Theo dấu tờ nhạc xưa (Nguyễn Vinh)

Dòng Nhạc Xưa đã có lần giới thiệu về tờ nhạc, tức các bản nhạc được nhạc sỹ hay nhà xuất bản cho in dưới dạng một khuôn nhạc bìa cứng, thường là có 4 mặt: trang bìa với tên tác phẩm và hình ảnh minh họa, hai trang giữa là khuôn nhạc và trang cuối là thông tin giới thiệu các bản khác hay các chương trình đại nhạc hội. Để bạn đọc xa gần có thêm thông tin, chúng tôi xin đăng bài viết của tác giả Nguyễn Vinh viết trên Thời Báo Kinh Tế Sài Gòn.

Thu sầu (Lam Phương). Ảnh: AmNhacMienNam.blogspot.com
Thu sầu (Lam Phương). Ảnh: AmNhacMienNam.blogspot.com

thu-sau-1-lam-phuong-amnhacmiennam-blogspot-com-dongnhacxua-com thu-sau-2-lam-phuong-amnhacmiennam-blogspot-com-dongnhacxua-com thu-sau-3-lam-phuong-amnhacmiennam-blogspot-com-dongnhacxua-com

THEO DẤU TỜ NHẠC XƯA
(Nguồn: bài viết của tác giả Nguyễn Vinh đăng trên Thời Báo Kinh Tế Sài Gòn ngày 2016-10-23)

Tờ nhạc xưa. Ảnh: Nguyễn Vinh
Tờ nhạc xưa. Ảnh: Nguyễn Vinh

1. Bên cạnh sách báo cũ, thì những tờ nhạc ấn hành trước năm 1975 đang có một đời sống khác sau vài chục năm gần như bị lãng quên trong các xó tủ gia đình.

Nhạc sĩ Phạm Duy sau khi mới về nước định cư đã có ý định “ôn lại” hành trình âm nhạc của mình qua các ca khúc. Lúc bấy giờ, một số đêm nhạc Phạm Duy cũng được tổ chức ở Hà Nội, Sài Gòn. Một số ý tưởng in lại tư liệu âm nhạc cũng được ông chuẩn bị thực hiện. Phạm Duy bắt đầu làm một việc ít ai hiểu: lân la tìm kiếm những tờ nhạc rời tác phẩm của ông đã được xuất bản trước đây. Ông tìm đến L.T.T, một người trẻ có bộ sưu tập hàng ngàn tờ nhạc cũ và ngỏ ý mượn. Ái mộ nhạc sĩ Phạm Duy đã lâu, nay được gặp và hợp tác trong công việc, nghe nói, anh T. sẵn lòng cung cấp tất cả những tờ nhạc mà nhạc sĩ cần, chỉ với một điều kiện: “Nhờ bác ký lên các tờ nhạc để cháu giữ làm kỷ niệm”. Ông Phạm Duy vui vẻ đồng ý.

Sau sự việc này, anh T có một bộ sưu tập tờ nhạc mà hiếm ai trong giới chơi tờ nhạc có được.

Những câu chuyện tương tự như thế trong giới chơi tờ nhạc, không hiếm. Khi các nhạc sĩ đi tìm văn bản tác phẩm cũ của mình, các nhà nghiên cứu, khảo cứu đụng chạm đến “món” này, không thể đủ sức ra chợ trời sách cũ để mua hết những thứ mình cần. Mà có mua, chắc sẽ vô cùng tốn kém, khi giá những tờ nhạc rời ngày càng tăng theo độ lành lặn, sự quý hiếm của loại nhạc, tác giả, nhà xuất bản và năm xuất bản (càng xưa càng quý). Hầu hết những bản nhạc in vào khoảng năm 1950-1960 của Văn Cao và những thế hệ nhạc sĩ trước đó đến nay, mức giá có khi nhảy đến trên gần 300.000/tờ. Tờ nhạc Phạm Duy, Trịnh Công Sơn (không quá hiếm) nhưng bày bán tại các album ở đường sách Nguyễn Văn Bình hay trong những chợ phiên sách cũ gần đây, giá lên đến 150.000 đồng/tờ. Còn lại, những tờ nhạc của các nhạc sĩ miền Nam, nhạc Tây lời Việt không quá khó kiếm thì giá giao động từ 60.000-100.000 đồng/ tờ. Tìm người có tâm huyết sưu tập không vì mục đích kinh doanh để mượn, sao chụp, ghi chép là việc không mấy dễ dàng.

Càng thế, giá của loại ấn phẩm này càng tăng. Cách đây không lâu, do cần cho việc khảo cứu, người viết ghé qua một tiệm sách cũ trên đường sách Nguyễn Văn Bình và mua một số tờ nhạc của Hoàng Nguyên bị nhàu rách, mối mọt ăn nham nhở với giá 75.000 đồng/tờ. Có lẽ những người bán sách, tờ nhạc cũ thừa biết khi người ta quá cần những thứ quá hiếm, thì đôi khi cũng bấm bụng rằng thì là “giá cả không thành vấn đề”.

2. Những người sống ở Sài Gòn trước năm 1975 còn kể lại về thú chơi tờ nhạc khá thú vị của thị dân. Tờ nhạc được in bởi Khai Sáng, Thanh Hương, Tinh Hoa, Nhạc Mới, Diên Hồng, quán nhạc Mỹ Hạnh,… và phát hành ở các sạp dọc đường Lê Lợi, Công Lý (quận 1). Cũng có những loại tờ nhạc do các nhạc sĩ tự đứng ra in và phát hành lấy. Ví dụ chùm ca khúc Một ngày vui mùa đông, Vũng lầy của chúng ta, Tình khúc cho em một thời rất nổi tiếng của Lê Uyên – Phương, theo lời kể của ca sĩ Lê Uyên, là vào năm 1972, bà tự đi kiếm nhà in gần Bệnh viện Chợ Rẫy để in lấy và phát hành.

Ngày đó, dân học nhạc mua tờ nhạc thì đã đành, mà người bình dân cũng ghé mua về đọc, nghêu ngao hát hay làm quà tặng kỷ niệm. “Giá những tờ nhạc rẻ rề, in lại đẹp, nên có người mua mỗi lần cả xấp vài trăm tờ để trong nhà. Đôi khi là một thói quen, như đọc nhựt trình, đọc sách hàng ngày vậy thôi”, ông Nghiêm, một người sống ở Sài Gòn trước năm 1975, kể.

Nói đến giá trị của tờ nhạc xưa, giới sưu tập có thể phân tích hàng buổi. Ví dụ chỉ riêng chuyện làm bìa, vẽ bìa cũng là một việc đầy công phu. Nhiều người yêu tờ nhạc cũng bởi mê bìa. Bìa tờ nhạc thường được trình bày đẹp, sử dụng hình ảnh chân dung chính ca sĩ hát ca khúc đó hoặc là tranh vẽ. Hai họa sĩ trình bày bìa tờ nhạc nổi tiếng ở Sài Gòn trước năm 1975 là Duy Liêm và Kha Thùy Châu. Có những nơi phát hành đã dùng đi dùng lại tranh của hai họa sĩ này cho nhiều ca khúc. Cũng có những bìa được họa sĩ trình bày vẽ… sai chính tả, tuy nhiên vì yêu mến, công chúng vẫn chấp nhận và cất giữ hàng vài chục năm, cả nửa thế kỷ đôi khi vì quá yêu ca khúc bên trong hay gắn bó với một kỷ niệm nào đó trong cuộc đời.

Một chuyện khác mà giới chơi tờ nhạc thường kể với nhau để ôn chuyện cũ, nếp sống cũ đó là có những tờ nhạc làm giàu cho ông nhạc sĩ. Ví dụ tờ nhạc tạo ra hiện tượng “best seller” đó là Thành phố buồn của Lam Phương ấn hành năm 1973, do Sống (sân khấu kịch của vợ chồng Lam Phương – Túy Hồng) xuất bản và Khai Sáng (91 Ter, Công Lý – Lê Lợi, Sài Gòn) độc quyền phát hành đã bán được 12 triệu đồng. Cho thấy mức tiêu thụ loại sản phẩm văn hóa này là không nhỏ, bên cạnh các ấn phẩm văn hóa như sách, báo…

3. Lùng tìm tờ nhạc xưa là một cái thú nhưng cũng không kém nhọc nhằn với những người làm khảo cứu có “dính dáng” đến loại ấn phẩm này. Khi gặp những nhà sưu tập hào sảng, thì chuyện cho mượn cả một kho về sao lục, tìm kiếm là vô cùng dễ dàng. Có khi gặp người thơm thảo, trong bộ sưu tập có vài bản trùng nhau thì biếu không để “tàng” là bình thường. Nhưng cũng có khi gặp phải những người sưu tập để buôn bán, thì lại là chuyện khác. Chuyện hét giá lên mây hay làm ra kiểu cách khắt khe như giữ bảo bối thì cũng phải thông cảm mà chịu đựng (miễn sao được việc).

Chưa có một tàng thư hay phòng sưu tập chính thức nào chuyên lưu giữ những tài liệu văn bản âm nhạc dạng này ở Việt Nam nói chung, Sài Gòn nói riêng một cách đầy đủ. Nhưng những tờ nhạc thời Sài Gòn trước năm 1975 vẫn rải rác được tìm thấy trong một số thư viện nhà nước. Tiếc thay, đa số chúng lại nằm ở kho sách hạn chế, chưa được phổ biến. Việc tiếp cận đòi hỏi thủ tục hành chính nhiêu khê. Việc sao chụp cũng thế. Và khá tốn kém (Thư viện Tổng hợp TPHCM chụp mỗi trang tờ nhạc cũ dạng này thu phí 10.000 đồng). Càng có lý để trên thị trường những tờ nhạc cũ càng trở nên quý và đắt đỏ.

Nhưng với nhiều người, đã vào “cuộc chơi” phong lưu một thuở thì chuyện ấy nào có sá gì!

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *