Trước đây DòngNhạcXưa đã có bài giới thiệu bản “Anh cho em mùa xuân” của nhạc sỹ Nguyễn Hiền lấy ý thơ từ bài “Nụ hoa vàng ngày xuân” của thi sỹ Kim Tuấn. Hôm nay, nhân dịp mùa Xuân Đinh Dậu 2017 đang gần kề, xin mời quý vị yêu nhạc xưa nghe lại bản nhạc bất hủ này.
Anh Cho Em Mùa Xuân – Nhớ thi sĩ Kim Tuấn & nhạc sĩ Nguyễn Hiền
[dongnhacxua.com] thật ngạc nhiên khi vô tình biết thêm một chi tiết thú vị về phố núi Pleiku, nhạc sỹ Y Vân và nhà thơ Kim Tuấn: nhạc phẩm nổi tiếng “Những bước chân âm thầm” của Y Vân là phổ từ bài thơ “Kỷ niệm” của thi sỹ Kim Tuấn viết về thành phố Pleiku bụi mờ đầy kỷ niệm của những năm 1960.
Người hát nếu không để ý kỹ sẽ dễ hát sai thành “hoa bỗng dưng tuyết trắng“. Trong bài thơ thì Kim Tuấn viết “hoa vông rừng tuyết trắng“, còn trong bản nhạc mà chúng tôi sưu tầm được thì nhạc sỹ Y Vân viết “hoa vòng rừng tuyết trắng“. Theo chúng tôi thì “hoa vông rừng” là chính xác nhưng không biết có phải là Y Vân cố tình sửa thành “hoa vòng rừng” hay đó chỉ là lỗi xuất bản. Y Vân đã mất năm 1992, Kim Tuấn cũng đã vĩnh viễn giã từ “miền kỷ niệm” năm 2003. Thế là [dongnhacxua.com] và những người yêu dòng nhạc xưa vẫn còn đó một câu hỏi thật dễ thương!
Qua bài viết này, [dongnhacxua.com] cầu nguyện cho linh hồn nhà thơ Kim Tuấn sẽ được thanh nhàn miền cực lạc!
PLEIKU THÂN YÊU – TỪ ‘KỶ NIỆM’ ĐẾN ‘NHỮNG BƯỚC CHÂN ÂM THẦM’ (Nguồn: tác giả Xuân Trường đăng trên PleikuCafe.com)
Những năm 60 của thế kỷ trước, nhà thơ Kim Tuấn sống tại Pleiku và đã sáng tác nhiều bài thơ cho miền đất thơ mộng này. Sau đó, anh về Sài Gòn rồi mất năm 2003. Kỷ niệm là bài thơ anh viết cho Pleiku, được Y Vân phổ nhạc và trở nên nổi tiếng…
Ngày ấy, nhà ở đường Phan Bội Châu, buổi chiều anh thường lang thang ra ngoại ô. Những khu vườn làng đồng bào dân tộc được trồng những cây vông rừng (cây gòn rừng), mỗi khi nó nứt trái thì bông bên trong màu trắng bay lả tả theo gió, rơi rơi nhẹ nhàng như từng miếng nhạc chạm vào cuối chiều xa nhớ đến tận cùng hoàng hôn, khiến anh nghĩ đến Pleiku có tuyết trắng:
Từng bước từng bước thầm Hoa vông rừng tuyết trắng Rặng thông già lặng câm Hai đứa nhiều nuối tiếc
Tình yêu trong bài thơ dù có nguyên mẫu hay không, nhà thơ cũng đã tinh tế hòa nhịp cái tình trong cái cảnh, như một bức tranh Pleiku hoàng hôn, thanh thản nỗi buồn trong veo mà người ta dễ cảm nhận ở cái xứ sương mù và quanh năm mùa đông này.
Những năm tháng ấy, Pleiku còn nhiều cảnh chiến tranh và bắt lính. Có lẽ vì thế mà tuổi trẻ buồn cho thân phận, buồn cho tương lai như những hàng thông lặng câm, hay mây núi chụm đầu thủ thỉ. Tác giả đã điệp khúc nỗi buồn của tuổi trẻ ngày ấy nhiều lần:
Từng bước từng bước thầm Cuối đầu in dấu mỏi Tuổi trẻ buồn lặng câm Núi nghiêng đầu thủ thỉ
Từ bài thơ Kỷ niệm của Kim Tuấn, nhạc sỹ Y Vân ở Sài Gòn đã phổ nhạc thành ca khúc Những bước chân âm thầm mà đến nay nhiều người Pleiku, Sài Gòn hoặc hải ngoại đã hát thuộc lòng, nhưng ít có người biết đó là bài hát liên quan đến Pleiku, được sáng tác tại Pleiku.
Từ những năm 90, người ta ồ ạt khai thác gỗ vườn để xẻ ván xuất khẩu, làm vắng bóng những cây gòn rừng, bay tuyết trắng chiều ngoại ô Pleiku. Biết bao giờ mới có lại cái không gian cây xanh ấy.
Kim Tuấn và Y Vân không còn nữa nhưng Kỷ niệm – Những bước chân âm thầm vẫn đang bềnh bồng khắp mọi nơi, không chỉ có ở Pleiku thân yêu. Thêm một lần nữa, chúng ta hãy cùng đọc lại bài thơ này:
Từng bước từng bước thầm Hoa vông rừng tuyết trắng Rặng thông già lặng câm Hai đứa nhiều nuối tiếc
Sương mù giăng mấy đồi Tay đan đầy kỷ niệm Mưa giữa mùa tháng năm Dật dờ cơn gió thổi
Một tháng không trăng rằm Mây núi ôm trời thấp Giá rét về căm căm Cao nguyên mù đất đỏ
Tiếp nối bài viết về nhạc phẩm bất hủ “Còn chút gì để nhớ“, hôm nay [dongnhacxua.com] trân trọng giới thiệu một bài viết của tác giả Nguyễn Quang Tuệ – ghi theo lời kể của ông N.H – đăng trên báo Gia Lai Online, số Xuân Quý Tỵ 2013
Pleiku. Mùa mưa. Khoảng năm 1970. Trước một chút, tôi bị bắt quân dịch, rồi làm lính kiểng. Lo lót để được ở lại thị xã, công việc chủ yếu của tôi là… chơi nhạc. Pleiku hồi ấy được mệnh danh là thị xã của lính, thị xã của binh khí, xe pháo. Lính tráng có lúc nhiều gấp ba lần dân Pleiku.
Nhưng công bằng mà nói, Pleiku cũng là nơi có rất nhiều quán xá, câu lạc bộ gắn liền với âm nhạc. Tôi còn nhớ, hồi đó một số quán cà phê ở Pleiku vẫn thường tổ chức những đêm thơ, nhạc một cách khá bài bản, ví như quán Văn, Tay Trái,… Pleiku ngày ấy cũng còn là nơi lui tới khá thường xuyên của nhiều văn nghệ sĩ nổi tiếng, một số người trong đó, còn sống và sáng tác cho đến tận bây giờ.
Ngoài hai mươi tuổi, tôi cùng vài ba anh em thân quen đồng trang lứa khác chơi nhạc cho khá nhiều nơi trong thị xã. Thu nhập kể ra cũng không đến nỗi nào nhưng quan trọng là vào thời điểm ấy, tính mạng mình được an toàn hơn là phải ra mặt trận. Một hôm, khoảng hơn 20 giờ, sau khi chơi nhạc, chúng tôi đang sửa soạn rời câu lạc bộ Đại Hàn (Korea Club)-nằm trên đường Hùng Vương (đường Hoàng Diệu cũ, chỗ sát tường rào Nhà Văn hóa Lao động, gần đối diện với cổng Trường THPT Chuyên Hùng Vương bây giờ) để trở về nhà thì có một tốp người đi vào. Sở dĩ hàng đêm chúng tôi phải về sớm là vì, hồi đó, chừng 22 giờ hoặc trước 22 giờ một chút, Pleiku đã phát lệnh giới nghiêm, cấm người dân ra khỏi nhà.
Tôi nhìn thấy trong nhóm đang đi vào ấy có mấy người tôi biết mặt, biết tên từ trước, số còn lại thì sau lần gặp gỡ ấy, tôi mới biết họ. Đó là nhạc sĩ Phạm Duy, nhà thơ Kim Tuấn (tức Nguyễn Phước Vĩnh Khuê (1938-2003), quê Hà Tĩnh, hậu duệ của Tùng Thiện Vương Miên Thẩm, tác giả các lời thơ được phổ nhạc nổi tiếng như Những bước chân âm thầm, Anh cho em mùa xuân, đồng thời là thầy dạy tiếng Anh của anh em tôi ở Pleiku), đại úy quân cảnh Nguyễn Vinh Hiển (nhà văn Hoàng Khởi Phong, tác giả của tiểu thuyết Người trăm năm cũ, Nhà Xuất bản Hội Nhà văn, 2009).
Cùng đi với những văn nghệ sĩ ấy còn có một vài người khác nữa. Nhưng cho đến tận bây giờ, tôi vẫn không sao quên được một người đã gây cho tôi những ấn tượng mạnh trong buổi tối hôm ấy. Người ấy trẻ, trạc tuổi tôi, mặc một tấm áo màu xám, sau lưng có dòng chữ LCĐB in đậm.
Thấy chúng tôi đứng dậy toan về, nhạc sĩ Phạm Duy nói: Ở nguyên đó đi, có việc cần đấy. Chúng tôi miễn cưỡng chờ, dù trong lòng ai chắc cũng đã nóng như lửa đốt, vì giờ giới nghiêm đã tới rồi. Dường như biết sự lo lắng của mấy anh em nhạc công, ông Phạm Duy lại bảo: Lát có xe đưa về. Cứ yên tâm. Đến nước này thì chúng tôi cũng đành yên tâm vậy, vả lại có ông sĩ quan quân cảnh ở đây, chắc chúng tôi sẽ không bị làm phiền vì về nhà lúc đã quá giờ quy định.
Nhạc sĩ Phạm Duy kéo ghế ngồi xuống, mấy người đi cùng lặng lẽ tản ra xung quanh. Ông lấy trong túi cái áo màu đen đang mặc ra một tờ giấy và một cây bút rồi bắt đầu kẻ các dòng nhạc rất nhanh. Một lát sau, thấy chúng tôi đã đứng, ngồi sẵn sàng bên các nhạc cụ quen thuộc của mình, ông hất hàm bảo: Đô trưởng, boston nhé. Và thế là ông cầm tờ giấy hát trước, mấy anh em tôi đệm theo sau. Ngoài trời lúc ấy có mưa nhưng không nặng hạt lắm.
Giọng Phạm Duy lúc bổng khi trầm khá cuốn hút. Ông dứt lời, mọi người vỗ tay chúc mừng. Tôi nhớ, hình như Phạm Duy hát xong có đặt tờ giấy xuống bàn, gạch sửa chút ít gì đó, hát lại một vài câu rồi mới gấp nó lại bỏ vào túi áo thì phải. Riêng người đặc biệt của tôi đêm ấy thì không nói gì, anh lặng lẽ ngồi đó cho đến khi chúng tôi được một chiếc xe Jeep đưa về tận nhà, mà không bị ai xét hỏi dọc đường. Lúc ấy, tôi đã biết: Anh là Vũ Hữu Định, một người lính phản đối chiến tranh nên bị đày lên mặt trận cao nguyên nguy hiểm trong màu áo LCĐB (lao công đào binh).
Nhiều chục năm đã trôi qua, bài thơ Còn một chút gì để nhớ của Vũ Hữu Định sau khi được Phạm Duy chắp cánh, có thể nói đã trở nên bất tử, suốt từ sau những năm 1970 của thế kỷ trước đến nay. Tôi rất thích khi có người viết rằng Vũ Hữu Định (và cả Phạm Duy nữa) đã đội vương miện cho thành phố này-Phố núi Pleiku. Tôi biết Vũ Hữu Định từ dạo ấy. Nhưng cũng phải nói thật, ban đầu, tức cái đêm hôm đó, tôi quý anh không phải vì thơ, mà chính là vì thấy… lạ quá, nể phục trong lòng quá.
Trong đầu tôi bao năm vẫn cứ mãi loanh quanh một câu hỏi: Tại sao những văn nghệ sĩ nổi tiếng như thế lại cất công đi tìm anh, chơi với anh, coi anh như bạn bè thân thiết, trong khi anh đang là lao công đào binh, một người đã phải đứng trước tòa án binh lãnh án, bị đày ra phục dịch tại mặt trận, nơi cái chết có thể đến bất cứ lúc nào? Sau này tôi mới hiểu, đằng sau thân hình thấp nhỏ kia, bên trong tấm áo xám ấy là cả một tâm hồn lớn của một tài năng. Và, những người lớn đã vì tài năng mà quý nhau, đến với nhau, bất kể thân phận cụ thể…
Rất nhiều năm sau, khi tập thơ của Vũ Hữu Định được Nhà Xuất bản Trẻ ấn hành, internet đã phổ biến rộng rãi và nhất là khi nhạc sĩ Phạm Duy trở về Việt Nam định cư, thường tổ chức các đêm diễn lớn, tôi đã đọc thêm được ở đâu đó những thông tin về bài thơ Còn một chút gì để nhớ. Rằng nó đã được viết hồi năm 1970, từng được đăng trên tạp chí Khởi hành… Nhạc sĩ Phạm Duy trong một lần lên Pleiku tìm cảm hứng sáng tác, đã gặp Vũ Hữu Định và như ông từng viết thì: Vũ Hữu Định chính là một thi sĩ đích thực. Giống nhiều người khác, khi phổ thơ, vẫn thường thêm vào hay bớt đi một vài câu chữ của nguyên bản, nhưng riêng với Còn một chút gì để nhớ thì Phạm Duy “kính trọng hoàn toàn bố cục (structure) cũng như vận tiết (prosodie) của thi phẩm”-như ông thừa nhận.
Có thể, sau cái lần tự tay viết những nốt nhạc đầu tiên cho tác phẩm của mình tại Pleiku ấy, nhạc sĩ Phạm Duy còn chỉnh sửa thêm nữa trước khi công bố để bài hát trở nên nổi tiếng. Nhưng với tôi, đó là một kỷ niệm khó quên, dù vào thời điểm ấy, tôi chưa hoàn toàn ý thức được vấn đề, vì bài hát chưa được ai biết, ngoài tác giả, vài bạn bè của ông, trong đó có Vũ Hữu Định và chúng tôi-những người chơi nhạc tình cờ được Phạm Duy nhờ vả chút ít trước giờ giới nghiêm, thời mà Pleiku còn như là… trại lính.
Pleiku từ một thị xã bé nhỏ, nay đã được mở rộng, khác xưa rất nhiều. Tôi đã ở đây suốt từ thời ấu thơ, cho đến lúc về già, chứng kiến biết bao thay đổi. May mắn thay, dù cuộc sống có biến động thế nào đi chăng nữa, tôi vẫn được làm công việc mà mình yêu thích, đó là chơi nhạc và dạy nhạc. Trong cơ man âm thanh vang lên mỗi ngày ấy, tôi và rất nhiều những bạn trẻ yêu nhạc, vẫn dành những tình cảm trìu mến cho thành phố này. Chúng tôi đã yêu quý, gắn bó với Phố núi Pleiku, một phần vì âm nhạc, trong đó có tác phẩm của Phạm Duy-Vũ Hữu Định-Còn một chút gì để nhớ.
Nhạc phẩm “Anh cho em mùa xuân” của nhạc sỹ Nguyễn Hiền có lẽ sẽ mãi là giai điệu không thể thiếu vào mỗi dịp xuân về. Lấy ý thơ từ bài thơ “Nụ hoa vàng ngày xuân” của thi sỹ Kim Tuấn, nhà nhạc sỹ lão thành của chúng ta để thổi một sức sống mới vào bài thơ vốn đã tuyệt vời.
ĐÔI ĐIỀU VỀ BÀI THƠ “NỤ HOA VÀNG NGÀY XUÂN” VÀ NHẠC PHẨM “ANH CHO EM MÙA XUÂN” (Source: http://huyvespa.multiply.com/journal/item/686/686)
Ít nhất đã có hai thế hệ hát “Anh cho em mùa xuân”. Các ca sĩ và ban nhạc của thế hệ thứ hai (ở trong và ngoài nước) có khuynh hướng thay đổi tiết tấu của bài nhạc ấy bằng nhịp điệu nhanh, mạnh, sôi nổi, như muốn làm rộn ràng hơn không khí mùa xuân. Việc “cải biên” này cũng… tốt thôi, và cũng phù hợp với “phong cách trình diễn” trẻ trung, sống động hiện đại, tuy rằng bài nhạc, với âm giai LaTango Habanera dìu dặt ở “thuở ban đầu”, tự nó đã đủ để mang về mùa xuân (mà không cần phải “đánh nhanh, đánh mạnh” bằng điệu nhạc kích động để… mừng đón xuân về). Việc thay đổi tiết tấu và cách trình diễn ấy có phần nào đánh mất khí hậu của bài hát là vẻ lắng đọng của đất trời vừa mới sang xuân, pha lẫn chút thi vị ngọt ngào của “bài thơ còn xao xuyến”, thể hiện qua lời thơ và từng nốt láy mềm mại ở cuối những câu nhạc. trưởng và nhịp điệu
Mùa xuân của “Anh cho em mùa xuân” là xuân của trời đất giao mùa, là xuân của “lộc non vừa trẩy lá”, là vẻ e ấp của “nụ hoa vàng mới nở”. Trong cái nắng sớm của ngày đầu xuân có chút se se lạnh của chiều cuối đông còn rớt lại, có chút vấn vương của “chiều đông nào nhung nhớ”, có chút hơi hướng của đông tàn, xuân mới vừa sang…
Đôi lúc việc thay đổi hoặc hát sai lời nhạc cũng làm giảm phần nào cái đẹp và độ truyền cảm của bài nhạc gửi đến người nghe.
Đường lao xao lá đầy chân bước mòn vỉa phố mắt buồn vin ngọn cây… (không phải là “mắt buồn… nhìn ngọn cây”)
Chữ “vin” ấy nghe rất thơ. Những chữ “lao xao” và “mòn” ấy nghe cũng rất thơ.
Hai câu hát trong bài được ca sĩ… hát sai nhiều nhất:
Đất mẹ gầy có lúa đồng ta xanh mấy mùa
Câu thứ nhất, “đất mẹ gầy có lúa”, là ước mơ đơn sơ của tác giả bài thơ gửi về quê mẹ Hà Tĩnh (vùng “đất cày lên sỏi đá”), được nhiều ca sĩ đổi thành “đất mẹ gầy… cỏ lúa”, hoặc “đất mẹ gầy… cỏ úa”, hoặc “đất mẹ… đầy cỏ lúa”!?!
Câu thứ hai, “đồng ta xanh mấy mùa”, ước mơ khác, được nhiều ca sĩ đổi thành “đồng xa xanh mấy mùa”, hoặc… “đồng xanh xa mấy mùa”!?!
“Trong bài ‘Anh cho em mùa xuân’ có một câu tôi thích nhất,” tôi nhớ đã nói với nhạc sĩ Nguyễn Hiền như vậy. Có thể là ông cũng muốn nghe, muốn biết, nhưng tôi lại chưa có dịp nào (nay thì không còn dịp nào) để bộc lộ với ông.
Bầy chim lùa vạt nắng trong khói chiều chơi vơi…
“Bầy chim lùa vạt nắng…”, câu hát tôi thích nhất. “Lùa vạt nắng”, tôi chưa nghe ai nói thế bao giờ. Chữ “lùa” ấy rất mới, rất đẹp, rất thơ. Làm sao mà ông lại có thể nghĩ ra được cái chữ tài tình đến như vậy? Làm sao mà ông lại dùng chữ ấy chứ không phải là chữ nào khác? (“Bầy chim… đùa vạt nắng” chẳng hạn, như thế cũng là hay, nhưng không thể hay bằng “… lùa vạt nắng”). Ngày ấy chưa ai viết những lời như thế trong thơ, trong nhạc. Mãi về sau này ta mới nghe “lùa nắng cho buồn vào tóc em” (“Nắng thủy tinh”, Trịnh Công Sơn).
Điều thú vị, câu ấy không phải là câu thơ Kim Tuấn trong “Nụ hoa vàng ngày xuân”, mà là thơ… Nguyễn Hiền.
“Con chim mừng ríu rít” trong bài thơ được ông đổi ra thành “bầy chim lùa vạt nắng”, để tương ứng với những nốt nhạc thấp cao, trầm bổng, vừa giữ được ý thơ (vẫn “nghe” được tiếng chim “ríu rít” mừng vui), vừa “thơ” hơn và giàu hình ảnh hơn.
Tôi yêu câu thơ “mắt buồn vin ngọn cây” của Kim Tuấn và tôi yêu câu hát “bầy chim lùa vạt nắng” của Nguyễn Hiền. Câu thơ ấy rất “Kim Tuấn”, câu hát ấy rất “Nguyễn Hiền”. Tôi cũng yêu lối sử dụng những động từ “vin” và “lùa” ấy trong kho tàng tiếng Việt.
“Nhạc chan hòa đây đó”, câu hát ấy không thấy trong thơ Kim Tuấn. Hơn thế nữa, “nhạc, thơ tràn muôn lối”, câu hát cuối của bài hát ấy cũng không thấy trong thơ Kim Tuấn. Trong “Nụ hoa vàng ngày xuân” không có câu nào nói đến “nhạc” cả. Vậy thì những câu ấy ở đâu ra, nếu không phải là… thơ của Nguyễn Hiền. Trong nhạc có thơ, trong thơ có nhạc. Nhạc quyện vào thơ, thơ quấn lấy nhạc. Nhạc thơ, thơ nhạc đã hòa làm một.
“Anh cho em mùa xuân. Nhạc, thơ tràn muôn lối…”
Câu kết ở phần coda ấy là một “biệt lệ”, (hiếm khi được sử dụng trong nhạc thuật của ông) trong số những bài nhạc vẫn được ông soạn theo khuôn mẫu “cổ điển” với cấu trúc khá cân phương. Những chuỗi nốt nhạc rải đều và nốt ngân cuối rướn cao như bay lên cùng mùa xuân và tan loãng trong không, vẽ lên một nét nhạc đẹp. Cái hay của phần coda ấy là cái hay của một kết thúc đẹp, tròn đầy, gói trọn tình ý của bài nhạc.
Việc ông không thay đổi câu, chữ nào suốt khổ thơ đầu của “Nụ hoa vàng ngày xuân” làm nhớ tới những bài thơ ngũ ngôn khác từng được các nhạc sĩ khác phổ thành ca khúc cũng rất là “ngọt”. Hoặc, giữ nguyên vẹn bài thơ, như “Tiếng thu”, nhạc sĩ Phạm Duy phổ từ bài thơ cùng tên của Lưu Trọng Lư; hoặc, chỉ đổi có… một chữ trong toàn bài thơ, như “Chiều”, nhạc sĩ Dương Thiệu Tước phổ từ “Màu cây trong khói” của Hồ Dzếnh (chỉ đổi câu thơ cuối “khói xanh bay lên cây” thành “khói huyền bay lên cây”).
Sau câu thơ “lộc non vừa trẩy lá”, những câu nào không giữ nguyên được thì nhạc sĩ Nguyễn Hiền bèn thay đổi chút ít, trong lúc vẫn giữ ý chính của câu thơ. Lạ một điều, những câu ông đổi nghe rất thơ, và có phần… thơ hơn cả tác giả bài thơ. Chẳng hạn:
“Con chim mừng ríu rít” đổi thành “bầy chim lùa vạt nắng” “Ngoài đê diều thẳng cánh” đổi thành “ngoài đê diều căng gió” “Câu hát hò vẳng đưa” đổi thành “thoảng câu hò đôi lứa” “Trẻ đùa vui nơi nơi” đổi thành “trẻ nô đùa khắp trời” “Nắng vàng trên ngọn cây” đổi thành “rung nắng vàng ban mai”
Người nhạc sĩ đã “làm mới” thơ, đã làm thơ “thơ” thêm một lần nữa.