Nhân dịp xuân về, Dòng Nhạc Xưa trân trọng xin mời người yêu nhạc nghe lại bản “Bến Xuân” bất hủ.
Đầu thập niên 1940, nhờ các hoạt động văn nghệ với nhóm Đồng Vọng ở Hải Phòng, một tình cảm đẹp đã nảy sinh giữa nhà nhạc sỹ trẻ tuổi Văn Cao và đóa hoa hương sắc Hoàng Oanh của vùng đất Cảng. Có một lần (mà chúng tôi đoán là mùa xuân), nàng Hoàng Oanh ghé thăm Văn Cao và lần gặp gỡ ấy đã để lại những ấn tượng sâu sắc trong lòng nhà nhạc sỹ. Đó cũng chính là cảm hứng để Văn Cao sáng tác nhạc phẩm bất hủ: Bến Xuân.
Về sau, tiểu thư Hoàng Oanh lập gia đình với một người bạn thân của Văn Cao là Hoàng Quý, tác giả của bản “Cô láng giềng” và là người sáng lập ra nhóm Đồng Vọng. Dòng đời thay đổi, chiến tranh Việt – Pháp nổ ra và Văn Cao đi theo kháng chiến. Sau đó, Văn Cao viết thêm một lời khác cho “Bến xuân” lấy tựa đề là “Đàn chim Việt”.
Thế nhưng, với Dòng Nhạc Xưa chúng tôi, “Bến xuân” vẫn mãi là “bến xuân” đầy huyền thoại, ghi lại một kỷ niệm khó phai mờ trong cuộc đời và sự nghiệp của Văn Cao!
EM ĐẾN TÔI MỘT LẦN (Nguồn: trích bài viết của nhà báo Hà Đình Nguyên đăng trên Thanh Niên 14/04/2012)
Không ai có thể phủ nhận sự tài hoa của nhạc sĩ Văn Cao – cây đại thụ của nền tân nhạc. 16 tuổi đã có sáng tác đầu tay (Buồn tàn thu, năm 1939) và các tình khúc tiếp theo của ông được sánh vào hàng “siêu phẩm”: Suối mơ, Thiên thai, Cung đàn xưa, Bến xuân, Thu cô liêu, Trương Chi…
Vào đầu những năm 40 của thế kỷ trước, những bài hát của Văn Cao đã lan tỏa từ bắc chí nam. Người có công đầu là Phạm Duy, lúc đó chưa sáng tác nhạc mà đi theo đoàn cải lương Đức Huy – Charlie Miều lưu diễn xuyên Việt, Phạm Duy chuyên hát “phụ diễn”, bài hát ruột là Buồn tàn thu. Tri âm đến nỗi Văn Cao đã đề tặng dưới cái tựa Buồn tàn thu trong bản nhạc: “Tương tiến Phạm Duy, kẻ du ca đã gieo nhạc buồn của tôi đi khắp chốn”. Còn những người hát nhạc Văn Cao ở phía bắc là ca sĩ Kim Tiêu (nam), Thương Huyền, Thái Thanh (nữ)… Văn Cao sinh năm 1923 tại Lạch Tray (Hải Phòng) nên tham gia vào nhóm Đồng Vọng của nhạc sĩ Hoàng Quý. Cũng chính ở thành phố biển này, Văn Cao đã gặp một giai nhân để rồi dòng nhạc tiền chiến có thêm một viên ngọc lấp lánh: ca khúc Bến xuân (đồng sáng tác với nhạc sĩ Phạm Duy).
Trong cuốn băng video Văn Cao – Giấc mơ đời người (đạo diễn Đinh Anh Dũng, Hãng phim Trẻ sản xuất năm 1995, tái bản năm 2009), trong phần giới thiệu ca khúc Đàn chim Việt (tức Bến xuân), nhạc sĩ Văn Cao tâm sự: “Ngày xưa tôi có thầm yêu một người con gái mà không dám nói ra. Nhưng người ấy hiểu lòng tôi và đến với tôi. Vì thế nên mới có câu hát ‘Em đến tôi một lần’ và có bài hát này”… Người con gái ấy chính là Hoàng Oanh, nữ ca sĩ ở Hải Phòng (sau này trong miền Nam cũng có nữ ca sĩ Hoàng Oanh hiện ở hải ngoại, không phải Hoàng Oanh trong bài viết). Nhưng tại sao nhạc sĩ Văn Cao yêu mà không dám nói? Là bởi con tim của nhạc sĩ “chậm xao động” hơn hai ông bạn thân. Biết được cả Kim Tiêu lẫn Hoàng Quý đều đem lòng yêu thương Hoàng Oanh, chàng nhạc sĩ trẻ đành nín lặng, ôm mối tình đơn phương… Tuy thế, sau những lần gặp gỡ, qua ánh mắt, nụ cười nàng đã hiểu tấm chân tình của chàng. Rồi một hôm, Văn Cao đang ở Bến Ngự (Hải Phòng) thì nàng tìm đến. Không chỉ thăm suông mà nàng còn ngồi làm mẫu cho chàng vẽ (Văn Cao còn là một nhà thơ kiêm họa sĩ), rồi ân cần ngồi quạt cho chàng sáng tác nhạc… Có thể nói ca khúc Bến xuân không chỉ là một bài hát làm xuyến xao lòng người mà còn là một bức tranh hết sức sống động, một bài thơ với những ca từ đầy biểu cảm. Tóm lại cả ba năng khiếu (thơ, nhạc, họa) tài hoa của Văn Cao đều dồn vào Bến xuân: “Nhà tôi bên chiếc cầu soi nước, em đến tôi một lần, bao lũ chim rừng hợp đàn trên khắp bến xuân”. Hình ảnh thẹn thùng, khép nép của giai nhân trong nhạc của Văn Cao sao mà đáng yêu chi lạ: “Mắt em như dáng thuyền soi nước. Tà áo em rung theo gió nhẹ thẹn thùng ngoài bến xuân”. Hôm đó có lẽ nàng cũng có hát nữa nên mới “nghe réo rắt tiếng Oanh ca”. Bản nhạc được NXB Tinh Hoa ấn hành năm 1942 với lời ghi “nhạc: Văn Cao, lời: Văn Cao – Phạm Duy” (sau này nhạc sĩ Văn Cao đặt lời mới và đổi tựa thành Đàn chim Việt). Chẳng biết nhạc sĩ Phạm Duy “đóng góp” như thế nào trong phần lời nhưng ở đoạn cuối, rõ ràng là tâm trạng của Văn Cao: “Nhà tôi sao vẫn còn ngơ ngác. Em vắng tôi một chiều. Bến nước tiêu điều còn hằn in nét đáng yêu. Từng đôi chim trong nắng khe khẽ ru u ù u ú. Lệ mùa rơi lá chan hòa” (dùng chữ “lệ mùa rơi lá” quá hay!). Cái cảnh chàng gột áo phong sương trở về bến cũ sao mà buồn đến nao lòng: “Người đi theo mưa gió xa muôn trùng. Lần bước phiêu du về chốn cũ. Tới đây mây núi đồi chập chùng. Liễu dương tơ tóc vàng trong nắng. Gột áo phong sương du khách còn ngại ngùng nhìn bến xuân”.
Nàng đến thăm chàng một lần, rồi… thôi, chừng đó cũng đủ hiểu lòng nhau và đã quá lãng mạn. Sau này gia đình ca sĩ Kim Tiêu có dạm hỏi Hoàng Oanh nhưng hôn sự bất thành vì gia đình nhà gái thách cưới cao quá. Bản thân Kim Tiêu cũng gặp phải nhiều sóng gió và nghe nói chết trong nghèo đói ở thềm ga Hàng Cỏ (Hà Nội). Rồi Hoàng Oanh lên xe hoa, trở thành vợ của nhạc sĩ Hoàng Quý.
Một bình luận về “Bến xuân: hoài niệm cả đời cho một lần gặp gỡ”