Nhạc sỹ Thăng Long (1936-2008): Quen Nhau Trên Đường Về

Đối với nhiều quý vị yêu nhạc xưa thì cái tên ‘nhạc sỹ Thăng Long’ có thể hãy còn xa lạ. Tuy nhiên riêng với những ai sinh ra và lớn lên trước năm 1975 ở miền Nam thì nhạc phẩm ‘Quen nhau trên đường về’ qua giọng ca của ca sỹ Minh Hiếu dưới đây sẽ gợi lại nhiều hoài niệm về dòng nhạc quen thuộc một thời. Đó chính là sáng tác nổi tiếng nhất của nhạc sỹ Thăng Long mà [dongnhacxua.com] muốn giới thiệu hôm nay.

Nhạc sỹ Thăng Long tên thật là Nguyễn Văn Thành. Ông sinh năm 1936 ở Hải Dương. Ông mồ côi mẹ ngay khi vừa chào đời và đến năm 15 tuổi thì ông lại mồ côi cha. Một mình lang bạt giang hồ. Cuộc đời đưa đẩy ông vào Sài Gòn với công việc mưu sinh bằng cây đàn guitar cùng một nghệ sỹ mù. Ông sáng tác ‘Quen nhau trên đường về’ cuối thập niên 1960 trong một lần lang thang ra chợ Bến Thành. Ngày ấy ga xe lửa ở chợ Bến Thành vẫn còn hoạt động (khác với ga Hoà Hưng). Ông tình cờ nhìn thấy một cô gái và một chàng trai (có lẽ là một quân nhân) ở bến ga. Cô gái với mái tóc dài làm nhạc sỹ liên tưởng đến một người con gái miền sông Hương núi Ngự. Rồi ngay lúc đo ông nghe văng vẳng đâu đó tiếng kèn của một đám ma vang lên một giai điệu buồn: tàng tang táng … Thế là cảm xúc và giai điệu ập đến với để ông cho ra đời ‘Quen nhau trên đường về’.

Ảnh bìa nhạc: QuanNhacVang.com

Sau năm 1975, số phận đẩy đưa nhà nhạc sỹ của chúng ta phải cơ cực để mưu sinh kiếm sống. Ông trôi dạt về tận Sóc Trăng và sống một cuộc đời đạm bạc, khó nghèo như trong một đoạn video clip về ông trong Paris By Night 91, thực hiện cuối năm 2007 đầu năm 2008.

Ông mất vào ngày 30/03/2008 tại Sóc Trăng. [dongnhacxua.com] xin mượn bài viết này như một lời tri ân với nhạc sỹ Thăng Long, ‘người nhạc sỹ giang hồ’ đã cống hiến cho đời nhiều giai điệu đẹp. Cầu chúc linh hồn ông mau về chốn vĩnh hằng!

Xem thêm: Wikipedia

[footer]

Mưa rừng

Trong làng văn nghệ Việt Nam, ‘Mưa rừng’ có lẽ là một hiện tượng đặc biệt nhất, có một không hai. Lý do thật đơn giản: dưới hình thức nào (cải lương, kịch nói, phim điện ảnh, phim truyền hình và ca nhạc) thì ‘Mưa rừng’ đều thành công và để lại dấu ấn khó phai mờ. Khởi đi là một vở tuồng cải lương của hai soạn giả Hà Triều – Hoa Phượng viết năm 1961 với sự tham gia diễn xuất của Thanh Nga, ngôi sao sáng chói của sân khấu Sài Gòn ngày nào, ‘Mưa rừng’ sau này được dựng lại trên sân khấu kịch nói, rồi điện ảnh và cả truyền hình. 

ĐÔI NÉT VỀ VỞ TUỒNG ‘MƯA RỪNG’
(Nguồn: Wikipedia)

Trong một chuyến đi chơi tắm suối ở Tây Nguyên, một nhóm soạn giả trong đoàn cải lương Thanh Minh-Thanh Nga gồm: Nguyễn Phương, Hà Triều, Hoa Phượng, Kiên Giang Hà Huy Hà phải trọ qua đêm trong một buôn bản người Thượng vì mưa to không về được. Khi họ đang vui chơi thâu đêm tại nhà ông chủ bản thì từng tràng tiếng hú của người rừng trổi lên giữa cơn mưa bão tạo cảm giác rùng rợn. Hà Triều, Hoa Phượng viết tuồng “Mưa Rừng” nổi tiếng dựa trên bối cảnh đó. Tuồng cải lương thành công rực rỡ do Thanh Nga đóng và được đánh giá là sự kiện “cháy vé” lúc bấy giờ.

Câu chuyện lấy bối cảnh một đồn điền. Khanh được ông chủ đồn điền mướn lên từ thành phố để làm cai phu, anh rất được mọi người thương mến. K’Lai, cô gái dân tộc, người giúp việc nhà cho ông Tịnh thầm yêu anh nhưng anh lại yêu Tuyền, cô dâu trưởng của ông Tịnh, có chồng là Thuyết bị điên vốn nhốt riêng trong phòng không cho ai biết trừ K’Lai. Em trai của Thuyết đem lòng si mê K’Lai, hắn tìm cách đuổi Khanh đi. Chán ngán cảnh ba đường, anh bỏ đi làm cho Tuyền và K’Lai đau khổ.[1]

Ở rừng, hằng đêm có những tiếng hú ghê rợn vọng về, người ta mê tín cho rằng do những người phu chết trong đồn điền. Khanh lợi dụng tình cảm của K’Lai để điều tra phát hiện tiếng hú đó là của Thuyết, bị gia đình xích chân tại một nơi kín đáo, chỉ có K’Lai hàng ngày đem cơm đến.[1]

Câu chuyện hé mở rằng Thuyết đã bắn chết cha K’Lai. Để trả thù, K’Lai xin vào giúp việc và dùng lá thuốc rừng trộn vào thức ăn đầu độc Thuyết khiến cho anh ta điên. Vì danh dự gia đình, ông Tịnh nói dối mọi người rằng Thuyết đã chết. Khanh thuyết phục K’Lai tìm thuốc cứu Thuyết hết điên. Thuyết chứng kiến vợ mình tỏ tình với Khanh, anh ghen toan giết Tuyền thì ông Tịnh đến. Tưởng Thuyết còn điên nên ông bắn chết Thuyết để cứu con dâu.[1]

Khanh và Tuyền đã rộng đường để tới với nhau, nhưng đối với K’Lai thì là sự mất mát lớn. Cô bỏ đồn điền, từ chối tình yêu với Bằng. Khanh cũng bỏ đi lần nữa vì tự thấy mình hèn hạ khi lợi dụng tình cảm của K’Lai để đạt ý nguyện của mình.[1]

Tất cả chia tay giữa tiếng Mưa Rừng tạo nên một kết thúc buồn.

Thầy cai lên ngựa về rồi!
Sao K’Lai còn đứng bên đồi ngó theo.
Mưa rừng gió lạnh đìu hiu!
Em mang gùi nhỏ đựng nhiều nhớ thương

BẢN NHẠC ‘MƯA RỪNG’

Bài hát nhạc vàng cùng tên “Mưa rừng” được Hà Triều, Hoa Phượng nhờ nhạc sĩ Huỳnh Anh viết riêng cho Thanh Nga năm 1961 khi tuồng cải lương đã gần kề -do lúc đó Huỳnh Anh đang tập ca tân nhạc cho Thanh Nga. Bài hát nhanh chóng nổi tiếng theo vở tuồng năm 61 và bộ phim năm 62 khẳng định tên tuổi Huỳnh Anh. Trong một buổi phỏng vấn thu hình với Nguyễn Ngọc Ngạn, trong Paris By Night 74 năm 2004 Huỳnh Anh đã ngỏ ý cám ơn và biết ơn Thanh Nga vì điều này.[1][2]. Bài hát nhanh chóng được phát đi phát lại nhiều lần trên làn sóng của đài Phát Thanh Sài Gòn và về sau được nhiều danh ca trình bày lại như Sơn Ca, Thanh Thúy, Phương Dung, Thanh Tuyền, Mộng Tuyền…đều thành công, trở thành một trong những ca khúc yêu thích nhất miền Nam Việt Nam lúc đó.

BỘ PHIM ĐIỆN ẢNH ‘MƯA RỪNG’
(Theo hồi ký của đạo diễn Lê Dân)

Bắt đầu được chú ý từ phim đầu tiên của chúng tôi, mấy năm sau Kiều Chinh vào vai quan trọng trong phim Mưa rừng của đạo diễn Thái Thúc Nha, Giám đốc Hãng phim Alpha. Phim này quy tụ nhiều diễn viên nổi tiếng: Kim Cương, Kiều Chinh, Lê Quỳnh, Hoàng Vĩnh Lộc, Năm Châu, Xuân Phát, Ngọc Phu… Đây là bộ phim màu đại vĩ tuyến đầu tiên của Việt Nam, được in rửa và thâu thanh tại Nhật Bản. Phim được giải Tượng Vàng với cốt truyện hay nhất, do dạo diễn Thái Thúc Nha chuyển thể từ kịch bản sân khấu của hai tác giả Hà Triều và Hoa Phượng.

Mưa rừng là một câu chuyện tình cảm hư cấu, nhiều tình tiết ly kỳ và hấp dẫn, đoạn kết buồn với những cuộc tình tan vỡ, chia ly.

Mưa rừng ơi! Mưa rừng! Hạt mưa nhớ ai mưa triền miên? Phải chăng mưa buồn vì tình đời, Mưa sầu vì lòng người, duyên kiếp không lâu?

Bài hát cùng tên với bộ phim Mưa rừng ấy, Hà Triều và Hoa Phượng đã nhờ nhạc sĩ Huỳnh Anh viết riêng cho Thanh Nga. Bài hát nhanh chóng nổi tiếng theo vở tuồng cải lương năm 1961 và bộ phim năm 1962. Trải qua hơn nửa thế kỷ, câu chuyện Mưa rừng được liên tục trình diễn qua nhiều thế hệ nghệ sĩ: Hữu Phước, Thanh Nga, Ngọc Đức, Kim Cương, Kiều Chinh, Lê Quỳnh, Út Trà Ôn, Thành Được, Thanh Sang, Mộng Tuyền, Bạch Tuyết, cho đến thế hệ sau: Khánh Hoàng, Trịnh Kim Chi, Quốc Thái, Anh Vũ, Lê Khánh, Lệ Thủy, Thanh Ngân, Tú Sương, Quế Trân…

Đồng thời, bài hát của Huỳnh Anh cũng được phát đi phát lại trên đài phát thanh, về sau được nhiều danh ca trình bày: Sơn Ca, Thanh Thúy, Phương Dung, Thanh Tuyền, Mộng Tuyền… Tất cả đều thành công, và bài hát trở thành một trong những ca khúc được yêu thích một thời ở miền Nam Việt Nam.

[footer]

Em đi rồi

Trong một bài viết về nhạc sỹ Lam Phương, chúng tôi có nhắc đến quãng thời gian hơn 10 năm ông sang Pháp sống với người em gái sau khi cuộc hôn nhân tưởng như là lý tưởng với ca kịch sỹ Lưu Hồng vào năm 1981. Rồi trong một bài viết khác về nghệ sỹ Lê Tấn Quốc, ông tâm sự về cuộc buồn với nữ danh ca Họa Mi: hai người kết hôn vào năm 1976 và có với nhau 3 mặt con. Năm 1988, trong một chuyến lưu diễn ở Pháp, Họa Mi xin quy chế tị nạn và ở lại luôn Pháp quốc. Cùng sinh hoạt văn nghệ ở Paris với nhau và cảm thông với chuyện tình éo le của Họa Mi và Lê Tấn Quốc, nhạc sỹ Lam Phương đã viết thành ca khúc đầy tâm trạng: Em đi rồi.

ĐÔI NÉT VỀ CA SỸ HỌA MI
(Nguồn: DiemXuaCafe)

Ca sỹ Họa Mi. Photo: http://my.opera.com/diemxuacafe

Tiếng chim hót trong bụi mận gai

Họa Mi yêu ca hát từ nhỏ và rất được sự khuyến khích của mẹ: “Nếu sợ ba con rầy thì con cứ hát nhỏ nhỏ cho má nghe cũng được”, đó là lời Họa Mi tâm tình trên video Paris By Night Thúy Nga. Sinh ngày 1 tháng 5 năm 1955, Họa Mi tốt nghiệp trường Quốc Gia Âm Nhạc ở Việt Nam và được sự hướng dẫn về nghệ thuật của Nhạc Sĩ Hoàng Thi Thơ.

Rời Việt Nam năm 1988, Hoạ Mi được nhiều cơ hội tham gia tích cực vào những sinh hoạt văn nghệ hải ngoại và đã từng trình diễn ở rất nhiều quốc gia: Pháp, Đức, Bỉ, Thụy Sĩ, Đan Mạch, Hòa Lan, Na Uy, Úc, Nhật Bản, Anh, Hoa Kỳ và ngay cả Liên Sô (trước 1988).
Trong phong thái trình diễn rất nhẹ nhàng thoải mái, với tiếng hát ấm và trong, Họa Mi đã từng làm say mê khán thính giả trong những ca khúc trữ tình lãng mạn. Nhạc phẩm “Đưa Em Xuống Thuyền” của Nhạc Sĩ Hoàng Thi Thơ đã được Họa Mi lựa chọn để trình diễn trong lần đầu tiên ra mắt khán thính giả tại nhà hàng Maxim’s Sài Gòn. Những ai đã từng ái mộ tiếng hát Họa Mi chắc không thể quên được nhạc phẩm “Em Đi Rồi” của nhạc sĩ Lam Phương đã được Họa Mi trình bày một cách xuất sắc, chừng như tiéng nức nở nghẹn ngào của từng âm thanh rung động trên vành môi, người ca sĩ đáng yêu kia đã gởi gấm đâu đây một phần đời của chính mình? Họa Mi yêu màu trắng và thích nhấn con số 8 (đây là con số “Phát tài” theo sự tin tưởng của người Trung Hoa). Cho đến nay, Họa Mi đã xuất hiện rất nhiều trên băng Paris By Night cũng như đã thâu băng và CD. Ngoài ra, cô còn cộng tác với một số vũ trường tại Paris. Đối với Họa Mi, trong tình yêu, sự thành thật là yếu tố quan trọng hàng đầụ Họa Mi cho rằng được có một mái ấm gia đình là cả một hạnh phúc lớn, còn về cuộc đời, Họa Mi thấy rất ngắn ngủi và mong manh.

Nhiều người có nhận xét rằng Họa Mi rất đẹp không những trên sân khấu mà kể cả ở ngoài đời và cô có một giọng hát trong, thánh thót ở những nốt nhạc cao và ấm áp, tình cảm ỡ những nốt nhạc thấp hơn.

Yêu nhau một thời, xa nhau một đời…

Hơn hai mươi năm rời sân khấu, rời Sài Gòn, Họa Mi đã có một cuộc đời khác. Hai mươi năm nhiều biến động, có thể nói là những biến động nghiệt ngã nhất của đời người, đã làm Họa Mi bình tĩnh hơn, nhẹ nhàng hơn vào những tháng năm này.

Nữ danh ca thập niên 70 của Sài Gòn, giọng ca quen thuộc của đoàn Kim Cương những năm đầu giải phóng, phát hành album đầu tay “Một thời yêu nhau” khi bước vào tuổi 54. Khi số phận bắt chị phải lựa chọn, chị đã lựa chọn gia đình và những đứa con. Phía sau cuộc ra đi nhiều sóng gió của Họa Mi năm 1988 tới Pháp, ít ai biết, đó là cả một sự hy sinh thầm lặng đến quên mình…

Sài Gòn là một ký ức đẹp, mà ở đó chị đã có tất cả. 18 tuổi, khi đang học Trường Quốc gia âm nhạc (nay là Nhạc viện TPHCM), Họa Mi được nhạc sỹ Hoàng Thi Thơ mời đến hát tại nhà hàng Maxim’s, một trong những nhà hàng nổi tiếng nhất Sài Gòn khi ấy. Và ngay từ những bài hát đầu tiên “Đưa em xuống thuyền”, “Đưa em qua cánh đồng vàng”, Họa Mi đã là một hiện tượng không trộn lẫn.

Họa Mi được đánh giá là một trong những ca sỹ hiếm hoi được học thanh nhạc bài bản, có nền tảng tốt. Chị nhớ lại, tên chị là Trịnh Thị Mỹ, khi bắt đầu được đi hát, chị lấy tên là Trường My, nhưng ngay buổi đầu tiên đi hát, chị được ông bầu Hoàng Thi Thơ giới thiệu là Họa Mi, và đó chính là cái tên theo chị suốt cuộc đời ca hát.

Sau khi 1975, Họa Mi nghĩ mình sẽ không còn cơ hội để ca hát nữa. Khi ấy chị hai mươi tuổi và bắt đầu theo học ngành Luật. Cho đến một ngày, nhạc sỹ Ngọc Chánh đến tìm chị. Anh nói, thành phố thành lập một đoàn ca nhạc hát chung với đoàn Kim Cương. Và anh muốn chị đi hát lại. Khi ấy, đoàn ca nhạc gồm hầu hết những gương mặt quen thuộc trong giới ca nhạc sau này, như Thanh Phong, Phương Đại, Thái Châu, Lệ Thu, Thanh Tuyền, Sơn Ca… Và chị đã tiếp tục con đường ca hát, với một phong cách mới. Bài hát đầu tiên trên sân khấu là “Bóng cây Kơ nia”, Họa Mi đã hát với tình yêu say đắm của tuổi hai mươi khi ấy.

Năm 1976, Họa Mi lập gia đình với nghệ sỹ saxophone Lê Tấn Quốc. Họa Mi nói, khi ấy cả anh và chị đều có hoàn cảnh giống nhau, nên rất dễ thương nhau. Họa Mi mất ba từ năm 11 tuổi và năm 18 tuổi mẹ chị cũng rời trần thế, bỏ lại chị một mình trong thành phố những ngày nhiều biến động. Hai người yêu nhau 6 tháng thì cưới. Anh vẫn thổi kèn cho chị hát. Và họ đã là một biểu tượng của hạnh phúc.

Nhà báo Cát Vũ nói, hình ảnh vợ chồng Họa Mi – Lê Tấn Quốc là “nguồn cảm hứng” cho lứa nhà báo trẻ của chị khi ấy. Bởi ở họ thể hiện được rất rõ khí chất và tình nghệ sỹ lâu bền… Họ đã sống với nhau hơn 10 năm và có với nhau 3 đứa con.


Lê Tấn Quốc với chứng bệnh mắt bẩm sinh, mắt ngày càng kém hơn. Cuộc sống thành phố những năm 80 của thế kỷ trước bộn bề gian khó. Cặp vợ chồng nghệ sỹ vật lộn tìm đường sống để nuôi ba con nhỏ. Hạnh phúc tưởng như trọn vẹn, nhưng lại không dễ dàng. Và năm 1988, Họa Mi có chuyến đi biểu diễn tại Pháp. Chuyến đi ấy chị đã không trở về.

Sự không trở về của Họa Mi gây ra những sóng gió lớn. Những chuyện sau này, có rất nhiều sự thêu dệt về sự ra đi của chị. Và người ta từng nghĩ, chị sẽ bị… cấm vận vĩnh viễn. Và việc chị ra đi, bỏ lại người chồng mắt bị lòa là một việc làm nhẫn tâm, vô tình vô nghĩa.

Nhà văn Nguyễn Đông Thức, một trong những người bạn của Họa Mi nhớ lại, khi ấy Họa Mi rất yêu chồng. Và việc chị tìm cách ở lại Pháp, không phải để mưu cầu hạnh phúc riêng tư, cũng không phải vì mục đích chính trị hay bất cứ ham muốn nào khác, mà chỉ vì mục đích là tìm đường chữa đôi mắt cho chồng. Khi ấy, VN chấp nhận cho chị đưa nhạc sỹ Lê Tấn Quốc và ba con sang Pháp để anh có điều kiện chữa mắt. Nhưng, đôi mắt ấy không bao giờ có thể chữa lành. Ngay cả những bác sỹ giỏi nhất tại Pháp cũng đành ngậm ngùi lắc đầu.

Và, người nghệ sỹ từ nhỏ đã sống với cây kèn, quen với những đêm diễn, bỗng chốc phải thay đổi đột ngột, không còn không gian cho âm nhạc nữa, khiến Lê Tấn Quốc trở nên tuyệt vọng. Và anh trở về Việt Nam… Cuộc chia tay ấy mang nhiều nước mắt. Bởi, họ vẫn còn rất yêu nhau. Nhưng cá tính nghệ sỹ mạnh mẽ hơn rất nhiều. Câu chuyện tình yêu của Họa Mi – Lê Tấn Quốc đã thành giai thoại trong giới âm nhạc Sài Gòn. Bao nhiêu năm qua đi, câu chuyện ấy vẫn là một minh chứng sống của tình nghệ sỹ.

Chia tay nhau, xa cách đầy giông bão. Số phận đã buộc họ phải lựa chọn. Nhưng Họa Mi không còn cách nào khác, không thể quay về, buộc phải tiếp tục hành trình sống nơi xứ người, tìm cách mưu sinh và nuôi con. Họ vẫn quan tâm đến nhau, như những người bạn tri kỷ. Mỗi khi chị về nước, đều tìm đến thăm anh. Và khi Họa Mi làm đám cưới với người chồng mới tại nhà hàng Maxim’s, cả gia đình và người vợ mới của Lê Tấn Quốc cũng đến dự.

Phía sau sự xa cách định mệnh lại là những tháng ngày thái bình. Bởi hơn ai hết, cả hai người từng yêu nhau đắm say, hiểu được cái giá của mất mát. Và, đến lúc này, họ vẫn thường xuyên quan tâm tới nhau. Trong đĩa nhạc mới sắp phát hành của Họa Mi, Lê Tấn Quốc vẫn thổi kèn đệm cho chị hát. Trong âm nhạc, họ chưa bao giờ xa nhau.

Họa Mi nhớ lại, khi qua Pháp chị phải tìm mọi cách để được sống tốt và nuôi các con. Khi ấy, chị đi hát vì mưu sinh trong một nhà hàng của người Hoa. Thực khách của nhà hàng rất đa dạng, nhưng những người nghe chị hát không nhiều. Đó là những ngày rất buồn. Khi phải gắn đời nghệ sỹ vào với cơm áo, là khi người nghệ sỹ phải thỏa hiệp và chấp nhận nhiều thua thiệt. Khi ấy, cũng có những lời mời từ các trung tâm biểu diễn tại hải ngoại, nhưng Họa Mi không thể để bỏ các con lại, với những chuyến lưu diễn dài ngày. Thật lâu, chị tham gia vài chương trình ghi hình rồi vội vã trở về Pháp.

Năm 1995, Họa Mi lập gia đình với một kỹ sư gốc Sa Đéc. Anh đã sống nhiều năm ở Pháp và hoàn toàn không biết chị… hát gì. Nhưng họ đã yêu nhau thành thật. Cô con gái của họ đã bước vào tuổi 14 và anh cũng không còn làm kỹ sư nữa. Hai vợ chồng chị mở một xưởng sản xuất bánh ngọt giao cho những nhà hàng tại Paris.

Họa Mi nói, thực ra suốt nhiều năm tôi không đi hát chỉ vì nghĩ mình buộc phải lựa chọn gia đình. Tôi hiểu rất rõ cuộc sống của những đứa trẻ trong những gia đình thiếu hụt. Tôi đã không giữ được cho con tôi một mái ấm khi qua Pháp, thì phải ráng giữ sao cho con khỏi thiệt thòi. Khi tôi lập gia đình với người chồng mới cũng vì một điều, anh thực sự biết chia sẻ và nâng đỡ các con tôi.

Họa Mi, ở tuổi 54, đã tìm đường trở về Việt Nam, bắt đầu cho những dự định ca hát dang dở. Kể như là một kế hoạch đã muộn. Nhưng chị vẫn làm. Làm cho mình và tri ân những người vẫn còn lưu nhớ giọng hát chị. Một đĩa nhạc tình quen thuộc, nhưng lần đầu tiên chị hát.

Trong lời đề từ đĩa nhạc “Một thời yêu nhau”, Họa Mi viết: “Ngày thàng đã qua đi trong chớp mắt, tóc đã điểm bạc. Có chăng là kỷ niệm, là hạnh phúc, là khổ đau. Tôi muốn giữ mãi những phút giây quý giá của hạnh phúc. Tôi muốn tôi quên đi những chuỗi ngày của buồn đau, của những vết thương lòng đã chôn chặt từ lâu”…

Chị đã không lựa chọn cộng đồng người Việt tại Mỹ để xuất hiện, dù biết những khán giả đó mới là khán giả chính yêu thích những bản nhạc tình xa xưa. Chị nói, chị đã có những ngày tháng đẹp ở thành phố này. Chị ra đi và chị trở về, như một sự trở lại, tìm đến những ân tình cũ. Chị không có ý định gì to lớn, ngoài việc lưu giữ lại những kỷ niệm đẹp đẽ của đời mình. Họa Mi cười, chị đang tìm cách thuyết phục chồng chị về định cư tại Việt Nam. Vì năm tháng xa xôi đã đủ để chị biết, nơi này vẫn là nơi chị đáng sống nhất, trong những ngày còn lại của đời mình…

Sầu Lẻ Bóng (Anh Bằng): Vài Điều Thú Vị

Trong những ngày xuân Quý Tỵ – 2013, [dongnhacxua.com] nhận được nhiều chia sẻ qua trang web cũng như những hỏi thăm qua điện thoại. Chúng tôi xin cảm ơn tất cả tấm thịnh tình của quý bằng hữu yêu nhạc xưa. Nhân đây, chúng tôi xin giới thiệu bản “Sầu Lẻ Bóng” của nhạc sỹ lão thành Anh Bằng cùng với một nhận xét tinh tế của bạn có nickname là “võ hương”

Trích nhận xét của “Võ Hương: ” … một trong những ca khúc được nhiều người ưa thích là bài Sầu Lẻ Bóng, trong đó có những câu bị nhiều ca sĩ sửa lời làm mất hết ý nghĩa, ví dụ như câu … Mùa thu thương nhớ bao lần đi về với tôi … = Đã nhiều năm (mùa thu) tôi sống một mình lẻ loi trong niềm thương nhớ người … bị sửa thành: Mùa thu thương nhớ bao lần đi về … “có đôi” … trở nên vô nghĩa, không kết nối với câu kế tiếp …mà người còn vắng bóng mãi! Câu tiếp theo “Hay duyên nồng thắm ngày ấy nay đã phai rồi” = câu hỏi: hay là mối tơ duyên mặn nồng ngày xưa ấy nay đã bị lãng quên? bị sửa thành : tơ duyên nồng thắm ngày ấy nay đã phai rồi = câu khẳng định, mất hay!”

Bản nhạc in roneo mà chúng tôi sưu tầm được trên internet cũng có 2 chỗ chưa đúng: (1)  “tơ duyên nồng thắm” nên sửa lại thành “hay duyên nồng thắm” và (2) “thầm che đôi mắt” đáng lý nên là “buồn che đôi mắt”

Nghe “Sầu lẻ bóng” qua tiếng hát của “nữ hoàng sầu muộn” Giao Linh. Theo thiển ý của chúng tôi, đây là bản ghi âm này trung thành nhất với bản nhạc gốc của nhạc sỹ Anh Bằng.

Ca sỹ Lệ Quyên, một tiếng hát trẻ cũng đã có một lỗi nhỏ trong bản thu âm này (xem từ giây 2:16): “có đôi” thay vì “có tôi”

Chuyện những bản nhạc xưa hơn 30-40 năm có nhiều dị bản hay bị ca sỹ hát sai lời cũng là chuyện dễ hiểu. Chúng ta hãy cùng nhau góp ý trên tinh thần xây dựng để thế hệ mai sau có thông tin chính xác nhất về “dòng nhạc của một thời xa xưa”.

[footer]

Vĩnh Biệt Duy Quang (1950-2012): Trọn Một Kiếp Đam Mê

Vĩnh biệt | Duy Quang || 20/12/2012 | Sài Gòn | [dongnhacxua.com] || [facebook] [googleplus]

Rạng sáng nay 20/12/2012 (theo giờ Việt Nam) [dongnhacxua.com] hay tin ca nhạc sỹ Duy Quang vừa qua đời tại California, hưởng thọ 62 tuổi. Sự ra đi của một trong những giọng ca nam hàng đầu của tân nhạc Việt Nam trong hơn 40 năm qua đã để lại nhiều tiếc thương cho người yêu nhạc Phạm Duy nói riêng và dòng nhạc xưa nói chung. [dongnhacxua.com] cầu nguyện cho linh hồn anh mau chóng về chốn vĩnh hằng!

Đúng như lời bài hát nổi tiếng nhất anh sáng tác, anh đã sống “trọn một kiếp đam mê” cho âm nhạc và tình yêu.

Kiếp Đam Mê, sáng tác nổi tiếng nhất của Duy Quang

[footer]

Trường ca Hội Trùng Dương (Phạm Đình Chương) – Phần 3: Tiếng Cửu Long

Trường ca | Phạm Đình Chương || 16/08/2012 | Sài Gòn | [dongnhacxua.com] || [facebook] [googleplus]

Trong phần ba (cũng là phần kết), bối cảnh là sông Cứu Long hình thành vùng Đồng Bằng Sông Cửu Long trù phú. Ảnh bìa: vietstamp.net

 

Nghe Tiếng Cửu Long do Ban Hợp Ca Thăng Long (với giọng ca chính Thái Thanh và sự góp giọng của chính nhạc sỹ Phạm Đình Chương, tức ca sỹ Hoài Bắc thưở nào)

Source: NhacCuaTui.com

[footer]

Trường ca Hội Trùng Dương (Phạm Đình Chương) – Phần 2: Tiếng Sông Hương

Trường ca | Phạm Đình Chương || 04/08/2012 | Sài Gòn | [dongnhacxua.com] || [facebook] [googleplus]

Trong phần hai, bối cảnh là dòng sông Hương hiền hòa uốn quanh cố đô Huế. Ảnh bìa: vietstamp.net

Nghe Tiếng Sông Hương do Ban Hợp Ca Thăng Long (với giọng ca chính Thái Thanh và sự góp giọng của chính nhạc sỹ Phạm Đình Chương, tức ca sỹ Hoài Bắc thưở nào)

Source: http://www.nhaccuatui.com/nghe?M=NvOeLvfOoC

[footer]

Trường ca Hội Trùng Dương (Phạm Đình Chương) – Phần 1: Tiếng Sông Hồng

Trường ca | Phạm Đình Chương || 04/08/2012 | Sài Gòn | [dongnhacxua.com] || [facebook] [googleplus]

Nét nhạc tài hoa của nhạc sỹ Phạm Đình Chương đã để lại cho tân nhạc Việt Nam một bản trường ca đặc sắc Hội Trùng Dương lấy cảm hứng từ 3 con sông lớn tượng trưng cho 3 miền Bắc, Trung, Nam. Trong phần một, bối cảnh là dòng sông Hồng hình thành nên đồng bằng Bắc Bộ. Ảnh bìa: vietstamp.net

Nghe Tiếng Sông Hồng do Ban Hợp Ca Thăng Long (với giọng ca chính Thái Thanh và sự góp giọng của chính nhạc sỹ Phạm Đình Chương, tức ca sỹ Hoài Bắc thưở nào)

Source: http://www.nhaccuatui.com/nghe?M=Kg-x1xyPn3

 [footer]

‘Màu tím hoa sim’ do nhạc sỹ Duy Khánh & Trọng Khương phổ nhạc

Duy Khánh | Bài thơ ‘Màu tím hoa sim’ || 11/07/2012 | Sài Gòn | DongNhacXua.com ||

Chúng tôi lại có dịp tái ngộ quý vị yêu nhạc xưa bằng một nhạc phẩm cũng lấy cảm hứng từ bài thơ ‘Màu tím hoa sim’ của Hữu Loan. Lần này là của cố ca nhạc sỹ Duy Khánh, cùng hợp soạn với Trọng Khương.

DongNhacXua.com mong nhận được hồi âm của bạn yêu nhạc.

Lương Y Hòa
hoa@dongnhacxua.com

* Xin vui lòng ghi chú nguồn DongNhacXua.com khi trích dẫn toàn bộ hoặc một phần bài viết này.

Màu Tím Hoa Sim do nhạc sỹ Song Ngọc phổ nhạc

Tiếp nối mạch cảm xúc của những bài hát lấy cảm hứng từ bài thơ bất hủ “Màu tím hoa sim” của Hữu Loan, chúng tôi hân hạnh giới thiệu bản “Màu tím hoa sim” do nhạc sỹ Song Ngọc phổ thơ. Ảnh bìa: hcmutrans.edu.vn

[footer]