Hôm nay cả dải đất Nam Trung Bộ và Miền Nam trời trở lạnh và mưa nhiều. Tất cả đều hồi hộp nín thở đối phó với cơn bão Usagi. Nhìn cảnh người dân Việt Nam mình, vốn dĩ đã phải vất vả lo toan mưu sinh, giờ đây phải tất bật chuẩn bị mọi cách có thể có để giảm thiệt hại do cơn bão, chúng tôi không khỏi chạnh lòng và cầu mong mọi điều tốt lành nhất cho quê hương mình. DòngNhạcXưa xin giới thiệu một ca khúc ‘Chút thư tình người lính biển’ nổi tiếng ra đời vào thập niên 1980 của nhạc sỹ Hoàng Hiệp với ý thơ Trần Đăng Khoa, viết về tâm tình của người lính hải quân và tình cảm chân thành của cô người yêu trẻ ngày đêm hướng về biển đảo xa xôi
Những giai điệu biển đảo – Chút thư tình người lính biển
Chút thư tình người lính biển đã là một bài hát sớm được phát thanh qua Đài tiếng nói Việt Nam – kênh chuyển tải âm nhạc hiệu quả nhất thời kỳ đó. Sự cân đối giữa lý tưởng và tình cảm riêng, hình tượng người lính hải đảo cộng với người lính sáng tác Trần Đăng Khoa, đã giúp bài hát được phổ biến. Giai điệu của bài hát cũng rất đẹp. Được viết ở giọng thứ, Chút thư tình người lính biển có sự mềm mại, da diết. Nó cũng có nhiều nốt luyến, để nốt nhạc có thể ngân dài, xuyên qua ô nhịp tiếp theo mà vẫn mềm mịn như một nỗi nhớ.
Thật nhiều dấu luyến giúp nốt nhạc kéo dài mềm mại đi xuyên ô nhịp. Giọng thứ da diết. Lời ca của một nhà thơ lính. Chút thư tình người lính biển yêu là thế, thương là vậy.
Cho tới khi bài thơ Chút thư tình người lính biển ra đời năm 1981, trong suốt nhiều năm danh hiệu thần đồng thơ của Trần Đăng Khoa bị vây bủa trong nghi ngờ. Anh đã không còn có thể viết những câu thơ tinh tế đến tận cùng như “Ngoài thềm rơi chiếc lá đa/Tiếng rơi rất mỏng như là rơi nghiêng” nữa. Càng mong ngóng, càng không thấy. Trần Đăng Khoa đã lớn, bị dứt khỏi một cậu bé nông thôn, đã không thể có một giọng thơ riêng mình.
Trong sách giáo khoa văn học ngày xưa [dongnhacxua.com] còn nhớ bài thơ “Nhớ con sông quê hương”rất hay của Tế Hanh. Trong âm nhạc, chúng ta cũng may mắn có một tác phẩm tuyệt vời viết về dòng sông tuổi thơ: bản “Trở về dòng sông tuổi thơ” của nhạc sỹ Hoàng Hiệp. Hôm nay tiếp nối chủ đề “Sông trong âm nhạc”, [dongnhacxua.com] xin giới thiệu bài thơ và bản nhạc hay đến người yêu nhạc xa gần.
BÀI THƠ “NHỚ CON SÔNG QUÊ HƯƠNG” CỦA TẾ HANH (Nguồn: thivien.net)
Quê hương tôi có con sông xanh biếc
Nước gương trong soi tóc những hàng tre
Tâm hồn tôi là một buổi trưa hè
Toả nắng xuống lòng sông lấp loáng
Chẳng biết nước có giữ ngày, giữ tháng
Giữ bao nhiêu kỷ niệm giữa dòng trôi?
Hỡi con sông đã tắm cả đời tôi!
Tôi giữ mãi mối tình mới mẻ
Sông của quê hương, sông của tuổi trẻ
Sông của miền Nam nước Việt thân yêu
Lang thang trên mạng internet để tìm tư liệu cho loạt bài ’60 Năm Hiệp Định Genève (1954-2014)’, [dongnhacxua.com] thu lượm được một tư liệu quý về dòng nhạc xưa ở miền Bắc.
NGƯỜI ĐÂU TIÊN HÁT ‘CÂU HÒ BÊN BỜ HIỀN LƯƠNG’ (Nguồn: tác giả Hà Tùng Long đăng trên GiaDinh.net.vn )
Giadinh.net – Lâu nay, mỗi lần nhắc đến bài hát “Câu hò bên bờ Hiền Lương” là người ta nghĩ ngay đến giọng hát ngọt ngào, trong trẻo của nữ Nghệ sỹ Nhân dân Thu Hiền. Thế nhưng ít ai biết được, người đầu tiên hát ca khúc này lúc bài hát vừa “ra lò”, trong hoàn cảnh đất nước bị chia cắt lại là nam ca sỹ Văn Hanh – một trong những nam ca sỹ khá nổi tiếng của Đài Tiếng nói Việt Nam lúc bấy giờ. Người ca sỹ ấy giờ đã ở vào tuổi ngoại bát tuần, thế nhưng mỗi lần nhắc đến “Câu hò bên bờ Hiền Lương” , trong ông lại trỗi dậy bao kỷ niệm.
“Say” hát quên cả ngủ
Tiếp chúng tôi trong phòng khách nhỏ bé của căn hộ tập thể thuộc khu tập thể Đài Tiếng nói Việt Nam, nghệ sỹ Văn Hanh bắt đầu câu chuyện với chúng tôi bằng lời giải thích về một sự nhầm lẫn mà bao nhiêu năm qua người đời không hay biết, đó là chữ “bến” và chữ “bờ” trong tựa đề bài hát. Theo ông, lúc nhạc sỹ Hoàng Hiệp gửi bài hát này đến Ban biên tập âm nhạc của Đài Tiếng nói Việt Nam, chính ông là người đã nhìn thấy tận mắt trong bản thảo nhạc và lời của bài hát đề chính xác là “Câu hò bên bờ Hiền Lương”. Và tựa đề đó không chỉ đúng theo cách đặt của tác giả bài hát mà còn đúng với thực tế lúc bấy giờ. Ông nói: “Vào năm 1957, khi bài hát ra đời, đất nước ta đang bị chia cắt làm đôi lấy cầu Hiền Lương làm nơi phân chia ranh giới. Ở phía nam cầu Hiền Lương là đất của địch và ở phía bắc của cầu là đất của ta. Bởi thế, giữa hai bên chỉ có hai bờ đất nhỏ bé chạy dài dọc theo sông Bến Hải chứ làm gì có bến nào để thuyền bè đỗ lại như bây giờ đâu; vậy mà bao năm qua, người ta lại có thể nhầm thành “Câu hò bên bến Hiền Lương…”.
Ông kể, ông đến với bài hát này vừa là một sự tình cờ nhưng cũng như một cái duyên. Vào một buổi tối buồn, ngồi một mình trong phòng chẳng biết làm gì nên ông lang thang lên phòng biên tập xem có bài hát nào mới để tập hát vu vơ cho đỡ buồn. Thường ở phòng biên tập của ban âm nhạc, bao giờ cũng có một phòng để các bài hát, bản nhạc của các nhạc sỹ ở các nơi gửi về. Trong mớ giấy tờ lộn xộn, ông cầm đại một tờ lên, lần giở ra xem thì gặp đúng bài hát “Câu hò bên bờ Hiền Lương” – bài hát đầu tay của nhạc sỹ Hoàng Hiệp vừa mới gửi về được mấy hôm. Xem qua ca từ, nốt nhạc của bài hát, ông như bị cuốn hút bởi thứ âm điệu rất đặc biệt của bài hát này. Ông mang đàn ra vừa tập hát vừa tự đệm nhạc cho mình thì phát hiện là bài hát này rất phù hợp với chất giọng của ông. Ông lại một mình say sưa với bài hát cho đến lúc gà gáy báo sáng mới sực nhớ là mình quên đi ngủ.
“Lúc đó, tôi có cảm tưởng như bài hát này nhạc sỹ Hoàng Hiệp sáng tác để dành cho riêng tôi hát vậy. Bài hát mang âm hưởng dân ca đồng thời lại nuột nà, tình cảm, nó rất phù hợp với khả năng thể hiện của mình. Ngay sáng hôm đó, tôi đã đề nghị với đồng chí phụ trách đoàn ca nhạc của đài cho tôi được hát thu âm bài hát và đã được đồng chí trưởng đoàn đồng ý. Tôi mừng đến nỗi rơi cả nước mắt” – ông bồi hồi nhớ lại.
Theo đúng quy trình, mỗi khi nhận được bài hát từ nhạc sỹ gửi đến, ban biên tập sẽ gửi đến cho ban biên tập nhạc để họ soạn tổng phổ (bản ghi các nốt nhạc đệm của tất cả các loại nhạc cụ dành cho một tác phẩm âm nhạc để các nhạc công nhìn vào đó mà đệm nhạc cho phù hợp hoặc chỉ huy nhìn vào đó để chỉ huy dàn nhạc). Sau đó, ca sỹ sẽ tập hát và ráp nhạc với ban nhạc rồi mới đi thu âm. Thế nhưng với bài hát này, ông đã được phá lệ, bỏ qua khâu soạn tổng phổ mà tập hát và ráp nhạc luôn với nhạc công. “Khi nghe tôi hát thử một vài lần, các anh trong đoàn đã gật đầu đồng ý cho phép ráp nhạc luôn với nhạc công mà không cần tổng phổ. Người đệm đàn cho tôi lúc đó là anh Hoàng Mãnh một pianist khá nổi tiếng thời bấy giờ. Và hai anh em chúng tôi thu âm bài hát này chỉ trong vòng 4 lần là hoàn thiện, sau đó thì được Đài Tiếng nói phát rộng rãi khắp miền Bắc”.
Khóc theo khán giả
Sau khi bài hát được phát sóng rộng rãi trên khắp miền Bắc, Ban biên tập đã nhận được rất nhiều lời yêu cầu phát lại trong chương trình “Hộp thư yêu cầu” của Đài. Nhiều lá thư gửi về cám ơn nhạc sỹ, ca sỹ đã mang lại cho họ một ca khúc thật ý nghĩa, khiến ông vui mừng khôn tả. Trong số những lá thư của khán giả gửi về, ông đã được ban biên tập cho xem bức thư đầy cảm động của một cô gái miền Nam tập kết ra Bắc mà cho đến bây giờ ông vẫn còn nhớ được mấy dòng: “Khi nghe bài hát này, mấy chị em chúng tôi đã ôm nhau khóc nức nở. Càng khóc bao nhiêu, nỗi căm thù giặc Mỹ lại dâng tràn bấy nhiêu. Từng lời ca ngọt ngào, ấm áp mà thiết tha của ca sỹ như đưa chúng tôi trở về với những kỷ niệm của những ngày còn sống trên đất quê hương. Nỗi nhớ quê hương làm cả mấy chị em ngẹn ngào không nói được lời nào… Thay mặt mấy anh chị em người miền Nam đang tập kết ra Bắc cám ơn Đài tiếng nói, cám ơn ca sĩ đã mang đến cho chúng tôi những lời ca tuyệt vời đến thế…”. Vì đây là bài hát mang âm điệu buồn mà lúc bấy giờ chiến trường lại cần những bài mang âm hưởng hào hùng, mạnh mẽ để cổ vũ tinh thần chiến đấu của quân dân nên ông đã không được phép hát bài này trong mỗi lần biểu diễn ở chiến trường.
Ông còn nhớ lần đầu tiên ông biểu diễn bài hát này ở vườn hoa Chí Linh (Hà Nội), lúc ông đang hát lời 2 thì thấy ở phía dưới sân khấu rất nhiều chị em khóc. Ông càng hát, họ lại càng khóc nhiều hơn. Nhìn chị em khóc, ông đã không thể cầm lòng và định không hát nữa, thế nhưng nhìn những người khác đang say sưa nghe ông hát thì ông không thể dừng lại được. Và không hiểu sao những giọt nước mắt cứ lăn dài trên má ông cho đến khi ông hát xong bài hát. Lạ thay, khi nhìn thấy nước mắt của ông, nhiều chị em đã không còn khóc nữa mà hướng ánh nhìn ngưỡng mộ về phía ông. Buổi biểu diễn hôm đó, khán giả đã yêu cầu ông hát đi hát lại bài hát này đến 3 lần. Sau mỗi lần ông hát xong là hàng tràng pháo tay ròn rã cất lên, kéo dài hàng chục phút không ngớt. Ông tâm sự: “Đó là niềm hạnh phúc lớn lao nhất mà một người ca sỹ như tôi lúc đó có được. Tối hôm đó, tôi đã không ngủ được vì quá vui sướng”.
Sau này, mỗi lần đi biểu diễn ở các tỉnh, cứ hễ lên sân khấu là khán giả lại yêu cầu ông hát bài “Câu hò bên bờ Hiền Lương”. Và đã một thời, cái tên Văn Hanh nổi lên như một “hiện tượng âm nhạc đặc biệt” mà trong suốt cuộc đời ca hát của mình, ông không bao giờ quên.
Nếu như trong ‘Tình lỡ’ (Thanh Bình) hay ‘Tình ca’ (Hoàng Việt) mà [dongnhacxua.com] đã giới thiệu trước đây đã gián tiếp nói đến sự chia cắt sau Hiệp định Genève thì trong ‘Câu hò bên cầu Hiền Lương’, nhạc sỹ Hoàng Hiệp đã đề cập cụ thể đến con sông Bến Hải và chiếc cầu Hiền Lương. Có thể nói nhạc phẩm sáng tác năm 1956 này là bản nhạc đầu tiên của tân nhạc Việt Nam viết đề đề tài “chia cắt hai miền – 1954”.
60 năm sau, tiếng súng đã chấm dứt gần 40 năm trên quê hương chúng ta, chiếc cầu chia cắt cũng đã nối liền hai bờ. [dongnhacxua.com] cầu mong hòa bình, ấm no và hạnh phúc cho nước Việt xinh tươi!
RƠI NƯỚC MẮT CÂU CHUYỆN ‘CÂU HÒ BÊN CẦU HIỀN LƯƠNG’ (Nguồn: VTC.vn)
(VTC News) – Ca khúc nổi tiếng rất xúc động Câu hò bên bờ Hiền Lương được chính nhạc sĩ Hoàng Hiệp tiết lộ cũng xúc động không kém khiến người đọc có thể rơi nước mắt.
Nhạc sĩ Hoàng Hiệp qua đời hôm qua (9/1) đã để lại thương tiếc trong lòng nghệ sĩ và người yêu nhạc nhưng những tác phẩm của ông còn sống mãi theo thời gian.
Một trong những ca khúc nổi tiếng, xúc động nhất của nhạc sĩ Hoàng Hiệp là Câu hò bên bờ Hiền Lương (lời Hoàng Hiệp và Đằng Giao) nhưng ít ai biết hết về hoàn cảnh sáng tác của nó cũng rất xúc động.
VTC News trích đăng lại bài viết về hoàn cảnh sáng tác ca khúc Câu hò bên bờ Hiền Lương do chính nhạc sĩ viết năm 1987, được in trong cuốn Nhạc và Đời (Lê Giang – Lưu Nhất Vũ chủ biên, NXB Tổng hợp Hậu Giang, 1989):
Đó là vào những ngày cuối năm 1956.
Ngồi trên xe đò từ Hà Nội và Vĩnh Linh, tôi lặng thinh, day dứt vì nỗi nhớ quê nhà.
Nhìn thời cuộc lúc này, tôi hiểu rằng sẽ không có hiệp thương tổng tuyển cử gì hết. Nhưng phải làm thế nào đây thì tôi không biết.
Tôi hồi tưởng lại quang cảnh ngày các má, các chị, các anh và các em thiếu nhi tiễn đưa chúng tôi xuống ghe để ra vàm sông Đốc, lên tàu tập kết mà không cầm được nước mắt.
Tôi ra đi cũng không gặp lại được ba má và các em tôi sau gần 9 năm xa cách. Gia đình tôi hiện giờ đang ở đâu?
Những ngày đầu ở phía Bắc bờ Bến Hải, tôi sống trong một đồn biên phòng nằm cách cầu Hiền Lương chừng trăm thước.
Ban ngày, tôi đội mưa đi dọc theo bờ sông, đôi mắt đăm đăm nhìn sang bờ Nam. Tôi bắt gặp nhiều em, nhiều chị từ bên ấy, hình như cũng nhìn thấy tôi nên giả đò ra song rửa chân tay để được nhìn lại tôi. Chắc họ muốn nhận coi tôi có phải là người thân hay người quen cùng làng đã đi tập kết hay không.
Phần tôi, tôi đâu có hi vọng gặp được người quen ở chốn này. Bởi quê tôi ở tận cùng phía Nam đất nước.
Xóm làng, chợ búa ở đây cũng không giống như ở quê tôi. Mặc dầu vậy, tôi vẫn cố nhìn, cố nhận dạng những hình vóc, những gương mặt mà tôi cảm thấy rất gần gũi, yêu thương. Và trong lòng thầm nhủ “biết đâu đấy!”.
Ban đêm, tôi hỏi chuyện các chiến sĩ biên phòng. Những người này cũng chỉ cho tôi biết những tin tức mà tôi đã nghe qua. Đồn này quá ít người. Họ lại thay phiên nhau đi làm nhiệm vụ luôn. Họ còn là những người rất ít lời. Hết nằm xuống, tôi lại ngồi dậy. Bởi giấc ngủ không chịu đến với tôi.
Tôi muốn viết một cái gì đó nhưng tâm trạng ngồn ngang nên cũng không viết được. Nhiều ý nghĩ cùng đến một lúc, không biết chọn cái nào và bắt đầu từ đâu.
Đã thế, lại còn tiếng nhạc và những lời xuyên tạc sự thật từ các loa phóng thanh bờ Nam dội sang. Nó tra tấn tôi không ít qua các đêm ở đây.
Một lần nữa, tôi lại bước ra hiên đồn, nhìn về phía cầu Hiền Lương, chiếc cầu ban chiều tôi đã đặt chân lên đó. Tuy nhiên, tôi chỉ được phép đi ở nửa cầu phía Bắc, vì nửa kia là thuộc về miền Nam rồi. Thuộc về cái chính quyền đang quyết tâm và ra sức chia đôi đất nước.
Cây cầu lúc này đang bị màn mưa che phủ. Nó như ẩn như hiện, như thực như hư. Dầu vậy, nó vẫn là vật biểu hiện cụ thể nhất của sự chia cắt.
Từ giã đồn biên phòng, tôi đi ra cửa Tùng và đến sống với những người chài lưới ở một tập đoàn đánh cá.
Khác với các chiến sĩ biên phòng, những người dân miền biển đều ăn to nói lớn. Họ đối với chúng tôi cởi mở hơn. Họ cũng thích bắt chuyện với tôi vì tôi là người từ xa đến, nhất là từ thủ đô Hà Nội.
Tuy vậy, có một anh trong số họ khiến tôi có phần e dè và đặc biệt để ý. Bởi anh rất ít nói. Anh cũng không hay cười, kể cả khi mọi người ngồi quanh chén rượu, kể cho nhau nghe những câu chuyện vui nhộn. Anh cũng là một xã viên của tập đoàn. Ngoài nhiệm vụ ra khơi đánh bắt, anh còn được giao một công việc nữa. (Được gia hay tự xung phong nhận lãnh tôi cũng không rõ). Đó là công việc của người gác đèn ở Cửa Tùng.
Một buổi chiều, thấy anh sửa soạn trèo lên nơi đặt đèn, tôi xin anh cho tôi theo lên và đã được anh đồng ý.
Và cũng như mọi khi, kể từ lúc chúng tôi trèo lên thang cho đến khi anh thắp sáng ngọn đèn, anh cũng không mở miệng nói với tôi một câu nào. Tôi cũng không gợi chuyện để nói bởi vẻ mặt của anh lúc này càng biểu lộ sự đau khổ hơn lúc nào hết. Tôi còn cảm thấy như đôi lúc anh quên rằng có tôi đang ở bên cạnh anh.
Buổi chiều, ở trên cao nên càng vắng lặng. Chúng tôi nhìn ra biển khơi sóng vỗ, nhìn đàn chim hải âu đang bay, nhìn những cánh buồm đang từ từ trôi dạt vào cửa sông. Bỗng nhiên anh nói:
– Đồng chí có biết không? Nhà tôi ở ngay chỗ chòm dương có những cây cao nhứt đó… Tôi cũng như đồng chí, tập kết ra Bắc từ hơn hai năm nay… Tôi sang đây để lại vợ con bên ấy… Vì vậy, tôi lên đây không phải để làm nhiệm vụ thôi mà còn để nhìn về quê tôi. Vài lần, tôi đã rông thấy ai như vợ con tôi đang từ trong nhà ra bãi để nhận cá mang ra chợ bán. Tôi muốn kêu to lên, nhưng kêu sao cho tới…
Một lần, vừa mới tang tảng sáng, tôi đang đứng ở đây thì nghe tiếng súng nổ bên ấy. Rồi thì tôi thấy khói bốc lên ở đúng ngay xóm tôi. Đồng chí thử tưởng tượng coi, ruột gan tôi lúc đó như thế nào! Tôi đã tìm đủ mọi cách để biết được nhà cửa, vợ con tôi bây giờ ra sao.
Nhưng không có cách gì hết. Tôi muốn lén đi về bên ấy một lần. Chỉ một lần thôi rồi ra sao thì ra… Đồng chí có biết bao giờ thì mình được về bên ấy hay không? Trước đây tôi là du kích. Bây giờ tôi chỉ muốn cầm súng. Thà chết còn hơn sống hoài trong cảnh thế này…
Một lúc sau, chúng tôi lẳng lặng quay về tập đoàn.
Và bài hát Câu hò bên bờ Hiền Lương của tôi được bắt đầu ngay từ cái đêm hôm đó.