DòngNhạcXưa đã có một bài viết về bản “Đôi mắt người Sơn Tây” của nhạc sỹ Phạm Đình Chương lấy ý thơ từ hai bài thơ “Đôi mắt người Sơn Tây” và “Đôi bờ” của thi sỹ Quang Dũng. Thế nhưng chúng tôi vẫn cứ tự hỏi cơ duyên nào mà Quang Dũng trong thời kháng chiến có thể cho ra những áng thơ trác tuyệt như vậy. Nhân đọc được một bài viết có giá trị của tác giả Quốc Việt đăng trên Tuổi Trẻ Xuân 2017, DòngNhạcXưa xin trân trọng giới thiệu cho người yêu thơ nhạc xa gần.
Ngày 20/02/2015: Hôm nay là mùng 2 tết Ất Mùi. Chúng tôi vừa nhận vài phản hồi của người yêu nhạc về bản “Ly Rượu Mừng” của nhạc sỹ Phạm Đình Chương. Bài viết “Bình phẩm về ca khúc Ly Rượu Mừng” bên dưới là thể hiện ý kiến riêng của tác giả. [dongnhacxua.com] xin trích đăng để người yêu nhạc có thêm “món ăn tinh thần” nhân dịp xuân về.
Ngày 01/01/2014: Chúng ta vừa bước qua những thời khắc đầu tiên của năm mới 2014. Chắc hẳn giai điệu quen thuộc của bản ‘Happy New Year’ của ban ABBA vẫn còn văng vẳng đâu đó. Một sự thật mà chắc quý vị nào cũng sẽ đồng ý với chúng tôi là ‘Happy New Year’ đã trở thành một món ăn tinh thần không thể nào thiếu được trong dịp năm mới.
Thế nhưng để chọn một bài nhạc xuân đặc trưng nhất cho người Việt chúng ta thì [dongnhacxua.com] không ngần ngại chọn bản ‘Ly rượu mừng’ của Phạm Đình Chương.
Theo nhiều tài liệu trên internet thì ‘Ly rượu mừng’ được viết vào năm 1955 nhưng theo tờ nhạc mà chúng tôi sưu tầm được thì bản này được quán nhạc Minh Phát cho in vào năm 1966. Cho dù viết vào năm nào thì chắc chắc nhạc phẩm này cũng ra đời trong thời đất nước bị chia cắt và người dân còn sống trong cảnh binh đao khói lửa. Đó cũng là lý do mà nhạc sỹ Phạm Đình Chương đã ưu ái dành nhiều đoạn cho ‘người binh sỹ’ và thiết tha mong một ngày đất nước thanh bình.
Với thể điệu valse dìu dặt, cùng nét nhạc tài tình và ca từ đặc sắc, ‘Ly rượu mừng’ của Phạm Đình Chương xứng đáng được xưng tụng là bản nhạc xuân tuyệt vời nhất của dòng nhạc Việt.
Ca khúc “Ly Rượu Mừng” là bài hát thịnh hành trong dịp Tết. Bài hát mời mọi người cùng uống rượu mừng Xuân và nói những lời chúc Tết đến toàn dân và đất nước. Tuy bài hát không mô tả những cảnh tượng và sinh hoạt Tết như pháo nổ, hoa tươi sặc sỡ, bánh kẹo, bài hát tiêu biểu cho Tết Việt Nam vì chúc Tết là một tục lệ quan trọng trong Tết Việt Nam. Cộng với điệu nhạc vui tươi, giai điệu tiết tấu sống động, và lối diễn tả bình dị với vài điểm đặc sắc, “Ly Rượu Mừng” là một bài hát bất hủ trong dịp Xuân về.
Trong bài này, tôi sẽ trình bày nhận xét về nội dung và hình thức của “Ly Rượu Mừng.” Ngoài ra, như trong các bài viết về âm nhạc trước, tôi sẽ chú trọng thảo luận chi tiết về các khía cạnh văn chương của lời nhạc, nhưng sẽ có phần nói về các khía cạnh âm nhạc của bài hát. Tôi dùng “khán giả” để chỉ người nghe, người đọc, và người xem.
“Ly Rượu Mừng” tiêu biểu cho nhạc Xuân vì bài hát chú trọng vào lời chúc Tết và có điệu nhạc vui tươi sống động
“Ly Rượu Mừng” có nội dung đơn giản, là ca khúc mừng xuân với những lời chúc Tết tới mọi người được hạnh phúc ấm no trong cảnh đất nước thanh bình tự do. Bài hát không có những mô tả hình ảnh hoặc sinh hoạt trong những ngày quanh dịp Tết (thí dụ, pháo nổ, màu hoa sặc sỡ, kẹo bánh) nhưng rất tiêu biểu cho ngày Tết Việt Nam. Đó là vì bài hát chú trọng vào điểm quan trọng nhất trong dịp Tết: chúc Tết. Ngoài ra, bài hát được viết với điệu nhạc Valse, đem lại nét vui tươi sống động trong mùa Xuân. Giai điệu vả tiết tấu có nhiều khía cạnh linh hoạt theo nội dung, rất thích hợp cho hợp ca hoặc phối hợp giữa hợp ca và đơn ca.
“Ly Rượu Mừng” gồm những lời chúc Tết cho mọi người có cuộc sống ấm no hạnh phúc và đất nước hưởng thanh bình tự do:
Bài hát mở đầu với lời mời nâng chén rượu để chúc mọi người ở khắp nơi (“Ngày Xuân nâng chén ta chúc nơi nơi“), từ anh nông phu được mùa lúa thơm, người buôn bán có lợi tức, cho tới công nhân lao động thoát được cảnh nghèo khó (“Mừng anh nông phu vui lúa thơm hơi/ Người thương gia lợi tức/ Người công nhân ấm no/ Thoát ly đời gian lao nghèo khó.”) Với các chữ “nông (phu),” “thương (gia),” và “công (nhân),” ta không thể không liên tưởng đến “sĩ nông công thương,” được coi là bốn giai cấp xã hội Việt Nam thời xưa. Không rõ tại sao Phạm Đình Chương bỏ “sĩ” (người học hành). Trong đoạn sau, ông có nhắc đến “sĩ,” nhưng đó là “nghệ sĩ” là những người sinh sống qua nghệ thuật, chứ không phải là những người sinh sống qua học hành hoặc hành nghề chuyên môn như bác sĩ, kỹ sư, luật sư. Có thể lúc bấy giờ, số người “sĩ” không nhiều trong xã hội bằng ba giới “nông, công, thương.”
Với “nâng chén,” tác giả mở đầu bằng hành động giơ cao ly rượu khi chúc mừng. Tác gỉả dùng “chén” và “ly” như nhau trong toàn bài hát. Ta nên nói thêm về “chén” và “ly” trong tiếng Việt.
Chữ “chén” có nhiều nghĩa trong tiếng Việt. Nghĩa thông thường của “chén” là vật dùng để uống nước, rượu, trà, thường bằng sành hay sứ. Một chữ có nghĩa tương tự là “tách” (do tiếng Pháp “tasse”) nhưng “tách” thường có tay cầm trong khi “chén” thường không có tay cầm. Nghĩa thứ hai là vật dùng để ăn, như chén cơm, chén cháo. Trong nghĩa này, người miền Nam dùng “chén” thay cho “bát” hoặc “tô” mà người miển Bắc thường dùng. “Chén” còn có thể dùng với nghĩa bóng, hàm ý chứa đựng ý tưởng, tâm tình (như “chén tình” trong bài hát).
Ngoài ra, tiếng Việt ta dùng “nâng chén” và “nhấc ly” chứ không dùng “nâng ly” hoặc “nhấc chén.” Đó là vì “nâng” là hành động trịnh trọng, hàm ý dùng sức (thực sự hay bề ngoài). Trong lúc uống rượu bằng chén thời xưa, người ta thường dùng hai tay để “nâng” chén rượu mời với ngụ ý trịnh trọng hoặc bày tỏ sự kính trọng. “Nâng” trong “nâng khăn sửa túi” hoặc tiếng lóng “nâng bi” có ý nghĩa kính cẩn trịnh trọng tương tự. Ngoài ra, vì chén thường không có tay cầm, dùng hai tay để “nâng” chén giữ cho chén thăng bằng, không đổ hoặc rớt. Ngược lại, “ly” thường có hình thể thon dài, có bầu sâu chứa rượu và chân ly dài, và nhẹ, nên cầm ly dễ dàng và không dùng sức nhiều. Do đó, khi đưa ly rượu lên cao, người ta thường dùng một tay để “nhấc” thay vì “nâng.”
Trở về với “Ly Rượu Mừng,” mọi người cùng nhấp chén rượu đầy vơi, chúc vui mọi người (“Á A A A Nhấp chén đầy vơi, chúc người người vui.”) Trong dịp Xuân về, ai cũng nao nao với những mối duyên nợ cuộc đời (“Á A A A Muôn lòng xao xuyến duyên đời.”) Với quãng “Á A A A,” bài hát khuyến khích mọi người cùng ca. Có lẽ đó là lý do “Ly Rượu Mừng” thích hợp cho hợp ca và trong cuộc họp mặt đông người khi mọi người cùng nâng ly rượu chúc lẫn nhau.
Ly rượu được rót tràn đầy để chúc người binh sĩ lên đường ra nơi trận mạc xa xôi được thành công, làm tươi sáng cuộc đời dân lành (“Rót thêm tràn đầy chén quan san/ Chúc người binh sĩ lên đàng/ Chiến đấu công thành, sáng cuộc đời lành/ Mừng người vì nước quên thân mình.”) Ta hiểu “quan san” là quan ải và núi non, thường để chỉ những nơi xa xôi, hoặc ở biên giới, đồn trú cho binh lính. Lời chúc cũng được gửi tới những bà mẹ già nơi xa xôi, nhớ thương con cháu mong mỏi được gặp lại người con đi xa, sẽ có dịp gặp lại con trở về hội ngộ chan hòa niềm yêu thương (“Kìa nơi xa xa có bà mẹ già / Từ lâu mong con mắt vương lệ nhòa/ Chúc bà một sớm quê hương/ Bước con về hòa nỗi yêu thương.”) Mọi người cùng hát bài hát vui vẻ làm tươi thắm đời người chiến sĩ, và để cho người mẹ già không còn lo âu buồn bã vì con nữa (“Á A A A Hát khúc hoan ca thắm tươi đời lính/ Á A A A Chúc mẹ hiền dứt u tình.”)
Ly rượu mừng cũng gởi đến những cặp tình nhân hoặc vợ chồng đang xây tổ ấm cùng nhau (“Rượu hân hoan mừng đôi uyên ương/ Xây tổ ấm trên cành yêu đương.”) Điều đó không có nghĩa là chúc mừng những cặp vợ chồng mới cưới. Ta biế̉t ít ai làm đám cưới trong mùa Xuân vào dịp Tết. “Đôi uyên ương” chỉ có nghĩa cặp tình nhân, hoặc cặp vợ chồng trẻ đang tạo dựng gia đình nhỏ. Với người nghệ sĩ, chúc mừng họ đem lời ca, tiếng nhạc, câu thơ văn, và nét họa tô điểm cuộc đời thêm mới mẻ tốt đẹp (“Nào cạn ly, mừng người nghệ sĩ/ Tiếng thi ca nét chấm phá tô nên đời mới.”) Như trình bày ở trên, “nghệ sĩ” đây không phải là giai cấp “sĩ” trong “sĩ nông công thương” mà là những người theo ngành nghệ thuật như nhạc sĩ, ca sĩ, thi sĩ, văn sĩ, họa sĩ, ̣điêu khắc gia, v.v.
Nhưng lời chúc thiêng liêng nhất là lời chúc cho đất nước hòa bình, không còn chiến tranh, thịt rơi máu đổ. Đó là ngày quê hương được yên vui và những người lính trở về với chén rượu ấm chứa chan đầy tình thương yêu (“Bạn hỡi, vang lên/ Lời ước thiêng liêng/ Chúc non sông hòa bình, hòa bình/ Ngày máu xương thôi tuôn rơi/ Ngày ấy quê hương yên vui/ đợi anh về trong chén tình đầy vơi.”) Có thể đây là lý do ca khúc “Ly Rượu Mừng” không còn được thịnh hành tại Việt Nam hiện nay nữa, vì lời chúc hòa bình có vẻ mất ý nghĩa.
Mọi người hãy cùng nhấc cao ly rượu, chúc cho tương lai sáng sủa tràn đầy tự do, đất nước thanh bình, và mọi người được hạnh phúc tràn trề (“Nhấc cao ly này/ Hãy chúc ngày mai sáng trời Tự Do/ Nước non thanh bình/ Muôn người hạnh phúc chan hòa.”) Trước hết, ta để ý tác giả dùng “nâng chén” và “nhấc cao ly rượu” (thay vì “nâng ly” hoặc “nhấc chén”) như đã đề cập ở trên. Thứ nhì, trong phiên khúc này, tác giả chúc đất nước tự do và thanh bình. Ta phải hiểu Phạm Đình Chương ngụ ý cầu mong nước non thanh bình và sáng trời tự do cho toàn thể đất nước Việt Nam từ Nam ra Bắc. Phạm Đình Chương lúc nào cũng tưởng nhớ đến miền Bắc. Tên hát của ông là Hoài Bắc, nói lên tâm tư này.
Tổng kết, mọi người mơ ước hạnh phúc ở khắp mọi nơi và hương thơm thanh bình đang dâng cao (“Ước mơ hạnh phúc nơi nơi/ Hương thanh bình dâng phơi phới.”) “Phơi phới” hàm ý một khí thế đang lên. Lời chúc “thanh bình” gồm cả “hòa bình” lẫn yên tĩnh, và do đó có ý nghĩa mạnh mẽ hơn “hòa bình.”
“Ly Rượu Mừng” là một ca khúc đơn giản, gồm những lời chúc Tết cho mọi người có cuộc sống ấm no hạnh phúc và đất nước hưởng thanh bình tự do. Bài hát có nhiều khía cạnh khác biệt với những bài hát khác về Xuân.
Tuy không mô tả cảnh tượng hoặc không khí Xuân, “Ly Rượu Mừng” tiêu biểu cho ngày Tết vì chúc Tết là tục lệ quan trọng nhất trong Tết Việt Nam:
Ca khúc “Ly Rượu Mừng” thuần túy là những lời chúc Xuân cho mọi người và đất nước. Bài hát hoàn toàn không có mô tả cảnh tượng đón Xuân, hoặc các trang lễ, chuẩn bị, và không khí của những ngày Tết theo truyền thống Việt Nam. Phạm Đình Chương cố tình gạt bỏ những hình ảnh về Xuân, mà chỉ tập trung vào một khía cạnh duy nhất là chúc Tết. Cả toàn bài hát không hề có các cảnh tượng thiên nhiên mùa Xuân như màu sắc hoa (mai, đào), mùi hương thơm hoa, nắng vàng, gíó ngàn, tiếng chim hót; hình ảnh đón Tết và trang hoàng trong nhà như bếp hồng, bánh dầy, bánh chưng, kẹo mức, hạt dưa, trái cây, cây nêu; cảnh tượng đường phố như trẻ em khoe quần áo mới, người đi nườm nượp, phố phường đông đúc; các hình ảnh và âm thanh Tết như pháo nổ đì đùng, trống đập múa Lân, phong bì đỏ lì xì, tiếng nhạc ca hát mừng Xuân, v.v.
Những bài hát khác về Xuân luôn luôn có, không nhiều thì it, những hình ảnh hoặc gợi ý cho cảnh Xuân và không khí đón Tết. Thí dụ như: “Rừng hoa mai đua nở” (“Tâm Sự Nàng Xuân” của Hoài Linh); “Ngắm vườn bên thấy mai đào nở,” (“Nghĩ Chuyện Ngày Xuân” của Song Ngọc); “Hoa lá nở thắm,” “hoa đào hồng thắm,” (“Cánh Thiệp Đầu Xuân” của Minh Kỳ & Lê Dinh); “Hoa đào hoa mai,” “trẻ thơ khoe áo xinh xinh,” “mứt vàng hạt dưa,” “bánh dầy bánh chưng,” “phong bì thắm tươi” (“Ngày Tết Việt Nam” của Hoài An); “chim hót mừng,” “Lập lòe tà áo xanh xanh,” “đàn chim non xinh xinh tung bay,” “tiếng pháo đì đùng,” “Ngàn hoa hé môi cười vui” (“Xuân Đã Về” của Mink Kỳ); “cánh hồng tươi thắm,” “Muôn sắc khoe tươi,” “Nồng ngát hương thơm” (“Gió Mùa Xuân Tới” của Hoàng Trọng); “nụ hoa vàng mới nở,” “lộc non vừa trẩy lá,” “bầy chim lùa vạt nắng,” “rung nắng vàng ban mai,” (“Anh Cho Em Mùa Xuân” của Nguyễn Hiền, thơ Kim Tuấn); “mai đào nở vàng bên nương,” “pháo giao thừa rộn ràng,” “trông bánh chưng ngồi chờ sáng,” “cho tà áo mới ba ngày xuân đi khoe phố phường” (“Xuân Này Con Không Về” của Trịnh Lâm Ngân); “nắng vàng,” “nâng phím đàn cùng hát ca,” (“Xuân Họp Mặt” của Văn Phụng).
Thực ra, cả toàn bài “Ly Rượu Mừng,” chỉ có một chữ “Xuân” duy nhất trong câu đầu. Nếu bỏ chữ “Xuân” này và thay bằng một chữ khác như “vui,” cả toàn bài chỉ hoàn toàn nói về chúc tụng mọi người và đất nước, và không có một chút xíu gì về Xuân hoặc Tết cả. Nhưng có thật là vậy không?
Tại sao “Ly Rượu Mừng” luôn luôn được coi là bài hát tượng trưng cho dịp Xuân về, Tết đến?
Câu trả lời thật đơn giản nhưng cũng có thể gây ngạc nhiên: Chính lời chúc tụng là đặc tính độc đáo của Tết Việt Nam.
Tết Việt Nam có thể không có cảnh tượng thiên nhiên như chim hót, nắng vàng, gió mát, hoặc những hoạt động nhân tạo như pháo nổ, múa rồng, múa lân, hoa mai, hoa đào, bánh chưng, kẹo mứt, quần áo mới, tiếng hát Xuân, phong bì đỏ lì xì.
Nhưng Tết Việt Nam không thể nào không có lời chúc Tết.
Chúc tụng hoặc chúc mừng nhau gần như là căn bản sinh hoạt ở xã hội Việt Nam. Người Việt hình như bị ám ảnh với chúc tụng. Người ta chúc nhau trong bất kỳ dịp nào: sinh nhật, đầy tháng, thôi nôi, sinh đẻ, thi cử (trước và sau khi thi), thăng quan tiến chức, mua sắm đồ dùng, mua nhà, mua xe, cưới hỏi, du lịch, nghỉ hè, đau ốm, ra vào bệnh viện, ra mắt tác phẩm, mở cửa hàng, nhận chức vụ mới, thuyên chuyển, trình diễn, trúng thầu, ký khế ước. Trong một buổi họp mặt, cho dù bất cứ có dịp gì, luôn luôn có người đứng lên ngỏ lời chúc mọi người. Trong một bữa tiệc, sẽ có người nói, “Chúc quý vị một bữa tiệc vui vẻ.” Trên đài phát thanh hoặc truyền hình hàng ngày, các xướng ngôn viên luôn luôn có lời chúc khán thính giả, lúc thì một ngày vui vẻ, một ngày nghỉ an toàn, hoặc một buổi tối ấm cúng với gia đình. Trong một lá thư hay một e-mail, người viết thường mở đầu hoặc kết luận bằng một lời chúc. Ngay cả trong lúc gặp nhau hàng ngày cũng có lời chúc vui vẻ hoặc mạnh khỏe. Những lời chúc nhiều khi biến thành những lời chào hỏi hàng ngày, thí dụ như “Chúc bạn một ngày vui,” tương tự như những câu nói sáo rỗng “Have a nice day!” ở Hoa Kỳ.
Người Việt có lẽ tin tưởng vào các lời chúc tụng sẽ quả thật đem lại may mắn, sức khỏe, tiền bạc, thành công, tình yêu. Trong các dịp lễ long trọng như ngày Tết, lời chúc còn có ý nghĩa “thiêng liêng” hơn các dịp khác vì có sự tin tưởng vào thần thánh, tổ tiên ông bà hoặc những người đã khuất trong gia đình, hội họp trong dịp Tết và sẽ giúp những lời cầu chúc thành sự thật. Phong tục cổ truyền Việt Nam trong dịp Tết có nhiều tục lệ như cúng kiến, xông đất, xuất hành, chúc Tết, hái lộc, biếu quà, kiêng cữ, v.v. nhưng có lẽ chúc Tết là tục lệ quan trọng nhất. Trong những ngày đầu năm, câu đầu tiên người ta nói với nhau khi gặp nhau là lởi chúc Tết. Ngay cả ngày nào đi chúc Tết ai cũng được quy định rõ rệt: “Mồng một chúc Tết mẹ cha/ Mồng hai tết vợ, mồng ba tết thầy.”
Do đó, tuy không có những mô tả thiên nhiên, cảnh tượng, nhà cửa, đường phố, thiên hạ, và các hoạt động Tết, ca khúc “Ly Rượu Mừng” biểu hiện một đặc tính quan trọng nhất trong Tết Việt Nam. Đó là những lời chúc Tết trong các ngày đầu năm. Tết Việt Nam sẽ mất ý nghĩa nếu không có những lời chúc Tết và do đó “Ly Rượu Mừng” luôn luôn là một ca khúc được hát trong dịp Tết hàng năm.
Giai điệu, tiết tấu, và điệu nhạc valse thích hợp cho lời chúc mừng Xuân với nét vui tươi và sống động:
Bài hát được viết với nhịp 3/4, dưới điệu nhạc Valse có tốc độ/ hành độ (tempo) nhanh và do đó đem lại nét sống động và vui tươi, thích hợp cho dịp vui ăn mừng ngày Tết. Nhạc sĩ thường chọn lựa điệu nhạc (tiết điệu) khi soạn nhạc. Tiết điệu là chu kỳ của các phách mạnh và yếu theo một nhịp điệu nào đó. Tiết điệu cho thấy sự liên kết nhịp nhàng trong chuyển động. Thí dụ: valse, rhumba, fox, slow, tango (Phạm Đức Huyến, 37). Ta nên biết có hai điệu nhạc Valse, hoặc Waltz theo tiếng Mỹ: Waltz chậm (slow Waltz) và Viennese Waltz. Cả hai đều có cùng nhịp điệu căn bản nhưng Viennese Waltz có tốc độ nhanh hơn Waltz chậm, có thể nhanh gấp ba bốn lần. Waltz chậm còn được gọi là Boston, do tên thành phố Boston tại Hoa Kỳ khi điệu Waltz được phát triển và du nhập qua Hoa Kỳ vào thế kỷ 19 (Xem, thí dụ như, OSLH). Nhạc Việt thường dùng Boston cho Waltz chậm và Valse cho Viennese Waltz. Trong bài “Ly Rượu Mừng,” nhạc sĩ Phạm Đình Chương ghi rõ điệu Valse trên tờ nhạc, và bài hát nên được trình bày với tiết điệu nhanh và sống động của điệu Viennese Waltz.
Giai điệu và tiết tấu của bài hát thích hợp cho hợp ca, như trong buổi họp mặt. Bài hát có những khúc trầm bổng, ngắn gọn và kéo dài tùy vào nội dung của câu hát, tạo nên nét linh hoạt và sống động. Thí dụ câu “Bạn hỡi/vang lên/ Lời chúc/ thiêng liêng” có bốn ngắt quãng với dấu nghỉ, và ở nốt cao, diễn tả lời kêu gọi mọi người cùng vang lên lời chúc. Lời kêu gọi đó được nhấn mạnh qua bốn ngắt quãng và nốt cao tạo nên khí thế thúc giục mạnh mẽ. Tương phản với câu kêu gọi thúc giục đó, câu “Kìa nơi xa xa có bà mẹ già” có cùng trường độ, nhưng không có dấu nghỉ và lời ca được kéo dài liên tục; do đó tạo ra âm hưởng êm ái nhẹ nhàng, thích hợp cho hình ảnh bà mẹ già mong chờ con.
Bài hát gồm có những lời chúc mọi người và toàn dân đất nước. Do đó, âm hưởng bài hát sẽ có khí thế mạnh mẽ và ý nghĩa khi bài hát trình bày qua hợp ca. Tuy bài hát có thể do một ca sĩ hát, âm điệu sẽ được hay hơn nếu có nhiều ca sĩ cùng hát một lúc. Những quãng Á A A A trong bài hát là dành cho khúc hợp ca, có nhiều người đồng xướng. Bài hát cũng sẽ được trình bày linh động nếu có những khúc hát hợp ca xen kẽ những khúc hát đơn ca, hoặc hợp ca giọng nam xen kẽ hợp ca giọng nữ. Ban Hợp ca Thăng Long phối hợp kỹ thuật hợp ca và đơn ca, và hợp ca giọng nam cùng giọng nữ rất tinh vi, đem nét linh động, vui tươi, và nhiều sắc thái cho bài hát (Xem, thí dụ như, Doppelpass01 2010).
Trong “Ly Rượu Mừng,” Phạm Đình Chương không có lối dùng chữ hoặc kỹ thuật trình bày gì đặc biệt. Bài hát có ít mỹ từ. Các từ ngữ đơn giản, dễ hiểu, không cầu kỳ bóng bẩy. Đó chính là điểm hay của bài hát. Bài hát gồm những lời chúc Tết cho mọi người; do đó, ngôn từ cần phải đơn giản thích hợp với bản chất bình dị và chất phác của đa số dân Việt thời bấy giờ. Không ai muốn nói những lời chúc khó hiểu hoặc bóng bẩy làm mất đi ý nghĩa chân thành của lời chúc đầu năm. Ngoài ra, vì bài hát là những lời chúc Tết và không phải là một câu chuyện hoặc tâm trạng của một người nên không có nhiều những khía cạnh kỹ thuật viết như lối trình bày, “cho thấy, đừng kể,” chú trọng vào chi tiết rõ rệt, v.v…
Tác giả dùng những lời chúc chính xác, ̣đánh đúng vào nguyện vọng của mọi người. Với người nông phu, còn gì sung sướng hơn là ruộng lúa được mùa; thương gia buôn bán có lời nhiều; người lao động không còn nghèo khó; người chiến sĩ thành công nhiệm vụ, giúp dân lành; bà mẹ già gặp lại con trở về, hết cơn u buồn; cặp tình nhân xây tổ ấm; người nghệ sĩ tô điểm đời thêm tươi đẹp; non sông hòa bình và đất nước hưởng thanh bình tự do. Ta không thấy những lời chúc mơ hồ, sáo rỗng, máy móc, như “sức khỏe sung túc,” “sống lâu trăm tuổi,” “tài lộc dồi dào,” “con hiền dâu thảo,” “thăng quan tiến chức,” v.v…
Tuy bài hát có lối diễn tả bình dị và đơn giản, cũng có vài điểm đặc sắc đáng ghi. Trước hết, Phạm Đình Chương trình bày cuộc uống rượu mừng là một chuỗi tác động rót rượu, nâng chén hoặc nhấc cao ly, nhấp nháp rượu, uống cạn ly, và rót thêm rượu (“nâng chén ta chúc nơi nơi / Nhấp chén đầy vơi/ Rót thêm tràn đầy chén/ Nào cạn ly/ chén tình đầy vơi/ Nhấc cao ly này“). Mỗi tác động kèm theo lời chúc mọi người. Cách mô tả đó tạo ra cảnh tượng linh hoạt sống động của một bữa tiệc khi mọi người cùng giơ cao ly rượu và chúc lẫn nhau. Thứ nhì, bài hát có vài chỗ dùng “cho thấy, đừng kể,” chi tiết rõ rệt, và ẩn dụ nhẹ nhàng. Thí dụ như “mắt vương lệ nhòa,” “máu xương thôi tuôn rơi,” “chén tình,” “thoát ly đời gian lao.” Cộng với điệu nhạc vui tươi và giai điệu tiết tấu sống động, các diễn tả này đem lại những nét chấm phá rải rác trên khắp bài hát, giúp khán giả có tâm trạng lâng lâng sảng khoái.
Kết Luận:
Ca khúc “Ly Rượu Mừng” là một bài hát bất hủ cho Tết. Bài hát không có những mô tả thông thường về Tết như pháo nổ, hoa mai hoa đào nở, bánh kẹo trái cây, nhưng đánh đúng vào sắc thái quan trọng trong dịp Tết là chúc Tết. Ngoài ra, với điệu nhạc Valse vui tươi, giai điệu trầm bổng, tiết tấu sống động, và lời ca đơn giản, bài hát thích hợp cho hợp ca hoặc phối hợp giữa hợp ca và đơn ca.
Cũng như hàng triệu đồng bào Việt Nam và những người có lương tri khắp năm châu, [dongnhacxua.com] nghẹn lòng khi chứng kiến nhiều chiếc thuyền đánh cá của ngư dân chúng ta bị Trung Quốc ngang ngược tấn công ngay trên vùng biển nước nhà. Thêm một lần nữa, chúng tôi phản đối ý đồ bành trướng của Trung Quốc và không biết làm gì hơn là gởi đến bà con ngư dân lời chúc bình an và mong sao hòa bình, ấm no một ngày nào đó sẽ lại đến với Tổ Quốc thân yêu!
Nhân dịp này [dongnhacxua.com] xin gởi đến quý vị bản “Tiếng dân chài” nổi tiếng của nhạc sỹ Phạm Đình Chương. Qua nét nhạc tài tình của nhà nhạc sỹ, chúng ta như hình dung ra khung cảnh mênh mông của biển cả, sự hồ hỡi của ngư dân ngày ra khơi, tính tương thân tương ái của bạn thuyền và niềm vui vỡ òa ngày trở về đất liền. Theo thiển ý của chúng tôi, “Tiếng dân chài” xứng đáng được tôn vinh là một trong những nhạc phẩm hay nhất viết cho đời ngư phủ.
Ngược dòng thời gian về với nhạc xưa, sẽ là thiếu sót nếu chúng ta không nhắc đến những giọng ca lẫy lừng đã để lại nhiều dấu ấn khó phai mờ. Hôm nay [dongnhacxua.com] xin đăng lại bài viết của nhà báo Nguyễn Minh viết trên Thể Thao & Văn Hóa về hai chị em Thái Hằng (tức người vợ hiền của nhạc sỹ Phạm Duy) và Thái Thanh (tức thân mẫu của danh ca Ý Lan).
NHỮNG TIẾNG HÁT MỘT THƯỞ: THÁI HẰNG LÀ CHỊ, EM LÀ THÁI THANH (Nguồn: Thể Thao & Văn Hóa)
Gần đây có thông tin nữ danh ca Thái Thanh mắc căn bệnh Alzheimer (một chứng mất trí phổ biến) và tình trạng sức khỏe đang ngày một yếu đi. Ở tuổi gần 80, dù đang chạy đua với quỹ thời gian mỗi lúc một cạn dần nhưng những ảnh hưởng từ giọng hát của bà còn rất lớn, Thái Thanh vẫn luôn được xem là một trong những diva hàng đầu của tân nhạc Việt Nam.
Hai nàng Kiều ở phố Neo
Thái Hằng, Thái Thanh là con gái của ông bà Phạm Đình Phụng. Thái Hằng (nghệ danh được nhà thơ Thế Lữ đặt) là con gái đầu lòng, tên thật là Phạm Thị Quang Thái. Còn Thái Thanh là con gái út trong nhà, tên thật là Phạm Băng Thanh. Việc anh chị em Thái Hằng đều trở thành những nghệ sĩ tên tuổi không phải là một điều lạ vì bởi song thân của họ là hai người rất sành nhạc cổ: thân phụ là một nghệ sĩ chơi đàn nguyệt có tiếng tăm, trong khi thân mẫu thì đánh đàn tranh, đàn tỳ bà, hát ả đào nổi tiếng ở đất Bắc. Bởi vậy dường như máu văn nghệ, mà cụ thể là máu âm nhạc hầu như đã có sẵn trong huyết quản của tất cả anh em Thái Hằng.
Năm 1949 gia đình ông bà Phạm Đình Phụng tản cư về khu chợ Neo (Thanh Hóa) lúc bấy giờ thuộc Liên khu IV. Tại đây, gia đình ông đã mở tiệm phở Thăng Long và chỗ này nhanh chóng trở thành chỗ tụ họp đông đảo của các văn nghệ sĩ đi theo kháng chiến thời đó, nhất là khi tiệm phở lại có bóng dáng mấy cô Kiều là hai chị em mà sau này sẽ nổi tiếng dưới hai tên hiệu Thái Hằng và Thái Thanh. Tại đây, nhạc sĩ Canh Thân làm những bài nhưCô hàng cà phê và nhạc sĩ Phạm Duy, lúc bấy giờ đang còn là một ca sĩ nổi tiếng, thường qua lại ve vãn cô chủ tiệm Thái Hằng, người có đôi mắt buồn muôn thuở.
Cũng từ đây ban Hợp ca Thăng Long ra đời với thành phần phần ban đầu gồm: Thái Hằng, Thái Thanh, Hoài Trung (tức Phạm Đình Viêm), Hoài Bắc (Phạm Đình Chương), sau đó có thêm Phạm Duy và Khánh Ngọc. Sau này, khi vào miền Nam, đây là ban hợp ca được xem là nổi tiếng nhất với trụ cột là tiếng hát Thái Hằng – Thái Thanh. Cần phải nói thêm rằng ở miền Nam trước đó, ngoài ban Hợp ca Thăng Long thì nổi nhất là tam ca Ngọc Lê Hà (Hoàng Lê và Khánh Ngọc là hai chị em ruột). Sau họ còn có thêm đôi song ca Tâm Vấn và Thịnh Thái. Nhưng dưới ánh đèn sân khấu, không ai sáng hơn Thái Hằng – Thái Thanh, những tiết mục của họ đều là những tiết mục ăn khách nhất, nhiều người đánh giá tiếng hát của hai chị em nhà họ Phạm là song phẩm, Thái Hằng kiều diễm, đoan trang còn Thái Thanh sắc sảo duyên dáng, chưa kể kỹ thuật thanh nhạc gần như là vô song và diễn ý tình bản nhạc trên sân khấu lại vô cùng quyến rũ.
Ban Hợp ca Thăng Long chuyên hát những ca khúc vui tươi: Ngựa phi đường xa (Lê Yên), Sáng rừng, Hò leo núi(Phạm Đình Chương)… với cách hòa thanh khi ấy như một làn gió tiên phong, mở đường cho phong cách hát nhiều bè, hát đuổi cho nhiều ban hợp ca sau này trên sân khấu ca nhạc. Hoài Bắc – Phạm Đình Chương còn là người viết nhiều ca khúc bất hủ: trường ca Hội trùng dương, Ly rượu mừng… Họ cũng là ban hợp ca trình bày ca khúc sử thi đồ sộ Hòn vọng phu của nhạc sĩ Lê Thương với lối trình bày rất lạ thời ấy: xen trên nền nhạc, giọng diễn ngâm của Thái Hằng, Thái Thanh đưa Chinh phụ ngâm khúc vào, biến trường ca bi tráng của Lê Thương trở nên gần với thể loại nhạc kịch. Hai chị em Thái Hằng – Thái Thanh còn được thính giả Đài phát thanh Sài Gòn rất hâm mộ khi ngâm thơ trong chương trình Tao Đàn do thi sĩ Đinh Hùng phụ trách cũng như những bản song ca mà giờ này nhiều người vẫn còn nhớ đến.
Tuy vậy đến đầu thập niên 1970 thì Thái Hằng và Phạm Duy tách khỏi Hợp ca Thăng Long và lúc này ban hợp ca cũng tan rã, các nghệ sĩ trong nhóm đi theo những hướng riêng trên con đường âm nhạc của mình.
Thái Hằng – Tiếng hát thùy dương
Giọng hát của Thái Hằng từng được một nhà văn miền Nam mô tả: “Dẻo mềm như nhánh thùy dương, dù có bị gió lay động nhưng nó không lả lơi đùa cợt cùng gió như loại nhược lan, lệ liễu, cỏ bồng cỏ bồ” và quan trọng hơn là “ánh sáng trong giọng hát của chị là ánh trăng mát mẻ dịu hiền chứ không phải là ánh sáng bình minh rực rỡ huy hoàng trong giọng hát Thái Thanh”.
Thái Hằng được nhớ rất nhiều qua những ca khúc như Gánh lúa, Bà mẹ quê, Tình hoài hương hay Về miền Trung, Tiếng hát Thiên Thai, Dòng sông xanh (lời Việt của Phạm Duy)… Giọng hát của bà được đánh giá đạt đến mức điêu luyện hiếm có, chưa ai vượt qua được.
Suốt nhiều thập niên trước năm 1975, Thái Hằng còn là giọng ngâm thơ được yêu mến trong các chương trình thơ văn và thoại kịch trên Đài phát thanh Sài Gòn. Cho đến nay giới thưởng ngoạn âm nhạc Việt Nam còn nhớ giọng ca của bà qua những bản Tiếng sáo thiên thai, Tình hoài hương, Tình ca… của Phạm Duy.
Ngoài vai trò một người mẹ của 8 người con, bà còn là người vợ mà nhạc sĩ Phạm Duy vô cùng kính trọng. Trong suốt nửa thế kỷ hôn nhân với Phạm Duy, dù vẫn biết ông là người đào hoa bậc nhất bà vẫn chưa bao giờ có một lời nói nặng nào. Nhạc sĩ Phạm Duy ca ngợi bà là vị thần hộ mệnh của mình, ông viết: “Bà là sự nâng đỡ của tôi trong phen sa ngã, là sự thanh bình của tôi trong nhiều sóng gió, là sự thành công của tôi trong cơn vật vã với đời, là nụ cười của nàng Mona Lisa kín đáo”…
Ca sĩ Thái Hằng không được nhắc đến nhiều bằng cô em Thái Thanh nhưng vẫn luôn nhận được sự kính trọng bằng giọng hát phi thường của mình. Sau năm 1975 bà vẫn đi hát nhưng chỉ là để giữ giọng phụ cho hai cô con gái là Thái Hiền và Thái Thảo hát chính. Và khi ca sĩ Duy Quang định cư hẳn ở Mỹ thì Thái Hằng hoàn toàn lui vào hậu trường và không bao giờ đi hát nữa.
Bà mất năm 1999 vì ung thư phổi. Thời gian đó, khi hay tin vợ mắc nan y, nhạc sĩ Phạm Duy đã bỏ tất cả mọi dự án âm nhạc để ở bên cạnh bà những ngày cuối đời. Ông nói rằng trong suốt cuộc hôn nhân này ông luôn chịu ơn bà và cho dù cuộc đời ông nhiều trắc trở nhưng tình nghĩa vợ chồng chưa bao giờ sóng gió, ông chưa bao giờ vắng nhà qua đêm và Thái Hằng chưa hề phải xa chồng, dù chỉ một ngày.
Thái Thanh – Tiếng hát trên trời
Nhà văn Thụy Khuê viết rằng: “Thái Thanh là một danh hiệu, nhưng như có ý nghĩa tiền định: bầu-trời-xanh-tiếng-hát. Hay tiếng hát xanh thắm màu trời. Tiếng hát long lanh đáy nước trong thơ Nguyễn Du, lơ lửng trời xanh ngắt trong vòm thu Yên Ðổ, tiếng hát sâu chót vót dưới đáy Tràng Giang Huy Cận, hay đẫm sương trăng, ngừng lưng trời trong không gian Xuân Diệu, tiếng hát cao như thông vút, buồn như liễu đến từ cõi thiên thai nào đó trong mộng tưởng Thế Lữ”. Quả thực trong gia đình họ Phạm, Thái Thanh là nữ danh ca có tiếng tăm và để lại nhiều ảnh hưởng nhất, bà được xem là diva số một của làng nhạc Sài Gòn thời ấy.
Tên tuổi Thái Thanh lẫy lừng trên khắp các chương trình ca nhạc truyền thanh cũng như truyền hình, từ hãng đĩa nổi tiếng cho đến các phòng trà tiếng tăm ở Sài Gòn. Nói về “ngôi vị” của Thái Thanh trong giới ca sĩ Sài Gòn trước 1975 có lẽ không ai chính xác bằng người trong giới, đặc biệt là một trong các danh ca hàng đầu thời ấy, Lệ Thu. Năm 1970, nhân chuyến tham dự khai mạc Hội chợ Osaka, Nhật Bản, Lệ Thu đã trả lời báo chí rằng: “Nếu chị Thái Thanh có mặt ở đây và hát, mọi người sẽ cúi đầu khâm phục”. Được xem là đắt giá nhất trong giới ca sĩ ngày đó, Lệ Thu chỉ chấp nhận “nghiêng đầu” trước Thái Thanh.
Những gì thuộc về Thái Thanh rất khó bị lặp lại bởi những ca khúc mà bà ngân lên, kể cả những bài đã từng có người hát trước đó, như thể bà khoác lên cho chúng một chiếc áo mới, một cuộc đời mới. Nhiều người vẫn không thể thích ai khác ngoài Thái Thanh qua những ca khúc như Chuyện tình buồn, Kỷ vật cho em, Ngày xưa Hoàng Thị, Đêm màu hồng, Ru ta ngậm ngùi hay những sáng tác của Phạm Đình Chương và đặc biệt, là những nhạc phẩm của Phạm Duy. Ngay từ những ngày đầu tiên cất tiếng hát (khoảng 13, 14 tuổi) trong vùng hậu phương của thời toàn dân kháng chiến chống Pháp, Thái Thanh cũng đã hát nhiều nhất là nhạc của Phạm Duy. Sau khi hồi cư về Hà Nội rồi di cư vào Sài Gòn (khoảng giữa năm 1950) cùng gia đình, Thái Thanh bắt đầu nổi tiếng như cồn khắp Trung – Nam – Bắc qua những sáng tác của người nhạc sĩ đa tài này.
Nhạc sĩ Phạm Duy cho rằng: “Nếu không có Thái Thanh thì nhạc Phạm Duy cũng không được hay và nổi lên được như vậy”. Ông nhận xét: “Thái Thanh là giọng ca duy nhất hát nổi hai cao độ chạy dài tới 2 bát âm trong nhạc của tôi. Không những thế, cô có giọng hát rất truyền cảm”. Cũng như Khánh Ly làm nổi bật tên tuổi Trịnh Công Sơn, Thái Thanh đã đóng góp rất nhiều trong việc đưa nhạc Phạm Duy lên ngôi vị cao nhất tại Sài Gòn trước đây.
Lập gia đình với tài tử điện ảnh Lê Quỳnh năm 1956 và cuộc hôn nhân này tồn tại trong 9 năm, trong khoảng thời gian ấy bà sinh được 5 người con. Sau khi sinh con, Thái Thanh vẫn tiếp tục ca hát và ngày càng trở thành một đệ nhất danh ca của nền tân nhạc Việt Nam. Bà giữ cho mình một nhịp độ hoạt động rất quy tắc, như một vận động viên điền kinh, bền bỉ và dai sức. Bà luôn có trách nhiệm và rất coi trọng nghề nghiệp. Chính vì lẽ đó mà suốt một thời gian bà không cho phép con mình đến với nghiệp hát vì bà sợ đi trên con đường này phải trả giá và kiên trung ghê gớm. Phải đến khi qua Mỹ bà mới cho phép ái nữ Ý Lan, khi đã gần 30 tuổi, được đi trên con đường âm nhạc giống mình.
Thái Thanh sang Mỹ năm 1985 và năm 1995 bà đi hát lại, ở tuổi 61. Tuy vậy, đến năm 2002 thì bà quyết định kết thúc sự nghiệp. Đây đó cũng vài lần Thái Thanh đi hát nhưng chỉ mang tính chất giao lưu còn thì bà gần như không còn hoạt động âm nhạc nữa. Trong suốt sự nghiệp của mình, Thái Thanh gần như là ca sĩ có số lượng đĩa hát đồ sộ (với rất nhiều hãng đĩa lớn nhỏ) và số ca khúc mà bà thể hiện cũng đã hơn 500 bài và trong đó rất nhiều bài vẫn còn được yêu mến. Những cuốn băng cối Thái Thanh luôn là gạch đầu dòng đầu tiên của những người mê sưu tầm đồ cổ.
Nhạc sĩ Phạm Đình Chương đã đóng góp nhiều tác phẩm thật đẹp, như những hạt kim cương lóng lánh, vào kho tàng tân nhạc Việt Nam – đây tôi không có tham vọng trình bày về sự nghiệp sáng tác phong phú và giá trị của ông, mà chỉ xin ghi lại một giai thoại nhỏ đã được chính ông kể trong một lần tôi chở ông trên xe khi đi thăm ca sĩ Hoài Trung đang nằm trong một bệnh viện ở Pasadena vào năm 1990. Khi tôi hỏi về trường hợp sáng tác bản Mộng Dưới Hoa thì ông cho hay là khoảng năm 1957 gì đó, ông đọc tập thơ Đường Vào Tình Sử của Đinh Hùng, thấy bài Tự Tình Dưới Hoa hay hay, có nhiều hình ảnh đẹp, lời thơ có vẻ cổ điển ước lệ với mỹ nhân, với trăng sao, mây nước, suối rừng, mơ mộng v,v…, ông bèn âm ư nho nhỏ trong miệng, rồi bật ra thành những nốt nhạc đầu tiên, và ông đã ghi lại trên giấy.
Khi phần nhạc đã hoàn chỉnh thì chỉ có một số lời thơ được giữ nguyên văn, ngoài ra chính ông và thi sĩ Đinh Hùng đã gọt giũa lại rất nhiều. Đến phần điệp khúc, thì cấu trúc của bản nhạc lại thay đổi, không thể dùng 7 chữ được vì chỉ có 6 nốt, nên ông đã yêu cầu Đinh Hùng đặt lời mới cho đoạn đó. Dĩ nhiên công việc này không quá khó khăn với nhà thơ và cũng có phần đóng góp của chính Phạm Đình Chương. Từ đó hai đoạn điệp khúc 6 chữ đã được lồng vào giữa bài hát, một cách rất khéo léo, tự nhiên và nhất quán, nghĩa là vẫn giữ được không khí rất lãng mạn và cổ điển của bài thơ.
Nhớ lại hồi còn ở trong nước, mỗi lần từ Đà Lạt về Sài Gòn, vợ chồng tôi đều đến phòng trà Đêm Màu Hồng để nghe ban Thăng Long trình diễn. Thỉnh thoảng chúng tôi được nghe chính tác giả bài hát này. Đặc biệt mỗi lần hát đến câu “Mắt xanh lả bóng dừa hoang dại” thì ông ngừng lại ngang xương khiến ban nhạc lỡ bộ, rồi nói: “Lả bóng, các bạn ạ, đừng hát Là bóng, mất đẹp của câu thơ đi.” Nói xong câu đao ông lại say sưa và mơ màng hát tiếp, ban nhạc lại ngoan ngoãn đệm theo.
Có thể nói bài hát Mộng Dưới Hoa là một hòa hợp tuyệt vời giữa thơ và nhạc của hai người bạn và cũng là hai thiên tài về thi ca và âm nhạc của chúng ta. Đây cũng là một trong những bản tình ca tuyệt đẹp của nền tân nhạc Viêt Nam.
Chưa gặp em tôi vẫn nghĩ rằng: Có nàng thiếu nữ đẹp như trăng. Mắt xanh lả bóng dừa hoang dại, Thăm thẳm nhìn tôi không nói năng. Bài thơ hạnh ngộ đã trao tay, Ôi mộng nào hơn giấc mộng này? Mùi phấn em thơm mùa hạ cũ, Nửa như hoài vọng, nửa như say. Em đến như mây, chẳng đợi kỳ, Hương ngàn gió núi động hàng mi. Tâm tư khép mở đôi tà áo, Hò hẹn lâu rồi – Em nói đi.
Em muốn đôi ta mộng chốn nào? Ước nguyện đã có gác trăng sao. Truyện tâm tình: dưới hoa thiên lý, Còn lối bâng khuâng: Ngõ trúc đào. Em chẳng tìm đâu cũng sẵn thơ, Nắng trong hoa, với gió bên hồ Dành riêng em đấy. Khi tình tự, Ta sẽ đi về những cảnh xưa. Rồi buổi ưu sầu em với tôi, Nhìn nhau cũng đũ lãng quên đi. Vai kề một mái thơ phong nguyệt, Hạnh phúc xa xa mỉm miệng cười.
Trong phần ba (cũng là phần kết), bối cảnh là sông Cứu Long hình thành vùng Đồng Bằng Sông Cửu Long trù phú. Ảnh bìa: vietstamp.net
Nghe Tiếng Cửu Long do Ban Hợp Ca Thăng Long (với giọng ca chính Thái Thanh và sự góp giọng của chính nhạc sỹ Phạm Đình Chương, tức ca sỹ Hoài Bắc thưở nào)
Trong phần hai, bối cảnh là dòng sông Hương hiền hòa uốn quanh cố đô Huế. Ảnh bìa: vietstamp.net
Nghe Tiếng Sông Hương do Ban Hợp Ca Thăng Long (với giọng ca chính Thái Thanh và sự góp giọng của chính nhạc sỹ Phạm Đình Chương, tức ca sỹ Hoài Bắc thưở nào)
Nét nhạc tài hoa của nhạc sỹ Phạm Đình Chương đã để lại cho tân nhạc Việt Nam một bản trường ca đặc sắc Hội Trùng Dương lấy cảm hứng từ 3 con sông lớn tượng trưng cho 3 miền Bắc, Trung, Nam. Trong phần một, bối cảnh là dòng sông Hồng hình thành nên đồng bằng Bắc Bộ. Ảnh bìa: vietstamp.net
Nghe Tiếng Sông Hồng do Ban Hợp Ca Thăng Long (với giọng ca chính Thái Thanh và sự góp giọng của chính nhạc sỹ Phạm Đình Chương, tức ca sỹ Hoài Bắc thưở nào)
Nhạc phẩm ‘Đôi mắt người Sơn Tây’ với giai điệu chậm buồn đầy bi tráng và ca từ đầy chất thơ có lẽ không mấy xa lạ với nhiều người yêu nhạc xưa. Thế nhưng Sơn Tây ở đâu và nguồn cảm hứng nào khiến nhạc sỹ Phạm Đình Chương cho ra đời nhạc phẩm bất hủ này là điều mà có khi chúng ta ít được biết.
Địa danh Sơn Tây ngày nay không còn nữa. Thế nhưng, theo những gì mà wikipedia cung cấp thì có thể tạm hiểu Sơn Tây ngày xưa là một phần của Hà Nội ngày nay.
Sơn Tây là một tỉnh cũ ở đồng bằng Bắc Bộ, Việt Nam.
Sơn Tây là một trong số 13 tỉnh được thành lập sớm nhất ở Bắc Kỳ (năm 1831), dưới thời vua Minh Mạng), gồm phần lớn địa bàn các tỉnh Vĩnh Phúc, Hà Tây, phía bắc tỉnh Phú Thọ, một phần tỉnh Tuyên Quang và thành phố Hà Nội ngày nay. Vốn trước đó là trấn Sơn Tây, tục gọi là trấn Tây hay trấn Đoài (Đoài nghĩa là Tây).
Tỉnh lị: thị xã Sơn Tây. Tỉnh Sơn Tây thường được gọi là xứ Đoài
ĐÔI NÉT VỀ NHẠC SỸ PHẠM ĐÌNH CHƯƠNG
Nhạc sỹ Phạm Đình Chương (1929-1991) sinh ra và lớn lên trong một gia đình giàu truyền thống văn nghệ ở Hà Nội. Những năm cuối đệ nhị thế chiến, để tránh khói lửa chiến tranh nhiều học sinh đã theo gia đình rời Hà Nội về sống tại các vùng quê. Quê ngoại Sơn Tây của Phạm Đình Chương với ngọn núi Ba Vì nhìn xuống cánh đồng Bương Cấn, với sông Đáy “chậm nguồn qua Phủ Quốc” đã để lại những dấu ấn sâu đậm trong lòng chàng thiếu niên Phạm Đình Chương. Để rồi sau đó, trong những năm tháng tha hương ở đất Sài Gòn, trong một niềm thương nhớ vô hạn về một vùng quê thanh bình, về những ngày tháng êm đềm đã qua, nhạc sỹ đã rung cảm trước 2 bài thơ “Đôi mắt người Sơn Tây” và “Đôi bờ” của nhà thơ Quang Dũng để cho ra đời một trong những nhạc phẩm đẹp và bi tráng nhất về tình cố hương.
Là một người sinh ra và lớn lên ở Phú Yên, vùng đất miền Trung thân yêu với núi Nhạn – sông Đà, chúng tôi rất tự hào khi xem chương trình Duyên Dáng Việt Nam lần thứ 23 tổ chức vào hai đêm 8-9/01/2011 ở nhà hát Sao Mai, khu du lịch Thuận Thảo, thành phố Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên.
Cảm nhận chung của DongNhacXua.com là chương trình đã thành công trong việc đưa giới thưởng ngoạn, có mặt ở nhà hát cũng như xem qua sóng VTV về với dòng nhạc xưa với chủ đề Nhớ.
Đạo diễn Nguyễn Quang Dũng cũng như người biên tập âm nhạc là nhạc sỹ Đức Trí đã có nhiều sáng tạo trong suốt chương trình: chuyển cảnh rất nhanh và nhịp nhàng, sử dụng dây kéo cho diễn viên múa rất khéo léo, dùng phông nền rộng với nhiều tư liệu phong phú về các thế hệ nhạc sỹ, ca sỹ đã không còn với chúng ta như Đoàn Chuẩn, Anh Tú, Ngọc Tân, v.v.
Riêng cá nhân tôi rất ấn tượng với màn chuyển cảnh từ bản “Đêm cuối cùng” của Phạm Đình Chương sang bài “Suối mơ” của Văn Cao với tam ca Lân Nhã, Quang Dũng và Đàm Vĩnh Hưng. Ngay giây phút ấy, chúng tôi cảm thấy như có một cái gì đó dù không còn nữa nhưng hình như vẫn còn vương vấn đâu đây. Đó có lẽ là chính hiệu ứng của những nhạc phẩm bất hủ mà giai điệu, ca từ không bao giờ phai nhạt theo năm tháng:
” … Em ơi, đêm cuối cùng gần nhau Sợ rằng một ngày mai giấc mộng không thành. ” (hai câu kết trong “Đêm cuối cùng)
hay “… Suối ơi! Nghe rừng heo hút. Giòng êm đưa lá khô già trút. Còn như lưu hương yêu dấu, Với suối xưa trôi nơi đâu. ” (đoạn kết của “Suối mơ”)
Một điểm nhấn khác của chương trình và sự kết hợp giữa một ngôi sao thời danh và 2 ngôi sao đã tắt: Đàm Vĩnh Hưng hát chung với Anh Tú trong “Lạc mất mùa xuân” (nhạc ngoại quốc, lời Việt của nhạc sỹ Lữ Liên, là thân phụ của chính ca sỹ Anh Tú, Tuấn Ngọc, Khánh Hà, v.v.) và Đàm Vĩnh Hưng cùng hòa giọng với Ngọc Tân trong “Khoảnh khắc” (của Trương Quý Hải). Sẽ rất khập khiễng khi đi so sánh hai giọng hát khác nhau nhưng dù sao cũng phải nói rằng ca sỹ Đàm Vĩnh Hưng đã rất nỗ lực và cố gắng hoàn thành tốt vai trò cầu nối hai thế hệ. Cá nhân tôi cảm thấy ca sỹ họ Đàm đã rất khiêm tốn trên sân khấu hôm đó để nhường những cảm xúc sâu thẳm nhất của khán giả cho hai ca sỹ tài danh nhưng yểu mệnh: Anh Tú (1950-2003) và Ngọc Tân (1948-2004).
Rất nhiều lần nhà tổ chức nhắc đến dòng nhạc bolero trong chương trình này nhưng cá nhân tôi thấy gọi như vậy chưa chính xác vì trong chương trình còn nhiều giai điệu không phải là dòng nhạc bolero (hay chúng tôi gọi là dòng nhạc “sến” với tất cả sự trân trọng chứ hoàn toàn không có ý chê bai). Tuy nhiên, nếu phải chọn ra vài ca sỹ là điểm nhấn của dòng nhạc “sến” thì có lẽ không ai xứng đáng bằng Mạnh Đình trong nhạc phẩm “Chuyện hẹn hò” (của Nhật Trường – Trần Thiện Thanh).
Hương Lan vẫn giữ phong độ với dòng nhạc này dù tuổi đời cũng không còn trẻ. Chị đã làm chúng tôi rơi nước mắt trong “Mẹ tôi” (của Nhị Hà).
Ngoài ra cũng phải kể đến ca sỹ Quang Linh và Cẩm Ly, những người đã mà theo chúng tôi đã “cứu” cả “chuyến đò” tốp ca trong tiết mục mở đầu “Chuyến đò quê hương” (của Vy Nhật Tảo).
Nhân nói đến đây thì chúng tôi xin mạn phép nêu ra vài điểm chưa đạt theo thiển ý của chúng tôi như sau:
Vài ca sỹ hoàn toàn không thích hợp với nhạc “bolero” nhưng cũng “cố gắng” góp giọng và đã không thành công: như Lân Nhã đã vào rất “phô” trong “Chuyến đò quê hương” mà chúng tôi đã nói ở trên. Tuy nhiên anh đã rất thành công với “Như một lời chia tay” (của Trịnh Công Sơn) ở phần sau.
Quang Dũng rất vững vàng và đầy kỹ thuật trong “Chiếc lá cuối cùng” (của Tuấn Khanh) nhưng anh lại quá sa đà vào việc phô diễn kỹ thuật thành ra khán giả chưa được lắng đọng với “đêm chia ly buồn gì sao chẳng nói” mà tác giả Tuấn Khanh muốn chuyển tải. Tuy nhiên sau đó Quang Dũng lại rất thành công với “Lá đổ muôn chiều” (của Đoàn Chuẩn – Từ Linh). Có lẽ chi tiết “ngày mai người em nhỏ bé ngồi trong thuyền hoa, tình duyên đành dứt …” làm cho Quang Dũng có nhiều cảm xúc hơn chăng !?
Tên tác giả của “Trộm nhìn nhau” là Trầm Tử Thiêng chứ không phải “Trầm Tử Thiên” như mà hình đã hiện ra
Dương Triệu Vũ có hát được giọng Phú Yên trong “Trách phận” nhưng anh hình như sợ người nghe nhận ra điểm yếu của mình hay sao đó mà anh hát nhanh quá thành ra chính người Phú Yên như chúng tôi cũng khó mà nghe kịp lời hát
Năm sinh và năm mất của ca sỹ Ngọc Tân (1948-2004) được chương trình chiếu lên (1950-2003) chưa đúng. Có lẽ đạo diễn lộn với năm sinh và năm mất của Anh Tú
Tóm lại: Duyên Dáng Việt Nam 23 tại Phú Yên đã để lại rất nhiều cung bậc cảm xúc cho khán giả, xứng đáng là một trong những chương trình ca nhạc chủ đề hay nhất Việt Nam.