Trong ký ức của mỗi người Việt Nam chúng ta, hình ảnh về ‘căn nhà xưa’, nơi chúng ta sinh ra và lớn lên có lẽ là những kỷ niệm khó phai mờ nhất. Dù ta đi đến phương trời nào, dù ta được chiêm ngắm bao nhiêu công trình kỳ vỹ nhưng mái nhà đơn sơ, chái bếp, hàng hiên, gốc cây, luống hoa,… ở ngôi nhà cũ vẫn cứ mãi là niềm rung động, là miền hoài niệm không nguôi. Trong tâm tình ấy, DòngNhạcXưa xin giới thiệu bản ‘Căn nhà xưa’ của nhạc sỹ Nguyễn Đình Toàn.
“Em có nhớ căn nhà xưa bên khu vườn cải? Nơi những sớm mai nằm nghe nắng giòn trên mái …”. Chúng tôi trở lại căn nhà xưa đó ở Đà Lạt giữa những ngày báo chí đề cập nhiều đến chuyện giữ hồn cốt Đà Lạt.
Nhắc đến Đà Lạt, người yêu nhạc thường hay nhớ đến hoa đào qua tuyệt tác “Ai lên xứ hoa đào” của Hoàng Nguyên. Tuy nhiên lẫn trong số những loài hoa góp vào vườn âm nhạc đủ màu sắc, chúng ta còn bắt gặp Mimosa. DòngNhạcXưa xin tiếp tục chủ đề “Hoa trong nhạc” với bài viết giới thiệu loài hoa đặc trưng cho xứ “Ngàn hoa”.
Hoa “Mimosa” Đà Lạt – lại thêm một “ngộ sự văn hóa”
Có đến 2 loài hoa được gọi chung tên là Mimosa ở Đà Lạt nhưng đều thuộc chi Keo Acacia, không thuộc chi Trinh nữ Mimosa.
1.Chi Trinh nữ (danh pháp khoa học: Mimosa – có nghĩa là Trinh nữ) là một chi khoảng 400 loài cây thân thảo và cây bụi, thuộc phụ họ Trinh nữ (Mimosoideae) trong họ Đậu (Fabaceae), lá kép hình lông chim với các tên gọi dân dã như xấu hổ, trinh nữ, mai dương v.v. (1). Loài được biết nhiều nhất là Mimosa pudica với tên gọi dân dã là cây xấu hổ hay cây trinh nữ bò lan do các lá của chúng khép lại khi bị chạm vào. Nhiều loài khác cũng khép lá lại vào buổi chiều. Trinh nữ có nguồn gốc ở miền nam Mexico và khu vực Trung Mỹ nhưng đã phổ biến rộng khắp như là một
loài cây cảnh được trồng trong nhà trong các khu vực ôn đới và ngoài vườn trong các khu vực nhiệt đới. Năm 1947 Thailand còn mắc sai lầm khi nhập cây mai dương về để cải tạo đất vì chúng là cây họ đậu. Việc trồng ngoài vườn đã làm cho Mimosa nhanh chóng trở thành một loại cỏ dại và một số loài trong đó trở thành loài xâm hại nguy hiểm ở nhiều nơi (1) .
Chắc hẳn người yêu nhạc xưa đều biết rõ trước khi trở thành nhạc sỹ sáng tác thì Nguyễn Ánh 9 là một nghệ sỹ dương cầm có hạng. DòngNhạcXưa xin giới thiệu một bài viết của tác giả Lâm Viên về duyên âm nhạc của Nguyễn Ánh 9 và người thầy, nhạc sỹ Hoàng Nguyên.
Theo dấu xưa, chuyện cũ: Nguyễn Ánh 9 và cây piano xứ hoa đào
Ông Nguyễn Vũ Hoàng, Giám đốc Trung tâm văn hóa tỉnh Lâm Đồng, cho biết dịp Festival Hoa 2015, Trung tâm văn hóa tỉnh Lâm Đồng khai trương “Không gian kỷ vật văn hóa Đà Lạt”, trong đó có trưng bày 2 cây đàn piano có tuổi đời trên 100 năm, nguyên là đàn của các trường học “Tây” ở TP.Đà Lạt từ trước 1975. …
DòngNhạcXưa đã giới thiệu nhiều ca khúc về Đà Lạt cùng các giai thoại bên lề. Hôm nay xin mời quý vị yêu nhạc xưa lại lắng đọng lòng mình cùng những nhạc phẩm bất hủ về thành phố mộng mơ.
Đà Lạt là nơi chốn đi về quá quen thuộc với nhạc sỹ Trịnh Công Sơn vì ông đã có nhiều năm dạy học ở B’lao (huyện Bảo Lộc ngày nay). Cũng từ những lần đi về đó, tình cảm với Đà Lạt đã nảy sinh trong lòng nhà nhạc sỹ đa sầu đa cảm họ Trịnh của chúng ta. DòngNhạcXưa xin mời quý vị tiếp tục quay về với Đà Lạt một thời hương xa qua bài viết của tác giả Nguyễn Vĩnh Nguyên.
Đà Lạt, một thời hương xa: Tuổi đá buồn của Trịnh Công Sơn
Đà Lạt luôn được các văn nghệ sỹ ưu ái nhờ vào khí hậu mát mẻ, dễ chịu và khung cảnh thiên nhiên quá thơ mộng. DòngNhạcXưa xin trân trọng giới thiệu loạt bài của tác giả Nguyễn Vĩnh Nguyên viết về Đà Lạt xưa.
Đà Lạt một thời hương xa: Người thổi hắc tiêu cho hoa lan
Trong một bài viết về bản “Người ấy” của nhạc sỹ Trần Quý, tức Hồng Vân, chúng tôi có nhắc đến sáng tác có lẽ là nổi tiếng nhất của ông: “Đồi thông hai mộ”. Hôm nay, để người yêu nhạc xưa có thêm thông tin, chúng tôi xin giới thiệu bản nhạc này. [dongnhacxua.com] không có nguồn tư liệu chính xác về thực hư của câu chuyện tình buồn “Đồi thông hai mộ” nhưng nếu đúng như truyền thuyết kể lại thì chúng tôi cầu mong linh hồn của hai nhân vật sẽ được an lạc nơi chốn vĩnh hằng “như lời xưa thề ước”!
ĐÔI NÉT VỀ CÂU CHUYỆN “ĐỒI THÔNG HAI MỘ” (Nguồn: wikipedia.org)
Thắng cảnh Đồi thông hai mộ thường được gắn với những câu chuyện ly kì, tuy nhiên có một câu chuyện được cho là trung thực nhất kể rằng: chàng tên Vũ Minh Tâm, nàng tên Lê Thị Thảo. Chàng quê ở Gò Công, Tiền Giang, sinh trong một gia đình đại điền chủ giàu có, là sinh viên Trường Võ bị Đà Lạt. Nàng:
“… năm ấy khi tuổi vừa đôi chín Tâm hồn đang trắng trong Như chim non khi ăn còn chưa no Khi co còn chưa ấm”
Họ gặp nhau tâm đầu ý hợp, yêu nhau tha thiết và thề non hẹn biển. Tốt nghiệp, chàng về xin cha mẹ trầu cau cưới hỏi… nhưng bị gia đình phản đối kịch liệt vì gia đình nàng không “môn đăng hộ đối” và bắt đi cưới người con gái mà chàng không hề yêu. Chàng đã xin chuyển đến một vùng tuyến đầu lửa đạn để tìm quên… Và rồi, nàng nhận được tin báo tử của chàng từ chiến trường. Đau khổ tột cùng:
“nàng buồn thơ thẩn chẳng còn ngồi trang điểm qua màu phấn Để phai úa đến tàn cả hương sắc tháng ngày luôn héo hon”
Sau đó, nàng tìm đến khu đồi thông bên bờ hồ Sương Mai (sau tình sử này được gọi là hồ Than Thở), nơi hai người xưa kia từng hò hẹn, tự vẫn chết vào ngày 15 tháng 3 năm 1956. Thuận theo nguyện vọng, gia đình đã chôn cất nàng ngay dưới khu đồi thông. Nhưng thật ra người ta đã nhầm khi báo tử, chàng không tử trận và đang trở về thăm nàng. Hay tin nàng chết, Tâm tìm đến mộ nàng vật vã khóc than, sau đó cũng tự tử chết theo để giữ trọn lời thề[6]. Trước khi chết, chàng để lại bức thư tuyệt mệnh với mong ước được yên nghỉ bên cạnh mộ nàng để hai người mãi mãi được gần nhau. Và:
“… mộ chàng đã được ở cạnh nàng Như lời xưa thề ước Nằm hiu hắt đến ngàn thu an giấc dưới mộ sâu đất khô Qua bao năm rêu xanh phủ che kín…”
Tuy nhiên, sau năm 1975, do tuổi cao sức yếu, không thể thường xuyên lên thăm mộ con, cha mẹ chàng đã cho bốc mộ anh đưa về quê. Dù hài cốt chàng đã được dời đi nhưng cảm thương mối tình của hai người, người thân của nàng vẫn để ngôi mộ đôi. Và sau này ngôi mộ được tôn tạo khang trang lại, trở thành điểm tham quan du lịch độc đáo như hiện nay.
Nhân dịp Festival hoa Đà Lạt 2012, Ban tổ chức đã cho trồng toàn hoa tím chung quanh khu mộ.
Trong quá trình tìm tài liệu về nhạc sỹ Hoàng Nguyên, tác giả của “Ai lên xứ hoa đào” nổi tiếng, [dongnhacxua.com] bắt gặp một thông tin thú vị: ông chính là người anh và cũng là người thầy đã dìu dắt nhạc sỹ Nguyễn Ánh 9 bước vào con đường âm nhạc. Chúng tôi xin mạn phép đăng lại bài viết của nhạc sỹ Nguyễn Ánh 9.
Hoàng Nguyên vĩnh viễn ra đi đã gần phần tư thế kỷ, gửi lại cho đời không ít những tác phẩm đáng trân trọng, bởi nét nhạc tài hoa và ca từ thấm đậm, buồn man mác. Có lẽ trong long những người yêu nhạc sẽ mái mái vang vọng những giai điệu đầy kỷ niệm của thời kháng chiến 9 năm chống thực dân Pháp … “Nếu hiểu rằng anh đi vì lũ giặc tham tàn, thì em ơi, em chớ sầu thương chi ! Em thấy chăng khói súng của giặc thù còn mịt mùng và còn che khuất mờ …”. Nhạc sĩ Hoàng Nguyên đã viết ca khúc ‘Anh Đi Mai Về‘ này ở tuổi 20 tràn đầy nhiệt huyết trong bối cảnh cả dân tộc đang trường kỳ kháng chiến. Bài hát tức khắc được đón nhận nồng nhiệt và phổ biến rộng khắp. Hiếm có những nhạc sĩ trẻ xưa nay tìm được thành công dứt khoát ngay tác phẩm đầu tay của mình và nhanh chóng thành danh như anh.
Với tôi, Hoàng Nguyên như vẫn còn ở đâu đó quanh đây và những kỷ niệm với anh còn như mới hôm qua… Anh Hoàng Nguyên – Cao Cự Phúc của tôi. Tôi gặp anh lần đầu tiên cách nay hơn 40 năm, khi đang học Trường Yersin ở Đà Lạt, thành phố thơ mộng sau này đã đi vào các tác phẩm vượt thời gian của anh. Dạo đó, biết tôi là một chú học trò mê âm nhạc có chút năng khiếu, Hoàng Nguyên đã để tâm chăm sóc. Chủ Nhật hàng tuần, anh vào trường nội trú đón tôi ra ”nhà” anh chơi và ân cần truyền đạt cho tôi những kiến thức ban đầu về âm nhạc. “Nhà” anh ở thật ra chỉ là một căn phòng đơn sơ, trong khuôn viên Trường Bồ Đề Đà Lạt, nơi anh đang dạy Anh văn cho các lớp trung học. Một chiếc giường đơn, một bàn viết bằng gỗ thông và một cây đàn guitar treo trên vách. Thời gian đó, Hoàng Nguyên còn phụ trách các buổi phát thanh của Hội Phật giáo trên làn sóng Đà Lạt. Một hôm, tôi rất bất ngờ và hạnh phúc được anh “mời” tham gia ban nhạc phát thanh của anh. Đó là lần đầu tiên tôi bước vào “nghề ca nhạc”, năm 1956.
Năm đó, Hoàng Nguyên đang phác thảo ca khúc Bài Thơ Hoa Đào:
“Chiều nào dừng chân phiêu lãng, Khách đến đây thấy hoa đào vương lối đi…”
Tôi hân hạnh là người ái mộ đầu tiên được anh đàn và hát cho “nghe thử” những âm điệu lời ca lãng đãng sương khói núi đồi của Bài Thơ Hoa Đào. Tôi vẫn nhớ như vừa ra khỏi giấc mơ còn tươi rói: chúng tôi ngồi co ro trong căn phòng nhỏ của anh; bên ngoài trời cao nguyên xam xám và mưa nhỏ. Đằng kia, những cánh hoa đào vừa lìa cành theo cơn gió bất chợt … Hỏi “Chắc anh đã chọn Đà Lạt làm quê hương ?”. Đôi mắt u hoài sau cặp kính trắng của anh hình như chợt xa khuất hơn: “Không, anh chỉ ghé chân để tạm mưu sinh và tìm cảm hứng …”.
Vâng, Hoàng Nguyên chỉ “ghé chân” – như anh viết “dừng chân phiêu lãng” nơi phố núi mù sương này một quãng thời gian ngắn nhưng cũng đủ để anh viết nên hai ca khúc tiêu biểu về một vùng đất thơ mộng dễ yêu: Bài Thơ Hoa Đào và Ai Lên Xứ Hoa Đào, hai ca khúc bất hủ đã làm rung động trái tim nhiều thế hệ người yêu nhạc, mãi mãi gắn chặt nghệ danh của anh với địa danh nổi tiếng này.
“Ai lên xứ hoa đào, dừng chân bên hồ nghe chiều rơi. Nghe hơi giá len vào hồn người, chiều Xuân mây êm trôi. Thông reo bên suối vắng, lời dìu dặt như tiếng tơ …”
Bẵng đi một thời gian, chúng tôi gặp lại nhau ở Sài Gòn khảng đầu thập niên 70. Lúc ấy, tôi đã đi vào lĩnh vực ca diễn và Hoàng Nguyên đã bị động viên vào binh chủng Quân cụ chế độ cũ. Như một số các nghệ sĩ khác cùng thời, buổi sáng anh thường đến uống cà phê ở nhà Thanh Thế, đường Nguyễn Trung Trực. Nghe nói dạo đó tình cảm gia đình anh gặp chuyện không vui. Anh trở nên u uất hẳn và có lẽ vì thế anh đã rất thích bài hát Summertime có âm sắc blues-jazz trầm mặc đang thịnh hành và được phát thường xuyên ở nhà hàng Thanh Thế. Tác phẩm Cho Người Tình Lỡ của anh ra đời khoảng thời gian đó, chịu phần nào âm hưởng khắc khoải của Summertime.
“Nhớ mà chi, đau thương qua rồi Thương mà chi, xót xa cũng đắng cay…”
Năm 70, bài Không của tôi được Khánh Ly thu vào đĩa 45 vòng do Hàng đĩa Tình Ca Quê Hương sản xuất, mặt sau có bài Cho Người Tình Lỡ do Thanh Lan hát. Ngày hãng đĩa trao tặng đĩa hát nói trên cho chúng tôi, Hoàng Nguyên thân mật vỗ vai tôi, thì thầm:”Mau quá Ánh hỉ ? Mới ngày nào ở Đà Lạt, anh em mình nói chuyện âm nhạc nhập môn, bây giờ Ánh đã có bài thu đĩa với anh…”. Vẫn là ngôn phong của một người anh ân cần, trìu mến ! Hoàng Nguyên còn để lại một tác phẩm khác, được yêu mến không kém các ca khúc đã có của anh, mà anh viết về xứ Huế, quê anh: Tà Áo Tím.
“Một chiều lang thang bên dòng Hương Giang Tôi đã gặp một tà áotím, nhẹ thấp thoáng trong nắng vương Mầu áo tím sao luyến thương…”
Hoàng Nguyên đột ngột chia tay với không gian âm nhạc của chúng ta một buổi sáng năm 1973 trong một tai nạn giao thông khi anh từ Vũng tàu trở về Sài Gòn. Ở độ tuổi 50 chín muồi rung động và từng trải cuộc đời. Tôi thầm nghĩ, nếu Hoàng Nguyên chưa vội ra đi chắc chắn ca mục của anh sẽ còn nối tiếp bằng những ca khúc dịu dàng, thanh thoát trong đó nỗi u hoài được nâng lên thành những vần thơ trong vắt…
Đà Lạt có lẽ là một trong những địa danh được ưu ái nhất trong dòng nhạc xưa. Nổi bật trong số rất nhiều tác phẩm về thành phố cao nguyên là bản “Ai lên xứ hoa đào” của nhạc sỹ Hoàng Nguyên. Nhạc sỹ Hoàng Nguyên sinh năm 1932 tại Quảng Trị và mất năm 1973 tại Vũng Tàu trong một tai nạn xe hơi. Chúng tôi không có thông tin về hoàn cảnh sáng tác của bản “Ai lên xứ hoa đào” nhưng chắc rằng những năm tháng dạy học tại Đà Lạt vào thập niên 1950 đã tạo niềm càm hứng cho nhạc sỹ Hoàng Nguyên cho ra đời tác phẩm này.
Đà Lạt, cũng giống một vài đô thị ở Việt Nam, là một trong những vùng đất được rất nhiều nhạc sỹ yêu mến và bởi vậy, rất nhiều ca khúc hay viết về nơi này. Một trong những nhạc sỹ viết về Đà Lạt hay nhất, ấn tượng nhất là Hoàng Nguyên, người nhạc sỹ tài hoa đoản mệnh.
Những ca khúc tuyệt vời ông viết về Đà Lạt được sinh ra chính trong thời gian nhạc sỹ gắn bó với thành phố mù sương, trong tuổi hoa niên tươi đẹp, lãng mạn của chàng thanh niên Hoàng Nguyên.
Nhạc sỹ Hoàng Nguyên tên thật là Cao Cự Phúc, sinh ra ở Quảng Trị vào năm 1932. Theo nhiều thăng trầm của cuộc sống, đầu những năm 1950 ông lên Đà Lạt dạy học ở trường Bồ Đề. Chính những năm gắn bó với nghề gõ đầu trẻ, ông đã có thời gian thỏa mãn thú đam mê âm nhạc của mình. Ca khúc đầu tiên của ông viết về Đà Lạt là ca khúc Bài thơ hoa đào. Có lẽ bởi tới từ vùng đất khô nóng, lần đầu tiên chạm mặt vào hơi sương lạnh, ngắm nhìn màu hoa đào mơ màng, rực rỡ, Hoàng Nguyên đã bật ra xúc cảm để viết những ca từ ca ngợi loài hoa đặc trưng nhất của phố sương: hoa đào.
Chiều nào dừng chân phiêu lãng Khách đến đây thấy hoa đào vương lối đi
Nhưng dù cảm hứng được nảy sinh từ hoa hay sương, nó vẫn không khỏi gắn với tuổi xuân, với tình yêu, với những dáng thiếu nữ áo dài xinh đẹp của phố núi.
Màu hoa in dáng trời Tình hoa in dáng người
Sau một vài năm sống và dạy học ở Đà Lạt, Hoàng Nguyên đã tích đủ tình yêu, sự gắn bó và cảm hứng để viết lên một trong những ca khúc tuyệt vời nhất, ca khúc mà dường như ai cũng biết về Đà Lạt: Ai lên xứ hoa đào. Chắc hẳn rằng, trái tim đôi mươi dâng tràn nhựa sống, tình yêu của chàng trai trẻ mang tâm hồn nhạc sỹ đã vang lên những lời thúc giục, đòi hỏi thốt lên những lời tình nồng nàn. Ngay từ những lời đầu tiên, những nốt nhạc đầu tiên được cất lên, một Đà Lạt mơ huyền, lãng mạn, một Đà Lạt mang đậm “chất Đà Lạt” đã hiện ra trong lòng người nghe.
Ai lên xứ hoa đào dừng chân bên hồ nghe chiều rơi Nghe hơi giá len vào hồn người, chiều xuân mây êm trôi Thông reo bên suối vắng lời dìu dặt như tiếng tơ
Ca từ tuyệt đẹp, giai điệu nhẹ nhàng, ngọt ngào đã mang lại cho “Ai lên xứ hoa đào” một vị trí đặc biệt trong lòng người Đà Lạt, người yêu Đà Lạt và làng âm nhạc Việt. Và dù bài hát đã ra đời quá nửa thế kỷ, mỗi khi nhắc tới Đà Lạt, không ai có thể không nhớ tới ca khúc tuyệt vời ấy.
Không chỉ có “Ai lên xứ hoa đào” và “Bài thơ hoa đào” viết cho Đà Lạt, Hoàng Nguyên còn “Đà Lạt mưa bay” dành cho phố núi. “Đà Lạt mưa bay” vẫn mang dáng dấp một Hoàng Nguyên tài hoa, đa tình với những dáng hình thiếu nữ dịu dàng “Sương mù chiều vương trên làn tóc rối”.
Đà Lạt trong ca khúc Hoàng Nguyên quen mà lạ. Quen bởi những gì ông nhắc tới đều là những điều đặc trưng nhất của phố núi, là sương, là hoa, là thông, là tà áo dài thấp thoáng trong sương. Lạ bởi những hình ảnh thân quen ấy được nhìn qua lăng kính một tâm hồn lãng mạn, một “người phiêu lãng” như ông tự nhận về mình. Ca từ lãng mạn, âm nhạc của ông cũng không khác, nhẹ nhàng, ngọt ngào, tha thiết như một lời tự sự. Giữa tuổi hoa niên cháy bỏng, ông đã trao hết tài năng thiên phú vào những ca khúc dâng tặng thành phố mù sương, nơi ông neo bước trên đường lữ hành xa tít.
Năm 1956, bởi những biến cố bất ngờ Hoàng Nguyên rời Đà Lạt và dường như, theo lời nhạc sỹ Nguyễn Ánh 9, người em và là học trò thân thiết của ông, người được ông dìu dắt trong thời gian dạy học ở trường Bồ Đề, ông ít có dịp quay lại phố núi. Nhưng tình yêu trong ông dành cho thành phố mù sương, nơi lưu giữ những kỷ niệm đẹp nhất thuở hoa niên thì không bao giờ phai nhạt. Vẫn thoảng đâu đó trong những ca khúc ông viết trong hoàn cảnh khác, tâm trạng khác chút mơ màng của phố núi. Ông ra đi rất sớm trong một tai nạn, khi tuổi chưa chớm 50, dừng lại quãng đời phiêu du trong cuộc đời và trong âm nhạc. Năm 2013 là tròn 40 năm ngày Hoàng Nguyên lìa xa cõi thế nhưng những ca khúc của ông còn mãi. Và nhất là, khi dâng lên câu hát “Ai lên xứ hoa đào”, người Đà Lạt không quên Hoàng Nguyên cũng như hàng triệu trái tim yêu âm nhạc không quên ông, người nhạc sỹ đã dành cho Đà Lạt những ca khúc tuyệt vời.