‘Hạnh phúc lang thang” của nhạc sỹ Trần Ngọc Sơn

Nhạc sỹ Trần Ngọc Sơn, con trai của nhạc sĩ Anh Bằng, vừa qua đời sáng ngày 10-12-2010 tại Santa Ana vì một căn bệnh kéo dài từ nhiều năm nay, hưởng dương 50 tuổi. Lễ an táng sẽ được cử hành ngày 15-12-10. Lời đầu tiên cho phép DongNhacXua.com được gởi lời chia buồn đến gia đình nhạc sỹ Trần Ngọc Sơn, cùng nhạc sỹ Anh Bằng là thân phụ của nhạc sỹ Trần Ngọc Sơn và mong linh hồn anh mau về Nước Thiên Đàng. Theo vnthuquan.net Cách đây hơn 30 năm, từ những ngày đầu tiên góp sức cùng nhạc sĩ Anh Bằng thực hiện những tác phẩm thu thanh cho Trung Tâm băng nhạc Dạ Lan và sau này là Trung Tâm Asia, Trần Ngọc Sơn đã có công nâng đỡ cho rất nhiều ca sĩ cộng tác với hai trung tâm này. Nhà báo Phạm Kim đã kể lại trong một bài viết “Kỷ niệm 50 năm âm nhạc của nhạc sĩ Anh Bằng” về chuyến di tản rời khỏi Việt Nam vào ngày 29 tháng tư, 1975 của gia đình nhạc sĩ như sau: (xin trích) “Trong đời sống thực, Anh Bằng đã rời Sài Gòn trong chuyến bay từ Tân Sơn Nhất vào ngày 29 tháng Tư, cùng với vài người con, trong số đó có Thy Vân vừa tuổi trăng tròn, nhưng vợ ông và vài người con khác còn kẹt lại. Ông đến trại tị nạn, được một phi công của hãng hàng không Alaska bảo trợ đến Connecticut, rồi sau đó về Enumclaw, ngoại ô Seattle, Tiểu Bang Washington. Tại đây, Thy Vân đã tốt nghiệp trung học, trước khi cả gia đình (thêm Trần Ngọc Sơn, Trần An Thanh) di chuyển về ở Quận Cam và chủ trương Trung Tâm Asia.” Theo cố ký giả Trường Kỳ trong “Tuyển Tập Nghệ Sĩ”: (xin trích) “(Khoảng năm 1984)… Vào ngày cuối cùng trước khi quyết định thôi hát tại quán Hoài Hương thì định mệnh đã đưa đẩy Ngọc Lan gặp được Trần Ngọc Sơn là người điều hành trung tâm Dạ Lan lúc đó, tức tiền thân của trung tâm Asia hiện nay. Nhận thấy Ngọc Lan có một giọng hát khá cùng với một sắc đẹp lôi cuốn, nên Trần Ngọc Sơn đã xin số điện thoại của cô để sau đó gọi lại mời cô thu tiếng trong những băng nhạc của trung tâm Dạ Lan. Với bản tính nhút nhát, Ngọc Lan cho biết khi mới vào nghề cô rất ngại xuất hiện trước khán giả. Cũng chính vì vậy cô đã quyết định không tiếp tục cộng tác với quán Hoài Hương. Nay nhận được lời mời thu băng nhạc nên cô thấy thoải mái hơn là đứng trên sân khấu, trước khán giả. Qua những băng nhạc đầu tiên với Trung Tâm Dạ Lan, tiếng hát ngọt ngào của cô, lúc đó có nét phảng phất giống như tiếng hát của nữ ca sĩ Thanh Lan, đã chiếm ngay được cảm tình của thính giả.” Giờ đây, để tưởng nhớ đến cố nhạc sỹ Trần Ngọc Sơn và giọng ca tài hoa bạc mệnh Ngọc Lan, DongNhacXua.com xin mời các bạn nghe lại nhạc phẩm nổi tiếng nhất của nhà nhạc sỹ qua giọng ca đầy chất chứa của Ngọc Lan. Nghe “Hạnh phúc lang thang” của nhạc sỹ Trần Ngọc Sơn với tiếng hát Ngọc Lan.

Duyên dáng Việt Nam 23 – Nhiều điểm sáng cho dòng nhạc xưa

Là một người sinh ra và lớn lên ở Phú Yên, vùng đất miền Trung thân yêu với núi Nhạn – sông Đà, chúng tôi rất tự hào khi xem chương trình Duyên Dáng Việt Nam lần thứ 23 tổ chức vào hai đêm 8-9/01/2011 ở nhà hát Sao Mai, khu du lịch Thuận Thảo, thành phố Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên.

Cảm nhận chung của DongNhacXua.com là chương trình đã thành công trong việc đưa giới thưởng ngoạn, có mặt ở nhà hát cũng như xem qua sóng VTV về với dòng nhạc xưa với chủ đề Nhớ.

Đạo diễn Nguyễn Quang Dũng cũng như người biên tập âm nhạc là nhạc sỹ Đức Trí đã có nhiều sáng tạo trong suốt chương trình: chuyển cảnh rất nhanh và nhịp nhàng, sử dụng dây kéo cho diễn viên múa rất khéo léo, dùng phông nền rộng với nhiều tư liệu phong phú về các thế hệ nhạc sỹ, ca sỹ đã không còn với chúng ta như Đoàn Chuẩn, Anh Tú, Ngọc Tân, v.v.

Riêng cá nhân tôi rất ấn tượng với màn chuyển cảnh từ bản “Đêm cuối cùng” của Phạm Đình Chương sang bài “Suối mơ” của Văn Cao với tam ca Lân Nhã, Quang Dũng và Đàm Vĩnh Hưng. Ngay giây phút ấy, chúng tôi cảm thấy như có một cái gì đó dù không còn nữa nhưng hình như vẫn còn vương vấn đâu đây. Đó có lẽ là chính hiệu ứng của những nhạc phẩm bất hủ mà giai điệu, ca từ không bao giờ phai nhạt theo năm tháng:

” …
Em ơi, đêm cuối cùng gần nhau
Sợ rằng một ngày mai giấc mộng không thành. ” (hai câu kết trong “Đêm cuối cùng)

hay
“…
Suối ơi!
Nghe rừng heo hút.
Giòng êm đưa lá khô già trút.
Còn như lưu hương yêu dấu,
Với suối xưa trôi nơi đâu. ” (đoạn kết của “Suối mơ”)

Một điểm nhấn khác của chương trình và sự kết hợp giữa một ngôi sao thời danh và 2 ngôi sao đã tắt: Đàm Vĩnh Hưng hát chung với Anh Tú trong “Lạc mất mùa xuân” (nhạc ngoại quốc, lời Việt của nhạc sỹ Lữ Liên, là thân phụ của chính ca sỹ Anh Tú, Tuấn Ngọc, Khánh Hà, v.v.) và Đàm Vĩnh Hưng cùng hòa giọng với Ngọc Tân trong “Khoảnh khắc” (của Trương Quý Hải). Sẽ rất khập khiễng khi đi so sánh hai giọng hát khác nhau nhưng dù sao cũng phải nói rằng ca sỹ Đàm Vĩnh Hưng đã rất nỗ lực và cố gắng hoàn thành tốt vai trò cầu nối hai thế hệ. Cá nhân tôi cảm thấy ca sỹ họ Đàm đã rất khiêm tốn trên sân khấu hôm đó để nhường những cảm xúc sâu thẳm nhất của khán giả cho hai ca sỹ tài danh nhưng yểu mệnh: Anh Tú (1950-2003) và Ngọc Tân (1948-2004).

Rất nhiều lần nhà tổ chức nhắc đến dòng nhạc bolero trong chương trình này nhưng cá nhân tôi thấy gọi như vậy chưa chính xác vì trong chương trình còn nhiều giai điệu không phải là dòng nhạc bolero (hay chúng tôi gọi là dòng nhạc “sến” với tất cả sự trân trọng chứ hoàn toàn không có ý chê bai). Tuy nhiên, nếu phải chọn ra vài ca sỹ là điểm nhấn của dòng nhạc “sến” thì có lẽ không ai xứng đáng bằng Mạnh Đình trong nhạc phẩm “Chuyện hẹn hò” (của Nhật Trường – Trần Thiện Thanh).

Hương Lan vẫn giữ phong độ với dòng nhạc này dù tuổi đời cũng không còn trẻ. Chị đã làm chúng tôi rơi nước mắt trong “Mẹ tôi” (của Nhị Hà).

Ngoài ra cũng phải kể đến ca sỹ Quang Linh và Cẩm Ly, những người đã mà theo chúng tôi đã “cứu” cả “chuyến đò” tốp ca trong tiết mục mở đầu “Chuyến đò quê hương” (của Vy Nhật Tảo).

Nhân nói đến đây thì chúng tôi xin mạn phép nêu ra vài điểm chưa đạt theo thiển ý của chúng tôi như sau:

  • Vài ca sỹ hoàn toàn không thích hợp với nhạc “bolero” nhưng cũng “cố gắng” góp giọng và đã không thành công: như Lân Nhã đã vào rất “phô” trong “Chuyến đò quê hương” mà chúng tôi đã nói ở trên. Tuy nhiên anh đã rất thành công với “Như một lời chia tay” (của Trịnh Công Sơn) ở phần sau.
  • Quang Dũng rất vững vàng và đầy kỹ thuật trong “Chiếc lá cuối cùng” (của Tuấn Khanh) nhưng anh lại quá sa đà vào việc phô diễn kỹ thuật thành ra khán giả chưa được lắng đọng với “đêm chia ly buồn gì sao chẳng nói” mà tác giả Tuấn Khanh muốn chuyển tải. Tuy nhiên sau đó Quang Dũng lại rất thành công với “Lá đổ muôn chiều” (của Đoàn Chuẩn – Từ Linh). Có lẽ chi tiết “ngày mai người em nhỏ bé ngồi trong thuyền hoa, tình duyên đành dứt …” làm cho Quang Dũng có nhiều cảm xúc hơn chăng !?
  • Tên tác giả của “Trộm nhìn nhau” là Trầm Tử Thiêng chứ không phải “Trầm Tử Thiên” như mà hình đã hiện ra
  • Dương Triệu Vũ có hát được giọng Phú Yên trong “Trách phận” nhưng anh hình như sợ người nghe nhận ra điểm yếu của mình hay sao đó mà anh hát nhanh quá thành ra chính người Phú Yên như chúng tôi cũng khó mà nghe kịp lời hát
  • Năm sinh và năm mất của ca sỹ Ngọc Tân (1948-2004) được chương trình chiếu lên (1950-2003) chưa đúng. Có lẽ đạo diễn lộn với năm sinh và năm mất của Anh Tú

Tóm lại: Duyên Dáng Việt Nam 23 tại Phú Yên đã để lại rất nhiều cung bậc cảm xúc cho khán giả, xứng đáng là một trong những chương trình ca nhạc chủ đề hay nhất Việt Nam.

[footer]