Nguyễn Trung Cang sinh năm 1947 tại Long Thành, Biên Hòa và mất năm 1985,[1] đã cùng với Lê Hựu Hà sáng lập ban nhạc trẻ Phượng Hoàng năm 1970, chơi nhạc rock tiếng Việt êm dịu, tạo nên phong trào nhạc trẻ, khi giới trẻ miền Nam chịu ảnh hưởng của ca nhạc Anh Mỹ. Ông cũng là tay guitar điện chính cho ban này.
Ban nhạc Phượng Hoàng luôn xứng đáng được đặt để vào vị trí cao nhất trong dòng nhạc trẻ của Sài Gòn năm xưa vì những đóng góp mang tính nền tảng cho phong trào Việt hóa nhạc pop-rock Âu Mỹ thập niên 1967-1970. DòngNhạcXưa xin trân trọng tiếp nối chủ đề “Một thời nhạc trẻ Sài Gòn” của ký giả Lê Văn Nghĩa.
Một thời nhạc trẻ Sài Gòn: Phượng Hoàng, cánh chim ngược gió
Phải dành cho ban nhạc trẻ Phượng Hoàng một sự trân trọng về tài năng cũng như về sự đóng góp của họ cho phong trào nhạc trẻ Sài Gòn. Sau vài chục năm, nhạc phẩm của các nhạc sĩ Lê Hựu Hà, Nguyễn Trung Cang vẫn được yêu thích, và giọng ca chính của Phượng Hoàng vẫn xuất hiện trên sân khấu ca nhạc. …
Như đã nói trong bài viết về nhạc phẩm ‘Bâng khuâng chiều nội trú‘, những năm tháng cuối cùng trong cuộc đời vắn số của nhạc sỹ Nguyễn Trung Cang là những năm tháng nhà nhạc sỹ sống trong nghèo đói, bệnh tật. Chúng tôi còn được biết thêm thời gian này ông phải sống trong một trại cải tạo ở một vùng rừng núi hẻo lánh. Dường như đã tiên đoán được sức khỏe của mình, đã linh cảm rất có thể không còn cơ hội gặp lại người vợ yêu thương nên Nguyễn Trung Cang đã trút hết nỗi lòng qua ‘chiếc lá cuối cùng’ – nhạc phẩm ‘Còn yêu em mãi’. Đó chính là lời yêu thương nồng nàn nhất và cũng là lời tạ lỗi chân thành nhất gởi đến người bạn đời!
NIỀM HY VỌNG TRONG TẬN CÙNG NỖI TUYỆT VỌNG
Rất nhiều người yêu nhạc cho rằng nhạc của Nguyễn Trung Cang (hoặc viết chung với Lê Hựu Hà trong ban nhạc Phượng Hoàng) là những nét nhạc và lời ca của sự bi quan. Riêng chúng tôi cho rằng như thế là hơi phiến diện: sự bi quan không phải là không có nhưng sâu thẳm bên trong nhạc của Nguyễn Trung Cang là một sự lạc quan mà ‘Còn yêu em mãi’ là một minh chứng.
Giữa chốn rừng sâu heo quạnh, nhà nhạc sỹ vẫn còn ‘biên đầy trang thư’ gởi về cho vợ những tình cảm ‘ấm nồng của thuở nào’. Ngay cả khi sức khỏe đã suy kiệt, con ‘phượng hoàng’ của một thời vẫn có thể ‘dệt lời ca ân tình’ thì quả là nếu không có trái tim lạc quan thì khó lòng nhà nhạc sỹ của chúng ta sáng tác được những lời ca đẹp như thế.
Giai điệu của ‘Còn yêu em mãi’ không quá vui tươi nhưng cũng đủ để cho người nghe thấy được khát khao về một ngày ‘tương phùng’ của Nguyễn Trung Cang mãnh liệt như thế nào. Thế nhưng cuộc đời không là một giấc mơ màu hồng: giấc mơ tương phùng của nhạc sỹ Nguyễn Trung Cang mãi mãi không thành khi ông ra đi mà chưa có giây phút ‘tương phùng’ để nghe người thân ‘khóc cho niềm vui vì hạnh phúc‘!
DongNhacXua.com mong bài viết này như một lời tri ân mong linh hồn ông mau về miền ‘hạnh phúc tuyệt vời’!
LỜI BÀI HÁT ‘CÒN YÊU EM MÃI’ Yêu anh như thưở nào
Tình yêu còn biên đầy trang giấy
Yêu anh như thưở nào
Tình yêu còn đong đầy trang sách
Dù biết trái tim đã già
Mà những thiết tha chẳng nhòa
Tình cũ vẫn nghe ấm nồng
Gọi tên nhau lúc cô đơn
Để nghe sưởi ấm tâm hồn.
Em ơi đây tiếng đàn Lời ca dệt ân tình năm tháng Câu ca hay khúc nhạc Tình yêu còn đong đầy khao khát Dù có cách xa mỏi mòn Mà những dấu yêu mãi còn Sưởi ấm xác thân héo gầy Tình yêu như gió đem mây Gọi mưa giăng kín khung trời.
Này em hỡi, ta mơ ngày sẽ tới, khi tương phùng, em khóc cho niềm vui vì hạnh phúc. Ngọt hay đắng, trong cuộc đời mưa nắng, ta luôn cười trong giấc mơ hạnh phúc xưa tuyệt vời.
Riêng ta nơi núi rừng Về đêm càng nghe hồn băng giá Câu ca hay khúc nhạc Càng thêm sầu cho tình tan nát Dù biết cách xa với đời Dù biết thủy chung chẳng rời Mà vẫn xót xa tháng ngày Chờ ta chi nữa em ơi Còn đâu giây phút tuyệt vời./.
Mặc dù đã hơn 15 năm nhưng chúng tôi vẫn không thể nào quên được cái cảm giác lần đầu tiên được nghe bản “Bâng khuâng chiều nội trú” trong một chiều mưa buồn ở ký túc xá Đại học Sư Phạm Kỹ Thuật Thủ Đức cuối năm 1995. Qua màn mưa, trong nỗi nhớ nhà và trong nỗi nhớ cô bạn sinh viên cũng ở ký túc xá, tiếng hát truyền cảm của Tuấn Ngọc càng làm nhạc phẩm này da diết hơn.
Mãi sau này chúng tôi mới biết được nhạc phẩm này là của nhạc sỹ Nguyễn Trung Cang sáng tác vào năm 1981, lấy cảm hứng từ hai bài thơ của một nữ sinh viên trường Tư Pháp TPHCM (Đại học Luật sau này). Nhạc phẩm này phổ biến ở hải ngoại rồi sau đó mới trở lại Việt Nam và nổi tiếng hơn 30 năm qua.
ĐÔI NÉT VỀ NHẠC SỸ NGUYỄN TRUNG CANG Trong khi chúng ta biết khá rõ về nhạc sỹ Lê Hựu Hà thì chúng ta lại có rất thông tin về tiểu sử của nhạc sỹ Nguyễn Trung Cang, người bạn thân và cũng là người đã cùng Lê Hựu Hà lập ra ban nhạc trẻ Phượng Hoàng nổi tiếng một thời trước năm 1975. Có thể nói không ngoa rằng, cùng với Lê Hựu Hà, Nam Lộc, Tùng Giang, Trường Kỳ, Jo Marcel, nhạc sỹ Nguyễn Trung Cang đã có công khai sáng phong trào nhạc trẻ Việt Nam.
Về năm sinh và năm mất của ông, chúng tôi chưa có một nguồn tham khảo đáng tin cậy. Theo những gì chúng tôi được biết thì ông sinh năm 1947 và mất năm 1985, hưởng dương chưa đầy 40 năm! Xung quanh cái chết của ông cũng có nhiều giai thoại. Tuy nhiên có một điều chắc chắn đúng là ông đã chết trong nghèo khó và bệnh tật như lời chính mẹ ruột của ông nghẹn ngào tâm sự trong một chương trình video của trung tâm Asia.
ĐÔI NÉT VỀ HAI BÀI THƠ ĐÃ LÀM NIỀM CẢM HỨNG CHO NHẠC SỸ NGUYỄN TRUNG CANG (Theo một bài báo của tác giả Nguyễn Minh trên báo Tuổi Trẻ)
Câu chuyện bắt đầu từ hai bài thơ được một cô nữ sinh Trường Tư pháp Tp.HCM (nay là Đại học Luật Tp.HCM) viết trong một buổi chiều mưa tầm tã năm 1981. Bạn trai của cô gái ấy là bạn thân của nhạc sĩ Nguyễn Trung Cang. Mối quan hệ “bắc cầu” ấy dẫn đến sự ra đời của bài hát Bâng khuâng chiều nội trú. Bài hát này được phổ biến ở hải ngoại từ trước rồi mới “dội” lại trong nước nên nhiều người vẫn tưởng đây là một ca khúc ra đời trước năm 1975 ở miền Nam chứ không biết rằng nó ra đời vào năm 1981.
Người đã viết ra hai bài thơ Bâng khuâng chiều nội trú (được NS Nguyễn Trung Cang lấy làm cảm hứng soạn ra phần đầu bài hát này) và Mưa (được đưa vào đoạn B trong cấu trúc A-B của bài Bâng khuâng chiều nội trú) là chị Hoài Mỹ, một “thi sĩ nghiệp dư” như cách gọi đùa của bạn bè chị. Nhiều năm trôi qua từ ngày bài thơ và bài hát ấy ra đời và chị gần như quên bẵng câu chuyện chiều mưa ký túc xá ấy thì đến một ngày, khi ấy Hoài Mỹ đang làm việc ở Long Xuyên (An Giang) chị nghe được bài hát này trong quán cà phê, qua giọng hát Tuấn Ngọc và chị mới nhớ lại là sau khi 2 bài thơ ra đời, anh Phương Thái (khi đó là người yêu sau này là ông xã của chị) đã đưa cho nhạc sĩ Nguyễn Trung Cang xem, và nhạc sĩ đã thích thú phổ nhạc hai bài thơ này và Hoài Mỹ còn nhớ là chị đã được xem bản thảo gốc với chính nét bút của Nguyễn Trung Cang. Nhưng ở thời điểm ấy, những bài như Bâng khuâng chiều nội trú không thể có chỗ trên sân khấu ca nhạc do tính (dễ bị quy là) tiểu tư sản của nó. Dù rằng, lời thơ ban đầu khác khá xa với bài hát sau này.
Lời thơ (trích theo trí nhớ của chị Hoài Mỹ)
Bâng khuâng chiều nội trú
Chiều nội trú bâng khuâng Trong đôi mắt anh học viên tư pháp Tôi bắt gặp cái nhìn Dù tôi đi gần Dù tôi đi xa Cái nhìn ấy suốt đời tôi nhớ Ôi! Cái nhìn thân thuộc quá Một cái nhìn làm tôi lớn khôn lên
Mưa
Mưa đầu mùa hạt nhỏ long lanh Mưa tí tách giọt dài giọt vắn Mưa hỡi mưa ơi có bao giờ nhớ nắng Sao em buồn lại nhớ thương anh
Mưa tình đầu nghe rất mong manh Mưa quấn quýt thì thầm trên ngói Anh có nghe mưa tường chăng lời em nói Rất nồng nàn tha thiết yêu anh
Như tiếng hát anh xưa Tiếng hát êm đềm Như mưa hôm nay Mưa âm thầm gợi nhớ Như em yêu anh em buồn vô cớ Như anh rất gần mà anh rất xa
Chị Hoài Mỹ cũng tiết lộ là bài thơ Bâng khuâng chiều nội trú có một nhân vật chính khác ngoài chị. Đó là một anh bạn cùng trường, học trước chị một khóa. Một chiều mưa đến chơi phòng chị trong khu nội trú. Và ánh mắt của anh, cái nhìn của “anh học viên tư pháp” cùng cơn mưa rả rích bên ngoài đã khiến chị tức cảnh sinh… thơ. Bài thơ ra đời như thế. Còn bài Mưa là một trạng thái cảm xúc khác, một bài thơ dành cho người yêu. Anh bạn tư pháp ngày nào, tên là Chánh, giờ đang công tác tại Tòa dân sự Tòa án Nhân dân Tp.HCM, còn chị Hoài Mỹ giờ không làm trong ngành tư pháp nữa. Mỗi lần nghe lại bài hát này, chị thấy nhớ lại một thời đi học, nhớ lại tình bạn giữa chị và anh Thái với nhạc sĩ Nguyễn Trung Cang. Chị cũng không quan tâm lắm đến chuyện tên mình có được gắn với bài hát hay không. Đó là một kỷ niệm đẹp với thời đi học, với những người bạn, với anh Nguyễn Trung Cang. Và bài hát này, giúp chị gìn giữ được những kỷ niệm ấy.
Lời bài hát Bâng Khuâng Chiều Nội Trú
Chiều nội trú bâng khuâng như đôi mắt ai ngày nào tao ngộ Chiều nội trú bâng khuâng như đôi mắt ai vời vợi tha thiết Ánh mắt thật gần mà cũng thật xa Ôi yêu thương quá ánh mắt êm đềm Mong tình yêu cho hồn trở lớn khôn thêm
Là một thoáng mây bay trong đôi mắt ai một ngày nắng đẹp Là một thoáng giăng mây trong đôi mắt ai một ngày u ám Ánh mắt mơ hồ phủ kín hồn tôi Nghe sao chới với có thế quên người Mưa chiều nay cho hồn tôi luống bâng khuâng
Mưa đầu mùa hạt nhỏ long lanh Mưa quấn quít giọt dài giọt vắn Mưa hỡi mưa ơi có bao giờ nhớ nắng Sao ta buồn lại nhớ thương nhau
Mưa tình đầu nghe rất mong manh Mưa tí tách thì thầm trên ngói Em có nghe mưa tưởng chăng lời anh nói Rất nồng nàn ngọt tiếng: YÊU EM