Anh Bằng là một trong số không nhiều những nhạc sỹ thành danh trước 1975 và tiếp tục có những sáng tác đi vào lòng người sau 1975. Trong khí trời lành lạnh của một ngày chớm đông, [dongnhacxua.com] xin trân trọng giới thiệu bản “Người tình mùa đông” mà nhạc sỹ Anh Bằng đã đặt lời theo một bản nhạc nổi tiếng của Nhật.
Chúng tôi còn nhớ trong chương trình Tiếng Hát Truyền Hình được đài truyền hình TPHCM tổ chức vào năm 1991, Như Quỳnh khi ấy chỉ là một ca sỹ mới 21 tuổi đã đoạt giải đặc biệt với số điểm tuyệt đối từ tất cả các vị giám khảo. Đây là kỳ tích mà cho đến nay chưa một ca sỹ nào vượt qua được trong lịch sử hơn 20 năm của cuộc thi âm nhạc này.
Sang Mỹ định cư năm 1993. Năm 1994, Như Quỳnh được trung tâm Asia của cố nhạc sỹ Anh Bằng mời tham gia và bản “Người tình mùa đông” có lẽ lần đầu tiên đưa tên tuổi Như Quỳnh đến gần với công chúng khắp nơi trên thế giới.
Đây là đoạn clip ca sỹ Như Quỳnh trình diễn trong chương trình Giáng Sinh Đặt Biệt do trung tâm Asia tổ chức cuối năm 1994.
Mỗi mùa đông về, trong không khí giá rét với những cơn mưa phùn lâm thâm, bài hát do Như Quỳnh thể hiện lại đem đến cho người nghe những hoài niệm xa xăm.
Mùa đông đến mang theo cái rét tái tê, cắt da cắt thịt và những cơn gió xao xác thổi. Bầu trời lạnh lẽo, nặng màu chì và những cơn mưa lâm thâm buồn bã. Tất cả khiến người ta co mình lại, chìm sâu vào những hoài niệm. Phụ nữ nghĩ về tuổi thanh xuân đã qua. Đàn ông nghĩ về những dáng hình cũ. Chẳng phải ngẫu nhiên mà người ta gọi mùa đông là mùa của nỗi nhớ.
Người tình mùa đông là ký ức của một chàng trai về một thiếu nữ trong sáng, ngây thơ, có trái tim băng giá:
“… Đường vào tim em ôi băng giá Trời mùa đông mây vẫn hay đi về Vẫn mưa, mưa rơi trên đường thầm thì Vì đâu mưa, em không đến Đường vào tim em mây giăng kín Bàn chân anh trên lối đi không thành Những đêm khuya mưa buồn một mình Có khi cho ta quên cuộc tình…”
“… Đường vào tim em bao cơn sóng Để tình anh sắp đến xuân hoa mộng Trái tim em muôn đời lạnh lùng Hỡi ơi, trái tim mùa đông…”
Chàng trai từ lâu đã phải lòng cô gái nhưng nàng lạnh lùng quá, băng giá quá và chẳng chịu mở lòng. Con gái đẹp xưa nay sinh ra dường như là để làm khổ các chàng trai. Những ai từng trải qua cái thời 17, 18 tuổi, có bài thơ tình “cứ còn hoài trong cặp, giữa giờ chơi, mang đến lại mang về”, từng lẽo đẽo đi theo một gót hồng cho đến tận cửa nhà nàng, từng đứng lạnh cóng dưới cơn mưa mùa đông ở một góc phố nào đó, chờ đợi một bóng hình đi ngang qua… sẽ đồng cảm hơn với lời ca của bài hát này.
Thiếu nữ càng trong sáng, càng “cành vàng lá ngọc”, càng “mai cốt cách, tuyết tinh thần” thì càng e thẹn, ngại ngùng. Nàng ngoảnh đầu làm ngơ trước cái nhìn nồng cháy của kẻ si tình, nói không với những lá thư xanh, vò nát trái tim chàng trai bằng thái độ lạnh lùng. Chẳng thế mà từng có chàng thi sĩ nọ cất lời than thở: “Em tập làm khổ một kẻ ngốc như anh, xây tường ngăn sông dựng rào cấm chợ. Hô gió gọi mưa bày binh thách đố, anh đơn độc một mình choáng váng lao đao!”.
Người tình mùa đông tràn đầy hoài niệm về một thời thiếu nữ kiêu sa đã một đi không trở lại, để rồi những đêm mưa phùn gió bấc, người phụ nữ lặng lẽ nhớ về tuổi trẻ, người đàn ông âm thầm mơ về mối tình đầu của mình.
“… Từng cơn mưa hắt hiu bên ngoài song thưa Lắm khi mưa làm hồn ta nhớ mãi ngày qua. Nhớ con phố xưa vẫn âm thầm đợi chờ nhau, Nhớ đôi vai ngoan em sợ trời mưa gió. Từng ngày ta vẫn đưa em về qua phố Vẫn chim cao trời mưa lũ, vẫn tiếng buồn xưa, Ôi bàn tay ai đã dắt em chiều nay?…”
Những kỷ niệm về mối tình đơn phương ngày nào lại tiếp tục ùa về. Mối tình ấy gắn liền với tiết trời đặc trưng của mùa đông miền Bắc – những cơn mưa bụi. Khác với những cơn mưa ào ạt, chợt đến chợt đi của mùa hè hay những cơn mưa tầm tã dai dẳng của mùa thu; mưa mùa đông nhỏ, rơi lất phất, gần như vô thanh, nương theo gió tựa như bay.
Những ai từng ở miền Bắc, từng ở Hà Nội vào mùa đông sẽ không bao giờ quên được kiểu mưa ấy. Hạt mưa bé như hạt bụi, chỉ đủ bám tóc, rơi êm đềm, thấm vào từng lớp áo quần mang theo cái lạnh tê tái.
Người tình mùa đông gợi nhớ về mối tình đầu của muôn năm cũ. Mùa đông của ngày xưa dường như lạnh hơn, trời xám hơn, phố vắng và lặng lẽ hơn. Những đêm đông dài, cô đơn, nằm nghe tiếng mưa dường như kéo dài bất tận. Ký ức về những lần chờ đợi, đưa đón nhau dưới làn mưa bụi mãi mãi chẳng bao giờ phai nhạt.
Mùa đông đến, cái rét càng khiến người ta khao khát được gần nhau. Vậy mà trái tim người thiếu nữ vẫn mãi không rung động. Chính cái khao khát không được thỏa nguyện ấy càng làm Người tình mùa đông trở nên ám ảnh và khó quên hơn.
Lời ca đã mơ mộng, tuyệt vời nhưng điều làm nên sức sống bền bỉ của Người tình mùa đông chính là giai điệu da diết, ám ảnh của bài hát.
Người tình mùa đông khởi nguồn từ một bài hát tiếng Nhật nổi tiếng là Rouge (Son môi hồng) do nghệ sĩ Miyuki Nakajima sáng tác và thu âm năm 1986. Rouge là một tình khúc buồn nói về tâm trạng cô đơn, chán chường của thiếu nữ từ miền quê lên kiếm sống nơi phồn hoa đô hội. Cô dần đánh mất sự ngây thơ, trở nên khôn khéo hơn trong lời ăn tiếng nói, luôn giữ vẻ mặt tươi cười. Nhưng đêm về, khi đối diện với chính mình, cô vẫn thường khóc thầm. Trong trái tim cô vẫn âm ỉ nỗi nhớ về một bóng hình cũ không bao giờ gặp lại.
Ca khúc đã nhiều lần được chuyển lời sang ngôn ngữ khác. Nổi tiếng nhất phải kể đến phiên bản tiếng Hoa có tên Fragile Woman (Người phụ nữ dễ bị tổn thương) do nữ hoàng nhạc nhẹ Vương Phi thể hiện. Ca khúc là tâm trạng đầy yếu đuối, bất an của người phụ nữ đang cầu xin người đàn ông hãy ở lại, đừng bỏ rơi cô. Fragile Woman đánh dấu sự thay đổi trong phong cách âm nhạc của Vương Phi và càng củng cố vị trí hàng đầu của diva tại thị trường âm nhạc Hong Kong.
Phiên bản tiếng Anh của bài hát có tên là That is Love do nhóm nhạc Tokyo Square thể hiện. Đây là lời thủ thỉ tâm tình của chàng trai đang thuyết phục người yêu hãy tin vào tương lai hạnh phúc của hai người. That is Love rất nổi tiếng ở châu Á và thường được liệt vào danh sách “Những tình khúc sống mãi với thời gian”.
Bài hát sau đó được viết lại lời Việt với tên gọi Người tình mùa đông, gắn với tiếng hát của ca sĩ Như Quỳnh.
Người tình mùa đông lần đầu tiên ra mắt khán giả cách đây gần 20 năm. Khoảng thời gian đó đủ để khiến một cô bé tuổi ô mai ngày nào trở thành thiếu phụ. Một ngày mùa đông âm thầm nào đó, bất ngờ ca khúc ấy lại vang lên khiến người đàn bà nhớ lại thời con gái kiêu sa của mình và bất giác mỉm cười. Ca khúc ấy cũng là sự nhắc nhở cho những người đàn ông về một thời tuổi trẻ trong trẻo và lãng mạn.
Nhiều mùa đông đã trôi qua nhưng Người tình mùa đông vẫn luôn luôn trở lại và được khán giả đón nhận như một tình khúc bất hủ, vượt thời gian.
[dongnhacxua.com] vừa nhận được bài viết của tác giả Việt Lang từ trang www.casithaithanh.wordpress.com. Trên tinh thần tôn trọng thông tin đa chiều, chúng tôi xin cảm ơn tác giả và đăng bài viết này.
Gần như đất nước nào cũng có một hình tượng nữ danh ca để đại diện cho dân tộc mình. Không dám chạm đến từ “diva” vì nó đã bị lạm dụng và có thể khiến mỗi người nghĩ đến một khía cạnh khác nhau: thành công về mặt thương mại, về mặt số lượng khán giả, v.v…. Xin chỉ chú tâm về những nữ ca sĩ được đất nước họ xem như di sản văn hóa. Nước Pháp có Edith Piaf, Bồ Đào Nha có Amalia Rodrigues, đảo quốc Cape Verde có Cesaria Evora, Mỹ có Billie Holiday. Chắc chắn trước và sau họ đã có những giọng ca nữ khác kiếm ra nhiều tiền hơn, có nhiều khán giả hơn, nhưng lại chẳng có được cái địa vị của một giọng ca đã đi vào lịch sử dân tộc như họ. Họ có những điểm gì chung?
Trước hết phải là khả năng ca hát xuất chúng, nhưng nổi bật nhất vẫn là bản sắc dân tộc trong nghệ thuật, từ trong cách phát âm ngôn ngữ đến nhạc tính, nhất nhất đều rất tiêu biểu cho quê hương họ. Một yếu tố nữa, đó là cuộc đời và âm nhạc của họ đều trải qua và phản ảnh nhiều giai đoạn thăng trầm, đau đớn của đất nước,“khóc cười theo phận nước nổi trôi”. Thái Thanh đã hội đủ cả ba điều kiện trên. Bà lớn lên trong một gia đình mà cả cha lẫn mẹ đều hát và đàn nhiều nhạc cụ dân tộc, như Phạm Duy đã viết trong hồi ký và cả chính Thái Thanh cũng đã xác nhận trong một cuộc phỏng vấn với Thụy Khuê: “Mẹ tôi chơi đàn tỳ bà hay lắm, cho nên cái chất dân ca nó ngấm vào mình từ lúc còn nhỏ.” Bà diễn được cái hồn của những bài ca nhuộm màu dân ca như Đố Ai, Nụ Tầm Xuân, Hội Trùng Dương…. đã đành, mà khi tiếp xúc với những dòng nhạc mới hơn như Paris có gì lạ không em, Tuổi 13, Nghe những tàn phai…. bà đã “dân tộc hóa” chúng bằng cách nhấn nhá, luyến láy rất Việt Nam. Được nuôi dưỡng bằng những điệu dân ca của cha mẹ từ thời thơ ấu ở Hà Nội, bắt đầu ca hát trước khán giả trong chiến khu trong những ngày tháng kháng chiến chống Pháp, trở thành giọng ca đắt giá nhất ở Sài Gòn hoa lệ thập niên 50, 60, 70, tắt hẳn trong suốt 10 năm(1975-1985), cuối cùng sống lưu vong ở Mỹ và ca hát trong niềm thương nhớ quê mẹ suốt hơn 10 năm trước khi giải nghệ khi mái tóc đã bạc trắng. Thái Thanh sống cuộc đời của nhiều triệu khán giả và hát lên nổi lòng của nhiều thế hệ.
Những Edith Piaf, Amalia Rodrigues, Cesaria Evora đã nghiễm nhiên đi vào lòng của đại đa số khán giả của đất nước họ. Thái độ của thế hệ trẻ của Pháp, Bồ Đào Nha, Cape Verde và Mỹ cho ta thấy họ đã và sẽ là một hình tượng được tôn thờ và bất tử. Riêng hoàn cảnh của Thái Thanh thì dường như vẫn còn có một cái gì đó bấp bênh, mơ hồ vì Thái Thanh không có được sự liên tục trong các thế hệ khán giả như các “diva” kia. Suốt thời kỳ chiến tranh 1954-1975, một nửa đất nước ở phía Bắc không hề được tiếp xúc với giọng ca Thái Thanh. Sau chiến tranh thì một số đông khán giả thượng lưu và trung lưu cũ của miền Nam đã di tản ra nước ngoài. Tại đây, con cháu họ trong thập niên 80, 90 chỉ làm quen với những ca sĩ với lối phát âm, có thể vô tình, có thể cố ý, lơ lớ hoăc điệu đàng đến độ họ tạo ra một tiêu chuẩn mới trong âm nhạc: phát âm hời hợt và ca xướng với mục đích tạo ra âm thanh êm dịu, không đòi hỏi sự suy tư hay tập trung tư tưởng. Trong nước thì nhạc vàng bị cấm một thời gian dài . Thái Thanh bặt tiếng và trở thành tàng hình trong suốt 10 năm sau 1975. Vậy là một thập niên của sự nghiệp của bà bị lãng phí. Đau đớn nhất là các tài liệu, băng đĩa, chương trình biểu diễn của bà trên truyền hình đều đã bị thiêu hủy.
Ta tự hỏi trong vài chục năm nữa, có thể lớp khán giả mới của Việt Nam, sau khi đã chán chê với những y phục gợi cảm, vũ đoàn hoành tráng, với những của giai điệu khi Hàn, khi Hoa, khi Mỹ, sẽ suy tư thế nào về di sản ca nhạc thế kỷ 20 của Việt Nam? Có ai sẽ nhận ra Thái Thanh là gương mặt tiêu biểu và đương nhiên ? Nhưng dẫu cho Thái Thanh, vì hoàn cảnh nghiệt ngã của lịch sử, chẳng bao giờ đạt được cái tượng đài đó trong lòng đại chúng, chắc chắn sẽ có người này, kẻ nọ, trong 20, 30 năm nữa, sẽ vô tình lật lại những ca khúc và trang sử của thế kỷ 20. Rồi họ sẽ thốt lên.: “Ôi ngát hương thời gian mùi thạch thảo” (1) để rồi lại chùng giọng “trùng dương ơi có xót xa cũng hoài mà thôi” (2). Và có lẽ Thái Thanh cũng cần “Chỉ chừng đó thôi” (3).
(1) Ca khúc Mùa Thu Chết (Phạm Duy) (2) Ca khúc Ngày đó chúng mình (Phạm Duy) (3) Chỉ chừng đó thôi (Phạm Duy)
Trong làng nhạc Việt, tài năng phổ thơ của nhạc sỹ Phan Huỳnh Điểu xứng đáng được xếp vào một trong những vị trí cao nhất. Hôm nay [dongnhacxua.com] xin mạn phép đăng lại bài viết của nhà báo Hà Đình Nguyên để người yêu nhạc xưa hiểu thêm về bản “Ở hai đầu nỗi nhớ”, một bản tình ca đẹp dựa trên bài thơ cùng tên của nhà thơ Trần Đình Chính.
Có một không gian nào Đo chiều dài nỗi nhớ? Có khoảng mênh mông nào Sâu thẳm hơn tình thương?
Anh đang ở Pai-lin Rừng khộp khô trong nắng Thương em chiều mưa lạnh Muốn gửi chút nắng hồng
Ở đầu này nỗi nhớ Anh mơ về bên em Ngôi sao như xuống thấp Cho ta gần nhau hơn
Ở đầu kia nỗi nhớ Nằm đếm tiếng mưa rơi Đếm mấy triệu hạt rồi Mà chưa vơi nỗi nhớ Ở hai đầu nỗi nhớ Yêu và thương sâu hơn Ở hai đầu nỗi nhớ Nghĩa tình đằm thắm hơn
(Mùa hè 1980) (Trần Hoài Thu)
Bài thơ này là mối tình đầu của tác giả với một cô sinh viên văn khoa Sài Gòn đi cùng đoàn của Sở Thương nghiệp sang Campuchia xây dựng mạng lưới bán hàng. Năm 1984, bài thơ lần đầu được đăng trên báo Nhân Dân. Bài thơ đã được nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu phổ nhạc năm 1987. Năm 2013, bản quyền của bài thơ được bán với giá 300 triệu đồng cho ông Nguyễn Xuân Hàn.
Năm 2004, người viết có dịp gặp “nhạc sĩ của tình yêu” Phan Huỳnh Điểu, ông bảo, trong gia tài ca khúc phổ thơ của mình, một trong những bài ông tâm đắc nhất là Ở hai đầu nỗi nhớ (phổ từ thơ Trần Hoài Thu).
Trong những đêm nằm nghe tiếng mưa rơi ngoài hiên, mưa lướt trên mái nhà, mưa xuyên qua cành lá… mà bật máy, nghe Bảo Yến hát: “Đêm nghe tiếng mưa rơi, đếm mấy triệu hạt rồi, mà chưa vơi nỗi nhớ… Ở hai đầu nỗi nhớ, yêu và thương sâu hơn. Ở hai đầu nỗi nhớ, nghĩa tình đằm thắm hơn”, thì chắc là những kẻ đang yêu (chưa kể là phải cách xa) đều nghe tim mình thổn thức, nhớ nhung. Đặc biệt, có lẽ Bảo Yến là một trong những giọng ca chuyển tải được hết cái da diết, khắc khoải đầy tâm trạng của một người đang nhớ đến người yêu nơi xa xôi, diệu vợi giữa một đêm mưa thê thiết.
2 năm trước, có dịp ngồi chung xe với một số nhạc sĩ đi về Bến Tre (trong đó có nhạc sĩ Quốc Dũng – chồng của ca sĩ Bảo Yến), tôi nói với anh: “Bảo Yến hát Ở hai đầu nỗi nhớ rất tuyệt. Thích nhất là những đoạn intro, nhạc dẫn…”. Mắt Quốc Dũng sáng lên, cười bảo: “Mình phối đó!”. Vâng, quá hay, từ bài thơ đến người phổ nhạc, người phối.
Trai Hà Nội, gái Sài Gòn
Tác giả bài thơ là một nhà thơ nghiệp dư. Anh tên thật là Trần Đình Chính, sinh năm 1955 tại Hà Nội, học Trường cấp 3 Trần Phú và được lệnh nhập ngũ vào năm cuối cấp (lớp 10, năm 1973). Vào Nam chiến đấu, có lần Trần Đình Chính suýt hy sinh trong một cuộc giao tranh ở vùng tiếp giáp hai tỉnh Cần Thơ và Vĩnh Long vào giai đoạn cuối của cuộc chiến.
Cởi áo lính, Trần Đình Chính theo học Khoa Ngữ văn (Trường ĐH Tổng hợp Hà Nội). Ra trường, được nhận vào Báo Nhân Dân, rồi anh được phân công vào đoàn cán bộ, chuyên gia sang Campuchia hỗ trợ bạn làm báo (dù lúc này Chính chỉ là phóng viên thực tập).
Cùng thời gian ấy cũng có một đoàn của Sở Thương nghiệp TP.HCM sang giúp bạn xây dựng mạng lưới bán hàng. Trong đoàn này có Mai Đào, từng là sinh viên Văn khoa Sài Gòn. Tại thủ đô Phnom Penh nước bạn, định mệnh đã xui khiến Trần Đình Chính gặp và yêu Mai Đào. Ngày ấy, Chính 24 tuổi còn Mai Đào mới 20. Chàng dân Hà Nội, nàng người Sài Gòn. Tên của nàng góp cả hai loài hoa tượng trưng cho mùa xuân ở Sài Gòn và Hà Nội, và nàng cũng đẹp như hoa xuân. Phnom Penh lúc đó hoang vắng bởi bọn Pol Pot vừa tháo chạy khỏi thủ đô. Những lúc rảnh rỗi, Chính thường đưa Mai Đào đi thăm các đền chùa cổ kính. Đêm đến, đôi tình nhân sánh vai nhau ngồi ngắm sao, để sau này những giây phút ấy khắc sâu trong nỗi nhớ của Trần Đình Chính: “Ngôi sao như xuống thấp. Cho ta gần nhau hơn”.
Thế nhưng, họ chỉ hạnh phúc bên nhau khoảng một năm, bởi thời điểm mới giải phóng, còn nặng xét lại thành phần lý lịch “bên này, bên kia”. Rồi gia đình của Mai Đào phải rời Sài Gòn đi kinh tế mới ở Sông Bé, cô phải về nước phụ cha mẹ, còn Trần Đình Chính cũng được gọi về Hà Nội (tháng 4.1980) sau một năm rưỡi sống trên nước bạn.
Đêm nghe tiếng mưa rơi
Những đêm mưa ở Hà Nội luôn làm Chính vật vã, nhớ nhung đến khổ sở. Trong lòng cứ tự hỏi “Người ấy bây giờ ra sao rồi?”. Nằm ở Hà Nội mà nghĩ về một nơi nào đó ở Sông Bé – cả một không gian cách trở (dạo ấy, điều kiện giao thông còn rất hạn chế).
Và, vào một đêm mưa Hà Nội với nỗi nhớ cồn cào như thế, Trần Đình Chính đã ngồi bật dậy làm thơ: “Có một không gian nào/Đo chiều dài nỗi nhớ?/Có khoảng mênh mông nào/Sâu thẳm hơn tình thương?/Anh đang ở
Pha-lin(*)/Rừng khộp khô trong nắng/Thương em ngoài ấy lạnh/Muốn gởi chút nắng rừng/Chào Phnom Penh mến yêu… Ở đầu này nỗi nhớ/Anh mơ về bên em/Ngôi sao như xuống thấp/Cho ta gần nhau hơn/Ở đầu kia nỗi nhớ/Nằm đếm tiếng mưa rơi/Đếm mấy triệu hạt rồi/Mà chưa vơi nỗi nhớ/Ở hai đầu nỗi nhớ/Yêu và thương sâu hơn/Ở hai đầu nỗi nhớ/Nghĩa tình đằm thắm hơn” (Mùa hè 1980).
Bài thơ được làm trong 8 phút. Dưới bài thơ, anh ký tên Trần Hoài Thu (sau này anh lấy bút danh đặt tên cho con gái). Bốn năm sau (1984), bài thơ được đăng trên Báo Nhân Dân. Năm 1987, bài thơ “lọt vào mắt xanh” của nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu và với khả năng phổ nhạc bậc thầy, “Nhạc sĩ của tình yêu” (danh hiệu này do nhạc sĩ Nguyễn Xuân Khoát đặt cho) đã chắp cánh cho bài thơ phổ nhạc bay cao, bay xa…
Cho đến bây giờ, hơn 30 năm sau, không ai biết “người đẹp mang tên hai loài hoa xuân” đang ở đâu giữa dòng đời xuôi ngược. Riêng tác giả bài thơ thì lại có một cuộc đời đầy trắc trở, một hậu sự buồn: cuộc hôn nhân đầu đổ vỡ, sau đó anh tái hôn với một nữ đồng nghiệp còn khá trẻ. Nhưng hạnh phúc chưa được bao lâu thì anh phát hiện bị chứng bệnh tiểu đường giai đoạn cuối. Anh lìa trần ngày 9.5.2014, thọ 60 tuổi.
[dongnhacxua.com] rất hân hạnh nhận được một email khá thú vị của tác giả Việt Lang gởi từ website casihathanh.wordpress.com. Để người yêu nhạc xưa có thêm thông tin về nữ ca sỹ Hà Thanh, chúng tôi xin mạn phép đăng bài viết này:
Từ khi ca sĩ Hà Thanh định cư tại Mỹ, và nhất là ngay sau khi cô qua đời, các chương trình văn nghệ và phương tiện truyền thông đều phổ biến rộng rãi những ca khúc phổ quen thuộc nhất của cô qua các đề tài về Huế hoặc dòng nhạc Nguyễn Văn Đông. Lý do thì rất dễ hiểu: dòng nhạc về Huế có sức thu hút rất mạnh đối với khán giả hải ngoại, và dòng nhạc Nguyễn Văn Đông cũng được hồi sinh do nó thường nhắc đến những người lính chiến VNCH qua lăng kính lãng mạn, thay vì thù hận hoặc chính trị. Nói vậy không có nghĩa chúng ta phủ nhận sự thành công rất đặc biệt của ca sĩ Hà Thanh trong hai dòng nhạc ấy. Tuy vậy. chỉ dừng lại ở đó cũng sẽ khá thiệt thòi cho một nghệ sĩ đã từng được sự quan tâm đặc biệt suốt thập niên 60 và đầu thập niên 70 nhờ vào tài năng đa dạng, vượt qua cả những ranh giới địa lý và xã hội.
Thật vậy, nếu ta nhìn lại cả sự nghiệp âm nhạc của ca sĩ Hà Thanh khi còn ở trong nước, sẽ thấy ngay số lượng ca khúc về Huế hoặc dòng nhạc Nguyễn Văn Đông không phải là đa số, nếu không muốn nói là chỉ đếm trên đầu ngón tay. Một tiếng hát đã vượt qua không gian bé nhỏ của cố đô Huế để sánh vai với các giọng ca lừng lẫy khác của Sài Gòn, ắt hẳn phải là một tài năng thật sự. Ca sĩ Kim Tước đã ghi nhận điều này như sau: “Tôi nhận thấy ở Sài Gòn, tên tuổi tôi không được mến chuộng nhiều trong đại chúng tại vì lối hát của tôi hơi cứng quá và nhất là hơi nặng về vấn đề kỹ thuật. Về sau này những người sau tôi như Hà Thanh hay những người khác, họ hát uyển chuyển hơn cho nên dễ đi vào quần chúng nhiều hơn và dễ được thông cảm hơn.”
Tôi chợt nghĩ đến số lượng rất lớn những tình ca thính phòng rất thành công của Hà Thanh đã khiến cô trở thành một cộng tác viên thường xuyên cho Ban nhạc hòa tấu Tiếng Tơ Đồng, hoặc các chương trình rất trí thức như Phạm Mạnh Cương hoặc Tiếng Nhạc Tâm Tình của ca sĩ Anh Ngọc và sau cùng là Shotguns của nhạc sĩ Ngọc Chánh. Ca sĩ Hà Thanh đã biến nhiều nhạc phẩm của Phạm Duy, Phạm Mạnh Cương, Đoàn Chuẩn, Văn Cao thành những dấu ấn của riêng mình. Nhiều nhạc sĩ, ca sĩ như Nhất Tuấn, Hồng Vân đã đồng ý rằng Hà Thanh có lối hát nhẹ nhàng nhưng sáng tạo trong kín đáo . Điều này có thể được minh họa qua hai ca khúc
Tưởng Vọng (Y Vân)
và Mưa Gió Đầu (Hoàng Trọng) mà Hà Thanh trình bày với ban nhạc hòa tấu vào thập niên 60.
Qua chúng, ta nhận ra là trong vẻ đẹp thanh tao của tiếng hát mình, Hà Thanh không hề yếu đuối hoặc làm dáng một cách máy móc. Giọng ca của cô tuy rất nữ tính, nhưng vẫn tuôn ra những cảm xúc và sáng tạo, tự tin khi phải xướng âm với những dàn nhạc qui mô và lối hòa âm rất hàn lâm.
Trong những năm tháng về sau ở hải ngoại, khi tuổi đời đã cao, giọng ca Hà Thanh trầm hơn và dày hơn. Những cảm xúc trong giọng hát của cô cũng theo đó mà nức nở và thuyết phục hơn. Xin được dẫn chứng bằng một dòng nhạc mà ít ai nghĩ đến khi nhắc đến Hà Thanh, đó là những bài hát của Trịnh Công Sơn. Thật ra nếu theo dõi kỹ, dòng nhạc Trịnh không hẳn là xa lạ với giọng hát Hà Thanh. Cô đã từng thâu những ca khúc như Biển Nhớ, Hạ Trắng, Thương Một Người vào đĩa nhựa 45 vòng ở miền Nam. Hai ca khúc sau đây, tuy hòa âm sơ sài, nhưng may mắn đã được đền bù bởi chất giọng soprano và sự diễn tả nhiều màu sắc của Hà Thanh.
Cố ca, nhạc sĩ Quỳnh Giao đã từng nhận định:“Vì thính giả chỉ thích những bài đậm sắc địa phương, tiếng hát Hà Thanh không có cơ hội bay xa hơn, vươn rộng hơn nữa… “. Sự đa dạng trong cảm xúc và lạ lẫm trong chất giọng đã tạo ra “một cõi đi về ” khá đặc biệt cho Hà Thanh trong lòng khán giả miền Nam trong nhiều chục năm qua. Hy vọng những người yêu nhạc sẽ cùng nhau ôn lại những thành công đa dạng trong âm nhạc của ca sĩ Hà Thanh để thấy rằng cô không chỉ là một ca sĩ của xứ Huế mà là một ca sĩ của cả vòm trời âm nhạc Việt Nam.
Liên quan đến bản “Mùa thu chết” có lắm điều thú vị. Hôm nay [dongnhacxua.com] xin trân trọng giới thiệu bản “Mùa thu còn đó” của nhạc sỹ Châu Kỳ. Theo nhiều tài liệu mà chúng tôi sưu tầm được thì bản này nhạc sỹ Châu Kỳ viết như là một lời đáp cho nhạc sỹ Phạm Duy để khẳng định “mùa thu” vẫn còn tồn tại mãi mãi trong lòng người yêu nhạc.
Tiếp nối dòng nhạc xưa về mùa thu, chúng tôi xin giới thiệu “Mùa thu chết” của nhạc sỹ Phạm Duy, một bản nhạc có giai điệu đẹp và có rất nhều điều thú vị trong ca từ. Được sự cho phép của tác giả, [dongnhacxua.com] xin đăng lại bài viết của bác sỹ Lê Trung Ngân.
Một trong những bản nhạc nói về mùa thu hay diễn tả mùa thu nổi tiếng ở Việt Nam vào thập niên 70 phải kể đến bài nhạc Mùa Thu Chết của Nhạc sĩ Phạm Duy. Lời viết trong bản nhạc phỏng theo một bài thơ ngoại quốc. Trong bản nhạc, ngay câu đầu tiên có nói đến hoa thạch thảo: “Ta ngắt đi một cụm hoa thạch thảo”. Hoa thạch thảo cũng được nói đến trong rất nhiều bài thơ văn hay nhạc khác từ trong nước đến hải ngoại. Vậy hoa thạch thảo ở Việt Nam và hoa thạch thảo trong bài thơ L’Adieu của nhà thơ Pháp gốc Ba Lan Guillaume Apollinaire, mà nhạc sĩ Phạm Duy đã phổ nhạc cũng như trong bài thơ dịch của nhà thơ Bùi Giáng khác nhau, có tên Latin ra sao và thuộc họ hay gia đình nào?
Bài viết ngắn này phân biệt hai loại hoa mang tên thạch thảo, một loại mang tên nguyên thủy ở miền Bắc Việt Nam và hoa thạch thảo có xuất xứ ở Ấu châu. Những bàn luận về lý do và tình tiết làm sao bài thơ được ra đời cũng được thu thập và ghi nhận ở đây.
Hoa thạch thảo ở Việt Nam
Hoa Thạch thảo (Aster amellus L) thuộc họ Cúc (Asteraceae). Tại Việt Nam, người miền Nam hay gọi là Cúc Sao, Cúc Cánh mối, người Bắc gọi là Thạch thảo. Thạch thảo hay mọc thành bụi, nhiều bông với cánh đơn xoè rộng ra. Hoa Thạch thảo có ba màu chính: tím, hồng, trắng. Thạch thảo ngày nay được lai tạo thêm thành loại hoa cánh kép. Hoa Thạch thảo cánh mối cũng như các loại hoa cúc thường nở vào mùaThu, khi mà đa số các loại hoa khác đã tàn.
Như vậy, hoa Thạch Thảo (hay cúc Sao, cúc Nhật, cúc Cánh Mối) là 1 tên Việt của loài Aster amellus L. thuộc họ Cúc (Asteraceae), tên Anh ngữ là Aster và Pháp là Astère. Nhóm Cúc (cả trồng làm hoa hay mọc hoang) thường được gọi chung là Chrysanthemum/Aster, trong đó các loài mọc hoang thường có 1 chùm lông ở cuối mỗi hột (khi trái chín) và phát tán nhờ gió (nên mọc hoang, rải rác vào mùa xuân khi có nắng ấm ở Âu châu, hoa chỉ sống trong vài tháng!). Các loài cúc trồng thì không phát tán tự nhiên được vì hột không có lông như Vạn Thọ (marigold), cúc Giấy (zinnia). Có loại được trồng từ hột, có loại trồng bằng củ; cúc Thạch Thảo (cúc sao/Aster), và nói chung loại nhiều loại cúc thường trồng từ cây con nhảy chồi (do mọc thành bụi, hoa thường bất thụ). (Tài liệu tổng hợp từ internet).
Hoa Thạch thảo hay hoa Cúc Cánh mối ở Việt Nam (Hình từ internet)
Hoa Thạch Thảo ở Âu Châu
Hoa Thạch thảo Ấu châu là thuộc cây Bruyère (tiếng Pháp) hay Heather (tiếng Anh) còn gọi là Common Ling hay Briar.
Từ điển Sinh Học Anh Việt và Việt Anh, nhà xuất bản Khoa học và Kỹ thuật dịch heather là cây thạch nam. Erica. Trung hoa gọi là Hồng phương bách hay thạch nam. Từ điển phổ thông Pháp Việt gọi là cây thạch thảo.
Phân loại
Tất cả các loại thạch thảo đều trong gia đình Ericaceae, có một loại hoa thạch thảo duy nhất thuộc giống Calluna, ngoài ra là loại Erica. Dưới đây là một số giống Erica khác nhau trong hàng vài trăm loại khác nhau trên thế giới.
Loại Calluna vulgaris là loại thạch thảo thật sự (true heather), loại cây nhỏ, có hoa nhỏ hình chuông màu tím, hay hồng nhạt.
Loại Ericagồm nhiều giống khác nhau từ giống cây nhỏ mọc từng bụi nhỏ hoặc có thể là cây lớn.
– Erica arborea, treeheath, briar, brier: cây nhỏ ở vùng Địa Trung Hải có chùm hoa trắng hình chùy, thơm và có rễ cứng như gỗ được dùng để làm ống điếu hút.
– Giống Erica carnea, spring heather, winter heather, là loại cây hoa nhỏ mùa đông hay mùa xuân, ở Âu châu có hoa hình chuông màu đỏ hay hồng.
– Giống E. cinerea: loại thạch thảo có lá nhỏ, hoa hình chuông màu đỏ tím
– Giống E. tetralix, bellheather, cross-leaved heath là loại cây nhỏ lùn có hoa màu hồng
– Giống E. vagans hay còn gọi là Cornish heath là loại thạch thảo mọc cả bụi có hoa màu hồng hay trắng thường thấy ở cánh đồng hoang tại Cornish và đông nam Ấu châu.
– Giống E. lusitanicahay Portugese heath, Spanish heath mọc rậm rạp ở vùng bán đảo Iberia, có hoa trắng hồng.
– Giống E. perspicua hay Prince of Wales heath mọc rất nhiều ở Anh quốc và Nam Phi châu, có hoa màu trắng. Hoa dài và trông tựa như chùm lông của huy hiệu trên Coat of Arms của Hoàng tử xứ Wales- Anh Quốc, nên mang tên Prince-of-Wales heath
– Erica mammosalà loại Erica có nhiều màu nhất từ màu trắng, tím, cam đến màu đỏ. Hoa chuông đặc biệt dài hơn các loại Erica khác (1)
Nếu nói về ý nghĩa của màu hoa thạch thảo thì thạch thảo trắng tượng trưng cho sự che chở, cho sự mong mỏi. Thạch thảo mầu hồng tượng trưng cho may mắn, và màu xanh lạt lavender tượng trưng cho cô đơn, sự hâm mộ thán phục. (2)
Bài thơ L’Adieu
Bài thơ nguyên tác của Guillaume Apollinaire (1880-1918) như sau.
L’Adieu J’ai cueilli ce brin de bruyère L’automne est morte souviens-t’en Nous ne nous verrons plus sur terre Odeur du temps brin de bruyère Et souviens-toi que je t’attends
Bản dịch của Bùi Giáng
Bài thơ năm câu trên đây đã đuợc nhà thơ Bùi Giáng dịch như sau.
Lời vĩnh biệt
(1) Ta đã hái nhành lá cây thạch thảo Em nhớ cho, mùa thu đã chết rồi Chúng ta sẽ không tao phùng đựợc nữa Mộng trùng lai không có ở trên đời Hương thời gian mùi thạch thảo bốc hơi Và nhớ nhé ta đợi chờ em đó ...
Nhưng Bùi Giáng không phải chỉ dịch một lần. Nhà thơ Bùi Giáng đã khai triển và tiếp tục viết sang bài thứ hai.
(2) Đã hái nhành kia một buổi nào Ngậm ngùi thạch thảo chết từ bao Thu còn sống sót đâu chăng nữa Người sẽ xa nhau suốt điệu chào Anh nhớ em quên và em cũng Quên rồi khoảnh khắc rộng xuân xanh Thời gian đất nhạt mờ năm tháng Tuế nguyệt hoa đà nhị hoán tam.
Và tiếp tục dịch thoát ý sang bài thứ ba.
(3) Mùa thu chiết liễu nhớ chăng em? Đã chết xuân xanh suốt bóng thềm Đất lạnh qui hồi thôi hết dịp Chờ nhau trong Vĩnh Viễn Nguôi Quên Thấp thoáng thiều quang mỏng mảnh dường Nhành hoang thạch thảo ngậm mùi vương Chờ nhau chín kiếp tam sinh tại Thạch thượng khuê đầu nguyệt diểu mang. …
Bùi Giáng (1925-1998) dịch (“Đi vào cõi thơ”. Bùi Giáng, trang 80-82, nhà xuất bản Ca Dao, Sàigon, Việt Nam.1969)
**
Và dưới đây là: Mùa Thu Chết
Mùa thu chết là tên một bài hát của Phạm Duy sáng tác năm 1965, phổ từ bài thơ tiếng Pháp L’Adieu của Guillaume Apollinaire. Bài này rất nổi tiếng trong thập niên 70 tại Sài Gòn, và gắn liền với tên tuổi ca sĩ Julie (Quang).
“Ta ngắt đi một cụm hoa thạch thảo Em nhớ cho: Mùa Thu đã chết rồi! Mùa Thu đã chết, em nhớ cho Mùa Thu đã chết, em nhớ cho Mùa Thu đã chết, đã chết rồi. Em nhớ cho! Em nhớ cho, Đôi chúng ta sẽ chẳng còn nhìn nhau nữa! Trên cõi đời này, trên cõi đời này Từ nay mãi mãi không thấy nhau Từ nay mãi mãi không thấy nhau…
Ta ngắt đi một cụm hoa thạch thảo Em nhớ cho: Mùa Thu đã chết rồi! Ôi ngát hương thời gian mùi thạch thảo Em nhớ cho rằng ta vẫn chờ em. Vẫn chờ em, vẫn chờ em Vẫn chờ…. Vẫn chờ… đợi em!”
Mùa Thu Chết (Phạm Duy)
Vài hàng tiểu sử Guillaume Apollinaire (28 August 1880-09 November 1918)
Guillaume Apollinaire: tên thật Wilhelm Albert Vladimir Apollinaris Kostrowitcki, nhà thơ Pháp gốc Ba Lan, sinh ở Roma, Italy.
Nãm 1887 Wilhelm Kostrowitzky cùng gia đình mẹ chuyển về Monaco và học ở Monaco, Cannes. Từ nãm 1899 chuyển về sống ở Paris, làm thơ, viết báo với bút hiệu Guillaume Apollinaire, ông cộng tác với một số tờ báo như La Revue blanche, La Plume và Le Mercure de France. Năm 1903, ông lập ra các tờ tạp chí của chính mình Le Festin d”Esope (November 1903-August 1904) và La Revue immoraliste (1905).
Năm 1912 ông cùng bạn bè thành lập tạp chí “Les soirées de Paris” và làm chủ bút từ năm 1913. Cũng trong năm này in bài thơ nổi tiếng nhất của ông: Le Pont Mirabeau và trường ca Zone. Năm 1913 ông phát hành tập thơ Alcools (Rượu), và năm 1914 có xuất bản một số bài thơ viết theo kiểu tạo hình. Apollinaire mất ngày 9 tháng 11, năm 1918 tại Paris, Pháp. Mộ ông chôn ở nghĩa trang Père Lachaise ở Paris.
Bàn luận về bài thơ L’Adieu
Apollinaire làm bài thơ L’Adieu làm sau khi đi thăm mộ con gái của Victor Hugo vào ngày 16 September 1913.
Arnaud Laster, Giáo sư văn chương tại trường Sorbonne (University of Paris III), trong một bài viết đã đặt câu hỏi: “Có phải Apollinaire đã viết bài L’Adieu này để tưởng nhớ Victor Hugo sau khi đi thăm mộ người con gái của Hugo tên là Léopoldine đã chết đuối cùng chồng ở biển tại tỉnh Villequier vào năm 1843”. Bài này có thể có liên hệ với bài Demain, dès l’aube và là nguồn cảm xúc để Apollinaire sáng tác bài L’Adieu chăng? (6)
Trước khi tìm hiểu, cần phải nhắc đến bài thơ Demain dès l’aube của Victor Hugo
Bài Demain, dès l’aube là bài thơ Victor Hugo (1802-1885) đã làm vào năm 1847 (đề ngày 03 September 1847) đề tặng con gái đúng 4 năm sau ngày Léopoldine chết (04 September 1843). Sự mất mát lớn lao này đã làm Hugo đau khổ suốt một thời gian dài và ông đã không in thêm tập thơ nào nữa trong mười năm sau cái chết của Léopoldine.
Demain, dès l’aube…
Demain, dès l’aube, à l’heure où blanchit la campagne, Je partirai. Vois-tu, je sais que tu m’attends. J’irai par la forêt, j’irai par la montagne. Je ne puis demeurer loin de toi plus longtemps.
Je marcherai les yeux fixés sur mes pensées, Sans rien voir au dehors, sans entendre aucun bruit, Seul, inconnu, le dos courbé, les mains croisées, Triste, et le jour pour moi sera comme la nuit.
Je ne regarderai ni l’or du soir qui tombe, Ni les voiles au loin descendant vers Harfleur, Et quand j’arriverai, je mettrai sur ta tombe Un bouquet de houx vert et de bruyère en fleur.
Victor Hugo 03 September 1847 (Les Contemplations- cuốn IV.1856)
Ngày Mai, Từ Rạng Đông
Ngày mai, từ rạng đông lúc trời đồng quê bắt đầu sáng Cha sẽ đi, Con thấy không cha biết con đang chờ cha Cha sẽ vượt qua rừng, cha sẽ vượt qua núi. Cha không thể nào xa cách con lâu dài hơn được nữa Cha sẽ đi, đôi mắt chãm chú vào suy nghĩ của cha Chẳng hề màng nhìn chung quanh, không màng nghe một tiếng động Một mình, không ai biết, lưng còng, hai bàn tay đan nhau Sầu buồn, và ngày đối với cha cũng tựa như đêm thôi. Cha sẽ không màng nhìn chiều vàng đang đổ xuống, Hay những cánh buồm xa đằng phía cảng Harfleur, Và khi cha đến nơi, cha sẽ đặt trên mộ của con Một bó hoa có ô-rô xanh cùng thạch thảo đang nở. (Sóng Việt phỏng dịch nghĩa)
Cái chết của Léopoldine ảnh hưởng mạnh trên Victor Hugo đến độ ông bị ám ảnh vì cô, ông tự hỏi bây giờ Léopoldine ở đâu sau khi chết. Ông tìm kiếm cô qua khung cửa tối tăm của vĩnh cửu, và ông cũng tìm kiếm cô ở ngoài cỗ quan tài, với hy vọng cô thấy có một bóng người đi qua cỗ quan tài đen mà ông tưởng tượng là được đóng lỏng lẻo, người đó chính là ông đã tìm đến bên cô trong bóng tối thiên thu.
“Dis, qu’as-tu fait pendant tout ce temps-là ? – Seigneur, Qu’a-t-elle fait ? – Vois-tu la vie en vos demeures ? A quelle horloge d’ombre as-tu compté les heures ? As-tu sans bruit parfois poussé l’autre endormi ? Et t’es-tu, m’attendant, réveillée à demi ? T’es-tu, pâle, accoudée à l’obscure fenêtre De l’infini, cherchant dans l’ombre à reconnaỵtre Un passant, à travers le noir cercueil mal joint, Attentive, écoutant si tu n’entendais point Quelqu’un marcher vers toi dans l’éternité sombre ? Et t’es-tu recouchée ainsi qu’un mât qui sombre, En disant : Qu’est-ce donc ? mon père ne vient pas ! Avez-vous tous les deux parlé de moi tout bas ?” [“A celle qui est restée en France,” 393]
Một đoạn thơ khác ông kể lể con gái chết là ông mất tất cả, ông đã chôn vùi cả ước mơ, cả hy vọng, cả tình yêu vào trong nấm mồ mà ông đào trong lồng ngực của ông:
“Qu’ai-je appris ? J’ai, pensif , tout saisi sans rien prendre ; J’ai vu beaucoup de nuit et fait beaucoup de cendre. Qui sommes-nous ? que veut dire ce mot : Toujours ? J’ai tout enseveli, songes, espoirs, amours, Dans la fosse que j’ai creusée en ma poitrine. Qui donc a la science ? où donc est la doctrine ? Oh ! que ne suis-je encor le rêveur d’autrefois, Qui s’égarait dans l’herbe, et les prés, et les bois, Qui marchait souriant, le soir, quand le ciel brille, Tenant la main petite et blanche de sa fille, Et qui, joyeux, laissant luire le firmament, Laissant l’enfant parler, se sentait lentement Emplir de cet azur et de cette innocence !” [“A celle qui est restée en France,” 395]
Bộ Les Contemplations gồm 6 cuốn sách. Cuốn số 4 gồm 17 bài thơ làm riêng cho Léopoldine có đề tựa Pauca meae (vài câu thơ cho con gái tôi). Những bài đầu trong tập 4 ghi ngày làm 3 năm sau ngày con gái ông chết đuối với người chồng mới cưới cỡ 6 tháng. Sự mất mát Léopoldine là một sự mất mát quá lớn lao, nó ăn sâu vào suy nghĩ của V. Hugo làm ông suy tưởng về ý nghĩa của đời sống và tìm cách giải đáp bí ẩn của cái chết cùng thế giới vô hình. Tìm cách giải thích bí ẩn của cái chết có nghĩa là tìm lại được Léopoldine và giải đáp ðược thắc mắc về cái chết. Tuy Hugo đã không thành công trong việc nối kết được với thế giới vô hình, nhưng ông có lòng tin vào Thông linh học/Tâm linh học (Spiritiualism). Hơn mười năm sau cái chết của Léopoldine , sách đã ghi lại là ông đã tham dự nhiều lần vào ngồi bàn cầu hồn, và đã có lần người gọi hồn đã gọi được hồn Leopoldine lên gặp ông. Tưởng cũng nhắc rằng Victor Hugo được Đạo Cao Đài ở Việt Nam tôn sùng như là một trong ba vị thánh mà họ thờ phụng (Tam Thánh: Sun Yat Sen /Tôn Dật Tiên, Victor Hugo, và Nguyễn Bỉnh Khiêm).(7)
Bài thơ L’Adieu (và cả bài Le Pont Mirabeau) của Guillaume Apollinaire đã là đề tài bàn luận và làm tốn khá nhiều giấy bút cho những ai muốn phân tích và tìm hiểu thơ ông. Lý do vì Apollinaire làm thơ mà không hề bỏ dấu vào bài, thí dụ như dấu phẩy, dấu chấm, hay dấu ngoặc đôi (quotation-marks) tại mỗi câu thơ cần bỏ vào trong ngoặc đôi.
Vì thế khi đọc bài thơ không dấu L’Adieu của ông, hai câu chót làm độc giả phải phân vân không biết đó là do nhân vật với đại danh từ Je ở câu đầu vẫn tiếp tục nói hay là đó là lời trả lời của nhân vật thứ hai, được tạm thời bỏ trong ngoặc cho dễ hiểu như sau :
“Odeur du temps brin de bruyère Et souviens-toi que je t’attends”
Nếu như hai câu này đã ở trong ngoặc đôi thì rõ ràng là câu trả lời của nhân vật thứ hai:
“Mùi hương thời gian nhành hoa thạch thảo Và cha nhớ rằng con chờ đợi cha”.
(Với lý luận người chết chờ người còn sống xuống âm phủ với mình chứ người chết làm sao trở lại trần gian như ông đã than ở câu trên).
Lối làm thơ mang vào trong ngoặc đôi của Victor Hugo rất quen thuộc vì ông luôn đóng vai người cha hỏi hay nói rồi trả lời thay cho con như thể chính người con gái nói với ông.
Kết luận
Tóm lại, liệu bài thơ L’Adieu có thể xem như là do Guillaume Apollinaire cảm tác và tưởng niệm Victor Hugo một cách gián tiếp sau khi thăm nhà mồ của Léopoldine và đọc bộ sách Les Contemplations của Victor Hugo không?
Và nếu đúng như thế thì ba câu đầu của bài thơ L’Adieu có thể hiểu như là Apollinaire đã viết thay lời của V. Hugo để nói với con gái đã chết, và trong hai câu chót người con gái yêu của V. Hugo đã trả lời rằng cô mong muốn và chờ gặp lại cha cô ở thế giới vô hình? Hiểu như thế chúng ta sẽ không còn có thắc mắc cho câu chót trong nguyên tác “Et souviens-toi que je t’attends” và trong những bản dịch của nhà thơ Bùi Giáng.
L’Adieu J’ai cueilli ce brin de bruyère L’automne est morte souviens-t’en Nous ne nous verrons plus sur terre Odeur du temps brin de bruyère Et souviens-toi que je t’attends
(Guillaume Apollinaire)
Và bài thơ mà Bùi Giáng dịch:
Ta đã hái nhành lá cây thạch thảo Em nhớ cho, mùa thu đã chết rồi Chúng ta sẽ không tao phùng được nữa Mộng trùng lai không có ở trên đời Hương thời gian mùi thạch thảo bốc hơi Và nhớ nhé ta đợi chờ em đó …
(Bùi Giáng dịch)
Có thể hiểu như sau:
Cha đã hái nhành lá cây thạch thảo Con nhớ cho, mùa thu đã chết rồi Chúng ta sẽ không tao phùng được nữa Mộng trùng lai không có ở trên đời Hương thời gian mùi thạch thảo bốc hơi Và nhớ nhé con đợi chờ cha đó
(Sóng Việt thay đại danh từ)
Hoặc có thể vì Appollinaire biết rằng V. Hugo tin vào Thông linh học, và Hugo đã có lần được tiếp xúc với Leopoldine qua bàn cầu hồn, thì chúng ta cũng có thể cho rằng Apollinaire đã viết thay lời cho V. Hugo nói chờ hồn Leopoldine hiện về thế gian để gặp ông: “Và con nhớ rằng cha chờ đợi con”:
Odeur du temps brin de bruyère Et souviens-toi que je t’attends
Mùi hương thời gian nhành cây thạch thảo Và con nhớ rằng cha chờ đợi con. (Sóng Việt dịch)
Cái khó khăn khi dịch một bài thơ Pháp ngữ sang Việt ngữ là những đại từ nhân xưng. Trong khi Pháp ngữ chỉ có một số chữ cho ngôi thứ nhất và thứ hai như je, me, tu, te, toi, moi, vous, nous, thì trong tiếng Việt đại từ nhân xưng rất phong phú; cách dùng những đại từ nhân xưng này như anh, em, cô, chú, ông, bác, dì, dượng, tôi, con, cháu, mày, tao, v.v cho người đọc biết sự liên hệ thứ bậc, thái độ và tình cảm của những người giao tiếp với nhau. Khi dịch thơ nếu không hiểu biết rõ hoàn cảnh và thời điểm bài thơ được làm nên thì đôi khi sự sai lầm có thể xẩy ra.
Bài thơ L’Adieu mà Bùi Giáng dịch có thể là do cố ý của Bùi Giáng để tạo thành một bài thơ tình cảm nói về sự chia lìa của đôi nhân tình dù ông biết bài thơ nguyên tác có ý nghĩa khác chăng?
Và có thể nhờ do cố ý hay vô tình dịch như thế (dùng chữ ta, em, thay vì cha, con), mà bài thơ đã là nguồn cảm hứng cho nhạc sĩ sáng tác bản nhạc Mùa Thu Chết?
Không có Hoa Thạch Thảo thì làm sao có Lời Vĩnh Biệt, Không có Lời Vĩnh Biệt thì làm sao có Mùa Thu Chết?
Hoa thạch thảo (bruyère) được nhiều thi sĩ mang vào thơ nhưng có thể nói rằng hoa thạch thảo đã được đời đời gắn liền với bài thơ Demain, dès l’aube của Victor Hugo và L’Adieu của Guillaume Apollinaire.
Ngày 20/02/2015: Hôm nay là mùng 2 tết Ất Mùi. Chúng tôi vừa nhận vài phản hồi của người yêu nhạc về bản “Ly Rượu Mừng” của nhạc sỹ Phạm Đình Chương. Bài viết “Bình phẩm về ca khúc Ly Rượu Mừng” bên dưới là thể hiện ý kiến riêng của tác giả. [dongnhacxua.com] xin trích đăng để người yêu nhạc có thêm “món ăn tinh thần” nhân dịp xuân về.
Ngày 01/01/2014: Chúng ta vừa bước qua những thời khắc đầu tiên của năm mới 2014. Chắc hẳn giai điệu quen thuộc của bản ‘Happy New Year’ của ban ABBA vẫn còn văng vẳng đâu đó. Một sự thật mà chắc quý vị nào cũng sẽ đồng ý với chúng tôi là ‘Happy New Year’ đã trở thành một món ăn tinh thần không thể nào thiếu được trong dịp năm mới.
Thế nhưng để chọn một bài nhạc xuân đặc trưng nhất cho người Việt chúng ta thì [dongnhacxua.com] không ngần ngại chọn bản ‘Ly rượu mừng’ của Phạm Đình Chương.
Theo nhiều tài liệu trên internet thì ‘Ly rượu mừng’ được viết vào năm 1955 nhưng theo tờ nhạc mà chúng tôi sưu tầm được thì bản này được quán nhạc Minh Phát cho in vào năm 1966. Cho dù viết vào năm nào thì chắc chắc nhạc phẩm này cũng ra đời trong thời đất nước bị chia cắt và người dân còn sống trong cảnh binh đao khói lửa. Đó cũng là lý do mà nhạc sỹ Phạm Đình Chương đã ưu ái dành nhiều đoạn cho ‘người binh sỹ’ và thiết tha mong một ngày đất nước thanh bình.
Với thể điệu valse dìu dặt, cùng nét nhạc tài tình và ca từ đặc sắc, ‘Ly rượu mừng’ của Phạm Đình Chương xứng đáng được xưng tụng là bản nhạc xuân tuyệt vời nhất của dòng nhạc Việt.
Ca khúc “Ly Rượu Mừng” là bài hát thịnh hành trong dịp Tết. Bài hát mời mọi người cùng uống rượu mừng Xuân và nói những lời chúc Tết đến toàn dân và đất nước. Tuy bài hát không mô tả những cảnh tượng và sinh hoạt Tết như pháo nổ, hoa tươi sặc sỡ, bánh kẹo, bài hát tiêu biểu cho Tết Việt Nam vì chúc Tết là một tục lệ quan trọng trong Tết Việt Nam. Cộng với điệu nhạc vui tươi, giai điệu tiết tấu sống động, và lối diễn tả bình dị với vài điểm đặc sắc, “Ly Rượu Mừng” là một bài hát bất hủ trong dịp Xuân về.
Trong bài này, tôi sẽ trình bày nhận xét về nội dung và hình thức của “Ly Rượu Mừng.” Ngoài ra, như trong các bài viết về âm nhạc trước, tôi sẽ chú trọng thảo luận chi tiết về các khía cạnh văn chương của lời nhạc, nhưng sẽ có phần nói về các khía cạnh âm nhạc của bài hát. Tôi dùng “khán giả” để chỉ người nghe, người đọc, và người xem.
“Ly Rượu Mừng” tiêu biểu cho nhạc Xuân vì bài hát chú trọng vào lời chúc Tết và có điệu nhạc vui tươi sống động
“Ly Rượu Mừng” có nội dung đơn giản, là ca khúc mừng xuân với những lời chúc Tết tới mọi người được hạnh phúc ấm no trong cảnh đất nước thanh bình tự do. Bài hát không có những mô tả hình ảnh hoặc sinh hoạt trong những ngày quanh dịp Tết (thí dụ, pháo nổ, màu hoa sặc sỡ, kẹo bánh) nhưng rất tiêu biểu cho ngày Tết Việt Nam. Đó là vì bài hát chú trọng vào điểm quan trọng nhất trong dịp Tết: chúc Tết. Ngoài ra, bài hát được viết với điệu nhạc Valse, đem lại nét vui tươi sống động trong mùa Xuân. Giai điệu vả tiết tấu có nhiều khía cạnh linh hoạt theo nội dung, rất thích hợp cho hợp ca hoặc phối hợp giữa hợp ca và đơn ca.
“Ly Rượu Mừng” gồm những lời chúc Tết cho mọi người có cuộc sống ấm no hạnh phúc và đất nước hưởng thanh bình tự do:
Bài hát mở đầu với lời mời nâng chén rượu để chúc mọi người ở khắp nơi (“Ngày Xuân nâng chén ta chúc nơi nơi“), từ anh nông phu được mùa lúa thơm, người buôn bán có lợi tức, cho tới công nhân lao động thoát được cảnh nghèo khó (“Mừng anh nông phu vui lúa thơm hơi/ Người thương gia lợi tức/ Người công nhân ấm no/ Thoát ly đời gian lao nghèo khó.”) Với các chữ “nông (phu),” “thương (gia),” và “công (nhân),” ta không thể không liên tưởng đến “sĩ nông công thương,” được coi là bốn giai cấp xã hội Việt Nam thời xưa. Không rõ tại sao Phạm Đình Chương bỏ “sĩ” (người học hành). Trong đoạn sau, ông có nhắc đến “sĩ,” nhưng đó là “nghệ sĩ” là những người sinh sống qua nghệ thuật, chứ không phải là những người sinh sống qua học hành hoặc hành nghề chuyên môn như bác sĩ, kỹ sư, luật sư. Có thể lúc bấy giờ, số người “sĩ” không nhiều trong xã hội bằng ba giới “nông, công, thương.”
Với “nâng chén,” tác giả mở đầu bằng hành động giơ cao ly rượu khi chúc mừng. Tác gỉả dùng “chén” và “ly” như nhau trong toàn bài hát. Ta nên nói thêm về “chén” và “ly” trong tiếng Việt.
Chữ “chén” có nhiều nghĩa trong tiếng Việt. Nghĩa thông thường của “chén” là vật dùng để uống nước, rượu, trà, thường bằng sành hay sứ. Một chữ có nghĩa tương tự là “tách” (do tiếng Pháp “tasse”) nhưng “tách” thường có tay cầm trong khi “chén” thường không có tay cầm. Nghĩa thứ hai là vật dùng để ăn, như chén cơm, chén cháo. Trong nghĩa này, người miền Nam dùng “chén” thay cho “bát” hoặc “tô” mà người miển Bắc thường dùng. “Chén” còn có thể dùng với nghĩa bóng, hàm ý chứa đựng ý tưởng, tâm tình (như “chén tình” trong bài hát).
Ngoài ra, tiếng Việt ta dùng “nâng chén” và “nhấc ly” chứ không dùng “nâng ly” hoặc “nhấc chén.” Đó là vì “nâng” là hành động trịnh trọng, hàm ý dùng sức (thực sự hay bề ngoài). Trong lúc uống rượu bằng chén thời xưa, người ta thường dùng hai tay để “nâng” chén rượu mời với ngụ ý trịnh trọng hoặc bày tỏ sự kính trọng. “Nâng” trong “nâng khăn sửa túi” hoặc tiếng lóng “nâng bi” có ý nghĩa kính cẩn trịnh trọng tương tự. Ngoài ra, vì chén thường không có tay cầm, dùng hai tay để “nâng” chén giữ cho chén thăng bằng, không đổ hoặc rớt. Ngược lại, “ly” thường có hình thể thon dài, có bầu sâu chứa rượu và chân ly dài, và nhẹ, nên cầm ly dễ dàng và không dùng sức nhiều. Do đó, khi đưa ly rượu lên cao, người ta thường dùng một tay để “nhấc” thay vì “nâng.”
Trở về với “Ly Rượu Mừng,” mọi người cùng nhấp chén rượu đầy vơi, chúc vui mọi người (“Á A A A Nhấp chén đầy vơi, chúc người người vui.”) Trong dịp Xuân về, ai cũng nao nao với những mối duyên nợ cuộc đời (“Á A A A Muôn lòng xao xuyến duyên đời.”) Với quãng “Á A A A,” bài hát khuyến khích mọi người cùng ca. Có lẽ đó là lý do “Ly Rượu Mừng” thích hợp cho hợp ca và trong cuộc họp mặt đông người khi mọi người cùng nâng ly rượu chúc lẫn nhau.
Ly rượu được rót tràn đầy để chúc người binh sĩ lên đường ra nơi trận mạc xa xôi được thành công, làm tươi sáng cuộc đời dân lành (“Rót thêm tràn đầy chén quan san/ Chúc người binh sĩ lên đàng/ Chiến đấu công thành, sáng cuộc đời lành/ Mừng người vì nước quên thân mình.”) Ta hiểu “quan san” là quan ải và núi non, thường để chỉ những nơi xa xôi, hoặc ở biên giới, đồn trú cho binh lính. Lời chúc cũng được gửi tới những bà mẹ già nơi xa xôi, nhớ thương con cháu mong mỏi được gặp lại người con đi xa, sẽ có dịp gặp lại con trở về hội ngộ chan hòa niềm yêu thương (“Kìa nơi xa xa có bà mẹ già / Từ lâu mong con mắt vương lệ nhòa/ Chúc bà một sớm quê hương/ Bước con về hòa nỗi yêu thương.”) Mọi người cùng hát bài hát vui vẻ làm tươi thắm đời người chiến sĩ, và để cho người mẹ già không còn lo âu buồn bã vì con nữa (“Á A A A Hát khúc hoan ca thắm tươi đời lính/ Á A A A Chúc mẹ hiền dứt u tình.”)
Ly rượu mừng cũng gởi đến những cặp tình nhân hoặc vợ chồng đang xây tổ ấm cùng nhau (“Rượu hân hoan mừng đôi uyên ương/ Xây tổ ấm trên cành yêu đương.”) Điều đó không có nghĩa là chúc mừng những cặp vợ chồng mới cưới. Ta biế̉t ít ai làm đám cưới trong mùa Xuân vào dịp Tết. “Đôi uyên ương” chỉ có nghĩa cặp tình nhân, hoặc cặp vợ chồng trẻ đang tạo dựng gia đình nhỏ. Với người nghệ sĩ, chúc mừng họ đem lời ca, tiếng nhạc, câu thơ văn, và nét họa tô điểm cuộc đời thêm mới mẻ tốt đẹp (“Nào cạn ly, mừng người nghệ sĩ/ Tiếng thi ca nét chấm phá tô nên đời mới.”) Như trình bày ở trên, “nghệ sĩ” đây không phải là giai cấp “sĩ” trong “sĩ nông công thương” mà là những người theo ngành nghệ thuật như nhạc sĩ, ca sĩ, thi sĩ, văn sĩ, họa sĩ, ̣điêu khắc gia, v.v.
Nhưng lời chúc thiêng liêng nhất là lời chúc cho đất nước hòa bình, không còn chiến tranh, thịt rơi máu đổ. Đó là ngày quê hương được yên vui và những người lính trở về với chén rượu ấm chứa chan đầy tình thương yêu (“Bạn hỡi, vang lên/ Lời ước thiêng liêng/ Chúc non sông hòa bình, hòa bình/ Ngày máu xương thôi tuôn rơi/ Ngày ấy quê hương yên vui/ đợi anh về trong chén tình đầy vơi.”) Có thể đây là lý do ca khúc “Ly Rượu Mừng” không còn được thịnh hành tại Việt Nam hiện nay nữa, vì lời chúc hòa bình có vẻ mất ý nghĩa.
Mọi người hãy cùng nhấc cao ly rượu, chúc cho tương lai sáng sủa tràn đầy tự do, đất nước thanh bình, và mọi người được hạnh phúc tràn trề (“Nhấc cao ly này/ Hãy chúc ngày mai sáng trời Tự Do/ Nước non thanh bình/ Muôn người hạnh phúc chan hòa.”) Trước hết, ta để ý tác giả dùng “nâng chén” và “nhấc cao ly rượu” (thay vì “nâng ly” hoặc “nhấc chén”) như đã đề cập ở trên. Thứ nhì, trong phiên khúc này, tác giả chúc đất nước tự do và thanh bình. Ta phải hiểu Phạm Đình Chương ngụ ý cầu mong nước non thanh bình và sáng trời tự do cho toàn thể đất nước Việt Nam từ Nam ra Bắc. Phạm Đình Chương lúc nào cũng tưởng nhớ đến miền Bắc. Tên hát của ông là Hoài Bắc, nói lên tâm tư này.
Tổng kết, mọi người mơ ước hạnh phúc ở khắp mọi nơi và hương thơm thanh bình đang dâng cao (“Ước mơ hạnh phúc nơi nơi/ Hương thanh bình dâng phơi phới.”) “Phơi phới” hàm ý một khí thế đang lên. Lời chúc “thanh bình” gồm cả “hòa bình” lẫn yên tĩnh, và do đó có ý nghĩa mạnh mẽ hơn “hòa bình.”
“Ly Rượu Mừng” là một ca khúc đơn giản, gồm những lời chúc Tết cho mọi người có cuộc sống ấm no hạnh phúc và đất nước hưởng thanh bình tự do. Bài hát có nhiều khía cạnh khác biệt với những bài hát khác về Xuân.
Tuy không mô tả cảnh tượng hoặc không khí Xuân, “Ly Rượu Mừng” tiêu biểu cho ngày Tết vì chúc Tết là tục lệ quan trọng nhất trong Tết Việt Nam:
Ca khúc “Ly Rượu Mừng” thuần túy là những lời chúc Xuân cho mọi người và đất nước. Bài hát hoàn toàn không có mô tả cảnh tượng đón Xuân, hoặc các trang lễ, chuẩn bị, và không khí của những ngày Tết theo truyền thống Việt Nam. Phạm Đình Chương cố tình gạt bỏ những hình ảnh về Xuân, mà chỉ tập trung vào một khía cạnh duy nhất là chúc Tết. Cả toàn bài hát không hề có các cảnh tượng thiên nhiên mùa Xuân như màu sắc hoa (mai, đào), mùi hương thơm hoa, nắng vàng, gíó ngàn, tiếng chim hót; hình ảnh đón Tết và trang hoàng trong nhà như bếp hồng, bánh dầy, bánh chưng, kẹo mức, hạt dưa, trái cây, cây nêu; cảnh tượng đường phố như trẻ em khoe quần áo mới, người đi nườm nượp, phố phường đông đúc; các hình ảnh và âm thanh Tết như pháo nổ đì đùng, trống đập múa Lân, phong bì đỏ lì xì, tiếng nhạc ca hát mừng Xuân, v.v.
Những bài hát khác về Xuân luôn luôn có, không nhiều thì it, những hình ảnh hoặc gợi ý cho cảnh Xuân và không khí đón Tết. Thí dụ như: “Rừng hoa mai đua nở” (“Tâm Sự Nàng Xuân” của Hoài Linh); “Ngắm vườn bên thấy mai đào nở,” (“Nghĩ Chuyện Ngày Xuân” của Song Ngọc); “Hoa lá nở thắm,” “hoa đào hồng thắm,” (“Cánh Thiệp Đầu Xuân” của Minh Kỳ & Lê Dinh); “Hoa đào hoa mai,” “trẻ thơ khoe áo xinh xinh,” “mứt vàng hạt dưa,” “bánh dầy bánh chưng,” “phong bì thắm tươi” (“Ngày Tết Việt Nam” của Hoài An); “chim hót mừng,” “Lập lòe tà áo xanh xanh,” “đàn chim non xinh xinh tung bay,” “tiếng pháo đì đùng,” “Ngàn hoa hé môi cười vui” (“Xuân Đã Về” của Mink Kỳ); “cánh hồng tươi thắm,” “Muôn sắc khoe tươi,” “Nồng ngát hương thơm” (“Gió Mùa Xuân Tới” của Hoàng Trọng); “nụ hoa vàng mới nở,” “lộc non vừa trẩy lá,” “bầy chim lùa vạt nắng,” “rung nắng vàng ban mai,” (“Anh Cho Em Mùa Xuân” của Nguyễn Hiền, thơ Kim Tuấn); “mai đào nở vàng bên nương,” “pháo giao thừa rộn ràng,” “trông bánh chưng ngồi chờ sáng,” “cho tà áo mới ba ngày xuân đi khoe phố phường” (“Xuân Này Con Không Về” của Trịnh Lâm Ngân); “nắng vàng,” “nâng phím đàn cùng hát ca,” (“Xuân Họp Mặt” của Văn Phụng).
Thực ra, cả toàn bài “Ly Rượu Mừng,” chỉ có một chữ “Xuân” duy nhất trong câu đầu. Nếu bỏ chữ “Xuân” này và thay bằng một chữ khác như “vui,” cả toàn bài chỉ hoàn toàn nói về chúc tụng mọi người và đất nước, và không có một chút xíu gì về Xuân hoặc Tết cả. Nhưng có thật là vậy không?
Tại sao “Ly Rượu Mừng” luôn luôn được coi là bài hát tượng trưng cho dịp Xuân về, Tết đến?
Câu trả lời thật đơn giản nhưng cũng có thể gây ngạc nhiên: Chính lời chúc tụng là đặc tính độc đáo của Tết Việt Nam.
Tết Việt Nam có thể không có cảnh tượng thiên nhiên như chim hót, nắng vàng, gió mát, hoặc những hoạt động nhân tạo như pháo nổ, múa rồng, múa lân, hoa mai, hoa đào, bánh chưng, kẹo mứt, quần áo mới, tiếng hát Xuân, phong bì đỏ lì xì.
Nhưng Tết Việt Nam không thể nào không có lời chúc Tết.
Chúc tụng hoặc chúc mừng nhau gần như là căn bản sinh hoạt ở xã hội Việt Nam. Người Việt hình như bị ám ảnh với chúc tụng. Người ta chúc nhau trong bất kỳ dịp nào: sinh nhật, đầy tháng, thôi nôi, sinh đẻ, thi cử (trước và sau khi thi), thăng quan tiến chức, mua sắm đồ dùng, mua nhà, mua xe, cưới hỏi, du lịch, nghỉ hè, đau ốm, ra vào bệnh viện, ra mắt tác phẩm, mở cửa hàng, nhận chức vụ mới, thuyên chuyển, trình diễn, trúng thầu, ký khế ước. Trong một buổi họp mặt, cho dù bất cứ có dịp gì, luôn luôn có người đứng lên ngỏ lời chúc mọi người. Trong một bữa tiệc, sẽ có người nói, “Chúc quý vị một bữa tiệc vui vẻ.” Trên đài phát thanh hoặc truyền hình hàng ngày, các xướng ngôn viên luôn luôn có lời chúc khán thính giả, lúc thì một ngày vui vẻ, một ngày nghỉ an toàn, hoặc một buổi tối ấm cúng với gia đình. Trong một lá thư hay một e-mail, người viết thường mở đầu hoặc kết luận bằng một lời chúc. Ngay cả trong lúc gặp nhau hàng ngày cũng có lời chúc vui vẻ hoặc mạnh khỏe. Những lời chúc nhiều khi biến thành những lời chào hỏi hàng ngày, thí dụ như “Chúc bạn một ngày vui,” tương tự như những câu nói sáo rỗng “Have a nice day!” ở Hoa Kỳ.
Người Việt có lẽ tin tưởng vào các lời chúc tụng sẽ quả thật đem lại may mắn, sức khỏe, tiền bạc, thành công, tình yêu. Trong các dịp lễ long trọng như ngày Tết, lời chúc còn có ý nghĩa “thiêng liêng” hơn các dịp khác vì có sự tin tưởng vào thần thánh, tổ tiên ông bà hoặc những người đã khuất trong gia đình, hội họp trong dịp Tết và sẽ giúp những lời cầu chúc thành sự thật. Phong tục cổ truyền Việt Nam trong dịp Tết có nhiều tục lệ như cúng kiến, xông đất, xuất hành, chúc Tết, hái lộc, biếu quà, kiêng cữ, v.v. nhưng có lẽ chúc Tết là tục lệ quan trọng nhất. Trong những ngày đầu năm, câu đầu tiên người ta nói với nhau khi gặp nhau là lởi chúc Tết. Ngay cả ngày nào đi chúc Tết ai cũng được quy định rõ rệt: “Mồng một chúc Tết mẹ cha/ Mồng hai tết vợ, mồng ba tết thầy.”
Do đó, tuy không có những mô tả thiên nhiên, cảnh tượng, nhà cửa, đường phố, thiên hạ, và các hoạt động Tết, ca khúc “Ly Rượu Mừng” biểu hiện một đặc tính quan trọng nhất trong Tết Việt Nam. Đó là những lời chúc Tết trong các ngày đầu năm. Tết Việt Nam sẽ mất ý nghĩa nếu không có những lời chúc Tết và do đó “Ly Rượu Mừng” luôn luôn là một ca khúc được hát trong dịp Tết hàng năm.
Giai điệu, tiết tấu, và điệu nhạc valse thích hợp cho lời chúc mừng Xuân với nét vui tươi và sống động:
Bài hát được viết với nhịp 3/4, dưới điệu nhạc Valse có tốc độ/ hành độ (tempo) nhanh và do đó đem lại nét sống động và vui tươi, thích hợp cho dịp vui ăn mừng ngày Tết. Nhạc sĩ thường chọn lựa điệu nhạc (tiết điệu) khi soạn nhạc. Tiết điệu là chu kỳ của các phách mạnh và yếu theo một nhịp điệu nào đó. Tiết điệu cho thấy sự liên kết nhịp nhàng trong chuyển động. Thí dụ: valse, rhumba, fox, slow, tango (Phạm Đức Huyến, 37). Ta nên biết có hai điệu nhạc Valse, hoặc Waltz theo tiếng Mỹ: Waltz chậm (slow Waltz) và Viennese Waltz. Cả hai đều có cùng nhịp điệu căn bản nhưng Viennese Waltz có tốc độ nhanh hơn Waltz chậm, có thể nhanh gấp ba bốn lần. Waltz chậm còn được gọi là Boston, do tên thành phố Boston tại Hoa Kỳ khi điệu Waltz được phát triển và du nhập qua Hoa Kỳ vào thế kỷ 19 (Xem, thí dụ như, OSLH). Nhạc Việt thường dùng Boston cho Waltz chậm và Valse cho Viennese Waltz. Trong bài “Ly Rượu Mừng,” nhạc sĩ Phạm Đình Chương ghi rõ điệu Valse trên tờ nhạc, và bài hát nên được trình bày với tiết điệu nhanh và sống động của điệu Viennese Waltz.
Giai điệu và tiết tấu của bài hát thích hợp cho hợp ca, như trong buổi họp mặt. Bài hát có những khúc trầm bổng, ngắn gọn và kéo dài tùy vào nội dung của câu hát, tạo nên nét linh hoạt và sống động. Thí dụ câu “Bạn hỡi/vang lên/ Lời chúc/ thiêng liêng” có bốn ngắt quãng với dấu nghỉ, và ở nốt cao, diễn tả lời kêu gọi mọi người cùng vang lên lời chúc. Lời kêu gọi đó được nhấn mạnh qua bốn ngắt quãng và nốt cao tạo nên khí thế thúc giục mạnh mẽ. Tương phản với câu kêu gọi thúc giục đó, câu “Kìa nơi xa xa có bà mẹ già” có cùng trường độ, nhưng không có dấu nghỉ và lời ca được kéo dài liên tục; do đó tạo ra âm hưởng êm ái nhẹ nhàng, thích hợp cho hình ảnh bà mẹ già mong chờ con.
Bài hát gồm có những lời chúc mọi người và toàn dân đất nước. Do đó, âm hưởng bài hát sẽ có khí thế mạnh mẽ và ý nghĩa khi bài hát trình bày qua hợp ca. Tuy bài hát có thể do một ca sĩ hát, âm điệu sẽ được hay hơn nếu có nhiều ca sĩ cùng hát một lúc. Những quãng Á A A A trong bài hát là dành cho khúc hợp ca, có nhiều người đồng xướng. Bài hát cũng sẽ được trình bày linh động nếu có những khúc hát hợp ca xen kẽ những khúc hát đơn ca, hoặc hợp ca giọng nam xen kẽ hợp ca giọng nữ. Ban Hợp ca Thăng Long phối hợp kỹ thuật hợp ca và đơn ca, và hợp ca giọng nam cùng giọng nữ rất tinh vi, đem nét linh động, vui tươi, và nhiều sắc thái cho bài hát (Xem, thí dụ như, Doppelpass01 2010).
Trong “Ly Rượu Mừng,” Phạm Đình Chương không có lối dùng chữ hoặc kỹ thuật trình bày gì đặc biệt. Bài hát có ít mỹ từ. Các từ ngữ đơn giản, dễ hiểu, không cầu kỳ bóng bẩy. Đó chính là điểm hay của bài hát. Bài hát gồm những lời chúc Tết cho mọi người; do đó, ngôn từ cần phải đơn giản thích hợp với bản chất bình dị và chất phác của đa số dân Việt thời bấy giờ. Không ai muốn nói những lời chúc khó hiểu hoặc bóng bẩy làm mất đi ý nghĩa chân thành của lời chúc đầu năm. Ngoài ra, vì bài hát là những lời chúc Tết và không phải là một câu chuyện hoặc tâm trạng của một người nên không có nhiều những khía cạnh kỹ thuật viết như lối trình bày, “cho thấy, đừng kể,” chú trọng vào chi tiết rõ rệt, v.v…
Tác giả dùng những lời chúc chính xác, ̣đánh đúng vào nguyện vọng của mọi người. Với người nông phu, còn gì sung sướng hơn là ruộng lúa được mùa; thương gia buôn bán có lời nhiều; người lao động không còn nghèo khó; người chiến sĩ thành công nhiệm vụ, giúp dân lành; bà mẹ già gặp lại con trở về, hết cơn u buồn; cặp tình nhân xây tổ ấm; người nghệ sĩ tô điểm đời thêm tươi đẹp; non sông hòa bình và đất nước hưởng thanh bình tự do. Ta không thấy những lời chúc mơ hồ, sáo rỗng, máy móc, như “sức khỏe sung túc,” “sống lâu trăm tuổi,” “tài lộc dồi dào,” “con hiền dâu thảo,” “thăng quan tiến chức,” v.v…
Tuy bài hát có lối diễn tả bình dị và đơn giản, cũng có vài điểm đặc sắc đáng ghi. Trước hết, Phạm Đình Chương trình bày cuộc uống rượu mừng là một chuỗi tác động rót rượu, nâng chén hoặc nhấc cao ly, nhấp nháp rượu, uống cạn ly, và rót thêm rượu (“nâng chén ta chúc nơi nơi / Nhấp chén đầy vơi/ Rót thêm tràn đầy chén/ Nào cạn ly/ chén tình đầy vơi/ Nhấc cao ly này“). Mỗi tác động kèm theo lời chúc mọi người. Cách mô tả đó tạo ra cảnh tượng linh hoạt sống động của một bữa tiệc khi mọi người cùng giơ cao ly rượu và chúc lẫn nhau. Thứ nhì, bài hát có vài chỗ dùng “cho thấy, đừng kể,” chi tiết rõ rệt, và ẩn dụ nhẹ nhàng. Thí dụ như “mắt vương lệ nhòa,” “máu xương thôi tuôn rơi,” “chén tình,” “thoát ly đời gian lao.” Cộng với điệu nhạc vui tươi và giai điệu tiết tấu sống động, các diễn tả này đem lại những nét chấm phá rải rác trên khắp bài hát, giúp khán giả có tâm trạng lâng lâng sảng khoái.
Kết Luận:
Ca khúc “Ly Rượu Mừng” là một bài hát bất hủ cho Tết. Bài hát không có những mô tả thông thường về Tết như pháo nổ, hoa mai hoa đào nở, bánh kẹo trái cây, nhưng đánh đúng vào sắc thái quan trọng trong dịp Tết là chúc Tết. Ngoài ra, với điệu nhạc Valse vui tươi, giai điệu trầm bổng, tiết tấu sống động, và lời ca đơn giản, bài hát thích hợp cho hợp ca hoặc phối hợp giữa hợp ca và đơn ca.
Nhân ngày giỗ đầu của ca sỹ Hà Thanh, được sự cho phép của ban quản trị trang CaSiHaThanh.wordpress.com, [dongnhacxua.com] xin trích đăng bài viết của học giả Nguyễn Đắc Xuân về người ca sỹ đã được ái mộ qua nhiều thế hệ. Tựa bài viết “đêm đêm khua ánh trăng vàng mà than” là một câu trong bản “Tiếng Sông Hương” của nhạc sỹ Phạm Đình Chương.
Đầu năm 1966, nhạc sĩ Phạm Duy ra Huế với tập Mười bài Tâm ca do Lá Bối xuất bản. Phạm Duy được tiến sĩ Lê mời về ở lại gian hộ của ông tại 2 Lê Lợi, Huế. Tôi kể lại chuyện được ca sĩ Hà Thanh hát cho nghe lần đầu bài Tâm ca số 5 Để lại cho em. Nhạc sĩ Phạm Duy đề nghị tiến sĩ Lê mời Hà Thanh qua 2 Lê Lợi hát chơi. Thế là buổi hát Tâm ca đầu tiên diễn ra ở Huế. Mỗi bài Tâm ca Hà Thanh chỉ đọc qua là có thể hát được ngay. Trong không khí bức xúc không được thể hiện khát vọng hòa bình, không được phản đối chiến tranh của Mỹ, bài Tâm ca số 1 Tôi ước mơ phổ thơ của Thiền sư Thích Nhất Hạnh, qua giọng Hà Thanh lần đầu tiên oà vỡ mất sự sợ hãi trong tâm trí chúng tôi.
“Tôi vẫn sống, tôi vẫn ăn và tôi vẫn thở… Nhưng đến bao giờ tôi mới nói được điều tôi ước mơ… Tôi ước mơ?”
Tiếng hát hay, nội dung câu hát kích vào nỗi khát vọng của mọi người gây nên một hiệu ứng cảm thụ lạ lùng. Ước mơ của Thiền sư Nhất Hạnh cũng là ước mơ của dân tộc lúc ấy.
“Ông Hoàng âm nhạc” Phạm Duy hết lời ca ngợi tài năng của Hà Thanh. Lần đầu tiên ca sĩ Hà Thanh biết đến Thiền sư Thích Nhất Hạnh. Chị ngỏ ý muốn tìm đọc cả tập thơ Chắp tay nguyện cầu cho bồ câu trắng hiện của nhà sư vừa ở Hoa Kỳ về. Tiến sĩ Lê không giấu được sự cảm phục, say đắm của mình. Ông gọi xe chạy qua phố mua về tặng ngay cho Hà Thanh một chiếc ghi ta của Ý. Thùng đàn của Ý to hơn thùng đàn sản xuất ở Việt Nam, tiếng đàn rất ấm, hợp với giọng Hà Thanh vô cùng. Tiến sĩ Lê tỏ tình với ca sĩ Hà Thanh qua món quà văn nghệ ấy. Và, cũng từ ấy tiến sĩ Lê và tôi có nhiều dịp qua lại gặp gỡ chuyện trò với ca sĩ Hà Thanh…..
Sau chín năm băng rừng, lội suối, xuôi ngược Trường Sơn, suýt chết nhiều lần tôi may mắn được sống sót chứng kiến được ngày đất nước thống nhất. Tôi tìm bà con, bạn bè chia sẻ hạnh phúc hòa bình. Vào Sài Gòn, tôi đi tìm ca sĩ Hà Thanh. Phải khó nhọc lắm mới tìm ra được nơi ở của chị trong tòa nhà tại ngã tư Nam Kỳ Khởi Nghĩa và Võ Thị Sáu ngày nay. Tôi không hiểu tòa nhà đó của ai và do đâu chị được ở đó. Tòa nhà lớn và toàn người lạ nên hỏi mãi mới đến được chỗ chị đang ở. Tôi thật không thể nào hiểu nổi: Ca sĩ Hà Thanh với đứa con gái ba bốn tuổi ở dưới gầm cầu thang trong tòa nhà lớn ấy. Ca sĩ Hà Thanh ngồi trên một chiếc chiếu éc bên cạnh dựng cây đàn ghi ta, một cái va li, một chiếc lò sô và một thau đựng vài cái chén dĩa. Chị ngước nhìn tôi miệng cười với đôi hàm tăng trắng muốt. Hai dòng lệ rơi xuống chiếu, chị nhoài người ra đứng dậy bắt tay tôi. “Ôi Xuân! Xuân… mà!”. Tôi hiểu chị muốn nói Xuân chết rồi mà! Nhiều người cũng đã tưởng như vậy nên tôi hiểu ý chị ngay. “Đáng lẽ chết rồi nhưng bom đạn và sốt rét chê nên còn sống đây”. Tôi định hỏi vì sao chị lại rơi vào hoàn cảnh như thế nầy nhưng tôi sợ ảnh hưởng đến niềm vui chị đang gặp lại bạn cũ sau gần chục năm chiến tranh, lời đã ra đến môi tôi ngậm lại. Hà Thanh kéo tôi ngồi xuống chiếu chị cho biết chồng chị là Trung tá thiết giáp Bùi Thế Dung đang đi học tập, chỗ ở cũ bị giao cho chủ mới, chị đang chờ tìm chỗ ở khác nên mẹ con tạm thời ở đây. Chị nói với giọng rất tự nhiên, không một chút bối rối xúc động. Tôi đọc được sự vui mừng đất nước được hòa bình trong giọng nói của chị. Sự “đổi đời” của gia đình chị như một lẽ tự nhiên. Nói chuyện một lúc, chị như sực nhớ ra điều gì và bảo tôi:
– Tối rồi, còn chén cơm mình chiên lên cùng ăn nghe!
Lời mời của Hà Thanh dưới gầm cầu thang cũng hồn nhiên không khác nào lời mời những bữa tiệc diễn ra ở nhà chị 18 Huyền Trân Công Chúa mười năm trước ở Huế. Một chén cơm nguội chia cho ba người mà sao tôi ăn thấy ngon làm sao. Ăn xong, chị quay lại lấy cây đàn và bảo tôi:
– Mừng chiến tranh chấm dứt, mừng Xuân bình yên trở về Hà hát tặng Xuân bài Tiếng sông Hương của Phạm Đình Chương nhé!
Tôi chưa kịp cám ơn thì bị cháu Kim Huyên dùng dằng tỏ ra khó chịu. Tôi hơi ngượng với cháu. Chị biết thế nên bảo con:
– Cậu Xuân là bạn của mẹ và của mấy dì, cậu đi xa mới về, mẹ hát mừng cậu. Con ngoan mẹ thương!
Kim Huyên không vùng vằng nữa nhưng mặt không vui. Hà Thanh so dây rồi cất giọng hát: “Miền Trung vọng tiếng, em xinh em bé tên là Hương Giang…” Tiếng hát chị vút lên “vọng tiếng”và hạ dần xuống “em xinh em bé” êm ái lạ thường. Tiếng hát như một làn gió mát dịu xuyên qua đầu óc đang đan xen những vui buồn của tôi. Tôi lặng người đi và tự nhiên tôi cảm thấy sợ không dám nhìn sự hồn nhiên của chị. Bỗng nhiên chị nhìn tôi và nở một nụ cười khi bắt đầu hát đến mấy câu: “Hò ơi, bao giờ máu xương hết tuôn tràn/ Quê miền Trung thôi kiếp điêu tàn/ Cho em vang khúc ca nồng nàn/ Ngày vui tan đao binh/ Mẹ bồng con sơ sinh/ Chiều đầu xóm/ xôn xao đón người hùng binh/ Ngậm ngùi hân hoan tiếng cười đoàn viên”.
Nếu người khác tặng tôi câu hát nầy giữa lúc này thì tôi sẽ nghĩ họ trêu tôi. Nhưng đối với Hà Thanh thì không phải thế. Nội dung bài hát mâu thuẫn với hoàn cảnh bi đát hiện tại của chị nhưng nó lại lô-gíc với tình bạn của chị với tôi. Một cảm tưởng được và mất trong tôi. Được nhiều nhưng mất cũng không nhỏ. Tôi lặng người và chỉ nói được một câu:
– Thấm thía quá chịu Hà ơi!.
Bỗng nhiên cháu Kim Huyên khóc ré lên, chị lại dỗ cháu. Chị hát cho tôi nghe những bài mới ra đời từ sau ngày tôi thoát ly theo kháng chiến. Chị tự đệm đàn cho chị hát. Chị hát say sưa. Hát toàn bài vui. Chị hát đến khuya. Kết thúc bằng bài Hoa xuân. Đến lúc nầy tôi mới ngộ ra rằng chị hát không những để tặng tôi mà tôi cũng là một cơ hội để chị hát. Hát để vượt qua sự thử thách quá lớn chị đang cố gắng vượt qua. Biết thế nên tôi không dám chia tay chị dù trời đã khuya. Trong đời tôi chưa bao giờ được thưởng thức một “sô” diễn tân nhạc sâu thắm và da diệt đến thế.
Rồi từ đó tôi lo việc lập gia đình, đi “học Huế” để làm người cầm bút của xứ Huế không mấy khi được gặp lại Hà Thanh. Đột nhiên đến năm 1982, không rõ ai đã mách cho chị biết chỗ ở của tôi, (vì đến năm đó tôi đã chuyển đến bốn năm địa chỉ) chị ghé lại nhà tôi – một gian phòng hẹp của nhà hộ sinh Kim Cúc cũ tại 16 Lý Thường Kiệt – mời tôi lên 18 Huyền Trân Công Chúa (đã đổi thành 18 Bùi Thị Xuân) ăn cơm chia tay để chị đi “đoàn tụ” ở Hoa Kỳ. Sau bữa cơm chia tay đó tôi nghĩ không bao giờ tôi còn có dịp gặp lại Hà Thanh nữa.
…. …. Năm 2006, tôi sang Boston ở miền Đông bắc Hoa Kỳ chuẩn bị thực hiện đề tài “Phong trào Thơ văn âm nhạc vận động hòa bình những năm 1964 – 1966 ở miền Nam Việt Nam” cho Trung tâm William Joiner, không ngờ tôi lại được liên lạc với Hà Thanh.
Một cuộc hàn huyên hào hứng. Tình người xóa đi hết những khoảng cách, những dị biệt. Gặp lại Hà Thanh trên đất Mỹ không tiện nhắc lại những chuyện cũ. Chị biết tôi nguyên là một sinh viên Phật tử, lại là người đi theo khuynh hướng hòa bình, hòa giải dân tộc của Thầy Nhất Hạnh từ hồi nửa thế kỷ trước nên chị kể chuyện chị quy y lại với Thầy và chị dành nhiều thời gian tu chánh niệm, niệm Phật, hát nhạc Thiền và tọa Thiền theo pháp môn Làng Mai. Chị tặng tôi một CD chị niệm A Di Đà Phật rất thanh thoát. Cho đến bây giờ, mỗi lần thấy đầu óc căng thẳng tôi lại nghe chị niệm Phật thay cho những bài hát êm dịu mà trước đây tôi rất thích. Qua điện thoại nhiều hôm tôi ngỏ ý mời chị về sống cuối đời ở Huế. Chị bảo tôi:
– Cái nhà ở Huế đã cho đứa cháu rồi. Hà về Huế ở mô?
Tình thiệt tôi đáp:
– Trời ơi, chị về vô lẽ cháu chị không dành lại cho chị một phòng để chị sống và ca hát sao?
Chị lại bảo:
– Ở đây Hà ít giao du với cộng đồng người Viêt, nhiều khi cũng buồn và nhớ Huế lắm. Hà cũng muốn về. Nhưng có lẽ Hà phải giúp nuôi con của con gái Kim Huyên lớn lớn một chút rồi sẽ về!
Tôi biết chị từ chối khéo lời mời của tôi nhưng tôi vẫn hy vọng và có ý chờ…
Nhưng… rồi, đúng vào ngày đầu năm 2014, chị đã qua đời ở Boston miền Đông Hoa Kỳ.
Tôi không còn cơ hội gặp lại chị, nhưng Huế tôi luôn có ca sĩ Hà Thanh, cũng như luôn có nhạc sĩ Trịnh Công Sơn – người cùng thời với chị.
Trong không khí Giáng Sinh vẫn còn đây đó, [dongnhacxua.com] xin trân trọng giới thiệu bản “Mùa Sao Sáng” của nhạc sỹ Nguyễn Văn Đông, cũng chính là tác giả Phượng Linh của “Bóng nhỏ giáo đường” nổi tiếng mà chúng tôi đã có lần đề cập.
“ Lạy Chúa! Con là người ngoại đạo nhưng tin có Chúa ngự trên cao. Mùa sao sáng năm xưa lại về đêm sinh nhật Chúa, Sao người năm xưa quên lời hứa chưa về (hò 1). Chạnh nhớ ngày xưa đôi bóng giao kề (hò 2). “
Nghệ sĩ Mộng Tuyền xuống câu hò 1 vọng cổ trong tiếng chuông nhà thờ đổ ngân vang, cô chắp tay ngước nhìn về hang đá có tượng Đức Mẹ và Chúa hài đồng nằm trên máng cỏ, rồi cô ém hơi bỏ nhỏ hát tiếp câu hò 2 trong tiếng đàn ghi-ta-phím-lõm hào hoa của Văn Vĩ, hòa với đàn kìm của Năm Cơ, và tiếng vĩ cầm của Hai Thơm cùng “quyện” với nhau trong bài ca Tân Cổ giao duyên “Mùa Sao Sáng”. Sân khấu rạp hát Quốc Thanh, Sài Gòn trước 1975 như bùng nổ trong tiếng vỗ tay tán thưởng, nhưng tim mọi người thì chùng xuống như lịm đi, khi cô đào đẹp nhứt nhì sân khấu cải lương có nghệ danh là Mộng Tuyền, huy chương vàng giải Thanh Tâm 1963, quỳ trước tượng đài Đức Mẹ, nước mắt cô ràn rụa chảy dài trên đôi má trong ánh sáng lung linh của hai hàng bạch lạp trên ngôi cao Thánh mẫu. Trong tiếng nhạc dập dìu trầm bổng của 6 câu vọng cổ, nàng kể chuyện thời chinh chiến, có hai người yêu nhau cùng trao lời hẹn ước trong đêm Giáng Sinh. Bên hang đá Bê Lem, nụ hôn vội vã chia tay người yêu trong thời binh lửa, chàng trai trẻ khoác chiến y ra đi biền biệt từ đêm Giáng Sinh năm xưa, đã mấy mùa sao rồi chưa quay trở lại! Mùa Giáng Sinh năm nay, nàng vẫn đứng chờ bên gác chuông xưa nghe điểm hồi chuông nửa đêm, mỏi mòn trông đợi người yêu qua mấy lần sinh nhật Chúa. Tiếng đàn cò Năm Cơ cầm chịch dẫn dắt Ban cổ nhạc khi nhặt khi khoan, quăng bắt đẩy đưa nhau từ câu 1 sang qua câu 2 vọng cổ, tiếng vĩ cầm Hai Thơm lộng lẫy, khi hơi Nam khi hơi Oán, trên nền nhạc ngũ cung. Lúc danh cầm ghi-ta Văn Vĩ nhấn nhá chuyển sang cung thương thì Năm Cơ chân đạp “song lang”, tiếng mõ vang lanh lảnh báo tin sắp chuyển giao cho Ban tân nhạc Lê văn Thiện sẵn sàng bắt nhịp khi ca sĩ xuống “xề”. Khi đó, ca nữ Mộng Tuyền tiến sát lại gần hang Bê Lem, đèn sân khấu quét ngang người, nàng nức nở hát từ dây Đào cổ nhạc hò 5 chuyển sang qua ca tân nhạc với Ban Lê văn Thiện: “Đêm nay tôi nhớ người chưa trở lại. Chênh chếch mùa sao lạc loài. Ôi! Những mùa sao lẻ đôi. Cho tôi thương nhớ mùa sao ngày nào, Thương những mùa sao hồng đào. Ôi! Những mùa sao cách xa.”
Sân khấu bềnh bồng như trôi dạt trong ánh sáng nhiệm mầu đêm Thánh lễ, khán giả đắm chìm trong tiếng đàn Tam tấu cổ nhạc Văn Vĩ, Năm Cơ và Hai Thơm là những đệ nhất danh cầm cổ nhạc cải lương miền Nam thời đó, cùng quăng bắt nhau, tung hứng cho nhau thật điệu nghệ, trong khi Ban tân nhạc Lê văn Thiện chờ lúc cao trào, chụp bắt, rượt đuổi Ban cổ nhạc, khi trao qua khi nhận lại, hình thành một cấu trúc nghệ thuật mới của thời đại 1960-1970, định danh là Tân cổ giao duyên. Theo mạch nhạc hết câu 5 rồi chuyền sang qua câu 6 vọng cổ, ca sĩ và hai ban Tân và Cổ nhạc như quyện vào nhau, mắt không rời nhau, khi vào Tân khi ra Cổ, nghệ sĩ Mộng Tuyền lúc thì song hành, khi thì bứt phá, rồi đợi khi Ban cổ nhạc xuống xề 24, và Ban tân nhạc “chầu” thêm nhịp 25, ca sĩ vào nhịp 26 với lời thơ áo não trong đêm Giáng Sinh thời chinh chiến: “ Người đi từ Giáng sinh xưa Mong về tương ngộ giữa mùa hội sao. Niềm tin xóa hết thương đau, Mùa sao đất Việt, mùa sao thanh bình.”
Bài Tân cổ giao duyên Mùa Sao Sáng của soạn giả Đông Phương Tử đã ra đời trong thời binh lửa như thế, khi khắp miền Nam đã có mất mát, tang thương. Thuở đó, không khí chiến tranh lan tràn đến từng nhà, gia đình nào cũng có người thân vào quân đội. Những buổi chia tay, những giờ hò hẹn ngắn ngủi trên sân ga, trên bến tàu đưa tiễn người vào quân trường hay đi ra mặt trận, đã thấm đẩm vào thơ ca và âm nhạc. Bản Tân cổ giao duyên Mùa Sao Sáng nhanh chóng lan truyền từ sân khấu đến các Đài Phát Thanh và Truyền Hình rồi thâu vào băng và đĩa nhạc 45 tours. Miền Nam thời đó, nhứt là vùng đồng bằng sông Cửu Long, ở các tỉnh Cần Thơ – Bạc Liêu vốn là cái nôi của bài ca Vọng cổ hoài lang của Cao văn Lầu, các ban đờn ca tài tử miền sông nước này bị mê hoặc cuốn hút trước một làn điệu canh tân mới mẻ, đã chung tay tiếp sức cho bài Tân cổ giao duyên bay xa. Mộng Tuyền, nghệ sĩ cải lương sân khấu vừa là minh tinh màn bạc, nổi tiếng tài sắc trong vở tuồng cải lương Dương Quí Phi và An Lộc Sơn, bạn diễn với Thanh Nga, Ngọc Giàu của đoàn Thanh Minh, đặc biệt với vai diễn để đời là sơn nữ Klai trong vở tuồng Mưa Rừng, Mộng Tuyền đã mang lại cho khán giả niềm say mê qua các bài tân cổ giao duyên Thầm Kín, Ngày Xưa Anh Nói, Thương Về Mùa Đông Biên Giới, Mùa Sao Sáng v v của soạn giả Đông Phương Tử, một bút danh của Nhạc sĩ Nguyễn văn Đông. Rất tiếc, chất lượng âm thanh của đĩa 45 tours sau thời gian 45 năm không còn được như xưa (tuy nhiên, một số bản nhạc sẽ được đăng trong trang này để làm tài liệu).
Sinh năm 1951, trưởng thành từ phong trào nhạc trẻ của Sài Gòn năm xưa, nhạc sỹ Quốc Dũng đã để lại một dấu ấn sâu đậm cho nền nhạc Việt. Hôm nay [dongnhacxua.com] hân hạnh giới thiệu một bài viết về nhà nhạc sỹ đa tài.
(GĐX)Quốc Dũng còn đó với chúng tôi, đàn trong tay trên ghế ngồi cà phê Phong Nguyệt và còn đó với tất cả chúng ta trên hành trình âm nhạc… Âm nhạc như một tiếng gọi, một đường bay, một thử thách gian lao và người nhạc sĩ 17 tuổi ngày nào hình như vẫn đang bước đi với một chút phân vân, một ít dọ dẫm kiếm tìm, cả nghi hoặc chính mình…Vâng, tôi tin QD đã thành công và sẽ còn thành công hơn nữa khi vượt lên chính mình, vượt lên vệt chân cũ của mình …
Một vùng mây trắng bay đi tìm nhau
Chẳng còn thấy đâu, mắt em hoen sầu
Vì mình xa nhau nên em chưa biết xuân về đấy thôi…
Quốc Dũng đã bước ra từ đây, từ một …vùng mây trắng, những đám mây lạc tìm nhau và người nhạc sĩ 17 tuổi đã để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng người nghe: những ám ảnh ám thị về mất mát chia biệt, về một ban mai rụng xuống hoàng hôn, về những rối bời rã rượi của một xác quỳnh đêm qua vừa nở, cỏ chưa hết xanh đã vội vàng …“Em đã thấy mùa xuân chưa” như là bước khởi đầu cũng là khởi động vùng tâm thức đầy hoặc nghi của người nhạc sĩ mà anh hoa phát tiết ra ngoài …hơi sớm: 11 tuổi đã viết nhạc, 15 tuổi trình diễn mandolin trên truyền hình, 16 tuổi là thủ khoa trường Quốc gia âm nhạc (môn nhạc pháp Tây phương). Tài không đợi tuổi. Ngoài ”Em còn nhớ mùa xuân”, những ca khúc “Mai, Đường xưa, Cơn gió thoảng, Chuyện ba người, Còn mãi nơi đây, Điệp khúc mùa xuân, Thoát ly…” đã thực sự đánh dấu sự xuất hiện một phong cách, một khuôn mặt âm nhạc. Anh còn tài hoa hơn vì bao quát nhiều lãnh vực : từ ca sĩ (cặp đôi với Thanh Mai những năm 70 của thế kỷ trước), rồi nhạc công chơi đủ loại nhạc cụ, người tổ chức phối khí thu âm đầu tiên ở Sài Gòn …
1- Quốc Dũng, nhạc sĩ của mùa xuân
“Xuân thanh bình, Mùa xuân đầu tiên, Xuân dịu êm, Bài ca tết cho em, Hẹn ước mùa xuân, Xuân trên đất khách, Xuân xa vắng …”…Quốc Dũng có hơn 20 ca khúc viết về xuân, lấy chữ xuân làm tựa đề. Cảm hứng xuân rõ ràng là đầy tràn nhưng cảm thức về xuân ở Quốc Dũng là một dị biệt. Với anh, xuân không hề là biểu tượng của sức sống tươi nguyên, của niềm hy vọng, của rộn ràng nên xuân không có bướm trắng mai vàng, câu đối đỏ, nụ cười hồng thắm …Ngay cả “Điệp khúc mùa xuân” như một tưng bừng xuân ca có hoa vàng, nắng say, bướm bay vang lên trong một giai điệu tiết tấu rộn vui, bài hát vẫn chỉ là một gọi mời của tình yêu: Tình yêu ơi xin dệt nối yêu thương/ từ bao nhiêu năm tình sầu muôn hướng. Đến “Bài ca Tết cho em” dù là riêng tặng người yêu dấu cũng chỉ rung lên chầm chậm trong một khúc điệu Bossa Nova, tuyệt không có én trắng vườn đào chỉ có môi em cười như chứa cả mùa xuân. Do đó, những bài hát của QD không thể là xuân ca mà chỉ là những khúc xuân tình. Xuân với anh là cõi tâm xuân, là ý xuân, tình xuân… Xuân không về/ chưa về đơn giản là Vì mình xa nhau nên em chưa biết xuân về đấy thôi…”Hẹn ước mùa xuân” lắng lại một thì thầm và kết thúc trong một hợp âm trưởng đinh ninh: Mùa xuân tới ta hẹn ngày đẹp đôi. Chào mừng năm 2000, QD viết “ Mùa xuân đầu tiên” như một lời tỏ tình với những quãng hai dìu dặt mềm mại buông lơi: Từ khi có em yêu trong tay/ Ta nghe mùa xuân bắt đầu…”Hà Nội em và mùa xuân” là một ví dụ khác cho một ngỏ tình của Quốc Dũng. Bài hát viết ở cung trưởng, tiết tấu khá nhanh nhưng những quãng 2 rồi cũng níu giữ cái không khí êm đềm mộng ảo của tình được và mất. Mở ra là “ Từ ngày ta xa cách nhau/ Thời gian lắng im trong u sầu” và để kết thúc “ Hà Nội mùa xuân có em/ đầy hạnh phúc hơn bao giờ”…Rồi “ Xuân thương nhớ, xuân trên đất khách…”, âm nhạc QD trải ra nỗi niềm day dứt của một mất mát, một thất lạc, một chơ vơ, cả một hoặc nghi …tình …Không, là xuân không thực, cõi xuân của QD chính là nỗi tình được/ mất để buồn vui vì thực chất, anh là người viết tình khúc cho muôn đời …
2- Quốc Dũng, kẻ du ca với gánh tình trên vai
Ngay từ buổi đầu xuất hiện, QD đã để lại ấn tượng đậm nét về những khúc tình ướt rượt với mộng tàn, sương khói, những rụng rời chia biệt: “Thoát Ly (1968), Bên nhau ngày vui ( 1972), Cơn Gió thoảng( 1972), Lối thu xưa ( 1972), Em đã thấy mùa xuân chưa, Biển mộng…Trong tâm thức của người nhạc sĩ trẻ sinh năm 1951 đã mọc dậy nỗi buồn, đã thắp nến những chiêm bao và tình, treo lên ám ảnh.
Thôi mình đi, còn trông chờ chi /Kỷ niệm chỉ thêm xót xa mà thôi /Mộng … đã tàn rồi ! “Thoát ly”, rồi nhịp cuốn đi nhưng còn đó là nước mắt với ê chề thất vọng. Câu kếtKhi tinh cầu đã thu hẹp rồi mở ra một bến vực ngờ lo âu …Bên cạnh, “Cơn gió thoảng” vút vút lên những nốt nhạc chao đảo nỗi bấp bênh phận người, những lay lắt tình yêu: buồn theo cơn gió những cánh lá rơi cuốn trôi về đâu. Đến “Lối thu xưa” thì giai điệu đã lìm chìm da diết diết da trong giọng đô thứ ngậm đủ mùi vị của một thất lạc trăm năm : Anh vẫn tìm em giữa mây ngàn …
Rồi, đi qua phận người với áo cơm mưa nắng những dập vùi, người nghệ sĩ tưởng chừng sẽ tỉnh ra, thức ngộ nhưng không, QD vẫn nặng trên vai một gánh tình. “Hoang vắng, Đường xưa, Ru tôi giấc mộng, Mãi cùng em ngày xanh, Cõi buồn ….”. Và những tình khúc dù khác nhau trong giai điệu, tiết tấu nhưng quen thuộc một màu Quốc Dũng với sương rơi, trăng tà, nước mắt, môi hôn, những xanh niềm đau, những phai tàn nhanh , những thoáng hương bay…Và anh run lên, thổn thức với những melody tuyệt đẹp của yêu thương.
“Ru tôi giấc mộng” là bài hát tâm đắc của nhạc sĩ, âm ỉ một kiếm tìm mê mỏi trong phiên khúc: Hãy cho tôi tìm gặp trong giấc mơ để rồi nung nấu cháy bùng nỗi nhớ trong điệp khúc: Nhớ dạt dào…Nhớ thẹn thùng … Không, là không thê thiết với bi lụy, không kêu gào để rơi xuống vực lầy không đáy. Âm điệu của QD dẫn ta về một chốn lung linh của mắt ngọc xanh ngời, môi hôn đỏ ối, những vân vê cuống quít thẹn thùa, những hẹn hò trăng mơ. Không, Quốc Dũng không làm ta buồn đến não nề mà cầm tay ta bay vào không gian cao và sâu của chữ tình muôn sắc điệu. Có chăng ở đây là một thoáng hoang mang nghi ngại! Và phải chăng, đó chính là thông điệp Quốc Dũng muốn nhắn gửi đến những tình nhân? Phải chăng QD đã làm người nghe bị mê hoặc vì một nỗi tình thiết tha gắn bó và chân thật…?
3- Quốc Dũng, nhạc sĩ đa phong cách …
Đa phần, mỗi nhạc sĩ, bằng tâm thức của mình, chỉ có thể viết được một phong cách nhất định. Văn Cao, Trịnh Công Sơn, Ngô Thụy Miên…rồi chỉ yên bề với một thể loại. Quốc Dũng là một biệt lệ khi âm nhạc trải ra từ trữ tình, nhạc trẻ, đến nhạc quê hương …”Em có thấy mùa xuân chưa – Bên nhau ngày vui- Lối Thu xưa”, ba sáng tác buổi đầu tiên đã cho thấy nội lực của QD trên các phong cách khác biệt… Nhờ “ đa phong cách”, Quốc Dũng đã thành công lớn trong việc hội nhập với thị trường và xu hướng của thời đại, tiếp cận được với nhiều tầng lớp người nghe ( thính phòng, dân gian, trẻ trung sôi động…). Đa phong cách, trong một chừng mực là ưu điểm, một cách thế hòa nhập nhưng đôi khi là một hạn chế vì phải chăng mỗi người chỉ nên nói …một giọng nói. Người ta nhớ Lê Hựu Hà với dòng nhạc trẻ, nhớ Trịnh, Ngô Thụy Miên với chất trữ tình, nhớ Cung Tiến với dòng semi-classic …Vâng, là thuần nhất làm nên một hồn riêng không lạ lẫm…
Quốc Dũng đang mỉm cười với chúng tôi. Sáu mươi, tóc chỉ lơ phơ bạc, vẫn rất ”đàn ông” …Hỏi chuyện phong cách âm nhạc, anh có vẻ trầm ngâm: Tôi thuộc trường phái bình dị, thích dòng nhạc quê hương và viết ra lại sẵn có một đồng điệu là giọng ca Bảo Yến, và cả những nhà thơ đồng điệu như Nguyễn Đức Cường, Phạm Ngọc…giúp cho phần lời…À, mà cuộc đời lạ thật. Những bài hát tôi thích lại không trùng với sở thích mọi người…Tôi nhìn anh, nheo nheo mắt. Chính tôi, tôi cũng nhớ đến QD với những ca khúc trữ tình phong vị cổ điển (Em đã thấy mùa xuân chưa) hay hiện đại (Hoang vắng….) mà không đậm đà lắm với dòng nhạc quê hương của anh trong “Lối thu xưa, Chuyện ba người, Chuyện hợp tan”…Vâng, người sáng tác có quyền chọn lựa cho mình một khuynh hướng và người nghe, dĩ nhiên, có chọn lựa của riêng mình.
*
Quốc Dũng còn đó với chúng tôi, đàn trong tay trên ghế ngồi cà phê Phong Nguyệt và còn đó với tất cả chúng ta trên hành trình âm nhạc… Âm nhạc như một tiếng gọi, một đường bay, một thử thách gian lao và người nhạc sĩ 17 tuổi ngày nào hình như vẫn đang bước đi với một chút phân vân, một ít dọ dẫm kiếm tìm, cả nghi hoặc chính mình…Vâng, tôi tin QD đã thành công và sẽ còn thành công hơn nữa khi vượt lên chính mình, vượt lên vệt chân cũ của mình …
Vĩnh PhúcTùy bút31/8/2011(Bài viết riêng cho Giai Điệu Xanh)