Dòng Nhạc Xưa đã đôi lần tôn vinh tài phổ thơ của nhóm Lê Minh Bằng nói chung và nhạc sỹ Anh Bằng nói riêng. Thế nhưng đạt đến đỉnh cao nghệ thuật với việc đưa một tiểu thuyết thành một nhạc phẩm bất hủ như trường hợp ‘Truyện tình Lan & Điệp” thì có lẽ là một hượng tượng độc nhất vô nhị trong tân nhạc Việt Nam. Chúng tôi xin trân trọng giới thiệu bài viết của tác giả Trần Chí Phúc để người yêu nhạc hiểu rõ hơn về Anh Bằng cùng nhóm Lê Minh Bằng huyền thoại.
Kỷ niệm về nhạc sĩ Anh Bằng – Chuyện Tình Lan Và Điệp 1
(Nguồn: bài viết của tác giả Trần Chí Phúc đăng trên sbtn.tv ngày 2015-11-19)
Đi ngược thời gian một chút, lúc còn học lớp tiếp liên – lớp luyện thi vào đệ thất trường công lập; tôi là trưởng ban văn nghệ, sang lớp con gái dự tiệc liên hoan cuối năm, hát bản Chuyện Tình Lan Và Điệp 1 sai mấy chữ bị chọc quê, nhớ mãi.
Lúc đó khoảng thập niên 60, ba bản Chuyện Tình Lan Và Điệp 1, 2, 3 của Mạc Phong Linh Mai Thiết Lĩnh rất ăn khách, tên tác giả nghe ngồ ngộ giống như trong truyện kiếm hiệp Tầu.
Mãi sau năm 1975, khi sang Hoa Kỳ tìm hiểu mới biết đó là nghệ danh của nhóm Lê Minh Bằng gồm nhạc sĩ Lê Dinh, Minh Kỳ và Anh Bằng. Thời Việt Nam Cộng Hòa, bài hát muốn phổ biến rộng rãi chỉ bằng cách hát trên đài phát thanh Sài Gòn cho cả nước nghe và có lệ rằng không phát bài hát của một nhạc sĩ nhiều lần mà phải chia đều cho các tác giả khác. Do đó nhóm Lê Minh Bằng đã dùng nhiều bút hiệu khác nhau như Mạnh Quỳnh (Gõ Cửa), Mai Bích Dung (Linh Hồn Tượng Đá), Dạ Cầm (Kiếp Cầm Ca), Vũ Chương (Ngày Tròn Tuổi Lính)…
Nhạc sĩ Minh Kỳ là quân nhân cấp bậc đại úy, Lê Dinh là công chức đài phát thanh Sài Gòn và Anh Bằng làm nghề tự do. Trong một lần kể chuyện xưa, nhạc sĩ Anh Bằng nói là trong nhóm chung 3 người thì ông sáng tác nhiều nhất, nhưng tác phẩm tung ra thì phải ghi tên tác giả do nhóm đặt.
Nếu kể những nhạc phẩm nổi tiếng của nhóm Lê Minh Bằng thì có bản Đêm Nguyện Cầu: “Hãy lắng tiếng nói vang trong tâm hồn mình người ơi. Con tim chân chính không bao giờ biết nói dối..”
Các liên khúc Chuyện Tình Lan Và Điệp 1, 2 , 3 cũng rất ăn khách. Nhạc sĩ Anh Bằng kể rằng trong một đêm hè ở Sài Gòn thập niên 60, trời nóng, ông phải ngồi trong mùng vì tránh muỗi đốt, ngồi ôm cây ghi ta mà sáng tác bản Chuyện Tình Lan Và Điệp 1. Có cô gái hàng xóm ái mộ ông, sang xin phép vợ ông để ngồi quạt cho nhạc sĩ Anh Bằng viết nhạc. Ông thức tới gần sáng và hoàn tất ca khúc nổi tiếng này. Mệt quá ông ngủ thiếp đi và khi tỉnh dậy thì cô gái đã đi về.
Chuyện Tình Lan Và Điệp 1: “Tôi kể người nghe chuyện Lan và Điệp một chuyện tình cay đắng. Lúc tuổi còn thơ tôi vẫn thường mộng mơ đem viết thành bài ca…” ra đời và rất thành công, phổ biến khắp nơi, ngay cả tuồng cải lương cũng hát bài này.
Bản Chuyện Tình Lan Và Điệp 2 thì Anh Bằng viết chung với Lê Dinh. Nhưng bản số 1 vẫn là hay nhất và được ưa chuộng nhất, theo một qui luật là cái gì tiếp theo thì mờ nhạt và cái đầu tiên vẫn là ấn tượng nhất.
Ông bảo muốn làm nhạc tình hay thì phải có chút tình cảm chứ không nó khô khan lắm. Khi hỏi về bản Anh Còn Nợ Em phổ thơ Phan Thành Tài thì ông cười nhẹ, mình còn nợ các cô nhiều lắm. Thời Sài Gòn, ông kể rằng, có những cô gái ái mộ tới nhà xin phép vợ nhạc sĩ Anh Bằng để đưa ông đi chơi vài tiếng và được chấp thuận. Có lẽ muốn cho người nhạc sĩ có chút cảm hứng để viết tình ca.
Được hỏi có bao nhiêu ca khúc đã sáng tác thì ông bảo nhiều lắm, trên trang mạng viết về Anh Bằng ghi còn thiếu sót. Ông còn nhiều ca khúc chưa phổ biến, cho dù sau này ông mất đi thì số bài nhạc mới còn dùng cho nhiều năm sau.
Thính giác của Anh Bằng kém phải dùng máy trợ thính nên phải nói lớn ông mới nghe được, nhưng không vì thế mà sức sáng tác nhạc của ông giảm, trái lại còn hăng say hơn bình thường.
Nếu nhạc sĩ Phạm Duy thời trước năm 1975 chuyên tìm những bài thơ mới phổ nhạc và phổ biến rất thành công thì sang Hoa Kỳ sau năm 1975 nhạc sĩ Anh Bằng là người tiếp tục làm công việc chắp cánh cho thơ cũng rất thành công.
Ông bảo mình già rồi, viết lời ca tình yêu trai gái kỳ lắm, cho nên phải mượn thơ đặt lời cho ca khúc. Những nhạc phẩm của Anh Bằng phổ thơ, hoặc lấy ý thơ rất thành công như Chuyện Hoa Sim (thơ Hữu Loan), Chuyện Giàn Thiên Lý (thơ Yên Thao), Khúc Thụy Du (thơ Du Tử Lê), Anh Còn Nợ Em (thơ Phan Thành Tài)…
Khi sang Hoa Kỳ năm 1975, lúc đầu nhạc sĩ Anh Bằng phổ biến những ca khúc cũ của nhóm Lê Minh Bằng, nhưng Minh Kỳ đã mất, Lê Dinh thì ở Canada cho nên ông thành lập trung tâm Dạ Lan rồi chuyển sang trung tâm Asia cho đến hôm nay.
Lúc còn ở Sài Gòn, ông ở trong nhóm Lê Minh Bằng, có điều kiện thuận tiện để phổ biến các sáng tác của mình. Khi sang Hoa Kỳ nhạc sĩ Anh Bằng cũng có điều kiện thuận tiện tương tự vì ông có trung tâm Asia trong tay. Đây là một yếu tố khích lệ mạnh mẽ để ông hăng say sáng tác và trở thành một trong số ít nhạc sĩ Việt Nam có số lượng ca khúc lên tới mấy trăm bài.
Dĩ nhiên là ông có tài viết nhạc dễ nghe dễ hát, hợp với đa số thính giả và có cơ hội để phổ biến. Hai yếu tố này tạo nên một sự nghiệp âm nhạc đồ sộ của nhạc sĩ Anh Bằng.
Hôm nay tìm lại được một email duy nhất của nhạc sĩ Anh Bằng gởi sau khi ông đọc bài viết Anh Bằng – Nghệ Thuật Đưa Thơ Vào Ca Khúc với những dòng chữ dí dỏm:
“Anh Phúc thân mến,
Hôm nay ngồi đọc lại lần nữa bài viết của anh: ANH BẰNG – NGHỆ THUẬT ĐƯA THƠ VÀO CA KHÚC. Bài viết rất hay, nhưng Phúc Trần đã tiết lộ hết những mánh lới của bác Anh Bằng (BAB) ra cho thiên hạ biết thì BAB đâu còn bí quyết nào để mà làm ăn sinh sống hihihi. Nếu BAB mà đói vì mánh lới phổ thơ không còn ai không biết thì chắc chắn BAB sẽ phải xách khăn gói đi theo anh Phúc để kiếm ăn, khi đó anh Phúc đừng chạy trốn BAB đó nghen.
Cám ơn anh Phúc nhiều lắm, đã viết cho bác một bài rất giá trị. BAB cầu chúc anh Phúc nhiều sức khỏe đễ mãi mãi sử dụng cây viết phục vụ Cộng đồng và quê hương. Anh Phúc nhớ cầu nguyện cho BAB nhé.
BAB”
Điện thư gởi ngày 01 tháng 9 năm 2014 từ email Anhbangasia@yahoo.com. Từ nay email này sẽ theo người nhạc sĩ về cõi vĩnh hằng. Xin cầu nguyện cho Bác Anh Bằng thanh thản nơi nước Chúa.
Chọn chỉ một ca khúc duy nhất để làm biểu tượng cho dòng nhạc Anh Bằng thì đó là Chuyện Tình Lan Và Điệp 1. Dựa vào câu chuyện tình trong tiểu thuyết Tắt Lửa Lòng của nhà văn Nguyễn Công Hoan, nói lên tài năng kết hợp thơ vào nhạc trong nhiều tác phẩm sau này; bài hát rất nổi tiếng và lồng vào một giai thoại kỳ thú – người đẹp quạt cho nhạc sĩ sáng tác suốt đêm.
Trần Chí Phúc / SBTN
Xin đính chính một chút là bản ‘Gõ cửa’ là của ca nhạc sỹ Mạnh Quỳnh, hiện vẫn còn sống ổ Sài Gòn chứ không liên quan gì đến nhóm Lê Minh Bằng.
DongNhacXua
Saigon, 27/06/2021.