Trong làng nhạc Việt, tài năng phổ thơ của nhạc sỹ Phan Huỳnh Điểu xứng đáng được xếp vào một trong những vị trí cao nhất. Hôm nay [dongnhacxua.com] xin mạn phép đăng lại bài viết của nhà báo Hà Đình Nguyên để người yêu nhạc xưa hiểu thêm về bản “Ở hai đầu nỗi nhớ”, một bản tình ca đẹp dựa trên bài thơ cùng tên của nhà thơ Trần Đình Chính.
BÁI THƠ ‘Ở HAI ĐẦU NỖI NHỚ’
(Nguồn: ThiVien.net)
Có một không gian nào
Đo chiều dài nỗi nhớ?
Có khoảng mênh mông nào
Sâu thẳm hơn tình thương?
Anh đang ở Pai-lin
Rừng khộp khô trong nắng
Thương em chiều mưa lạnh
Muốn gửi chút nắng hồng
Ở đầu này nỗi nhớ
Anh mơ về bên em
Ngôi sao như xuống thấp
Cho ta gần nhau hơn
Ở đầu kia nỗi nhớ
Nằm đếm tiếng mưa rơi
Đếm mấy triệu hạt rồi
Mà chưa vơi nỗi nhớ
Ở hai đầu nỗi nhớ
Yêu và thương sâu hơn
Ở hai đầu nỗi nhớ
Nghĩa tình đằm thắm hơn
(Mùa hè 1980)
(Trần Hoài Thu)
Bài thơ này là mối tình đầu của tác giả với một cô sinh viên văn khoa Sài Gòn đi cùng đoàn của Sở Thương nghiệp sang Campuchia xây dựng mạng lưới bán hàng. Năm 1984, bài thơ lần đầu được đăng trên báo Nhân Dân. Bài thơ đã được nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu phổ nhạc năm 1987. Năm 2013, bản quyền của bài thơ được bán với giá 300 triệu đồng cho ông Nguyễn Xuân Hàn.
NHỮNG BÓNG HỒNG TRONG THƠ NHẠC: Ở HAI ĐẦU NỖI NHỚ
(Nguồn: bài viết của nhà báo Hà Đình Nguyên đăng trên ThanhNien.com.vn ngày 16.09.2014)
Năm 2004, người viết có dịp gặp “nhạc sĩ của tình yêu” Phan Huỳnh Điểu, ông bảo, trong gia tài ca khúc phổ thơ của mình, một trong những bài ông tâm đắc nhất là Ở hai đầu nỗi nhớ (phổ từ thơ Trần Hoài Thu).
Trong những đêm nằm nghe tiếng mưa rơi ngoài hiên, mưa lướt trên mái nhà, mưa xuyên qua cành lá… mà bật máy, nghe Bảo Yến hát: “Đêm nghe tiếng mưa rơi, đếm mấy triệu hạt rồi, mà chưa vơi nỗi nhớ… Ở hai đầu nỗi nhớ, yêu và thương sâu hơn. Ở hai đầu nỗi nhớ, nghĩa tình đằm thắm hơn”, thì chắc là những kẻ đang yêu (chưa kể là phải cách xa) đều nghe tim mình thổn thức, nhớ nhung. Đặc biệt, có lẽ Bảo Yến là một trong những giọng ca chuyển tải được hết cái da diết, khắc khoải đầy tâm trạng của một người đang nhớ đến người yêu nơi xa xôi, diệu vợi giữa một đêm mưa thê thiết.
2 năm trước, có dịp ngồi chung xe với một số nhạc sĩ đi về Bến Tre (trong đó có nhạc sĩ Quốc Dũng – chồng của ca sĩ Bảo Yến), tôi nói với anh: “Bảo Yến hát Ở hai đầu nỗi nhớ rất tuyệt. Thích nhất là những đoạn intro, nhạc dẫn…”. Mắt Quốc Dũng sáng lên, cười bảo: “Mình phối đó!”. Vâng, quá hay, từ bài thơ đến người phổ nhạc, người phối.
Trai Hà Nội, gái Sài Gòn
Tác giả bài thơ là một nhà thơ nghiệp dư. Anh tên thật là Trần Đình Chính, sinh năm 1955 tại Hà Nội, học Trường cấp 3 Trần Phú và được lệnh nhập ngũ vào năm cuối cấp (lớp 10, năm 1973). Vào Nam chiến đấu, có lần Trần Đình Chính suýt hy sinh trong một cuộc giao tranh ở vùng tiếp giáp hai tỉnh Cần Thơ và Vĩnh Long vào giai đoạn cuối của cuộc chiến.
Cởi áo lính, Trần Đình Chính theo học Khoa Ngữ văn (Trường ĐH Tổng hợp Hà Nội). Ra trường, được nhận vào Báo Nhân Dân, rồi anh được phân công vào đoàn cán bộ, chuyên gia sang Campuchia hỗ trợ bạn làm báo (dù lúc này Chính chỉ là phóng viên thực tập).
Cùng thời gian ấy cũng có một đoàn của Sở Thương nghiệp TP.HCM sang giúp bạn xây dựng mạng lưới bán hàng. Trong đoàn này có Mai Đào, từng là sinh viên Văn khoa Sài Gòn. Tại thủ đô Phnom Penh nước bạn, định mệnh đã xui khiến Trần Đình Chính gặp và yêu Mai Đào. Ngày ấy, Chính 24 tuổi còn Mai Đào mới 20. Chàng dân Hà Nội, nàng người Sài Gòn. Tên của nàng góp cả hai loài hoa tượng trưng cho mùa xuân ở Sài Gòn và Hà Nội, và nàng cũng đẹp như hoa xuân. Phnom Penh lúc đó hoang vắng bởi bọn Pol Pot vừa tháo chạy khỏi thủ đô. Những lúc rảnh rỗi, Chính thường đưa Mai Đào đi thăm các đền chùa cổ kính. Đêm đến, đôi tình nhân sánh vai nhau ngồi ngắm sao, để sau này những giây phút ấy khắc sâu trong nỗi nhớ của Trần Đình Chính: “Ngôi sao như xuống thấp. Cho ta gần nhau hơn”.
Thế nhưng, họ chỉ hạnh phúc bên nhau khoảng một năm, bởi thời điểm mới giải phóng, còn nặng xét lại thành phần lý lịch “bên này, bên kia”. Rồi gia đình của Mai Đào phải rời Sài Gòn đi kinh tế mới ở Sông Bé, cô phải về nước phụ cha mẹ, còn Trần Đình Chính cũng được gọi về Hà Nội (tháng 4.1980) sau một năm rưỡi sống trên nước bạn.
Đêm nghe tiếng mưa rơi
Những đêm mưa ở Hà Nội luôn làm Chính vật vã, nhớ nhung đến khổ sở. Trong lòng cứ tự hỏi “Người ấy bây giờ ra sao rồi?”. Nằm ở Hà Nội mà nghĩ về một nơi nào đó ở Sông Bé – cả một không gian cách trở (dạo ấy, điều kiện giao thông còn rất hạn chế).
Và, vào một đêm mưa Hà Nội với nỗi nhớ cồn cào như thế, Trần Đình Chính đã ngồi bật dậy làm thơ: “Có một không gian nào/Đo chiều dài nỗi nhớ?/Có khoảng mênh mông nào/Sâu thẳm hơn tình thương?/Anh đang ở
Pha-lin(*)/Rừng khộp khô trong nắng/Thương em ngoài ấy lạnh/Muốn gởi chút nắng rừng/Chào Phnom Penh mến yêu… Ở đầu này nỗi nhớ/Anh mơ về bên em/Ngôi sao như xuống thấp/Cho ta gần nhau hơn/Ở đầu kia nỗi nhớ/Nằm đếm tiếng mưa rơi/Đếm mấy triệu hạt rồi/Mà chưa vơi nỗi nhớ/Ở hai đầu nỗi nhớ/Yêu và thương sâu hơn/Ở hai đầu nỗi nhớ/Nghĩa tình đằm thắm hơn” (Mùa hè 1980).
Bài thơ được làm trong 8 phút. Dưới bài thơ, anh ký tên Trần Hoài Thu (sau này anh lấy bút danh đặt tên cho con gái). Bốn năm sau (1984), bài thơ được đăng trên Báo Nhân Dân. Năm 1987, bài thơ “lọt vào mắt xanh” của nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu và với khả năng phổ nhạc bậc thầy, “Nhạc sĩ của tình yêu” (danh hiệu này do nhạc sĩ Nguyễn Xuân Khoát đặt cho) đã chắp cánh cho bài thơ phổ nhạc bay cao, bay xa…
Cho đến bây giờ, hơn 30 năm sau, không ai biết “người đẹp mang tên hai loài hoa xuân” đang ở đâu giữa dòng đời xuôi ngược. Riêng tác giả bài thơ thì lại có một cuộc đời đầy trắc trở, một hậu sự buồn: cuộc hôn nhân đầu đổ vỡ, sau đó anh tái hôn với một nữ đồng nghiệp còn khá trẻ. Nhưng hạnh phúc chưa được bao lâu thì anh phát hiện bị chứng bệnh tiểu đường giai đoạn cuối. Anh lìa trần ngày 9.5.2014, thọ 60 tuổi.
Hà Đình Nguyên
[footer]