Phòng trà ca nhạc Sài Gòn xưa (3): Danh ca đất bắc thành danh ở phương nam (Lê Văn Nghĩa)

Trước năm 1954, nhiều ca nhạc sỹ đã nhen nhóm hình thành phong trào phòng trà ở đất Bắc. Sau 1954, theo làn sóng di cư, những nghệ sỹ gốc Bắc tiếp tục phát triển và làm rực rỡ các phòng trà ca nhạc ở miền Nam tự do. Chúng tôi xin nối tiếp loạt bài viết có giá trị của ký giả lão thành Lê Văn Nghĩa để giới thiệu nhạc sỹ Phạm Đình Chương và phòng trà Đêm Màu Hồng huyền thoại.

PHÒNG TRÀ CA NHẠC SÀI GÒN XƯA: DANH CA ĐẤT BẮC THÀNH DANH Ở PHƯƠNG NAM
(Nguồn: bài viết của tác giả Lê Văn Nghĩa đăng trên ThanhNien.vn ngày 2016-10-26)

Hồi tưởng lại Hà Nội

Ban hợp ca Thăng Long: Thái Thanh, Hoài Bắc, Hoài Trung. Ảnh: ThanhNien.vn
Ban hợp ca Thăng Long: Thái Thanh, Hoài Bắc, Hoài Trung. Ảnh: ThanhNien.vn

Đêm Màu Hồng dùng ánh sáng màu hồng không đỏ, không chói gắt. Nhiều người từng nói rằng đến Đêm Màu Hồng để hồi tưởng lại Hà Nội. Tiếng hát gia đình Thăng Long đã gợi lại cho người nghe nhiều kỷ niệm êm đềm về 36 phố phường. Thăng Long là ban hợp ca điêu luyện và trình diễn sang trọng nhất theo nhận định của giới sành nhạc. Ban này thành lập năm 1949 ở Hà Nội, gồm Hoài Bắc, Hoài Trung, Thái Hằng, Khánh Ngọc và Thái Thanh. Năm 1951, họ di cư vào nam và trình diễn tại Sài Gòn đến 1975, gắn liền với phòng trà Đêm Màu Hồng. Ban hợp ca trình bày những nhạc phẩm bất hủ của các nhạc sĩ đã nổi danh từ thời tiền chiến, nổi bật là Phạm Đình Chương và Phạm Duy.

Từ khi “nhập cư” Sài Gòn, Hoài Trung, Hoài Bắc, Thái Thanh và Thái Hằng đã làm “nóng” các sân khấu đại nhạc hội qua các bản hợp ca vui tươi, dí dỏm như Ngựa phi đường xa của Lê Yên, Tiếng dân chài của Phạm Đình Chương… Họ hợp ca bản nào là bản đó nổi lên một sắc thái đậm đà như những món gia vị bỏ vào tô phở. Có phải vì vậy mà giới ca nhạc phòng trà đã gọi họ bằng những cái biệt hiệu thật ngộ nghĩnh: Hoài Chanh, Hoài Ớt, Thái Tiêu, Thái Hành.

Người đến Đêm Màu Hồng nhận xét Thái Thanh là giọng ca không có tuổi, giọng hát ca dao tình tự đã làm rung động nhiều lớp người. Trong số những người rung động về thanh và sắc của Thái Thanh có nhà văn M.T. Ông đã viết bài ca ngợi Thái Thanh và si mê nữ danh ca ấy. Chẳng may, nhà văn đã bị Lê Quỳnh – chồng của Thái Thanh – đánh tại phòng trà Đêm Màu Hồng, gây ra dư luận một thời.

Tam ca nữ nổi danh

Tam ca Đông Phương: Tuyết Hằng, Thu Hà, Hồng Vân. Ảnh: ThanhNien.vn
Tam ca Đông Phương: Tuyết Hằng, Thu Hà, Hồng Vân. Ảnh: ThanhNien.vn

Ngoài ban hợp ca Thăng Long, còn có ban tam ca Đông Phương là ban tam ca độc quyền của Đêm Màu Hồng. Đây là ban tam ca nữ đầu tiên hát nhạc dân ca ba miền nên nổi tiếng rất nhanh. Khi thành lập, những cô gái trong ban tam ca đã xác định “đường lối” là chỉ trình bày những nét tinh anh của dân ca cổ truyền bằng nghệ thuật hòa âm hiện đại. “Một hướng đi khác lạ khi năm 1971 nhạc nước ngoài gần như xâm chiếm thị trường âm nhạc cộng với những bài ca được ra đời trong tình trạng đẻ non thiếu tháng. Phong trào du ca và dân ca thì lại quá nhỏ hẹp”, tác giả Ngọc Hoài Phương viết trong tờ Kịch ảnh số 457. Mỗi đêm tại phòng trà Đêm Màu Hồng họ đều hát ít nhất ba bài dân ca của ba miền Bắc – Trung – Nam. Quan họ Bắc Ninh xen với một bài Lý con sáo xứ Quảng và bài Lý con quạ miền Nam. Ba cô đều mặc áo dài, khăn đóng trông rất nền nã. Ban tam ca này có vốn liếng là 50 bài dân ca đã soạn sẵn hòa âm. Sự thành công của ban tam ca một phần là nhờ công của nhạc sĩ Phạm Trọng Cầu soạn hòa âm trên 20 bài.

Ban tam ca Đông Phương có lối trình diễn độc đáo nên cũng có một số khán giả chọn lọc. Phần lớn khán giả tới nghe dân ca là nghệ sĩ, giới trí thức, sinh viên. Nói chung là giới có trình độ thưởng ngoạn cao.

Đầu tiên là giọng ca Hồng Vân – tiếng hát của một cô gái miền Trung, giọng thanh, trong, thường giữ bè chính, luôn đứng giữa khi trình diễn. Ngoài giờ ca hát, cô là công chức tại Trung tâm học liệu Bộ Giáo dục. Hồng Vân tự học nhạc từ nhỏ. Năm 1967 bắt đầu ngâm thơ và hát ở đài phát thanh, truyền hình. Thoạt đầu cô là biên tập viên của đài phát thanh, thử hát chơi trong chương trình nhạc chủ đề của Vũ Đình Toàn và Vũ Thành An. Năm 1968, nhạc sĩ Hùng Lân từ Mỹ về đang có khuynh hướng phát triển dân ca, dân nhạc nên đã hướng dẫn Hồng Vân vào con đường nhạc dân ca. Lúc ấy, ngoài giờ hát với ban tam ca, khi lên hát trên ti vi, cô cũng chọn hát dân ca – con đường đi riêng của mình cho đến sau năm 1975, giọng hát này vẫn không gì thay đổi.

Kế đến là Tuyết Hằng – ca sĩ người miền Nam, giọng nữ cao. Tên thật là Nguyễn Thị Quyên, vợ của Nguyễn Cao Hoàn (nhạc sĩ cố vấn cho ban tam ca). Xuất thân từ Trường Quốc gia âm nhạc nhưng cô đi hát chỉ là nghề phụ vì công việc chính là xướng ngôn viên đài phát thanh.

Sau cùng là giọng ca Thu Hà – một giọng trầm đặc biệt. Cô có tên thật là Nguyễn Thị Minh Nguyệt, con gái Hà Nội. Học nhạc với các sơ Trường Notre Dame des Missions Thanh Hóa, khi di cư vào nam học nhạc với Hùng Lân. Thu Hà đi hát chỉ là nghề phụ vì còn là một cô giáo.

Mặc dầu có hai ban hợp ca thuộc loại đình đám, không đụng hàng như vậy nhưng nhạc sĩ Hoài Bắc đã cho chương trình thay đổi bằng ban tứ ca “Bốn anh em nhà Dalton” với Ngọc Thi, Nhật Bằng, Hoài Trung và Hoài Khanh. Họ trình diễn những bản nhạc ngoại quốc vui nhộn, trẻ trung đem đến cho Đêm Màu Hồng một không khí mới lạ.

Lê Văn Nghĩa

 

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *