Một khi đã “trót nghe” âm thanh mộc mạc của chiếc máy Akai thì chúng ta khó lòng từ bỏ được cái thú ngồi thưởng thức những bản nhạc xưa được phát ra từ hai cuộn băng quay vòng đầy mê hoặc. Dòng Nhạc Xưa giới thiệu một bài viết của tác giả Trang Nguyên để người yêu nhạc có thêm tư liệu về thú nghe nhạc bằng máy Akai.
Thú nghe nhạc bằng máy Akai
(Nguồn: bài viết của tác giả Trang Nguyên đăng trên sankhaucailuong.com ngày 2017-04-25)
Ông bạn lớn tuổi của tôi phán rằng, uống cà phê mà không có nhạc thì coi như chỉ là giải khát trò chuyện suông với bạn bè. Cho nên cà phê có nhạc đi cùng dù từ bất kỳ loại máy hát nào, từ máy dĩa than, băng cối (magnetophone), cassette hay CD, DVD cho đến nhạc sống thì mới đúng bài bản của người sành điệu. Trong các loại, máy băng cối thường gọi chung chung là Akai nghe đã lỗ tai hơn tất cả. Âm thanh trung thực, trong trẻo: bổng ra bổng, trầm ra trầm rõ từng tí một. Hồi cuối thập niên 1960 trên đường du học từ Mỹ về ghé qua Nhật Bổn, thấy cửa tiệm trong phi trường có bán dàn máy hát, ông vét sạch tiền túi mua trọn dàn máy hiệu Akai khệ nệ mang về.
Ông mê máy hát Akai, mỗi tháng đều trích tiền lương mua thêm băng nhạc mới. Tuy thế, sau năm 1975 ông lại không còn say sưa với đống băng nhạc phủ bụi chất đầy trên kệ. Một người bà con từ miền Bắc vào ghé đến nhà thăm, thấy dàn máy thích quá nói “chú không xài thì cho cháu xin”. Thời buổi khó khăn, tinh thần hoang mang, thất nghiệp chưa biết làm gì, thằng cháu họ từ miền Bắc mang vào Sài Gòn cho một túi lương khô làm quà, làm sao ông không trả lễ. Thằng cháu mừng rơn, “máy hát Akai chỉ có người khá giả như cô chú mới sắm nổi, cháu mang về nhà cho bố mẹ nghe, chắc hai cụ thích lắm”. Có máy mà không có loa làm sao mà nghe. Thôi chú cho cháu xin trọn bộ tiện đóng thùng đưa lên tàu Thống Nhất. Thằng cháu nói nghe êm tai. Ông đành phải gật đầu.
Chuyện thằng cháu ghé nhà thăm xin dàn máy Akai, ông kể cho tôi nghe chơi chứ thật ra lòng ông không hề tiếc. “Mình không nghe thì tặng cho ông anh Hai thân yêu, bố của thằng cháu nào giờ chưa biết mặt. Anh Hai tôi bỏ nhà đi biền biệt bao nhiêu năm chưa có dịp gặp lại để ổng thưởng thức cho biết ‘hàng hoá tư bản’ với người ta. Ảnh còn khoẻ mạnh, còn thích thú nghe máy hát như ngày xưa sống chung mái nhà ở quê là tôi mừng lắm. Hồi đó trong nhà có máy hát dĩa quay kim, buổi sáng đi học thì thôi chứ vừa bước chân vào đến nhà, việc đầu tiên là ảnh mở máy hát nghe vọng cổ suốt cả buổi chiều. Con người hiền lành, ít nói, trong nhà ai cũng thương yêu, vậy mà kẻ trong Nam người ngoài Bắc. Hồi đầu thập niên 1950, ba má tôi có ý định cho ảnh lên Sài Gòn học hành thì ảnh năn nỉ cho biết ý nguyện của mình là vào bưng theo bộ đội kháng chiến. Ba tôi giận quá bảo: ‘Mày đi tao từ’. Giận thì nói vậy, chứ vài năm sau khi biết được tin thằng Hai còn sống ba má tôi mừng ra mặt. Rồi thời gian sau ảnh ra Bắc tập kết thì ba má tôi đã không còn”.
Thời tuổi trẻ, ông từng đam mê máy hát Akai nhưng đến tuổi già thì những ham thích của ông ngày xưa tự dưng biến mất. Chuyện thường tình của một người bình thường trong cuộc sống. Bây giờ nhắc đến máy hát Akai, ông lại nhớ loại máy này vì chẳng qua máy hát Akai cho ra âm thanh rất hay mà những người mê nghe nhạc đều công nhận.
Ðôi ba lần có dịp đi Boston, ghé nhà anh Hồ Ðắc Vũ chơi, thấy dàn máy Akai đặt trong phòng khách phát ra tiếng nhạc nhẹ nhàng trầm bổng của từng loại nhạc cụ như rót thanh âm vào lòng làm tôi rất thích. Bản thân anh có máu nghệ sĩ trong người từ lúc còn là sinh viên trường mỹ thuật. Anh vẽ tranh làm phim hoạt hình và cũng mê nghe nhạc để thư giãn tâm trí trong lúc “nặng đầu” sáng tác. Chỉ có thứ âm thanh trung thực phát ra từ máy băng cối mới có thể làm anh mê đắm, thoả sức sáng tạo. Cứ tưởng anh mang dàn máy Akai thân thuộc theo những món đồ nội thất cũ xưa từ bên nhà sang trong lần về Sài Gòn làm việc cho một công ty sản xuất phim hoạt hình của Pháp. Nhưng không, làm sao mang qua. Dàn máy Akai thánh thót kia anh tìm kiếm trong các chợ bán đồ âm thanh ở xứ người. Anh kể chuyện bạn anh – nhạc sĩ Trường Kỳ cũng mê thích loại máy hát Akai. Trước khi qua đời, Trường Kỳ bảo anh khuân dàn máy về nhà mà nghe để có khi nhớ đến tình bạn bao năm trường. Thế là anh có đến những hai dàn máy. Máy của người bạn quá cố tặng, anh đặt dưới tầng basement, thỉnh thoảng mở máy nghe băng nhạc Trường Kỳ, nhâm nhi ly Scott thả hồn hoài niệm thuở thanh niên.
Tôi nhớ hồi chừng đâu mười tuổi, ba tôi dẫn đến nhà một người bạn chơi, thấy dàn máy hát băng từ có loa to loa nhỏ âm thanh nổi cùng máy ampli dềnh dàng trong phòng khách làm tôi thích mắt ngắm nhìn. Tôi chưa bao giờ được nghe âm thanh từ máy hát Akai ngoại trừ chiếc máy cassette nhỏ gọn to hơn chiếc radio một chút ba tôi mua hồi năm Mậu Thân. Tiền bạc đi làm lo được đầy đủ cho đám con đông ăn học là hết sức, lấy đâu dư để sắm dàn máy to chiếm cả góc nhà. Hơn nữa dường như ba tôi chỉ quan tâm đến những gì cần thiết nhất cho gia đình mới bỏ tiền mua sắm. Cái tivi trắng đen, cassette một loa âm thanh mono, radio là đủ giải trí cho cả nhà. Hơn nữa, dàn máy nghe nhạc Akai thời đó là hàng xa xỉ đắt tiền hơn dàn máy hát dĩa rất nhiều.
Những năm sau này, vào đầu thập niên 80, thị trường xuất hiện các loại cassette hai hộc, âm thanh stereo vừa gọn dễ di chuyển hấp dẫn người mua. Kết nối với ampli ra dàn loa ngoài nghe muốn bể nhà. Sau vài ba thập kỷ, những loại máy hát dĩa, băng từ Akai không còn hấp dẫn người nghe do phụ tùng sửa chữa hay băng trắng để thâu âm khó tìm kiếm nên các loại máy hát từng là niềm thích thú đam mê của nhiều người đành bước ra nằm ở chợ trời Huỳnh Thúc Kháng hay chợ Nhật Tảo theo dạng bán đồ cũ lạc xoong. Những máy còn hát được ngon lành thì nghe giới buôn bán ở chợ nói rằng, người từ Hà Nội vào Sài Gòn tìm mua mang ra miền Bắc hết. Họ chuộng máy băng từ và máy hát dĩa kể cả mấy loại ampli hàng hiệu. Các loại máy hát còn lại ít nhiều hư hỏng cần thay thế phụ tùng điện tử nhưng thời buổi cuộc sống khó khăn bấy giờ tìm đâu cho ra. Nếu có thì cũng chế biến râu ông này cắm cằm bà nọ, ampli và loa khó tìm được đồng bộ.
Chuyện này thì đúng, tôi từng sắm dàn máy hát Akai trong thời gian đi học nhờ dành dụm từ mớ tiền công làm thêm việc giữ xe cho một quán cà phê nhạc. Tuy dàn máy của tôi nghe không đã lỗ tai bằng của quán. Mấy người bạn học đến nhà chơi thường nói đùa rằng máy hát của tôi mang đẳng cấp “quốc tế”. Máy Nhật, ampli Liên Xô, cặp loa Ðức công suất cao không phù hợp với ampli có công suất thấp. Nhưng uống cà phê có nhạc nghe cũng đỡ hơn ngồi nói chuyện tào lao.
Quán cà phê này nằm gần cuối đường Trần Quý Cáp mở cửa vào lúc xế chiều. Làm ở đó hơn năm trời mà tôi không nhớ tên quán là gì chỉ biết đúng giờ đến quán sắp xếp xe cộ cho khách. Nghĩ cũng lạ, chẳng biết duyên cớ gì mà cô bạn học chung lớp lại ưu ái hỏi tôi có muốn làm thêm kiếm tiền ngoài giờ đi học. Tôi nhận lời, thế là cô dẫn tôi đến giới thiệu với ông bố đang chuẩn bị cho ngày khai trương quán cà phê nhạc.
Thời gian đó, khách đến quán đi xe đạp nhiều hơn gắn máy nên công việc làm cũng nhẹ nhàng, ghi số đưa thẻ, sắp xếp xe ngay ngắn trong căn nhà trống trơn cạnh quán là xong. Công việc này thấy vậy mà không bận rộn tôi vẫn có chút thời gian đứng ngoài hiên nghe nhạc và thưởng thức ly cà phê đá mỗi ngày do ông chủ cho người pha chế đem ra. Người ta uống cà phê, ngồi trầm tư thả hồn theo lời ca tiếng nhạc, còn tôi uống cà phê đứng, dỏng lỗ tai mà nghe âm thanh du dương trầm bổng phát ra từ bên trong mà mắt phải trông chừng đạo tặc chôm xe. Hầu hết nhạc trong quán đều là các tình khúc của các ca nhạc sĩ nổi tiếng một thời. Có khi cả một buổi tối quán chỉ mở toàn nhạc ngoại quốc và tôi cũng thích nhạc ngoại quốc. Có lẽ phần hoà âm của các ban nhạc ngoại chuẩn hơn chăng nên âm thanh phát ra rất sống động rõ ràng chắc nịch từng tiếng một.
Quán này là một trong những quán cà phê nhạc mở cửa lại làm ăn sớm nhất ở Sài Gòn sau vài năm im ắng. Nghe cô bạn kể quán đã có từ hồi đầu năm 1970. Làm ăn mấy năm có tiền dư dả ba cô mua luôn căn nhà kế bên làm chỗ giữ xe. Nhiều lúc biết được có đợt kiểm tra đột xuất của văn hoá phường hoặc công an là quán cho đổi nhạc. Hèn chi có lần tôi đứng ngoài nghe chưa hết bản “How can I tell you” thì không biết sao trong quán lại vang lên giọng ca của Ái Vân: “Dưới ánh nắng xuân long lanh triệu cành hồng khoe sắc thắm…(Triệu đoá hoa hồng)”. Tôi cứ nghĩ người phụ trách máy hát lấy lộn băng khiến khách hàng thường hay ngồi đồng ở quán bỏ về sớm. Xem ra dân Sài Gòn thời đó đến quán uống cà phê chỉ là phụ mà nghe nhạc xưa mới là chính.
Tôi thì cũng vậy, chỉ mê dàn máy Akai, âm thanh đâu ra đó. Nhưng tôi nghĩ, nền nhạc nào cũng vậy thôi, nếu phần hoà âm tốt thì bất kỳ dàn máy chiến nào qua dàn lọc âm cũng cho ra âm thanh trong trẻo tách biệt đến tai người nghe chứ không nhất thiết phải là máy băng cối cồng kềnh một thời đã qua. Nghe bạn bè kể, ở Sài Gòn và các tỉnh bây giờ có nhiều quán cà phê trang trí kiểu xưa, không ít quán sưu tập máy hát dĩa, máy băng cối chất đầy quán vừa trang trí vừa trưng bày thú sưu tập những dàn máy Akai cho người thích tìm hiểu đến chiêm ngưỡng phương tiện đã làm ra thứ âm thanh tuyệt vời dễ thấm vào lòng người.
Trang Nguyên