Ước Nguyện Đầu Xuân (Hoàng Trang)

Vào những ngày Tết, giai điệu vui tươi cùng ca từ đậm chất xuân của bản ‘Ước nguyện đầu xuân’ lại rộn rã vang lên ở khắp mọi nơi. Thế nhưng, không ít người yêu nhạc vẫn chưa biết bài này nhạc sỹ Hoàng Trang sáng tác vào những năm 1967 – 1968, khi Miền Nam Việt Nam vẫn còn vào hồi chinh chiến.

Bản này được ca sỹ Giao Linh thu âm lần đầu tiên vào đĩa nhựa ‘Hái lộc đầu xuân’ do hãng đĩa Continental phát hành. Ngày ấy, Giao Linh hát chậm, vừa, da diết, đúng với tâm trạng của tác giả muốn gởi gắm.

Nếu để ý kỹ một chút, chúng ta sẽ nhận ra xuyên suốt nhạc phẩm là lời tâm sự của một cô thiếu nữ còn khá trẻ, ước chừng mười tám đôi mươi. Và cũng như bao thân phận khác thời binh đao khói lửa, nàng cũng hướng lòng về người yêu, một quân nhân đang đồn trú ở một tiền đồn xa xôi nào đó. Dưới đây là phần lời ca gốc mà Giao Linh đã chuyển tải trong bản thâu âm trước 1975:

Một rừng hoa mai nở
Một bầy chim én đưa tin
Chúa xuân giáng trần thật xinh
Năm rồi em trăng gầy
Năm này mười sáu tròn trăng
Đón xuân thấy lòng bâng khuâng
Vì em biết yêu rồi chăng?

Thật lòng yêu thương người
Người miền chinh chiến chưa nguôi
Đón xuân gió lộng rừng xuôi
Hương trầm đêm giao thừa
Hoa lộc khoe sắc mọi nơi
Đơm nụ xuân hồng đôi môi
Người tôi mến yêu đầy vơi

Tuy năm nay em lớn
Nhưng vẫn thích bao lì xì
Thích khoe áo đẹp mẹ cho
Thích nghe pháo nổ đây đó

Đêm xuân thiêng xin khấn
Cho đất nước em bình thường
Ước mơ giấc mộng uyên ương
Có đôi cánh thạnh chung hướng

Dù người sang hay nghèo
Đều mừng xuân ngát hương say
Ý mong phước lộc tròn tay
Ôm nàng xuân trong lòng
Cho dù minh biết hoài công
Thế nhưng vẫn mộng tương lai
Làm tin sống cho ngày mai

Vì nhiều lý do khác nhau, hầu hết các ca sỹ thời nay khi hát ‘Ước nguyện đầu xuân’ đều sửa lời làm mất đi tính “người lính, chiến tranh, chia cách” và hát nhanh hơn, rộn rã hơn, vui tươi hơn để theo kịp thời đại.

Đây là phần lời mà ngày nay người yêu nhạc hay nghe:

Một rừng hoa mai nở
Một bầy chim én đưa tin
Chúa xuân giáng trần thật xinh
Năm rồi em trăng gầy
Năm này em mới tròn trăng
Đón xuân thấy lòng bâng khuâng
Vì em biết yêu rồi chăng?

Thật lòng em yêu người
Một đời nhân nghĩa cưu mang
Ý anh ý đẹp trời ban
Hương trầm đêm giao thừa
Hoa lộc khoe sắc mọi nơi
Đơm nụ xuân hồng đôi môi
Tình xuân ngất ngây trần gian.

[ĐK:]
Tuy năm nay em lớn
Nhưng vẫn thích bao lì xì
Thích khoe áo đẹp mẹ cho
Thích đi hái lộc đây đó

Đêm xuân khuya em khấn
Cho đất nước ta mạnh giàu
Ước mơ giấc mộng uyên ương
Có đôi cánh đẹp tình thương.

Dù người sang hay nghèo
Đều mừng xuân ngát hương say
Ý mong phước lộc tràn tay
Ôm nàng xuân trong lòng
Môi hồng âu yếm nụ hôn
Đón xuân ước nguyện đêm nay
Đời ta có nhau ngày mai.

Và đây là tờ nhạc do nhóm “Trăm Hoa Miền Nam” phát hành đầu năm 1968.

Ước Nguyện Đầu Xuân (Hoàng Trang). Nguồn: AmNhacMienNam.blogspot.com

Trong những ngày giáp Tết, Dòng Nhạc Xưa mời quý vị yêu nhạc xa gần hãy nghe lại cả hai phiên bản “Ước nguyện đầu xuân” của cố nhạc sỹ Hoàng Trang để có những phút giây vui tươi hoặc lắng đọng, để chuẩn bị đón một mùa Xuân Giáp Thìn 2024 đầm ấm.

Đâu rộn ràng giọng hát…

Như một nén nhang lòng thắp lên cầu mong cho linh hồn nhạc sỹ Nguyễn Đình Toàn sớm siêu thoát về miền cực lạc, Dòng Nhạc Xưa xin gởi đến người yêu nhạc bản nhạc nổi tiếng mà ông viết cuối thập niên 1970, khi ông còn đang ở trong trại tù cải tạo. Thông qua những bạn tù đã được thả trước đó, nhạc phẩm này vượt đại dương để có mặt trong băng cassette ‘Người di tản buồn’ xuất bản năm 1979 tại hải ngoại.

Có một chi tiết thú vị là trong bản ghi âm này, Khánh Ly đã hát ‘đâu rộn ràng giọng hát Thái Thanh’, trong khi bản gốc mà Nguyễn Đình Toàn muốn viết ‘đâu rộn ràng giọng hát Khánh Ly’. Sau này, khi đã sang Mỹ, nhạc sỹ có tâm sự sở dĩ ông dùng tên ‘Khánh Ly’ vì ông và ca sỹ có một mối thâm giao trước đó khi còn ở Sài Gòn; và hơn nữa chữ ‘Ly’ đi có vần hơn với những câu trước:

Sài Gòn ơi!
Đâu những ngày mưa mùa khoác áo đi
Tay cầm tay nói nhỏ câu gì
Đâu quầy hoa quán nhạc đêm về
Đâu rộn ràng giọng hát Khánh Ly

Sài Gòn trước 1975. Ảnh: Tạp chí Life.

Còn riêng Khánh Ly thì cho biết cô không muốn tự hát về bản thân và cũng vì lòng mến mộ với đàn chị Thái Thanh nên trong lần ghi âm đầu tiên cô đã hát hai chữ ‘Thái Thanh’. Sau này, những ai hiểu chuyện đều đã hát đúng nguyên tác: ‘đâu rộn ràng giọng hát Khánh Ly’.

Đôi lời góp vui để thấy cái cách đối xử thật tế nhị của giới văn nghệ sỹ thời xưa!

Âm Nhạc Thời Covid-19: Blouse Trắng (Thiên Phú)

Chúng tôi may mắn được tiếp xúc và trò chuyện cùng các bác sỹ, những chiến sỹ thầm lặng vật lộn với cuộc chiến chống dịch covid-19 trước đây. Qua đó chúng ta mới thấy hết những khó khăn, đau khổ, dằn vặt và có cả sự hy sinh thật cao cả. Dòng Nhạc Xưa xin trân trọng giới thiệu một sáng tác rất hay và chân thực về những “chiếc áo blouse trắng” của ca nhạc sỹ Thiên Phú: Blouse Trắng.

Trời vào thu, Việt Nam buồn lắm em ơi (Tình Bơ Vơ – Lam Phương)

Mấy ngày gần đây cư dân mạng xôn xao vì chuyện một ca sỹ gạo cội như Tuấn Ngọc lại đi hát sai lời một nhạc phẩm đã quá quen thuộc của nhạc sỹ Lam Phương – bản ‘Tình bơ vơ’.

Lời ca đúng và đã đi vào lòng bao thế hệ là ‘Trời vào thu, Việt Nam buồn lắm em ơi…’ đã bị Tuấn Ngọc hát thành ‘Trời vào thu, chiều nay buồn lắm em ơi…’. Dòng Nhạc Xưa chúng tôi không dám khẳng định người biểu diễn đã cố tình sửa lời hay chỉ là vô tình quên lời hát nhưng việc sai hai chữ đó đã làm cho tình cảm mà nhà nhạc sỹ gởi gắm vào đứa con tinh thần bị mất đi khá nhiều.

Bản này được Lam Phương sáng tác và cho xuất bản đầu thập niên 1970. Theo tờ nhạc in trước 1975 (mình sưu tầm từ trang NhacXua.vn) thì năm lưu hành là 1973.

Để hiểu rõ đầu đuôi câu chuyện, chúng ta hãy tìm hiểu đôi nét về hoàn cảnh ra đời của ‘Tình bơ vơ’.

Số là cuối thập niên 1950, Lam Phương (sinh năm 1937) khi đó ngoài 20 và đã thành danh ở mảnh đất Sài Gòn hoa lệ. Còn Bạch Yến (sinh năm 1942) chỉ là một thiếu nữ chưa tròn 18 có tài năng ca hát. Lúc này Lam Phương cũng có ít nhiều tình cảm với Bạch Yến nhưng do cô trẻ quá nên mọi chuyện cũng không đến đâu.

Năm 1959 Lam Phương lập gia đình với nữ kịch sỹ Túy Hồng, linh hồn của ban kịch Sống sau này.

Năm 1961 Bạch Yến lên đường sang Pháp vừa học thêm về nhạc, vừa tham gia biểu diễn. Sau đó bà sang Mỹ và thành công rực rỡ trên xứ Hoa Kỳ. Dù đã lập gia đình nhưng với trái tim đa cảm của một người nghệ sỹ, Lam Phương đã gởi gắm tình cảm rất kín đáo cho Bạch Yến qua bản ‘Chờ người’ mà trong đó có câu:

‘Chờ em, chờ đến bao giờ
Mấy thu, thuyền đã xa bờ

Mười năm trời chẳng thương mình
Để anh thành kẻ bạc tình…’

Ông không trách ai hết, chỉ trách bản thân mới chính là người bội bạc!

Nhưng mọi chuyện chưa chấm dứt. Đằng đẵng 10 năm xa xứ, khi Lam Phương đã yên bề gia thất với Túy Hồng thì Bạch Yến lại về thăm quê rồi lại ra đi một lần nữa. Và đây mới chính là cảm xúc để Lam Phương viết nên một ‘Tình bơ vơ’ bất hủ:

‘Trời vào thu, Việt Nam buồn lắm em ơi…
Về làm chi, rồi em lặng lẽ ra đi…’

Đôi điều hiểu biết bé mọn xin ghi lại để người yêu nhạc hiểu hơn về ‘Tình bơ vơ’.

Bạn Tôi (Võ Thiện Thanh)

Trong những ngày này, khi cơn bão Noru 2022 đã đi qua, các tỉnh Miền Trung từ Quảng Ngãi, Quảng Nam đến Nghệ An đang phải hứng chịu tiếp nguy cơ lũ lụt. Chúng tôi lại nhớ về một ca khúc rất hay của nhạc sỹ Võ Thiện Thanh mà lúc đó, đầu những năm 2000 rất được ưa chuộng qua tiếng hát Quang Linh: bản ‘Bạn tôi’.

‘Bạn Tôi’ là nỗi niềm tâm tình của những đứa con xa nhà, đặc biệt là các bạn sinh viên phải bon chen tìm kiếm miếng ăn, tận dụng cơ hội để học tập, để vươn lên ở chốn thị thành. Trong một buổi chiều mưa, những đứa con tha phương bỗng thấy lòng chùng xuống, đau đáu hướng về những miền quê đang gồng mình chống chọi với bão lũ.

Dòng Nhạc Xưa xin gởi nhạc phẩm đã từ rất lâu này đến quý vị yêu nhạc xa gần. Mong mọi tai ương sớm qua nhanh để bà con ta lại quay về với cuộc sống hàng ngày!

ĐÔI NÉT VỀ NHẠC SỸ VÕ THIỆN THANH

Nhạc sỹ Võ Thiện Thanh. Ảnh: Vietnamnet.vn

(Nguồn: Wikipedia)

Võ Thiện Thanh sinh ngày 14 tháng 12 năm 1968 tại Bình Thuận. Anh mê nhạc từ nhỏ và quyết theo nghiệp sáng tác lúc còn học phổ thông ở Hàm Tân (Bình Thuận). Cuối những năm 80, anh nộp đơn vào Nhạc viện nhưng bị từ chối vì lý do lý lịch. Anh vào Vũng Tàu học nghề chụp ảnh.

Năm 1993, anh được vào Nhạc viện.

Vì lý do tài chính, ở thời điểm 1993-1994, ngoài giờ học, Võ Thiện Thanh phải dùng đàn ở tiệm bán đàn organ của một người bạn để mày mò tự phối khí, kiểm nghiệm hiệu quả của những giai điệu mà mình viết ra. Năm 2000, hãng Kim Lợi mua và thực hiện băng đĩa những bài hát như Tiếng rao, Bạn tôi, Tình 2000… khiến sức ảnh hưởng của nhạc sĩ Võ Thiện Thanh lan rộng.

Anh là việc biên tập và phối khí cho đĩa Xích lô vào năm 2001-một cột mốc đáng nhớ trong sự nghiệp của anh do album này được xem là hiện tượng khoảng thời gian đó. Nhiều ý kiến đề cập đến sự lạ lùng của Xích lô bởi phần hòa âm phối khí rất cá tính, thể hiện tư duy và sự phóng khoáng.

Năm 2006, anh thực hiện album Thiên Đàng cho ca sĩ Thu Minh tạo ra một hiện tượng trong thị trường âm nhạc với nhiều ca khúc nổi tiếng như “Chuông gió” và “Bóng mây qua thềm”. Võ Thiện Thanh được nhận ba danh hiệu Ca khúc của năm (liveshow Bài hát Việt), Nhạc sĩ của năm (Giải thưởng âm nhạc cống hiến) và Nhạc sĩ xuất sắc (giải Mai vàng).

Võ Thiện Thanh tâm niệm rằng: “Cái mới của nghệ thuật phải có tính đại chúng, nghệ thuật đó mới được lưu hành rộng rãi”…

Âm Nhạc Thời Covid-19: Từ Giã Sài Gòn (Phương Thảo – Ngọc Lễ)

Những ngày cuối tháng 09 và đầu tháng 10/2021, khi Sài Gòn chuẩn bị dỡ bỏ lệnh phong tỏa, chúng ta chứng kiến hàng ngàn người dân tha phương rời nhà trọ để đổ về quê. Quá trình trụ lại để mưu sinh đã quá khó khăn, giờ đây hành trình về với quê Mẹ lại không kém phần gian nan.

Dòng Nhạc Xưa xin giới thiệu nhạc phẩm ‘Từ Giã Sài Gòn’, sáng tác mới nhất của cặp đôi Phương ThảoNgọc Lễ để tiếp nối dòng nhạc về Covid-19.

Ảnh: https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-58758933
Ảnh: https://dantri.com.vn/xa-hoi/mien-tay-trang-dem-don-hang-nghin-nguoi-dan-ve-que-tranh-dich-20211002082932169.htm

Âm Nhạc Thời Covid-19: Khi Người Đàn Ông Khóc

Việt Nam nói chung và nhất là Sài Gòn thân yêu đang trải qua những ngày tháng thật sự khó khăn vì cơn đại dịch quái ác. Đã có sự mất mát, đã có sự hy sinh và tất nhiên là không thiếu những giọt nước mắt.

Dòng Nhạc Xưa xin chia sẻ với tất cả những ai đang phải gánh chịu đau thương trong mùa dịch này. Chúng tôi xin mượn chút ít lời ca, tiếng hát để mong xoa dịu phần nào nỗi muộn phiền và cầu nguyện những điều tốt lành nhất cho đồng bào máu mủ sớm vượt qua cơn nguy khó.

Hôm nay, Dòng Nhạc Xưa xin gởi đến quý vị bản cover ‘Khi người đàn ông khóc’ mà đạo diễn Mr. Tô đã cặm cụi viết lời và tự thu âm cách đây vài ngày với thông điệp bình an, sức khỏe đến mọi người và chúng ta cùng nhau vượt qua đại dịch.

Khi nghe giai điệu quen thuộc này thì chắc hẳn rất nhiều người sẽ nhớ về bản hit ‘Khi người đàn ông khóc’ rất nổi tiếng những năm 2000 qua giọng ca Lý Hải.

Những ai đã trót mê phim bộ Hồng Kông chắc hẳn sẽ không xa lạ với ngôi sao Lưu Đức Hoa, một trong ‘tứ đại thiên vương’ của làng giải trí xứ Hương Cảng một thời. Anh cũng chính là người đã thể hiện bản gốc của giai điệu quen thuộc mà chúng ta vừa nghe, vốn là nhạc phim ‘Án mạng bí ẩn’ phát hành năm 1999.

Xem thêm: https://plo.vn/ban-doc/viet-tu-khu-phong-toa-cach-ly/nua-dem-nguoi-dan-ong-bat-khoc-1001699.html

Âm Nhạc Thời Covid-19: Gởi Vô Nam (Hồ Tấn Vũ)

Giữa bao bộn bề khó khăn của người dân Sài Gòn nói riêng và khắp các tỉnh thành Miền Nam thân yêu nói chung trong cuộc chiến chống lại con virus covid, chúng ta vẫn thấy ấm lòng vì tình người Việt Nam đùm bọc thương yêu nhau. Nhiều khi chỉ là vài trái bầu, vài chục trứng gà, đôi đòn bánh tét mà sao thấy gần gũi và ấm áp tình người.

Dòng Nhạc Xưa xin tiếp tục chủ đề “Âm Nhạc Thời Covid-19” bằng một ca khúc rất mới của nhạc sỹ không chuyên Hồ Tấn Vũ, một phóng viên báo Tuổi Trẻ. Trong một phút giây chạnh lòng nghĩ về tình cảnh dân mình phải chịu bao khốn đốn giữa mùa dịch, anh cầm đàn guitar ngân nga giai điệu và cho ra đời nhạc phẩm sâu lắng: ‘Gởi Vô Nam’.

Xem thêm: https://vnexpress.net/anh-tuyet-hat-ve-tam-long-mien-trung-gui-sai-gon-4333073.html

Âm nhạc thời covid-19: Đại Dịch Corona Virus (Mai Quốc Huy)

Mùa hè 2021, trong khi các nước Phương Tây đã dần thoát khỏi ‘bóng ma chết chóc’ của đại dịch coronavirus thì tại Việt Nam thân yêu, nhất là thành phố Sài Gòn, cơn dịch lại bùng phát và nhấn chìm nhiều hoạt động thường nhật, gây bao tai ương và đẩy hàng loạt gia đình vào hoàn cảnh khó khăn. Dòng Nhạc Xưa đã ngưng chủ đề ‘Âm nhạc thời covid-19’ khá lâu nhưng đứng trước nỗi đau của đồng bào máu mủ, chúng tôi xin tiếp tục mượn âm nhạc để phần nào xoa dịu vết thương về mặt thể xác cũng như tinh thần trong cơn thử thách này.

Âm nhạc thời Covid-19: Quê hương cần nắng (Hồng Nhung)

Người Việt Nam chúng ta, một khi đã mang trong mình dòng máu Lạc Hồng thì dù ở bất kỳ nơi đâu vẫn hướng về quê hương và cầu mong những điều tốt đẹp nhất cho dân tộc, nhất là trong những cơn nguy khốn như dịp coranavirus vừa rồi. Chung trong niềm tâm tình này, Dòng Nhạc Xưa xin giới thiệu sáng tác mới nhất của ca sỹ Hồng Nhung từ nước Mỹ xa xôi gởi về cho quê hương yêu dấu: Quê hương cần nắng.

‘Quê hương cần nắng’ của Hồng Nhung để cảm ơn những ‘chiến binh’ chống COVID-19

(Nguồn: bài viết của tác giả Tiến Vũ đăng trên TuoiTre.vn ngày 2020-04-23)

Hồng Nhung vừa gửi tới khán giả MV ‘Quê hương cần nắng’ thay cho lời cảm ơn từ đáy lòng mà cô dành cho những chiến binh đã và đang dốc sức giúp đất nước chiến thắng đại dịch.

Hình ảnh Hồng Nhung chụp trong buổi thu âm ca khúc ở Mỹ trước khi chính quyền nước này ban bố lệnh cách ly đúng một ngày. Ảnh: tuoitre.vn

Có nhiều lý do để nói rằng Quê hương cần nắng là một sản phẩm âm nhạc đặc biệt đối với Hồng Nhung bởi lâu nay, khán giả ít khi nào thấy cô ra mắt MV mới, chứ chưa nói tới đó là một MV được cô gấp rút thực hiện từ nước Mỹ xa xôi.

đọc tiếp