Dòng Nhạc Xưa đã có vài bài viết về sinh hoạt âm nhạc của cố nhạc sỹ Tùng Giang. Chúng tôi rất vui khi nhận được nhiều phản hồi và một số câu hỏi của các bạn trẻ về nhà nhạc sỹ đa tài. Để có thêm thông tin, xin quý vị tìm hiểu tiếp về Tùng Giang qua bài phỏng vấn với VietWeekly.
Nói chuyện với NS Tùng Giang
(Nguồn: bài viết của tác giả Thủy Tiên đăng trên amnhac.fm)
LTS VietWeekly: Vừa qua, nghệ sĩ Tùng Giang thoát khỏi cơn bạo bệnh, sau cuộc giải phẩu, ông đã dần dần bình phục và, một lần nữa, thần tài đã gõ cửa ngay giường bệnh: Trung tâm TN đã mời ông (cùng hai nhạc sĩ khác) tham gia vào cuốn DVD mới nhất của họ. Nhạc sĩ Tùng Giang đã dành cho Việt Weekly một cuộc phỏng vấn về những gì liên quan đến văn nghệ và đời sống của ông.
VW: Được biết là anh vừa thâu hình cho trung tâm Thúy Nga ở Canada, anh cho biết cảm tưởng của chuyến đi xa?
TG: Thật ra đây là một chuyến đi tôi không hề nghĩ tới. Từ Việt Nam trở lại Mỹ, mục đích chính của tôi là chữa bệnh. Rồi tôi gặp cô Tô Thủy và ông Tô Văn Lai của trung tâm Thúy Nga, họ đề nghị thực hiện thâu hình một chương trình cho tôi, như một kỷ niệm. Tôi đã nhận lời. Tôi cũng không biết chương trình có thực hiện được không vì tôi đã có cái hẹn đi mổ. Nhưng cô Thủy vẫn xúc tiến việc chọn bài hát, hòa âm, chọn ca sĩ… Tôi được may mắn được bác sĩ Michael Đào và bác sĩ Cao Sơn giúp đỡ, thực hiện ca mổ, coi như thành công. Một may mắn khác đó là cô Thủy là một producer rất giỏi và có một đôi tai nghe nhạc rất bén nhạy. Những bài hát của tôi, Thủy đưa cho người hòa âm, và chọn ca sĩ hát rất hợp, làm cho những bản nhạc đó thêm màu sắc. Khi sang Canada quay, rất nhiều người khen, chương trình rất thành công.
VW: Anh là một nhạc sĩ từng có phòng thu âm, anh nghĩ sao về những bài hát của anh lần này được tái tạo từ giọng hát cho đến phần hòa âm?
TG: Tôi rất hài lòng về kỹ thuật thu âm kỳ này. Nhịp điệu mới mẻ hơn. Mỗi ngày kỹ thuật âm thanh càng tiến triển hơn.
VW: Về hình thức thâu hình, các bài hát do các ca sĩ trình diễn, anh có hài lòng không?
TG: Tôi hoàn toàn hài lòng về phần audio. Cách chọn lựa ca sĩ để trình diễn những bài hát của cô Thủy rất là phù hợp. Tôi khám phá cô rất nhạy bén trong việc chọn lựa này. Mỗi ca sĩ trình bày có một vẻ riêng làm cho những bài hát của tôi trẻ trung hơn và sống động hơn. Nhạc của tôi là loại nhạc trẻ. Nhưng kỳ này, qua phần chương trình thu hình của Thúy Nga, những bản nhạc có tiết tấu trẻ trung hơn. Tôi rất hài lòng với món quà kỷ niệm này của trung tâm Thúy Nga dành cho tôi.
VW: Anh có bao nhiêu bài hát được trình diễn trong lần thu hình tại Canada?
TG: Thúy Nga Paris thâu hình 8 bài hát của tôi. Còn 2 bài sẽ thâu CD riêng. Những bài hát được thâu hình gồm Anh đã quên mùa thu, Biển vắng do Bằng Kiều trình bày, Tôi với trời bơ vơ do Trần Thu Hà trình bày, Paris và em, Người tình người đẹp xinh xinh... Một bài mới nhất tôi vừa viết, khoảng 1 tháng trước khi về Mỹ đó là Chỉ riêng mình anh hiểu và do cô ca sĩ ở bên Úc mới nhất đang được Thúy Nga Paris lăng xê trình bày.
VW: Trung tâm Thúy Nga có một công rất lớn là thực hiện những chương trình chủ đề cho các nhạc sĩ. Khi anh được trung tâm Thúy Nga chọn để lưu lại những bài hát của anh, và sắp sửa được phổ biến trên toàn thế giới, anh nghĩ sao về công trình của trung tâm Thúy Nga đối với anh?
TG: Phải nói là, đây là một điều rất may mắn cho tôi. Tôi không hề nghĩ tới, nhưng mà chuyện đã xảy ra. Tôi rất là vui mừng. Vì những đứa con tinh thần của mình được nhắc nhở tới một cách tốt đẹp.
VW: Những bài nhạc của anh có phải được xây dựng từ đời sống của anh không?
TG: Phần lớn những bài hát tôi viết, đa số đều nói lên tâm trạng của tôi. Thật ra, số lượng bài hát của tôi không nhiều, một giới hạn thôi, may mắn là tất cả các bài hát đều được khán giá đón nhận rất nồng nhiệt. Mỗi một bài hát mang một tâm trạng của tôi vào thời điểm đó.
VW: Người ta nói bài “Tôi với trời bơ vơ” viết cho một cuộc tình dang dở, nhận xét đó như thế nào?
TG: Không có đúng. Tôi viết bài đó cho thân phận của tôi. Câu chuyện xảy ra như thế này. Năm đó tôi đang làm việc cho USCC, năm 1980, coi về chương trình phát thanh của USCC. Ngoài giờ làm việc ra, sau 3 giờ, tôi lên Hollywood học về điện ảnh, sửa máy hình và sửa body xe. Tôi là một trong những học sinh xuất sắc của lớp học sửa máy hình và được rất nhiều bạn bè trong lớp cũng như thầy đưa máy để về nhà sửa. Tôi đem về nhà khoảng mười mấy máy hình, có cái rất cổ xưa. Một hôm, từ USCC về nhà để chuẩn bị đi học, tự nhiên tôi thấy nhà cửa mở toang hoang, cây đàn guitar và máy cassette của tôi cũng mất luôn. Quần áo, cũng không còn một cái, drap giường cũng bị lột luôn. Điều mà tôi sợ nhất là những máy hình của người ta gởi để nhờ sửa bị mất, tôi mở tủ ra, tất cả các máy hình đều biến mất hết. Trong lúc đó, tôi ngồi thừ ra và nghĩ mình sẽ ăn nói làm sao đây. Người ta đâu có tin là nhà mình bị mất cắp đâu. Thêm nữa, mình lại là người Á châu, người ta có thể nghĩ sai về mình. Thế là tôi phải bỏ trường, không đi học nữa. Tôi rất là buồn, đành thở dài trong đêm tối, cho nên có câu “Đêm có tiếng thở dài...” là như vậy. Tôi đi lang thang trên đường Sunset Boulevard, tôi thấy những cô gái điếm, mặt rất trẻ, tôi ước mong những yên bình đến cho những cô gái nhỏ đó, cho nên viết câu “Mong những yên bình, cho loài chim nhỏ…” Trên đường đi về, tôi đi ngang freeway 101, tôi nhìn xuống freeway và liên tưởng đến giòng sông nên viết câu “Soi bóng đời mình bên giòng sông cũ, tôi với trời bơ vơ...” Bài hát Tôi với trời bơ vơ được viết ra trong hoàn cảnh như vậy, với một tâm trạng rất buồn của tôi.
VW: Cuộc sống tình yêu của anh rất là phong phú,
TG: Thú thật mà nói, trong cuộc đời, tình yêu là do số mệnh hết. Khi mà tôi mới sanh ra, ông thầy bói đã nói tôi có số đào hoa. Thật tình, đã có rất nhiều cuộc tình đã đến với tôi, mà đôi khi tôi không muốn, nó vẫn xảy đến. Nói về phụ nữ, đương nhiên sắc đẹp là tôi có thích rồi. Nhưng đối với Khánh Hà và Diễm Liên, còn có thêm tài năng và khả năng của họ nữa. Những lúc làm việc chung, tôi nhìn thấy những kết quả của họ, rồi nó nảy sinh ra sự quí mến, thêm vào đó qua sự gần gũi vì công việc, số phận đưa đẩy, việc gì đến là nó đến thôi. Những người đó là những người có tài mà tôi lại là người rất mê người có tài.
VW: Thăng trầm của đời sống anh như thế nào?
TG: Khi tôi vừa học xong trung học, trên một chuyến đi vào Sài Gòn, tôi gặp ban nhạc Dân Nam. Họ ngồi đàn hát với nhau, tôi cũng tham gia vào. Họ thấy tôi có khiếu nên mời tôi hợp tác. Tôi trở thành ca sĩ và đi hát chung với Túy Phượng và Tùng Lâm, rồi đóng kịch, rồi chuyển âm cho hãng phim Alpha. Khi ông Thái Thúc Nha, giám đốc hãng phim Alpha mời tôi ký hợp đồng 5 năm với hãng phim, lúc đó tôi còn chưa đủ tuổi trưởng thành, mẹ tôi coi qua hợp đồng và không đồng ý ký. Mẹ tôi là cô Ba Được, một ca sĩ cổ nhạc. Mẹ tôi nói là quyền lợi không có mà lại bị ràng buộc rất nhiều. Mẹ tôi giới thiệu tôi cho ông Tư Chơi, ba của nhạc sĩ Huỳnh Aùo một tay trống nổi tiếng của Việt Nam để tôi học trống. Trong thời gian tôi học trống, tôi làm cho phòng trà Đại Kim Đô ở Chợ Lớn. Tôi đam mê nhạc ngoại quốc và nhạc trẻ. Tôi học từ thầy, nhưng đúng ra tôi học từ đĩa nhạc nhiều hơn.
Trong thời gian đó, nhạc trẻ bắt đầu thịnh hành, tôi có cơ may quen với một người Mỹ, sĩ quan Navy ở Đà Nẵng, anh ta khuyến khích tôi lập ban nhạc và ký hợp đồng cho ra Đà Nẵng làm việc. Ban nhạc tên là Top Five gồm Quốc Hùng, Thụy Ái, Minh Phúc, Tuấn Ngọc và tôi. Ban nhạc rất thành công làm việc tại Đà Nẵng hai năm. Sau đó, mọi người chuyển về Sài Gòn vì ở xa nhà quá buồn. Thời gian đó ở Sài Gòn có ban nhạc nổi tiếng là Spot Light gồm Tiến Chỉnh, Đức Huy, Billy Shane và Hồng Hải, nhưng rồi tan rã. Tôi mới kết hợp một ban nhạc hay hơn gồm Đức Huy, Billy Shane, Tuấn Ngọc và tôi. Đây là một kết hợp mà tôi hài lòng nhất trong cuộc đời âm nhạc của tôi. Kết hợp này dựa theo khuôn khổ của Beatles, bốn người. Mọi người cũng ăn mặc giống như Beatles. Ban nhạc được đài truyền hình quân đội Mỹ mời chơi hàng tuần thế cho ban nhạc Monkey của Mỹ. Ban nhạc kéo dài được 3 năm, cũng tan rã, do những bất đồng ý kiến. Có nhiều người đã nghĩ rằng, ban nhạc sẽ không chơi chung lâu quá 24 tiếng đồng hồ, vì 4 con cọp không thể sống chung trong một chuồng.
Thời gian đó, tôi được đài truyền hình mời làm một chương trình nhạc trẻ lấy tên là chương trình nhạc trẻ Tùng Giang. Khó khăn của lúc đó là Đài truyền hình lúc đó không cho hát nhạc ngoại quốc, nên tôi mới nảy ra ý kiến là dịch lời Việt. Kỳ Phát, Nam Lộc và Trường Kỳ đã làm một phong trào là Việt hóa nhạc ngoại quốc như là Beautiful Sunday Chủ nhật tươi hồng, Trưng Vương khung của mùa thu... Đó là một cuộc cách mạng, sự mới mẻ, luồng gió mới cho đài phát thanh và được giới trẻ rất là yêu thích.
Từ đó, tôi mới phát hành tape nhạc sinh hoạt nhạc Trẻ Tùng Giang 1, 2, 3, 4. Bắt đầu thiếu bài hát, tôi mới viết nhạc. Bài hát đầu tiên tôi viết là Biết đến thuở nào “Lúc đầu gặp em tinh tú quay cuồng…” Kỹ thuật nhạc lý tôi không học từ ai cả. Tôi nghiên cứu khuôn nhạc, ôm đàn và hát. Thật tình trống không phải là đam mê của tôi, nhưng người thầy của tôi nói tôi có khiếu về trống, và mọi người cũng nói như vậy nên tôi theo thôi. Đến năm 1973, tôi mở phòng trà nhạc trẻ đầu tiên là Đêm Màu Hồng tại 36 Nguyễn Huệ. Ban nhạc Uptight chơi cho phòng trà.
VW: Sau năm 1975, dấu ấn nào làm cho đời sống âm nhạc của anh có ý nghĩa?
TG: Tôi thích những điều mới lạ. Những ý tưởng mới lạ tôi đưa ra thường rất thành công nhưng tánh tôi rất nghệ sĩ và không giỏi kinh doanh. Tôi hay tìm một con đường mới để đi. Tôi là người Việt Nam đầu tiên có phòng thâu ở đất Mỹ, lúc đó là năm 1982. Từ một phòng thâu nhỏ 8 track, rồi lên 16 track, xong lên 24 track. Số băng nhạc từ phòng thâu của tôi chiếm 70% số lượng băng nhạc sản xuất tại hải ngoại. Có thể nói là tôi rất thành công, nhưng tôi lại thích tìm sự mới lạ. Ngồi suy nghĩ lại, tôi rất hài lòng về cuộc sống của mình. Nếu có bắt đầu lại, tôi vẫn thích một cuộc đời nghệ sĩ như thế này, có những thất bại, có những thành công. Hồi nhỏ, tôi rất là tự phụ, tôi nghĩ mình làm cái gì cũng được hết, một mình tôi có thể làm tất cả, bàn tay mình có thể tự tạo nên mọi thứ, nên tôi không quan trọng vấn đề tình bạn, tôi không nhờ vả một người nào hết. Sau khi sống qua, trải qua đời sống gian nan, khó khăn, tôi mới hiểu được rằng, tôi có những người bạn, mà tình bạn không thể nào thiếu được, everybody needs somebody. Cho nên, tình bạn là điều quan trọng nhất trong cuộc sống. Với tôi chỉ có âm nhạc, tình yêu và bằng hữu thôi. Do đó, trong thời gian tới, tôi sẽ về lại Việt Nam sống. Tôi hiện có vợ và đứa con 4 tuổi. Hiện tại, tôi đã mổ rồi, nhưng vẫn phải theo dõi, uống thuốc và chữa bệnh. Đời sống ở Việt Nam dù sao cũng dễ dàng hơn, thuốc men rẻ hơn.
VW: Anh sẽ vẫn tiếp tục sáng tác nhạc khi về Việt Nam?
TG: Tuổi của tôi hiện giờ, tôi đã trải qua nhiều cuộc tình. Khi mà gặp một người tình, trong lúc đang bệnh hoạn, đang có một bệnh nan y, họ thương mình mà lại không nghĩ đến vấn đề bệnh hoạn của mình và lại cho tôi một đứa con nữa. Đó là một hạnh phúc cho tôi. Tôi vẫn sống với âm nhạc nhưng tôi không bị ràng buộc bởi âm nhạc. Tôi sẽ viết nữa. Sau lần thâu hình cho Thúy Nga, được bạn bè khuyến khích tôi sẽ tiếp tục viết nhạc. Tôi sẽ viết hồi ký. Tôi sống về âm nhạc, tất cả thăng trầm của cuộc đời tôi, lên xuống theo với âm nhạc.
VW: Đã có nhà xuất bản nào đặt vấn đề mua bản quyền hồi ký của anh chưa?
TG: Cũng có một vài chỗ, một vài người đã đề nghị.
VW: Trong cuộc đời của anh, cái được nhất và cái dở nhất là gì?
TG: Cái được nhất của tôi là khám phá những điều mới, giới thiệu cho âm nhạc Việt Nam những giọng ca mới. Cái dở nhất là tôi không biết từ chối trong tình yêu. Những cuộc tình đến, nó không hay, mình lại không tránh mà lại vướng vào. Cái dở nữa là tôi không biết kinh doanh.
VW: Câu hỏi chót, anh nghĩ sao về con cái của mình, và qua đó, thấy gì ở thế hệ đi sau mình, điều gì hay, dở ở họ mà anh muốn nhắn nhủ?
TG: Thật tình con cái của tôi thích âm nhạc, tôi không bao giờ ngăn cản. Bộc lộ được khả năng riêng đó là một điều tốt. Derek Phạm, con trai của tôi có làm về thâu băng, làm phim, Đức rất thành công, rất là giỏi, tôi rất là vui mừng. Còn Giáng Ngọc, tôi rất ít liên lạc, mới đây tôi có nghe người ta khen Giáng Ngọc đóng kịch, đó là điều rất mừng. Giới trẻ có những tài năng mới là điều đáng mừng. Theo tôi thấy, đời sống âm nhạc hiện nay, phải biết “say no” với tiền. Phần lớn nhạc sĩ bây giờ, không phải là tất cả, cũng do hoàn cảnh thực tại của đời sống, họ đặt nặng vấn đề tiền nhiều hơn thời của tôi. Thời của tôi, chơi nhạc không có tiền cũng không sao, đến chơi nhạc cho mọi người nghe thôi, để được khen thôi. Những ban nhạc vừa hát, vừa đàn hầu như không có. Nhạc sĩ là nhạc sĩ, ca sĩ là ca sĩ thôi. Ngay cả trong nước cũng không có một ban nhạc. Một ban nhạc có nhạc sĩ viết nhạc, ca sĩ hát, hòa âm một group với nhau ăn khớp không có nữa. Ngày nay, kỹ thuật rất cao nhưng điều quan trọng nhất của âm nhạc đó là cái hồn. Giới trẻ ở đây, viết nhạc bị ảnh hưởng những lời của Mỹ, không có sâu sắc. Trong nước, rất khan hiếm những bài nhạc tình yêu đẹp. Đây là vấn đề thiếu sót thôi. Còn vấn đề hát và chơi nhạc ngày nay, giới trẻ giỏi hơn ngày xưa rất là nhiều. Nên chơi nhạc bằng cái tâm sẽ hay hơn.
Nguồn: Vietweekly