Chỉ còn vài ngày nữa là chúng ta đón một mùa xuân mới, Xuân Bính Thân 2016. Nhân tết con Khỉ, [dongnhacxua.com] xin giới thiệu đến quý vị nhạc phim “Tây Du Ký”, phiên bản 1986 mà theo thiển ý của chúng tôi là bản phim về Tôn Ngộ Không hay nhất cho đến thời điểm này.
CHUYỆN ÍT BIẾT VỀ NHẠC PHIM TÂY DU KÝ
(Nguồn: vtc.vn)
Nhắc đến Tây Du Ký phiên bản 1986, nhiều người nhớ đến ca khúc chủ đề phim ‘Xin hỏi đường ở nơi đâu’, thế nhưng mấy ai biết sự thiệt thòi của cha đẻ ca khúc này.
Mỗi khi kết thúc một tập phim Tây du ký, người xem lại được hòa trong điệu nhạc háo hức hoan ca: ‘Anh hành lý trên vai, tôi thì dắt ngựa. Ngày đón bình minh lên, chiều đưa tiễn hoàng hôn. Mặc gió rét gầm vang, không ngại hiểm nguy cất bước… ‘.
Điệp khúc cùng lời ca dễ thuộc khiến khán giả thực sự gắn bó với bài hát cũng như bộ phim Tây Du Ký. Tuy nhiên, phần đa chỉ biết đến ca sỹ Tưởng Đại Vy là người thể hiện còn vị nhạc sỹ sáng tác thì ít người chú ý.
Ông chính là nhạc sỹ Hứa Kính Thanh nổi tiếng Trung Quốc với hơn 100 ca khúc nhạc phim mang đậm phong cách dân tộc với sự hài hòa nhạc đương đại.
Trong đó, Xin hỏi đường ở nơi đâu trong bộ phim Tây Du Ký được coi là ca khúc thành công nhất của nhạc sỹ Hứa. Ca khúc này đồng thời đã mở ra trào lưu kết hợp nhạc điện tử với nhạc dân tộc cũng như dàn nhạc hợp xướng trong phim ảnh.
Trái ngược với phần nhạc không lời mở đầu phim, ca khúc cuối phim với ca từ hàm ý và da diết khiến người xem cảm nhận được nỗi vất vả trên hành trình đi thỉnh kinh của bốn thầy trò Đường Tăng.
Có thể nói, Xin hỏi đường ở nơi đâu tới nay đã trở thành phần âm nhạc mang tính tiêu chuẩn của phim Tây Du Ký.
Cơ duyên đến với đoàn Tây Du Ký
Mùa Đông năm 1983, Hứa Kính Thanh khi đang ngồi trên xe từ nhà đến cơ quan bỗng bật lên trong đầu hai ca câu: ‘Bốn mùa xuân hạ thu đông xoay chuyển, nếm trải bao nỗi cay đắng ngọt bùi’. Sau này, hai câu trên đã trở thành trung tâm và cao trào của bài hát Xin hỏi đường ở nơi đâu.
Hứa Kính Thanh ngó đầu ra cửa xe, trên trời hoa tuyết lất phất bay, chàng trai trẻ khi đó đã tự hỏi, đời con người có tiền thì nên, không tiền thì sẽ khác, mục đích cuộc sống của con người rút cuộc là gì… Từ suy nghĩ đó, ông đã bật ra lời ca ‘Bốn mùa xuân hạ thu đông xoay vần’.
Khi tới cơ quan, Hứa liền viết một mạch xong phần còn lại của ca khúc. Tổng thời gian ông hoàn thành Xin hỏi đường ở nơi đâu chỉ chưa đầy 20 phút.
Sau khi bộ phim Tây Du Ký phát sóng, bài Xin hỏi đường ở nơi đâu khi đó đã được truyền thông bình chọn là một trong 10 ca khúc vàng. Tuy nhiên, đơn vị tổ chức không thể tìm được người nhận giải để trao giải thưởng đặt biệt này.
Về sau, đài truyền hình Bắc Kinh đã tìm ra người nhạc sỹ đó chính là Hứa Kính Thanh, đồng thời trao phần thưởng cho ông.
Ca khúc lận đận và nguy cơ bị hủy
Năm 1986, nhân viên biên tập nhạc của đoàn phim đã hẹn gặp Hứa Kính Thanh để thông báo, lãnh đạo đài trung ương không muốn sử dụng ca khúc Xin hỏi đường ở đâu. Lý do đưa ra: ‘Tây Du Ký là một trong Tứ đại danh tác. Nếu dùng nhạc điện tử để sáng tác nhạc Tây Du Ký thì không phù hợp’.
Hứa Kính Thanh tới Cửu Hoa Sơn và tìm gặp nữ đạo diễn Dương Khiết tâm sự rằng ông đã bỏ nhiều công sức và tâm huyết để sáng tác nhưng giờ lại bị hủy nên rất buồn và tiếc nuối.
Nữ đạo diễn tỏ ra giận dữ, vội viết một bức tâm thư cho lãnh đạo đài, đưa Hứa Kính Thanh chuyển về cho cấp trên. Bản thân Dương Khiết rất thích ca khúc Xin hỏi đường ở nơi đâu, vì vậy bà quyết đấu tranh giữ lại bài hát đến cùng.
Sau nhiều lần tác động, cuối cùng lãnh đạo đài đã dồng ý giữ lại ca khúc Xin hỏi đường ở nơi đâu của Hứa Kính Thanh làm ca khúc chủ đề cuối phim Tây Du Ký.
Thù lao bèo bọt và chuyện bản quyền
Hứa Kính Thanh từng có lần gặp gỡ ca sỹ thể hiện ‘đứa con tinh thần của ông’ – nam danh ca Tưởng Đại Vy. Qua chuyện trò thân mật, Tưởng Đại Vy cho biết, mỗi lần tham gia một sự kiện văn nghệ và thể hiện ca khúcXin hỏi đường ở nơi đâu, ông đều nhận được cát-xê khoảng 250.000 NDT (854 triệu đồng).
Tính trung bình mỗi tháng ít nhất Tưởng cũng tham gia khoảng 20 sự kiện. Nghe vậy cũng khiến nhạc sỹ Hứa cảm thấy chạnh lòng, bởi ông không hề nhận được một đồng thù lao bản quyền nhạc sỹ.
Nhạc sỹ Hứa Kính Thanh từng nhận được tiền bản quyền cho ca khúc Xin hỏi đường ở nơi đâu, tuy nhiên số lần ông nhận được tiền như vậy không phải nhiều, thậm chí khá bèo bọt.
Hiệp hội âm nhạc từng gửi cho Hứa khoảng hơn 300 NDT (khoảng 1 triệu đồng hiện tại) tiền bản quyền để được phép sử dụng ca khúc. Con số này so với giá cát-xê mà Tưởng Đại Vy nhận được là một trời một vực.
Từng có luật sự ngỏ lời giúp Hứa Kính Thanh đòi lại công bằng, với hy vọng mang lại chút thu nhập cho vị nhạc sỹ đã bước vào độ tuổi thất thập cổ lai hy. Tuy nhiên, nhạc sỹ đã từ chối với lý do: ‘Tôi và Tưởng Đại Vy đều là chỗ quen biết bao năm, mặt mũi nào mà đi làm chuyện như vậy’.
Ngoài ra, nhạc phim Tây Du Ký cũng được nhiều người hâm mộ tải về từ các trang mạng chia sẻ nhạc trực tuyến, trong khi nhạc sỹ Hứa chỉ nhận được duy nhất một lần khoản thù lao bản quyền ca khúc là 8.000 NDT (27 triệu đồng).
Đây là tổng số tiền của hơn 50 trang mạng cộng lại, trong đó có một trang trả với số tiền 2 tệ 7 xu (khoảng 9.200 đồng): ‘Khi đó tôi đã nói, tải về không phải trả tiền cho tôi, chỉ cần gửi cho tôi bao thuốc lá là được rồi’, vị nhạc sỹ hiền lành nói.
Thời kỳ vàng son và 17.000 đồng
Thời gian Tây Du Ký được phát sóng trên truyền hình cách đây hơn 20 năm, Hứa Kính Thanh với tư cách nhạc sỹ sáng tác ca khúc Xin hỏi đường ở nơi đâu nhận khoản thù lao là 250 NDT (854.000 đồng)/tập.
Tổng cộng 25 tập ông nhận được 6.250 NDT (21 triệu đồng) – khoản tiền được coi là vô cùng lớn so với thời kỳ bấy giờ (những năm 80).
Khi ghi âm xong Xin hỏi đường ở nơi đâu, đoàn phim trả cho đội ngũ âm nhạc mỗi người 5 NDT (17.000 đồng), mọi người vui sướng lắm nhưng không ai nghĩ bài hát sẽ nổi tiếng’.
Ngoài ra, khi bộ phim Tây Du Ký được chiếu hoàn tất năm 1986, Hứa Kính Thanh đã gửi lời ca khúc Xin hỏi đường ở nơi đâu cho tạp chí Tiếng ca Thiên Tân nhưng bị trả lại.
Lý do được tổng biên tập tạp chí này đưa ra là: ‘Ca khúc này bị hoài nghi là có tinh thần không lành mạnh’. Sau đó Hứa tiếp tục gửi ca khúc cho tạp chí Đời sống âm nhạc ở Thẩm Dương và được đăng ngay tức thì.
Ca khúc Xin hỏi đường ở nơi đâu được nhạc sỹ Hứa Kính Thanh soạn nhạc, trong khi phần lời do nhạc sỹ Diêm Túc soạn. Ngoài ca khúc trên, nhạc sỹ Hứa Kính Thanh còn sáng tác một số các ca khúc khác cho phim như Thiên Trúc thiếu nữ, Trư Bát Giới cõng nàng dâu.
Sau khi gắn bó với đoàn phim Tây Du Ký của đạo diễn Dương Khiết, hơn hai mươi năm sau, nhạc sỹ Hứa Kính Thanh tiếp tục được đạo diễn Trương Kỷ Chung mời hợp tác soạn nhạc cho Tân Tây Du Ký (2009), ca khúc ở cuối phim vẫn mang tên Xin hỏi đường ở nơi đâu, nam ca sỹ Đao Lang là người thể hiện chính.
[footer]