Nếu như ‘Câu hò bên bờ Hiền Lương’ là tiếng lòng của người dân Việt ở bờ bắc sông Bến Hải thì ‘Chuyến đò vỹ tuyến’ là tiêu biểu cho tâm tình của những người anh em ở bờ Nam. Nhạc sỹ Lam Phương sáng tác bản ‘Chuyến đò vỹ tuyến’ độ năm 1956-1957, khi cuộc tổng tuyển cử để thống nhất hai miền đã gần như đi vào ngõ cụt và sự chia cắt không biết bao giờ mới chấm dứt.
Sinh năm 1937, nhạc sỹ Lam Phương khi đó chỉ mới là chàng trai trẻ, vừa tròn 20 tuổi. Thế nhưng qua nét nhạc tài tình và một tâm hồn nhạy cảm với hoàn cảnh đau thương của dân tộc, ông đã cho ra đời một nhạc phẩm để đời mà 60 năm sau, khi các ‘vết thương chia cắt’ đã lành thì ‘Chuyến đò vỹ tuyến’ vẫn mãi là khúc ca êm đềm ‘sưởi ấm cõi lòng’.
Khi nhắc đến ‘Chuyến đò vỹ tuyến’ sẽ là một thiếu sót nếu như không nhắc đến ca sỹ Hoàng Oang, người đã gắn liền tên tuổi trong hơn 40 năm qua với bản này. Theo cá nhân chúng tôi thì có lẽ Hoàng Oanh không phải là ca sỹ đầu tiên thể hiện ‘Chuyến đò vỹ tuyến’ vì cô sinh năm 1950 mà thời điểm bản nhạc ra đời là khoảng 1956-1957. Tuy nhiên có một điều mà không một thính giả yêu nhạc xưa nào phủ nhận là Hoàng Oanh là người thể hiện thành công và lột tả được cái hồn của bản nhạc.
Nhân dịp này, DòngNhạcXưa xin chúc nhạc sỹ Lam Phương nhiều sức khỏe. Mong ông có được một lần về thăm lại Việt Nam và ghé thăm dòng sông Bến Hải, vỹ tuyến 17, nơi mà hơn 50 năm trước ông đã gởi gắm tâm sự trong một nhạc phẩm để đời.
Trong bài viết về nhạc phẩm có số phận long đong ‘Gửi người em gái miền Nam’, [dongnhacxua.com] có nhắc đến anh Nguyễn Văn Lộc, mà bạn bè hay gọi là Lộc ‘vàng’ vì anh là người đã khai trương quán Lộc Vàng, một trong những phòng trà trình diễn nhạc vàng đầu tiên trên đất Bắc. Cũng vì tình yêu nhạc vàng bất tận mà bản thân anh đã vướng vòng lao lý trong một vụ án chấn động miề Bắc ngày đó.
Với nhiều người Hà Nội, vụ án Phan Thắng Toán và đồng bọn bị xét xử về tội truyền bá văn hóa đồi trụy của chủ nghĩa đế quốc, tuyên truyền phản cách mạng và chống lại các chính sách pháp luật của nhà nước, họ vẫn chưa quên được. Người đàn ông Nguyễn Văn Lộc năm xưa trong vụ án này bây giờ là chủ quán Lộc vàng tại ven đường Hồ Tây.
Anh Lộc châm thuốc cho anh Toán “xổm” trước khi anh Toán mất. ảnh Nguyễn Đình Toán
Hồi đó anh Lộc và những người bạn vì quá mê nhạc tiền chiến nên đã thành lập nhóm nhạc để tụ tập hát nhạc của Văn Cao, Đoàn Chuẩn – từ Linh, Đặng Thế Phong…và các nhạc sỹ miền Nam như Ngô thụy Miên, từ Công Phụng…Ngày 27/3/1968, nhóm nhạc anh bị bắt và tạm giam ở Hỏa lò 3 năm. Vào các ngày 6,7,8 tháng 1 năm 1971 Tòa án nhân dân Hà Nội mở phiên toàn xét xử gồm 7 thành viên. Tòa tuyên án Toán “xổm” 15 năm tù, Nguyễn Văn Đắc 12 năm tù, anh Lộc 10 năm tù… Sau khi hiệp định Paris được ký kết, anh Lộc được giảm án xuống còn 8 năm tù . Năm 1976 anh ra tù.
Báo Hà Nội ngày 12/1/1971 đưa tin Phan Thắng Toán và đồng bọn bị xét xử. Ảnh: Facebook của Nguyễn Tuấn Ngọc
Anh thương nhất là anh Toán “xổm” ra tù, mất hết tất cả, không nơi nương tựa, sống nhờ cậy bàn bè và sau đó anh nằm chết ở vệ đường vào năm 1994.
Anh Lộc tại quán Lộc vàng. Ảnh: Facebook của Nguyễn Tuấn Ngọc.
Tôi chưa nghe người nào hát nhạc phẩm: gửi người em gái của Đoàn chuẩn- từ linh hay bằng anh. Một giọng hát quá trữ tình và sâu lắng. Anh đã hát đúng bản gốc của tác phẩm này, vì anh cho biết nhạc phẩm đang được thu âm và hát lại bây giờ đã bị thay lời quá nhiều, nhất cả khi các ca sỹ hải ngoại hát.
Hàng ngày, người đàn ông này vẫn hát lại những ca khúc củ của một dòng nhạc đã đi qua bầu trời văn nghệ Việt Nam với biết bao trầm luận. Nó cũng giống như số phận của anh Lộc khi trót mang kiếp cầm ca.
Tiếp nối hình ảnh ngựa trong dòng nhạc xưa, hôm nay chúng tôi mời quý vị trở lại với thời kỳ đầu của nền tân nhạc Việt Nam qua nhạc phẩm ‘Ngựa phi đường xa’ của nhạc sỹ Lê Yên. Theo nhiều nguồn thông tin mà chúng tôi sưu tập được thì bản này được nhạc sỹ Lê Yên cho phổ biến vào năm 1945. Có thể nói đây là bản nhạc đầu tiên đưa hình ảnh NGỰA vào âm nhạc.
Trước năm 1975, ‘Ngựa phi đường xa’ đã gắn liền với Ban Hợp Ca Thăng Long với khả năng giả tiếng ngựa hý độc đáo của ca sỹ Hoài Trung (tức Phạm Đình Viêm, người anh cùng cha khác mẹ với nhạc sỹ Phạm Đình Chương).
Lê Yên tên thật Lê Đình Yên (1917 – 1998) là một nhạc sĩtiền chiến nổi tiếng, thuộc thế hệ tiên phong của tân nhạc Việt Nam. Ông là tác giả của những ca khúc Bẽ bàng, Xuân nghệ sĩ hành khúc, Ngựa phi đường xa…
Lê Yên sinh ngày 30 tháng 7 năm 1917 tại Đông Yên, Quốc Oai, Sơn Tây (nay thuộc Hà Nội). Ông tự học nhạc từ khi 14, 15 tuổi và biết kéo violon, violoncelle để tham gia vào các ban nhạc tài tử lúc đó, trình tấu nhạc cổ điển.
Lê Yên thuộc nhóm Tricéa cùng với Văn Chung và Doãn Mẫn. Họ cùng nhau chơi nhạc và bắt đầu sáng tác khi tân nhạc chưa chính thức hình thành. Lê Yên viết những ca khúc đầu tay Vườn xuân, Một ngày vui khi 18 tuổi, vào năm 1935.
Năm 1935 ông viết bản Bẽ bàng, năm 1937 viết Xuân nghệ sĩ hành khúc và 1945 bài Ngựa phi đường xa. Những nhạc phẩm này vẫn được các ca sĩ của Sài Gòn trước 1975 trình diễn. Ngựa phi đường xa là một trong những ca khúc ban Thăng Long trình bày được khán giả yêu thích nhất.
ĐÔI NÉT VỀ NHẠC PHẨM ‘NGỰA PHI ĐƯỜNG XA (Nguồn: tác giả Trầm Thiên Thu đăng trên ThanhLinh.net)
Trải qua hơn nửa thế kỷ, ca khúc “Ngựa Phi Đường Xa” vẫn căng đầy sức sống trong lòng người Việt ở mọi nơi.
Với tiết tấu nhanh và giản dị của nhịp 2/2, ca khúc này được viết ở âm thể Fa Trưởng, một dạng âm thể phổ biến, vẫn thể hiện được tiếng vó ngựa phi dứt khoát và oai hùng. Ca từ bình dị nhưng vẫn sâu sắc, đầy hình tượng và có vần điệu như thơ.
Mở đầu, NS Lê yên viết: “Ngựa phi, ngựa phi đường xa, tiến trên đường cát trắng trắng xóa, tiến trên đường nắng chói chói lóa, trên đồng lúa theo cánh chim trời bay trên cao, cánh đồng lúa in sắc chân trời mây lan xa”. Những hình ảnh rất quen thuộc và bình thường: cát trắng, nắng chói, đồng lúa, nhưng vẫn có gì đó “độc đáo” khiến người ta hình dung bóng ngựa lao nhanh đi xa…
Từ những hình ảnh quen thuộc đó, tác giả dẫn đưa người nghe vào một thế giới khác thuộc tinh thần:“Ngựa phi ngoài xa thật mau, lúc nguy nàn ta yêu thương nhau, lúc bên đời quyết sức phấn đấu, giống Tiên Rồng hết sức phấn đấu, cùng mây nước ta hát vang lừng trong nắng vàng, nhìn mây nước ta hát vang lừng trong nắng đào”. Hình ảnh Việt Nam nổi lên khi tác giả dùng cụm từ “giống Tiên Rồng”. Dân Việt được mệnh danh là con của Rồng, cháu của Tiên, dù gian khó nhưng luôn hăng say và nỗ lực phấn đấu vì Nước Việt mến yêu.
Điều khiển ngựa không phải là dễ, phải luyện tập phi ngựa, phải có nghệ thuật và phải khéo léo cầm cương mới khả dĩ điều khiển ngựa theo ý mình, nhất là đối với những con ngựa chứng. Giai điệu đoạn nhạc này trầm xuống, thể hiện sự chú ý và nỗ lực của nài ngựa: “Ghìm từ từ ngọn đồi dốc, trèo từ từ, suối chân đèo nước chảy lừ đừ, sát bên dòng suối chảy lừ đừ, cờ tung gió bay ngựa bay phất phới, bờm tung gió bay đùa bay phất phới. Ghìm từ từ dừng trong gió ngàn vù vù, bước qua dồn cát bụi dạt dào, đường xa tắp bao bầy chim đón chờ”.
Cả một cánh đồng mênh mông hiện ra như một bức họa, một kiệt tác: Ngựa phi khiến cát bụi mịt mù dọc theo dòng suối chảy êm đềm, trong khi gió vi vu lay ngàn cây xanh lá. Một bức họa đồng quê rất trữ tình và thơ mộng, đậm nét quê hương!
Đoạn tiếp theo có giai điệu cao như lúc ngựa hí vang và chồm lên, rồi phi nước đại: “Ngựa phi trên con đường, hung hăng trên cánh đồng mênh mông, cất tiếng ca, chúng ta cười vang! Ngựa phi trên con đường, phi mau trong sương mờ đêm thâu, lao mình trong nắng mưa dãi dầu”. Ngựa vẫn dai sức phi ở mọi nơi, trong mọi thời tiết, dù ngày hoặc đêm, bất kể không gian và thời gian. Sức ngựa bền bỉ như vậy phải là ngựa giỏi lắm. Và nài ngựa cũng cảm thấy sảng khoái và hạnh phúc.
Câu kết lặp đi lặp lại 4 chữ “ngựa phi đường xa” diễn tả vó ngựa tiến xa dần: “Ngựa phi, ngựa phi đường xa. Ngựa phi, ngựa phi đường xa. Ngựa phi, ngựa phi đường xa. Ngựa phi đường xa”. Ngựa cứ phi nhanh, phi xa,… không hề biết mệt mỏi.
Mỗi chúng ta cũng như ngựa vẫn hí vang và chồm lên để vượt qua mọi nghịch cảnh.
Nhân dịp đầu xuân Giáp Ngọ 2014, [dongnhacxua.com] giới thiệu một bản nhạc nổi tiếng có liên quan đến “ngựa”: nhạc phẩm ‘Vết thù trên lưng ngựa hoang’, một sáng tác chung của nhạc sỹ Ngọc Chánh và Phạm Duy.
Trước hết, xin mời quý vị thưởng thức ‘Vết thù trên lưng ngựa hoang’ qua tiếng hát của Elvis Phương. Theo sự nhân định chủ quan của chúng tôi là chưa có ai hát bản này đạt như anh.
Để hiểu rõ hơn về bản nhạc này, chúng ta hãy quay về nửa cuối thập niên 1960, khi cuộc chiến Việt Nam ngày càng trở nên khốc liệt. Ngày ấy có một thành phần không nhỏ trong giới trẻ lớn lên theo cách tự phát, mất phương hướng và gần như đi bên lề của xã hội. Điều này đã được thể hiện rõ nét trong các tiểu thuyết về thế giới ngầm như ‘Loan mắt nhung’ của Nguyễn Thụy Long (viết năm 1967), ‘Điệu ru nước mắt’ của Duyên Anh (một bút hiệu của nhà văn Vũ Mộng Long, xuất bản năm 1965) hay ‘Vết thù hằn trên lưng con ngựa hoang’ (cũng của Duyên Anh, 1967).
‘Loan mắt nhung’ sau này được dựng thành phim rất ăn khách, trong đó bản nhạc nền ‘Loan mắt nhung’ do Huỳnh Anh sáng tác và Thái Châu ca cũng trở nên nổi tiếng. Trước đây [dongnhacxua.com] cũng đã có một bài viết giới thiệu ‘Loan mắt nhung’.
Còn trong ‘Điệu ru nước mắt’, Duyên Anh đã ‘thi vị hóa’ chuyện đời của đệ nhất giang hồ Sài Gòn – Đại ‘Cathay’ – để Đại trở nên phong trần hơn, lãng tử hơn. Có lẽ những ai theo dõi chuyện ‘bụi đời’ ngày trước sẽ không xa lạ với tứ đại giang hồ Đại-Tỳ- Cái -Thế: Đại ‘Cathay’, Huỳnh Tỳ, Ngô Văn Cái và Nguyễn Kế Thế. Trong đó, băng nhóm do Đại cầm đầu được cho là băng đảng có tổ chức tốt nhất. Để có được điều này, Đại đã khôn ngoan thâu nạp dưới trướng nhiều đàn em thuộc đủ mọi thành phần, có thực tài, biết dùng cái đầu chứ không phải chỉ biết đâm chém. Một trong số đó là Hoàng ‘guitar’, một tay giang hồ lãng tử với biệt tài chơi guitar.
Sau sự thành công vang dội của ‘Điệu ru nước mắt’, từ tiểu thuyết cho đến phim cho đến nhạc (bản ‘Bao giờ biết tương tư’ cũng của Ngọc Chánh & Phạm Duy), đạo diễn Lê Hoàng Hoa dựng tiếp ‘Vết thù hằn trên lưng con ngựa hoang’ năm 1971 với diễn viên Trần Quang vào vai chính Hoàng ‘guitar’.
Sau những năm lăn lộn giang hồ, Hoàng ‘guitar’ gác kiếm, mai danh ẩn tích. Thế nhưng để giải quyết một hoàn cảnh túng thiếu ngặt nghèo, Hoàng quay trở lại giới giang hồ và nhận lời làm một phi vụ. Số phận đầy oan nghiệt, Hoàng đã bị bắn gục bằng những vết đạn hằn trên lưng.
Góp phần vào thành công của bộ phim không thể không kể đến nhạc phẩm “Vết thù trên lưng ngựa hoang” do nhạc sỹ Ngọc Chánh và Phạm Duy cùng sáng tác.
Nhạc sỹ Đoàn Chuẩn (1924 – 2001)từ hơn 50 năm qua đã được giới yêu nhạc xưng tụng là ‘nhạc sỹ của mùa thu’. Với những ‘Thu quyến rũ’, ‘Gởi gió cho mây ngàn bây’ hay ‘Tà áo xanh’, v.v. danh xưng này là hoàn toàn xứng đáng. Thế nhưng trong số trên dưới 20 đứa con tinh thần, nhà nhạc sỹ đã cho ra đời ‘đứa con út’ như là một ‘sáng tác cho mùa Xuân’. Hôm nay [dongnhacxua.com] trân trọng giới thiệu bản ‘Gửi người em gái miền Nam’, sáng tác vào mùa xuân 1956.
Xung quanh bản nhạc này có nhiều điều đáng để nói….
Đầu tiên là tựa của bài hát là ‘Gửi người em gái miền Nam’ chứ không phải là ‘Gửi người em gái’ như rất nhiều ca sỹ và nhà sản xuất âm nhạc vẫn nhầm lẫn.
Điều thứ hai là ca từ của bài hát gốc đã bị làm sai lệch rất nhiều, đến độ đã làm sai hoàn toàn ý tứ ban đầu mà nhạc sĩ Đoàn Chuẩn đã gởi gắm. Nguyên nhân chính có lẽ là do ngày đó bản này đã bị chính quyền miền Bắc khi đó không cho lưu hành rộng rãi và bằng một cách nào đó, bản này lại được phổ biến ở miền Nam. Và một điều tất yếu là do yếu tố khách quan lẩn chủ quan, ca từ của ‘Gửi người em gái miền Nam’ đã bị biến dạng khá nhiều.
Điều thứ ba là chính bản này khi đó được xem như đi ngược lại ‘định hướng’ sáng tác của chính quyền miền Bắc nên đã gây không ít khó khăn cho bản thân người sáng tác là nhạc sỹ Đoàn Chuẩn cũng như những người đã hát.
Trước thềm năm mới Xuân Giáp Ngọ 2014, [dongnhacxua.com] xin thắp một nén nhang sưởi ấm linh hồn nhạc sỹ Đoàn Chuẩn miền cực lạc và chúc quý vị xa gần một mùa Xuân đầm ấm.
CA KHÚC ‘GỬI NGƯỜI EM GÁI MIỀN NAM’ CỦA ĐOÀN CHUẨN – NHỮNG THÔNG TIN THÚ VỊ (Nguồn: tác giả Vu Le Nguyen đăng trên YouTube.com)
ĐỖ VĂN THIỆN: “Gửi người em gái miền Nam” là một bài hát trữ tình của nhạc sĩ Đoàn Chuẩn, được sáng tác từ năm 1956. Thế nhưng cho đến tận bây giờ rất nhiều người yêu nhạc vẫn chỉ biết đến bài hát này dưới cái tên “Gửi người em gái”, qua một phiên bản do các ca sĩ miền Nam biểu diễn ở miền Nam trước 1975, với phần lời đã bị cắt xén đến biến dạng. Giờ đây, tuy muộn nhưng có lẽ đã đến lúc nên trả lại cho bài hát nổi tiếng này những giá trị của nó, bắt đầu từ việc gọi đúng tên và hát đúng lời như nhạc sĩ Đoàn Chuẩn đã viết.
Một trong những người đầu tiên hát bài “Gửi người em gái miền Nam” là tài tử Ngọc Bảo. Ông đã bỏ ra hàng tháng luyện tập bài hát này, đến nỗi chính nhạc sĩ Đoàn Chuẩn cũng phải khâm phục khi nghe ông hát. Chính vì thế nên có thể tin rằng phần lời bài hát mà tài tử Ngọc Bảo thể hiện là do nhạc sĩ Đoàn Chuẩn viết từ đầu.
Và đây là nội dung của ca từ:
1. Cành hoa tim tím bé xinh xinh báo xuân nồng Cành đào phong kín cánh mong manh như hoa lòng Hà Nội mừng đón Tết, hoa chen người đi, liễu rủ… mà chi.
Đêm tân xuân, hồ Gươm như say mê Chuông reo vui, Ngọc Sơn sao uy nghi Ngàn phía đến lễ đền Chạnh lòng tôi nhớ tới… người em.
Tôi có người em gái, tuổi chớm đôi mươi Mắt huyền trìu mến yêu thương Đôi mắt em nói nhiều, tha thiết như Giáng Kiều Hoa tình yêu!
Nhưng… một sớm mùa thu, khép giữa trời, tím ngắt Nàng đi… gót hài xanh Người đi trong dạ sao đành Đường quên lối cũ ân tình… nghĩa xưa.
Rồi từ ngày ấy sống trong Nam nơi kim tiền Ngục trần giam hãm tấm thân xinh, đôi mắt huyền Đời nghèo không lối thoát, em tôi đành thôi, cúi đầu… mà đi.
Xuân năm nay, đường đêm Catinat Hoa mai rơi, rủ nhau nơi phương xa Dần trắng xóa mặt đường Một người em gái nhớ người thương!
2. Rồi ngày thống nhất đến rất nhanh không ai ngờ Cầu chia giới tuyến đến mai đây san đất bằng Nụ cười trong gió sớm, anh đến tìm em… giữa cầu Hiền Lương.
Em tôi đi, màu son lên đôi môi Khăn san bay, lả lơi bên vai ai Trời thắm gió trăng hiền Hà Nội thêm bóng dáng nàng tiên.
Em! Tháp Rùa yêu dấu Còn đó nên thơ, lớp người đổi mới khác xưa Thu đã qua những chiều nên ý thơ rất nhiều Cả … tình yêu!
Em… nhẹ bước mà đi, giữa khung trời bát ngát Trời ta hết màu tang Đường xưa lối ngập lá vàng Đường nay thong thả bao nàng đón xuân.
Lòng anh như giấy trắng thanh tân ép hoa tàn Thời gian vẫn giữ nét yêu đương nơi hoa vàng Dằn lòng tơ dẫn phím, ý thơ trào dâng, viết gửi vào Nam.
Đêm hôm nao, ngồi nghe qua không gian Em tôi mơ miền quê qua sương lam Trời Bắc lóa ánh đèn Một người trên đất Bắc chờ em!
Có thể thấy bài hát này gồm 2 phần. Phần 1 là cảm xúc về một câu chuyện tình có kết cục chia ly buồn do hoàn cảnh chung của cả dân tộc mang đến, là nỗi niềm nhớ nhung, đau xót của tác giả khi nghĩ tới người yêu đang ở nơi xa xôi không chỉ về không gian. Khi mà phiên bản cũ từ miền Nam vẫn được phổ biến gần như là duy nhất thì không nhiều người được nghe hay biết tới những lời hát đã vẽ nên một bức tranh thơ rất đẹp mà cũng đau xót đến tê lòng về một người con gái nhỏ bé, yếu ớt đang phải cô đơn đón xuân mới giữa một nơi xa lạ, của những người xa lạ:
Xuân năm nay, đường đêm Catinat Hoa mai rơi, rủ nhau nơi phương xa Dần trắng xóa mặt đường Một người em gái nhớ người thương!
Đặc biệt là phần 2 của bài hát.
Được viết từ năm 1956, gần 20 năm trước ngày đất nước thống nhất, vào thời kỳ hai miền mới bị chia cắt, khi giấc mơ đoàn tụ theo hiệp định Giơnevơ đang tắt dần, còn chưa biết được tương lai sẽ ra sao trong hoàn cảnh rối ren loạn lạc, vậy nhưng tác giả vẫn mơ “Rồi ngày thống nhất đến rất nhanh không ai ngờ/ Cầu chia giới tuyến đến mai đây san đất bằng/ Nụ cười trong gió sớm, anh đến tìm em… giữa cầu Hiền Lương”. Một giấc mơ mà trong hoàn cảnh giang sơn đã thu về một mối như ngày nay thì có thê nói đơn giản là một giấc mơ lạc quan, nhưng nếu đặt vào tâm trạng và hoàn cảnh ngày đó thì mới thấy giấc mơ xa vời ấy dường như gợi nhớ đến một nỗi đau sâu thẳm trong lòng vì tuyệt vọng trong chia ly, dù vẫn còn le lói chút tia hy vọng, nhiều hơn là niềm tin tưởng vô cớ hay lạc quan tếu như có người nhìn nhận.
Theo cách nhìn này thì những bức tranh mà tác giả vẽ nên như “Em tôi đi, màu son lên đôi môi/ Khăn san bay, lả lơi bên vai ai/ Trời thắm gió trăng hiền/ Hà Nội thêm bóng dáng nàng tiên” hay “Em… nhẹ bước mà đi, giữa khung trời bát ngát/ Trời ta hết màu tang/ Đường xưa lối ngập lá vàng/ Đường nay thong thả bao nàng đón xuân”mang nhiều ý nghĩa khác hơn, chất chứa nhiều tâm sự sâu sắc hơn là những lời bày tỏ tình cảm yêu đương trìu mến thông thường dành cho một người yêu bị chia xa do hoàn cảnh. Vì thế bài hát này, bên cạnh giai điệu đi vào lòng người, còn mang lại nhiều điều đáng để suy ngẫm và chiêm nghiệm tùy theo mức độ cảm nhận của người nghe.
Thế nhưng lời bài hát hiện vẫn còn phổ biến hiện nay chỉ còn lại 1 lời và là một sự cắt xén, lắp ghép có thể nói là tùy tiện và vụng về nếu so với nguyên gốc. Tùy theo ca sĩ thể hiện, nó có thể khác biệt đôi chút nhưng về cơ bản thì lời hát ấy như sau:
Cành hoa tim tím bé xinh xinh báo xuân nồng Cành đào phong kín cánh mong manh như hoa lòng Hà Nội chờ đón Tết, vắng bóng người đi, liễu rủ… mà chi.
Đêm tân xuân, hồ Gươm sao long lanh Hoa mai rơi, rủ nhau nơi phương xa Đường phố vắng bóng đèn Chạnh lòng tôi nhớ tới… người em.
Tôi có người em gái, tuổi chớm dâng hương Mắt huyền rộn ý yêu thương Đôi mắt em nói nhiều, tha thiết như Giáng Kiều Ôi, tình yêu!
Nhưng… một sớm mùa thu, giữa chân trời xanh ngắt Nàng đi… gót hài xanh Người đi trong dạ sao đành Đường quên lối cũ ân tình… nghĩa xưa.
Rồi từ ngày ấy nước sông ngăn cách đôi lòng Thuyền tình vỡ lỡ bến cô đơn không ai ngờ Tình nghèo xa cách mãi, em tôi đành ôm mối sầu mà đi.
Em tôi đi, màu son lên đôi môi Khăn san bay, lả lơi trên hai vai Nhìn xác pháo bên thềm Gợi lòng tôi nhớ tới người em …
Rất dễ nhận thấy phiên bản này đã phá bỏ hoàn toàn cấu trúc ban đầu và làm biến dạng hẳn ý nghĩa của bài hát. Thế nhưng thật lạ là các ca sĩ hiện nay vẫn vô tư trình diễn cái phiên bản méo mó này mà không gặp bất kỳ ý kiến nào của các cơ quan quản lý biểu diễn âm nhạc.
Việc một bài hát rất hay đã một thời gặp phải những trắc trở, bị ngưng phổ biến vì những nguyên nhân này nọ đã là chuyện quá khứ. Nhưng đến bây giờ, khi không còn lý do gì để tiếp tục những sai lầm hay ấu trĩ ấy nữa mà người ta vẫn để yên cho cái vỏ xấu xí kia che lấp mất cái giá trị thật của bài hát thì đó là một điều đáng phải lên tiếng. Bởi nó không chỉ làm ảnh hưởng đến quyền lợi và uy tín của riêng nhạc sĩ Đoàn Chuẩn, mà còn làm biết bao người nghe và yêu âm nhạc nước nhà phải chịu thiệt thòi vì họ chỉ được thưởng thức một thứ đồ dởm mà không hề biết.
Đến bao giờ bài hát nổi tiếng này mới được trả lại tên và ca từ như nó vốn có?
Kinh tế thế giới năm qua (2013) vẫn chưa thoát ra khỏi khủng hoảng và trong bối cảnh đó, kinh tế Việt Nam cũng chẳng khả quan gì: đầu tư nước ngoài giảm sút, hàng ngàn doanh nghiệp phá sản, bất động sản đóng băng, hệ thống ngân hàng vẫn còn bất cập… Một điều tất yếu là người lao động không được tăng lương, thưởng tết cũng vì thế mà bị bóp lại, đó là chưa nói đến chuyện đáng buồn hơn là bị mất việc. Chính vì vậy mà tết Giáp Ngọ 2014 chúng ta thấy có nhiều đứa con tha phương cáo lỗi cùng gia đình là “xuân này con không về”, ở lại đón một mùa xuân mới ở Sài Gòn, Hà Nội hay một chốn thị thành nào đó.
Trong tâm tình đó, [dongnhacxua.com] xin gởi đến bạn yêu nhạc, đặc biệt là những đứa con không về sum vầy bên gia đình trong những ngày xuân, một nhạc phẩm xân bất hủ: ‘Xuân này con không về’ của nhóm tác giả Trịnh Lâm Ngân, tức bao gồm nhạc sỹ Trần Trịnh, Nhật Ngân và Lâm Đệ. Với những bản nhạc sáng tác chung dưới bút danh Trịnh Lâm Ngân thì phần lớn là sáng tác của Nhật Ngân, còn Trần Trịnh tham gia viết lời và chỉnh sửa đôi chút, còn Lâm Đệ, con rể của ông chủ hãng đĩa Asia Sóng Nhạc ngày xưa thì lo phần phát hành.
Cũng cần nói thêm là bản này qua tiếng hát Duy Khánh đã trở nên quá nổi tiếng đến nỗi nhiều người lầm tưởng đây là sáng tác của Duy Khánh.
‘XUÂN NÀY CON KHÔNG VỀ’ VÀ NHẠC SỸ NHẬT NGÂN (Nguồn: rfa.org)
Dường như bao giờ những ca khúc viết về mùa xuân cũng đều đẹp, đều vui. Thế nhưng, vẫn có những ca khúc thật đẹp, sống mãi với thời gian song lại đượm buồn mà hầu như người Việt nào cũng đã một lần từng nghe, từng biết. Đó là tác phẩm Xuân Này Con Không Về của nhạc sĩ Nhật Ngân.
Chương trình âm nhạc cuối tuần kỳ này, xin được một lần nhìn lại tác phẩm của người nhạc sĩ tài hoa mới ra đi ở độ tuổi 70, chỉ 2 ngày trước khi xuân Nhâm Thìn gõ cửa.
Thưa quí thính giả, cứ mỗi độ xuân về thì dường như không người Việt nào lại không nghĩ đến tác phẩm Xuân Này Con Không Về, bài hát đã gắn liền với nhiều thế hệ người nghe nhạc suốt nửa thế kỷ qua.
Lời hát và giai điệu của ca khúc chậm buồn, diễn tả tâm trạng của người con xa nhà vào dịp Tết, không về sum họp được với gia đình, không được gặp mẹ, không được gặp các em. Đó là lúc mai đào nở vàng, là lúc có nồi bánh chưng nghi ngút khói, là lúc có tiếng pháo nổ với đàn trẻ thơ, thế nhưng, người trai đó lại ở tận nơi phương trời xa và chạnh lòng nghĩ tới cảnh đoàn viên.
Phải nói như thế này, nhạc sĩ Nhật Ngân, ông viết rất nhiều bài về xuân, chẳng hạn như Xuân Này Con Không Về, qua bên này, ông viết Xuân Này Con Về Mẹ Ở Đâu, rồi ông viết bài Cám Ơn cũng là thư xuân, rồi Xuân Nào Con Sẽ Về.
Một loạt những bản nhạc, nói chung ngày đầu năm ông hay nhớ về người mẹ. Thì bài Xuân Này Con Không Về đương nhiên là ông viết trong thời chinh chiến, mà nhạc sĩ Nhật Ngân thì ông có rất nhiều sáng tác trong thời chiến và bài này là lần đầu tiên ông đưa cho ca sĩ Duy Khánh thu trong studio của Asia tại Sài Gòn.
Bài này khi được tung ra lần đầu tiên, lúc đó chúng tôi đang trong quân đội, thành thử nghe rất xúc động bởi vì nó chia sẻ được tâm sự của bất kỳ người lính nào xa nhà, thì lúc nào cũng nhớ về quê nhà của mình và nhất là nhớ về hình ảnh người mẹ. Đó là kỷ niệm của tôi đối với bài Xuân Này Con Không Về mà Vũ Hoàng của Đài Á Châu Tự Do vừa nhắc đến.
Nhà văn Nguyễn Ngọc Ngạn: Còn riêng đối với nhạc sĩ Nhật Ngân, thì chắc thính giả cũng còn nhớ Trung Tâm Thúy Nga Paris By Night đã tổ chức một chương trình đặc biệt cho nhạc sĩ Nhật Ngân với nhạc sĩ Trần Trịnh, 2 người đã kết hợp dưới cái tên Trịnh Lâm Ngân, ngay cả trong bản nhạc in bài Xuân Này Con Không Về cũng đề tên là Trịnh Lâm Ngân và không đề riêng là của Nhật Ngân. Quý vị chắc cũng nhớ trên Paris By Night, nhạc sĩ Nhật Ngân có giải thích nhiều bài nhạc sĩ Nhật Ngân viết chung với nhạc sĩ Trần Trịnh. Có nhiều bài thì của riêng nhạc sĩ Trần Trịnh, có nhiều bài của riêng nhạc sĩ Nhật Ngân, nhưng đều ký chung là Trịnh Lâm Ngân.
Đang nói đến tin buồn của nhạc sĩ Nhật Ngân thì mới nghĩ trong đời có nhiều trùng hợp. Chẳng hạn như nhạc sĩ Y Vân viết bài 60 Năm Cuộc Đời, cuộc đời ông đâu chỉ có 60 năm, nhưng theo ý niệm của tử vi, tròn một lục thập hoa giáp, thí dụ như ai sinh năm Nhâm Thìn, 1952, thì năm nay là năm Nhâm Thìn, thì đủ một vòng 60 năm thì người ta gọi là 60 Năm Cuộc Đời, mà trong tử vi gọi là Lục Thập Hoa Giáp.
Nhạc sĩ Y Vân viết 60 Năm Cuộc Đời, thì không ngờ ông mất ở năm 60. Còn nhạc sĩ Nhật Ngân viết một loạt nhạc về xuân, như chúng tôi vừa kể ít nhất là có 5 bài, thì ông lại chết vào đúng dịp Tết, nói cho chính xác 2 ngày trước Tết, thì ông mất. Đó là điều chắc chắn gây nhiều xúc động.
Cho nên sự ra đi của nhạc sĩ Nhật Ngân thì đối với quần chúng, khán thính giả đã là một sự mất mát lớn, đối với trung tâm Thúy Nga hay đối với chúng tôi mất đi một người bạn đáng quí.
Nhà văn Nguyễn Ngọc Ngạn: Chúng tôi hiểu nhạc sĩ Nhật Ngân trong tâm tư của ông, ông là một người lớn lên trong thời chiến, ông là một người khoác áo chiến y, ông sáng tác nhiều bài tâm sự về người lính ở ngoài chiến trường.
Nhưng trong thâm sâu ông là một người khát khao đất nước có hòa bình, cho nên chúng ta thấy rằng sau Hiệp định Paris năm 72-73 đó, ông viết 2 bài mà chắc chắn bất cứ một người nào cũng nhớ là Qua Cơn Mê và Một Mai Giã Từ Vũ Khí. Ông là một người làm trọn người trai trong thời chiến, nhưng ông khát khao đất nước chấm dứt chiến tranh, có được hòa bình cho nên, tất cả những tâm sự đó của ông được gửi qua 2 bài Qua Cơn Mê và Một Mai Giã Từ Vũ Khí mà chúng ta đã nghe đi nghe lại nhiều lần.
Tôi nghĩ đó là tâm trạng chung của bất kỳ người nào ở thế hệ của ông, chẳng hạn như chúng tôi, miền Nam hay miền Bắc, chỉ trừ một số người chủ trương hiếu chiến chứ còn ai cũng có khát vọng hòa bình và nhạc sĩ Nhật Ngân đã diễn tả được ý đó. Nên khi tâm sự với anh trong các quán cà phê thì cũng rất hiểu được tâm trạng của anh trong thời chiến.
Vũ Hoàng:Xin được hỏi ông câu cuối, bài Xuân Này Con Không Về cũng gắn bó với nhiều thế hệ ca sĩ, từ những ngày bắt đầu với ca sĩ Duy Khánh, cho đến bây giờ là Quang Lê hay Đặng Thế Luân. Được chứng kiến sự thay đổi đó, ông có nhận xét về các thế hệ ca sĩ hát bài này không ạ?
Nhà văn Nguyễn Ngọc Ngạn: Nhạc sĩ Duy Khánh là người đầu tiên hát bài đó, cho nên để lại một ấn tượng rất mạnh và rất là lâu và sâu trong lòng người, nhưng có thể là do kỹ thuật thâu thanh thời đó, cách đây hơn 40 năm, gần 50 năm thì không thể bằng bây giờ được, cho nên tiếng hát của Quang Lê giờ đây trẻ trung và đầy.
Khi nhạc sĩ Duy Khánh vào nghề thì tuổi cũng đã lớn hơn Quang Lê bây giờ, mà nhạc sĩ Duy Khánh lại sống trong thời chiến, cũng là một khoác áo lính, cho nên tâm sự được diễn tả nồng nàn hơn, nhưng chất giọng của Quang Lê bây giờ trẻ trung hơn và dĩ nhiên là kỹ thuật thâu âm bây giờ cao hơn ngày trước nhiều, cho nên chúng ta thấy vang dội hơn, nhưng mà ấn tượng để sâu trong lòng người vẫn là Duy Khánh là người hát đầu tiên bài này.
Vũ Hoàng: Vâng, Vũ Hoàng xin được thay mặt thính giả, cám ơn nhà văn Nguyễn Ngọc Ngạn rất nhiều, và nhân dịp đầu xuân mới, xin chúc ông và gia đình một năm mới vạn sự như ý.
Thưa quí thính giả, như quí vị cũng nhớ, cách đây khoảng hơn 3 tháng, chúng tôi có thực hiện 2 chương trình âm nhạc nói về dòng tân nhạc Việt Nam trước và sau năm 1975 với sự giúp đỡ của nhạc sĩ Nhật Ngân. Không ngờ, đến hôm nay, ông đã ra đi.
Qua làn sóng của Đài ACTD, Vũ Hoàng xin được gửi lời phân ưu đến gia đình và mong ông yên giấc nơi chín suối. Trước khi khép lại chương trình hôm nay, mời quí vị nghe lại ca khúc Xuân Này Con Không Về qua tiếng hát ca sĩ Quang Lê. Vũ Hoàng xin chào và hẹn gặp lại quí vị trong chương trình âm nhạc cuối tuần kỳ sau.
Ngược dòng thời gian về với nhạc xưa, sẽ là thiếu sót nếu chúng ta không nhắc đến những giọng ca lẫy lừng đã để lại nhiều dấu ấn khó phai mờ. Hôm nay [dongnhacxua.com] xin đăng lại bài viết của nhà báo Nguyễn Minh viết trên Thể Thao & Văn Hóa về hai chị em Thái Hằng (tức người vợ hiền của nhạc sỹ Phạm Duy) và Thái Thanh (tức thân mẫu của danh ca Ý Lan).
NHỮNG TIẾNG HÁT MỘT THƯỞ: THÁI HẰNG LÀ CHỊ, EM LÀ THÁI THANH (Nguồn: Thể Thao & Văn Hóa)
Gần đây có thông tin nữ danh ca Thái Thanh mắc căn bệnh Alzheimer (một chứng mất trí phổ biến) và tình trạng sức khỏe đang ngày một yếu đi. Ở tuổi gần 80, dù đang chạy đua với quỹ thời gian mỗi lúc một cạn dần nhưng những ảnh hưởng từ giọng hát của bà còn rất lớn, Thái Thanh vẫn luôn được xem là một trong những diva hàng đầu của tân nhạc Việt Nam.
Hai nàng Kiều ở phố Neo
Thái Hằng, Thái Thanh là con gái của ông bà Phạm Đình Phụng. Thái Hằng (nghệ danh được nhà thơ Thế Lữ đặt) là con gái đầu lòng, tên thật là Phạm Thị Quang Thái. Còn Thái Thanh là con gái út trong nhà, tên thật là Phạm Băng Thanh. Việc anh chị em Thái Hằng đều trở thành những nghệ sĩ tên tuổi không phải là một điều lạ vì bởi song thân của họ là hai người rất sành nhạc cổ: thân phụ là một nghệ sĩ chơi đàn nguyệt có tiếng tăm, trong khi thân mẫu thì đánh đàn tranh, đàn tỳ bà, hát ả đào nổi tiếng ở đất Bắc. Bởi vậy dường như máu văn nghệ, mà cụ thể là máu âm nhạc hầu như đã có sẵn trong huyết quản của tất cả anh em Thái Hằng.
Năm 1949 gia đình ông bà Phạm Đình Phụng tản cư về khu chợ Neo (Thanh Hóa) lúc bấy giờ thuộc Liên khu IV. Tại đây, gia đình ông đã mở tiệm phở Thăng Long và chỗ này nhanh chóng trở thành chỗ tụ họp đông đảo của các văn nghệ sĩ đi theo kháng chiến thời đó, nhất là khi tiệm phở lại có bóng dáng mấy cô Kiều là hai chị em mà sau này sẽ nổi tiếng dưới hai tên hiệu Thái Hằng và Thái Thanh. Tại đây, nhạc sĩ Canh Thân làm những bài nhưCô hàng cà phê và nhạc sĩ Phạm Duy, lúc bấy giờ đang còn là một ca sĩ nổi tiếng, thường qua lại ve vãn cô chủ tiệm Thái Hằng, người có đôi mắt buồn muôn thuở.
Cũng từ đây ban Hợp ca Thăng Long ra đời với thành phần phần ban đầu gồm: Thái Hằng, Thái Thanh, Hoài Trung (tức Phạm Đình Viêm), Hoài Bắc (Phạm Đình Chương), sau đó có thêm Phạm Duy và Khánh Ngọc. Sau này, khi vào miền Nam, đây là ban hợp ca được xem là nổi tiếng nhất với trụ cột là tiếng hát Thái Hằng – Thái Thanh. Cần phải nói thêm rằng ở miền Nam trước đó, ngoài ban Hợp ca Thăng Long thì nổi nhất là tam ca Ngọc Lê Hà (Hoàng Lê và Khánh Ngọc là hai chị em ruột). Sau họ còn có thêm đôi song ca Tâm Vấn và Thịnh Thái. Nhưng dưới ánh đèn sân khấu, không ai sáng hơn Thái Hằng – Thái Thanh, những tiết mục của họ đều là những tiết mục ăn khách nhất, nhiều người đánh giá tiếng hát của hai chị em nhà họ Phạm là song phẩm, Thái Hằng kiều diễm, đoan trang còn Thái Thanh sắc sảo duyên dáng, chưa kể kỹ thuật thanh nhạc gần như là vô song và diễn ý tình bản nhạc trên sân khấu lại vô cùng quyến rũ.
Ban Hợp ca Thăng Long chuyên hát những ca khúc vui tươi: Ngựa phi đường xa (Lê Yên), Sáng rừng, Hò leo núi(Phạm Đình Chương)… với cách hòa thanh khi ấy như một làn gió tiên phong, mở đường cho phong cách hát nhiều bè, hát đuổi cho nhiều ban hợp ca sau này trên sân khấu ca nhạc. Hoài Bắc – Phạm Đình Chương còn là người viết nhiều ca khúc bất hủ: trường ca Hội trùng dương, Ly rượu mừng… Họ cũng là ban hợp ca trình bày ca khúc sử thi đồ sộ Hòn vọng phu của nhạc sĩ Lê Thương với lối trình bày rất lạ thời ấy: xen trên nền nhạc, giọng diễn ngâm của Thái Hằng, Thái Thanh đưa Chinh phụ ngâm khúc vào, biến trường ca bi tráng của Lê Thương trở nên gần với thể loại nhạc kịch. Hai chị em Thái Hằng – Thái Thanh còn được thính giả Đài phát thanh Sài Gòn rất hâm mộ khi ngâm thơ trong chương trình Tao Đàn do thi sĩ Đinh Hùng phụ trách cũng như những bản song ca mà giờ này nhiều người vẫn còn nhớ đến.
Tuy vậy đến đầu thập niên 1970 thì Thái Hằng và Phạm Duy tách khỏi Hợp ca Thăng Long và lúc này ban hợp ca cũng tan rã, các nghệ sĩ trong nhóm đi theo những hướng riêng trên con đường âm nhạc của mình.
Thái Hằng – Tiếng hát thùy dương
Giọng hát của Thái Hằng từng được một nhà văn miền Nam mô tả: “Dẻo mềm như nhánh thùy dương, dù có bị gió lay động nhưng nó không lả lơi đùa cợt cùng gió như loại nhược lan, lệ liễu, cỏ bồng cỏ bồ” và quan trọng hơn là “ánh sáng trong giọng hát của chị là ánh trăng mát mẻ dịu hiền chứ không phải là ánh sáng bình minh rực rỡ huy hoàng trong giọng hát Thái Thanh”.
Thái Hằng được nhớ rất nhiều qua những ca khúc như Gánh lúa, Bà mẹ quê, Tình hoài hương hay Về miền Trung, Tiếng hát Thiên Thai, Dòng sông xanh (lời Việt của Phạm Duy)… Giọng hát của bà được đánh giá đạt đến mức điêu luyện hiếm có, chưa ai vượt qua được.
Suốt nhiều thập niên trước năm 1975, Thái Hằng còn là giọng ngâm thơ được yêu mến trong các chương trình thơ văn và thoại kịch trên Đài phát thanh Sài Gòn. Cho đến nay giới thưởng ngoạn âm nhạc Việt Nam còn nhớ giọng ca của bà qua những bản Tiếng sáo thiên thai, Tình hoài hương, Tình ca… của Phạm Duy.
Ngoài vai trò một người mẹ của 8 người con, bà còn là người vợ mà nhạc sĩ Phạm Duy vô cùng kính trọng. Trong suốt nửa thế kỷ hôn nhân với Phạm Duy, dù vẫn biết ông là người đào hoa bậc nhất bà vẫn chưa bao giờ có một lời nói nặng nào. Nhạc sĩ Phạm Duy ca ngợi bà là vị thần hộ mệnh của mình, ông viết: “Bà là sự nâng đỡ của tôi trong phen sa ngã, là sự thanh bình của tôi trong nhiều sóng gió, là sự thành công của tôi trong cơn vật vã với đời, là nụ cười của nàng Mona Lisa kín đáo”…
Ca sĩ Thái Hằng không được nhắc đến nhiều bằng cô em Thái Thanh nhưng vẫn luôn nhận được sự kính trọng bằng giọng hát phi thường của mình. Sau năm 1975 bà vẫn đi hát nhưng chỉ là để giữ giọng phụ cho hai cô con gái là Thái Hiền và Thái Thảo hát chính. Và khi ca sĩ Duy Quang định cư hẳn ở Mỹ thì Thái Hằng hoàn toàn lui vào hậu trường và không bao giờ đi hát nữa.
Bà mất năm 1999 vì ung thư phổi. Thời gian đó, khi hay tin vợ mắc nan y, nhạc sĩ Phạm Duy đã bỏ tất cả mọi dự án âm nhạc để ở bên cạnh bà những ngày cuối đời. Ông nói rằng trong suốt cuộc hôn nhân này ông luôn chịu ơn bà và cho dù cuộc đời ông nhiều trắc trở nhưng tình nghĩa vợ chồng chưa bao giờ sóng gió, ông chưa bao giờ vắng nhà qua đêm và Thái Hằng chưa hề phải xa chồng, dù chỉ một ngày.
Thái Thanh – Tiếng hát trên trời
Nhà văn Thụy Khuê viết rằng: “Thái Thanh là một danh hiệu, nhưng như có ý nghĩa tiền định: bầu-trời-xanh-tiếng-hát. Hay tiếng hát xanh thắm màu trời. Tiếng hát long lanh đáy nước trong thơ Nguyễn Du, lơ lửng trời xanh ngắt trong vòm thu Yên Ðổ, tiếng hát sâu chót vót dưới đáy Tràng Giang Huy Cận, hay đẫm sương trăng, ngừng lưng trời trong không gian Xuân Diệu, tiếng hát cao như thông vút, buồn như liễu đến từ cõi thiên thai nào đó trong mộng tưởng Thế Lữ”. Quả thực trong gia đình họ Phạm, Thái Thanh là nữ danh ca có tiếng tăm và để lại nhiều ảnh hưởng nhất, bà được xem là diva số một của làng nhạc Sài Gòn thời ấy.
Tên tuổi Thái Thanh lẫy lừng trên khắp các chương trình ca nhạc truyền thanh cũng như truyền hình, từ hãng đĩa nổi tiếng cho đến các phòng trà tiếng tăm ở Sài Gòn. Nói về “ngôi vị” của Thái Thanh trong giới ca sĩ Sài Gòn trước 1975 có lẽ không ai chính xác bằng người trong giới, đặc biệt là một trong các danh ca hàng đầu thời ấy, Lệ Thu. Năm 1970, nhân chuyến tham dự khai mạc Hội chợ Osaka, Nhật Bản, Lệ Thu đã trả lời báo chí rằng: “Nếu chị Thái Thanh có mặt ở đây và hát, mọi người sẽ cúi đầu khâm phục”. Được xem là đắt giá nhất trong giới ca sĩ ngày đó, Lệ Thu chỉ chấp nhận “nghiêng đầu” trước Thái Thanh.
Những gì thuộc về Thái Thanh rất khó bị lặp lại bởi những ca khúc mà bà ngân lên, kể cả những bài đã từng có người hát trước đó, như thể bà khoác lên cho chúng một chiếc áo mới, một cuộc đời mới. Nhiều người vẫn không thể thích ai khác ngoài Thái Thanh qua những ca khúc như Chuyện tình buồn, Kỷ vật cho em, Ngày xưa Hoàng Thị, Đêm màu hồng, Ru ta ngậm ngùi hay những sáng tác của Phạm Đình Chương và đặc biệt, là những nhạc phẩm của Phạm Duy. Ngay từ những ngày đầu tiên cất tiếng hát (khoảng 13, 14 tuổi) trong vùng hậu phương của thời toàn dân kháng chiến chống Pháp, Thái Thanh cũng đã hát nhiều nhất là nhạc của Phạm Duy. Sau khi hồi cư về Hà Nội rồi di cư vào Sài Gòn (khoảng giữa năm 1950) cùng gia đình, Thái Thanh bắt đầu nổi tiếng như cồn khắp Trung – Nam – Bắc qua những sáng tác của người nhạc sĩ đa tài này.
Nhạc sĩ Phạm Duy cho rằng: “Nếu không có Thái Thanh thì nhạc Phạm Duy cũng không được hay và nổi lên được như vậy”. Ông nhận xét: “Thái Thanh là giọng ca duy nhất hát nổi hai cao độ chạy dài tới 2 bát âm trong nhạc của tôi. Không những thế, cô có giọng hát rất truyền cảm”. Cũng như Khánh Ly làm nổi bật tên tuổi Trịnh Công Sơn, Thái Thanh đã đóng góp rất nhiều trong việc đưa nhạc Phạm Duy lên ngôi vị cao nhất tại Sài Gòn trước đây.
Lập gia đình với tài tử điện ảnh Lê Quỳnh năm 1956 và cuộc hôn nhân này tồn tại trong 9 năm, trong khoảng thời gian ấy bà sinh được 5 người con. Sau khi sinh con, Thái Thanh vẫn tiếp tục ca hát và ngày càng trở thành một đệ nhất danh ca của nền tân nhạc Việt Nam. Bà giữ cho mình một nhịp độ hoạt động rất quy tắc, như một vận động viên điền kinh, bền bỉ và dai sức. Bà luôn có trách nhiệm và rất coi trọng nghề nghiệp. Chính vì lẽ đó mà suốt một thời gian bà không cho phép con mình đến với nghiệp hát vì bà sợ đi trên con đường này phải trả giá và kiên trung ghê gớm. Phải đến khi qua Mỹ bà mới cho phép ái nữ Ý Lan, khi đã gần 30 tuổi, được đi trên con đường âm nhạc giống mình.
Thái Thanh sang Mỹ năm 1985 và năm 1995 bà đi hát lại, ở tuổi 61. Tuy vậy, đến năm 2002 thì bà quyết định kết thúc sự nghiệp. Đây đó cũng vài lần Thái Thanh đi hát nhưng chỉ mang tính chất giao lưu còn thì bà gần như không còn hoạt động âm nhạc nữa. Trong suốt sự nghiệp của mình, Thái Thanh gần như là ca sĩ có số lượng đĩa hát đồ sộ (với rất nhiều hãng đĩa lớn nhỏ) và số ca khúc mà bà thể hiện cũng đã hơn 500 bài và trong đó rất nhiều bài vẫn còn được yêu mến. Những cuốn băng cối Thái Thanh luôn là gạch đầu dòng đầu tiên của những người mê sưu tầm đồ cổ.
Người yêu nhạc dễ nhận ra ở bản ‘Đời đá vàng’ của nhạc sỹ Vũ Thành An nét nhạc bay bổng và ca từ đầy chất tự sự thường thấy của dòng nhạc xưa. Chúng tôi không có cơ hội gặp gỡ nhạc sỹ Vũ Thành An cũng như không có nhiều thông tin về quá trình nhà nhạc sỹ cho ra đời ‘Đời đá vàng’ nhưng chắc chắn ca khúc này là những tâm tình chất chứa trong tận cùng sâu thẳm của một người đã trả qua nhiều thăng trầm của cuộc sống và giờ đây đã tìm được sự thanh thản đích thực trong tâm hồn.
[dongnhacxua.com] trân trọng gởi lời chúc bình an đến nhạc sỹ Vũ Thành An và cũng qua bài viết này xin gởi một làn gió mát thoảng nhẹ để vỗ về an ủi những tâm hồn còn ‘buồn phiền’ sẽ được ‘tháng ngày bình yên’!
BÀI VIẾT CỦA NHẠC SỸ HOÀNG THANH TÂM VỀ ‘ĐỜI ĐÁ VÀNG’ CỦA VŨ THÀNH AN (Nguồn: HoangThanhTam.blogspot.com)
Thân tặng Tăng Huỳnh Mai
Nhạc sĩ Vũ Thành An phải cần tới ……. 27 năm để viết và … hoàn tất nhạc phẩm “Đời Đá Vàng”! Vũ Thành An bắt đầu viết nhạc phẩm “Đời Đá Vàng” từ năm 1974 tại Việt Nam và cho biết bài hát này đã không được ông phổ biến cho mãi đến năm 1994, khi ông qua Mỹ, định cư tại Portland, tiểu bang Oregon ông mới viết thêm lời cho bài hát này với những câu sau:
“Có một lần mất mát mới thương người đơn độc, có oằn mình đớn đau mới hiểu được tình yêu, qua dầm dề mưa tuyết mới vui ngày nắng về, có một thời khóc than mới hiểu đời đá vàng”.
Và cho tới năm 2001, ông lại viết thêm lời sau cho bản nhạc này:
“Xuống tận cùng dưới đáy mới thấy mênh mông rộng đất trời, hãy mở lòng chúng ta đón nhận niềm tin yêu. Có nghìn lần tha thứ cũng chưa là ái từ, hãy cảm tạ biết ơn có được đời đá vàng”.
Đó là những lời ông đã viết để hoàn tất nhạc phẩm này sau khi chọn con đường theo đạo và chấm dứt sự nghiệp viết tình ca của mình để chỉ viết Thánh Ca mà thôi ….
Mời bạn thưởng thức nhạc phẩm đã trải qua biết bao biến thiên và sự chiêm nghiệm về con người và cuộc đời, để NS Vũ Thành An có thể viết lên những lời lẽ ông đã “ngộ” được bằng chính sự thăng hoa từ những tân cùng sinh tử của bản thân mình để đạt đến niềm tin yêu và cuộc sống mới của một …. ĐỜI ĐÁ VÀNG
Xung quanh cuộc đời và những sáng tác của nhạc sỹ Y Vân là những giai thoại, hầu hết là dễ thương. Câu chuyện về bản “Ảo ảnh” mà [dongnhacxua.com] giới thiệu hôm nay là một trong số đó. Một khi là giai thoại thì khó mà xác định đúng hay sai – điều duy nhất đúng là công chúng có yêu mến Y Vân nên mới thêu dệt nhiều câu chuyện thú vị về ông.
ẢO ẢNH CUỘC TÌNH (Nguồn: bài viết của anh Hà Đình Nguyên, đăng trên báo Thanh Niên)
Y Vân lập gia đình năm 1963, lúc này anh đã là trưởng ban nhạc Y Vân danh tiếng ở Sài Gòn (cùng với sự cộng tác của các ca sĩ Thanh Thoại, Tuyết Mai, Mai Hương…). Một buổi trưa năm 1965, từ đài phát thanh, Y Vân dắt xe máy ra cổng chuẩn bị về thì có một chú bé chạy đến mời anh vào quán nước cạnh đấy. Nơi đây, một thiếu nữ khá xinh ngồi chờ sẵn, chú bé giới thiệu đó là chị của mình, tên Huyền, đang là sinh viên Ban Việt-Hán, Đại học Văn khoa Sài Gòn. Huyền có đôi mắt to, đen và buồn. Trên bâu áo của nàng có chít một mảnh tang đen. Y Vân cố nhớ lại xem mình đã gặp cô gái này ở đâu chưa, nhưng chịu thua. Theo phép xã giao anh ngỏ lời chia buồn. Nhưng cô gái lắc đầu, buồn bã: “Em đâu có người thân nào qua đời. Mảnh tang này là dành cho mối tình của em đó!”. Y Vân sượng sùng, anh cũng manh nha đoán rằng phải có một điều bí ẩn gì đó mới khiến cô gái này vượt qua nỗi e dè thường thấy của phái nữ, không ngại điều thị phi để đánh bạo gặp anh, nhưng cũng khó mở miệng để hỏi, đành chỉ ngồi nói chuyện bâng quơ một lát rồi viện cớ cáo từ.
Hai hôm sau, Y Vân tìm đến nhà Huyền theo địa chỉ cô đã cho. Đó là một căn nhà vách gỗ đơn sơ nhưng ngăn nắp, sạch sẽ nằm bên chiếc ao rau muống trong con hẻm đường Trương Minh Giảng (gần chợ Phú Nhuận bây giờ). Huyền không có nhà nhưng cậu em trai đã thổ lộ với chàng nhạc sĩ những điều thầm kín của chị mình. Chú bé cho biết họ là con của một địa chủ tiếng tăm ở Long An, được gia đình gửi lên Sài Gòn trọ học. Huyền rất thích âm nhạc và ca hát, đặc biệt là thích nhạc của tác giả Y Vân. Những cuốn vở học trò của Huyền cũng được cô kẻ khung, chép nhạc (hầu hết là nhạc của Y Vân). Tiền gia đình gửi lên để Huyền hoàn tất chương trình cử nhân Văn khoa lại được nàng đem đóng học phí vào… lớp dạy đàn Tây Ban cầm. Suốt ngày Huyền chỉ ôm đàn và hát nhạc Y Vân.
Việc học bê trễ, mấy năm liền chẳng đậu thêm được chứng chỉ nào. Thấy vậy, ông bố đã bắt hai chị em về quê, ép gả Huyền cho một anh trung úy hải quân. Huyền quyết liệt từ chối. Bẽ mặt với nhà trai, ông bố đăng báo từ con. Huyền đau khổ, trút tâm sự với em trai rằng đã yêu nhạc sĩ Y Vân. Sau khi bàn tính, hai chị em trốn nhà lên Sài Gòn, Huyền phải tìm việc làm để mưu sinh và nuôi hy vọng có ngày sẽ được cùng người trong mộng kết tóc se tơ. Sau nhiều lần dò hỏi, biết chắc nhạc sĩ Y Vân đã có gia đình, Huyền làm một mảnh tang đen, luôn đeo nó trên bâu áo.
Nhưng lòng nàng lúc nào cũng tơ tưởng đến nhạc sĩ tài hoa. Nàng đã nhờ em trai tìm cách cho nàng gặp anh để nói với anh điều này. Nhưng khi gặp, nàng lại không dám nói. Y Vân ra về như chạy. Và ca khúc Ảo ảnh ra đời sau đó: “…Những ân tình em đong bằng nước mắt. Khóc cho đầy hai chữ tình yêu. Phấn hương nồng anh xem tựa tấm áo, đã thay màu ân ái từ lâu. Những neo thuyền yêu thương thường dễ đứt, khiến bao chiều trên bến tịch liêu. Vắng con tàu sân ga thường héo hắt. Thiếu em lòng anh thấy quạnh hiu…”.
Trong nền tân nhạc Việt Nam, có nhiều kết hợp rất độc đáo như Đoàn Chuẩn – Từ Linh, Lê Uyên – Phương, v.v. Trong số đó, theo thiển ý của [dongnhacxua.com], sự kết hợp gần như là định mệnh giữa Khánh Ly và Trịnh Công Sơn là đặc biệt hơn cả và đó như một làn gió mới, thổi mát tâm hồn của biết bao thế hệ yêu nhạc xưa.
Tuổi đá buồn (Trịnh Công Sơn), một trong số những bản nhạc Khánh Ly hát lần đầu tiên ở Quán Văn. Ảnh: AmNhacMienNam.blogspot.com
KHÁNH LY CÔNG BỐ SỰ THẬT VỀ ‘MỐI TÌNH’ VỚI TRỊNH CÔNG SƠN (Nguồn: bài viết của tác giả Vương Hà đăng trên NguoiDuaTin.vn)
Trong số những bóng hồng đi vào nhạc phẩm của Trịnh Công Sơn không có Khánh Ly người phụ nữ thân thiết, “một người bạn của định mệnh vĩnh viễn thương yêu nhau”. Nhưng Khánh Ly lại thấy trong tất cả các ca khúc của Trịnh đều có bóng dáng của mình.
Có một thời, Trịnh sáng tác chỉ để Khánh Ly ca. Mười năm gắn bó “duyên tình âm nhạc” để làm nên một “nữ hoàng chân đất”, một Khánh Ly hát nhạc Trịnh mãi về sau khó có giọng ca nào vượt qua…
Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn và Khánh Ly thời trẻ. Ảnh: NguoiDuaTin.vn
Giọng ca Đà Lạt thành… “nữ hoàng chân đất”
Nhớ về Trịnh, Khánh Ly tiết lộ, Trịnh Công Sơn gặp chị trong hộp đêm Tulipe Rouge tại Đà Lạt. Thời gian ấy, nhiều người nói, Trịnh Công Sơn đang đắm say với giọng hát Thanh Thúy “liêu trai” nhưng khi nghe giọng hát Khánh Ly, ông đã bị hút hồn và tìm cách gặp chị. Những bạn bè của Trịnh cũng từng xác nhận chuyện này, vào năm 1965 tại Đà Lạt mộng mơ, Trịnh Công Sơn tình cờ nghe được giọng hát Khánh Ly. Ông biết ngay giọng hát của cô ca sỹ này hợp với những bản nhạc của mình nên mời chị tham gia. Thời gian sau, Khánh Ly rời Đà Lạt xuống Sài Gòn và trở thành giọng ca chuyên hát nhạc Trịnh Công Sơn.
Khi Trịnh Công Sơn gặp Khánh Ly, chị chưa nổi tiếng, đến cuối năm 1965, họ có buổi ra mắt đầu tiên tại trường Đại học Văn khoa với hàng ngàn sinh viên và trí thức. Bằng chiếc đàn thùng đơn giản, Khánh Ly hát say xưa những bài tự tình quê hương và thân phận con người đã làm đắm say hàng ngàn khán giả cuồng nhiệt đêm đó. Cứ thế, những buổi biểu diễn liên tiếp tại các trường đại học, các tụ điểm ca nhạc công cộng khiến Trịnh Công Sơn và Khánh Ly trở thành hiện tượng âm nhạc, và trở thành thần tượng của giới trẻ khi ấy.
Trịnh Công Sơn và Khánh Ly thường đi hát không công, không thù lao chủ yếu cho khán giả trẻ nơi giảng đường của các trường đại học. Trịnh Công Sơn dáng người mảnh khảnh, cặp kính trắng, giọng nói nhỏ nhẹ xứ Huế với cuộc sống của một lãng tử. Khánh Ly khi hát đi chân đất, khiến khán giả quen, yêu quý mà gọi chị là “nữ hoàng chân đất”. Chị hát bằng cả tấm lòng người nghệ sỹ yêu hết mình những giai điệu của nhạc Trịnh. Nhiều văn nghệ sỹ khi ấy, coi họ là một hình ảnh lý tưởng cho nghệ thuật, nhất là nghệ thuật ca hát – mang lý tưởng nhân đạo và tình yêu thể hiện sự dấn thân.
Kể lại thời kỳ những năm 60 cơ cực, đói khổ nhưng đầy hạnh phúc ấy, Khánh Ly nói: “Thực sự tôi rất mê hát. Không mê hát thì tôi không có đủ can đảm để đi hát với anh Sơn mười năm mà không có đồng xu, cắc bạc nào. Thời ấy, tôi phải chịu đói, chịu khổ, chịu nghèo, không cần biết đến ngày mai, không cần biết đến ai cả, mà vẫn cảm thấy mình cực kỳ hạnh phúc, cảm thấy mình sống khi được hát những tình khúc của Trịnh Công Sơn”.
Hai người đi với nhau tạo thành hình ảnh “lứa đôi”, một đôi trai gái trong tình bạn trong sáng, hồn nhiên. Khánh Ly – Trịnh Công Sơn tạo thành một đôi bạn trẻ muốn phá vỡ quan niệm xưa cũ. Trong dư luận khi ấy, không ít người tò mò, định kiến, nhưng Trịnh là người tiếng tăm mà không tai tiếng, ngay từ thời đó, Trịnh khẳng định: “Tôi và Khánh Ly chỉ là hai người bạn. Thương nhau vô cùng, trên tình bạn”.
Bóng dáng ngập tràn nhưng không có… cuộc tình
Trong những tuyệt phẩm của Trịnh luôn có những bóng hồng, khi sâu sắc, lúc thoáng qua như hư ảo. Nhưng những bóng hồng ấy vẫn gọi được thành tên, gọi chung cho những cuộc tình đôi khi chỉ là chút tình nghệ sỹ đơn phương hay nhè nhẹ như chút nắng cuối thu. Riêng Khánh Ly không có cuộc tình với Trịnh Công Sơn, song định mệnh đã gắn kết hai người bằng tình yêu ca hát. Khánh Ly giã từ Đà Lạt theo Trịnh Công Sơn về Sài Gòn khi mới hơn 20 tuổi.
Khánh Ly hiện nay. Ảnh: NguoiDuaTin.vn
Nhiều người đã cho rằng trời sinh ra Khánh Ly để hát nhạc Trịnh Công Sơn. Chị yêu thương Trịnh như một người bạn, một người anh, một người thầy…. Đôi khi trước mặt những người khác, Trịnh vẫn la rầy Khánh Ly như một cô học trò nhỏ. Khánh Ly cũng chỉ biết cười buồn.
Không duyên tình lứa đôi, nhưng Khánh Ly và Trịnh Công Sơn gắn bó với nhau bằng định mệnh. Hơn 17 năm, sau ngày Khánh Ly rời Việt Nam, họ gặp lại nhau tại Canada. Đối diện với Trịnh, chị vẫn nhỏ bé như ngày xưa, luôn yêu thương và kính trọng…
Khánh Ly nhớ lại: “Chúng tôi ôm choàng lấy nhau, lúc này tôi mới cảm nhận chúng tôi thật sự có nhau, không phải trong một giấc mơ kéo dài 17 năm. Hình như chúng tôi có cách nói mà chỉ hai chúng tôi mới hiểu được. Một cách nói ở bốn con mắt im lặng… Tất cả những điều cần nói, chính là những điều không bao giờ nói bằng lời”.
Họ đi dạo, im lặng bên trời Tây xa lạ mà cảm thấy gần gũi nhau như thuở người từ Sài Gòn ra Huế thăm nhau. Khánh Ly đã chia sẻ về buổi gặp nhau ấy: “Bao nhiêu ngày tháng đi qua giữa chúng tôi. Anh vẫn không bao giờ thay đổi, tôi cũng thế. Cả hai không thắc mắc về đời sống của nhau bởi 30 năm trước không hỏi thì 30 năm sau cũng không hỏi… Tôi quý những giây phút ở bên anh và tôi nghĩ, anh sẽ nói với tôi điều cần nói, nếu có”.
Với Trịnh Công Sơn, một điều chắc chắn bất cứ một người con gái nào đến với ông, đem đến cho ông dù một chút tình vẫn được ông nâng niu đón nhận. Còn riêng với Khánh Ly, ông coi đó là cuộc gặp gỡ của định mệnh vĩnh viễn yêu thương nhau. Một người hát cho một thời vừa lãng mạn vừa đau thương trong chiến tranh – hay nhất. Cảm nhận điều ấy, Khánh Ly luôn khẳng định ở họ là “mối liên hệ cao hơn, đẹp đẽ hơn, thánh thiện hơn là những tình cảm đời thường”.
Mười năm bên cạnh Trịnh Công Sơn, Khánh Ly đã gắn với tên tuổi của Trịnh đến nỗi không thể tách rời. Khánh Ly vẫn nói: “Tuy không có một ca khúc nào của Trịnh Công Sơn viết riêng cho tôi, nhưng tôi vẫn có cảm tưởng hầu hết những ca khúc của Trịnh Công Sơn đều được viết cho Khánh Ly”. Cũng có lẽ vì thế, Khánh Ly là một trong số những người hiểu rất rõ ca từ, cũng như tâm ý phần lớn ca khúc của Trịnh.
Sau năm 1975, Khánh Ly ra hải ngoại, đi khắp thế giới với nghiệp cầm ca nhưng không bao giờ chị rời bỏ tên Trịnh Công Sơn bên cạnh cuộc đời của mình. Ngày 1/4/2001, khi Trịnh Công Sơn nằm xuống, Khánh Ly đã từng nói rằng: “Tôi đã chết nửa cuộc đời theo Trịnh Công Sơn!”.
Cuộc điện thoại nửa vòng trái đất nghe Khánh Ly mở lòng về sự “thành nhân” và “thành danh”
Khánh Ly tên thật là Nguyễn Thị Lệ Mai sinh năm 1945 tại Hà Nội. Từ nhỏ chị theo gia đình vào sinh sống tại Đà Lạt và hiện đang sống tại Mỹ. Cách nhau nửa vòng trái đất, tôi gọi điện cho Khánh Ly khi ấy ở Việt Nam đã gần trưa cũng là lúc gần khuya của giờ Mỹ ngày hôm trước. Giọng nói truyền cảm của Khánh Ly, qua điện thoại rõ ràng, không khác là bao khi chị cất giọng hát trên sân khấu. Tôi hỏi thăm sức khỏe, Khánh Ly cho biết, chị vẫn tham gia những chương trình ca nhạc ở hải ngoại. “Dù đã có tuổi, nhưng khán giả vẫn thương, mỗi tuần Khánh Ly vẫn nhận show và đi diễn khắp nơi như ở Mỹ, châu úc, châu Âu. Chương trình gần nhất, Khánh Ly sẽ đi hát cho kiều bào ở Thái Lan”, Khánh Ly cho biết. Khánh Ly cũng chia sẻ, trong những chương trình chị biểu diễn khán giả vẫn muốn được nghe những nhạc phẩm của Trịnh Công Sơn. Mỗi lần cất lên lời ca của nhạc Trịnh, cho dù ông đã đi xa, Khánh Ly thể hiện như một tấm lòng tri ân với người mà “từ ông tôi thành danh và quan trọng hơn cả là tôi được thành nhân”, chị nói.