Như một nén nhang lòng thắp lên cầu mong cho linh hồn nhạc sỹ Nguyễn Đình Toàn sớm siêu thoát về miền cực lạc, DòngNhạcXưa xin gởi đến người yêu nhạc bản nhạc nổi tiếng mà ông viết cuối thập niên 1970, khi ông còn đang ở trong trại tù cải tạo. Thông qua những bạn tù đã được thả trước đó, nhạc phẩm này vượt đại dương để có mặt trong băng cassette ‘Người di tản buồn’ xuất bản năm 1979 tại hải ngoại.
Có một chi tiết thú vị là trong bản ghi âm này, Khánh Ly đã hát ‘đâu rộn ràng giọng hát Thái Thanh’, trong khi bản gốc mà Nguyễn Đình Toàn muốn viết ‘đâu rộn ràng giọng hát Khánh Ly’. Sau này, khi đã sang Mỹ, nhạc sỹ có tâm sự sở dĩ ông dùng tên ‘Khánh Ly’ vì ông và ca sỹ có một mối thâm giao trước đó khi còn ở Sài Gòn; và hơn nữa chữ ‘Ly’ đi có vần hơn với những câu trước:
Sài Gòn ơi! Đâu những ngày mưa mùa khoác áo đi Tay cầm tay nói nhỏ câu gì Đâu quầy hoa quán nhạc đêm về Đâu rộn ràng giọng hát Khánh Ly
Còn riêng Khánh Ly thì cho biết cô không muốn tự hát về bản thân và cũng vì lòng mến mộ với đàn chị Thái Thanh nên trong lần ghi âm đầu tiên cô đã hát hai chữ ‘Thái Thanh’. Sau này, những ai hiểu chuyện đều đã hát đúng nguyên tác: ‘đâu rộn ràng giọng hát Khánh Ly’.
Đôi lời góp vui để thấy cái cách đối xử thật tế nhị của giới văn nghệ sỹ thời xưa!
DòngNhạcXưa mời quý vị trở về với ánh đèn màu của phòng trà ca nhạc của Sài Gòn xưa để tìm hiểu tiếp về “bà bầu” Khánh Ly và “tiếng hát liêu trai” Thanh Thúy cùng hai phòng trà nổi tiếng nhất nhì thời đó là Queen Bee và Tự Do.
Phòng trà ca nhạc Sài Gòn xưa: Bà bầu ra tòa vì… nốt ruồi dưới chân?
DòngNhạcXưa tiếp tục giới thiệu hai phòng trà ca nhạc Sài Gòn xưa là Queen Bee và Maxim’s do Khánh Ly và Hoàng Thi Thơ khai thác với hai phong cách khác nhau.
Phòng trà ca nhạc Sài Gòn xưa: Bà bầu bất cần đời và phòng trà đại gia
Dòng Nhạc Xưa xin mời quý vị yêu nhạc trở về với phòng trà Tự Do tọa lạc tại số 80 đường Tự Do (nay là đường Đồng Khởi) qua bài 4 trong loạt bài của ký giả Lê Văn Nghĩa.
Phòng trà ca nhạc Sài Gòn xưa: Mặt trăng và mặt trời ở phòng trà Tự Do
Với một lực lượng ca sĩ, ban nhạc hùng hậu và nổi tiếng, cộng với lợi điểm nằm giữa trung tâm thành phố, phòng trà Tự Do của ông Ngô Văn Cường xuất hiện đều trên các mặt báo lúc đó.
Đà Lạt là nơi chốn đi về quá quen thuộc với nhạc sỹ Trịnh Công Sơn vì ông đã có nhiều năm dạy học ở B’lao (huyện Bảo Lộc ngày nay). Cũng từ những lần đi về đó, tình cảm với Đà Lạt đã nảy sinh trong lòng nhà nhạc sỹ đa sầu đa cảm họ Trịnh của chúng ta. DòngNhạcXưa xin mời quý vị tiếp tục quay về với Đà Lạt một thời hương xa qua bài viết của tác giả Nguyễn Vĩnh Nguyên.
Đà Lạt, một thời hương xa: Tuổi đá buồn của Trịnh Công Sơn
[dongnhacxua.com] cũng như hàng triệu con tim yêu nhạc xưa chắc hẳn không khỏi xót xa và đau buồn khi biết tin nhạc sỹ Nguyễn Ánh 9 đã ra đi mãi mãi. Cầu chúc linh hồn ông mau an nghỉ chốn vĩnh hằng và cho phép chúng tôi gởi lời chia buồn sâu sắc nhất đến gia quyến nhà nhạc sỹ đáng kính!
ĐÔI NÉT VỀ NHẠC SỸ NGUYỄN ÁNH 9 (Nguồn: wikipedia)
Ông tên thật là Nguyễn Đình Ánh, sinh ngày 1 tháng 1 năm 1940 tại tỉnh Phan Rang, Việt Nam (cũng có nguồn viết ông sinh năm 1939). Ông là út trong một gia đình khá giả có ba người con. Gia đình Nguyễn Đình Ánh chuyển đến Nha Trang và năm ông 11 tuổi thì vào Sài Gòn.
Nguyễn Đình Ánh theo học trường Taberd đến năm 1954 rồi lên Đà Lạt, ở nội trú trường Yersin cho đến năm 1958. Ông bỏ nhà đi năm 18 tuổi để theo đuổi con đường âm nhạc.[1] Ông tập chơi dương cầm từ nhỏ và trong thời gian học ở Đà Lạt, Nguyễn Đình Ánh có quen biết với nhạc sĩ Hoàng Nguyên và được Hoàng Nguyên dìu dắt vào con đường âm nhạc.
Trong số khoảng 400 ca khúc của Trịnh Công Sơn thì những bản có tựa ngắn gọn gồm 2 từ như “Diễm xưa”, “Tình xa”, “Cát bụi”, v.v. là những bài theo DòngNhạcXưa là đặc sắc nhất trong kho tàng âm nhạc đồ sộ của nhà nhạc sỹ. Trong bài viết “Diễm của những ngày xưa“, chúng tôi đã giới thiệu đối nét để người yêu nhạc xưa hiểu thêm về tình cảm giữa Trịnh Công Sơn và cô Ngô Thị Bích Diễm. Trong bài viết này, DòngNhạcXưa trân trọng gởi đến quý vị bản “Hạ trắng” bất hủ.
Ở Huế mùa hạ, ve kêu râm ran trên những tàn cây như một giàn hợp xướng và nắng nóng oi bức như địa ngục. Thêm vào đó còn có gió Lào. Vừa tắm xong là người đã ướt đẫm mồ hôi. Bao nhiêu nhiên liệu tích lũy tích lũy trong cơ thể đều tan ra thành nước. Những đồ vật và áo quần cũng có cảm giác như vừa rút trong lò lửa ra. Những mặt đường gần như bốc khói với nhiệt độ 42- 43 độ.
Có một mùa hạ năm ấy tôi bị một cơn sốt nặng, nhiệt độ trong người và bên ngoài bằng nhau. Tôi nằm sốt mê man trên giường không còn biết gì. Và bỗng có một lúc nào đó tôi cảm thấy hương thơm phủ ngập cả căn phòng và tôi chìm đắm vào một giấc mơ như một cơn mê sảng. Tôi thấy mình lạc vào một rừng hoa trắng thơm ngào ngạt, bay bổng trong không gian đó. Ðến lúc tỉnh dậy người ướt đẫm mồ hôi và tôi nhìn thấy bên cạnh giường có một người con gái nào đó đã đến cắm một bó hoa dạ lý hương trắng rất lớn. Chính cái mùi thơm của dạ lý hương đã đưa tôi vào giấc mơ kia. Giấc mơ trong một mùa hạ nóng bức.
Trong vùng tôi ở, quanh đó chỉ có một nhà duy nhất trồng dạ lý hương nên tôi biết ngay người mang hoa đến là ai.
Sau một tuần lễ tôi hết bệnh. Nghe tin bố người bạn đang hấp hối tôi vội vàng đến thăm. Ông chẳng có bệnh gì ngoài bệnh nhớ thương và buồn rầu. Câu chuyện rất đơn giản. Hai ông bà đã lớn tuổi thường nằm chung trên một sập gụ xưa. Cứ mỗi sáng bà cụ thức dậy sớm và xuống bếp nấu nước sôi để pha trà cho ông cụ uống. Một buổi sáng nọ, cũng theo thường lệ, bà cụ xuống bếp bị gió ngã xuống bất tỉnh và chết. Mấy người con ở gần đó tình cờ phát hiện ra và đưa bà cụ về nhà một người để tẩm liệm. Sau đó chôn cất và giấu ông cụ. Tất nhiên, khi ông cụ thức dậy hỏi con, mẹ các con đi đâu rồi, thì họ trả lời là mẹ sang nhà chúng con để chăm sóc mấy cháu vì chúng bị bệnh. Vài ngày sau vẫn chưa thấy bà về ông mới trầm ngâm hỏi các con có phải mẹ các con đã chết rồi phải không. Lúc ấy mọi người mới khóc òa lên. Từ đó ông nằm trên sập gụ một mình cơm không ăn, trà không uống cho đến lúc kiệt sức và đi theo bà cụ luôn.
Câu chuyện này ám ảnh tôi một thời gian. Và sau đó tôi kết hợp giấc mơ hoa trắng mùa hạ với mối tình già keo sơn này như áo xưa dù nhầu cũng xin bạc đầu gọi mãi tên nhau để viết nên bài “Hạ Trắng”.
Trong nền tân nhạc Việt Nam, có nhiều kết hợp rất độc đáo như Đoàn Chuẩn – Từ Linh, Lê Uyên – Phương, v.v. Trong số đó, theo thiển ý của [dongnhacxua.com], sự kết hợp gần như là định mệnh giữa Khánh Ly và Trịnh Công Sơn là đặc biệt hơn cả và đó như một làn gió mới, thổi mát tâm hồn của biết bao thế hệ yêu nhạc xưa.
Tuổi đá buồn (Trịnh Công Sơn), một trong số những bản nhạc Khánh Ly hát lần đầu tiên ở Quán Văn. Ảnh: AmNhacMienNam.blogspot.com
KHÁNH LY CÔNG BỐ SỰ THẬT VỀ ‘MỐI TÌNH’ VỚI TRỊNH CÔNG SƠN (Nguồn: bài viết của tác giả Vương Hà đăng trên NguoiDuaTin.vn)
Trong số những bóng hồng đi vào nhạc phẩm của Trịnh Công Sơn không có Khánh Ly người phụ nữ thân thiết, “một người bạn của định mệnh vĩnh viễn thương yêu nhau”. Nhưng Khánh Ly lại thấy trong tất cả các ca khúc của Trịnh đều có bóng dáng của mình.
Có một thời, Trịnh sáng tác chỉ để Khánh Ly ca. Mười năm gắn bó “duyên tình âm nhạc” để làm nên một “nữ hoàng chân đất”, một Khánh Ly hát nhạc Trịnh mãi về sau khó có giọng ca nào vượt qua…
Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn và Khánh Ly thời trẻ. Ảnh: NguoiDuaTin.vn
Giọng ca Đà Lạt thành… “nữ hoàng chân đất”
Nhớ về Trịnh, Khánh Ly tiết lộ, Trịnh Công Sơn gặp chị trong hộp đêm Tulipe Rouge tại Đà Lạt. Thời gian ấy, nhiều người nói, Trịnh Công Sơn đang đắm say với giọng hát Thanh Thúy “liêu trai” nhưng khi nghe giọng hát Khánh Ly, ông đã bị hút hồn và tìm cách gặp chị. Những bạn bè của Trịnh cũng từng xác nhận chuyện này, vào năm 1965 tại Đà Lạt mộng mơ, Trịnh Công Sơn tình cờ nghe được giọng hát Khánh Ly. Ông biết ngay giọng hát của cô ca sỹ này hợp với những bản nhạc của mình nên mời chị tham gia. Thời gian sau, Khánh Ly rời Đà Lạt xuống Sài Gòn và trở thành giọng ca chuyên hát nhạc Trịnh Công Sơn.
Khi Trịnh Công Sơn gặp Khánh Ly, chị chưa nổi tiếng, đến cuối năm 1965, họ có buổi ra mắt đầu tiên tại trường Đại học Văn khoa với hàng ngàn sinh viên và trí thức. Bằng chiếc đàn thùng đơn giản, Khánh Ly hát say xưa những bài tự tình quê hương và thân phận con người đã làm đắm say hàng ngàn khán giả cuồng nhiệt đêm đó. Cứ thế, những buổi biểu diễn liên tiếp tại các trường đại học, các tụ điểm ca nhạc công cộng khiến Trịnh Công Sơn và Khánh Ly trở thành hiện tượng âm nhạc, và trở thành thần tượng của giới trẻ khi ấy.
Trịnh Công Sơn và Khánh Ly thường đi hát không công, không thù lao chủ yếu cho khán giả trẻ nơi giảng đường của các trường đại học. Trịnh Công Sơn dáng người mảnh khảnh, cặp kính trắng, giọng nói nhỏ nhẹ xứ Huế với cuộc sống của một lãng tử. Khánh Ly khi hát đi chân đất, khiến khán giả quen, yêu quý mà gọi chị là “nữ hoàng chân đất”. Chị hát bằng cả tấm lòng người nghệ sỹ yêu hết mình những giai điệu của nhạc Trịnh. Nhiều văn nghệ sỹ khi ấy, coi họ là một hình ảnh lý tưởng cho nghệ thuật, nhất là nghệ thuật ca hát – mang lý tưởng nhân đạo và tình yêu thể hiện sự dấn thân.
Kể lại thời kỳ những năm 60 cơ cực, đói khổ nhưng đầy hạnh phúc ấy, Khánh Ly nói: “Thực sự tôi rất mê hát. Không mê hát thì tôi không có đủ can đảm để đi hát với anh Sơn mười năm mà không có đồng xu, cắc bạc nào. Thời ấy, tôi phải chịu đói, chịu khổ, chịu nghèo, không cần biết đến ngày mai, không cần biết đến ai cả, mà vẫn cảm thấy mình cực kỳ hạnh phúc, cảm thấy mình sống khi được hát những tình khúc của Trịnh Công Sơn”.
Hai người đi với nhau tạo thành hình ảnh “lứa đôi”, một đôi trai gái trong tình bạn trong sáng, hồn nhiên. Khánh Ly – Trịnh Công Sơn tạo thành một đôi bạn trẻ muốn phá vỡ quan niệm xưa cũ. Trong dư luận khi ấy, không ít người tò mò, định kiến, nhưng Trịnh là người tiếng tăm mà không tai tiếng, ngay từ thời đó, Trịnh khẳng định: “Tôi và Khánh Ly chỉ là hai người bạn. Thương nhau vô cùng, trên tình bạn”.
Bóng dáng ngập tràn nhưng không có… cuộc tình
Trong những tuyệt phẩm của Trịnh luôn có những bóng hồng, khi sâu sắc, lúc thoáng qua như hư ảo. Nhưng những bóng hồng ấy vẫn gọi được thành tên, gọi chung cho những cuộc tình đôi khi chỉ là chút tình nghệ sỹ đơn phương hay nhè nhẹ như chút nắng cuối thu. Riêng Khánh Ly không có cuộc tình với Trịnh Công Sơn, song định mệnh đã gắn kết hai người bằng tình yêu ca hát. Khánh Ly giã từ Đà Lạt theo Trịnh Công Sơn về Sài Gòn khi mới hơn 20 tuổi.
Khánh Ly hiện nay. Ảnh: NguoiDuaTin.vn
Nhiều người đã cho rằng trời sinh ra Khánh Ly để hát nhạc Trịnh Công Sơn. Chị yêu thương Trịnh như một người bạn, một người anh, một người thầy…. Đôi khi trước mặt những người khác, Trịnh vẫn la rầy Khánh Ly như một cô học trò nhỏ. Khánh Ly cũng chỉ biết cười buồn.
Không duyên tình lứa đôi, nhưng Khánh Ly và Trịnh Công Sơn gắn bó với nhau bằng định mệnh. Hơn 17 năm, sau ngày Khánh Ly rời Việt Nam, họ gặp lại nhau tại Canada. Đối diện với Trịnh, chị vẫn nhỏ bé như ngày xưa, luôn yêu thương và kính trọng…
Khánh Ly nhớ lại: “Chúng tôi ôm choàng lấy nhau, lúc này tôi mới cảm nhận chúng tôi thật sự có nhau, không phải trong một giấc mơ kéo dài 17 năm. Hình như chúng tôi có cách nói mà chỉ hai chúng tôi mới hiểu được. Một cách nói ở bốn con mắt im lặng… Tất cả những điều cần nói, chính là những điều không bao giờ nói bằng lời”.
Họ đi dạo, im lặng bên trời Tây xa lạ mà cảm thấy gần gũi nhau như thuở người từ Sài Gòn ra Huế thăm nhau. Khánh Ly đã chia sẻ về buổi gặp nhau ấy: “Bao nhiêu ngày tháng đi qua giữa chúng tôi. Anh vẫn không bao giờ thay đổi, tôi cũng thế. Cả hai không thắc mắc về đời sống của nhau bởi 30 năm trước không hỏi thì 30 năm sau cũng không hỏi… Tôi quý những giây phút ở bên anh và tôi nghĩ, anh sẽ nói với tôi điều cần nói, nếu có”.
Với Trịnh Công Sơn, một điều chắc chắn bất cứ một người con gái nào đến với ông, đem đến cho ông dù một chút tình vẫn được ông nâng niu đón nhận. Còn riêng với Khánh Ly, ông coi đó là cuộc gặp gỡ của định mệnh vĩnh viễn yêu thương nhau. Một người hát cho một thời vừa lãng mạn vừa đau thương trong chiến tranh – hay nhất. Cảm nhận điều ấy, Khánh Ly luôn khẳng định ở họ là “mối liên hệ cao hơn, đẹp đẽ hơn, thánh thiện hơn là những tình cảm đời thường”.
Mười năm bên cạnh Trịnh Công Sơn, Khánh Ly đã gắn với tên tuổi của Trịnh đến nỗi không thể tách rời. Khánh Ly vẫn nói: “Tuy không có một ca khúc nào của Trịnh Công Sơn viết riêng cho tôi, nhưng tôi vẫn có cảm tưởng hầu hết những ca khúc của Trịnh Công Sơn đều được viết cho Khánh Ly”. Cũng có lẽ vì thế, Khánh Ly là một trong số những người hiểu rất rõ ca từ, cũng như tâm ý phần lớn ca khúc của Trịnh.
Sau năm 1975, Khánh Ly ra hải ngoại, đi khắp thế giới với nghiệp cầm ca nhưng không bao giờ chị rời bỏ tên Trịnh Công Sơn bên cạnh cuộc đời của mình. Ngày 1/4/2001, khi Trịnh Công Sơn nằm xuống, Khánh Ly đã từng nói rằng: “Tôi đã chết nửa cuộc đời theo Trịnh Công Sơn!”.
Cuộc điện thoại nửa vòng trái đất nghe Khánh Ly mở lòng về sự “thành nhân” và “thành danh”
Khánh Ly tên thật là Nguyễn Thị Lệ Mai sinh năm 1945 tại Hà Nội. Từ nhỏ chị theo gia đình vào sinh sống tại Đà Lạt và hiện đang sống tại Mỹ. Cách nhau nửa vòng trái đất, tôi gọi điện cho Khánh Ly khi ấy ở Việt Nam đã gần trưa cũng là lúc gần khuya của giờ Mỹ ngày hôm trước. Giọng nói truyền cảm của Khánh Ly, qua điện thoại rõ ràng, không khác là bao khi chị cất giọng hát trên sân khấu. Tôi hỏi thăm sức khỏe, Khánh Ly cho biết, chị vẫn tham gia những chương trình ca nhạc ở hải ngoại. “Dù đã có tuổi, nhưng khán giả vẫn thương, mỗi tuần Khánh Ly vẫn nhận show và đi diễn khắp nơi như ở Mỹ, châu úc, châu Âu. Chương trình gần nhất, Khánh Ly sẽ đi hát cho kiều bào ở Thái Lan”, Khánh Ly cho biết. Khánh Ly cũng chia sẻ, trong những chương trình chị biểu diễn khán giả vẫn muốn được nghe những nhạc phẩm của Trịnh Công Sơn. Mỗi lần cất lên lời ca của nhạc Trịnh, cho dù ông đã đi xa, Khánh Ly thể hiện như một tấm lòng tri ân với người mà “từ ông tôi thành danh và quan trọng hơn cả là tôi được thành nhân”, chị nói.