Làng điện ảnh Việt Nam vừa chia tay một trong số những đạo diễn tài ba nhất, có đóng góp nhiều nhất trong việc hình thành của nền điện ảnh Miền Nam và đào tạo nhiều thế hệ diễ viên tài danh: Lê Mộng Hoàng. Điều đáng nói là trong rất nhiều bộ phim của ông, điện ảnh và âm nhạc đã giao thoa với nhau để chắp cách cho nhiều ca khúc đi sâu vào lòng người: bản “Tình lỡ” của Thanh Bình trong phim “Nàng”, bản “Nắng chiều” của Lê Trọng Nguyễn trong bộ phim cùng tên, “Vĩnh biệt mùa hè” của Thanh Tùng trong bộ phim cùng tên, v.v. DòngNhạcXưa xin thay mặt những người yêu nhạc kính mong linh hồn ông sớm an nghỉ miền cực lạc!
Vĩnh biệt đạo diễn nổi tiếng của điện ảnh miền Nam Lê Mộng Hoàng
Đạo diễn Lê Mộng Hoàng, một tên tuổi lớn của điện ảnh miền Nam đã qua đời ở tuổi 88 vào lúc 3 giờ sáng 23.2 tại nhà riêng trên đường Huỳnh Văn Bánh, quận Phú Nhuận (TP.HCM) sau một thời gian nằm viện.
Đạo diễn Lê Mộng Hoàng sinh năm 1929 tại Huế. Ông sang Pháp du học ngành âm nhạc, sau đó là điện ảnh. Về Việt Nam, ông thực hiện bộ phim đầu tay Bụi đời dựa trên tập truyện Những hòn sỏi của Võ Đình Cường vào năm 1957.
Sau đó, ông tiếp tục đạo diễn nhiều phim điện ảnh trước năm 1975 như Vụ án tình, Nàng, Chiều kỷ niệm, Mãnh lực đồng tiền, Con gái chị Hằng, Gánh hàng hoa, Ly rượu mừng, Xin đừng bỏ em, Năm vua hề về làng… Trong đó, bộ phim Nàng với diễn xuất của diễn viên Thẩm Thúy Hằng và Trần Quang đã đoạt Tượng vàng tại Đại hội Điện ảnh Á châu ở Đài Loan lần thứ 17. Sau năm 1975, ông vẫn tiếp tục làm nhiều phim như Tình khúc 68, Ngọn lửa thành đồng, Bản tình ca…
Thế là cuối cùng nhạc sỹ Thanh Tùng cũng ra đi mãi mãi sau gần 10 năm chống chọi với bệnh tật. [dongnhacxua.com] xin gởi lời chia buồn sâu sắc đến gia quyến và cầu mong linh hồn ông sớm an nghỉ nơi hạnh phúc vĩnh hằng!
Thông tin về sự ra đi của nhà nhạc sỹ đáng kính tràn ngập trên các phương tiện truyền thông đại chúng trong ngày hôm nay. Điều đó cho thấy nhạc sỹ Thanh Tùng đã để lại nhiều tình cảm quý mến trong lòng người yêu nhạc qua nhiều thế hệ. Như một lời tri ân, [dongnhacxua.com] xin giới thiệu một sáng tác chung giữa Thanh Tùng và nhạc sỹ Hình Phước Liên mà tuổi trẻ chúng tôi vẫn thường nghêu ngao vào đầu thập niên 1980 “Cây đàn guitar của Lorca”. Trong đó chúng tôi tâm đắc nhất là câu: “Nếu tôi chết, hãy chôn tôi với cây đàn guitar”. Mong sao một tâm hồn nghệ sỹ như nhạc sỹ Thanh Tùng sẽ thanh thản ra đi sau khi đã để lại cho hậu thế một kho tàng âm nhạc đáng trân trọng!
NHẠC SỸ THANH TÙNG – TRÁI TIM CA HÁT LÃNG DU (Nguồn: tác giả Anh Sa viết trên vnExpress.net)
Âm nhạc Thanh Tùng là tiếng hát của những trái tim yêu đời, yêu người, với nỗi buồn nhẹ nhàng, trong sáng nhưng đầy day dứt.
Nhạc sĩ Thanh Tùng qua đời. Ngoài những lời tiếc thương, dường như mỗi người yêu mến ông đều nhớ đến ít nhất một ca khúc đã gắn với câu chuyện nào đó, ký ức nào đó hay đơn giản chỉ là chút lòng nào đó của họ.
“Lối cũ ta về, vườn xưa có còn, hoàng hôn trong gió, thoảng hương ngọc lan…”
“Em đừng ngồi buồn và đừng nói những lời giận hờn, để bầu trời xanh ngát như màu xanh trong mắt em. Em hãy nhìn cuộc đời, trong một đời có những cuộc đời. Em hãy nhìn vào lòng người, trong lòng người có cả mọi người, có em và có tôi…”
“Em và tôi, xa nhau thấy nhớ gần nhau giận hờn. Em và tôi, những tiếng ca vui, những khúc nhạc buồn. Em và tôi, mỗi người một nửa cuộc đời…”
Âm nhạc của Thanh Tùng dường như đã ở đó rất lâu trong trái tim mọi người. Những giai điệu dễ dàng cất lên từ tâm trí của bất kỳ ai như rất thân quen. Mỗi người đều có thể bắt gặp mình trong những bài hát của Thanh Tùng. Họ có thể rơi nước mắt, có thể mỉm cười nhẹ nhàng khi câu hát nào đó cất lên. Những ca khúc cũ mà luôn mới bởi âm nhạc của ông là nắng, mưa, hoa, gió, là buổi sớm mai, là buổi chiều tàn, là đời sống. Có chăng sự tinh tế của người nhạc sĩ đã biến những điều tự nhiên ấy trở nên đẹp đẽ, thấm đẫm chất thơ.
Những ca khúc của Thanh Tùng chứa đựng nỗi buồn, ám ảnh, day dứt nhưng là nỗi buồn trong sáng, lạc quan trước cuộc sống chứ không bi lụy: “Hát đi em, hát lên những lời trái tim. Để với tiếng ca bỗng như ta gần nhau thêm. Có tiếng hát ai như cơn gió mát, giọt lệ nào là dòng suối trong veo. Như là tôi đang ở trong em đó, như tim em nằm ngủ trong tim tôi. Cách xa đâu là lãng quên, để nhớ thương nhuộm hồng trái tim…”.
Thanh Tùng sáng tác khoảng hơn 30 bài, chủ yếu là tình ca. Không phải một kho nhạc đồ sộ về dung lượng, đa dạng về đề tài nhưng ca khúc nào cũng nổi tiếng và dễ dàng đi vào lòng công chúng. Đó là Chuyện tình của biển, Chuyện cổ Nghi Tàm, Đếm lá ngoài sân, Em và tôi, Giọt nắng bên thềm, Giọt sương trên mi mắt, Hát với chú ve con, Hãy chôn tôi với cây đàn ghi ta, Hoa cúc vàng, Hoa tím ngoài sân, Hoàng hôn màu lá, Lối cũ ta về, Lời tỏ tình mùa xuân, Mưa ngâu, Một mình, Ngôi sao cô đơn, Phố biển, Trái tim không ngủ yên, Vĩnh biệt mùa hè, Một thoáng quê hương… Giai điệu các ca khúc thường nhẹ nhàng, tươi tắn, có chút lãng đãng đúng như tâm hồn lãng du của Thanh Tùng.
Sinh thời, Thanh Tùng nổi tiếng đào hoa, đa tình. Trước khi bị đột quỵ và phải ngồi xe lăn năm 2008, cuộc đời chàng nhạc sĩ hào hoa xứ biển Nha Trang là những tháng ngày rong ruổi hát ca. Người như ông khi còn trẻ biết bao cô gái si mê. Nhưng dù mang tâm hồn ca hát lãng du, trái tim ông lại chỉ dành cho duy nhất người vợ đã mất. Bà ra đi từ đầu những năm 1990, sau 18 năm bên ông. Người đàn ông đó đã có lúc yếu đuối và gửi lòng mình vào ca khúc Một mình.
“Gió nhớ gì ngẩn ngơ ngoài hiên. Mưa nhớ gì thì thầm ngoài hiên. Bao đêm tôi đã một mình nhớ em. Đêm nay tôi lại một mình…”
Người ta nói đàn ông thường khóc khô. Với Thanh Tùng, Một mình như một tiếng nấc dồn nén tất cả nhớ thương dành cho người vợ quá cố. “Nhớ em vội vàng trong nắng trưa. Áo phơi trời đổ cơn mưa. Băn khoăn khi con đang còn nhỏ. Tan ca bố có đón đưa…”, “Nhớ em giọt mồ hôi tóc mai. Gió sương mòn cả hai vai…”. Cái hay của Thanh Tùng là khi nghe ca khúc của ông, mỗi người phụ nữ đều cảm thấy trong đó bóng dáng của mình, đều thấy như là viết cho mình.
Cách đây vài tháng, trên chiếc xe lăn tại nhà riêng ở Hà Nội, dù không còn nói được, khi được hỏi ông thương ai nhất, nhạc sĩ Thanh Tùng lấy hết sức nói gần tròn vành rõ chữ: “Bà”. Con trai nhạc sĩ – anh Nguyễn Thanh Thông – cho biết các con cũng có lần hỏi bố về ý định đi bước nữa nhưng ông vẫn ở vậy làm gà trống nuôi con để ba người con hiện đều thành công trong cuộc sống.
Thanh Tùng mất nhưng âm nhạc của ông còn. Có lẽ, ông cũng chẳng đi đâu xa. Trái tim ca hát của ông vẫn lãng du đây đó như thường khi rồi về ngồi lặng bên thềm nhà. Ở nơi đó, thời gian qua như quy luật tự nhiên, cuộc sống trôi đi như vốn có, như những câu hát mà ông từng viết:
“…Hoa vẫn hồng trước sân nhà tôi Chim vẫn hót sau vườn nhà tôi Một sớm mai kia Chợt thấy hư vô trong đời Người vẫn đâu đây, người cũng đã như xa rồi Chỉ là… thế thôi…”.
Trong nền tân nhạc Việt Nam, DòngNhạcXưa biết được 2 bản nhạc có cùng tên “Một mình”, một của nhạc sỹ Lam Phương, một của nhạc sỹ Thanh Tùng. Có một sự trùng hợp khá đau lòng là hiện tại cả hai nhà nhạc sỹ đều đang phải sống rất cô đơn trong buổi xế chiều của đời người.
MỘT MÌNH (LAM PHƯƠNG)
Nhạc sỹ Lam Phương sau khi chia tay với người vợ đầu tiên là nữ ca sỹ, kịch sỹ Túy Hồng trên đất Mỹ (độ năm 1981), ông sang “kinh đô ánh sáng” Paris sống cùng người em gái. Tại đây ông tìm được niềm vui mới. Vài năm sau đó, hai vợ chồng ông quay trở lại Mỹ. Riêng về nhạc phẩm “Một Mình,” Lam Phương cho biết đã cảm xúc vào một buổi sáng sớm, khi thức dậy đã thấy người vợ đang ở một mình ngoài vườn cho bầy chim ăn, để rồi ông tự hỏi “Còn bao lâu nữa khi ta bạc đầu. Tình cờ gặp nhau. Ngỡ ngàng nhìn nhau, để rồi còn gì nữa cho nhau.”
Nhưng vào ngày 13 tháng Ba, 1999, trong khi dự tiệc ở một nhà người bạn, ông lại bị chóng mặt xây xẩm, phải nhờ người lái xe đưa về ngay trong khi miệng ông đã bị méo xệch qua một bên. Sau khi về nhà lấy giấy tờ, ông đã được chở ngay vào nhà thương Fountain Valley ở Nam Cali để chữa trị. Nhưng khi tới nơi, tay chân ông đã bị liệt. Sau khi ở bệnh viện này 10 ngày, Lam Phương đã được chuyển qua một bệnh viện chuyên môn về tai biến mạch màu não và nằm tại đây trong suốt 20 ngày. Biến cố này đã khiến Lam Phương lại trở về với nỗi bi quan tưởng như đã dứt bỏ được.
Tuy vậy, Lam Phương đã cố gắng theo một qui chế ăn uống kỹ lưỡng và nhất là siêng năng tập luyện hằng ngày đến nay tình trạng sức khỏe của ông đã khả quan rất nhiều.
Hai năm sau, năm 2001, đúng 20 năm sau ngày ông chia tay Túy Hồng và 10 năm sau khi ông tìm được niềm vui mới thì người vợ sau cũng đã bỏ ông mà đi, để cho giờ đây ông vẫn “một mình”.
MỘT MÌNH (THANH TÙNG)
Khác với Lam Phương, nhạc sỹ Thanh Tùng viết “Một mình” để tưởng nhớ người vợ đầu (và cũng là duy nhất cho đến lúc này) ra đi vĩnh viễn. Để hiểu rõ hơn về nhà nhạc sỹ và nỗi lòng với người vợ quá cố của Thanh Tùng, [dongnhacxua.com] xin mời quý vị yêu nhạc xưa đọc qua bài viết của nhà văn, nhà báo Nguyễn Đông Thức:
Tôi cứ nhớ mãi khoảng sân nhỏ trong căn nhà ở ngõ Cây Điệp Q.1, có gốc khế, nơi ông và bạn bè thường ngồi nhậu mỗi chiều, chen lẫn tiếng cụng ly là những tràng cười hào sảng. Đó là nơi ông đàn hát cho chúng tôi nghe bài Hoa tím ngoài sân khi vừa viết xong, vừa cười vừa kể thoạt đầu đã viết là Hoa khế ngoài sân, nhưng rồi lại sợ bà con hiểu lầm là… mồng gà hoa khế (tên gọi hai căn bệnh xã hội), nên phải sửa lại. Cũng là nơi lần đầu ông phát hiện vũng nước tiểu của mình bị kiến bu đầy, báo hiệu căn bệnh tiểu đường quái ác đã hành hạ ông suýt chết mấy lần đến tận bây giờ.
Rồi chị Minh, vợ ông, bất ngờ bị bệnh nặng và mất… Dù rất bận rộn chuyện làm ăn nhưng chị vẫn thường đích thân lo tiệc nhậu cho chồng khi bạn bè đến nhà. Bạn ông ai cũng kính nể chị, một tay làm ra tiền nhưng luôn quý người chồng nghệ sĩ hết mực. Bạn bè nể một, thấy ông nể hai, ba. Nhưng không rõ lắm ông yêu vợ cỡ nào, vì vẫn đều đều tham gia những cuộc vui với “những bông hoa nhỏ”, rồi bar pub vũ trường, mát-xa bia ôm… thảy đều không từ. Chỉ có một nguyên tắc cho tôi hiểu ông nể vợ: ai muốn ngồi cạnh ông là phải lau thật sạch son phấn. Ông giải thích ngắn gọn: “Sợ bà ấy buồn”.
Chỉ khi chị Minh mất, mới thấy ông thương vợ thế nào, khi Lối cũ ta về bất ngờ ra đời, thấm đẫm kỷ niệm ngày xưa ở Nghi Tàm với niềm thương tiếc khôn nguôi:
Dù cho bên anh nay em không còn nữa Biết chăng trong con tim anh luôn hằng nhớ Người yêu ơi nay em đã bỏ anh đi Sao em nỡ bỏ anh đi mãi…
Đó cũng là lúc ông đi uống nhiều nhất. Từ trưa, đến chiều, đến khuya, có hôm một, hai giờ sáng mới về đến nhà… Như để nuốt hết nỗi buồn vào lòng. Bạn bè ông rất đông, thay ca chia sẻ với ông trong ngày, vì làm sao đu theo ông nổi (hai người có mặt bên ông nhiều nhất trong thời gian ấy là Trịnh Công Sơn và Từ Huy, nay cũng đều đã… lên đường!). Sau Lối cũ ta về, là Em và tôi, Trái tim không ngủ yên…, bài nào cũng nhanh chóng chinh phục người nghe. Tôi từng ngạc nhiên hỏi ông sáng tác vào lúc nào trong ngày, ông nói lúc khuya đi nhậu về, một mình một bóng trong phòng, không ngủ được. Nghệ sĩ sáng tác luôn là người cô đơn, trước trang viết của mình. Với ông, hẳn sự cô đơn ấy còn đậm đặc hơn.
Rồi Một mình được tung ra (lần đầu do Mỹ Linh hát), gây rưng rưng không chỉ cho bất cứ ai từng bị mất mát, và tôi tin không ai cô đơn bằng ông khi viết ca khúc ấy. Chỉ bằng một sự cô đơn và nhớ thương tuyệt đối người ta mới có thể viết:
Gió nhớ gì ngẩn ngơ ngoài hiên Mưa nhớ gì thì thầm ngoài hiên Bao đêm tôi đã một mình nhớ em Ðêm nay tôi lại một mình…
Và:
Vắng em đời còn ai với ai Ngất ngây men rượu say Ðêm đêm liêu xiêu con đường nhỏ Cô đơn, cùng với tôi về…
Ông không phải là thần thánh, có tài, lại nhiều tiền, sống hào hoa… Không ít phụ nữ đẹp muốn đến với ông, lúc đó. Cũng có lúc đã tưởng ông chọn chung sống với một cô người mẫu… Nhưng rồi ông lại… một mình, chăm sóc ba đứa con (Bách, Thông, Bạch Dương – cùng họ cây tùng), cho đi học bên Mỹ, nay tất cả cùng trở về, quây quần bên ông… Bệnh thì ngày càng nặng – bởi có kiêng cữ gì đâu, lại không ai chăm sóc!
Giờ đây tôi và ông đang ngồi trong một ngôi biệt thự trên đường Nguyễn Trung Trực, Q.Bình Thạnh, đồ sộ hơn nhiều so với căn ở ngõ Cây Điệp ngày nào. Có dàn huỳnh anh nở vàng rực mấy bờ tường, có hồ nước cá chép Nhật lượn lờ, có đàn gà tre thảnh thơi mổ thóc, và có… mấy con chó nằm khoanh đuôi đuổi ruồi không bay trong chuồng sắt. Căn nhà đẹp nhưng buồn bã, nhất là khi nhìn mấy con chó bó gối kia…
Sau cơn đột quỵ xuất huyết não năm 2008 tưởng không qua khỏi, giờ đây ông đã đỡ hơn nhiều nhưng nói chuyện còn rất khó khăn, từng tiếng một, đôi khi phải bút đàm. Cuộc trò chuyện của chúng tôi diễn ra suốt hai tiếng mà chỉ được vài câu, như sau:
– Vừa có show kỷ niệm 5 năm ngày mất của Từ Huy, do gia đình tổ chức ở Nhà Văn hóa Thanh niên… Anh Bảo Phúc thì mất 2 năm rồi… Anh Sơn 10 năm… Nhanh quá phải không anh? Anh có còn nhớ về các anh ấy? – Sao không?… Bạn bè… Đời… vô nghĩa… – Anh vẫn đọc báo, xem tivi hàng ngày? – Vẫn… – Các con chăm sóc anh tốt không? – Rất tốt. – Chúng làm ăn giỏi không? – Giỏi. – Anh đã có một tình yêu rất bền, đẹp, dù đứt đoạn. Anh Sơn cũng có một cuộc tình còn lãng mạn hơn. Có phải những cuộc tình buồn sẽ dễ đưa đến những tác phẩm hay? – Hên xui… – Vừa rồi ở Hà Nội ông Trần Bình có làm mấy đêm show ca khúc của anh. Anh có ra? – Không. – Anh có thích làm lại một show ở TP.HCM? – Thích. Rồi anh cười, đôi mắt sáng đầy hứng khởi như ngày nào: – Bia? – Bác sĩ cho uống bia lại rồi à? – Tôi trợn mắt. – Rồi… Ngày… 4 lon, trưa 2…, chiều 2…, có thể… 3. – Vậy là lúc này ngon rồi. Sắp đi chơi lại được rồi. – Ngày nào cũng… đi chơi… Đi uống cà phê… Bác sĩ nói… ba tháng nữa… sẽ nói tốt.
Tôi uống với ông hai lon bia, chạnh lòng nghĩ tới bao tiệc nhậu ngày xưa, bao gương mặt bạn bè một thời giờ đâu vắng cả… Bia rượu từng chảy như suối, rồi bao nhiêu lụa là son phấn vây quanh…
Câu cuối cùng tôi hỏi ông trước khi ra về:
– Anh vẫn nhớ chị Minh nhiều?
Ông gật đầu, đôi mắt chợt buồn hẳn, xa xăm.
Tôi tin giờ đây càng một mình ông càng nhớ chị ấy nhiều hơn. Nhớ gốc khế trong căn nhà ở ngõ Cây Điệp, nhớ phố xưa Nghi Tàm, nhớ những khóm cúc vàng bên thềm nhà… Tôi mở điện thoại của mình cho ông nghe lại Mỹ Dung và ông hát Hoa cúc vàng, gần như là bài hát cuối cùng của ông trước ngày bị đột quỵ và cũng là bài mà tôi thích không thua gì bài Một mình:
Đêm qua anh nằm mơ, anh mơ thấy em về Ta lại ngồi bên nhau, nghe gió lay cành khế Đêm qua anh nằm mơ, anh mơ thấy em về Anh lại ngồi bên em, chờ con nắng ghé qua thềm… …Đêm qua em vừa đến, sao chưa ghé qua nhà Sao chưa về thăm anh, anh nhớ em nhiều lắm đấy Bâng khuâng trong vườn nắng, cô đơn khóm cúc vàng Đang chờ mùa thu sang, chờ cho đến lúc phai tàn…
Bây giờ cũng đang là mùa Thu, trong vườn có chút nắng vàng như mật, nhưng không có khóm cúc lẻ loi nào mà chỉ có mỗi mình ông. Hình như trong số bạn bè tôi, ông đang là người đàn ông cô đơn nhất…
(Saigon, February 08, 2012 – DongNhacXua.com) Nhân đọc bài viết “Hãy nhìn vào tấm lưng ấy một lần…” khá xúc động trên báo Người Lao Động, chúng tôi chợt nhớ đến bản “Một mình” của nhạc sỹ Thanh Tùng. Ông viết bài này để gởi gắm những suy tư sâu lắng về sự vất vả của người vợ quá cố.
BẢN NHẠC ‘MỘT MÌNH’ CỦA THANH TÙNG
BÀI VIẾT ‘HÃY NHÌN VÀO TẤM LƯNG ẤY MỘT LẦN’ (Source: Người Lao Động)
Hôm ấy thằng út vẫn còn nghỉ Tết. Không phải rước con nên tôi về sớm hơn mọi ngày. Thay vì đi đường Nguyễn Thị Minh Khai thì tôi đi Nguyễn Đình Chiểu để về nhà cho gần. Đang chạy ngon trớn, đầu óc lơ mơ nghĩ đến bữa cơm nóng sốt của vợ đang chờ ở nhà thì một chiếc xe từ trong hẻm Ve Chai băng ra, tôi giật mình lách xe sang phải, lầm bầm: “Chạy vậy đó hả?”. Nhưng ngay lập tức, tôi há hốc mồm nói không nên lời khi trông thấy cái biển số xe…
Trước mặt tôi là một người phụ nữ mặc chiếc áo khoác đã sỉn màu. Chiếc nón bảo hiểm cũng cũ. Điều khiến tôi chú ý là chiếc xe cúp 86 của chị ta trông rất tội nghiệp. Nó phải gồng mình chở trên đó đủ thứ: Rổ xe một bọc vú sữa, mấy trái xoài, một túm dâu Đà Lạt; hai bên xe máng lủ khủ nào thịt, cá, rau, trứng và không biết bao nhiêu thứ có tên và không tên khác cho những bữa cơm gia đình…
Bình thường nếu nhìn hình ảnh ấy, tôi sẽ nghĩ, cái gã nào đó làm chồng chị ta thật sướng. Bởi trong nhịp sống tất bật hiện nay, còn có mấy người phụ nữ chí thú chuyện bếp núc cho gia đình như vậy?
Nhưng trong hoàn cảnh này thì tôi thấy nghẹn đắng cổ họng. Một cảm xúc thật khó tả dâng đầy trong lòng. Vừa xót thương, vừa tội nghiệp, vừa cảm phục lại vừa thấy mình thật có lỗi…
Tôi cưới vợ hai mươi năm, có hai mặt con nhưng chưa bao giờ chú ý xem vợ đi xe gì, mặc áo gì, mang giày dép thế nào… Đó là vì trước mặt tôi, vợ lúc nào cũng chỉn chu. Buổi sáng vợ ra khỏi nhà trước, buổi trưa cũng về nhà trước để lo cơm nước. Khi cha con tôi về tới thì cơm canh nóng sốt đã sẵn sàng. Tuy làm trưởng phòng nhân sự của một công ty lớn nhưng chỉ trừ những hôm vợ tôi bệnh hoạn hoặc đi công tác xa thì cha con tôi mới phải mò vô bếp.
Đôi khi tôi cũng tự hỏi, làm sao mà vợ tôi có thể làm hết mọi việc trong ngoài như thế, nhưng rồi tôi cũng tự trả lời là do vợ tôi vốn xuất thân trong một gia đình lao động nghèo, quen vất vả từ thuở nhỏ nên chuyện cơm nước trong nhà có đáng gì đâu!
Chỉ đến khi bạn bè trong cơ quan than phiền vợ con bê trễ, lười nhác chuyện nhà, tôi mới thấy mình có phúc. Nhưng tôi nghĩ thì nghĩ vậy thôi chứ chưa bao giờ nói ra… Thậm chí có lần, vợ tôi nhờ coi dùm cái xe sao lên ga không vọt nữa, tôi ậm ừ rồi cũng quên luôn. Vợ tôi lại lẵng lặng dắt xe ra tiệm…
Chỉ một quãng đường ngắn theo sau lưng vợ về nhà mà tôi đã suy nghĩ biết bao nhiêu điều. Thú thật, tôi đã chảy nước mắt khi nhìn cái dáng tảo tần của vợ.
Trước nay, tôi đã nhìn ngắm, trầm trồ trước biết bao tấm lưng trần tươi mát của những cô gái trẻ, nhưng tôi chưa bao giờ ngắm nhìn chiếc lưng của người phụ nữ đã gắn bó với mình suốt hai mươi năm trong một khoảnh khắc tảo tần vì chồng con như thế này.
Hôm đó, lần đầu tiên tôi xách phụ vợ những thứ lỉnh kỉnh ấy. Thật sự là nó rất nặng, lại phải đi một quãng khá xa từ bãi giữ xe chung cư về nhà. Vợ tôi xách mọi thứ đi trước, tôi lẽo đẽo đuổi theo. “Làm sao mà em có thể mang hết từng ấy thứ mà vẫn đi ào ào như giông, như gió vậy?”- tôi buộc miệng. Vợ tôi hơi ngoái lại: “Vì anh với con thôi chứ em cũng mệt lắm rồi…”.
Tôi cúi mặt, một nỗi hỗ thẹn vô cớ đầy lên trong lòng.
Nếu giờ đây có ai hỏi tôi, người phụ nữ nào trên thế gian này có tấm lưng đẹp nhất, đáng yêu nhất, tôi sẽ nói ngay đó là tấm lưng gầy gò, tần tảo của vợ tôi.
Các đấng mày râu hãy thử một lần nhìn vào tấm lưng người bạn đời của mình để thấy là tôi nói rất thật lòng…
Là một người sinh ra và lớn lên ở Phú Yên, vùng đất miền Trung thân yêu với núi Nhạn – sông Đà, chúng tôi rất tự hào khi xem chương trình Duyên Dáng Việt Nam lần thứ 23 tổ chức vào hai đêm 8-9/01/2011 ở nhà hát Sao Mai, khu du lịch Thuận Thảo, thành phố Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên.
Cảm nhận chung của DongNhacXua.com là chương trình đã thành công trong việc đưa giới thưởng ngoạn, có mặt ở nhà hát cũng như xem qua sóng VTV về với dòng nhạc xưa với chủ đề Nhớ.
Đạo diễn Nguyễn Quang Dũng cũng như người biên tập âm nhạc là nhạc sỹ Đức Trí đã có nhiều sáng tạo trong suốt chương trình: chuyển cảnh rất nhanh và nhịp nhàng, sử dụng dây kéo cho diễn viên múa rất khéo léo, dùng phông nền rộng với nhiều tư liệu phong phú về các thế hệ nhạc sỹ, ca sỹ đã không còn với chúng ta như Đoàn Chuẩn, Anh Tú, Ngọc Tân, v.v.
Riêng cá nhân tôi rất ấn tượng với màn chuyển cảnh từ bản “Đêm cuối cùng” của Phạm Đình Chương sang bài “Suối mơ” của Văn Cao với tam ca Lân Nhã, Quang Dũng và Đàm Vĩnh Hưng. Ngay giây phút ấy, chúng tôi cảm thấy như có một cái gì đó dù không còn nữa nhưng hình như vẫn còn vương vấn đâu đây. Đó có lẽ là chính hiệu ứng của những nhạc phẩm bất hủ mà giai điệu, ca từ không bao giờ phai nhạt theo năm tháng:
” … Em ơi, đêm cuối cùng gần nhaụ Sợ rằng một ngày mai giấc mộng không thành. ” (hai câu kết trong “Đêm cuối cùng)
hay “… Suối ơi! Nghe rừng heo hút. Giòng êm đưa lá khô già trút. Còn như lưu hương yêu dấu, Với suối xưa trôi nơi đâu. ” (đoạn kết của “Suối mơ”)
Một điểm nhấn khác của chương trình và sự kết hợp giữa một ngôi sao thời danh và 2 ngôi sao đã tắt: Đàm Vĩnh Hưng hát chung với Anh Tú trong “Lạc mất mùa xuân” (nhạc ngoại quốc, lời Việt của nhạc sỹ Lữ Liên, là thân phụ của chính ca sỹ Anh Tú, Tuấn Ngọc, Khánh Hà, v.v.) và Đàm Vĩnh Hưng cùng hòa giọng với Ngọc Tân trong “Khoảnh khắc” (của Trương Quý Hải). Sẽ rất khập khiễng khi đi so sánh hai giọng hát khác nhau nhưng dù sao cũng phải nói rằng ca sỹ Đàm Vĩnh Hưng đã rất nỗ lực và cố gắng hoàn thành tốt vai trò cầu nối hai thế hệ. Cá nhân tôi cảm thấy ca sỹ họ Đàm đã rất khiêm tốn trên sân khấu hôm đó để nhường những cảm xúc sâu thẳm nhất của khán giả cho hai ca sỹ tài danh nhưng yểu mệnh: Anh Tú (1950-2003) và Ngọc Tân (1948-2004).
Rất nhiều lần nhà tổ chức nhắc đến dòng nhạc bolero trong chương trình này nhưng cá nhân tôi thấy gọi như vậy chưa chính xác vì trong chương trình còn nhiều giai điệu không phải là dòng nhạc bolero (hay chúng tôi gọi là dòng nhạc “sến” với tất cả sự trân trọng chứ hoàn toàn không có ý chê bai). Tuy nhiên, nếu phải chọn ra vài ca sỹ là điểm nhấn của dòng nhạc “sến” thì có lẽ không ai xứng đáng bằng Mạnh Đình trong nhạc phẩm “Chuyện hẹn hò” (của Nhật Trường – Trần Thiện Thanh).
Hương Lan vẫn giữ phong độ với dòng nhạc này dù tuổi đời cũng không còn trẻ. Chị đã làm chúng tôi rơi nước mắt trong “Mẹ tôi” (của Nhị Hà).
Ngoài ra cũng phải kể đến ca sỹ Quang Linh và Cẩm Ly, những người đã mà theo chúng tôi đã “cứu” cả “chuyến đò” tốp ca trong tiết mục mở đầu “Chuyến đò quê hương” (của Vy Nhật Tảo).
Nhân nói đến đây thì chúng tôi xin mạn phép nêu ra vài điểm chưa đạt theo thiển ý của chúng tôi như sau:
Vài ca sỹ hoàn toàn không thích hợp với nhạc “bolero” nhưng cũng “cố gắng” góp giọng và đã không thành công: như Lân Nhã đã vào rất “phô” trong “Chuyến đò quê hương” mà chúng tôi đã nói ở trên. Tuy nhiên anh đã rất thành công với “Như một lời chia tay” (của Trịnh Công Sơn) ở phần sau.
Quang Dũng rất vững vàng và đầy kỹ thuật trong “Chiếc lá cuối cùng” (của Tuấn Khanh) nhưng anh lại quá sa đà vào việc phô diễn kỹ thuật thành ra khán giả chưa được lắng đọng với “đêm chia ly buồn gì sao chẳng nói” mà tác giả Tuấn Khanh muốn chuyển tải. Tuy nhiên sau đó Quang Dũng lại rất thành công với “Lá đổ muôn chiều” (của Đoàn Chuẩn – Từ Linh). Có lẽ chi tiết “ngày mai người em nhỏ bé ngồi trong thuyền hoa, tình duyên đành dứt …” làm cho Quang Dũng có nhiều cảm xúc hơn chăng !?
Tên tác giả của “Trộm nhìn nhau” là Trầm Tử Thiêng chứ không phải “Trầm Tử Thiên” như mà hình đã hiện ra
Dương Triệu Vũ có hát được giọng Phú Yên trong “Trách phận” nhưng anh hình như sợ người nghe nhận ra điểm yếu của mình hay sao đó mà anh hát nhanh quá thành ra chính người Phú Yên như chúng tôi cũng khó mà nghe kịp lời hát
Năm sinh và năm mất của ca sỹ Ngọc Tân (1948-2004) được chương trình chiếu lên (1950-2003) chưa đúng. Có lẽ đạo diễn lộn với năm sinh và năm mất của Anh Tú
Tóm lại: Duyên Dáng Việt Nam 23 tại Phú Yên đã để lại rất nhiều cung bậc cảm xúc cho khán giả, xứng đáng là một trong những chương trình ca nhạc chủ đề hay nhất Việt Nam.