Thu Hiền: giọng dân ca sao gợi nhắc Hồ Gươm.

Khi nói đến những giọng hát để lại dấu ấn sâu đậm và đặc trưng nhất cho phong cách âm nhạc miền Bắc, người yêu nhạc không thể không nhắc đến ca sỹ Thu Hiền, giọng hát mượt mà đã chuyên chở không biết bao nhiêu giai điệu dân trong suốt 50 năm qua. Mỗi khi chị cất tiếng, mỗi lần nhìn chị đằm thắm trong chiếc áo dài, mỗi dịp tận mắt chứng kiến chị chỉn chu cho một tiết mục biểu diễn, chúng ta như được chìm đắm trong không gian âm nhạc của một Hà Nội xưa. Mượn một lời ca trong bản ‘Hà Nội, đêm trở gió’ của nhạc sỹ Trọng Đài & nhà thơ Chu Lai, Dòng Nhạc Xưa xin giới thiệu tiếng hát vượt thời gian của nghệ sỹ Thu Hiền.

NSND Thu Hiền: Ánh hừng đông sau cơn bão xa bờ

(Nguồn: bài viết của tác giả Trang Dung đăng trên DoiSongPhapLuat.com ngày 2019-03-24)

Nuốt nước mắt với những đắng cay để thoả đôi cánh vút cao trên những bản nhạc tình, bước chân xuống góc tối sau cánh gà, người nghệ sĩ lấy nghề làm lẽ sống vẫn luôn lặng lẽ, âm thầm “sống là cho đâu chỉ nhận riêng mình”.

Hiếm có người nghệ sĩ nào giống với NSND Thu Hiền. Một mái tóc pha sương, một nụ cười hiền ẩn sau tâm hồn mang nhiều tâm sự. Giữa chốn phù hoa đô hội, chị tự nhận mình chỉ là người xưa nơi thành cũ, trung thành với lối sống dung dị không ồn ào.

Người nghệ sĩ mang màu áo lính

NSND Thu Hiền sinh năm 1952 tại xã Đông Hưng, Phú Thọ trong một gia đình đậm chất Việt. Quê cha Phú Thọ, sinh ở Thái Bình, lớn lên ở Hà Nội nhưng sống chủ yếu ở miền Trung trong những năm tháng chiến tranh, NSND Thu Hiền nói “khoai lúa của miền Trung nuôi mình, cho nên cứ hay nặng lòng là thế”.

Nghệ sỹ Thu Hiền thời trẻ.

Yêu âm nhạc và nghệ thuật từ nhỏ, Thu Hiền chạm làng nghệ thuật bằng tiếng hát từ khi mới chỉ là cô bé 10 tuổi. Ở tuổi tròn trăng, chị theo dấu chân người lính vào chiến trường, để rồi trong bom đạn khốc liệt tiếng hát của nghệ sĩ Thu Hiền vút bay hoá thành giai thoại.

Chị lớn lên cùng những năm tháng chiến tranh, tiếng hát đã vang từ miền Bắc tới miền Trung, trên những chiến trường ác liệt nhất như Quảng Trị… Thời gian ấy khốn khó và gian nan lắm, phải là người có ý chí mới có thể đủ bình tâm để giữ vững chữ nghề.

Thu Hiền nhớ lại ngày xưa, chị học 1 thì phải làm việc đến 10, gian nan đủ đường, thậm chí muốn có được chiếc áo dài để mặc phải đi làm thuê mãi mới mua được, để có chiếc quần lành lặn, cũng phải thức mấy đêm liền vá víu, những ngày cát xê chỉ vài đồng, những bữa cơm nguội ngắt thiếu thức ăn,… Nhưng, dù cực khổ đến đâu thì chị vẫn hát và hát hết mình bởi tinh thần lính đã ăn sâu vào máu thịt.

Thời ấy, không ai đi hát mà nghĩ rằng rồi một ngày nào đó mình sẽ thành ngôi sao, thành Nghệ sĩ Nhân dân. Họ chỉ biết hát để cổ vũ tinh thần của mọi người, hát để hướng tới lý tưởng giải phóng, hát vì tình yêu âm nhạc trong trái tim mình.

Cả đất nước khi đó chung một ý chí hòa bình, người nghệ sĩ biết hát phải là người đem lời ca phục vụ giấc mơ hòa bình đó. Rồi cứ thế 10 năm, 20 năm rồi 50 năm, từ những ngày tháng đỏ lửa trong bom đạn đến khi màu xanh hoà bình trải khắp muôn trùng, tuổi trẻ đã đi qua, dấu chân cũng đã in hằn lên vết gấp của lịch sử, mái tóc kia không còn óng mượt như Người con gái Bến Tre thổn thức Lời ru trên nương… nhưng giọng hát của NSND Thu Hiền vẫn nguyên vẹn vẻ đẹp đằm thắm, năng lượng và những ý tưởng nghệ thuật của chị dường như chưa bao giờ vơi đi.

Góc khuất sau ánh hào quang, nụ cười buồn giấu trong lời hát

Phải nỗ lực, cống hiến và hy sinh thì NSND Thu Hiền mới có được một sự nghiệp rạng danh đến thế. Thu Hiền yêu hát đến nỗi không hát thì không sống được, lúc nào cũng chỉ muốn hát, hát cho đến khi không hát được nữa. Và cũng chính vì quá đam mê nghệ thuật mà chị đã làm rơi nhịp hạnh phúc gia đình. Mất mát nhiều và đắng cay vây bủa, điều chị giữ lại cho mình là hai người con. Thu Hiền khao khát hạnh phúc, nhiều khi chị ứa nước mắt thầm cầu có một người chồng lấy khăn mặt lau đi những giọt mồ hôi lo toan chực rơi trên trán.

Nghệ sỹ Thu Hiền, ca hát là niềm đam mê.

Đời nghệ sĩ nghiệt ngã, buồn đấy, đau đấy nhưng có bao giờ được mang gương mặt đời sống đó lên sân khấu đâu, khi hay tin cha mẹ mất vẫn phải nở nụ cười để mà hát. Bước chân rời khỏi ánh đèn, chị trở về là chính mình trong âm thầm và lặng lẽ. Không bon chen với đời, không chạy theo những xô bồ của thành thị – nơi những thanh âm hỗn loạn nhảy múa liên hồi la cà trong tiếng xập xình, Thu Hiền thu mình lại trong thế giới của những tiếng khóc thầm rất đỗi bình thường của người phụ nữ, “vinh quang tột cùng mà cay đắng cũng tột cùng”.

Có lẽ với chị, âm nhạc là liều an thần duy nhất khiến người nghệ sĩ yêu nghề trở về với an nhiên, mà chỉ có thể là những giai điệu dân ca, trữ tình, cách mạng mới là cuộc sống của Thu Hiền.

NSND Thu Hiền chia sẻ rằng, với chị những ca khúc âm hưởng dân ca miền Trung, Nam Bộ đã ngấm vào trong máu: “Âm nhạc dân gian là nguồn mạch âm ỉ trong mỗi con người, ngày xưa mà bây giờ cũng thế. Dân ca thường đi vào lòng người, bởi văn hóa mỗi vùng miền chính là câu ca, tiếng hát. Vì sao câu ca xứ Nghệ hát lên nghe đau lòng, dân ca quan họ lanh lảnh, vui tươi, còn những khúc dân ca miền núi lại cao vút. Hát dân ca phải nắm được hơi thở, cuộc sống, cách phát âm của vùng miền đó”.

“Có chọn lại tôi vẫn chọn như thế thôi. Không thể liều mình, mỗi bông hoa màu sắc có thể giống nhau nhưng mùi hương phải riêng biệt”, NSND Thu Hiền nhắc lại.

Cũng vì tình yêu nghề ấy mà NSND Thu Hiền luôn muốn giữ hình ảnh đẹp trong mắt khán giả từ lời ăn tiếng nói đến chuyện ăn mặc. Trên sân khấu, bao giờ cũng chỉ thấy NSND Thu Hiền mặc áo dài, quân phục hoặc áo bà ba. Chị phải chọn trang phục phù hợp với bài hát, với hoàn cảnh sinh ra bài hát đó và phải thật mộc mạc.

Ở tuổi 50 có lẻ, NSND Thu Hiền nghĩ phải giữ tiếng chứ không phải lấy tiếng, việc giữ gìn hình ảnh lại càng phải thận trọng. Có lẽ cũng vì thế mà chị luôn được nghệ sĩ trẻ thương yêu và kính trọng.

NSND Thu Hiền sống tại TP.HCM cùng với gia đình nhưng hàng tháng chị đều ra Hà Nội để đi diễn. Nơi đây như là thế giới nhỏ của NSND Thu Hiền với những vật dụng khá đơn giản nhưng đầy ý nghĩa nhắc người nghệ sĩ về một thời quá khứ khó phai mờ.

Chị nói, mỗi lần trở về đây chị như được sống lại với cuộc sống của riêng mình. Lúc này, chị chỉ là một người phụ nữ thầm lặng như biết bao người phụ nữ khác: “Ở trong kia có chồng, có con nhưng tôi sống ngoài này quen rồi. Tôi cứ thích ra ngoài này để tìm lại cái gì xưa của mình, mặc dù chỉ có một mình thôi. Hình như cái tuổi này người ta thích hoài niệm”.

Bình yên sau gian nhà nhỏ

Rồi những sóng gió cũng phải đến lúc rời đi, có lẽ khoảng thời gian này với người nghệ sĩ đã dành quá nửa đời cống hiến cho nghệ thuật thật đáng trân trọng biết bao. Thu Hiền bằng lòng với hạnh phúc hiện tại của mình. Sau những khổ đau tìm hạnh phúc, chị gặp người chồng hiện tại cùng là bộ đội, chị yêu người đàn ông ấy chỉ bởi lối sống giản dị, biết thông cảm và sẻ chia.

Ngoài tình chồng vợ, giữa hai người còn là tình nghĩa, chiến hữu và cũng là đồng đội. Với Thu Hiền, người chiến hữu ấy là chỗ dựa tinh thần tạo cho chị sự an tâm trong cuộc sống. Tận hưởng sự thanh nhàn của tuổi hưu bên người bạn đời cùng con cháu, niềm hạnh phúc của chị như dài thêm khi sau một câu hát của mình.

Nhìn lại chặng đường sống và cống hiến của mình, chính chị cũng phải công nhận chị đã dũng cảm để đi qua những bão giông cuộc đời. Một ngày bình yên của NSND Thu Hiền bây giờ bao gồm tận 5 “con” một lúc. Sáng mở mắt ra là “con” bà cho cháu đi học, sau đó là “con” ô sin đi chợ, về là “con” vợ nấu cơm, đến chiều là “con” mẹ lo giùm các con việc đón cháu, cuối cùng là “con” hát.

Người ta nói bình yên ở ngay những khoảnh khắc ta cùng sống, cùng nhau ngắm nhìn bình minh sáng sớm, hay đơn giản chỉ là những phút đợi chờ nhau bên ngưỡng dốc cuộc đời để ngắm nhìn nhau cùng già đi. Không cần hoa mỹ, không cần cầu kỳ càng không cần những điều phù phiếm, người nghệ sĩ ấy đang hưởng những phút giây tuyệt nhất của cuộc đời, của ánh hừng đông sau cơn bão xa bờ.

Trang Dung

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *