Làng điện ảnh Việt Nam vừa chia tay một trong số những đạo diễn tài ba nhất, có đóng góp nhiều nhất trong việc hình thành của nền điện ảnh Miền Nam và đào tạo nhiều thế hệ diễ viên tài danh: Lê Mộng Hoàng. Điều đáng nói là trong rất nhiều bộ phim của ông, điện ảnh và âm nhạc đã giao thoa với nhau để chắp cách cho nhiều ca khúc đi sâu vào lòng người: bản “Tình lỡ” của Thanh Bình trong phim “Nàng”, bản “Nắng chiều” của Lê Trọng Nguyễn trong bộ phim cùng tên, “Vĩnh biệt mùa hè” của Thanh Tùng trong bộ phim cùng tên, v.v. DòngNhạcXưa xin thay mặt những người yêu nhạc kính mong linh hồn ông sớm an nghỉ miền cực lạc!
Vĩnh biệt đạo diễn nổi tiếng của điện ảnh miền Nam Lê Mộng Hoàng
Đạo diễn Lê Mộng Hoàng, một tên tuổi lớn của điện ảnh miền Nam đã qua đời ở tuổi 88 vào lúc 3 giờ sáng 23.2 tại nhà riêng trên đường Huỳnh Văn Bánh, quận Phú Nhuận (TP.HCM) sau một thời gian nằm viện.
Đạo diễn Lê Mộng Hoàng sinh năm 1929 tại Huế. Ông sang Pháp du học ngành âm nhạc, sau đó là điện ảnh. Về Việt Nam, ông thực hiện bộ phim đầu tay Bụi đời dựa trên tập truyện Những hòn sỏi của Võ Đình Cường vào năm 1957.
Sau đó, ông tiếp tục đạo diễn nhiều phim điện ảnh trước năm 1975 như Vụ án tình, Nàng, Chiều kỷ niệm, Mãnh lực đồng tiền, Con gái chị Hằng, Gánh hàng hoa, Ly rượu mừng, Xin đừng bỏ em, Năm vua hề về làng… Trong đó, bộ phim Nàng với diễn xuất của diễn viên Thẩm Thúy Hằng và Trần Quang đã đoạt Tượng vàng tại Đại hội Điện ảnh Á châu ở Đài Loan lần thứ 17. Sau năm 1975, ông vẫn tiếp tục làm nhiều phim như Tình khúc 68, Ngọn lửa thành đồng, Bản tình ca…
Thôi rồi còn chi đâu em ơi, Có còn lại chăng dư âm thôi … [dongnhacxua.com] chúng tôi xin mượn hai câu đầu trong bản ‘Tình lỡ‘ nổi tiếng của nhạc sỹ Thanh Bình để bắt đầu bài viết vĩnh biệt người nhạc sỹ tài hoa nhưng gặp nhiều bất hạnh trong cuộc sống. Ông đã mãi mãi rời xa “những nẻo đường Việt Nam” (tên một nhạc phẩm nổi tiếng khác của nhạc sỹ Thanh Bình) để về với các bận tiền nhân mà phiêu diêu miền cực lạc!
NHẠC SỸ THANH BÌNH: CUỘC ĐỜI KHÔNG NHƯ TÊN GỌI (Nguồn: tác giả Minh Nga đăng trên báo Người Lao Động)
Ông về với đất trời khi ước nguyện gặp lại con chưa thành…. Ông đã ra đi tìm sự thanh bình, bỏ lại cuộc đời bể dâu, chất chứa đau buồn
Không biết có phải là điềm báo trước hay không, ca sĩ Ánh Tuyết, người đã đi tìm ông và gần gũi với ông nhất trong những năm tháng cuối đời của ông, cho biết cả đêm đó chị không ngủ được. “Tự dưng tôi thấy nóng ruột, nằm thao thức mãi. Đến khoảng hơn 4 giờ ngày 23-5, tôi nhận được cuộc điện thoại của chị Phượng – cháu ruột ông – nói trong nước mắt: “Cậu đã đi rồi!”.
Một cuộc đời sóng gió
Biết bao người đã chìm đắm trong cảm xúc mỗi khi những câu hát khắc khoải như rút tâm can trong bài Tình lỡ mà chẳng hay biết tác giả của nó là ai. Mãi cho đến khi ca sĩ Ánh Tuyết có bài viết về cuộc đời ông, trước lần tổ chức đêm nhạc quyên góp giúp đỡ ông vào đầu tháng 1 năm nay, nhiều người mới biết đến nhạc sĩ Thanh Bình. Cuộc đời ông không hề “thanh bình” như tên gọi. Cả một đời, ông phải chôn chặt và cất giấu quá nhiều nỗi buồn tủi khi không có được một cuộc sống đủ đầy, hạnh phúc riêng trọn vẹn.
Trong đêm nhạc đầu tiên cũng là cuối cùng của đời mình, ông xúc động nói với Ánh Tuyết: “Cả đời tôi chưa bao giờ được ngồi xem đêm nhạc của mình như thế. Bây giờ có chết tôi cũng mãn nguyện rồi!”.
Theo lời kể của nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9, khi Thanh Bình đã là nhạc sĩ, ông chỉ là nhạc công đi đàn dạo. Một lần, ông được bạn bè giới thiệu gặp đàn anh trong nghề để học hỏi. Ấn tượng của ông về Thanh Bình là “một chàng trai đẹp, hào hoa, phong nhã”. Ông chỉ dám đứng xa xa nhìn chứ không dám lại gần. Mãi một thời gian sau, 2 người quen biết nhau, coi nhau như anh em. Thanh Bình đã dạy ông rất nhiều về nghề. Nguyễn Ánh 9 không biết nhiều về đời tư của nhạc sĩ Thanh Bình vì lúc đó, Thanh Bình sống rất khép kín, ít khi chia sẻ chuyện riêng: “Có lẽ anh ấy gặp quá nhiều chuyện buồn trong cuộc sống nên giữ cho riêng mình”. Thanh Bình sáng tác ít, nổi tiếng nhất là ca khúc Tình lỡ do được sử dụng trong phim Nàng. Nguyễn Ánh 9 kể: “Có lần tôi hỏi anh ấy tại sao lại viết nhạc ít vậy, anh ấy nói rằng viết nhạc đâu phải để kiếm tiền. Có cảm xúc thì mới viết được”.
Gặp lại nhạc sĩ Thanh Bình trong đêm nhạc do ca sĩ Ánh Tuyết tổ chức cho ông, sau 30 năm xa cách,nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 buồn thương khi nhìn thấy sự tàn tạ của đồng nghiệp đàn anh. “Thú thật là lúc gặp lại anh ấy, tôi không nhận ra. Thời gian trôi qua, anh ấy đổi thay nhiều nhưng chẳng ngờ từ một chàng trai hào hoa phong nhã ngày nào mà bây giờ anh ấy lại tiều tụy quá”.
Tình duyên bẽ bàng
Đúng như tên gọi ca khúc Tình lỡ nổi tiếng của ông, cuộc tình nào của ông cũng đầy nỗi buồn thăm thẳm. Đời ông không biết bao lần rơi vào cảnh chông chênh, không ít lần tưởng chừng đã chạm tay vào hạnh phúc nhưng rồi lại tan như bọt nước. Ca khúc Tình lỡ chính là câu chuyện tình mà ông viết cho mình, khi duyên tình với người con gái Hải Phòng quá ngắn ngủi. Cô gái bị gia đình ép lấy chồng, ông phải thốt lên bằng những lời ca da diết: “Thôi rồi, còn chi đâu em ơi! Có còn lại chăng dư âm thôi. Trong cơn thương đau men đắng môi…”.
Người đàn bà nên duyên chồng vợ với ông rất xinh đẹp và họ có với nhau một con gái. Đớn đau thay, vợ ông bỏ nhà đi khi con gái mới lên 3 tuổi, một mình ông nuôi con trong muôn vàn khó nhọc. Không ít lần ông tự hỏi: “Yêu nhau là thế, sao bỏ đi quá dễ dàng?”. Ông không muốn nhớ về những ký ức đã đi vào dĩ vãng nhưng ở đời lạ lắm! “Khi không muốn còn gì để nhớ. Là lúc lòng không thể nào quên” (thơ Phan Vũ). Thanh Bình cũng như vậy.
Ông bảo đời cứ ném ông vào khoảng trời cay đắng. Con gái lớn, có chồng nhưng cuộc hôn nhân không trọn vẹn, lại vướng vào vòng lao lý. Người già thường sống nương nhờ con nhưng có ai ngờ một ông già 80 tuổi như nhạc sĩ Thanh Bình lại bị con rể nhẫn tâm bỏ rơi ở bến xe, phải sống vất vưởng 18 ngày ở đó. Đó là một khoảng đời cay nghiệt nhất đối với ông. May nhờ đứa cháu gái gọi ông bằng cậu (chị Phượng) tìm được, đưa ông về và cưu mang đến cuối đời.
Nhắm mắt mà không được gặp con
Trong những năm tháng cuối đời, sống với các cháu trong gian nhà đơn sơ, ông ít khi nhắc lại quá khứ với ai, chỉ tâm sự với ca sĩ Ánh Tuyết mỗi lần chị đến thăm. Người nhạc sĩ tóc đã phai màu vẫn ôm nỗi cô đơn với một biển sầu hiu hắt. Bao nhiêu ngày đợi tháng chờ con mòn mỏi là bấy nhiêu đau buồn, lo lắng không yên. Có nhiều lần chị Phượng thấy ông ngồi khóc một mình, gặng hỏi mãi ông mới nói: “Cậu nhớ con Ngọc (con gái của ông – PV) quá! Không biết bao giờ mới được gặp lại nó đây? Chỉ sợ cậu ra đi mà chưa gặp lại con”. Chị Phượng kể những lá thư chị Ngọc gửi về, ông cất giữ cẩn thận và mang ra đọc đi đọc lại. Mỗi lần đọc là đỏ hoe mắt. “Nhiều lần ông đòi xuống trại giam ở lại với con gái nhưng tôi cứ động viên ông ráng khỏe sẽ đưa ông đi gặp con. Ông nghe vậy, ngày nào cũng chờ đợi, trông ngóng” – chị nói.
Ca sĩ Ánh Tuyết cũng không ít lần hứa sẽ dẫn ông đi thăm con gái nhưng đều lỗi hẹn. Chị đang liên lạc mọi cách để chị Ngọc về gặp cha lần cuối. Chị cũng hứa sẽ thực hiện cho ông một album kỷ niệm, tập hợp tất cả những sáng tác của ông nhưng tất cả giờ đều dang dở…
Với những người yêu nhạc xưa thì giai điệu mượt mà và ca từ nhẹ nhàng, khắc khoải của bản ‘Tình lỡ’ đã trở nên quá quen thuộc hơn 50 năm nay: “Thôi rồi còn chi đâu em ơi …” Tác giả của ca khúc bất hủ này là nhạc sỹ Thanh Bình. Chắc cũng như [dongnhacxua.com], bạn sẽ tự hỏi: Thanh Bình là ai? Hiện giờ nhạc sỹ thế nào? Thật may mắn, chúng tôi đọc được một bài viết của anh Hà Đình Nguyên mới đăng trên báo Thanh Niên ngay ngày hôm qua, 10/11/2013. Thế là mọi việc được sáng tỏ nhưng qua đó cũng hé mở một câu chuyện đau lòng về hoàn cảnh hiện tại của nhà nhạc sỹ!
Hàng chục năm qua, nhiều thế hệ người yêu nhạc đã mê đắm ca khúc Tình lỡ của nhạc sĩ Thanh Bình, nhưng lại rất ít người biết thông tin về tác giả.
Người viết đã bỏ ra suốt 2 tuần để đi tìm nhạc sĩ Thanh Bình từ tin nhắn của một bạn đọc cho biết ông đang ở một căn nhà trên đường Nguyễn Bỉnh Khiêm, TP.HCM. Tới đúng địa chỉ này hỏi thì người ta lắc đầu, không biết nhạc sĩ Thanh Bình là ai. Hóa ra, đường Nguyễn Bỉnh Khiêm còn có một đoạn ở phía bên kia vòng xoay Điện Biên Phủ (gần kênh Nhiêu Lộc).
Cho người con gái Hải Phòng
Tôi đến và bắt gặp một ông già trên 80 tuổi, khuôn mặt thật hiền lành, mặc bộ pyjama đang ngồi trên chiếc ghế nhựa trước cửa nhà. Hỏi: Chú là nhạc sĩ Thanh Bình phải không ạ? Ông cười hiền: Đúng rồi! Tôi tặng ông cuốn Chuyện tình nghệ sĩ do tôi biên soạn và nói với ông là mình rất thích bài Tình lỡ của ông, ông hỏi: Bài đấy hay không? – Hay chứ ạ, cháu hát cho chú nghe nhé: “Thôi rồi còn chi đâu em ơi. Có còn lại chăng dư âm thôi, trong cơn thương đau men đắng môi. Yêu rồi tình yêu sao chua cay. Men nào bằng men thương đau đây. Hỡi người bỏ ta trong cơn mưa bay… Phương trời mình đi xa thêm xa. Nghe vàng mùa thu sau lưng ta. Em ơi em ơi thu thiết tha…”. Ông ngồi gật gù nghe tôi hát, thỉnh thoảng hỏi xen vào “Bài này hay không?”. Cơ khổ, đầu óc của một ông già hơn 80 tuổi đã không còn minh mẫn, ngoài tên thật: Nguyễn Ngọc Minh, sinh năm 1930 tại Bắc Ninh, còn lại là những khoảng ký ức ít ỏi…
Người viết phải cố gợi lại trong trí nhớ của ông từng chi tiết nhỏ. Ông cho biết mình học nhạc với một ông thầy ở Thanh Hóa dạo tản cư thời kháng chiến chống Pháp (1946-1947), rồi sau đó tự học và phát triển thêm…
Hỏi về bóng hồng nào đã khiến ông phải đau khổ để viết nên tác phẩm ‘Tình lỡ’, ông bảo: “Ca khúc này tôi viết cho một người con gái ở Hải Phòng. Lúc đó tôi 24 tuổi và rất thiết tha với người này. Ngày tôi xuống tàu ở cảng Hải Phòng vào nam, đứng trên boong tàu, tôi nhìn thấy nàng đang hối hả chen lấn, vạch đám đông người đưa tiễn để mong kịp chia tay tôi, nhưng tôi lại đứng lẫn vào đám đông trên boong tàu, còn nàng thì chạy dọc theo bờ cảng và không nhận ra tôi… Chẳng nói được với nhau câu nào.
Tôi vào nam, ít lâu sau hay tin bố mẹ nàng ép lấy chồng. Tôi buồn lắm, khoảng 1 tháng sau tôi viết được bài Tình lỡ (1954)…”.
Theo tìm hiểu của người viết thì ‘Tình lỡ’ là ca khúc chính được sử dụng trong phim ‘Nàng ‘ do đạo diễn Lê Mộng Hoàng thực hiện năm 1970 (dựa theo tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Bùi Hoàng Thư, phim đoạt giải Tượng vàng tại Đại hội Điện ảnh Á châu ở Đài Loan lần 17). Góp mặt trong phim này có: Thẩm Thúy Hằng, Trần Quang, La Thoại Tân và cả ca sĩ Phương Hoài Tâm… Ở cuối phim, Vân (Thẩm Thúy Hằng) đi dọc bãi biển trong buổi chiều lộng gió, tà áo dài bay phất phơ lồng trong tiếng hát của Khánh Ly: “… Một vầng trăng lỡ đã thôi không theo nhau. Cuộc tình đã lỡ với bao nhiêu thương đau. Hết rồi thôi đã không còn gì thật rồi. Chỉ còn hiu hắt cơn sầu không nguôi… Con đường mình đi sao chông gai. Bước vào đời nhau qua bao nay. Em ơi, em ơi! sao đắng cay…”.
Chỉ còn hiu hắt cơn sầu không nguôi
Tôi đang cố khơi gợi lại trí nhớ của ông thì chị chủ nhà đi công chuyện về. Chị tên Phượng và là cháu gọi nhạc sĩ Thanh Bình bằng cậu ruột. Qua chị, tôi biết thêm một số điều. Quả thật câu hát “Nghe vàng mùa thu sau lưng ta” khắc khoải như số phận đầy đau khổ của nhạc sĩ.
Sau 1954, nhạc sĩ Thanh Bình lấy vợ người Sài Gòn. Hai vợ chồng có một con gái và mở một tiệm cơm mà thực khách phần đông là những viên chức người Pháp. Rồi cô vợ bỏ chồng đi theo một người trong số họ về Pháp, bỏ lại đứa con gái cho ông. Vậy là “gà trống nuôi con” suốt mấy chục năm, cho đến lúc gả chồng cho con. Ông ở với vợ chồng người con gái trong một căn nhà nhỏ ở Gò Vấp. Tuổi già, lại đeo thêm những chứng bệnh về tim mạch và cao huyết áp. Thỉnh thoảng các nghệ sĩ ở nước ngoài (ca sĩ Thanh Thúy, diễn viên Giang Kim…) gửi biếu ông chút tiền chữa bệnh. Rồi người con gái phải lâm vào vòng lao lý, chị Phượng đưa người nhạc sĩ già này về nhà mình nuôi dưỡng… Hằng ngày ông bắc ghế, ngồi nhìn ra đường, giữ nhà cho con cháu đi làm ăn, học hành. Chắc ông chẳng còn nhớ, chẳng bận tâm rằng mình một thời từng sáng tác được những ca khúc khiến bao trái tim thổn thức. Và nếu như có ai nhắc lại, ông gật gù hỏi: “Bài ấy có hay không?”.
Thanh Bình không chỉ có mỗi ca khúc Tình lỡ, mà ông còn là tác giả của những ca khúc: ‘Còn nhớ hay quên?’, ‘Đừng đến rồi đi’ (1959), ‘Tiếc một người’ (1972)… Những cái tựa của các ca khúc kể trên khiến người ta tự hỏi: nhạc sĩ Thanh Bình viết cho ai đây, người yêu đầu đời hay người vợ tuyệt tình…?