Ca sỹ Thanh Mai là một trong những giọng ca nữ thành danh từ phong trào nhạc trẻ Sài Gòn. Với chất giọng trẻ trung và một niềm đam mê nghệ thuật lớn lao, tiếng hát của người nghệ sỹ có biệt danh “Búp bê không tình yêu” đã để lại nhiều sự ái một trong lòng nhiều thế hệ. Dòng Nhạc Xưa xin giới thiệu giọng ca Thanh Mai và bài viết của tác giả Trần Chí Phúc.
Ca sĩ Thanh Mai- búp bê không tình yêu
(Nguồn: bài viết của tác giả Trần Chí Phúc đăng trên sbtn.tv ngày 2015-06-01)
Tên thật là Nguyễn Thị Ngọc Mai, nhưng nghệ danh là Thanh Mai. Lần đầu tiên xuất hiện trên truyền hình Việt Nam trong ban thiếu nhi của Xuân Phát với bản Bức Họa Đồng Quê ( Văn Phụng) lúc 14 tuổi.
Lớn lên, bắt đầu hát ở phòng trà Chiều Tím, được nhạc sĩ Nguyễn Hữu Thiết giới thiệu với phòng trà Hồng Hoa của nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9. Cô nhớ lại lần đầu dợt với ban nhạc này gồm 8 người bản Giã Từ Đêm Mưa (Văn Phụng), khúc dạo đầu dài làm bỡ ngỡ nhưng Thanh Mai vẫn cất tiếng hát vào đúng nhịp làm trưởng ban nhạc khen ngợi.
Sau đó Nguyễn Ánh 9 mời tới nhà để gặp một giọng hát nam cùng tập hát chung, người đó là nhạc sĩ Quốc Dũng. Song ca nam nữ Thanh Mai – Quốc Dũng trình bày 2 bản Ai Đưa Em Về ( Nguyễn Ánh 9) và Tóc Mai Sợi Vắn Sợi Dài (Phạm Duy) trên đài truyền hình Sài Gòn đuợc khán giả khen ngợi.
Khi gặp ca sĩ Thanh Mai, nhạc sĩ Quốc Dũng có cảm hứng sáng tác thêm một số ca khúc phù hợp với giọng ca của cô như Quê Hương Và Mộng Ước (Đã bao năm rồi cách biệt trường xưa thân yêu với quãng đời niên thiếu…); Biển Mộng (Cùng mây gió trôi dạt muôn nẻo đời xa mặt trời, xa nụ cười…); Bên Nhau Ngày Vui (Một sớm tan chuông tà áo trắng ngập đường…), và chính cô là người hát đầu tiên bản Điệp Khúc Mùa Xuân (Nắng chiếu lung linh muôn hoa vàng, chờ tia nắng về trong ánh mùa sang…) trong đại hội nhạc trẻ tổ chức vào ngày đầu năm 1/1/1975 trong Sở Thú Sài Gòn với ban nhạc của Quốc Dũng.
Đại hội nhạc trẻ này do Phu nhân của Trung tướng Trần Văn Trung – Tổng Cục Trưởng Chiến Tranh Chính Trị tổ chức để quyên tiền cho cô nhi quả phụ của những ngừơi lính Việt Nam Cộng Hòa hi sinh trong trận chiến tỉnh Phước Long 1974.
Nhạc sĩ Quốc Dũng nổi tiếng với bản Mai vào đầu thập niên 1970; nhiều người lầm tưởng là ca khúc này có liên quan đến ca sĩ Thanh Mai; nhưng thật ra sáng tác này ra đời trước khi 2 người quen nhau. Trong đời có nhiều cô gái tên Mai mà người nhạc sĩ gặp gỡ và Quốc Dũng vẫn trả lời mơ hồ khi được hỏi về nhân vật nữ được đặt tên cho bài hát. Và điều đặc biệt là lúc còn ở Sài Gòn, chưa bao giờ Thanh Mai trình diễn ca khúc Mai.
Nhìn về sinh họat ca nhạc thời trước năm 1975 thì Thanh Mai cho biết có một điều hối tiếc là đã không nhận lời đóng vai nữ chính trong phim Trường Tôi chung với nhạc sĩ Quốc Dũng, vai này do Tuyết Lan diễn. Lý do cô từ chối đạo diễn Lê Dân là vì tiền thù lao chỉ có 50 ngàn thời đó mà phải tốn nhiều thời gian đi quay, trong khi thù lao ca hát và đóng những phim khác khá hơn. Cuốn phim này trình chiếu năm 1974 được giới thanh niên học sinh xem rất nhiều. Giả như nhận lời thì hình ảnh cặp đôi Thanh Mai – Quốc Dũng sẽ còn mãi trong phim cho thế hệ sau thưởng thức cũng như để lại cho đời một kỷ niệm dễ thương.
Một kỷ niệm ca hát thời Sài Gòn, lúc hát ở nhà hàng Maxim của Hoàng Thi Thơ bản Ô Kìa Đời Bỗng Dưng Vui, khi đó người rọi đèn không có mặt, Thanh Mai từ cầu thang bước xuống sân khấu bị hụt chân một nấc thang và té, vừa đau vừa xấu hổ muốn khóc nhưng phải cất tiếng hát vì ban nhạc đã bắt đầu chơi. Mới đây có người khách ghé nhà hàng Thanh Mai, là một nữ vũ công năm xưa chứng kiến, đã nhắc lại kỷ niệm té trên sân khấu thời đó làm cô phải bật ra những tràng cười giòn giã.
Đầu năm 1975 Thanh Mai được mời vào ban ca nhạc của Tổng Ủy Dân Vận dự tính sẽ sang Pháp và Thái Lan trình diễn. Những buổi sáng vào cùng tập hát hợp ca với nhiều ca sĩ tên tuổi thời đó các bản nhạc quê hương như Mẹ Trùng Dương (Phạm Duy), vẫn là kỷ niệm đẹp ở Sài Gòn. Buổi tối hát nhiều phòng trà, thu băng cho các trung tâm Ngọc Chánh, Tùng Giang, Quốc Dũng và xuất hiện trên đài truyền hình Sài Gòn, sinh họat ca nhạc của Thanh Mai khá bận rộn. Cô nhớ mỗi tháng kiếm được cả mấy trăm ngàn, trong khi lương của ba cô là một thượng sĩ chỉ vài chục ngàn; nhưng cô đều đưa cho má giữ hết để đền ơn nuôi dưỡng và ủng hộ cô vào đường nghệ thuật.
Tên tuổi và sự nghiệp của ca sĩ Thanh Mai đang trên đường thăng tiến thì xảy ra biến cố 4/1975. Ở lại được mấy tháng thì Thanh Mai lấy chồng lúc 19 tuổi và theo gia đình chồng sang Pháp tháng 6 năm 1977. Sang Pháp, Thanh Mai tiếp tục sinh họat ca hát, trình diễn cho đồng hương ở Âu châu và có thu băng Cassette 8 bản cho trung tâm Phượng Nga ở Paris đầu thập niên 80 trong 3 cuốn Phượng Nga 1,2, 3. Nhờ tiền thù lao mà cô mua được chiếc xe hơi cũ đầu tiên trên xứ người.
Năm 1983, Thanh Mai được mời sang Houston, Hoa Kỳ hát mùa Giáng Sinh và ghé Nam Cali chơi. Năm 1984, phòng trà Tự Do ở Quận Cam mời cộng tác trong một tháng và khi trở về Pháp cô quyết định dời cả gia đình sang Mỹ lập nghiệp vào tháng 11 năm 1984. Được nhiều cộng đồng VN trên xứ Mỹ mời trình diễn, Thanh Mai tiếp tục sinh sống bằng nghề ca hát. Thực hiện cuốn Tình Ca Nhạc Trẻ giọng cô cùng với Jo Marcel, Tùng Giang, Duy Quang, Elvis Phương bán rất chạy và tiếp tục tự phát hành cuốn số 2, 3,4 và các cuốn nhạc New Wave .
Trong một đêm hát đón mừng năm mới dương lịch ở Houston, cảm thấy cô đơn vì xa gia đình, người ca sĩ quyết định chuyển ngành kinh doanh và mở nhà hàng Thanh Mai vào năm 1988 tại khu Litte Saigon, Nam Cali cho đến hôm nay. Dù vậy cô thỉnh thoảng trình diễn trong các tiết mục đặc biệt, đã xuất hiện trên băng hình của trung tâm Asia chủ đề Hoa và Nhạc và Thúy Nga chủ đề Quốc Dũng.
Sắp tới sẽ phát hành cuốn băng tiếng hát Thanh Mai với những bài hát của Quốc Dũng để kỷ niệm một thời gắn bó nghệ thuật giữa hai người.
Năm nay 60 tuổi đời nhưng ca sĩ Thanh Mai vẫn còn nét đẹp hồn nhiên của một thời Sài Gòn trước tháng 4/1975, được giới hâm mộ gọi là “ búp bê Thanh Mai” vì cô hát lời Việt của Vũ Xuân Hùng bản Búp Bê Không Tình Yêu, phần nhạc Pháp do Thanh Lan ca, bản này rất nổi tiếng trong giới yêu nhạc trẻ năm xưa.
Thanh Mai có cô con gái cũng là một tiếng hát trẻ đầy triển vọng lấy tên là Fatima, hai mẹ con có vài lần trình diễn chung trên sân khấu.
Giới ca nhạc sĩ thường hay ghé quán phở Thanh Mai ở đường Bolsa, vừa ăn vừa gặp gỡ bạn bè văn nghệ và gợi lại những mẫu chuyện ca nhạc dễ thương năm cũ.
Trần Chí Phúc / SBTN