Đèn khuya (Lam Phương)

Chúng ta đang ở vào những ngày giữa tháng 7 Âm Lịch, tức vào mùa Vu Lan Báo Hiếu. Trước đây Dòng Nhạc Xưa đã có bài viết về “Bông hồng cài áo” (Phạm Thế Mỹ – Nhất Hạnh)“Lòng mẹ” (Y Vân). Hôm nay chúng tôi trân trọng giới thiệu một nhạc phẩm đặc sắc khác về tình mẫu tử: bản “Đèn khuya” của nhạc sĩ Lam Phương. Là anh cả trong gia đình, hơn mười tuổi phải sớm lìa bỏ quê nhà Rạch Giá để lên Sài Gòn kiếm sống, cộng với nỗi mất mát tình cảm với người cha, cậu bé Lâm Đình Phùng (tên thật của nhạc sĩ Lam Phương) dồn hết cả tình thương cho mẹ, người phải gánh vác trách nhiệm với cả gia đình. Có lẽ chính vì điều ấy mà trong một đêm mưa, nhà nhạc sĩ đã cảm tác nên “Đèn khuya”.

Đèn khuya (Lam Phương). Ảnh: vnchord.com
Đèn khuya (Lam Phương). Ảnh: vnchord.com
den-khuya--1--lam-phuong--vnchord.com--dongnhacxua.com

HOA THÁNG BẢY 
(Nguồn: bài viết của tác giả Phạm Đăng Thuyên viết trên Tuổi Trẻ Cuối Tuần ra ngày 30.08.2015)

TTCT …. Nhưng chỉ sau hai năm cậu đi làm, người mẹ còn trẻ măng như cậu nghĩ mắc một cơn bạo bệnh và qua đời rất nhanh. Cậu choáng váng.

Minh họa: Bích Khoa
Minh họa: Bích Khoa

Cách nay mấy năm tôi nhận được một thư điện tử của một bạn trẻ không quen biết. Sau khi chào hỏi, cậu kể cho tôi nghe một câu chuyện khiến tôi phải lưu lại bức thư này trong hộp thư luôn phải dọn dẹp của mình.

Cậu kể: “Hai năm trước, em tốt nghiệp và có việc làm ngay. Ngành học của em lúc đó đang thịnh, em lại nhanh nhẹn và học hỏi nhanh nên may mắn chỉ sau một năm là được nhận vào một khâu quan trọng và mang được lợi nhuận cho nơi làm việc. Em sung sướng trong thế giới mới này.

Em yêu một cô khá xinh và được yêu. Em có thu nhập cao dần lên mỗi tháng và bắt đầu biết ăn diện. Em thường xuyên ra ngoài ăn với bạn bè và đối tác, những nhà hàng nổi tiếng đều đến ăn thử. Cuộc đời không có gì đẹp bằng!”.

Đó là phần mở đầu bức thư. Cậu có một bà mẹ chỉ ở độ tuổi hơn năm mươi, một người chị chưa lập gia đình. Dù rất yêu thương họ, mỗi tuần cậu ăn cơm chung với mẹ và chị độ hai lần. Có lần cô chị bảo rằng mẹ rất thích ăn cơm với em, nghe em kể chuyện đi làm ra sao. Cậu tươi cười bảo mới đi làm nên cần giao tiếp với nhiều người. Để công việc rảnh rỗi cậu sẽ siêng về nhà ăn cơm với mẹ và chị như hồi còn đi học.

Câu chuyện đơn giản như vậy. Nhưng chỉ sau hai năm cậu đi làm, người mẹ còn trẻ măng như cậu nghĩ mắc một cơn bạo bệnh và qua đời rất nhanh. Cậu choáng váng. Một năm sau nữa, công việc của ngành cậu ngày càng khó khăn. Cuối cùng, đồng lương của cậu chỉ là con số nhỏ. Các đối tác rút dần, bạn bè không mấy ai mời nhau đi ăn và cậu không còn khả năng lui tới với họ.

Điều an ủi duy nhất là cô bạn gái vẫn không bỏ rơi cậu và cậu cảm kích điều ấy. Tuy nhiên, cả hai trở nên lặng lẽ hơn. Và có một điều gì đó khiến cậu thấy hai năm vừa qua như một thứ ảo ảnh, như bọt nước.

Những buổi tối về ăn cơm cùng với chị, bên bàn thờ mẹ và người cha mất sớm, cậu hồi tưởng những năm đi học trung học rồi đại học. Những món mẹ nấu đơn giản nhưng đầy yêu thương. Rồi cậu nhớ đến một ngày giỗ ba, mẹ cậu đọc bài thơ ba viết tặng mẹ hồi còn trẻ. Thơ viết rất dí dỏm và cả ba mẹ con cùng cười, và thấy có cả giọt nước mắt trong khóe mắt của mẹ lúc cười vui ấy.

Câu chuyện của cậu như rất nhiều câu chuyện trên đời này, lặp đi lặp lại. Chúng ta luôn cứ phải hối tiếc khi mất đi điều yêu dấu nhất. Nhưng khi có nó trong tay, chúng ta luôn hờ hững và nghĩ rằng mình sẽ dành thời gian cho điều ấy, người ấy, việc ấy vào một lúc khác.

Chúng ta đeo đuổi những đam mê nghĩ là chính đáng cho cuộc đời cho đến khi nó trở nên vô nghĩa vì những điều khác xảy đến…

Tôi cũng có lúc như cậu bạn này nên không dám phán xét. Bức thư chỉ khiến tôi nhớ mẹ.

Khi nằm trên giường bệnh vào những ngày mưa thu tháng bảy như năm nay, má tôi vui khi hai người chị của tôi, chị ruột và chị dâu, vào thăm má. Hai chị mới vừa từ một ngôi chùa ra về, mục đích là cầu xin Phật trời cho má tôi được khỏe mạnh.

Vào thăm má, trên ngực áo của chị dâu còn mang một bông hồng trắng mà nhà chùa đeo cho vì đã mất mẹ. Còn trên áo chị ruột của tôi là một bông màu hồng. Nhìn màu bông hồng bên cạnh khí sắc nhợt nhạt của má, tôi chợt rùng mình như trước mắt mình màu hồng như muốn ngả sang nhợt nhạt.

Hồi xưa khi tôi còn nhỏ, mỗi buổi chiều nghỉ bán là má lại làm những bịch nước trái cây từ múi mít, trái thơm bào ra và nước đường. Má để trong tủ lạnh, đợi con nít hàng xóm sang mua. Mỗi ngày lũ con đi học về là lại lục tủ lạnh lấy một bịch để uống.

Thấy má cực thân, ông anh bảo không nên làm chi nữa, con cái uống hết có lời lóm gì. Má bảo con cái có mà uống chính là có lời, còn gì nữa. Má từ chối lời khuyên nên dùng đường hóa học cho rẻ, không phải vì con mình cũng uống mà vì má nghĩ như vậy là “mang tội”. Tội với ai? Tội với trời Phật vì đã đầu độc người khác.

Má sống với niềm tin thông thường là ở hiền gặp lành, gieo nhân tốt gặt quả tốt. Má giữ nghiêm ngặt những phong tục cũ, không ăn cá da trơn, không ăn thịt chó, không ăn thịt ếch, thịt chim hay thịt lươn, chỉ vì muốn món ăn nào cho cả nhà ăn đều “lành” theo cách nghĩ của má. Má chu toàn cuộc sống gia đình từ những món ăn quen thuộc, độ đạm vừa phải và không bị kiêng kỵ.

Đến thời bao cấp, má không tiếc những bao mì gửi cho thằng bạn của con khi nó đến nhà chơi, mặt xanh rớt vì đói ăn trong khi cha đang đi học tập cải tạo. Ngày tết má làm nhiều mứt dừa, nấu nhiều xirô. Không phải chỉ để cho con ăn, má biết lũ học trò trường mồ côi S.O.S mà ông anh làm hiệu trưởng sẽ kéo đến đầy nhà và chúng sẽ có một bữa ăn uống thỏa thích. Má cứ nghĩ và sống theo kiểu như vậy.

Những ngày má nằm trên giường bệnh, nhà tôi sát bên vách nên mỗi ngày qua thăm má năm bảy lần, bất cứ khi nào rảnh. Thăm và bóp chân tay cho má hoặc chỉ ngồi trông má ngủ. Lúc đó má đã lẫn, luôn trách ba tôi không chịu lên thăm bà trong khi ông đã ra đi trước đó nửa năm rồi.

Nhiều lần má lại mơ về hồi còn nhỏ, những năm thập niên 1930. Bà sụt sùi xin ông anh cả đừng đánh bà nữa. Đó là những chuyện xảy ra trong căn nhà của ông ngoại tôi bên Vĩnh Hội, quận 4 thuở xa xưa thời Pháp thuộc. Bà thường thấy hai ông đến rủ bà đi đâu nữa, trong đó có một ông mặt rất to. Chị người làm nghe vậy rất sợ vì theo chị đó là ông Địa Tạng về muốn đưa đi.

Có buổi sáng chủ nhật tôi qua thăm má và ngồi chơi độ hai giờ. Sau đó tôi về ăn cơm, ngủ một chút và lại qua má. Trời mưa lướt thướt, tôi vào phòng và thấy má cứ ngồi đó, tạo hình một bóng đen thẫm trên nền cửa sổ mưa trắng xóa sau cửa kính.

Tôi hỏi chị tôi: “Má không ngủ sao?”. Chị bảo: “Má không ngủ, bảo ngồi đây đợi em đó. Má bảo sao lâu quá, mấy ngày rồi nó không qua thăm!”.

Tôi ngồi xuống ôm má, tựa đầu mình vào mái đầu bạc của má và cảm thấy bao nhiêu ký ức và ân tình trôi qua vùn vụt trong đầu, từ ngày tôi còn nhỏ được má chăm sóc miếng ăn tấm áo, lăn bột pha giấm trên lưng khi bị sốt, tha đi bác sĩ khi sưng chân, dắt qua ngôi chợ má bán và mua cho đĩa bánh cuốn, chén chè đậu.

Tôi đọc lại bức thư và thấy mình không biết trả lời hay khuyên nhủ gì. Chúng ta có khác gì nhau, những người luôn cuốn hút về vũ khúc quay cuồng của cuộc đời, các bữa ăn, họp mặt, Facebook và có nhiều lúc quên đi người duy nhất trên đời này banh da xẻ thịt vì ta và luôn thương yêu ta vô điều kiện.

Phạm Đăng Thuyên

Một bình luận về “Đèn khuya (Lam Phương)”

  1. Vo cung xuc dong khi doc nhung loi tam su cua tac gia .Khong co su mât mat nao lon lao bang mat đâng sinh thanh .Xin duoc chia se voi tac gia nhung dong nuoc măt

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *