Ở hai đầu nỗi nhớ (Phan Huỳnh Điểu – Trần Hoài Thu)

Trong làng nhạc Việt, tài năng phổ thơ của nhạc sỹ Phan Huỳnh Điểu xứng đáng được xếp vào một trong những vị trí cao nhất. Hôm nay [dongnhacxua.com] xin mạn phép đăng lại bài viết của nhà báo Hà Đình Nguyên để người yêu nhạc  xưa hiểu thêm về bản “Ở hai đầu nỗi nhớ”, một bản tình ca đẹp dựa trên bài thơ cùng tên của nhà thơ Trần Đình Chính.

BÁI THƠ ‘Ở HAI ĐẦU NỖI NHỚ’ 
(Nguồn: ThiVien.net)

Có một không gian nào
Đo chiều dài nỗi nhớ?
Có khoảng mênh mông nào
Sâu thẳm hơn tình thương?

Anh đang ở Pai-lin
Rừng khộp khô trong nắng
Thương em chiều mưa lạnh
Muốn gửi chút nắng hồng

Ở đầu này nỗi nhớ
Anh mơ về bên em
Ngôi sao như xuống thấp
Cho ta gần nhau hơn

Ở đầu kia nỗi nhớ
Nằm đếm tiếng mưa rơi
Đếm mấy triệu hạt rồi
Mà chưa vơi nỗi nhớ
Ở hai đầu nỗi nhớ
Yêu và thương sâu hơn
Ở hai đầu nỗi nhớ
Nghĩa tình đằm thắm hơn

(Mùa hè 1980)
(Trần Hoài Thu)

Bài thơ này là mối tình đầu của tác giả với một cô sinh viên văn khoa Sài Gòn đi cùng đoàn của Sở Thương nghiệp sang Campuchia xây dựng mạng lưới bán hàng. Năm 1984, bài thơ lần đầu được đăng trên báo Nhân Dân. Bài thơ đã được nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu phổ nhạc năm 1987. Năm 2013, bản quyền của bài thơ được bán với giá 300 triệu đồng cho ông Nguyễn Xuân Hàn.

NHỮNG BÓNG HỒNG TRONG THƠ NHẠC: Ở HAI ĐẦU NỖI NHỚ 
(Nguồn: bài viết của nhà báo Hà Đình Nguyên đăng trên ThanhNien.com.vn ngày 16.09.2014)

Năm 2004, người viết có dịp gặp “nhạc sĩ của tình yêu” Phan Huỳnh Điểu, ông bảo, trong gia tài ca khúc phổ thơ của mình, một trong những bài ông tâm đắc nhất là Ở hai đầu nỗi nhớ (phổ từ thơ Trần Hoài Thu).

Nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu. Ảnh: ThanhNien.com.vn
Nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu. Ảnh: ThanhNien.com.vn

Trong những đêm nằm nghe tiếng mưa rơi ngoài hiên, mưa lướt trên mái nhà, mưa xuyên qua cành lá… mà bật máy, nghe Bảo Yến hát: “Đêm nghe tiếng mưa rơi, đếm mấy triệu hạt rồi, mà chưa vơi nỗi nhớ… Ở hai đầu nỗi nhớ, yêu và thương sâu hơn. Ở hai đầu nỗi nhớ, nghĩa tình đằm thắm hơn”, thì chắc là những kẻ đang yêu (chưa kể là phải cách xa) đều nghe tim mình thổn thức, nhớ nhung. Đặc biệt, có lẽ Bảo Yến là một trong những giọng ca chuyển tải được hết cái da diết, khắc khoải đầy tâm trạng của một người đang nhớ đến người yêu nơi xa xôi, diệu vợi giữa một đêm mưa thê thiết.

2 năm trước, có dịp ngồi chung xe với một số nhạc sĩ đi về Bến Tre (trong đó có nhạc sĩ Quốc Dũng – chồng của ca sĩ Bảo Yến), tôi nói với anh: “Bảo Yến hát Ở hai đầu nỗi nhớ rất tuyệt. Thích nhất là những đoạn intro, nhạc dẫn…”. Mắt Quốc Dũng sáng lên, cười bảo: “Mình phối đó!”. Vâng, quá hay, từ bài thơ đến người phổ nhạc, người phối.

Trai Hà Nội, gái Sài Gòn

Tác giả bài thơ là một nhà thơ nghiệp dư. Anh tên thật là Trần Đình Chính, sinh năm 1955 tại Hà Nội, học Trường cấp 3 Trần Phú và được lệnh nhập ngũ vào năm cuối cấp (lớp 10, năm 1973). Vào Nam chiến đấu, có lần Trần Đình Chính suýt hy sinh trong một cuộc giao tranh ở vùng tiếp giáp hai tỉnh Cần Thơ và Vĩnh Long vào giai đoạn cuối của cuộc chiến.

Cởi áo lính, Trần Đình Chính theo học Khoa Ngữ văn (Trường ĐH Tổng hợp Hà Nội). Ra trường, được nhận vào Báo Nhân Dân, rồi anh được phân công vào đoàn cán bộ, chuyên gia sang Campuchia hỗ trợ bạn làm báo (dù lúc này Chính chỉ là phóng viên thực tập).

Cùng thời gian ấy cũng có một đoàn của Sở Thương nghiệp TP.HCM sang giúp bạn xây dựng mạng lưới bán hàng. Trong đoàn này có Mai Đào, từng là sinh viên Văn khoa Sài Gòn. Tại thủ đô Phnom Penh nước bạn, định mệnh đã xui khiến Trần Đình Chính gặp và yêu Mai Đào. Ngày ấy, Chính 24 tuổi còn Mai Đào mới 20. Chàng dân Hà Nội, nàng người Sài Gòn. Tên của nàng góp cả hai loài hoa tượng trưng cho mùa xuân ở Sài Gòn và Hà Nội, và nàng cũng đẹp như hoa xuân. Phnom Penh lúc đó hoang vắng bởi bọn Pol Pot vừa tháo chạy khỏi thủ đô. Những lúc rảnh rỗi, Chính thường đưa Mai Đào đi thăm các đền chùa cổ kính. Đêm đến, đôi tình nhân sánh vai nhau ngồi ngắm sao, để sau này những giây phút ấy khắc sâu trong nỗi nhớ của Trần Đình Chính: “Ngôi sao như xuống thấp. Cho ta gần nhau hơn”.

Thế nhưng, họ chỉ hạnh phúc bên nhau khoảng một năm, bởi thời điểm mới giải phóng, còn nặng xét lại thành phần lý lịch “bên này, bên kia”. Rồi gia đình của Mai Đào phải rời Sài Gòn đi kinh tế mới ở Sông Bé, cô phải về nước phụ cha mẹ, còn Trần Đình Chính cũng được gọi về Hà Nội (tháng 4.1980) sau một năm rưỡi sống trên nước bạn.

Đêm nghe tiếng mưa rơi

Những đêm mưa ở Hà Nội luôn làm Chính vật vã, nhớ nhung đến khổ sở. Trong lòng cứ tự hỏi “Người ấy bây giờ ra sao rồi?”. Nằm ở Hà Nội mà nghĩ về một nơi nào đó ở Sông Bé – cả một không gian cách trở (dạo ấy, điều kiện giao thông còn rất hạn chế).

Nhà thơ Trần Đình Chính. Ảnh: ThanhNien.com.vn
Nhà thơ Trần Đình Chính. Ảnh: ThanhNien.com.vn

Và, vào một đêm mưa Hà Nội với nỗi nhớ cồn cào như thế, Trần Đình Chính đã ngồi bật dậy làm thơ: “Có một không gian nào/Đo chiều dài nỗi nhớ?/Có khoảng mênh mông nào/Sâu thẳm hơn tình thương?/Anh đang ở

Pha-lin(*)/Rừng khộp khô trong nắng/Thương em ngoài ấy lạnh/Muốn gởi chút nắng rừng/Chào Phnom Penh mến yêu… Ở đầu này nỗi nhớ/Anh mơ về bên em/Ngôi sao như xuống thấp/Cho ta gần nhau hơn/Ở đầu kia nỗi nhớ/Nằm đếm tiếng mưa rơi/Đếm mấy triệu hạt rồi/Mà chưa vơi nỗi nhớ/Ở hai đầu nỗi nhớ/Yêu và thương sâu hơn/Ở hai đầu nỗi nhớ/Nghĩa tình đằm thắm hơn” (Mùa hè 1980).

Bài thơ được làm trong 8 phút. Dưới bài thơ, anh ký tên Trần Hoài Thu (sau này anh lấy bút danh đặt tên cho con gái). Bốn năm sau (1984), bài thơ được đăng trên Báo Nhân Dân. Năm 1987, bài thơ “lọt vào mắt xanh” của nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu và với khả năng phổ nhạc bậc thầy, “Nhạc sĩ của tình yêu” (danh hiệu này do nhạc sĩ Nguyễn Xuân Khoát đặt cho) đã chắp cánh cho bài thơ phổ nhạc bay cao, bay xa…

Cho đến bây giờ, hơn 30 năm sau, không ai biết “người đẹp mang tên hai loài hoa xuân” đang ở đâu giữa dòng đời xuôi ngược. Riêng tác giả bài thơ thì lại có một cuộc đời đầy trắc trở, một hậu sự buồn: cuộc hôn nhân đầu đổ vỡ, sau đó anh tái hôn với một nữ đồng nghiệp còn khá trẻ. Nhưng hạnh phúc chưa được bao lâu thì anh phát hiện bị chứng bệnh tiểu đường giai đoạn cuối. Anh lìa trần ngày 9.5.2014, thọ 60 tuổi.

Hà Đình Nguyên

[footer]

Hương thầm (Phan Thị Thanh Nhàn – Vũ Hoàng)

Có một dạo, không phải là quá xưa, khoảng giữa thập niên 1980, giai điệu chậm và đẹp của bản “Hương thầm” rất phổ biến trong những người trẻ như chúng tôi. Khi đó [dongnhacxua.com] cứ ngỡ đây là một bài hát sáng tác để kêu gọi các bạn trẻ góp sức bảo vệ Tổ Quốc trong cuộc chiến với Trung Quốc những năm 1978, 1979 và 1988. Thế nhưng sau này, khi có nhiều thông tin hơn, chúng tôi mới biết được bản “Hương thầm” là nhạc sỹ Vũ Hoàng phổ từ một bài thơ của nhà thơ nữ Phan Thị Thanh Nhàn viết  cách đó khá lâu, năm 1969. Hôm nay, để thế hệ sau hiểu thêm về nhạc xưa, [dongnhacxua.com] xin trân trọng giới thiệu đôi nét về “Hương Thầm”.

BÀI THƠ “HƯƠNG THẦM”
(Nguồn: tkaraoke.com)

Khung cửa sổ hai nhà cuối phố
Không hiểu vì sao không khép bao giờ .
Đôi bạn ngày xưa học cùng một lớp
Cây bưởi sau nhà ngan ngát hương đưa .

Giấu một chùm hoa sau chiếc khăn tay ,
Cô gái ngập ngừng sang nhà hàng xóm ,
Bên ấy có người ngày mai ra trận

Họ ngồi im không biết nói năng chi
Mắt chợt tìm nhau rồi lại quay đi ,
nào ai đã một lần dám nói ?

Hoa bưởi thơm cho lòng bối rối
Anh không dám xin ,
Cô gái chẳng dám trao
Chỉ mùi hương đầm ấm thanh tao
Không dấu được cứ bay dịu nhẹ .

Cô gái như chùm hoa lặng lẽ
Nhờ hương thơm nói hộ tình yêu .

( Anh vô tình anh chẳng biết điều
Tôi đã đến với anh rồi đấy …)

Rồi theo từng hơi thở của anh
Hương thơm ấy thấm sâu vào lồng ngực
Anh lên đường
Hương thơm sẽ theo đi khắp

Họ chia tay
Vẫn chẳng nói điều gì
Mà hương thầm thơm mãi bước người đi

“HƯƠNG THẦM” – KÝ ỨC VỀ MÙA HOA BƯỞI NĂM ẤY
(Nguồn: vnExpress.net)

Bài hát được phổ nhạc từ thơ của Phan Thị Thanh Nhàn đã trải qua 30 năm tồn tại nhưng vẫn tỏa hương bền bỉ như một trái tim mang khát vọng hòa bình và yêu thương.

Có những loài hoa trở nên bất tử vì một bài thơ hay một bài ca. Đó là “hoa sữa” của nhạc sĩ Hồng Đăng, “màu tím hoa sim” trong thơ của Hữu Loan, “hoa sứ nhà nàng” trong nhạc của Hồng Phương… Tất nhiên khi điểm danh sách ấy, không thể quên “hoa bưởi” trong Hương thầm của nhạc sĩ Vũ Hoàng, phổ thơ Phan Thị Thanh Nhàn.

Bưởi là một thứ cây phổ biến ở nhà quê. Cây dễ trồng, dễ chăm sóc, quả lại rất lành. Đến tháng ba, khi “mưa xuân phơi phới bay”, cũng là lúc bưởi ra hoa. Đầu làng, cuối xóm, bỗng đâu ngào ngạt hương thơm. Đó là thứ hoa âm thầm đến lạ, chưa thấy hình đã thấy hương, còn chưa kịp thấy bóng hoa, người đã ngây ngất vì mùi thơm thanh khiết.

Hoa bưởi luôn tỏa hương thơm ngào ngạt. Photo: vnExpress.net
Hoa bưởi luôn tỏa hương thơm ngào ngạt. Photo: vnExpress.net

Người xưa chơi hoa thường chuộng hương hơn chuộng sắc. Bởi thế những thứ hoa rực rỡ như mẫu đơn, hải đường, phù dung, thược dược… vẫn thường bị các cụ chê là “hữu sắc vô hương”, giống như người đàn bà đẹp mà không có duyên. Hoa bưởi thì ngược lại, “hữu hương vô sắc”: hương thơm thì vô cùng nhưng dáng hình lại mộc mạc.

Hoa có năm cánh đầy đặn, trắng muốt; uốn cong cong về phía cuống, khoe nhụy vàng thơm phức. Hoa bưởi một khi đã nở, ít khi nở vài bông hay vài chùm, mà thường nở một loạt, nở cả cây. Khắp những vòm lá xanh tươi là những chùm bông trắng tinh ẩn hiện. Hoa bưởi giản dị lắm nhưng lại quyến rũ như người thôn nữ có duyên ngầm.

Trước Phan Thị Thanh Nhàn, hoa bưởi đã xuất hiện trong ca dao và nhiều nhất là trong thơ Nguyễn Bính. Nhiều người vẫn thuộc câu ca “Trèo lên cây bưởi hái hoa” hay những dòng tươi thắm tả cảnh mùa xuân “Đầy vườn hoa bưởi hoa cam rụng – Ngào ngạt hương bay, bướm vẽ vòng” (Nguyễn Bính). Nhưng phải đến Phan Thị Thanh Nhàn, hoa bưởi mới trở thành nhân vật chính trong một bài thơ.

Bài thơ ấy mang tên Hương thầm, tác giả sáng tác để tặng người em ruột tên là Phan Hữu Khải. Hồi ấy nhà bà ở Yên Phụ, trong sân có cây bưởi, cứ độ tháng ba về là hương thơm ngào ngạt. Em trai bà thường nhặt hoa rụng và hái hoa tươi cho vào túi để chị xách đi làm.

Ở lớp, có một bạn gái có vẻ rất gắn bó gần gũi với Khải nhưng anh không hay biết, chỉ có người chị đa cảm là để ý. Rồi anh lên đường đi bộ đội, ở chiến trường có lần được nghe Đài tiếng nói Việt Nam ngâm bài thơ, anh viết thư về kể cho chị. Phan Thị Thanh Nhàn chưa kịp hồi âm bà sáng tác bài thơ ấy từ chuyện của anh thì anh đã hy sinh. Anh ngã xuống mà không hề biết rằng mình đã được chị gái tặng riêng cho một bài thơ.

Nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn từng chia sẻ trên báo: “Hương thầm cứ lặng lẽ, đến người đưa tiễn cũng không hay biết, ngay cả khi nằm xuống đất lạnh rồi vẫn không hay biết”.

Hương thầm sau đó được giải nhì cuộc thi thơ của tuần báo Văn nghệ năm 1969. Đến năm 1984, bài thơ được nhạc sĩ Vũ Hoàng phổ nhạc, như được chắp thêm đôi cánh để càng vươn xa hơn đến mọi miền của tổ quốc.

Hương thầm bắt đầu bằng hình ảnh những khung cửa để ngỏ. Hai người bạn “thanh mai trúc mã” lớn lên bên nhau với cây bưởi là chứng nhân lặng lẽ:

“… Khung cửa sổ hai nhà cuối phố
Chẳng hiểu vì sao không khép bao giờ,
Đôi bạn ngày xưa học chung một lớp
Cây bưởi sau nhà ngan ngát hương đưa…”

Nhà phải có cây bưởi mới biết hoa bưởi hữu dụng đến mức nào. Hoa bưởi được người ông đem ướp với trà để đãi khách những mùa sau. Người bà tần tảo đem hoa bưởi ướp với mía lùi làm quà ngon cho các cháu. Những ngày nóng nực, người mẹ đem hoa bưởi rắc lên bát chè đậu đen ngọt lành. Người chị để hoa trong vuông khăn giắt trong túi áo hoặc cài lên mái tóc để làm điệu.

Trẻ con dùng chỉ xâu qua những đóa hoa để kết thành vòng tay, vòng cổ xinh xắn. Lại có khi hoa được giắt lên mái đầu khi các em chơi trò cô dâu chú rể. Chàng trai và cô gái nhà bên có lẽ đã lớn lên với những kỷ niệm dịu ngọt từ những mùa hoa bưởi đi qua như thế.

“… Giấu một chùm hoa trong chiếc khăn tay
Cô bé ngập ngừng sang nhà hàng xóm
Bên ấy có người ngày mai ra trận
Bên ấy có người ngày mai đi xa…”

Những rung động đầu đời chưa kịp gửi trao thì chàng trai đã phải ra trận, “xếp bút nghiên theo nghiệp binh đao”. Ở một mùa hoa bưởi khác trong thơ của Tô Hùng một cuộc biệt ly như thế cũng đã diễn ra:

“Mỗi mùa xuân thơm lừng hoa bưởi
Rắc trắng vườn nhà những cánh hoa vương
Em lại nhớ ngày xưa anh ra trận
Cũng giữa mùa hoa bưởi ngát hương”

“Của tin gọi một chút này làm ghi”, cô bé hái một chùm hoa bưởi, giấu trong khăn tay định tặng người ra trận. Chỉ một từ “ngập ngừng” thôi mà như diễn tả được bao nét ngại ngùng, bẽn lẽn của người thiếu nữ dịu dàng.

“Nào ai đã một lần dám nói
Hương bưởi thơm cho lòng bối rối
Cô bé như chùm hoa lặng lẽ.
Nhờ hương thơm nói hộ tình yêu”.

Thời ấy, tình yêu trong sáng lắm. “Tình trong như đã, mặt ngoài còn e”. Người thiếu nữ đoan trang e thẹn chẳng dám mở lời. Chàng trai, đứng trước cuộc sinh ly tử biệt, dù trong lòng có tình cảm cũng phải kìm nén, sợ nói ra nhỡ có bề gì, trở thành gánh nặng cho người ở lại.

Trong thơ của Phan Thị Thanh Nhàn, sự bối rối ấy được diễn tả rõ hơn: “Họ ngồi im không biết nói năng chi – Mặt chợt tìm nhau rồi lại quay đi”; “Hoa bưởi thơm cho lòng bối rối – Anh không dám xin – Cô gái chẳng dám trao”.

Tình yêu thời chiến là thế: kín đáo, âm thầm nhưng không kém phần nồng nàn lãng mạn. Vì lý tưởng, họ sẵn sàng lên đường, ấp trong tim một khối tình chẳng bao giờ dám ngỏ. Có những người lính ngã xuống vẫn chưa từng một lần được yêu, chưa từng được nếm vị ngọt ngào của bờ môi thiếu nữ:

“Em ơi rất có thể
Anh chết trong chiến tranh
Đôi mươi tươi đạn xé
Chưa bao giờ được hôn”
(Hôn – Phùng Quán)

Hoa bưởi còn có thể làm thành vòng tay cho người thiếu nữ. Photo: vnExpress.net
Hoa bưởi còn có thể làm thành vòng tay cho người thiếu nữ. Photo: vnExpress.net

Nếu mùi hương hoa bưởi đã nói hộ tấm lòng người thiếu nữ, thì Hương thầmcó thể coi là thay lời muốn nói của cả một thế hệ đã trải qua tuổi thanh xuân đẹp nhất của mình nơi chiến trường:

“… Hai người chia tay nhưng chẳng nói điều chi
Mà hương thầm theo mãi bước người đi
Hai người chia tay sao chẳng nói điều gì?
Mà hương thầm vương vấn mãi người đi…”

Không một lời yêu nào được ngỏ, không một lời hứa hẹn nào được trao. Chỉ có những câu hỏi không lời đáp để lại bao xao xuyến trong lòng người nghe.

Tròn 30 năm Hương thầm được phổ nhạc, có rất nhiều ca sĩ đã thử sức với bài hát này. Nhưng có lẽ Bảo Yến là người thể hiện thành công hơn cả. Giọng hát của chị chân phương, mộc mạc, không luyến láy điệu đà như nhiều ca sĩ sau này, cũng giống như hoa bưởi không phô trương mà vẫn nồng nàn.

Người ta vẫn thương hoa bưởi vì để lại mùi hương rất lâu. Hoa đã tàn rồi mà trên tay, trong nếp áo, mái đầu của người hái hoa vẫn còn thoang thoảng mùi hương. Hương thầm cũng vậy, 45 năm thành hình dưới dạng bài thơ, 30 dưới dạng nhạc, vẫn tỏa hương bền bỉ như khát vọng tình yêu và hòa bình vẫn chẳng bao giờ thôi trăn trở trong tim người Việt.

[footer]