Nếu như ‘Câu hò bên bờ Hiền Lương’ là tiếng lòng của người dân Việt ở bờ bắc sông Bến Hải thì ‘Chuyến đò vỹ tuyến’ là tiêu biểu cho tâm tình của những người anh em ở bờ Nam. Nhạc sỹ Lam Phương sáng tác bản ‘Chuyến đò vỹ tuyến’ độ năm 1956-1957, khi cuộc tổng tuyển cử để thống nhất hai miền đã gần như đi vào ngõ cụt và sự chia cắt không biết bao giờ mới chấm dứt.
Sinh năm 1937, nhạc sỹ Lam Phương khi đó chỉ mới là chàng trai trẻ, vừa tròn 20 tuổi. Thế nhưng qua nét nhạc tài tình và một tâm hồn nhạy cảm với hoàn cảnh đau thương của dân tộc, ông đã cho ra đời một nhạc phẩm để đời mà 60 năm sau, khi các ‘vết thương chia cắt’ đã lành thì ‘Chuyến đò vỹ tuyến’ vẫn mãi là khúc ca êm đềm ‘sưởi ấm cõi lòng’.
Khi nhắc đến ‘Chuyến đò vỹ tuyến’ sẽ là một thiếu sót nếu như không nhắc đến ca sỹ Hoàng Oang, người đã gắn liền tên tuổi trong hơn 40 năm qua với bản này. Theo cá nhân chúng tôi thì có lẽ Hoàng Oanh không phải là ca sỹ đầu tiên thể hiện ‘Chuyến đò vỹ tuyến’ vì cô sinh năm 1950 mà thời điểm bản nhạc ra đời là khoảng 1956-1957. Tuy nhiên có một điều mà không một thính giả yêu nhạc xưa nào phủ nhận là Hoàng Oanh là người thể hiện thành công và lột tả được cái hồn của bản nhạc.
Nhân dịp này, Dòng Nhạc Xưa xin chúc nhạc sỹ Lam Phương nhiều sức khỏe. Mong ông có được một lần về thăm lại Việt Nam và ghé thăm dòng sông Bến Hải, vỹ tuyến 17, nơi mà hơn 50 năm trước ông đã gởi gắm tâm sự trong một nhạc phẩm để đời.