Tiếp tục dòng nhạc về các vùng miền quê hương, [dongnhacxua.com] xin giới thiệu hình ảnh năm cụm núi Ngũ Hành Sơn ở xứ Quảng Nam – Đà Nẵng qua bản nhạc “Năm cụm núi quê hương” của Minh Kỳ, theo ý thơ của nhà thơ Tường Linh.
Không hiểu sao, mỗi khi nghĩ về thơ Tường Linh, tôi thường nhớ bài thơ “Nhớ hai miền Huế – Quảng” trong mấy câu thơ: Quê hương tôi bên ni đèo Hải/ Nhấp nhô bóng thuyền Cửa Đại/ Già nua nếp phố Hội An…/ Đêm Đà Nẵng vọng về cơn sóng biển/ Bún Chợ Chùa thương nước mắm Nam Ô. Và. lại nhớ. Khổ thơ cuối của bài “Ngọn đèn”: Còn nguyên vẹn những đêm dài thao thức/ tựa bao lơn, anh ngắm chấm đèn xưa/ đóm sáng nhỏ hay mắt sầu rưng rức/ không gian buồn như có rắc tơ mưa. Cả hai bài thơ đều được viết vào năm 1958, khi mà quê nhà Quảng Nam đã trở thành niềm thương dằng dặc của nỗi “không về”.
Sáng nay, trong giây phút thư thả cafe sáng thứ bảy, [dongnhacxua.com] chúng tôi bất chợt gặp lại hình ảnh giàn mướp quê nhà qua tạp văn của tác giả Nguyễn Hiệp đăng trên Tuổi Trẻ Cuối Tuần. Hình ảnh người mẹ quê tần tảo lại hiện ra thấp thoáng bên giàn mướp sau vườn. Ngày đó, thập niên 1980, bản ‘Một sáng con về’ (nhạc sỹ Miên Đức Thắng phổ thơ Tường Linh) do Bảo Yến hát rất nổi tiếng, trong đó chúng tôi nhớ vài câu:
… Mẹ già ta đó Hái mướp bên rào Nắng mưa đã nhiều Tóc chiều đã xuống …
Thời gian mới đó mà đã hơn 30 năm. Giờ đây giàn mướp ở quê không còn nữa, mẹ cũng không còn khỏe để hái mướp như ngày nào. Thế nhưng mỗi chiều mẹ vẫn ra khu vườn cũ, lặng yên nhìn về một phương xa để mong những đứa con tha phương như chúng tôi một lần quay về ngồi bên mẹ bên giàn mướp như ngày xưa.
GIÀN MƯỚP CỦA MÁ (Nguồn: tác giả Nguyễn Hiệp đăng trên Tuổi Trẻ Cuối Tuần)
TTCT – … “Từ độ người đi biết trưa quê Thương giàn mướp nhỏ hoa chưa về Vàng hoa trưa ấy còn bay phấn Thơm đến trưa này trưa mướp quê”.
(Trưa quê – Sao Mai)
Thời thơ ấu của tôi quanh quẩn với lẫm lúa, gốc chùm ruột và giàn mướp trước sân nhà. Tôi còn nhớ mồn một những ô tre với rất nhiều bông mướp vàng ươm lấm tấm phấn lấp ló như là có sự sắp xếp tài tình. Từng chiếc lá giông giống bàn tay cứng cáp, từng cái ngọn cong cong vươn ra sởn sơ mềm mại, từng xoắn móc neo giữ cẩn trọng… được thiên nhiên tạo bằng tất cả sự tinh xảo, âu yếm.
Và cái “tuyệt tác” giàn mướp ấy không thể thiếu những chú ong bầu tròn tròn đen đen như hòn bi ve biết bay. Tôi mê mẩn tiếng ong bầu trong ống tre, loại nhạc kỳ diệu của thời tuổi nhỏ.
Khi đã nhiều tuổi, để nhớ về má, tôi tạo lại giàn, dây mướp đã phủ đều bốn góc nhưng loay hoay mãi tôi vẫn chưa tìm được tre, lại chỉ đan bằng những cọng kẽm lớn, nhìn có vẻ chắp vá, thiếu đi cái hồn vía “thương giàn mướp nhỏ hoa chưa về”. Dù là gì tôi vẫn xem đó là “giàn mướp của má tôi”, tôi thường ngồi hàng giờ với nó, cố giữ gìn, vun vén những rung động của chính mình và của tâm hồn thế giới xung quanh.
Cảm giác vậy nên mỗi lần ngồi dưới bóng râm mát của những bông vàng lấp ló ấy, tôi như thấy mình đang sống lại cái thuở thần tiên của đời người và hình như đâu đây thôi, má tôi đang bận rộn liền tay liền chân, năm tao bảy tiết chống chọi với gió mưa cuộc đời. Giàn mướp cảm giác, “giàn mướp của má tôi”, đã nhiều lần tôi gọi tên nó như vậy.
Bông mướp rụng nhiều là điềm chẳng lành. Bông mướp dày nhưng không đậu trái cũng không là điềm tốt đẹp. Cái búp như chiếc bông tai của người con gái mới được nhà trai đến dạm ngõ. Đôi bông ấy không đính hai hạt cẩm thạch lạnh lùng rào giậu mà nó mang, nó gợi cái tính, cái hồn của người con gái: vừa mơn mởn căng tràn sức sống lại vừa khuôn phép, rụt rè, vừa khao khát hiến dâng lại vừa e lệ, khép nép.
Mỏng mảnh yếu đuối vậy mà bông mướp đã trở thành hình ảnh khó phai, là chút gì đó hiền hòa, vương vấn, mến yêu không thể thiếu trước hiên nhà, sân nhà của miệt quê yên tĩnh. Hồi nhỏ, bọn trẻ xóm tôi thường ngắt ruột cọng mì từng đoạn, giữ lớp vỏ ngoài lại để tạo thành sợi dây chuyền, thắt lá dừa thành nhẫn, thành đồng hồ và bông mướp làm đôi bông tai, rồi len lén đeo tặng cho nhau, rụt rè nhìn trước ngó sau dúi vào tay nhau rồi ù chạy mà nhịp tim như nhịp trống.
Ôi! Những ngây thơ, ngây ngô, “ngố rừng” nhưng không kém phần da diết của một thời vụng dại. Dưới giàn mướp râm mát ấy, trò chơi đám cưới của những đứa bé quê chúng tôi đã thành những ký ức lung linh, quý giá hơn của cải vàng bạc châu báu. Chúng tôi mang theo như một phần hành trang trong suốt đời mình.
Nơi chân núi Tà Cú, tôi thường có khách văn ghé thăm. Dưới giàn mướp ấy, tôi để bộ bàn ghế đá uống trà, không hiểu sao câu chuyện của chúng tôi cứ thường quay về đề tài cảm giác. Chúng tôi đang ngồi uống trà, chợt tất cả ngoái nhìn ra vườn: bầu trời phủ đầy những chấm đen di động, thì ra đó là bầy ong mật đang chia đàn chuyển tổ.
Khi bầy ong tụ hết lại thành khối nơi góc giàn mướp, một nhà văn bạn đã nói: bầu trời giờ như chiếc tủ kính trong veo. Mọi người ồ lên xác nhận cái cảm giác ấy. Cảm giác đã tạo nên thái độ nhìn và cả thời tiết đời sống… Những lúc như vậy, tôi biết do cái khung cảnh dưới giàn mướp đã tác động đến chúng tôi nên cách nhìn, cách nghĩ của mọi người, của tôi trở nên lãng mạn như vậy.
Tạo hóa là một đấng sáng tạo điềm tĩnh, lạnh lùng, có phương pháp nhưng xét cho cùng cái mục đích thì lại để mở cho con người. Bầu trời cảm lạnh hay bầu trời trong veo là do cảm giác. Giàn mướp thơm tho hay không mùi vị cũng là cảm giác. Phàm những gì tinh tế chỉ có nơi những tâm hồn biết tĩnh lặng, biết lùi khỏi ồn ào, hào nhoáng, phù hoa.
Nhà thơ Sao Mai viết những câu thơ đã trở thành cổ điển về cái “trưa mướp quê” như có như không. Ấy vậy mà mỗi lần tôi nhớ lại, lẩm nhẩm đọc cứ rờn rợn trong người. Giàn mướp của má tôi, câu hỏi như không hỏi của nhà thơ Sao Mai: Vàng hoa trưa ấy còn bay phấn đã tạo ra những dấu lặng trong đời sống tinh thần của tôi, mãi mãi là như thế.
NGUYỄN HIỆP
BÀI THƠ ‘MỘT SỚM MAI VỀ’ CỦA TƯỜNG LINH (Nguồn: ThiCa.net)
Một sớm mai về Ngày vui thứ nhất Ta đi chân đất Mặc áo vải thô Dẫm lá tre khô Rụng đầy lối sỏi Ta cười ta nói Ta hát nghêu ngao Bước thấp bước cao Qua bờ ruộng nhỏ Mẹ già ta đó Hái mướp bên rào Áo nâu thủa nào Thêm nhiều mụn vá Cần chi Mẹ à
Một sớm mai về Thằng bé nhà quê Thoát tầm lửa đạn Đầu ngày nắng sáng Nhà ai chung vườn Khói bếp mến thương Thơm xôi nếp mới Chia xa vời vợi
Một sớm mai về Tắm nước sông quê Ngàn đời chẳng đục Ta buông cần trúc Bờ cỏ êm ngồi Con giếc thả mồi Con rô đớp bóng Đài sen sương đọng Hồ lộng màu thu Trên ngọn mù u Có đôi chim gáy Trong chòm lau sậy Tiếng quốc u oa Dưới bóng đa già Cút côi quán nước Nằm trên cỏ mượt Ta nhẩm vần thơ Giấc mơ choàng tỉnh Ngày ấy… bao giờ?
(Nghe ‘Một sớm mai về’ qua nét nhạc Trầm Tử Thiêng và tiếng hát Khánh Ly)