Trong những ngày này, chứng kiến Trung Quốc liên tục bành trướng trên Biển Đông, lấn chiếm hải phận Việt Nam, Dòng Nhạc Xưa chúng tôi lại ngậm ngùi hoài niệm những chiến công hiển hách của các bậc tiền nhân. Một trong những địa danh đã ghi dấu nhiều lần quân Trung Quốc chuốc lấy thảm bại là Bạch Đằng Giang.
Hôm nay chúng tôi xin trân trọng giới thiệu một bản hùng ca bất hủ của nhạc sỹ tiền bối Lưu Hữu Phước: tác phẩm “Bạch Đằng Giang”.
Cầu mong hào khí dân tộc Việt mãi mãi tồn tại trong dòng chảy của lịch sử!
SÔNG BẠCH ĐẰNG
(Nguồn: wikipedia.org)
Sông Bạch Đằng, còn gọi là Bạch Đằng Giang (chữ Hán: 白藤江)(tên nôm: sông Rừng), hiệu là sông Vân Cừ, là một con sông chảy giữa thị xã Quảng Yên (Quảng Ninh) và huyện Thủy Nguyên (Hải Phòng), cách vịnh Hạ Long, cửa Lục khoảng 40 km. Nó nằm trong hệ thống sông Thái Bình.
- Điểm đầu là phà Rừng – Hải Phòng (ranh giới Hải Phòng và Quảng Ninh).
- Điểm cuối là cửa Nam Triệu – Hải Phòng. Sông có chiều dài 32 km.
- Các loại tàu thuyền có tải trọng 300-400 tấn tham gia vận tải được cả 2 mùa.
Sông Bạch Đằng là con đường thủy tốt nhất để đi vào Hà Nội (Thăng Long ngày xưa) từ miền nam Trung Quốc, từ cửa sông Nam Triệu các chiến thuyền đi vào sông Kinh Thầy, sông Đuống và cuối cùng là sông Hồng đoạn chảy qua Hà Nội
Sông Bạch Đằng nổi tiếng với 3 chiến công của dân tộc Việt Nam:
- Trận thủy chiến sông Bạch Đằng năm 938: Ngô Quyền đánh thắng quân xâm lược Nam Hán,
- Trận thủy chiến sông Bạch Đằng năm 981: Hoàng đế Lê Đại Hành đập tan quân Tống xâm lược
- Trận thủy chiến sông Bạch Đằng năm 1288: Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn đại thắng quân xâm lược Nguyên (trong cuộckháng chiến chống quân Nguyên lần thứ ba).
Hiện ở khu vực cửa sông Bạch Đằng có 3 ngôi đền thờ 3 vị anh hùng trên đó là đình Hàng Kênh (Lê Chân, Hải Phòng) thờ Ngô Quyền, đền Vua Lê Đại Hành ở thị trấn Minh Đức (Thủy Nguyên, Hải Phòng) và đền Trần Hưng Đạo ở phường Yên Giang, (Quảng Yên, Quảng Ninh).