Âm nhạc thời Covid-19: Trống Cơm

Chung tay phòng chống coronavirus bằng lời ca tiếng hát, Kyo York, một chàng trai New York chọn Việt Nam làm quê hương thứ hai, đã sáng tạo nên một phiên bản Trống Cơm chống covid-19 khá thú vị mà Dòng Nhạc Xưa xin được phép gởi đến mọi người hôm nay.

Kyo York hát tiếng Anh ‘Trống cơm – chống Covid-19’ được Đại sứ quán Mỹ khen ngợi

(Nguồn: bài viết của tác giả Hiền Trần & Anh Thư đăng trên ThanhNien.vn ngày 2020-04-04)

Ca sĩ Kyo York bất ngờ cho ra mắt Trống cơm phiên bản tiếng Việt và tiếng Anh nói về Covid-19. Anh hi vọng khán giả sẽ lan truyền thông điệp của ca khúc để cùng nhau phòng chống dịch Covid-19.

Mới đây, trên trang cá nhân, ca sĩ Kyo York gây chú ý khi đăng tải dòng trạng thái chia sẻ về việc chuyển lời bài hát Trống cơm sang phiên bản tiếng Anh nói về dịch Covid-19. Anh viết: “Hôm nay Kyo ra mắt ca khúc ‘Trống cơm – chống Covid-19’. Đây là bài hát dân ca song ngữ siêu dễ thương. Hãy ủng hộ và chia sẻ cùng Kyo nhé, với thông điệp dễ thương cho mùa đại dịch thông qua âm nhạc”. Chia sẻ với Thanh Niên, ca sĩ Kyo York cho biết anh vừa hoàn thành ca khúc và hào hứng công bố với khán giả. Giọng ca Khi cha già đi tiết lộ sản phẩm này chỉ được thu và thực hiện MV trong vòng 4 ngày. Được biết, lời Việt do giảng viên âm nhạc Khúc Đạo Minh viết, còn Kyo York kết hợp dịch sang tiếng Anh. Bên cạnh đó, bài hát còn được bè bởi ca sĩ Thanh Lan (ca sĩ trong nhóm nhạc Cadillac).

ĐỌC TIẾP

Âm nhạc thời Covid-19: Ngày mai ta sẽ đi thăm nhau lại (Phương Thảo – Ngọc Lễ)

Rất nhiều sự ra đi trong cô quạnh, không người thân yêu mà chúng ta hằng chứng kiến mỗi ngày sẽ mãi mãi là hình ảnh ám ảnh nhất về đại nạn Covid-19. Dòng Nhạc Xưa xin trân trọng giới thiệu sáng tác mới nhất của Phương Thảo – Ngọc Lễ có tựa đề ‘Ngày mai ta sẽ đi thăm nhau lại’, nhạc phẩm như một lời an ủi, vỗ về những ai phải chịu khổ đau vì cơn thảm họa kinh hoàng này.

Tâm sự của chính tác giả khi phát hành MV (Nguồn: Youtube)

Phương Thảo & Ngọc Lễ xin gởi đến các bạn MV – Ngày Mai Ta Sẽ Đi Thăm Nhau Lại ghi lại tâm trạng của mình trong những ngày dịch. Những lo âu về dịch bệnh, hoang mang về tương lai, và mong ước cho một ngày mai chúng ta lại được trở lại cuộc sống bình thường như trước. MV được thực hiện quanh quẩn trong nhà, ngoài sân, và trên mái nhà. Cám ơn các bạn đã đón nhận bài hát mới của Thảo Lễ trong thời gian cuộc sống đầy biến động này. Chúc tất cả chúng ta cùng nhau bình yên qua biến cố này.

ĐỌC TIẾP

Thu Hiền: giọng dân ca sao gợi nhắc Hồ Gươm.

Khi nói đến những giọng hát để lại dấu ấn sâu đậm và đặc trưng nhất cho phong cách âm nhạc miền Bắc, người yêu nhạc không thể không nhắc đến ca sỹ Thu Hiền, giọng hát mượt mà đã chuyên chở không biết bao nhiêu giai điệu dân trong suốt 50 năm qua. Mỗi khi chị cất tiếng, mỗi lần nhìn chị đằm thắm trong chiếc áo dài, mỗi dịp tận mắt chứng kiến chị chỉn chu cho một tiết mục biểu diễn, chúng ta như được chìm đắm trong không gian âm nhạc của một Hà Nội xưa. Mượn một lời ca trong bản ‘Hà Nội, đêm trở gió’ của nhạc sỹ Trọng Đài & nhà thơ Chu Lai, Dòng Nhạc Xưa xin giới thiệu tiếng hát vượt thời gian của nghệ sỹ Thu Hiền.

NSND Thu Hiền: Ánh hừng đông sau cơn bão xa bờ

(Nguồn: bài viết của tác giả Trang Dung đăng trên DoiSongPhapLuat.com ngày 2019-03-24)

Nuốt nước mắt với những đắng cay để thoả đôi cánh vút cao trên những bản nhạc tình, bước chân xuống góc tối sau cánh gà, người nghệ sĩ lấy nghề làm lẽ sống vẫn luôn lặng lẽ, âm thầm “sống là cho đâu chỉ nhận riêng mình”.

Hiếm có người nghệ sĩ nào giống với NSND Thu Hiền. Một mái tóc pha sương, một nụ cười hiền ẩn sau tâm hồn mang nhiều tâm sự. Giữa chốn phù hoa đô hội, chị tự nhận mình chỉ là người xưa nơi thành cũ, trung thành với lối sống dung dị không ồn ào.

Đọc tiếp

Dã tràng ca (Trịnh Công Sơn)

‘Dã tràng ca’ hay còn gọi ‘Trường ca Tiếng hát Dã Tràng’ là một trong số ít sáng tác theo thể loại trường ca trong kho tài độ sộ 600 bản nhạc của nhạc sỹ Trịnh Công Sơn. Nhân dịp nhạc phẩm này được lưu hành trở lại, Dòng Nhạc Xưa xin giới thiệu đến người yêu nhạc tác phẩm ít được biết đến của nhạc sỹ họ Trịnh.

‘Dã tràng ca’ – tác phẩm ‘bí ẩn’ của Trịnh Công Sơn

(Nguồn: bài viết của tác giả Tiểu Vũ đăng trên motthegioi.vn ngày 2019-03-04)

Nhạc sỹ Trịnh Công Sơn. Ảnh: motthegioi.vn

Từ ngày ra đời cho đến nay, tác phẩm “Dã tràng ca” của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn mới chỉ được trình diễn đúng một lần, vì thế xung quanh ca khúc này vẫn còn phủ một màn sương huyền thoại.

Trong danh mục hơn 600 tác phẩm âm nhạc mà nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã sáng tác lúc sinh thời, Dã tràng ca là một tác phẩm khá bí ẩn. Cho dù đã được biết đến và công khai văn bản từ lâu, đây vẫn là một tác phẩm mà đa số công chúng chưa được biết đến, chưa từng nghe, thậm chí không có một hình dung nào về nó. Trong khi những người đã từng may mắn chứng kiến sự ra đời của tác phẩm này, thì cũng chỉ còn nhớ về Dã tràng ca một cách không đầy đủ, và có phần mơ hồ.

Đọc tiếp

Ca sỹ Minh Diệu

Nói đến Mạnh Phát, chúng ta không thể nào không nhắc đến người bạn đời của ông: ca sỹ Minh Diệu. Tuy nhiên thông tin chúng tôi có được về người nữ ca sỹ có chất giọng trong trẻ này rất ít. Qua bài viết này Dòng Nhạc Xưa xin giới thiệu đôi nét về cô Minh Diệu và rất mong bạn đọc xa gần bổ sung thêm tư liệu để thế hệ sau có cái nhìn rõ hơn về những giọng ca tiền bối.

Theo Hồ Trường An, tác giả của “Theo chân những tiếng hát” (nguồn):
Minh Diệu hơi thấp người, mặt dịu hiền nhưng không đẹp lắm. Chị là vợ của Mạnh Phát, dáng dấp hơi cục mịch, ăn mặc nhã đạm, không ra dáng dấp nghệ sĩ chút nào. Giọng chị êm dịu trong trẻo, nói theo Thế Lữ là “Tiếng hát trong như nước Ngọc Tuyền / Êm như hơi gió thoảng cung tiên”. Đã vậy, giọng lại còn non mướt và nói theo Ôn Như Hầu Nguyễn Gia Thiều trong Cung Oán Ngâm Khúc: “Hoa xuân nọ còn phong nộn nhụy / Nguyệt thu kia chưa hé hàn quang”. Đó là tiếng hát tài tử hơn là tiếng hát chuyên nghiệp gợi nên cái vẻ non mềm của búp lá nụ hoa. Tuy nhiên gần cuối thập niên 40 và bước qua ba năm đầu của thập niên 50, đây là tiếng hát ăn khách nhất. Giới học sinh say mê tiếng hát của chị. Các cô nữ sinh tập hát theo chị, nhái giọng chị, cố ém tiếng mình vào trong sâu cuống họng để được trong trẻo và ngời sáng như tiếng chị. Nhưng than ôi, một trăm cô ém như vậy thì tiếng chỉ có chát chát chua chua đi thèm theo cái âm sắc trong trẻo kia, chứ đâu được vừa trong trẻo, vừa ngọt ngào như giọng của Minh Diệu. Nhạc sĩ Dương Minh Ninh sở dĩ nổi tiếng ở bản “Gấm Vàng” cũng nhờ giọng Minh Diệu. Hoàng Giác nổi tiếng ở bản “Ngày Về” cũng nhờ chị. Bản “Hoa Thủy Tiên” mà phổ biến sâu rộng trong các trường học nếu không nhờ chị thì nhờ ai? Cho nên Minh Diệu là người đã gây một hiện tượng sôi nổi trong ca trường nhạc giới nước nhà đang độ vươn cao. Tiếng hát của chị thật chân phương, biểu dương một tình tình giản dị, một tâm hồn chất phác.

Ca sỹ Giáng Thu

Trong một bài viết trước về ca nhạc sỹ Mạnh Quỳnh (trước năm 1975), chúng tôi có đề cập đến ca sỹ Giáng Thu mà ngày đó đã kết hợp với Mạnh Quỳnh thành một cặp song ca ăn ý. Nếu như lớp nhạc Nguyễn Văn Đông có đôi Chế Linh – Thanh Tuyền thì bên Lê Minh Bằng có Mạnh Quỳnh – Giáng Thu nổi danh không kém. Dòng Nhạc Xưa không có nhiều tư liệu về ca sỹ Giáng Thu. Có người nói cô lai Ấn, cũng có người nói cô lai Pháp nên Giáng Thu sở hữu một khuôn mặt rất sáng sân khấu, cộng với giọng ca mộc mạc đầy tính tự sự, cô là giọng ca để lại dấu ấn một thời trong sinh hoạt âm nhạc Miền Nam trước 1975. Tuy nhiên sau 1975, cô ít xuất hiện và thời gian sau này gần không còn tham gia nhiều hoạt động văn nghệ nên chông chúng ít có dịp thưởng lãm giọng ca lừng lẫy thuở nào.

Chúng tôi xin mời bạn yêu nhạc nghe lại bản “Tuyết lạnh” với hai giọng ca Mạnh Quỳnh – Tuyết Thu.

Hình ca sỹ Giáng Thu trong một đĩa nhạc xưa.

Giáng Thu – Những Khúc Tình Ca Dang Dở

(Nguồn: trang Nhạc Xưa trên Facebook)

Giọng ca Giáng Thu là một khám phá của nhóm Lê Minh Bằng. Cô đến với sinh hoạt ca nhạc từ cuối thập niên 60s rồi nhanh chóng tạo cho mình một chỗ đứng trong lòng công chúng.

Đọc tiếp

Danh ca Tâm Vấn & mùa thu trong nhạc Đặng Thế Phong

Chúng tôi vừa có dịp hòa mình vào không khí se lạnh của một Hà Nội cuối thu. Đêm, ngồi trong quán vắng bên bờ hồ, văng vẳng tiếng hát liêu của Thanh Thúy từ chiếc máy Akai cũ của anh bạn yêu nhạc xưa. Dòng Nhạc Xưa xin giới thiệu một bài viết của tác giả Cát Linh ghi lại tâm sự của danh ca Tâm Vấn, một trong những nữ ca sỹ đầu tiên đưa các sáng tác bất hủ của Đặng Thế Phong đến gần công chúng Hà Nội ngày xưa.

Con thuyền không bến (Đặng Thế Phong). Ảnh: AmNhacMienNam.blogspot.com

Mùa thu của Đặng Thế Phong qua lời của danh ca Tâm Vấn

(Nguồn: bài viết của tác giả Cát Linh đăng trên rfa.org ngày 2017-07-24)

Nhạc sĩ Đặng Thế Phong và sáng tác Con thuyền không bến.

Có những người nhạc sĩ trong suốt cuộc đời sáng tác của mình chỉ để lại cho thế nhân số ca khúc đếm không hết một bàn tay. Đó là cố nhạc sĩ tài hoa Đặng Thế Phong cùng ba ca khúc bất hủ với những lời nhắc nhớ về ông của một nữ danh ca đã hát nhạc của ông cách đây 71 năm, nữ danh ca Tâm Vấn.

Ngoài hiên giọt mưa thu thánh thót rơi. Trời lắng u buồn, mây hắt hiu ngừng trôi. Nghe gió thoảng mơ hồ trong hơi thu, ai khóc ai than hờ… Trời thu đến nơi đây gieo buồn lây. Lộng vắng bốn bề không liếp che gió về. Ai nức nở quên đời châu buông mau, dương thế bao la sầu…” (Giọt mưa thu)

Vĩnh biệt danh ca Tâm Vấn (1934 – 2018)

Chúng tôi vừa nhận được tin buồn về sự ra đi của một trong những giọng ca nữ thuộc thế hệ đầu tiên của nền tân nhạc Việt Nam: danh ca Tâm Vấn. Dòng Nhạc Xưa xin chân thành chia buồn cùng gia quyến và cầu nguyện cho linh hồn bà mau chóng về chốn hạnh phúc vĩnh hằng. (Xin quý vị yêu nhạc tìm hiểu thêm về giọng ca Tấm Vấn qua một bài viết đã đăng trước đây.)

Vĩnh biệt nữ danh ca Tâm Vấn

(Nguồn: bài viết của tác giả Lê Quang Thanh Tâm đăng trên Màn Ảnh Sân Khấu Online ngày 2018-07-04)

Nữ danh ca Tâm Vấn vừa qua đời lúc 9 giờ tối, ngày thứ Ba, 3/7/2018, tại thành phố Hồ Chí Minh, hưởng thọ 85 tuổi.

Danh ca Tâm Vấn. Ảnh: maskonline.vn

Tâm Vấn có tên khai sinh là Dương Thị Vân, là một trong những danh ca cuối cùng của nước ta còn sống cho đến ngày hôm nay. Những ai yêu nhạc mới ở Hà Nội vào nhũng năm 1950 đến 1952 hẳn không quên được nữ ca sĩ Tâm Vấn. Có một giọng ca đầy quyến rũ kèm theo bóng dáng của một nữ sinh ngoài 20 tuổi xinh tươi khả ái, bà đã gây nên bao sôi nổi trong tâm tư giới học sinh và nghệ sĩ của đô thành hoa lệ.
Bà sinh ngày 16/7/1934 tại Hà Nội trong một gia đình buôn bán, Tâm Vấn có giọng ca lả lướt đầy rung cảm ngay từ thuở còn nhỏ. Giọng ca ấy được nhạc sĩ Trần Văn Nhơn chú ý đến khi nền nhạc mới bắt đầu phát triển mạnh mẽ tại Hà Nội.

Tinh hoa đất Bắc giữa miền Nam sau 1954

Sau cuộc đại di cư 1954, rất nhiều tinh hoa văn hóa của miền Bắc như bắt gặp được môi trường cởi mở, hiền hòa của miền Nam nói chung và Sài Gòn nói riêng nên đã phát triển mạnh mẽ và hòa lẫn vào nền văn hóa chung của dân tộc. Dòng Nhạc Xưa xin giới thiệu một bài viết của của tác giả Phạm Công Luận đăng trên Thanh Niên để người yêu nhạc hiểu thêm về đời sống tinh thần của một thời Hòn Ngọc Viễn Đông.

Sài Gòn hồi mới vào

(Nguồn: bài viết của tác giả Phạm Công Luận đăng trên thannien.vn ngày 2017-01-25)

Những ngày giáp tết giữa thập niên 1950, người dân khu Hòa Hưng bắt gặp những cụ đồ già người bắc vừa di cư vào nam ngồi trên vỉa hè đường Chason (Phạm Hồng Thái) gần chợ Hòa Hưng. Họ bày bán những liễn đối chữ Hán viết sẵn trên giấy điều.

Những giọng ca vàng: Paolo Thanh Tuấn

Sinh năm 1946, ca sỹ Paolo (nghệ danh khác là Paolo Thanh Tuấn, Paolo Đào hay Paolo Tuấn) bước lên sân khấu từ khi tuổi đời còn khác trẻ (năm 16 tuổi) và lập tức gây tiếng vang với dòng nhạc ngoại, đặc biệt là thể loại rock. Dòng Nhạc Xưa xin giới thiệu bài phỏng vấn của anh với Thanh Niên để người yêu nhạc có thêm thông tin về một trong những rocker đầu tiên của nhạc Việt.

Gặp lại ca sĩ Việt hát rock đầu tiên tại Sài Gòn

(Nguồn: bài viết của tác giả Dạ Ly đăng trên ThanhNien.vn ngày 2018-05-25)

Dù bước qua tuổi 70 nhưng ca sĩ Paolo (tên thật Đào Thiệu Doãn, một trong 2 ca sĩ nhạc rock đầu tiên tại Sài Gòn) vẫn phong độ, hóm hỉnh. Đây là lần thứ hai anh trở về hát trên quê hương sau hơn 10 năm xa quê.

Ban nhạc The Black Caps với nhạc sĩ Paolo Đào (giữa) (1964). (Hình: Kỳ Phát cung cấp)

* Một người được xem là ca sĩ tiên phong hát rock tại Sài Gòn, ngày đó khi mới bắt đầu sự nghiệp chắc anh gặp nhiều cặp mắt “dò xét, tò mò” và cả lạ lẫm ?

– Ca sĩ Paolo: Nói tôi là ca sĩ đầu tiên hát nhạc rock tại Việt Nam cũng không hẳn thế bởi vì trước tôi vài tháng có một ca sĩ người Anh tên Jimmy Zavier cũng bắt đầu bằng nhạc rock cùng ban nhạc The Blue Jean Boys. Nhóm thường xuất hiện tại sân khấu của Rạp hát Thanh Bình. Thời điểm đó anh Elvis Phương cũng bắt đầu hát

những bài hát rock cùng lúc với tôi. Lúc đầu tôi lấy nghệ danh là Thanh Tuấn (sau này đổi thành Paolo – NV) cùng với ban nhạc The Black Caps. Khi tôi xuất hiện tại phòng trà Anh Vũ trên đường Bùi Viện thì thành công ngay. Tôi còn nhớ đêm đầu tiên xuất hiện là ngày 30.6.1962 khi tôi vừa tròn 16 tuổi. Ngày ấy trên toàn thế giới phong trào nhạc rock đã bắt đầu lan rộng. Đầu tiên tại Mỹ, sau đó là Pháp với hàng loạt tên tuổi như mọi người đã biết. Tại Việt Nam, khán giả đang ao ước đón chờ dòng nhạc rock. Vậy nên sự xuất hiện của tôi đã đáp ứng được mong đợi từ khán giả, đó cũng là một điều tự nhiên. Nhạc rock còn là một bước tiến mới trên lĩnh vực ca nhạc và sự đáp ứng đòi hỏi của khán thính giả cũng hợp lý. Còn về ý kiến “dò xét” theo tôi chắc trong giới ca nhạc sĩ sân khấu không thiếu những ý nghĩ và phê bình nhiều về tôi cũng như về phong trào nhạc rock này. Lúc ấy tôi chỉ nghĩ mình đang làm được một cái gì đó để đóng góp cho nền âm nhạc Việt Nam cũng như trào lưu âm nhạc thế giới, vậy thôi.