Đêm Đông (Nguyễn Văn Thương)

Người yêu nhạc xưa hẳn không xa lạ gì với bản “Đêm đông” bất hủ của nhạc sỹ Nguyễn Văn Thương. Bài viết này xin gởi thêm đôi chút chuyện bên lề để quý vị gần xa hiểu thêm về nhà nhạc sỹ lão thành và hoàn cảnh ra đời của “Đêm đông”. Những đợt gió lạnh đầu đông cũng đã tràn về, [dongnhacxua.com] xin thay mặt người yêu nhạc thắp một nén hương lòng để sưởi ấm linh hồn nhà nhạc sỹ của chúng ta nơi chín suối.

Đêm đông (Nguyễn Văn Thương - Kim Minh). Ảnh: amnhacmiennam.blogspot.com
Đêm đông (Nguyễn Văn Thương – Kim Minh). Ảnh: amnhacmiennam.blogspot.com

dem-dong--1--nguyen-van-thuong--amnhacmiennam.blogspot.com--dongnhacxua.com dem-dong--2--nguyen-van-thuong--amnhacmiennam.blogspot.com--dongnhacxua.com

CÓ MỘT “ĐÊM ĐÔNG” ẤM LÒNG BAO THẾ HỆ
(Nguồn: tác giả Vũ Tiến viết trên cand.com.vn ngày 04/01/2011)

Nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương thời sáng tác "Đêm đông".
Nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương thời sáng tác “Đêm đông”.

Nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương sinh ra ở Thừa Thiên – Huế, trong một gia đình yêu nghệ thuật. Ngay từ năm mới lên 9 tuổi, ông đã được học đàn nguyệt rồi tự học ký xướng âm qua sách vở. Năm 1936, tốt nghiệp Trường Quốc học Huế, Nguyễn Văn Thương đã sáng tác ca khúc đầu tay “Trên sông Hương” – một ca khúc hiện được xem như một trong những tác phẩm tân nhạc đầu tiên ở đất cố đô.

Cố Giáo sư – nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương (1919 – 2002) là một nhà văn hóa lớn, một trong những nhạc sĩ thuộc thế hệ tân nhạc đầu tiên của ViệtNam. Thành tựu của ông được ghi nhận ở nhiều thể loại (ca khúc, nhạc múa, nhạc phim…) và trên nhiều lĩnh vực (sáng tác, biểu diễn, đào tạo). Sinh thời, nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương từng đảm trách các vị trí: Trưởng đoàn Ca múa nhạc Việt Nam, Giám đốc Nhạc viện Hà Nội…; từng được Nhà nước phong tặng danh hiệu NSND, được trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật… Tuy nhiên, điều hạnh phúc nhất đối với ông có lẽ vẫn là: Với đông đảo công chúng, thay vì mọi sự giới thiệu dài dòng, chỉ cần giới thiệu Nguyễn Văn Thương – tác giả của nhạc phẩm “Đêm đông” thì hết thảy mọi người đều biết, và chắc chắn tất cả đều dành cho ông sự yêu thương, cảm mến, đặc biệt là với những phận người lang thang cơ nhỡ. Bởi “Đêm đông” thực sự là một kiệt tác, và chắc chắn là một trong những ca khúc viết về mùa đông hay nhất, thấm thía nhất ở Việt Nam từ trước tới nay.

Nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương sinh ra ở Thừa Thiên – Huế, trong một gia đình yêu nghệ thuật. Ngay từ năm mới lên 9 tuổi, ông đã được học đàn nguyệt rồi tự học ký xướng âm qua sách vở. Năm 1936, tốt nghiệp Trường Quốc học Huế, Nguyễn Văn Thương đã sáng tác ca khúc đầu tay “Trên sông Hương” – một ca khúc hiện được xem như một trong những tác phẩm tân nhạc đầu tiên ở đất cố đô.

Tuy nhiên, nổi tiếng nhất trong những ca khúc được Nguyễn Văn Thương sáng tác thời kỳ trước Cách mạng vẫn là “Đêm đông”. Về xuất xứ của ca khúc này, nhạc sĩ từng tiết lộ: Vào dịp Tết năm 1939 (thời gian này ông đang theo học tại Trường Thăng Long – Hà Nội), do kẹt tiền nên ông không thể về quê ăn Tết với gia đình. Lần đầu tiên phải ăn Tết xa nhà, chàng trai trẻ rất buồn. Năm ấy, Hà Nội rét dữ. Để chống lạnh, có bao quần áo, ông “nhồi” tất vào người, rồi như một thói quen bản năng, ông cứ thế rời phòng trọ lững thững đi về phía Ga Hàng Cỏ, để rồi bần thần nhớ ra là mình… không có vé tàu.

“Khi tàu chuyển bánh, tôi cũng theo tàu đi về phương Nam, dọc theo đường Nam Bộ bây giờ. Tiếng còi tàu mỗi lúc một xa càng làm tăng thêm nỗi nhớ nhà da diết! Đến chỗ chắn tàu ở phố Khâm Thiên, tôi chợt nảy ra ý định đi tìm những người cùng cảnh ngộ với mình trong đêm nay. Phố Khâm Thiên hồi ấy có nhiều nhà hát ả đào. Tôi muốn xem trong đêm giao thừa này, có người nào không ở nhà với gia đình mà đi hát. Hoặc ca nhi nào, vì kế sinh nhai mà phải ở lại hành nghề không?

Đêm ấy, có hai nhà còn để đèn ngoài cổng để chờ khách. Tôi đi qua nhà đầu tiên. Cửa mở, nhưng không có người ra. Đến nhà thứ hai thì có một ca nhi đi ra mở cửa. Nhưng khi nhìn thấy một cậu thanh niên, tuổi vừa đôi mươi, ăn mặc lôi thôi thì cô ta đã thất vọng. Khi quay trở vào, cô không quên soi mình trong tấm gương treo cạnh cửa, và đưa cánh tay trần vuốt nhẹ lên mái tóc. Tôi còn đi lang thang mãi trên nhiều đường phố Hà Nội tối hôm đó – cho đến khuya, khi thấy các bà mang hương, đèn ra cúng trước thềm nhà tôi mới quay về căn gác trọ số 10 ngõ Hội Vũ. Lên giường nằm, nhưng nỗi nhớ nhà và cảm giác cô đơn nơi đất khách khiến tôi không tài nào ngủ được. Và nảy ra ý định sáng tác một bài hát để nói lên cảm xúc và suy nghĩ của mình trong đêm giao thừa đầu tiên phải xa nhà.

Tôi đã đưa vào ca khúc hình ảnh thực tế đã đập vào mắt tôi lúc đi qua phố Khâm Thiên. Đó là người “ca nhi đối gương ôm sầu riêng bóng”. Còn “Thi nhân lắng nghe tâm hồn tương tư” hoặc “Cô lữ đêm đông không nhà” là hình ảnh của bản thân mình – còn chinh phu, chinh phụ là những hình ảnh mượn từ trong Tiểu thuyết Thứ Bảy của Tự Lực Văn Đoàn rất thịnh hành lúc bấy giờ, chứ ta có đi chinh phục ai đâu mà có chinh phu để nói!” (theo ghi chép của Tôn Nữ Hỷ Khương).

Để bạn đọc tiện theo dõi mạch cảm xúc của người nhạc sĩ, xin trích ra đây phần lời 1 của bài hát: “Chiều chưa đi màn đêm rơi xuống/ Đâu đấy buông lững lờ tiếng chuông/ Đôi cánh chim bâng khuâng rã rời/ Cùng mây xám về ngang lưng trời/ Thời gian như ngừng trong tê tái/ Cây trút lá cuốn theo chiều mây/ Mưa giăng mắc nhớ nhung, tiêu điều/ Sương thướt tha bay, ôi! đìu hiu/… Đêm đông, xa trông cố hương buồn lòng chinh phu/ Đêm đông, bên song ngẩn ngơ kìa ai mong chồng/ Đêm đông, thi nhân lắng nghe tâm hồn tương tư/ Đêm đông, ca nhi đối gương ôm sầu riêng bóng/ Gió nghiêng chiều say/ Gió lay ngàn cây/ Gió nâng thuyền mây/ Gió reo sầu miên/ Gió đau niềm riêng/ Gió than triền miên/ Đêm đông, ôi ta nhớ nhung/ Đường về xa xa/ Đêm đông, ta mơ giấc mơ gia đình, yêu đương/ Đêm đông, ta lê bước chân phong trần tha phương/ Có ai thấu tình cô lữ, đêm đông không nhà…”.

Một khán giả, sau khi nghe bài hát đã có những nhận xét rất tinh tế: “Nếu nói về thời tiết thì không phải mùa đông nào cũng nhiều gió, nhưng trong “Đêm đông” có rất nhiều gió và chính gió đã làm nhạc phẩm “Đêm đông” bất hủ với thời gian”. Về việc từ cảm thức nào tác giả lại đưa nhiều hình tượng gió vào trong tác phẩm đến vậy, nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương giải thích: Gác trọ tôi ở chỉ có một cửa sổ làm bằng gỗ. Mùa đông hanh khô, nên có nhiều kẽ hở, gió luồn qua đó, tạo những âm thanh y như tiếng sáo, lúc như tiếng rít não ruột, da diết. Vì vậy mà ở đoạn giữa điệp khúc, có sáu câu tả về gió: “Gió nghiêng chiều sang/ Gió lay ngàn cây/ Gió nâng thuyền mây/ Gió reo sầu miên/ Gió đau niềm riêng/ Gió than triền miên”.

Đấy là nói về gió, còn về tiếng chuông? Trước đây, căn cứ vào giai điệu của bài hát, cũng như vào câu “Đâu đấy buông lững lờ tiếng chuông” mà có ý kiến cho rằng, bài hát được sáng tác theo chiều hướng phục vụ… nhà thờ Công giáo. Không phải vậy. Đây là trả lời của nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương, trích từ lá thư viết ngày 4/11/1997 của ông: “Đâu đấy buông lững lờ tiếng chuông. Tiếng chuông buông lững lờ, chỉ có thể là tiếng chuông chùa. Nhưng không cứ gì tôi phải đi ngang qua một ngôi chùa, mà chỉ cần nghe tiếng chuông; thường những người tu tại gia, khi niệm kinh buổi chiều, vẫn thỉnh thoảng gõ chuông từ một gác thờ nào đó. Vì tôi đi từ nhà ra ga Hàng Cỏ, qua phố Khâm Thiên rồi đi lang thang khắp các nẻo đường trước khi trở về gác trọ thì có thể nghe được nhiều lần tiếng chuông ấy lững lờ buông. Còn nếu tiếng chuông nhà thờ thì phải dùng chữ chuông đổ, chứ không thể dùng buông lững lờ được”.

Mặc dù cảm hứng đến một cách “xuất thần” như vậy, song đêm hôm ấy, bài hát mới chỉ chốt lại ở việc: Khổ nào cũng bắt đầu bằng điệp khúc “Đêm đông”, trừ câu kết thì đổi thành “Có ai…”. Sau một thời gian, Nguyễn Văn Thương và một học trò theo học guitar với ông tên là Kim Minh (đã mất năm 1946) cùng trau chuốt lại lời ca, bài hát kể như mới chính thức hoàn thành (có một thời, bài hát được đề tác giả phần ca từ là Nguyễn Văn Thương và Kim Minh).

Nhân đây, cũng cần nói thêm là, ngày ấy, Nguyễn Văn Thương rất mong có được cây đàn guitar Hawaii được bày bán ở hiệu đàn Đông Phát, phố Cầu Gỗ. Cây đàn có giá một đồng rưỡi. Một hôm, Nguyễn Văn Thương quyết định đặt trước 5 hào cùng tấm thẻ căn cước để lấy cây đàn, hẹn ít tháng nữa sẽ thanh toán nốt. Phải ba tháng sau ông mới gom đủ tiền để lấy thẻ căn cước về. Tuy nhiên, đủ tiền đàn thì lại không đủ tiền tàu xe để về quê ăn Tết. Đó là lý do để ông có một cái Tết lang thang ngoài Hà Nội, để rồi bất ngờ sáng tác nên một kiệt tác. Điều thật có ý nghĩa là chàng nhạc sĩ đã khai sinh ra một giai điệu bất hủ trên chính cây đàn trả góp ấy.

Ca sĩ Bạch Yến - người đầu tiên thể hiện ca khúc "đêm đông" theo điệu slow - rock. Ảnh: cand.com.vn
Ca sĩ Bạch Yến – người đầu tiên thể hiện ca khúc “đêm đông” theo điệu slow – rock. Ảnh: cand.com.vn

Ca khúc “Đêm đông” từng được rất nhiều thế hệ ca thể hiện, từ Ngọc Bảo, Quang Thọ, Lê Dung tới Cẩm Vân, Đàm Vĩnh Hưng… Nếu như tân nhạc những năm ba mươi, bốn mươi của thế kỷ trước chỉ có các điệu tango, valse, boston… thì vào những năm đầu thập niên sáu mươi, nữ ca sĩ Bạch Yến chính là người đầu tiên hát “Đêm đông” theo điệu slow – rock (chứ không phải điệu tango như thuở bài hát ra đời). Từ đó, bài hát càng có cơ hội đi vào đời sống tâm tình của giới trẻ…

Vũ Tiến

[footer]

Khánh Băng (1935-2005): Mùa đông đã về

Nhớ về nhạc sỹ Khánh Băng, người yêu nhạc ngay lập tức nhớ đền nhạc phẩm “Sầu đông” bất hủ. Nhạc sỹ Khánh Băng tên thật là Phạm Văn Minh. Ông sinh năm 1935 tại Vũng Tàu và mất ngày 09/02/2005, nhằm ngày mùng một Tết Ất Dậu tại Sài Gòn. Nghệ danh Khánh Băng là ghép từ tên hai cô bạn từ thời tiểu học, một người tên Khanh, một người tên Băng và ông thêm dấu sắc vào thành Khánh Băng. Mấy hôm nay trời Sài Gòn trở lạnh, [dongnhacxua.com] xin được thắp một nén hương sưởi ấm linh hồn ông “nơi cuối trời” (lời trong bản “Sầu đông”).

sau-dong--0--khanh-bang--amnhac.fm--dongnhacxua.com
Ảnh bìa: amnhac.fm
sau-dong--1--khanh-bang--amnhac.fm--dongnhacxua.com
sau-dong--2--khanh-bang--amnhac.fm--dongnhacxua.com
Ban nhạc Thời Đại với Khánh Băng và Phùng Trọng. Ảnh: DiemXuaCafe
Ban nhạc Thời Đại. Ảnh: DiemXuaCafe

NHẠC SỸ KHÁNH BĂNG: “VỀ NƠI CUỐI TRỜI … NHỚ”
(Nguồn: nhà báo Hà Đình Nguyên, đăng trên Thanh Niên)

Trở về với công việc thường nhật sau những ngày nghỉ Tết, gặp nhau ở căn-tin Hội Âm nhạc TP.HCM, câu đầu tiên mà anh em văn nghệ hỏi nhau là: “Biết tin gì chưa ? Nhạc sĩ Khánh Băng đi rồi !”. “Khi nào ?”. “Ngay hôm mùng 1 Tết”. Rồi ca sĩ Ánh Tuyết gọi điện thoại báo tin… Chợt thấy lạnh cả hồn, ngày đầu xuân mà tự nhiên thấy xốn xang tê tái muốn bật lên câu hát: “Chiều nay gió đông về… Đành thôi nhớ mong, gởi cho gió đông, tình yêu giá băng vào nơi cuối trời… nhớ” (ca khúc Sầu đông của nhạc sĩ Khánh Băng) 

Tôi đến thắp nhang cho ông tại nhà riêng ở đường Chu Văn An (Q.Bình Thạnh), nhìn di ảnh cố nhạc sĩ trên bàn thờ mà chạnh nhớ ngày đầu tiên gặp ông cách đây hơn 3 năm. Dạo đó, sau rất nhiều lần dò hỏi tôi mới có được địa chỉ chính xác của ông, và… trước mắt tôi là người nhạc sĩ nổi tiếng một thời nay đã là một lão ông 67 tuổi, mái tóc bạc trắng còn đôi mắt thì hầu như đã mù hẳn. Tuy thế, giọng nói của ông vẫn sang sảng và trí nhớ rất minh mẫn. Chẳng thế mà khi tôi hỏi về ca khúc sáng tác đầu tay, ông trả lời: “Tôi không bao giờ quên được vào ngày thứ ba 15/3/1953, lần đầu tiên Đài Phát thanh Sài Gòn phát bài hát của tôi, đó là bài Nụ cười thơ ngây do Minh Trang và Anh Ngọc song ca”. Khi chia tay, tôi ngỏ ý xin ông một tấm ảnh thời còn trai trẻ và bản nhạc Sầu đông (gốc) để đăng báo, ông cười xin lỗi bảo là do đổi chỗ ở nhiều lần nên cả hình lẫn nhạc đều chẳng còn. Thế nhưng trưa hôm đó, dù trời nắng như đổ lửa ông vẫn đi xe ôm đến tòa soạn tìm tôi và trao bản nhạc mà ông vừa mượn lại của nhạc sĩ Tiến Luân. May sao, bìa sau của bản nhạc này có in hình đủ 4 người trong ban nhạc Thời Đại (Khánh Băng, Phùng Trọng, Dương Quang Định, Dương Quang Lê Minh) và tôi đã sử dụng tấm hình này trong bài viết. Đến bây giờ, hình ảnh một ông lão mù lòa đi xe ôm giữa một buổi trưa hực nắng vẫn còn xốn xang trong lòng tôi…

Nhạc sĩ Khánh Băng tên thật là Phạm Văn Minh, sinh năm 1935 tại Thắng Tam (Vũng Tàu). Nghệ danh Khánh Băng là tên của 2 cô bé bạn học từ bậc… tiểu học ghép lại (một người tên Khanh còn người kia tên Băng, cậu học trò Minh thêm vào một cái dấu sắc và mang tên này suốt đời). Được nhạc sĩ Võ Đức Thu hướng dẫn và nâng đỡ, Khánh Băng khởi đầu sự nghiệp ca nhạc với cây đàn mandoline và thi đậu vào làm nhạc công ở Đài Phát thanh Sài Gòn (1954), sau đó ông chơi đàn ở đoàn Sầm Giang của nghệ sĩ Trần Văn Trạch và ở Đài Pháp – Á. Khánh Băng được coi là người Việt Nam đầu tiên sử dụng đàn guitar điện trên sân khấu, trong thập niên 60 của thế kỷ trước. Ngoài biểu diễn, ông còn sáng tác rất nhiều ca khúc, tiêu biểu như: Vọng ngày xanh, Có nhớ đêm nào, Tiếng mưa rơi, Nếu một ngày, Đôi ngả chia ly, Nếu có nhớ đến… riêng bản Sầu đông ông còn đặt cả lời Pháp với tựa đề Johnny Mon Amour. Khoảng thời gian trước khi bị mù (từ 1991-1996), ông sáng tác được chừng 100 ca khúc, trong đó có những bài khá phổ biến như: Trên nhịp cầu tre, Chờ người, Chiều đồng quê… mang phong cách Nam Bộ.

Người nhà của cố nhạc sĩ kể lại: sáng mùng 1 Tết ông còn nói cười vui vẻ, ăn bánh mứt và nhận lời chúc Tết của con cháu. Đến trưa ông kêu mệt, đi nằm và rồi đi luôn vào cõi vĩnh hằng lúc 16 giờ 30 cùng ngày. Ngày Tết, hầu hết các cơ quan đều không làm việc nên việc thông tin về sự ra đi của ông có phần trở ngại. Đưa ông về an táng tại quê nhà Vũng Tàu (vào ngày mùng 4 Tết) cũng chỉ có gia đình và một vài văn nghệ sĩ thân thiết đã từng gắn bó với ông từ ngày xưa…

Hà Đình Nguyên