Tài tử Ngọc Bảo: Cả đời cho một mối tình đẹp

Một trong những giọng ca thuộc thế hệ đầu của nền tân nhạc Việt Nam là nghệ sỹ “Tài tử” Ngọc Bảo. Dòng Nhạc Xưa xin giới thiệu bài viết sưu tầm trên Vietnamnet để giới yêu nhạc hiểu thêm về người nghệ sỹ tài hoa.

Tài tử Ngọc Bảo: Nghìn người tình cũng không bằng vợ

(Nguồn: bài viết đăng trên vietnamnet.vn ngày 2014-09-04)

Tài tử Ngọc Bảo thú nhận, không thể tránh khỏi những phút xao lòng khi bị nhiều giai nhân theo đuổi nhưng: “Làm sao phụ bạc được người phụ nữ như vậy cho được”.

Gửi người em gái miền nam (Đoàn Chuẩn – Từ Linh)

Nhạc sỹ Đoàn Chuẩn (1924 – 2001)từ hơn 50 năm qua đã được giới yêu nhạc xưng tụng là ‘nhạc sỹ của mùa thu’. Với những ‘Thu quyến rũ’, ‘Gởi gió cho mây ngàn bây’ hay ‘Tà áo xanh’, v.v. danh xưng này là hoàn toàn xứng đáng. Thế nhưng trong số trên dưới 20 đứa con tinh thần, nhà nhạc sỹ đã cho ra đời ‘đứa con út’ như là một ‘sáng tác cho mùa Xuân’. Hôm nay [dongnhacxua.com] trân trọng giới thiệu bản ‘Gửi người em gái miền Nam’, sáng tác vào mùa xuân 1956.

Xung quanh bản nhạc này có nhiều điều đáng để nói….

Đầu tiên là tựa của bài hát là ‘Gửi người em gái miền Nam’ chứ không phải là ‘Gửi người em gái’ như rất nhiều ca sỹ và nhà sản xuất âm nhạc vẫn nhầm lẫn.

Điều thứ hai là ca từ của bài hát gốc đã bị làm sai lệch rất nhiều, đến độ đã làm sai hoàn toàn ý tứ ban đầu mà nhạc sĩ Đoàn Chuẩn đã gởi gắm. Nguyên nhân chính có lẽ là do ngày đó bản này đã bị chính quyền miền Bắc khi đó không cho lưu hành rộng rãi và bằng một cách nào đó, bản này lại được phổ biến ở miền Nam. Và một điều tất yếu là do yếu tố khách quan lẩn chủ quan, ca từ của ‘Gửi người em gái miền Nam’ đã bị biến dạng khá nhiều.

Điều thứ ba là chính bản này khi đó được xem như đi ngược lại ‘định hướng’ sáng tác của chính quyền miền Bắc nên đã gây không ít khó khăn cho bản thân người sáng tác là nhạc sỹ Đoàn Chuẩn cũng như những người đã hát. 

Trước thềm năm mới Xuân Giáp Ngọ 2014, [dongnhacxua.com] xin thắp một nén nhang sưởi ấm linh hồn nhạc sỹ Đoàn Chuẩn miền cực lạc và chúc quý vị xa gần một mùa Xuân đầm ấm.

CA KHÚC ‘GỬI NGƯỜI EM GÁI MIỀN NAM’ CỦA ĐOÀN CHUẨN – NHỮNG THÔNG TIN THÚ VỊ
(Nguồn: tác giả Vu Le Nguyen đăng trên YouTube.com)

SỰ NHẦM LẪN LỜI CA ‘GỬI NGƯỜI EM GÁI MIỀN NAM’
(Nguồn: tác giả Đỗ Văn Thiện đăng trên blog của nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo)

ĐỖ VĂN THIỆN: “Gửi người em gái miền Nam” là một bài hát trữ tình của nhạc sĩ Đoàn Chuẩn, được sáng tác từ năm 1956. Thế nhưng cho đến tận bây giờ rất nhiều người yêu nhạc vẫn chỉ biết đến bài hát này dưới cái tên “Gửi người em gái”, qua một phiên bản do các ca sĩ miền Nam biểu diễn ở miền Nam trước 1975, với phần lời đã bị cắt xén đến biến dạng. Giờ đây, tuy muộn nhưng có lẽ đã đến lúc nên trả lại cho bài hát nổi tiếng này những giá trị của nó, bắt đầu từ việc gọi đúng tên và hát đúng lời như nhạc sĩ Đoàn Chuẩn đã viết. 

Thủ bút của chính tác giả, nhạc sỹ Đoàn Chuẩn. Ảnh: http://nhathonguyentrongtao.wordpress.com
Thủ bút của chính tác giả, nhạc sỹ Đoàn Chuẩn. Ảnh: http://nhathonguyentrongtao.wordpress.com

Một trong những người đầu tiên hát bài “Gửi người em gái miền Nam” là tài tử Ngọc Bảo. Ông đã bỏ ra hàng tháng luyện tập bài hát này, đến nỗi chính nhạc sĩ Đoàn Chuẩn cũng phải khâm phục khi nghe ông hát. Chính vì thế nên có thể tin rằng phần lời bài hát mà tài tử Ngọc Bảo thể hiện là do nhạc sĩ Đoàn Chuẩn viết từ đầu.

Và đây là nội dung của ca từ:

1. Cành hoa tim tím bé xinh xinh báo xuân nồng
Cành đào phong kín cánh mong manh như hoa lòng
Hà Nội mừng đón Tết, hoa chen người đi, liễu rủ… mà chi.

Đêm tân xuân, hồ Gươm như say mê
Chuông reo vui, Ngọc Sơn sao uy nghi
Ngàn phía đến lễ đền
Chạnh lòng tôi nhớ tới… người em.

Tôi có người em gái, tuổi chớm đôi mươi
Mắt huyền trìu mến yêu thương
Đôi mắt em nói nhiều, tha thiết như Giáng Kiều
Hoa tình yêu!

Nhưng… một sớm mùa thu, khép giữa trời, tím ngắt
Nàng đi… gót hài xanh
Người đi trong dạ sao đành
Đường quên lối cũ ân tình… nghĩa xưa.

Rồi từ ngày ấy sống trong Nam nơi kim tiền
Ngục trần giam hãm tấm thân xinh, đôi mắt huyền
Đời nghèo không lối thoát, em tôi đành thôi, cúi đầu… mà đi.

Xuân năm nay, đường đêm Catinat
Hoa mai rơi, rủ nhau nơi phương xa
Dần trắng xóa mặt đường
Một người em gái nhớ người thương!

2. Rồi ngày thống nhất đến rất nhanh không ai ngờ
Cầu chia giới tuyến đến mai đây san đất bằng
Nụ cười trong gió sớm, anh đến tìm em… giữa cầu Hiền Lương.

Em tôi đi, màu son lên đôi môi
Khăn san bay, lả lơi bên vai ai
Trời thắm gió trăng hiền
Hà Nội thêm bóng dáng nàng tiên.

Em! Tháp Rùa yêu dấu
Còn đó nên thơ, lớp người đổi mới khác xưa
Thu đã qua những chiều nên ý thơ rất nhiều
Cả … tình yêu!

Em… nhẹ bước mà đi, giữa khung trời bát ngát
Trời ta hết màu tang
Đường xưa lối ngập lá vàng
Đường nay thong thả bao nàng đón xuân.

Lòng anh như giấy trắng thanh tân ép hoa tàn
Thời gian vẫn giữ nét yêu đương nơi hoa vàng
Dằn lòng tơ dẫn phím, ý thơ trào dâng, viết gửi vào Nam.

Đêm hôm nao, ngồi nghe qua không gian
Em tôi mơ miền quê qua sương lam
Trời Bắc lóa ánh đèn
Một người trên đất Bắc chờ em!

Có thể thấy bài hát này gồm 2 phần. Phần 1 là cảm xúc về một câu chuyện tình có kết cục chia ly buồn do hoàn cảnh chung của cả dân tộc mang đến, là nỗi niềm nhớ nhung, đau xót của tác giả khi nghĩ tới người yêu đang ở nơi xa xôi không chỉ về không gian. Khi mà phiên bản cũ từ miền Nam vẫn được phổ biến gần như là duy nhất thì không nhiều người được nghe hay biết tới những lời hát đã vẽ nên một bức tranh thơ rất đẹp mà cũng đau xót đến tê lòng về một người con gái nhỏ bé, yếu ớt đang phải cô đơn đón xuân mới giữa một nơi xa lạ, của những người xa lạ:

Xuân năm nay, đường đêm Catinat
Hoa mai rơi, rủ nhau nơi phương xa
Dần trắng xóa mặt đường
Một người em gái nhớ người thương!

Đặc biệt là phần 2 của bài hát.

Được viết từ năm 1956, gần 20 năm trước ngày đất nước thống nhất, vào thời kỳ hai miền mới bị chia cắt, khi giấc mơ đoàn tụ theo hiệp định Giơnevơ đang tắt dần, còn chưa biết được tương lai sẽ ra sao trong hoàn cảnh rối ren loạn lạc, vậy nhưng tác giả vẫn mơ “Rồi ngày thống nhất đến rất nhanh không ai ngờ/ Cầu chia giới tuyến đến mai đây san đất bằng/ Nụ cười trong gió sớm, anh đến tìm em… giữa cầu Hiền Lương”. Một giấc mơ mà trong hoàn cảnh giang sơn đã thu về một mối như ngày nay thì có thê nói đơn giản là một giấc mơ lạc quan, nhưng nếu đặt vào tâm trạng và hoàn cảnh ngày đó thì mới thấy giấc mơ xa vời ấy dường như gợi nhớ đến một nỗi đau sâu thẳm trong lòng vì tuyệt vọng trong chia ly, dù vẫn còn le lói chút tia hy vọng, nhiều hơn là niềm tin tưởng vô cớ hay lạc quan tếu như có người nhìn nhận.

Theo cách nhìn này thì những bức tranh mà tác giả vẽ nên như “Em tôi đi, màu son lên đôi môi/ Khăn san bay, lả lơi bên vai ai/ Trời thắm gió trăng hiền/ Hà Nội thêm bóng dáng nàng tiên” hay “Em… nhẹ bước mà đi, giữa khung trời bát ngát/ Trời ta hết màu tang/ Đường xưa lối ngập lá vàng/ Đường nay thong thả bao nàng đón xuân”mang nhiều ý nghĩa khác hơn, chất chứa nhiều tâm sự sâu sắc hơn là những lời bày tỏ tình cảm yêu đương trìu mến thông thường dành cho một người yêu bị chia xa do hoàn cảnh. Vì thế bài hát này, bên cạnh giai điệu đi vào lòng người, còn mang lại nhiều điều đáng để suy ngẫm và chiêm nghiệm tùy theo mức độ cảm nhận của người nghe.

Thế nhưng lời bài hát hiện vẫn còn phổ biến hiện nay chỉ còn lại 1 lời và là một sự cắt xén, lắp ghép có thể nói là tùy tiện và vụng về nếu so với nguyên gốc. Tùy theo ca sĩ thể hiện, nó có thể khác biệt đôi chút nhưng về cơ bản thì lời hát ấy như sau:

Cành hoa tim tím bé xinh xinh báo xuân nồng
Cành đào phong kín cánh mong manh như hoa lòng
Hà Nội chờ đón Tết, vắng bóng người đi, liễu rủ… mà chi.

Đêm tân xuân, hồ Gươm sao long lanh
Hoa mai rơi, rủ nhau nơi phương xa
Đường phố vắng bóng đèn
Chạnh lòng tôi nhớ tới… người em.

Tôi có người em gái, tuổi chớm dâng hương
Mắt huyền rộn ý yêu thương
Đôi mắt em nói nhiều, tha thiết như Giáng Kiều
Ôi, tình yêu!

Nhưng… một sớm mùa thu, giữa chân trời xanh ngắt
Nàng đi… gót hài xanh
Người đi trong dạ sao đành
Đường quên lối cũ ân tình… nghĩa xưa.

Rồi từ ngày ấy nước sông ngăn cách đôi lòng
Thuyền tình vỡ lỡ bến cô đơn không ai ngờ
Tình nghèo xa cách mãi, em tôi đành ôm mối sầu mà đi.

Em tôi đi, màu son lên đôi môi
Khăn san bay, lả lơi trên hai vai
Nhìn xác pháo bên thềm
Gợi lòng tôi nhớ tới người em …

Rất dễ nhận thấy phiên bản này đã phá bỏ hoàn toàn cấu trúc ban đầu và làm biến dạng hẳn ý nghĩa của bài hát. Thế nhưng thật lạ là các ca sĩ hiện nay vẫn vô tư trình diễn cái phiên bản méo mó này mà không gặp bất kỳ ý kiến nào của các cơ quan quản lý biểu diễn âm nhạc.

Việc một bài hát rất hay đã một thời gặp phải những trắc trở, bị ngưng phổ biến vì những nguyên nhân này nọ đã là chuyện quá khứ. Nhưng đến bây giờ, khi không còn lý do gì để tiếp tục những sai lầm hay ấu trĩ ấy nữa mà người ta vẫn để yên cho cái vỏ xấu xí kia che lấp mất cái giá trị thật của bài hát thì đó là một điều đáng phải lên tiếng. Bởi nó không chỉ làm ảnh hưởng đến quyền lợi và uy tín của riêng nhạc sĩ Đoàn Chuẩn, mà còn làm biết bao người nghe và yêu âm nhạc nước nhà phải chịu thiệt thòi vì họ chỉ được thưởng thức một thứ đồ dởm mà không hề biết.

Đến bao giờ bài hát nổi tiếng này mới được trả lại tên và ca từ như nó vốn có?

[footer]