Tiếp nối chủ đề “Hoa trong nhạc“, Dòng Nhạc Xưa trân trọng giới thiệu một sáng tác đậm chất Nam bộ của nhạc sỹ Hà Phương: Bông điên điển. Theo tâm sự của nhạc sỹ thì “đó là dịp ông về vùng Láng Linh (An Giang), thấy các cô gái chèo xuồng hái bông điển điển thật đẹp. Hỏi ra mới biết, đó là những cô gái về xứ này làm dâu. Ý tứ đó đã gợi cảm hứng cho ông sáng tác.” (Nguồn: CaiLuongVietNam.com). Ca từ mộc mạc, giai điệu mang âm hưởng điệu ru, câu hò vùng sông nước Mê Kông và qua giọng ca mùi mẫn của Phi Nhung đã làm nên một “Bông điên điển” đi sâu vào lòng người yêu nhạc.
Đôi nét về cây điên điển
(Nguồn: wikipedia)
Điên điển hay điền thanh thân tía, điền thanh bụi có tên khoa học là Sesbania sesban, là một loài cây thuộc họ Đậu (Fabaceae). Bông điên điển được xem là một loại rau ở miền đồng bằng Nam Bộ của Việt Nam. Người ta sử dụng nó làm dưa chua, nấu canh, làm gỏi trộn thịt gà. Cây này còn một tác dụng nữa là cải tạo đất khi sử dụng làm phân xanh, do rễ của nó cũng giống như rễ của các loài cây thuộc họ Đậu khác, có các vi khuẩn nốt sần cố định đạm sống cộng sinh. Là loài cây hoang dã nên nó dễ thích nghi với môi trường, có sức cạnh tranh mãnh liệt với sâu bệnh và các cây cỏ khác.