Ngày 8/10/2024, người yêu nhạc lại nhận thêm một tin buồn: nhạc sỹ Bằng Giang, tác giả của những bản nhạc đã quá quen thuộc như ‘Thành phố mưa bay’, ‘Người em xóm đạo’ đã vĩnh viễn ra đi, để lại cho đời bao niềm tiếc nhớ.
Trong một bài viết trước, DòngNhạcXưa đã giới thiệu đôi nét về sinh hoạt văn nghệ của nhà nhạc sỹ trước 1975 ở vùng đất Biên Hòa (Đồng Nai).
Theo Wikipedia, ông tên thật là Trần Văn Khởi, sinh năm 1938 tại Biên Hòa.
Lớn lên, ông tham gia văn nghệ cho các trại lính ở Biên Hòa. Năm 1962, ông được người bà con là chủ hầm đá ở Bửu Long giúp đỡ cho cùng với Chế Linh. Hai sáng tác đầu tiên của ông đồng tác giả với Chế Linh là Đêm buồn tỉnh lẻ và Bài ca kỷ niệm. Ngoài ra, ông còn có một số sáng tác riêng cũng rất nổi tiếng là Thành phố mưa bay, Người em xóm đạo, Người về đơn vị mới…
Từ năm 1992, ông sang định cư tại tiểu bang Georgia, Hoa Kỳ. Tại đây ông tiếp tục sáng tác, phổ thơ của các nhà thơ như Thy Lệ Trang, Hoàng Ánh Nguyệt.
Qua bài viết này, DòngNhạcXưa xin gởi lời chia buồn đến tang quyến và cầu mong nhạc sỹ Bằng Giang dù ‘đã khuất vào trời mây” nhưng giai điệu đẹp mà ông để lại cho đời vẫn mãi còn đây!
Xin ghi chú nguồn DòngNhạcXưa và các nguồn có liên quan khi trích dẫn!
Hôm nay, ngày 2/9, ngày Quốc Khánh nước Việt Nam, DòngNhạcXưa xin giới thiệu đôi nét về bản ‘Tiến Quân Ca’ bất hủ của nhạc sỹ Văn Cao, cũng là quốc ca của dân tộc.
Mùa đông năm 1944, Văn Cao gặp Vũ Quý, một cán bộ Việt Minh, ở ga Hàng Cỏ. Vũ Quý là người từng quen biết Văn Cao và đã động viên ông viết những bài hát yêu nước như Đống Đa, Thăng Long hành khúc ca…Vũ Quý đề nghị Văn Cao thoát ly hoạt động cách mạng, và nhiệm vụ đầu tiên là sáng tác một bài hành khúc cho đội quân Việt Minh.
Văn Cao viết bài hát đó trong nhiều ngày tại căn gác số 45 Nguyễn Thượng Hiền. Ông có viết lại trong một ghi chép tháng 7 năm 1976 như sau:
“Tôi chỉ đang làm một bài hát. Tôi chưa được biết chiến khu, chỉ biết những con đường Phố Ga, đường Hàng Bông, đường Bờ Hồ theo thói quen tôi đi. Tôi chưa gặp các chiến sĩ cách mạng của chúng ta, trong khóa quân chính đầu tiên ấy, và biết họ hát như thế nào. Ở đây đang nghĩ cách viết một bài hát thật giản dị cho họ có thể hát được…”.
Trong một hồi ký tựa đề “Bài Tiến quân ca”, Văn Cao cho biết, khi ông sáng tác Tiến quân ca thì có Phạm Duy ở cùng, và:
“Anh rất tôn trọng những phút tôi ngồi vào bàn với tập bản thảo và chờ đợi âm thanh từng câu nhạc được nhắc đi nhắc lại. Anh là người chứng kiến sự ra đời của bài Tiến quân ca”.
Về ca khúc, Văn Cao nói rằng, tên bài hát và lời ca của nó là một sự tiếp tục từ ca khúc ‘Thăng Long hành khúc ca’ trước đó: “Cùng tiến bước về phương Thăng Long thành cao đứng” và bài Gò Đống Đa: “Tiến quân hành khúc ca, thét vang rừng núi xa”… Và ông đã rút lại những ca từ trong bài hát đó thành ‘Tiến quân ca’.
Phần ca từ trong bài hát ở thời điểm mới ra đời có nhiều khác biệt so với sau này, như:
* Câu đầu ‘Đoàn quân Việt Nam đi’, thì ban đầu là ‘Đoàn quân Việt Minh đi’.
* Câu thứ sáu của bài hát ở phiên bản đầu là “Thề phanh thây uống máu quân thù” thể hiện sự căm phẫn, đau đớn của Văn Cao trước sự tàn bạo của thực dân Pháp và trước nạn đói đang xảy ra, về sau được nhiều người góp ý, tác giả đã sửa thành “Đường vinh quang xây xác quân thù”.
* Câu kết: “Tiến lên! Cùng thét lên! Chí trai là nơi đây ước nguyền!” được Văn Cao sửa thành “Núi sông Việt Nam ta vững bền”, nhưng đến khi xuất bản thành Quốc ca, ai đó đã sửa thành “Nước non Việt Nam ta vững bền”. Việc này, theo Văn Cao:
“Với một ca khúc đòi hỏi trang nghiêm, chữ nước non hát lên bị yếu. Chữ núi sông hát khỏe và hùng tráng”.
Sau khi hoàn thành tác phẩm, Văn Cao gặp và hát cho Vũ Quý nghe. Vũ Quý rất hài lòng, giao cho Văn Cao tự tay viết bài hát lên đá in. Và lần đầu tiên Tiến quân ca được in trên trang văn nghệ của báo Độc Lập tháng 11 năm 1944 bằng bản in đá do chính Văn Cao viết.
Ngày 17 tháng 8 năm 1945, ca khúc được hát trước quần chúng lần đầu tiên tại một cuộc mít-tinh của công chức Hà Nội bởi Phạm Duy, đây cũng là người đã buông lá cờ đỏ sao vàng của Việt Minh thay cho cờ của chính phủ Trần Trọng Kim và cướp loa phóng thanh hát ‘Tiến quân ca‘, mà theo Văn Cao:
“Con người trầm lặng ấy đã có sức hát hấp dẫn hàng vạn quần chúng ngày hôm đó”.
Còn nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Đình Thi, sau khi nghe Văn Cao hát bài hát này, đã xúc động thật sự, và đề nghị mỗi người viết một bài hát nữa về mặt trận Việt Minh. Sau đó Nguyễn Đình Thi viết được bài ‘Diệt phát xít’, Văn Cao viết thêm bài ‘Chiến sĩ Việt Nam‘, cả hai bài hát này đều phổ biến rộng rãi trong công chúng.
Xin ghi chú nguồn DòngNhạcXưa và các nguồn có liên quan khi trích dẫn!
Mùng năm Tết Giáp Thìn 2024 trùng với là lễ Tro bên đạo Công Giáo. Thứ Tư Lễ Tro hàng năm đánh dấu 40 ngày Mùa Chay, thời gian để các tín hữu bớt lo cho việc ăn uống (thân xác) để biết hãm mình và làm nhiều việc bác ái. Về mặt nghi lễ, mỗi Kito hữu sẽ được linh mục xức tro lên đầu, nhắc nhớ rằng chúng ta sau khi từ giã trần gian, chỉ có linh hồn là tồn tại mãi mãi, còn thân xác sẽ hóa thành tro bụi.
Trong dòng nhạc Việt, có những bản nhạc thật sâu sắc viết về thân phận cát bụi của con người. Nổi tiếng nhất trong số đó có lẽ là “Cát bụi” của nhạc sỹ Trịnh Công Sơn mà chúng tôi đã giới thiệu trước đây. Hôm nay, DòngNhạcXưa xin đem đến một nhạc phẩm khác với tựa đề “Về với cát bụi” của nhạc sỹ Minh Kỳ.
Trong tờ nhạc gốc xuất bản đầu năm 1975, tựa đề bài hát này là “Về với cát bụi”; tuy nhiên không hiểu sao sau này và cho đến tận bây giờ, một trong những sáng tác cuối cùng nhạc sỹ Minh Kỳ lại thường được ghi là “Trở về cát bụi”.
Minh Kỳ là một trong ba nhạc sỹ của nhóm Lê Minh Bằng, cùng với Lê Dinh và Anh Bằng. Ông sinh năm 1930 và mất ngày 31/8/1975 trong khi đang đi học tập cải tạo. Như vậy có thể nói “Về với các bụi” là một trong số những sáng tác cuối cùng của nhà nhạc sỹ vốn xuất thân là một sỹ quan cảnh sát của Việt Nam Cộng Hòa.
Nhân ngày Lễ Tro, DòngNhạcXưa xin gởi đến người yêu nhạc gần xa bản “Về với cát bụi” cho linh hồn nhạc sỹ Minh Kỳ vui hưởng hạnh phúc đời đời ở miền hạnh phúc vô biên.
Xin ghi chú nguồn DòngNhạcXưa và các nguồn có liên quan khi trích dẫn!
Bên cạnh một sáng tác vui tươi “Xuân trong rừng thẳm” mà chúng tôi đã giới thiệu trong bài viết trước, nhạc sỹ Bảo Thu còn có một nhạc phẩm nổi tiếng khác viết về mùa xuân: Nếu Xuân Này Vắng Anh. Nhân dịp đầu Xuân mới, DòngNhạcXưa xin giới thiệu ca khúc xuân đặc sắc này.
Theo lời tâm sự của nhà nhạc sỹ (Nguồn: Tiền Phong)
Ca khúc Nếu xuân này vắng Anh được nhạc sĩ Bảo Thu sáng tác vào cuối năm 1967. Đó là thời điểm ông nhận đặt hàng từ Hãng đĩa Việt Nam để sáng tác một ca khúc về mùa Xuân.
Ông kể, do thời gian quá gấp nên khi viết xong ông đã không kịp trau truốt lại phần giai điệu nên đã mời ca sỹ trẻ Trúc Ly thể hiện. Điều bất ngờ là bài hát đã được công chúng đón nhận, đồng thời bài háy làm cho tên tuổi của Trúc Ly được biết tới. Nếu xuân này vắng Anh sau đó cũng đoạt giải thưởng Ca khúc viết về mùa Xuân hay nhất của năm 1968 do khán giả bình chọn.
Không biết thực hư thế nào nhưng có một điều thú vị là chữ “Anh” trong bản này được viết hoa như một tên riêng “Anh”. Ngày đó Bảo Thu là chủ sự của chương trình “Tiếng ‘K’ Thời Đại” khá nổi tiếng trên đài truyền hình Việt Nam. Và trong thành phần ca sỹ có một giọng ca trẻ là ca sỹ Phương Anh.
Mà nếu đúng như vậy thì chúng ta chắc phải đặt thêm một dấu hỏi liệu chữ “Yến” cũng được viết hoa có phải ý nhắc đến ca sỹ Trang Kim Yến hay không?
Ngày Xuân nói chuyện vui thế thôi chứ mấy chuyện “thâm cung bí sử” này khó mà người yêu nhạc biết được tường tận, mà có khi càng bí ẩn lại hay phải không các bạn? 🙂
Xin ghi chú nguồn DòngNhạcXưa và các nguồn có liên quan khi trích dẫn!
Nhạc xuân xưa không chỉ có các nhạc phẩm buồn. Trong bài viết trước, chúng tôi đã giới thiệu bản ‘Gió mùa xuân tới‘ đầy vui tươi của nhạc sỹ Hoàng Trọng. Hôm nay DòngNhạcXưa xin mời người yêu nhạc nghe tiếp một sáng tác đầy lạc quan với giai điệu rộn rã của nhạc sỹ Bảo Thu: Xuân Trong Rừng Thẳm.
Bài này nhạc sỹ Bảo Thu ký dưới nghệ danh Trần Anh Mai. Theo lời tựa trên tờ nhạc, Bảo Thu sáng tác “Xuân trong rừng thẳm” nhân một chuyến công tác ở xứ lạnh Đà Lạt vào những ngày cuối năm 1968.
Nhạc phẩm gợi lên một nét tương phản giữa khung cảnh núi rừng xa xôi, nơi người chiến sỹ phải “ghì tay tay súng” để “giữ xuân bền lâu” cho mọi nhà với sự nô nức “có dáng xuân vui” ở chốn thành đô.
Có đôi chút luyến tiếc, chạnh lòng nhớ về cố hương nhưng tuyệt đối người chiến sỹ trong “Xuân trong rừng thẳm” vẫn giữ được tinh thần lạc quan để vừa đón xuân nơi núi rừng, vừa làm tròn nhiệm vụ.
Cảm ơn nhạc sỹ Bảo Thu đã để lại cho hậu thế một nhạc khúc thật hay, đầy ý nghĩa cho chúng ta thưởng thức mỗi dịp xuân về!
Xin ghi chú nguồn DòngNhạcXưa và các nguồn có liên quan khi trích dẫn!
Phần lớn nhạc xuân xưa mang tâm sự buồn và vì thế giai điệu thường là chậm rãi, sâu lắng. Tuy nhiên cũng có một số nhạc phẩm vui tươi, làm cho lòng ta thấy phấn chấn, yêu đời hơn. Trên tinh thần đó, DòngNhạcXưa xin trân trọng giới thiệu bản ‘Gió mùa xuân tới’ của nhạc sỹ Hoàng Trọng.
Sau một mùa đông dài, vạn vật đã rất mệt mỏi chống chọi với hanh khô, giá rét…
Rồi mùa Xuân cũng đến với những cơn gió đông ấm áp làm bừng tỉnh sức sống mới. Những cơn gió đông của nửa đầu mùa Xuân, người quê tôi gọi là “Gió đông non”.
Nhưng tại sao lại gọi là gió đông non?
Thứ nhất là do gió đông thổi suốt từ mùa Xuân qua mùa Hạ, đến tận cuối mùa Thu. Vì vậy gió đông nửa đầu mùa Xuân là gió mới, nên gọi là gió đông non.
Thứ hai cũng như gió heo may, thổi cuối mùa Thu mang hơi lạnh yếu từ phương Bắc đến, làm cho thời tiết rất mát và dễ chịu, nhưng càng giáp Đông thì hơi lạnh càng tăng, tiết trời se lạnh và càng lạnh thêm. Lúc này gió heo may được gọi là “Gió heo may cào”. Gió đông non tuy mang hơi ấm từ biển, nhưng chưa đủ để xua tan cái lạnh của mùa Đông. Nếu gió thổi nhẹ thì mát và dễ chịu, nhưng nếu gió thổi mạnh hơn một chút sẽ thấy se lạnh, thậm chí còn rất lạnh.
Người xưa có câu: “Gió đông non là con gió heo may cào”. Nhắc nhở mọi người không được chủ quan, phải chú ý mặc quần áo vừa đủ ấm, tránh bị cảm lạnh. Nhất là người già, trẻ nhỏ và những người có tiền sử bệnh đường hô hấp rất mẫn cảm với kiểu thời tiết này.
Gió đông non mang hơi ấm từ biển với độ ẩm vừa phải, kết hợp với nắng Xuân dịu nhạt…như thúc giục cỏ cây đâm chồi non, lộc biếc, gọi trăm hoa đua nở.
Tiếng chim hót véo von đón bình minh thức dậy. Trên cánh đồng làng, lúa xuân đang thì con gái, những cô thôn nữ khỏe khoắn, xinh tươi đang chăm bón ruộng đồng. Thấp thoáng những cánh cò trắng bay ngang…tô điểm cho bức tranh quê thêm đẹp, thanh bình và lãng mạn vô cùng!
Khi hoàng hôn vừa buông xuống là lúc ếch nhái, côn trùng gọi nhau hoan hỷ…tạo nên bản nhạc đồng quê thật du dương, trầm bổng!
Làng quê mùa “Gió đông non” căng đầy nhựa sống, như chất xúc tác nuôi dưỡng ước mơ, khát vọng của tuổi trẻ trên con đường lập thân, lập nghiệp. Là ký ức của tuổi già…là nỗi nhớ quê hương của người xa xứ.
Với tôi mùa “Gió đông non” là tiết trời vô cùng đẹp mà thiên nhiên ban tặng cho con người và vạn vật.
Mấy ngày nay tiết trời thật đẹp, “Gió đông non” thổi nhẹ. Vậy mời mọi người hãy ra ngoài trời tắm nắng Xuân, hoà mình với thiên nhiên…thưởng thức “Gió đông non” mát lành, sảng khoái lắm đấy.
Mùa gió xuân về trong xạc xào tiếng lá. Nghe trong gió hương hoa dại bên đường bung nở, những cánh hoa mỏng manh bay bay trong giọt nắng trong veo miền cổ tích. Ta lang thang trên triền đê lộng gió, nhẩm tính lại tháng ngày chật chội với những bủa vây đời mình. Ta an yên đón ngọn gió mùa ùa vào vội vã như gội rửa lòng mình sau bao ngày tất tả ngược xuôi.
Những ngày đầu năm bình yên đến lạ. Khói lam chiều thê thiết bên sông, nơi góc bếp bình dị mẹ ngồi nhóm lại ngọn lửa nồng nàn cháy bỏng. Ngọn lửa bao lần thắp lại trong ta những chiều xa xứ. Dáng mẹ gầy hao, sợi tóc bạc vương vào chiều buốt giá. Ta về ngồi cùng mẹ, tựa đầu vào vai mẹ để mặc mẹ càm ràm chuyện chồng con. Để ta biết được bình yên nhất vẫn là bờ vai của mẹ. Ba ngồi uống trà trước sân, tách trà thơm khói bốc lên dậy hương đồng gió nội. Ba nhắc nhiều những chuyện đã qua, nhắc con gái mau tìm cho mình một bến bờ để tựa nương, để những thân già không lo nghĩ về đứa con gái long đong những chiều nhạt nắng. Ba không còn vuốt tóc ta như những ngày thơ dại, ba không còn cõng ta qua con đê dài những ngày mưa gió, ba vẫn ngồi đó kể chuyện tháng năm. Thời gian như khuất lấp lòng người, ta bao lần ước mình bé lại, đủ để vòng tay ôm ba những ngày mưa sấm giật.
Bến sông chiều từng ngọn gió xuân thổi tràn cả miền thương nhớ. Con đò nằm ru mình trên bến. Bao người phụ nữ quê tôi đã đứng nơi bến sông chờ những bóng người đã dần xa khuất. Những cuộc chờ chết lặng dưới dòng nước đỏ ngầu váng vất cả mặt sông. Hàng cây bên đường xôn xao mùa gió mới. Trong cái hồ hởi của đất trời, ta đứng lặng trong chiều nhìn những ký ức mờ dần trong tiếc nuối đổ tràn. Nhành hoa tím bên đường ngày nào vẫn tím đến kiệt cùng, ngắt một nhành hoa của ngày xưa khờ dại. Ký ức vẫn vẹn nguyên như thuở ban đầu, chỉ có bóng người đã hun hút miền chân trời xa thẫm. Thả cánh hoa theo dòng nước chảy trôi về nơi xa vắng. Gửi ánh nhìn của người ở lại, giờ khắc ấy một nỗi buồn lại tái sinh trong mùa gió mới.
Mùa gió xuân vụt đám trẻ lớn nhanh, trong chiếc áo còn thơm mùi vải mới, ta thấy lại đời mình trong bầy trẻ quê. Những tiếng cười giòn tan hòa vào nắng xuân rực rỡ. Dắt tay đứa trẻ qua con đường gồ ghề sỏi đá, ta như bước qua thêm một ngõ ngách của cuộc đời. Mẹ ngồi trú nắng bên hiên, chiếc radio vẫn phát những bài hát mùa xuân rộn ràng, nhắc nhớ. Mái nhà xưa nằm nép mình trong xóm nhỏ, ta ngồi nhổ từng sợi tóc bạc cho mẹ như găm vào lòng mình một nỗi buồn chất ngất. Mẹ cười. Những nếp nhăn xô nhau ken dày trên khuôn mặt lam lũ của mẹ. Ta muốn ôm mẹ vào lòng mà gào khóc cho thỏa thuê. Mẹ lại cười. Khi đứa con gái khờ giấu những sợi tóc bạc sau lưng. Ba trở về nhà sau ván cờ cùng mấy chú nhà bên. Nắm tay con gái trong mùa gió xuân cần mẫn, ba dúi vào tay ta một chiếc kẹp tóc xinh xinh. Lòng chợt bình yên đến lại, khóe mắt cay cay và bàn tay vẫn không ngừng siết chặt…
Ngoài kia, những ngọn gió xuân vẫn râm ran vũ khúc của đất trời. Vừa đón tuổi mới trong bình yên ấm áp, ta đón chờ những tháng ngày phía trước. Và dẫu có những do dự khiến lòng ta chùn bước. Nhưng tin chắc rằng, ta vẫn có một nơi để trở về trong nồng ấm chở che…
Nguyễn Thụy Vân Anh
Xin ghi chú nguồn DòngNhạcXưa và các nguồn có liên quan khi trích dẫn!
Vào những ngày Tết, giai điệu vui tươi cùng ca từ đậm chất xuân của bản ‘Ước nguyện đầu xuân’ lại rộn rã vang lên ở khắp mọi nơi. Thế nhưng, không ít người yêu nhạc vẫn chưa biết bài này nhạc sỹ Hoàng Trang sáng tác vào những năm 1967 – 1968, khi Miền Nam Việt Nam vẫn còn vào hồi chinh chiến.
Bản này được ca sỹ Giao Linh thu âm lần đầu tiên vào đĩa nhựa ‘Hái lộc đầu xuân’ do hãng đĩa Continental phát hành. Ngày ấy, Giao Linh hát chậm, vừa, da diết, đúng với tâm trạng của tác giả muốn gởi gắm.
Nếu để ý kỹ một chút, chúng ta sẽ nhận ra xuyên suốt nhạc phẩm là lời tâm sự của một cô thiếu nữ còn khá trẻ, ước chừng mười tám đôi mươi. Và cũng như bao thân phận khác thời binh đao khói lửa, nàng cũng hướng lòng về người yêu, một quân nhân đang đồn trú ở một tiền đồn xa xôi nào đó. Dưới đây là phần lời ca gốc mà Giao Linh đã chuyển tải trong bản thâu âm trước 1975:
Một rừng hoa mai nở Một bầy chim én đưa tin Chúa xuân giáng trần thật xinh Năm rồi em trăng gầy Năm này mười sáu tròn trăng Đón xuân thấy lòng bâng khuâng Vì em biết yêu rồi chăng?
Thật lòng yêu thương người Người miền chinh chiến chưa nguôi Đón xuân gió lộng rừng xuôi Hương trầm đêm giao thừa Hoa lộc khoe sắc mọi nơi Đơm nụ xuân hồng đôi môi Người tôi mến yêu đầy vơi
Tuy năm nay em lớn Nhưng vẫn thích bao lì xì Thích khoe áo đẹp mẹ cho Thích nghe pháo nổ đây đó
Đêm xuân thiêng xin khấn Cho đất nước em bình thường Ước mơ giấc mộng uyên ương Có đôi cánh thạnh chung hướng
Dù người sang hay nghèo Đều mừng xuân ngát hương say Ý mong phước lộc tròn tay Ôm nàng xuân trong lòng Cho dù minh biết hoài công Thế nhưng vẫn mộng tương lai Làm tin sống cho ngày mai
Vì nhiều lý do khác nhau, hầu hết các ca sỹ thời nay khi hát ‘Ước nguyện đầu xuân’ đều sửa lời làm mất đi tính “người lính, chiến tranh, chia cách” và hát nhanh hơn, rộn rã hơn, vui tươi hơn để theo kịp thời đại.
Đây là phần lời mà ngày nay người yêu nhạc hay nghe:
Một rừng hoa mai nở Một bầy chim én đưa tin Chúa xuân giáng trần thật xinh Năm rồi em trăng gầy Năm này em mới tròn trăng Đón xuân thấy lòng bâng khuâng Vì em biết yêu rồi chăng?
Thật lòng em yêu người Một đời nhân nghĩa cưu mang Ý anh ý đẹp trời ban Hương trầm đêm giao thừa Hoa lộc khoe sắc mọi nơi Đơm nụ xuân hồng đôi môi Tình xuân ngất ngây trần gian.
[ĐK:] Tuy năm nay em lớn Nhưng vẫn thích bao lì xì Thích khoe áo đẹp mẹ cho Thích đi hái lộc đây đó
Đêm xuân khuya em khấn Cho đất nước ta mạnh giàu Ước mơ giấc mộng uyên ương Có đôi cánh đẹp tình thương.
Dù người sang hay nghèo Đều mừng xuân ngát hương say Ý mong phước lộc tràn tay Ôm nàng xuân trong lòng Môi hồng âu yếm nụ hôn Đón xuân ước nguyện đêm nay Đời ta có nhau ngày mai.
Và đây là tờ nhạc do nhóm “Trăm Hoa Miền Nam” phát hành đầu năm 1968.
Trong những ngày giáp Tết, DòngNhạcXưa mời quý vị yêu nhạc xa gần hãy nghe lại cả hai phiên bản “Ước nguyện đầu xuân” của cố nhạc sỹ Hoàng Trang để có những phút giây vui tươi hoặc lắng đọng, để chuẩn bị đón một mùa Xuân Giáp Thìn 2024 đầm ấm.
Trong một bài viết trước, chúng tôi đã giới thiệu đến người yêu nhạc đôi nét về nhạc sỹ Tuấn Hải, tác giả bản ‘Phượng Buồn’ nổi tiếng. Xung quanh nhạc phẩm này, trước đây có một hiểu lầm đáng tiếc.
Số là sau khi ghi âm lần đầu tiên qua tiếng hát Hoàng Oanh trong băng nhạc Nhã Ca 10, xuất bản năm 1974 thì xảy ra biến cố 1975, Tuấn Hải ngưng sáng tác và sau đó đi Úc định cư năm 1990.
Trong một bài viết trên trang nhà của nhạc sỹ Tuấn Khanh (nguồn), hiện cũng đang định cư ở Úc Châu, sau nhiều năm im lặng, mãi đến năm 2015, nhạc sỹ Tuấn Hải mới viết một là thư ngỏ để làm rõ về vài hiểu lầm không đáng có.
Bài này tôi viết năm 1974 tại Sài Gòn và đã sắp xếp Hoàng Oanh hát đầu tiên vào dĩa nhựa nhạc ‘Ngày Xanh’ tại phòng thu của một người Hoa ở số 13 đường Bùi Hữu Nghĩa (trước cửa chợ cá Hòa Bình, quận 5 Chợ Lớn cùng trong năm ấy). Đến năm 2004 tôi về Sài Gòn gặp lại một số bạn cũ trong đó có các nhạc sĩ: Ngọc Sơn, Đài Phương Trang, Dzoãn Bình và Vinh Sử. Rồi chúng tôi có cuộc hẹn đi uống bia tại quán Hội Nghệ Sĩ…
Sau khi tặng Vinh Sử một CD ‘Phượng Buồn’ thì người bạn này nói liền: “Xin lỗi anh, em có làm một chương trình có bài ‘Phượng Buồn’ nhưng gặp khó khăn về việc kiểm duyệt tác giả ở nước ngoài nên đã để tên anh Thanh Sơn cho dễ dàng và tiện việc thanh toán bản quyền…” Ngay lúc đó tôi không thấy gì phiền hà vì việc đã rồi. Hơn nữa Thanh Sơn sau này có chút gì vui vui… Thế là vấn đề thông qua.
Sau đó bài Phượng Buồn lần lượt được nhiều trung tâm sử dụng nên việc ”tam sao thất bản” càng lan tràn theo tỉ lệ thuận. Cũng từ đó một số thân hữu của tôi tỏ ra bất đồng về sự im lặng này, cũng có vài người còn suy nghĩ ngược lại. Trong thời điểm này tôi không biết dùng computer nên chẳng muốn bận thêm làm gì. Nay tiện có cháu nội bà xã tôi sang du học tại Australia nên tôi nhờ cháu Thanh Trinh giúp cho việc này.
Cũng xin được nói thêm là giữa tôi và Thanh Sơn đã có thâm tình từ những ngày hai đứa mới vào nghề (nhắc tên bạn ở đây bằng tất cả lòng quí mến). Tôi nhớ rõ là nhạc sĩ Thanh Sơn có mấy bài viết về phượng rất nổi tiếng như: ‘Nỗi buồn hoa phượng’, ‘Hạ buồn’ và ‘Hai cánh phượng buồn’ (bài này ghép mấy bài cũ của Thanh Sơn). Tôi cũng thấy vài trung tâm còn ghi tác giả bài ‘Phượng Buồn’ của Nguyên Vũ hay Nguyễn Vũ. Theo tôi được biết không có nhạc sĩ nào tên Nguyên Vũ, còn nhạc sĩ Nguyễn Vũ và chúng tôi cũng rất thân quen từ những ngày cùng cộng tác ở Continental do nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông điều hành. Nhạc sĩ Nguyễn Vũ viết nhiều bài về tình yêu lính biển và mấy bài giáng sinh rất nổi tiếng. Tôi chưa nghe thấy bài nào viết cho phượng.
Như vậy là mọi việc đã rõ.
Tuy nhiên, DòngNhạcXưa cũng cần nói thêm một điều: trước đó, tầm những năm 1967 – 1968, hai nhạc sỹ Thanh Sơn & Song Ngọc đã cho ra đời một bản nhạc cũng có tên là ‘Phượng Buồn’ với giai điệu và ca từ hoàn toàn khác.
Trong làng văn nghệ Việt Nam, tên tuổi của nhạc sỹ Tuấn Hải ít được nhắc đến. Một phần vì ngoài việc sáng tác, ông dành phần nhiều thời gian trước 1975 cho công việc của một chuyên viên âm thanh của Đài Tiếng Nói Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa; một phần cũng vì ông không có sinh hoạt văn nghệ trong nước sau 1975 trước khi định cư ở nước Úc xa xôi vào năm 1990.
Tuy nhiên nếu như người yêu nhạc biết ông là tác giả của các bản như “Phượng buồn”, “Một trăm phần trăm” hay “Đẹp lòng người yêu” thì chúng ta sẽ không quá xa lạ với nhạc sỹ Tuấn Hải.
Thông qua bài viết này, DòngNhạcXưa chúc ông dồi dào sức khỏe và vui hưởng tuổi già bên người vợ hiền và con cháu nơi xứ xở của những chú kangaroo.
Tuấn Hải (tên khai sinh: Lê Xuân Nghị, 1 tháng 6 năm 1939 tại Hải Phòng) là một nhạc sĩ nhạc vàng người Việt Nam trước năm 1975. Ngoài ra, ông còn có những bút danh khác như Lê Kim Khánh (con trai ông), Song Kim và Phụng Anh (trong một số bài).
Tuấn Hải sinh ngày 1 tháng 6 năm 1939 tại Hải Phòng. Ông ham mê âm nhạc từ nhỏ. Vào Sài Gòn năm 1954, những năm sau đó ông có cơ hội trau dồi và học nhạc với hai nhạc sĩ Văn Phụng và Võ Đức Tuyết.
Tháng 6 năm 1961, ông được tuyển chọn vào làm việc ở đài phát thanh Sài Gòn. Ông đã tham gia sinh hoạt ca nhạc thường xuyên trong các ban nhạc Văn Phụng và Nhật Bằng. Ông cũng là chuyên viên âm thanh của đài tiếng nói Quân lực Việt Nam Cộng hòa. Trong thời gian ấy ông đã được nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông – giám đốc hãng nhạc, giao cho việc phụ trách kỹ thuật âm thanh của hãng dĩa Continental và hãng nhạc Ngày Xanh.
Nhạc sĩ Tuấn Hải đã nhận được nhiều giải thưởng trong các cuộc thi sáng tác được tổ chức bởi các cơ quan như: Văn Hoá Vụ, Tuyên Úy Phật giáo, Thiếu Nhi, Phòng Vệ Dân Sự, Dân Vệ Đoàn, bộ Thông tin và bộ Tư lệnh Cảnh Sát Quốc gia. Đặc biệt là ông đạt được giải nhất với bài “Mừng Ngày Quân Lực”, trong cuộc thi sáng tác toàn quốc năm 1965, do Tổng cục Chiến tranh Chính trị, Bộ Tổng Tham mưu Quân lực Việt Nam Cộng hòa tổ chức. Ông đã được sự khen thưởng đặc biệt của Bộ Tổng tham mưu Quân lực Việt Nam Cộng hòa cũng như Địa phương quân và nghĩa quân.
Ông định cư và làm việc ở Úc từ năm 1990. Hiện đang nghỉ hưu trí và sống với người phối ngẫu là bà Lâm Thị Kim Ngân tại thành phố Brisbane, tiểu bang Queensland. Ông rất được đồng hương quý mến do tính tình vui vẻ, ôn hòa và khiêm nhường. Hầu hết họ không biết ông là Tuấn Hải, vì ông không tự giới thiệu nhiều về mình.
Năm 2004, ông bị đột quỵ và phải ngồi xe lăn, tuy nhiên ông vẫn lạc quan, yêu đời và giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn tại quê nhà.
Xin ghi chú nguồn DòngNhạcXưa và các nguồn có liên quan khi trích dẫn!
Ngày nay, với sự tiến bộ của kỹ thuật, các xe hàng rong đã trang bị các loại loa phát khác nhau, mỗi người một kiểu, thậm chí người bán còn có thể tự thu âm tiếng rao của mình để phát lại. Dường như hiện đại hơn, có vẻ như tiện lợi hơn. Thế nhưng chính điều này đã tạo ra một mớ âm thanh hỗn độn ở các thành phố lớn như Hà Nội, Đà Nẵng và nhất là TPHCM.
Giữa sự ồn ào náo nhiệt ấy, chúng ta càng nhớ quay quắt những tiếng rao hàng rong mộc mạc ngày xưa: nghe bình dị, vừa phải mà cũng đi vào lòng người. DòngNhạcXưa xin giới thiệu bản “Gánh Hàng Rong” nổi tiếng của nhạc sỹ Lê Quốc Dũng, người vừa vĩnh viễn chia tay chúng ta đầu năm nay, ngày 11/3/2023, sau một thời gian chống chọi với căn bệnh ung thư phổi.
Ông sinh năm 1963, trong gia đình có cha là nhạc công. Thuở nhỏ, gia đình ông nghèo khó, cha mẹ phải chạy ngược xuôi nuôi cả nhà, do đó không muốn các con theo nghề. Ông tự học bằng cách mượn đàn, trống, học lỏm khi cha dạy học trò.
Ông vốn dự định trở thành nhạc công nhưng sau đó lại mê nghề sáng tác. Lê Quốc Dũng bắt đầu viết nhạc từ năm 17, 18 tuổi với ca khúc đầu tiên là Nắng xuân. Năm 2000, đạo diễn Xuân Phước mời ông viết nhạc cho phim truyền hình Bóng biển. Ông gây chú ý với ca khúc Nữ sinh trong phim truyền hình cùng tên, chuyển thể từ truyện Nguyễn Nhật Ánh, phát sóng năm 2008.
Nhiều ca khúc của ông gây tiếng vang, gồm Gánh hàng rong, Nụ hôn mùa xuân, Tình băng giá, Tuyệt vời khi có em. Trong đó, Gánh hàng rong – ca khúc viết về phận người mưu sinh giữa đô thị – được nhiều ca sĩ thu âm như Phương Thanh, Minh Tuyết, Nhật Tinh Anh, Ngọc Mai, Nguyễn Hồng Ân.
Đạo diễn Lý Hải cho biết những năm 1980, khi anh còn đi hát, Lê Quốc Dũng là nhạc công, cả hai nhiều dịp đứng chung sân khấu. Anh từng thể hiện nhạc phẩm Ngày về do ông sáng tác. “Ngày đó, tôi và anh mê món gà nướng muối ớt, cả hai thường cùng nhau ra quán ăn. Sau này, tôi nổi tiếng rồi làm phim, anh chuyên tâm viết nhạc, không còn dịp nói chuyện nhiều nhưng vẫn luôn quan tâm về nhau”, Lý Hải nói. Trong ký ức của đạo diễn, nhạc sĩ hồn hậu, chất phác, luôn nhiệt tình hỗ trợ đàn em.
Ông bị ung thư phổi nhiều năm qua, bệnh đã di căn đến cổ họng. Trước khi qua đời, nhạc sĩ điều trị ở Bệnh viện Ung Bướu, hồi tháng 2 bác sĩ cho ông về vì sức khỏe quá yếu.
Cuối đời, nhạc sĩ sống trong căn nhà ở ngõ hẻm thuộc phường Cầu Kho (quận 1), mọi sinh hoạt, ăn uống đều phụ thuộc vào em trai. Theo người em, vợ và các con ông đã đi xuất khẩu lao động từ lâu, gia cảnh cũng khó khăn nên không phụ giúp được gì nhiều. Những năm gần đây, dù bệnh tật, Quốc Dũng vẫn chuyên tâm sáng tác mỗi khi thấy khỏe, nhiều bài chưa công bố. Hôm 17/2, đại diện Hội nhạc sĩ TP HCM và nhiều nhạc sĩ kêu gọi chung tay hỗ trợ ông điều trị.