Vĩnh biệt nhạc sỹ Phan Nhân (1930-2015)

Người yêu nhạc chưa khỏi ngậm ngùi về sự ra đi của giáo sư Trần Văn Khê thì lại đón nhận thêm tin buồn khi phải vĩnh biệt hai nhạc sỹ lão thành Phan Huỳnh Điểu và Phan Nhân ngay trong ngày 29.06.2015. Chúng tôi đã có bài vĩnh biệt nhạc sỹ Phan Huỳnh Điểu trong một bài viết trước. Hôm nay [dongnhacxua.com] xin được phép gởi lời chia buồn sâu sắc đến gia quyến của nhạc sỹ Phan Nhân và cầu mong linh hồn ông mau an nghĩ chốn cực lạc.

Nói đến nhạc sỹ Phan Nhân, chắc hẳn người yêu nhạc xưa sẽ nghĩ ngay đến bản “Hà Nội, niềm tin và hy vọng”, một trong những sáng tác bất hủ về Hà Nội. 

Nhạc sỹ Phan Nhân (1930 - 2015). Ảnh: wikipedia.com
Nhạc sỹ Phan Nhân (1930 – 2015). Ảnh: wikipedia.com

Theo wikipedia.com, nhạc sỹ Phan Nhân tên thật là LiêuNguyễn Phan Nhân. Ông sinh ngày 15.05.1930 tại thành phố Long Xuyên, tỉnh An  Giang. Năm 1954, sau hiệp định Geneve, ông tập kết ra Bắc và tham gia sinh hoạt âm nhạc ở miền Bắc. Như vậy khác với “một Hà Nội trong hoài niệm” của rất nhiều nhạc sỹ gốc Bắc di cư vào miền Nam như Phạm Duy, Nguyễn Hiền, Vũ Thành, Anh Bằng, v.v., nhạc sỹ Phan Nhân viết  về “một Hà Nội thực tại” đang phải gánh chịu nhiều khó khăn, mất mác của chiến tranh.

Dù không có nhiều cơ hội trực tiếp nói chuyện với nhạc sỹ Phan Nhân nhưng qua vài dịp tham gia sinh hoạt tại Sài Gòn, [dongnhacxua.com] dễ nhận ra nét mộc mạc, dung dị vốn có của một người miền sông nước An Giang nơi nhà nhạc sỹ.

Theo thiển ý của chúng tôi, một trong những yếu tố góp phần làm cho “Hà Nội, niềm tin và hy vọng” sống mãi trong lòng công chúng là tính chân thực. Theo chúng tôi tìm hiểu, nhạc sỹ Phan Nhân viết bản này cuối năm 1972, sau khi tận mắt chứng kiến máy bay Mỹ đánh bom miền Bắc mà đỉnh điểm là “Hà Nội 12 ngày đêm”. Khác với nhiều sáng tác ra đời ở miền Bắc vào thời kỳ này, “Hà Nội, niềm tin và hy vọng” không lên gân về chủ trương, chính sách hay ca ngợi chế độ một cách quá đáng mà chỉ diễn tả chân thực một Hà Nội vừa phải oằn mình chống chọi với bom đạn, vừa phải tìm ra “niềm tin và hy vọng” để vượt qua sự tàn khốc của chiến tranh, để mong một ngày quê hương Việt Nam hòa bình và tự do đúng nghĩa!

[footer]

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *