua nửa thế kỷ là quá muộn. Muộn nhưng còn làm được thì cũng chẳng có gì phải phiền muộn. Tôi tin là thế. Còn câu chuyện Đinh Tiến Hậu sẽ gặp “nguồn cảm hứng” cho “Ngôi sao ban chiều” của mình như thế nào, có lẽ lại là ở một bài viết khác.
Sau khi không vào Học viện Âm nhạc được, Đinh Tiến Hậu đành vào làm việc tại Nhà máy cơ khí Hà Nội cho đến khi về hưu. Ở nhà máy, Đinh Tiến Hậu đã viết hàng chục ca khúc về nhà máy của mình. Tuy về hưu, Đinh Tiến Hậu vẫn tiếp tục niềm đam mê viết ca khúc. Ngồi nói chuyện với tôi, anh khoe một ca khúc viết về Hà Nội mang tên “Em có về Hà Nội”. Anh Hậu bảo, năm 1970 – tức là sau 6 năm viết ca khúc “Ngôi sao ban chiều” và vương vấn mãi mối tình đầu – Đinh Tiến Hậu mới xây dựng gia đình.
[footer]