Mưa rừng

Trong làng văn nghệ Việt Nam, ‘Mưa rừng’ có lẽ là một hiện tượng đặc biệt nhất, có một không hai. Lý do thật đơn giản: dưới hình thức nào (cải lương, kịch nói, phim điện ảnh, phim truyền hình và ca nhạc) thì ‘Mưa rừng’ đều thành công và để lại dấu ấn khó phai mờ. Khởi đi là một vở tuồng cải lương của hai soạn giả Hà Triều – Hoa Phượng viết năm 1961 với sự tham gia diễn xuất của Thanh Nga, ngôi sao sáng chói của sân khấu Sài Gòn ngày nào, ‘Mưa rừng’ sau này được dựng lại trên sân khấu kịch nói, rồi điện ảnh và cả truyền hình. 

ĐÔI NÉT VỀ VỞ TUỒNG ‘MƯA RỪNG’
(Nguồn: Wikipedia)

Trong một chuyến đi chơi tắm suối ở Tây Nguyên, một nhóm soạn giả trong đoàn cải lương Thanh Minh-Thanh Nga gồm: Nguyễn Phương, Hà Triều, Hoa Phượng, Kiên Giang Hà Huy Hà phải trọ qua đêm trong một buôn bản người Thượng vì mưa to không về được. Khi họ đang vui chơi thâu đêm tại nhà ông chủ bản thì từng tràng tiếng hú của người rừng trổi lên giữa cơn mưa bão tạo cảm giác rùng rợn. Hà Triều, Hoa Phượng viết tuồng “Mưa Rừng” nổi tiếng dựa trên bối cảnh đó. Tuồng cải lương thành công rực rỡ do Thanh Nga đóng và được đánh giá là sự kiện “cháy vé” lúc bấy giờ.

Câu chuyện lấy bối cảnh một đồn điền. Khanh được ông chủ đồn điền mướn lên từ thành phố để làm cai phu, anh rất được mọi người thương mến. K’Lai, cô gái dân tộc, người giúp việc nhà cho ông Tịnh thầm yêu anh nhưng anh lại yêu Tuyền, cô dâu trưởng của ông Tịnh, có chồng là Thuyết bị điên vốn nhốt riêng trong phòng không cho ai biết trừ K’Lai. Em trai của Thuyết đem lòng si mê K’Lai, hắn tìm cách đuổi Khanh đi. Chán ngán cảnh ba đường, anh bỏ đi làm cho Tuyền và K’Lai đau khổ.[1]

Ở rừng, hằng đêm có những tiếng hú ghê rợn vọng về, người ta mê tín cho rằng do những người phu chết trong đồn điền. Khanh lợi dụng tình cảm của K’Lai để điều tra phát hiện tiếng hú đó là của Thuyết, bị gia đình xích chân tại một nơi kín đáo, chỉ có K’Lai hàng ngày đem cơm đến.[1]

Câu chuyện hé mở rằng Thuyết đã bắn chết cha K’Lai. Để trả thù, K’Lai xin vào giúp việc và dùng lá thuốc rừng trộn vào thức ăn đầu độc Thuyết khiến cho anh ta điên. Vì danh dự gia đình, ông Tịnh nói dối mọi người rằng Thuyết đã chết. Khanh thuyết phục K’Lai tìm thuốc cứu Thuyết hết điên. Thuyết chứng kiến vợ mình tỏ tình với Khanh, anh ghen toan giết Tuyền thì ông Tịnh đến. Tưởng Thuyết còn điên nên ông bắn chết Thuyết để cứu con dâu.[1]

Khanh và Tuyền đã rộng đường để tới với nhau, nhưng đối với K’Lai thì là sự mất mát lớn. Cô bỏ đồn điền, từ chối tình yêu với Bằng. Khanh cũng bỏ đi lần nữa vì tự thấy mình hèn hạ khi lợi dụng tình cảm của K’Lai để đạt ý nguyện của mình.[1]

Tất cả chia tay giữa tiếng Mưa Rừng tạo nên một kết thúc buồn.

Thầy cai lên ngựa về rồi!
Sao K’Lai còn đứng bên đồi ngó theo.
Mưa rừng gió lạnh đìu hiu!
Em mang gùi nhỏ đựng nhiều nhớ thương

BẢN NHẠC ‘MƯA RỪNG’

Bài hát nhạc vàng cùng tên “Mưa rừng” được Hà Triều, Hoa Phượng nhờ nhạc sĩ Huỳnh Anh viết riêng cho Thanh Nga năm 1961 khi tuồng cải lương đã gần kề -do lúc đó Huỳnh Anh đang tập ca tân nhạc cho Thanh Nga. Bài hát nhanh chóng nổi tiếng theo vở tuồng năm 61 và bộ phim năm 62 khẳng định tên tuổi Huỳnh Anh. Trong một buổi phỏng vấn thu hình với Nguyễn Ngọc Ngạn, trong Paris By Night 74 năm 2004 Huỳnh Anh đã ngỏ ý cám ơn và biết ơn Thanh Nga vì điều này.[1][2]. Bài hát nhanh chóng được phát đi phát lại nhiều lần trên làn sóng của đài Phát Thanh Sài Gòn và về sau được nhiều danh ca trình bày lại như Sơn Ca, Thanh Thúy, Phương Dung, Thanh Tuyền, Mộng Tuyền…đều thành công, trở thành một trong những ca khúc yêu thích nhất miền Nam Việt Nam lúc đó.

BỘ PHIM ĐIỆN ẢNH ‘MƯA RỪNG’
(Theo hồi ký của đạo diễn Lê Dân)

Bắt đầu được chú ý từ phim đầu tiên của chúng tôi, mấy năm sau Kiều Chinh vào vai quan trọng trong phim Mưa rừng của đạo diễn Thái Thúc Nha, Giám đốc Hãng phim Alpha. Phim này quy tụ nhiều diễn viên nổi tiếng: Kim Cương, Kiều Chinh, Lê Quỳnh, Hoàng Vĩnh Lộc, Năm Châu, Xuân Phát, Ngọc Phu… Đây là bộ phim màu đại vĩ tuyến đầu tiên của Việt Nam, được in rửa và thâu thanh tại Nhật Bản. Phim được giải Tượng Vàng với cốt truyện hay nhất, do dạo diễn Thái Thúc Nha chuyển thể từ kịch bản sân khấu của hai tác giả Hà Triều và Hoa Phượng.

Mưa rừng là một câu chuyện tình cảm hư cấu, nhiều tình tiết ly kỳ và hấp dẫn, đoạn kết buồn với những cuộc tình tan vỡ, chia ly.

Mưa rừng ơi! Mưa rừng! Hạt mưa nhớ ai mưa triền miên? Phải chăng mưa buồn vì tình đời, Mưa sầu vì lòng người, duyên kiếp không lâu?

Bài hát cùng tên với bộ phim Mưa rừng ấy, Hà Triều và Hoa Phượng đã nhờ nhạc sĩ Huỳnh Anh viết riêng cho Thanh Nga. Bài hát nhanh chóng nổi tiếng theo vở tuồng cải lương năm 1961 và bộ phim năm 1962. Trải qua hơn nửa thế kỷ, câu chuyện Mưa rừng được liên tục trình diễn qua nhiều thế hệ nghệ sĩ: Hữu Phước, Thanh Nga, Ngọc Đức, Kim Cương, Kiều Chinh, Lê Quỳnh, Út Trà Ôn, Thành Được, Thanh Sang, Mộng Tuyền, Bạch Tuyết, cho đến thế hệ sau: Khánh Hoàng, Trịnh Kim Chi, Quốc Thái, Anh Vũ, Lê Khánh, Lệ Thủy, Thanh Ngân, Tú Sương, Quế Trân…

Đồng thời, bài hát của Huỳnh Anh cũng được phát đi phát lại trên đài phát thanh, về sau được nhiều danh ca trình bày: Sơn Ca, Thanh Thúy, Phương Dung, Thanh Tuyền, Mộng Tuyền… Tất cả đều thành công, và bài hát trở thành một trong những ca khúc được yêu thích một thời ở miền Nam Việt Nam.

[footer]