Hôm nay cả dải đất Nam Trung Bộ và Miền Nam trời trở lạnh và mưa nhiều. Tất cả đều hồi hộp nín thở đối phó với cơn bão Usagi. Nhìn cảnh người dân Việt Nam mình, vốn dĩ đã phải vất vả lo toan mưu sinh, giờ đây phải tất bật chuẩn bị mọi cách có thể có để giảm thiệt hại do cơn bão, chúng tôi không khỏi chạnh lòng và cầu mong mọi điều tốt lành nhất cho quê hương mình. Dòng Nhạc Xưa xin giới thiệu một ca khúc ‘Chút thư tình người lính biển’ nổi tiếng ra đời vào thập niên 1980 của nhạc sỹ Hoàng Hiệp với ý thơ Trần Đăng Khoa, viết về tâm tình của người lính hải quân và tình cảm chân thành của cô người yêu trẻ ngày đêm hướng về biển đảo xa xôi
Những giai điệu biển đảo – Chút thư tình người lính biển
(Nguồn: bài viết của tác giả trinh Nguyễn đăng trên ThanhNien.vn ngày 2014-06-09)
Chút thư tình người lính biển đã là một bài hát sớm được phát thanh qua Đài tiếng nói Việt Nam – kênh chuyển tải âm nhạc hiệu quả nhất thời kỳ đó. Sự cân đối giữa lý tưởng và tình cảm riêng, hình tượng người lính hải đảo cộng với người lính sáng tác Trần Đăng Khoa, đã giúp bài hát được phổ biến. Giai điệu của bài hát cũng rất đẹp. Được viết ở giọng thứ, Chút thư tình người lính biển có sự mềm mại, da diết. Nó cũng có nhiều nốt luyến, để nốt nhạc có thể ngân dài, xuyên qua ô nhịp tiếp theo mà vẫn mềm mịn như một nỗi nhớ.
Thật nhiều dấu luyến giúp nốt nhạc kéo dài mềm mại đi xuyên ô nhịp. Giọng thứ da diết. Lời ca của một nhà thơ lính. Chút thư tình người lính biển yêu là thế, thương là vậy.
Cho tới khi bài thơ Chút thư tình người lính biển ra đời năm 1981, trong suốt nhiều năm danh hiệu thần đồng thơ của Trần Đăng Khoa bị vây bủa trong nghi ngờ. Anh đã không còn có thể viết những câu thơ tinh tế đến tận cùng như “Ngoài thềm rơi chiếc lá đa/Tiếng rơi rất mỏng như là rơi nghiêng” nữa. Càng mong ngóng, càng không thấy. Trần Đăng Khoa đã lớn, bị dứt khỏi một cậu bé nông thôn, đã không thể có một giọng thơ riêng mình.