Nhạc sỹ Trần Lê Quỳnh

“Mùa xuân vừa đến, hoa về trên những bàn tay …” là khúc mở đầu quen thuộc từ ca khúc “Chân tình”, một sáng tác để lại dấu ấn sâu đậm của nhạc sỹ Trần Lê Quỳnh. Sinh năm 1978, anh thuộc một số ít các nhạc sỹ trẻ sinh ra sau ngày hai miền Nam Bắc thống nhất nhưng có phong cách sáng tác chững chạc và có chiều sâu. Dòng Nhạc Xưa xin giới thiệu đôi nét về Trần Lê Quỳnh qua một bài viết của nữ thi sỹ Vi Thùy Linh đăng trên TienPhong.vn ngày 2011-07-03.

Vẫn trong ngần mắt em…

(Nguồn: bài viết của tác giả Vi Thùy Linh đăng trên TienPhong.vn ngày 2011-07-03)

‘Chân tình’ là một ca khúc được nhiều người ưa thích bền lâu, ít người biết, người nhạc sĩ sáng tác bài hát ấy còn là nhà báo – Trần Lê Quỳnh, và là con của một nhà văn viết cho thiếu nhi nổi tiếng – nhà văn Trần Hoài Dương.

Nhạc sỹ Trần Lê Quỳnh

Đã qua 2 tháng kể từ ngày nhà văn Trần Hoài Dương qua đời (6-5), nhạc sĩ Trần Lê Quỳnh đã đáp máy bay sang London, nơi vợ con, công việc của anh đang chờ. Qua anh, tôi được biết nhà văn Trần Hoài Dương đã để lại nhiều tác phẩm mà con trai ông sẽ dần công bố.

Giờ đây, Quỳnh chỉ có thể huy động hoài niệm và sự lãng mạn để gặp bố Quỳ (tên khai sinh nhà văn Trần Bắc Quỳ). Trong ca khúc của Quỳnh, những cuộc gặp của tình yêu thường vào mùa Xuân. Đó không chỉ là mùa thiên nhiên, mà là mùa khởi đầu sinh sôi tươi mới của tâm hồn.

Trần Lê Quỳnh sinh 18-8-1978 tại Hà Nội. Khi 3 tuổi, anh theo bố mẹ chuyển vào Nam. Quỳnh nói tiếng Bắc rành rọt, thanh thoát âm sắc Hà Nội. Sống tại London từ 2002, Quỳnh và vợ con nhập quốc tịch Anh 2 năm, họ cùng mang 2 quốc tịch. Gần một thập niên ấy, nhà văn Trần Hoài Dương chỉ sang thăm con 2 lần, năm 2002 và 2010, mỗi lần 6 tháng. Ông bảo: “Bận viết và chỉ thích ở VN”.

Con người ta có thú khoe ra những gì mình cho là đẹp, là giỏi, đáng tự hào. Có nhiều thứ để khoe, cũng nhiều kiểu và mục đích khoe. Trong đó, khoe con thành đạt có vẻ “đáng yêu” hơn cả, nó chính đáng và ít bị chê, so sánh như khoe của, khoe nhan sắc.

Đúng như nhà thơ Nguyễn Quang Thiều nhận định về Trần Hoài Dương, con người khiêm nhường, liên tài, dịu dàng và quá trong sáng nên luôn “run rẩy” trước cuộc sống nườm nượp đua tranh ấy, lại rất hãnh diện khi khoe con trai mình.

Năm 1992, vợ chồng nhà văn Trần Hoài Dương chia tay. Quỳnh sống với mẹ, nhưng vẫn luôn gần gũi và yêu cha. Tuổi thơ của anh tràn ngập những câu chuyện nhân hậu, lãng mạn về đức tin và cơ man sách cha mua tặng. Bố mẹ không ai tái hôn, họ muốn dồn mọi yêu thương cho đứa con độc nhất của mình. Năm 2002, năm Quỳnh bắt đầu làm việc ở BBC.

Mẹ Quỳnh là giáo viên dạy Toán cấp 2, sau chuyển sang kinh doanh, trưởng đại diện một Cty của Singapore, sau một thời gian làm phiên dịch tiếng Hoa. Bà từng được học piano lúc nhỏ và cho Quỳnh học tại nhà một cô giáo của Nhạc viện TP từ lớp 7, năm cậu bắt đầu học chuyên Anh.

Khi Quỳnh đang lớp 10, TPHCM có tổ chức cuộc thi hát tiếng Anh cho học sinh PTTH, sau đó phát hành băng cassette. Quỳnh đã viết Âm thanh của tình yêu, ca khúc đầu đời, bằng tiếng Anh, ca ngợi hòa bình, mà giờ anh không còn bản thảo. Anh tự hát, dự thi rồi tới lớp 12 lại sáng tác, nhờ cô bạn hát, chị họ đệm piano.

Chân tình (viết năm 1999) là ca khúc mà nhiều người biết nhất của anh. Ca sĩ Quang Dũng đã hát bài này trong phim Gái nhảy, và nó được hát, thuộc ở nhiều nơi. Lúc nào cũng thế, ca từ của Trần Lê Quỳnh rất trong, mơ mộng và thánh thiện. Dù nhọc nhằn hỗn tạp: “Vẫn trong ngần mắt em/ Đang nhìn về anh”, với “Tình yêu tìm thấy nguyên vẹn sau đêm bão dông”.

Xúc cảm Xuân xôn xao nơi tác giả, ý tưởng của anh không to tát vẫn khiến người nghe ngỡ ngàng “Và em lại đến/ Thay màu áo mới vì anh”. Chính nhờ những cuốn sách cha viết, cha mua tặng, cha bắt đọc, Quỳnh có một tâm hồn đẹp, vốn từ vựng dồi dào.

Mỗi khi sáng tác, anh lại thường để một tập thơ hay bên cạnh. Tốt nghiệp thạc sĩ Hoa Kỳ học tại Anh, song âm nhạc là niềm đam mê của Quỳnh. Giống cha, Quỳnh khắt khe khi công bố tác phẩm. Ưng ý, anh mới tung ra. Anh đã có 30 ca khúc, nhưng chỉ mới phát hành 1 album Trẻ mãi (2010, giọng hát Đức Tuấn) gồm 10 bài.

Trần Lê Quỳnh gần gũi cả mẹ và cha, hiểu cô đơn, buồn khổ, ước mơ của họ. Anh viết Những ô cửa xanh tặng cha và Khi mẹ khóc. Anh nhớ lại: “Mẹ hay giấu nỗi buồn, cho con cảm giác ấm áp, hạnh phúc nhất. Khi mẹ khóc, nước mắt cuốn đi phù phiếm, hư danh, làm sống lại những giấc mơ đẹp nhất, và niềm kiêu hãnh làm người. Chỉ khi bên mẹ – chỗ dựa của tôi, tôi mới nhận ra mình bé nhỏ nhường nào”.

“Anh – em” là nhân xưng thường thấy trong ca khúc Trần Lê Quỳnh. Anh không chỉ viết cho tình yêu lứa đôi, mà viết cho tình yêu tương lai trong hoài niệm kí ức không ngừng chảy. Anh tình tự tuổi thơ. Những kỷ niệm là báu vật, có quyền phép diệu kỳ.

Anh sinh mùa Hè và đã viết Tuyết rơi mùa Hè, Đoan Trang hát, đoạt giải Làn sóng xanh 2004. Làm gì có tuyết mùa hè, nhưng “những nhánh sông hay bao con đường” như “những con đường anh đi rồi cùng đưa anh về bên em”, dù cô gái không ở lại, chàng trai vẫn mong ngày hội ngộ, khao khát ấy làm tâm hồn tinh sạch, mát dịu như tuyết rơi mùa hè vào ngày em đến, tuyết như màu áo như chiếc nơ trên mái tóc xưa khiến anh luôn khắc khoải sự bình yên, thanh tĩnh như mây trắng bay giữa bầu trời thơ ấu “lấp lánh những cánh hoa như sao trả bay”.

Trần Lê Quỳnh tâm đắc câu danh ngôn: “Không có tình yêu vĩnh cửu, chỉ có những phút giây vĩnh cửu của tình yêu” và câu thơ của Lord Byron: “Và nụ cười cũ dù vụt tắt rất nhanh/ Vẫn giữ lòng anh ánh sáng”.

Trần Hoài Dương luôn muốn con cháu mình, đi đâu cũng mang tâm hồn Việt, giỏi tiếng Việt, giỏi đến mức sử dụng nó thật hay và tinh tế. Quỳnh nhớ dặn dò của cha. Căn hộ anh ở ngay rìa London, có 3 phòng ngủ và vườn cây. Mỗi ngày, anh mất một tiếng đi tới BBC làm việc và một tiếng về nhà. Trong nhịp điệu tốc độ vội vã của đô thị công nghiệp, hình ảnh Việt Nam, kí ức về cha và tuổi thơ làm cho anh cân bằng, để duy trì cảm hứng sống và sáng tác.

Tác giả luôn chân thành, tha thiết, bất chấp mọi bụi bặm, biến cố phải đối mặt, va đập, vẫn giữ mình cho hôm qua cho ngày mai, như câu kết bài Trẻ mãi: “Những phút giây từ lâu ngỡ đã quên đi/ Như mưa rơi trên vạt áo, cho nhánh cây mùa Xuân sau sẽ nở hoa”. Ở xứ sở sương mù kém VN 6 giờ, Trần Lê Quỳnh vẫn bay về xứ sở quê mình. 1/4 ngày chậm sau trong nhịp hối hả cho người xa xứ luôn hình dung “giờ này bên nhà làm gì” và để tìm, để chờ để hẹn và hy vọng.

Đôi uyên ương trong bài hát mới nhất Trần Lê Quỳnh công bố Trăng dưới chân mình (2009, Đỗ Bảo phối khí trong album Đóa hoa nở muộn của Nguyễn Ngọc Anh) muốn bay. Trong nhiều giấc mơ, tôi, Quỳnh và nhiều người đều ước, đều thấy mình được bay lên: “Ta thấy như trăng dưới chân mình”.

Giữ miền nhớ hằng đêm, Quỳnh thấy bố Quỳ đang chu du trên vũ trụ bao la: “Anh rất gần với em như quê nhà hiền hòa/ Buồn vui của ngày hôm qua ta mang theo/ Em chờ em mơ em hi vọng/ Dù đời xô ta về đâu, sống xứng đáng cho ngày đầu”.

Nhà văn Trần Hoài Dương tại London Xuân 2010. Ảnh do Trần Lê Quỳnh cung cấp.

Người cha và những đồng cảm sáng tạo

Trong ngăn kéo bàn làm việc của người cha bị cao huyết áp lâu năm, Quỳnh thấy bản thảo Huyền thoại về loài chim cánh cụt, ghi ngày sửa 4-5, tức 2 ngày trước khi nhà văn trút hơi thở cuối. Lẽ ra cuốn sách đã ra mắt, vì tác giả hẹn với NXB Kim Đồng từ 2010, ngặt vì bản tính cầu toàn, ông cứ sửa đi sửa lại.
Bên cạnh đó, là những cuốn sách viết cho thiếu nhi cũng được nhà văn xem lại nhằm trau chuốt tối đa cho lần tái bản tới và tập hồi ký còn dang dở. Trong đó, phần sôi nổi và quãng đời đẹp nhất ở Hà Nội là khi ông làm trưởng ban Văn xuôi báo Văn nghệ 12 năm.
Hồi ấy, ông luôn chú ý tìm cộng tác viên, phát hiện tài năng trẻ, khích lệ, bồi dưỡng họ thành danh. Cũng như cha, Quỳnh rất yêu Hà Nội và đồng cảm: sáng tạo của cha con anh luôn giàu chất thơ.
Trong con hẻm trên đường Thích Quảng Đức, ngôi nhà 56/36 cao 3 tầng với khoảng sân bé xíu, rợp cây xanh. Suốt 2 tuần ở Sài Gòn, Quỳnh ở đó sắp xếp tài liệu cho cha trong nỗi nhớ nghẹn lòng. Thế giới của cha là thế giới ông muốn truyền tới con và các bạn đọc nhỏ, đưa chúng tới Cung điện Ánh sáng và cuốn Sách Ước.
Trần Lê Quỳnh tìm kiếm, soạn lọc các tác phẩm, bản thảo, di cảo của bố ngay ngắn. “Tôi chưa làm việc với NXB nào, vì sau cái chết đột ngột của bố, tôi rất hẫng hụt, chưa đủ bình tĩnh và thời gian về ít, chưa triển khai in ấn được. Đầu năm mới, tôi sẽ làm. Mọi vấn đề bản quyền, tác quyền của bố, tôi sẽ lo chu tất”.
Tài sản đáng giá nhất của Trần Hoài Dương là giá sách khổng lồ. Ông giản dị đi xe máy cũ – chiếc Honda 50 đỏ đã chạy 18 năm, kể từ khi sống một mình. Mỗi lần Quỳnh về, hai bố con vẫn chở bố bằng cái xe cũ kỹ ấy, đi cafe, dạo phố, thăm thú loanh quanh.

Vi Thùy Linh

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *