Ngay lúc này đồng bào các tỉnh duyên hải Trung Bộ đang oằn mình chống chọi cơn bão Noru 2022 với sức gió khủng khiếp. Người Việt khắp nơi đang hướng về khúc ruột Miền Trung và cầu mong những điều tốt đẹp nhất cho quê hương chịu nhiều đau khổ.
Trong tâm tình đó, DòngNhạcXưa xin gởi đến người yêu nhạc một tâm khúc của nhạc sỹ Ngọc Sơn với tựa đề: Thương Quá Quê Hương Ơi.
Xin được nói thêm sáng tác này là của nhạc sỹ Ngọc Sơn sinh năm 1934, nổi tiếng trước năm 1975 với các sáng tác như “100 phần 100”, “Đêm buồn phố thị” chứ không phải ca nhạc sỹ Ngọc Sơn của “Tình cha”, “Lòng Mẹ 2”.
Ông Tô Văn Lai, người sáng lập hãng đĩa Thúy Nga năm 1972 ở Sài Gòn mà sau này phát triển thành Trung tâm Thúy Nga tại hải ngoại, đã chính thức từ giã hàng triệu khán thính giả yêu âm nhạc khắp nơi để về với Nước Chúa.
DòngNhạcXưa xin cầu chúc linh hồn Phero mau về hưởng niềm vui vĩnh cửu bên Thánh Nhan Chúa.
Nhạc sĩ Hồng Đăng tên thật là Phan Đăng Hồng. Ông sinh ngày 1/1/1936 tại huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An và đã mãi mãi từ giã người yêu nhạc ngày 21/3/2022.
Có thể nói không ngoa ông là một cây đại thụ của tân nhạc Việt Nam, tiêu biểu cho một thế hệ nhạc sĩ trưởng thành và góp phần hình thành nền âm nhạc của dải đất hình chữ S ở phía bắc vỹ tuyến 17.
Để tưởng nhớ một nhà nhạc sỹ lão thành, DòngNhạcXưa xin quý vị yêu nhạc nghe lại những bản tình ca bất hủ của Hồng Đăng và cầu mong linh hồn ông an lạc ở một miền cực lạc.
Trước đây, vào thập niên 1980-1990 của thế kỷ 20, viết về thực trạng đau lòng của những người con xứ Việt phải vượt biển rồi tá túc trong các trại tỵ nạn ở Malaysia, Indonesia, Hongkong, v.v., Trúc Hồ cùng cố nhạc sỹ Trầm Tử Thiêng đã có hai sáng tác thật cảm động: ‘Bên em đang có ta’ và ‘Có tin vui giữa giờ tuyệt vọng’.
Ngày đó, hai bản nhạc này đã được truyền bá rộng rãi trong cộng đồng người Việt Hải Ngoại, để rồi sau đó lời ca tiếng hát bay về các trại tỵ nạn vỗ về an ủi cho những thân phận lưu vong.
Trong những ngày tháng 3/2022, một biến cố không ngờ đã xảy ra: Nga xua quân tấn công vào Ukraine, gây nên một cuộc chiến đẫm máu giữa hai ‘người anh em’ từng thuộc về liên bang Xô Viết.
Máu đã đổ. Nhà đã tan. Người dân ly tán.
Một lần nữa, nhạc sỹ Trúc Hồ lại lên tiếng. Anh cất lên tiếng nói trước hết từ chính lương tâm của một con người yêu chuộng hòa bình, và sau đó là của một người con đã từng lưu lạc, từng chứng kiến bao nhiêu đau thương mất mát từ những cuộc chiến tàn khốc.
Hôm nay DòngNhạcXưa xin giới thiệu sáng tác mới nhất của nhạc sỹ Trúc Hồ có tựa ‘Hello, Lost Eyes’ nói lên nỗi niềm của người dân Ukraine phải ly hương vì khói lửa chiến trang, phải gồng mình vượt qua khó khăn chồng chất. Chúng tôi cũng xin mạn phép mượn nhạc phẩm này đề bày tỏ sự cảm thông với những đau khổ mà người dân Ukraine phải gánh chịu và cầu mong mọi điều tốt lành nhất sẽ đến vùng đất Đông Âu xinh đẹp.
Những ngày cuối tháng 09 và đầu tháng 10/2021, khi Sài Gòn chuẩn bị dỡ bỏ lệnh phong tỏa, chúng ta chứng kiến hàng ngàn người dân tha phương rời nhà trọ để đổ về quê. Quá trình trụ lại để mưu sinh đã quá khó khăn, giờ đây hành trình về với quê Mẹ lại không kém phần gian nan.
DòngNhạcXưa xin giới thiệu nhạc phẩm ‘Từ Giã Sài Gòn’, sáng tác mới nhất của cặp đôi Phương Thảo – Ngọc Lễ để tiếp nối dòng nhạc về Covid-19.
Trong những tháng ngày Sài Gòn oằn mình chống cơn đại dịch coronavirus, không ít tu sỹ nam nữ từ nhiều dòng tu khác nhau đã quảng đại dấn thân, giúp đỡ của cải vật chất cũng như động viên tinh thần cho bà con đang gặp khó khăn chồng chất.
Trong số đó, tinh thần phục vụ và sự hy sinh cao đẹp của soeur Maria Trần Ngọc Thảo Linh đã để lại một niềm thương tiếc và cảm phục lớn lao, không chỉ với các tín hữu Công Giáo mà còn bởi hàng triệu đồng bào khắp nơi.
Trong tâm tình đó, nhà thơ Lưu Trọng Văn đã viết nên những dòng thơ thật đẹp như một lời cầu nguyện cho linh hồn Maria vui hưởng trọn vẹn hạnh phúc trong Nước Chúa (Nguồn: Facebook Lưu Trọng Văn)
Nước Chúa ở đâu?
MA SOEUR MARIA TRẦN NGỌC THẢO LINH 32 tuổi vừa về nước Chúa… do nhiễm virus corona khi tình nguyện giúp dân trong đại dịch. AMEN!
Thảo Linh ơi, nước Chúa ở đâu?
Anh không biết nước Chúa ở đâu, nơi em về
Nhưng anh biết có một miền quê
đang mùa lúa chín
Không tiếng chuông nhà thờ
Không lời cầu nguyện
Có một kẻ lang thang là anh
đang khóc thương em
Nước Chúa ở đâu em vụt bay như một thiên thần
Anh chẳng kịp
Gửi theo chút hương đồng cỏ dại
Cái mùi cỏ muôn đời con gái
Một thời nuôi hương tóc em
Nước Chúa ở đâu, ở đâu Thảo Linh ơi?
Em hãy cắp cả nụ cười bay đi
Đừng để lại
Nụ cười ấy nếu em để lại không cùng em bay về nước Chúa
Việt Nam nói chung và nhất là Sài Gòn thân yêu đang trải qua những ngày tháng thật sự khó khăn vì cơn đại dịch quái ác. Đã có sự mất mát, đã có sự hy sinh và tất nhiên là không thiếu những giọt nước mắt.
DòngNhạcXưa xin chia sẻ với tất cả những ai đang phải gánh chịu đau thương trong mùa dịch này. Chúng tôi xin mượn chút ít lời ca, tiếng hát để mong xoa dịu phần nào nỗi muộn phiền và cầu nguyện những điều tốt lành nhất cho đồng bào máu mủ sớm vượt qua cơn nguy khó.
Hôm nay, DòngNhạcXưa xin gởi đến quý vị bản cover ‘Khi người đàn ông khóc’ mà đạo diễn Mr. Tô đã cặm cụi viết lời và tự thu âm cách đây vài ngày với thông điệp bình an, sức khỏe đến mọi người và chúng ta cùng nhau vượt qua đại dịch.
Khi nghe giai điệu quen thuộc này thì chắc hẳn rất nhiều người sẽ nhớ về bản hit ‘Khi người đàn ông khóc’ rất nổi tiếng những năm 2000 qua giọng ca Lý Hải.
Những ai đã trót mê phim bộ Hồng Kông chắc hẳn sẽ không xa lạ với ngôi sao Lưu Đức Hoa, một trong ‘tứ đại thiên vương’ của làng giải trí xứ Hương Cảng một thời. Anh cũng chính là người đã thể hiện bản gốc của giai điệu quen thuộc mà chúng ta vừa nghe, vốn là nhạc phim ‘Án mạng bí ẩn’ phát hành năm 1999.
Giữa bao bộn bề khó khăn của người dân Sài Gòn nói riêng và khắp các tỉnh thành Miền Nam thân yêu nói chung trong cuộc chiến chống lại con virus covid, chúng ta vẫn thấy ấm lòng vì tình người Việt Nam đùm bọc thương yêu nhau. Nhiều khi chỉ là vài trái bầu, vài chục trứng gà, đôi đòn bánh tét mà sao thấy gần gũi và ấm áp tình người.
DòngNhạcXưa xin tiếp tục chủ đề “Âm Nhạc Thời Covid-19” bằng một ca khúc rất mới của nhạc sỹ không chuyên Hồ Tấn Vũ, một phóng viên báo Tuổi Trẻ. Trong một phút giây chạnh lòng nghĩ về tình cảnh dân mình phải chịu bao khốn đốn giữa mùa dịch, anh cầm đàn guitar ngân nga giai điệu và cho ra đời nhạc phẩm sâu lắng: ‘Gởi Vô Nam’.
Địa danh B’lao mà ngày nay là Thành phố Bảo Lộc (tỉnh Lâm Đồng) là nơi mà Trịnh Công Sơn đã về dạy học sau khi tốt nghiệp Đại Học Sư Phạm Quy Nhơn. Mặc dù chỉ dừng chân nơi đây độ 3 năm (từ 1964 – 1967) nhưng mảnh đất đèo heo hút gió cũng đã ghi lại nhiều dấu ấn trong lòng nhà nhạc sỹ. DòngNhạcXưa xin giới thiệu một nét chấm phá trong hành trình âm nhạc Trịnh Công Sơn ở mảnh đất B’lao gió núi.
Dấu ấn Trịnh qua miền đất này – Kỳ 4: Anh trưởng giáo ở góc núi B’Lao
Nguồn: bài viết của tác giả Trần Ngọc Trác đăng trên TuoiTre.vn ngày 31/03/2021
TTO – Trịnh Công Sơn tốt nghiệp Trường Sư phạm Quy Nhơn và được điều về Ty tiểu học Lâm Đồng (tỉnh lỵ đặt tại B’Lao, nay là thành phố Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng) vào tháng 8-1964.
Hôm nay là ngày thứ ba tính từ hôm 9/7/2021 khi người dân Sài Gòn tự cách ly để cùng chung sức đẩy lùi dịch bệnh đang bùng phát dữ dội trong vài tuần nay. Mong tất cả chúng ta hãy biết hy sinh những niềm vui tưởng chừng như rất đơn giản như “ra ngoài phố”, đến bên “ghế đá công viên” thân thuộc để ngắm “chiều bỡ ngỡ bơ vơ”.
Một điều thú vị là trong hoàn khó khăn, người Sài Gòn vẫn lạc quan nhìn về một ngày mai tươi đẹp, tràn đầy hy vọng như lời kết trong bản nhạc chế của ca sỹ Lê Vỹ: thành phố cũ, người quen xưa, còn đó ngày ngày mai, ngày mai sẽ trở lại.
DòngNhạcXưa xin mạn phép giới thiệu một ‘phiên bản’ rất khác của “Người Ngoài Phố” mà ca sỹ Lê Vỹ chế lại từ giai điệu bất hủ mà nhạc sỹ Anh Việt Thu đã sáng tác trong một chiều cuối năm 1972 đầy tâm trạng.
Lê Vỹ cho biết anh hát bài nhạc chế này theo phong cách Tuấn Vũ với thông điệp kêu gọi mọi người chung tay ở nhà chống dịch Covid-19.
Lê Vỹ là con út trong một gia đình có 6 anh chị em. Kinh tế gia đình không mấy khá giả nhưng anh vẫn được cho ăn học đến nơi đến chốn. Anh tốt nghiệp Đại Học Sư Phạm Huế nhưng dấn thân vào Sài Gòn sinh sống và phát triển sự nghiệp.