Ngàn Thu Áo Tím (Hoàng Trọng – Vĩnh Phúc)

Nối tiếp dòng nhạc về mùa thu, [dongnhacxua.com] xin trân trọng giới thiệu bản “Ngàn thu áo tím” của nhạc sỹ Hoàng Trọng với phần đặt lời của nhà thơ nữ Vĩnh Phúc.

Ngàn thu áo tím (Hoàng Trọng - Vĩnh Phúc). Ảnh: YouTube.com
Ngàn thu áo tím (Hoàng Trọng – Vĩnh Phúc). Ảnh: YouTube.com

ngan-thu-ao-tim--1--hoang-trong--vinh-phuc--youtube.com--dongnhacxua.com ngan-thu-ao-tim--2--hoang-trong--vinh-phuc--youtube.com--dongnhacxua.com

VĨNH PHÚC & NGÀN THU ÁO TÍM 
(Nguồn: bài viết của tác giả Trần Can đăng trên DotChuoiNon.com ngày 04.11.2012)

ngan-thu-ao-tim--dotchuoinon.com--dongnhacxua.com

“Ngàn thu áo tím” là một ca khúc rất nổi tiếng của nhạc sĩ Hoàng Trọng, ít người để ý rằng lời bài hát rất hay này là của Vĩnh Phúc.

Không có thông tin về Vĩnh Phúc và nhạc sĩ Hoàng Trọng đã sáng tác bài hát trong hoàn cảnh nào, nếu nhạc sĩ phổ thơ thì nghiễm nhiên Vĩnh Phúc phải được xem như nhà thơ, khả năng này cao hơn vì ít ai làm nhạc rồi mới tìm cách…đặt lời (mặc dù cũng có).

Mình tìm khắp nơi có vài thông tin tạm đủ để mình cho rằng Vĩnh Phúc thuở ấy là một cô gái, họ tên đầy đủ là Lưu thị Vĩnh Phúc, sinh năm 1937, con của Mục sư Lưu văn Mão, vốn là người rất nổi tiếng về tài làm thơ. Ông từng xuất bản tập thơ “Nam sơn thi phẩm” năm 1971.

Sinh thời, nhạc sĩ Hoàng Trọng và Mục sư Lưu văn Mão như đôi bạn tri kỷ, vẫn thường đàm đạo chuyện đời.

Nữa, anh trai của Vĩnh Phúc là Mục sư Lưu văn Tường (Tường Lưu) cũng rất có tài làm thơ, sống trong một gia đình có truyền thống hay chữ như thế thì Vĩnh Phúc có làm thơ hay viết lời nhạc cho nhạc sĩ Hoàng Trọng cũng là chuyện rất bình thường.

Tường Lưu thi sĩ trước đó còn có làm thơ tình nữa (tập thơ “Mộng ban đầu”), thi sĩ cũng là một dịch giả uy tín với tập “Tìm lại hương xưa”, dịch 148 bài cổ thi của các thi nhân danh tiếng Trung Hoa xưa. Và, Tường Lưu cũng rất thông thạo ngoại ngữ Anh và Pháp.

Mình mạn phép trích vài đoạn thơ của Mục sư thi sĩ Tường Lưu cho các bạn thưởng lãm:

Nếu Chúa hỏi: Tiệm ăn nào…ăn được?/ Con xin thưa, con biết mấy tiệm quen/ Thức ăn ngon đặc biệt, lại vừa tiền/ Tuy đông khách không phải lâu …chờ đợi/ Nếu Chúa hỏi: Đi chợ nào…có lợi?/ Con xin thưa, con biết mấy chợ gần/ Thịt cá tươi, rau trái mới, đủ hàng/ Mua ở đó rẻ hơn nhiều chợ khác/ …Nếu Chúa hỏi: Đi nhà thờ nào… phước?/ Con xin thưa, con không biết, Chúa ơi/ Con đã đi ba, bốn, năm, sáu, bảy, tám, chín…nơi rồi/ Con không biết đi nhà thờ nào phước/ Nếu Chúa hỏi: Tại sao không thấy phước? Con xin thưa, tại con hết… mà thôi/ Đi nhà thờ con cứ chỉ nhìn người/ Không nhìn Chúa nên con không thấy phước!

Nhạc sỹ Hoàng Trọng. Ảnh: DotChuoiNon.com
Nhạc sỹ Hoàng Trọng. Ảnh: DotChuoiNon.com

Nhạc sĩ Hoàng Trọng mất vợ sớm, ông ở vậy nuôi con khá lâu trước khi kết duyên với bà vợ thứ hai. Sau này, Bạch La, con gái ông thú nhận đã quyết liệt ngăn cản không cho cha “đi bước nữa”, khiến ông trở nên cô độc và gần như khắc khổ suốt thời…trung niên, mãi đến lúc tuổi già, một mình đơn độc ở quê nhà ông mới tái hôn.

Cô Thu Tâm (vợ sau của Nhạc sĩ Hoàng Trọng) cũng nhắc đến Vĩnh Phúc, cô kể: ” Hoàng Trọng thường hay đến nhà Mục Sư Lưu Văn Mão (thân phụ chị Vĩnh Phúc) để hàn huyên, tâm sự và rất khâm phục đức tính vị mục sư nầy.”

Trong khoảng 200 nhạc phẩm của Hoàng Trọng, ông chỉ tự đặt lời khoảng 40 bài. Số còn lại được sự giúp đỡ của nhiều nhạc sĩ khác như Hồ Đình Phương, Hoàng Dương, Nguyễn Túc, Quách Đàm, Vĩnh Phúc… Trong giới nhạc sĩ Việt Nam, Hoàng Trọng viết tango rất nhiều và được xem như người thành công nhất với danh hiệu Vua Tango.

Ông Vua Tango của Việt Nam có một bài hát điệu Valse cũng thuộc loại kinh điển trong dòng nhạc Việt, đó chính là bài “Ngàn thu áo tím” do Vĩnh Phúc viết lời.

Vĩnh Phúc không viết nhiều, cô chỉ viết lời cho ba nhạc phẩm của Hoàng Trọng là “Cánh hoa yêu”, “Tìm một ánh sao” và “Ngàn thu áo tím”.

Vài thông tin về một người tài hoa vô danh, cũng có thể thông tin mình tìm được chưa chính xác. Nếu sai, xin các bạn lượng thứ.

[footer]