Chỉ với một áng thơ “Hai sắc hoa ti-gôn” của thi sỹ bí ẩn T.T.KH, loài hoa mang hình dáng “tim vỡ” đã đi vào thơ nhạc Việt. DòngNhạcXưa xin tiếp nối chủ đề hoa trong nhạc với ti-gôn.
Chi Ti-gôn hay còn gọi chi hiếu nữ, Ăng-ti-gôn (danh pháp khoa học: Antigonon) là tên gọi chung để chỉ chi thực vật thuộc họ Rau răm (Polygonaceae), có nguồn gốc từ Trung Mỹ.
Có một loài hoa dại mang cái tên mộc mạc: “hoa mắc cỡ” hay “hoa xấu hổ”. Và cũng chính loài hoa ấy lại có một cái tên nghe rất “quý phái”: “hoa trinh nữ”. Nhạc sỹ Trần Thiện Thanh đã liên tưởng đến câu chuyện một vị vua và chàng lính trẻ thân chinh đi hành quân với loài hoa “không hương, không sắc màu nhưng biết xếp lá ngây thơ” để cho ra đời bản nhạc bất hủ: Hoa trinh nữ. Hôm nay DòngNhạcXưa xin trân trọng giới thiệu sáng tác này.
Trong một bài viết trước, chúng tôi đã nói về sự nhầm lẫn tác giả của ca khúc “Đừng gọi anh bằng chú” mà vốn của Anh Thy nhưng lại được gán cho nhạc sỹ Diên An (tức Nguyễn Văn Để của “Vết thương cuối cùng”). Hôm nay DòngNhạcXưa cũng xin vay mượn nhiều nguồn dữ liệu đáng tin cậy để góp phần làm sáng tỏ tác giả thật sự của bản “Hoa Biển” là Anh Thy chứ không phải nhạc sỹ Trần Thiện Thanh mà người yêu nhạc vẫn lầm tưởng bấy lâu nay.
Anh Thy (1944 – 1973) là một nhạc sĩ chuyên viết về chủ đề Hải quân Việt Nam Cộng hòa. Hai ca khúc phổ biến trước năm 1975 của anh là Hoa biển & Lính mà em.
Anh Thy tên thật là Phạm Văn Khổn, sinh ngày 20 tháng 1 năm 1944 tại Thái Bình. Từ nhỏ, anh đã theo gia đình di cư vào Nam.
Năm 1964, anh nhập ngũ Quân lực Việt Nam Cộng hòa và theo học tại Trung tâm huấn luyện Hải quân Nha Trang. Sau khi tốt nghiệp, anh được điều về Hải đoàn Xung Phong 32 một thời gian trước khi về công tác tại Phòng Tâm lý chiến trực thuộc Bộ tư lệnh Hải lực Việt Nam Cộng hòa cùng với một số nhạc sĩ khác như Mặc Thế Nhân, Nguyễn Vũ,… Từ đó, anh bắt đầu sáng tác nhạc về chủ đề Hải quân Việt Nam Cộng hòa với bút danh Anh Thy và được thăng đến hàm Trung sĩ.
Nhắc đến những giọng ca vàng của sân khấu ca nhạc Sài Gòn xưa, chúng ta không thể không nhắc đến bốn giọng nam mà đã được giới yêu nhạc phong cho danh hiệu “tứ trụ”: Duy Khánh (1936 -2003), Hùng Cường (1936 – 1996), Nhật Trường – Trần Thiện Thanh (1942 – 2005) và Chế Linh. Ba trong số đó đã vĩnh viễn giã từ trần gian, chỉ còn mỗi Chế Linh cũng đã ở vào hàng “trưởng lão”. DòngNhạcXưa xin trân trọng giới thiệu qua bốn giọng ca lừng danh qua một bài viết vừa sưu tầm được.
Tôi là một đứa 9x đời giữa. Ba mẹ vốn có máu xê dịch và yêu văn nghệ, thế nên tôi may mắn lớn lên trong giai điệu da diết của những bản nhạc tiền chiến và nhạc vàng được phát xuyên suốt trên các chuyến xe đường dài lên rừng, xuống biển. Vậy là tôi nghiễm nhiên nghiện luôn dòng nhạc “buồn ngủ” này. Nhắc đến nhạc xưa, không thể không kể đến bốn trụ cột của nền nhạc vàng – nhạc tiền chiến thời bấy giờ hay còn gọi là “Tứ Trụ” gồm: Hùng Cường, Duy Khánh, Nhật Trường và Chế Linh.
1. Hùng Cường
Hùng Cường được sinh ra để làm nghệ thuật! Trong bộ Tứ Trụ nhạc vàng, ông được xem là “chân trụ” đa tài nhất bởi bên cạnh vai trò ca nhạc sĩ, ông còn là một nghệ sĩ cải lương, kịch sĩ kiêm tài tử điện ảnh.
Ngay sau khi đăng bài viết về chuyện tình Mộng Cầm & Hàn Mặc Tử, [dongnhacxua.com] nhận được nhiều phản hồi của quý vị yêu nhạc xưa nói về một bản nhạc khác của nhạc sỹ Trần Thiện Thanh có tựa “Tâm sự Mộng Cầm”. Theo thông tin này, chúng tôi đã tìm ra bản nhạc tưởng chừng đã thất lạc từ rất lâu. Cảm ơn quý ân nhân đã cung cấp thông tin và giới thiệu với bạn yêu nhạc xa gần.
Trong một lần may mắn được gặp nữ sĩ Mộng Cầm, tác giả bài báo đã được nghe bộc bạch những gì mà bà giấu kín trong lòng gần 60 năm.
Từng ngâm nga thơ Hàn Mặc Tử, từng nghe chuyện tình của Hàn thi sĩ với Mộng Cầm, rồi từng nghe đi nghe lại ca khúc “Hàn Mặc Tử”của Trần Thiện Thanh, bất ngờ vào mùa hè năm 1997, tôi lại có dịp ngồi cạnh “người đẹp của thi nhân”, nơi một quán cà phê sân vườn, mang tên Mộng Cầm. Quán là một căn nhà lợp tranh, cạnh đại lộ Nguyễn Văn Linh, khu Nam Sài Gòn, xung quanh có nhiều ao bèo thả cá để khách có thể vừa câu cá vừa nhâm nhi cà phê. Chủ quán là đôi vợ chồng bác sỹ Mộng Đào và Phạm Thiên Bê, con gái và con rể của bà Mộng Cầm.
Đây thôn Vĩ Dạ, một vết cứa đâm tim
Người ta chỉ mới được biết về mối tình lãng mạn của Mộng Cầm – Hàn Mặc Tử qua sách báo. Nhưng bên cạnh mối tình đẹp như mơ ấy, còn có một đời thường với rất nhiều bí ẩn. Mộng Cầm- Huỳnh Thị Nghệ, người thiếu nữ trong mộng ngày xưa ấy của Hàn Mặc Tử, trước mặt tôi bây giờ là một cụ bà ở tuổi tám mươi. Tuy vậy, trên gương mặt bà vẫn còn phảng phất nét kiêu sa. Thốt nhiên bà mở lời: “Vào tuổi này rồi chẳng còn gì để giấu”. Rồi bà kể như từng phân đoạn hồi tưởng, qua hơi thở có khi hụt hẫng, đứt quãng, dường như là những lời sám hối, tiếc thương.
Quê Mộng Cầm ở Phan Thiết, gần lầu Ông Hoàng nhưng thân sinh bà lại ra làm việc tận Nghệ An. Và ngày 17/7/1917, bà được sinh ra ở đó nên mới có tên “cúng cơm” là Huỳnh Thị Nghệ. Thì ra, tên Nghệ là do sinh ở Nghệ An. Sau đó bà được gửi về trọ ở nhà ông cậu ở Phan Thiết học trường Pline Exercices. Mộng Cầm là cháu gọi nhà thơ Bích Khê bằng cậu nên bà cũng có “máu thơ văn”. Tên Mộng Cầm xuất hiện từ khi bà làm thơ gửi đăng báo. Qua những vần thơ trên báo, Hàn Mặc Tử đã tìm đến làm quen, bày tỏ tình cảm với bà qua bài Muôn năm sầu thảm, với câu mở đầu “Nghệ hỡi Nghệ”…Bài thơ ấy, bà Mộng Cầm vẫn thuộc nằm lòng từ đó đến nay. Hàn Mặc Tử là tình yêu đầu đời của bà.
Bà nhìn ra bầu trời tím hoàng hôn ngoại ô Sài Gòn hồi tưởng… Một mùa hè, năm xưa, Hàn Mặc Tử từ Quy Nhơn vào Phan Thiết thăm Mộng Cầm. Hàn hỏi ở đâu có cảnh đẹp thì đưa anh đi thăm cho biết. Mộng Cầm đã đưa Hàn Mặc Tử lên lầu Ông Hoàng. Đó là một ngọn đồi thấp, nhưng lên đó vào những đêm trăng tỏ, có thể nhìn thấy Mũi Né và thị xã Phan Thiết mờ ảo, lấp lánh đèn hiệu hay đèn ghe chài như những viên kim cương khổng lồ. Nào ngờ, đây lại là lần đi chơi sau cùng của hai người. Hàn Mặc Tử ra Huế, sau đó vào Quy Nhơn, điều trị bệnh phong ở bệnh viện phong Quy Hòa, và mất ở đó .
Tại sao Hàn Mặc Tử lại ra Huế? Bây giờ thì Mộng Cầm nói hết những gì mà bà giấu kín trong lòng gần 60 năm. Đó là Hàn Mặc Tử có mối tình đầu với một cô gái Huế tên là Hoàng Cúc. Thân sinh của Hoàng Cúc làm quan chức trong Sở Đạc điền ở Quy Nhơn. Sau khi biết Hàn Mặc Tử theo đuổi con gái mình, do không thích văn nhân, thi sĩ nên ông đã tìm cách đưa Hoàng Cúc về Huế. Thế là Hàn Mặc Tử ra Huế tìm và sau đó có bài thơ Đây thôn Vĩ Dạ. Bài thơ này tuyệt hay nhưng Mộng Cầm lại ghét cay, ghét đắng…
Bà trải các câu thơ ra và dằn từng tiếng, khác với các nghệ sĩ ngâm thơ ngọt ngào. Và dằn cho đến câu cuối.
“Sao anh không về chơi thôn Vĩ.
Nhìn nắng hàng cau, nắng mới lên.
Vườn ai mướt quá xanh như ngọc.
Lá trúc che ngang mặt chữ điền…”
Không biết lần này ra Huế, Hàn có tìm đến thăm cụ Phan Bội Châu như lần trước, hồi cuối năm 1931, khi còn là Phong Trần hay không? Bấy giờ thi sĩ mới 19 tuổi, tìm đến thăm cụ Phan Bội Châu ở Bến Ngự, giữa vòng vây của mật thám Pháp. Do trước đó, từ năm 1930-1931, Hàn đã nổi tiếng với bút hiệu Phong Trần là nhờ lời giới thiệu của cụ Phan. Lúc bấy giờ cụ Phan bị Pháp bắt an trí ở Huế. Cụ lập Mộng Du thi xã với mục đích quy tụ những nhà thơ yêu nước, Hàn Mặc Tử gửi đến thi xã 3 bài thơ yêu nước là Thức khuya, Chùa Hoang và Gái ở chùa (sau in lại trong “Lệ Thanh thi tập”). Mở đầu bài “Thức khuya” có câu: “Non sông bốn mặt ngủ mơ màng/Thức chỉ mình ta dạ chẳng an…” và được cụ Phan rất tán thưởng “…Từ ngày về nước đến nay, được xem nhiều thơ văn quốc âm, song chưa gặp được bài nào hay đến thế…Ước ao có ngày gặp gỡ”. Cụ đã họa lại và cho đăng báo. Bài họa bài “Thức khuya” mở đầu: “Chợ lợi trường danh tí chẳng màng/Sao ăn không đặng ngủ không an…”
Ngoài Hoàng Cúc và Mộng Cầm ra, Hàn Mặc Tử còn có hai người tình nữa là Mai Đình nữ sĩ và Ngọc Sương, chị gái của thi sĩ Bích Khê. Mối tình của Mai Đình nữ sĩ không sâu đậm, chỉ là “tình văn chương”, còn với Ngọc Sương thì như ngọn gió mát thoảng qua đời Hàn mà thôi (theo Quách Tấn, một người bạn thân thiết của thi sĩ).
“Lầu Ông Hoàng đây, anh ở đâu”
Mối tình của Hàn Mặc Tử và Mộng Cầm chẳng đi đến đâu. Mộng Cầm bộc bạch: Với hai lẽ, một là bà là con nhà phong kiến, cha mẹ luôn cản trở bà lấy một người Công giáo, lại là văn nhân, thi sĩ. Nhưng quan trọng hơn là lúc ấy bà quá thương Hàn Mặc Tử. Theo bà hiểu thì người bị bệnh phong gần đàn bà sẽ rất mau chết. Vì vậy, bà cố tránh để Hàn Mặc Tử mau chóng bình phục, sau đó sẽ liệu lần với cha mẹ. Nhưng tiếc là Hàn không qua khỏi… Bây giờ người đọc thấy những vần thơ hai người viết cho nhau rất thắm thiết, nhưng thật sự cho đến lúc Hàn Mặc Tử mất, giữa Mộng Cầm và Hàn Mặc Tử không hề có chuyện gần gũi. Thời ấy, mới cầm tay nhau là đã run lắm rồi. Sau này nhớ lại những kỷ niệm với cố nhân, Mộng Cầm có bài thơ “Kỷ niệm Hàn Mặc Tử ở lầu Ông Hoàng”, một bài thơ chưa bao giờ phổ biến, được bà chép tay, nét chữ đã phai màu, trao cho tôi.:
Sương sa trong lúc hoàng hôn
Đường lên dốc đá sáng dần bể xanh
Triều dâng con nước mênh mông
Chuông chùa văng vẳng tiếng lòng xôn xao
Lầu Ông Hoàng đây, anh ở đâu?
Hồn xưa anh mất cảnh gieo sầu
Mây mù phủ kín vòng bình địa
Căm hờn tháp cũ cuộc bể dâu
Thật cảm động, như một chiều tình cờ được nghe thơ nhạc giao duyên, vì khi bà Mộng Cầm ngâm nga: “Lầu Ông Hoàng đây, anh ở đâu” thì cô con gái, bác sỹ Mộng Đào mở lớn nhạc bài “Hàn Mặc Tử“.
Sau khi Hàn Mặc Tử mất, Mộng Cầm lập gia đình và sinh được 7 người con. Người bạn đời của bà cũng biết rõ mối quan hệ của bà với Hàn Mặc Tử nhưng vẫn tôn trọng nhà thơ quá cố. Con gái lớn của bà là Mộng Đào, là bác sĩ, đang công tác tại thành phố Hồ Chí Minh. Mười lăm năm trước, Thành phố mới Nam Sài Gòn được khai hoang trên đồng phèn, Cảnh chiều buồn vắng vẻ, khi tiễn chân tôi ra cổng, bà níu tay tôi dặn dò: “Anh coi có bạn bè nhạc sỹ, nhờ phổ bài thơ này ra bài hát dùm tôi”. Ngày 23/7/2007, bà Mộng Cầm qua đời tại số nhà số 300, Trần Hưng Đạo, Phan Thiết. Theo lời trăng trối của bà Mộng Cầm, cô con gái Hồ Mộng Đức đã mai táng bà trên lưng đồi lầu Ông Hoàng. Và lầu Ông Hoàng từ lâu đã đi vào tâm thức bao thế hệ khi nghe những bài hát về mối tình lãng mạn này, như Hàn Mặc Tử, Mộng Cầm Ca… và cả bài ca vọng cổ Tâm sự Mộng Cầm… Thế mà đến nay tôi vẫn chưa nhờ ai phổ nhạc bài thơ “Lầu Ông Hoàng đây, anh ở đâu?” của bà được.
Trong một bài viết trước đây, [dongnhacxua.com] đã đề cập đến bản “Hàn Mặc Tử” nổi tiếng của nhạc sỹ Trần Thiện Thanh. Nhắc đến Hàn Mặc Tử và Trần Thiện Thanh, chúng ta không thể nào không nhắc mảnh đất Phan Thiết là quê hương của nhà nhạc sỹ và cũng chính là nơi đã ghi dấu bước chân phiêu bạt của chàng trai trẻ Nguyễn Trọng Trí, tức nhà thơ Hàn Mặc Tử. Tại đây, nhà thơ đã gặp người đẹp Mộng Cầm và giữa hai người đã có một mối tình thơ thật đẹp, để lại nhiều giai thoại trong văn đàn Việt Nam.
Hàn Mặc Tử quen Mộng Cầm trong thời gian phụ trách trang văn chương cho tờ báo Trong Khuê Phòng. Mộng Cầm là cháu gọi Bích Khê bằng cậu, vì ảnh hưởng của ông cậu trẻ tuổi nên cũng tập tành làm thơ gửi đăng báo. Hàn Mặc Tử đã nhận được một số bài thơ như thế của Mộng Cầm gửi đến và từ đó làm quen với Mộng Cầm.[2] Qua những vần thơ trên báo, Hàn Mạc Tử đã tìm đến làm quen, bày tỏ tình cảm với bà qua bài Muôn năm sầu thảm, với câu mở đầu “Nghệ hỡi Nghệ”. Hàn Mặc Tử là tình yêu đầu đời của bà[4]
Theo các tài liệu của Nguyễn Bá Tín (em ruột Hàn Mặc Tử), của nhà văn Quách Tấn thì Hàn Mặc Tử và Mộng Cầm quen biết nhau qua thơ văn. Đó là khoảng năm 1934, khi Hàn Mặc Tử rời Quy Nhơn vào Sài Gòn phụ trách trang văn chương cho tờ Trong khuê phòng. Thỉnh thoảng, Hàn Mặc Tử có nhận được những bài thơ ký tên là Mộng Cầm từ Phan Thiết gửi vào. Thư đi tin lại, rồi chàng ra Phan Thiết tìm nàng. Sự thực là Mộng Cầm là cháu gọi thi sĩ Bích Khê bằng cậu, nhân vậy mà sau này mới có tình bạn thắm thiết giữa Bích Khê và Hàn Mặc Tử.[3]
Theo ông Trần Thanh Mại thì: Đôi trai tài gái sắc yêu nhau. Họ hay gặp nhau ở Quy Nhơn và Phan Thiết, hay đưa nhau đi chơi, thăm thú các danh lam thắng cảnh, nhất là Lầu Ông Hoàng… Đùng một cái, Hàn thi sĩ phát hiện mình mắc bệnh phong, chàng tuyệt giao với bằng hữu, kể cả với Mộng Cầm.[5]
Mộng Cầm đã cho rằng chuyện tình cảm giữa mình và Hàn Mặc Tử “chỉ là mối tình văn thơ, còn xác thịt thì hoàn toàn không nghĩ tới. Cha mẹ đã cho giao thiệp tự do, chúng tôi phải giữ gìn cho xứng đáng…”. Bà xác nhận có đi chơi ở Lầu Ông Hoàng với Hàn Mặc Tử rồi gặp mưa, hai người vào nấp mưa ở một nghĩa địa nhưng không cho rằng do vậy mà Hàn mắc bệnh phong.[5]
Bà kể thêm rằng: Về đến Phan Thiết, tôi đưa Hàn Mặc Tử đến trường Hồng Đức, cậu Bích Khê tôi dạy ở đó. Ở đó suốt buổi sáng chủ nhật, chiều anh đáp chuyến tàu suốt về Sài Gòn. Sau ngày ấy, cậu tôi bảo tôi ra dạy ở trường Hồng Đức, do vậy mà Hàn Mặc Tử ra vào thường. Thứ bảy nào anh cũng có mặt ở Phan Thiết, chiều chủ nhật lại vào Sài Gòn. Trong một dịp thứ bảy đi chơi Lầu Ông Hoàng, anh đã thổ lộ mối tình với tôi.[3]
Sau khi Hàn Mặc Tử qua đời, Mộng Cầm lập gia đình riêng và sống ẩn dật. Bà có 7 người con.[1]
BẢN NHẠC “NƯỚC MẮT MỘNG CẦM” CỦA NHẠC SỸ THANH SƠN
Trong quá trình đi tìm tư liệu cho bài viết này, [dongnhacxua.com] vô tình tìm được một bản nhạc viết về chuyện tình của nữ sỹ Mộng Cầm của nhạc sỹ Thanh Sơn, ký dưới nghệ danh Sơn Thảo. Tuy nhiên chúng tôi không thể tìm ra một bản ghi âm nào trên mạng. Vậy nếu quý vị xa gần có sưu tầm được bản nhạc này xin liên lạc với [dongnhacxua.com].
“Ghé lại quán Mộng Cầm thấy buồn quá… Ngôi nhà giờ bị chia đôi bằng bức tường tranh chấp. Ngôi nhà cổ vàng vọt cũng mất, chẳng còn hình bóng của giai nhân trong không gian u hoài. Một di sản tâm hồn của Phan Thiết, một hoài niệm của Hàn Mặc Tử đã mất mát vĩnh viễn…”
Tiết văn học buổi chiều năm lớp tám, nắng miền Trung xuyên qua những miếng ngói đỏ tráng lên chúng tôi một lớp nóng rát. Bữa đó học bài “Mùa xuân chín” của nhà thơ Hàn Mặc Tử. Nhớ miết câu cô hỏi về chữ “trí” trong câu: “Lòng trí bâng khuâng sực nhớ làng” là tâm trí hay là Trọng Trí, tên thật của nhà thơ.
Tiết văn hôm ấy bớt oi bức hơn khi biết được một trong những tình thơ, tình riêng của nhà thơ khi ấy là Mộng Cầm, thiếu nữ của tỉnh nhà.
Lớp mười, trong căn gác trọ, người thuê cũ bỏ lại một tập tài liệu hướng dẫn du lịch tên “Phan Thiết – biển xanh, cát trắng, nắng vàng”. Trong cuốn tài liệu có ghi về mối tình Hàn Mặc Tử – Mộng Cầm như một dấu ấn lãng mạn của Phan Thiết.
Tài liệu cũng nói về lầu Ông Hoàng, một tàn tích biệt thự của một người Pháp gần tháp Chăm Pôshanư, nơi Hàn Mặc Tử cùng Mộng Cầm mỗi cuối tuần đến ngắm trăng, ngắm biển. “Đường lên dốc đá” ấy trở thành con đường đầy màu thơ và khơi gợi lòng du khách đến để nghe biển vỗ một mối tình buồn…
Thời đó sống ngay Phan Thiết, nhưng sự lo lắng của một cậu bé nông thôn chiếm hết thời gian mộng mơ đi tìm bà Mộng Cầm, người thực của quá khứ văn chương.
Chỉ nghe mọi người trong xóm trọ nói nhà bà hiện nay có một quán kem flan (1) nổi tiếng nhất, ngon nhất và mắc nhất Phan Thiết. Những miếng kem flan do chính tay bà làm. Lúc ấy tô bún bò ngon chỉ ba ngàn đồng mà nghe đâu kem flan Mộng Cầm đến năm, bảy ngàn. Vậy mà quán vẫn đông khách. Chuyện ăn kem flan Mộng Cầm lúc đó là điều không tưởng với một học trò nghèo.
Gần chục năm sau, ghé về Phan Thiết dạo những con đường xưa thơm mùi bánh canh và bánh tráng mắm ruốc nướng chợt nhớ đến quán kem flan Mộng Cầm, chợt nhớ đến ngôi nhà của “người tình thơ” năm cũ.
Dò địa chỉ thì quán ở số 394 Trần Hưng Đạo, con đường chính chạy dọc trong lòng Phan Thiết, đổ dốc cầu qua sông Cà Ty một chút là đến. Thì ra ngôi nhà nằm đó mà hồi trước đạp xe qua lại học thêm dưới phường biển cả trăm lần nhưng không để ý. Coi như duyên cũng phải mười năm mới thắm.
Quán chỉ mở buổi tối, khi gió biển lành lạnh thổi vào những góc đường Phan Thiết. Quán cũng chẳng thể gọi là quán vì có vài cái bàn xếp trước sân, như ai đó trong nhà bày ra để uống trà. Vài ngọn đèn nhấp nháy treo trên ngọn cây cho cảm giác ấm cúng, tự tình trong đêm tối như được nhập thân vào một quãng thời gian cố cũ.
Người bưng kem trung niên gầy ốm, kiệm lời là con rể bà Mộng Cầm. Ông chỉ nói nhiều khi nhắc nhở ai đó ồn ào hoặc gác chân lên ghế. Miếng kem flan đổ bằng xoang, một đĩa là một góc sáu cái bánh, không phải theo khuôn nhỏ nhỏ như trăm ngàn cái kem flan khác.
Miếng bánh vàng rượm trứng gà, dư vị như theo dòng chảy của thơ tràn mát êm đầu lưỡi. Cũng không khó hiểu gì khi quán đắt giá mà vẫn đắt khách mỗi đêm. Tôi không biết lúc bà còn sống, những người khách của quán đêm có được nhìn thấy bà không. Ngày tôi đến thì bà đã mất rồi.
Câu chuyện kem flan Mộng Cầm cứ âm ỉ xúc động trong lòng, tôi viết ra rằng:
“Tại Phan Thiết có quán kem flan của gia đình nữ sĩ, bà giáo Mộng Cầm, người tình nổi tiếng của nhà thơ Hàn Mặc Tử. Quán đã trở thành “di sản”, người ta vẫn tìm đến ngồi trong quán, trước sân nhà của bà, ngắm ngôi nhà tường vàng im lìm và cảm giác như cô gái Mộng Cầm của thời son nữ đang ngồi trong nhà…” (2).
Vài tháng sau tôi hăm hở trở lại, mong mỏi đắm chìm vào chút đêm tĩnh lặng có chất thơ da diết thì lòng như muốn ngừng nghẹt. Một quán cà phê sang trọng, hộp đèn hiệu của quán in rõ chữ kem flan Mộng Cầm. Ngó lại bên phải, quán Mộng Cầm cũ vẫn im lìm với cái tủ gỗ đựng kem flan lờ mờ đèn vàng, bàn ghế nép vào một hẻm sân chật hẹp, chỉ đủ để ngồi ăn. Tôi nghe thoáng rằng đã có tranh chấp, chia cắt bằng một bức tường gạch.
Phần ngôi nhà vàng cũ nằm bên quán mới giờ đã là một ngôi nhà lầu tường trắng. Giờ đây đến chỉ còn được ăn kem flan, thấy người bưng kem vẫn ít nói, không còn ngôi nhà tường vàng để ngắm. Thật tiếc cho một phần lãng mạn của quê nhà bị xóa bỏ. Tôi nản nản, viết lên Zalo:
“Ghé lại quán Mộng Cầm thấy buồn quá… Ngôi nhà giờ bị chia đôi bằng bức tường tranh chấp. Ngôi nhà cổ vàng vọt cũng mất, chẳng còn hình bóng của giai nhân trong không gian u hoài. Một di sản tâm hồn của Phan Thiết, một hoài niệm của Hàn Mặc Tử đã mất mát vĩnh viễn…”. Có hai bình luận, họ cũng buồn như tôi:
“Người của hậu thế luôn nhân danh thời gian để hồn nhiên tàn phá những thứ tình cảm, quý giá ẩn sâu từ tiền nhân để lại…”.
“Thời gian tàn nhẫn, nhưng con người còn tàn nhẫn hơn”.■
(1): Ở Bình Thuận, bánh flan được gọi là kem flan.
(2): Bài viết: “Biến trang văn thành tour du lịch”, Tuổi Trẻ Cuối Tuần ngày 7-11-2014.
[dongnhacxua.com] chúng tôi vừa có chuyến ghé thăm Phan Thiết và không khỏi bùi ngùi khi chứng kiến cảnh hoang tàn và xuống cấp của địa danh “Lầu Ông Hoàng”, nơi đón bước chân của thi sỹ Hàn Mặc Tử và cũng là nơi được lưu dấu gần 50 năm nay qua nhạc phẩm ‘Hàn Mặc Tử’ bất hủ của nhạc sỹ Trần Thiện Thanh. Cũng nằm trong tâm tình ghi lại những cảm xúc về nhạc xưa, chúng tôi xin mạn phép đăng lại bài viết của tác giả Duy Khiem đăng trên diễn đàn của Trung Tâm Asia
VIẾT VỀ CA KHÚC “HÀN MẶC TỬ” CỦA TRẦN THIỆN THANH (Nguồn: TrungTamAsia.com)
Bài hát Hàn Mặc Tử đã được nhạc sĩ Trần Thiện Thanh sáng tác vào năm 1965. Đây là một trong những ca khúc rất thành công của ông, khi kể về cuộc đời tình ái sự nghiệp của một thiên tài trong thi ca Việt Nam, là thi sĩ Hàn Mặc Tử (1912-1940).
Bài hát bắt đầu bằng các câu thơ của HMT, được ngâm lên cho đoạn dạo đầu (prélude):
“Ai mua trăng tôi bán trăng cho
Trăng nằm im trên cành liễu đợi chờ
Ai mua trăng tôi bán trăng cho
Chẳng bán tình duyên ước hẹn hò ”
Sau đó thì tác giả chuyển qua điệu nhạc Bolero :
“Đường lên dốc đá, nửa đêm trăng tà nhớ câu chuyện xưa
LẦU ÔNG HOÀNG đó, thuở nao chân HÀN MẶC TỬ đã qua.
Ánh trăng treo nghiêng-nghiêng bờ cát dài thêm hoang vắng
Tiếng chim kêu đau thương như nức nở dưới trời sương
Lá rơi rơi đâu đây sao cứ ngỡ bước chân người
Tìm về giữa đêm buồn …
“Đường lên dốc đá, nhớ xưa hai người đã một lần đến
Tình yêu vừa chớm, xót xa cho chàng cuộc sống phế nhân
Tiếc thay cho thân trai, một nửa đời chưa qua hết
Trách thay cho tơ duyên, chưa thắm nồng đã vội tan
Hồn ngất ngư điên cuồng cho trời đất cũng tan thương
Mà khổ đau niềm riêng …”
Bài hát “Hàn Mặc Tử” này đã trở nên thật nổi tiếng ở Việt Nam kể từ lúc được ca sĩ Trúc Mai trình bày ở Đại nhạc hội tại rạp hát Thanh Bình, Sài Gòn vào năm 1965. Sau đó bài hát này được phổ biến rộng rãi khắp mọi nơi cho đến tận ngày hôm nay. Đi đâu cũng nghe người ta hát “Ai mua trăng, tôi bán trăng cho…” từ nhà hàng, quán cà-phê, bến xe đò, bến phà, các xe bán hàng rong khắp hang cùng ngõ hẻm. Ca sĩ Trúc Mai đã bắt đầu đi hát từ năm 1959. Cô là một trong bốn ngôi sao của phòng trà Hòa Bình, gồm Bạch Yến, Bích Chiêu (chị của Khánh Hà), Thùy Nhiên và Trúc Mai. Giọng hát của cô rất ngọt ngào, đầm ấm. Cô diễn tả bài hát thật nhẹ nhàng, thoải mái như ru nhè nhẹ vào tai người nghe. Nhờ vậy mà Trúc Mai đã tiếp tục sự nghiệp ca hát của cô trong hơn ba mươi năm. Sau một thời gian dài vắng bóng, cô đã tái ngộ khán giả khắp nơi ở chương trình Paris By Night 78 “Đường Xưa” khi song ca với Phương Hồng Quế trong liên khúc “Giọt lệ đài trang”. Đến với chương trình Asia 50 để tưởng niệm Nhật Trường, ca sĩ Trúc Mai sẽ kể lại các kỷ niệm vui buồn của cô trong những năm trình diễn bài hát Hàn Mặc Tử này. Nhưng hôm nay cô không hát lại ca khúc này, mà để cho giọng ca trẻ Y Phụng ngợi ca Hàn Mặc Tử. Trước đây cũng có vài ca sĩ ở hải ngoại đã hát bài “Hàn Mặc Tử” này. Trong đó có cô ca sĩ mang hai dòng máu Việt-Mỹ là Thúy Hằng đã hát bài này đúng 6.41 phút trong CD “Thúy Hằng 3: Tình Thiên Thu” do Mây Productions sản xuất năm 1998.
Cuộc đời ngắn ngũi 28 năm của thi sĩ Hàn Mặc Tử đã được không biết bao nhiêu người nhắc đến. Từ những bài báo, tiểu thuyết, cải lương, thoại kịch, phim truyện và hiện nay ở các đài truyền hình bên Việt Nam cũng đang cho trình chiếu một bộ phim truyện vài chục tập về cuộc đời Hàn Mặc Tử. Ông đúng là một thiên tài bất hạnh trong làng thi ca Việt Nam.
Tên thật của ông là Nguyễn Trọng Trí, sanh tại làng Lệ Mỹ , Đồng Hới, Quảng Trị vào ngày 22 tháng 9 năm 1912, trong một gia đình theo đạo Công giáo. Vóc mình ốm yếu, tính tình ông hiền từ, giản dị, hiếu học và thích giao du bè bạn trong lĩnh vực văn thơ. Thân phụ ông làm thông ngôn, ký lục nên thường di chuyển nhiều nơi, nhiều nhiệm sở. Vì vậy, Hàn Mặc Tử cũng đã theo học ở nhiều trường khác nhau như Sa Kỳ (1920), Qui Nhơn, Bồng Sơn (1921-1923), Pellerin Huế (1926). Năm 1930 thì Hàn Mặc Tử thôi học vào Qui Nhơn sống với mẫu thân và năm 1932 thì ông xin được việc làm ở sở Đạc Điền tại đó. Trong thời gian này ông có yêu một thiếu nữ tên là Hoàng Cúc ở gần nhà, nhưng mộng ước không thành. Người yêu theo chồng ra Huế sống. Buồn tình, năm 1935 HMT xin thôi việc vào Sài Gòn viết báo. Từ nhỏ Hàn Mặc Tử đã làm thơ đăng báo khắp nơi và ký các bút hiệu như Minh Duệ Thị, Phong Trần, Lệ Thanh, Hàn Mạc Tử (người ở sau tấm rèm lạnh: hàn là lạnh, mạc là bức rèm) và cuối cùng là Hàn Mặc Tử (anh chàng với bút mực: hàn là cây viết, mặc là mực) .
Rất nhiều người vẫn thắc mắc là Hàn Mặc Tử có tất cả bao nhiêu người yêu chính thức?
Có người từng nói rằng “thi nhân muôn đời luôn luôn là giống đa tình”, nên Hàn Mặc Tử cũng có rất nhiều người yêu và cũng có rất nhiều độc giả yêu thơ của chàng, viết thư làm quen. Trong số đó có Mộng Cầm (tức Huỳnh Thị Nghệ) là một thiếu nữ xinh đẹp từ Quảng Ngải vào và trọ học ở nhà người cậu nơi tỉnh Phan Thiết. Sau nhiều lần trao đổi thơ từ, thì họ cùng hẹn nhau để gặp mặt. Cuối tuần, Hàn Mặc Tử từ Sài Gòn đi Phan Thiết bằng xe lửa để tìm thăm Mộng Cầm. Họ đã dạo chơi khắp các thắng cảnh của Phan Thiết, trong đó có “Lầu Ông Hoàng”. Trần Thiện Thanh đã viết: “Lầu Ông Hoàng đó, thuở nao chân HMT đã qua“. Ai đã ở tỉnh Phan Thiết thì chắc cũng đã có lần nghe nhắc đến Lầu Ông Hoàng. Đó là một dinh thự to lớn, nguy nga tráng lệ, xung quanh có vườn tược, cây cảnh rất xinh đẹp và nằm trên một ngọn đồi nhìn ra biển xanh. Lâu đài này do một ông hoàng (công tước) người Pháp tên là De Montpensier mua khu đất này và xây cất lên vào năm 1911 để làm nơi nghỉ hè, vui chơi cho gia đình ông. Năm 1917 thì một doanh nhân Pháp mua lại để làm khách sạn cho du khách thuê. (Trong thời chiến tranh sau này, khu Lầu Ông Hoàng này đã bị bom đạn phá hũy hoàn toàn, nay chỉ còn cái nền cao mà thôi). Thuở xa xưa đó, những cặp tình nhân thường hẹn hò nhau đến khu vực này để ngắm cảnh và tâm tình với nhau nơi các băng ghế đá xung quanh vườn, nhứt là trong những đêm trăng sáng. Qua Mộng Cầm, HMT làm quen với cậu của nàng là Thi sĩ Bích Khê (1916-1946) và hai chàng thi sĩ này trở nên thân nhau như tri kỷ. Cuối tuần nào HMT cũng tới ở trọ nhà Bích Khê và hẹn gặp Mộng Cầm (Mộng Cầm ở trọ nhà một người cậu khác). Thời gian đó, không rõ vì lý do gì mà HMT bị bịnh phong cùi (leprosy), hai vành tai ửng đỏ, ngứa ngái khắp nơi. Tuy vẫn thơ từ qua lại, nhưng Mộng Cầm lãng tránh dần thi sĩ, ít khi hò hẹn với nhau. Hàn Mặc Tử âm thầm tìm thầy chạy chửa thuốc men, bịnh tình cũng thuyên giảm dần dần, và thi sĩ vẫn tiếp tục làm thơ, viết báo ở Sài Gòn.
Nhưng qua năm 1938, căn bịnh quái ác này trở nên nặng hơn, nên thi sĩ bèn quay về Qui Nhơn thuê một căn nhà nhỏ trên đồi, sống biệt lập cách xa thành phố, tuyệt giao với tất cả bạn bè. Hàng ngày có một tiểu đồng về nhà mẹ của HMT gần đó lãnh cơm nước, thuốc men đem đến cho chàng. Trần Thiện Thanh đã viết:
“HÀN MẶC TỬ xuôi về quê cũ dấu thân nơi nhà hoang,
MỘNG CẦM hởi thôi đừng thương tiếc tủi cho nhau mà thôi,
Tình đã lỡ xin một câu hứa kiếp sau ta trọn đôi,
Còn gì nữa thân tàn xin để một mình mình đơn côi.”
Từ khi phát bịnh, cơ thể đau nhức đến phát điên, nhứt là vào những đêm trăng sáng. Hàn Mặc Tử lại càng làm thơ hay hơn, như những câu thơ mà Trần Thiện Thanh đã phổ nhạc:
“Trăng! Trăng! Trăng! Là Trăng! Trăng! Trăng! Ai mua trăng tôi bán trăng cho
Không bán đoàn viên, ước hẹn hò
Bao giờ đậu trạng, vinh quy đã
Anh lại đây tôi thối chữ thơ
Không, không, không ! Tôi chẳng bán hòn trăng
Tôi giả đò chơi, anh tưởng rằng
Tôi nói thiệt là anh dại quá
Trăng Vàng Trăng Ngọc bán sao đang ?”
Có đêm ông nằm mơ thấy Đức Mẹ hiện về, nên ông đã viết bài “Thánh nữ Đồng Trinh” để tạ ơn:
“Maria! Linh hồn con ớn lạnh
Run như run thần tử thấy long nhan
Run như run hơi thở chạm tơ vàng
Nhưng lòng vẫn thấm nhuần ơn trìu mến…
…
Tấu lạy Bà, lạy Bà đầy ơn phước
Cho tình tôi nguyên vẹn tợ trăng rằm Thơ trong trắng như một khối băng tâm
Luôn luôn reo trong hồn trong mạch máu
Cho vỡ lở cả muôn ngàn tinh đẩu
Cho đê mê âm nhạc và thanh hương
…
Sẽ ngây ngất bởi chưng thơ đầy ứ
Nguồn Thiêng liêng yêu chuộng Mẹ Sầu Bi ..”
Trong lúc cô đơn, tuyệt vọng chán chường, thi sĩ lại nhận được tin Mộng Cầm đi lấy chồng, nên HMT lại càng đau khổ hơn:
“Trời hởi nhờ ai cho khỏi đói
Gió trăng có sẳn làm sao ăn ?
Làm sao giết được người trong mộng
Để trả thù duyên kiếp phụ phàng ?”
Trần Thiện Thanh đã viết lời ca:
“Tìm vào cô đơn, đất Qui nhơn gầy đón chân chàng đến.
Người xưa nào biết chốn xưa ngập đường pháo cưới kết hoa,
Chốn hoang liêu tiêu sơ HÀN âm thầm nghe trăng vỡ .”
Hình như cái bịnh phong cùi này thường làm cho Hàn Mặc Tử đau đớn nhiều hơn trong những đêm có trăng. Thi sĩ đã thức trọn đêm để làm thơ:
Hôm nay có một nửa trăng thôi
Một nửa trăng ai cắn vỡ rồi
Ta nhớ mình xa thương đứt ruột
Gió làm nên tội buổi chia phôi …
Có lúc thi sĩ Bích Khê ghé thăm, thấy HMT buồn, nên giới thiệu chàng làm quen với người chị của BK là Lê Thị Ngọc Sương (tức là dì ruột của Mộng Cầm) để hai người thơ từ qua lại. HMT đã làm liền một bài thơ sau khi nhìn vào tấm ảnh của Ngọc Sương:
“Ta đề chữ NGỌC trên tàu chuối
SƯƠNG ở cung thiềm nhỏ chẳng thôi
Tình ta khuấy mãi không thành khối
Nư giận đòi phen cắn phải môi”
Đây chỉ là một mối tình đơn phương, vì Ngọc Sương không hề yêu HMT nhưng cô cũng khiến thi sĩ sáng tác được nhiều bài thơ hay. Lúc đó lại có nữ thi sĩ Mai Đình (tên thật Lê Thị Mai) yêu HMT tha thiết, tình nguyện đến ở bên chàng săn sóc, lo thuốc men. Nhưng thi sĩ đã từ chối và chỉ tiếp chuyện với cô được vài lần. Tuy vậy HMT cũng đã làm những bài thơ trong đó có câu:
“Đây MAI ĐÌNH tiên nữ ở Vu Sơn
Đem mộng xuống gieo vào muôn sóng mắt …
Nàng, ôm nàng hai tay ta ghì chặt
Cả bài thơ êm mát lạ lùng thay
Ta là người uống muôn hận sầu cay
Nàng là mật của muôn tuần trăng mật …”
Thơ từ qua lại với Mai Đình trong hai năm (1938-1939) rồi HMT tuyệt giao. Có lúc tưởng như bớt bịnh, bạn bè đến thăm, lại mang thơ độc giả ái mộ cho HMT xem (1940). Trong đó có một nữ sinh trung học tên Thương Thương đã làm cho HMT cảm động, và thi sĩ lại tìm được tình yêu trong mộng, như:
“Sầu lên cho tới ngàn khơi
Ai lau ráo lệ cho lời nói ra
chiều nay tàn tạ hồn hoa
nhớ THƯƠNG THƯƠNG quá, xót xa tâm bào …”
Gần cuối năm 1940, căn bịnh của HMT trở nên nặng hơn. Gia đình đành phải đưa ông vào nhà thương phung cùi Qui Hòa, cách Qui Nhơn 5 cây số, nơi có các dì phước người Pháp săn sóc cho bịnh nhân. Lúc này thi sĩ đã bớt điên loạn và dần dần chấp nhận cái chết gần kề. Ông đã mơ ước:
“Một mai kia ở bên khe nước ngọc
Với sao sương, anh nằm chết như trăng
Không tìm thấy nàng tiên mô đến khóc
Đến hôn anh và rửa vết thương tâm !”
Ông luôn luôn nhớ đến Phan Thiết, nhớ đến Mộng Cầm và những kỷ niệm thời hoa bướm ngày xưa. Thi sĩ đã viết những câu thơ dưới đây như những lời trăn trối sau cùng trong đớn đau tuyệt vọng:
‘… Rồi ngây dại nhờ thất tinh chỉ hướng
Ta lang thang tìm tới chốn Lầu Trăng
Lầu Ông-Hoàng, người thiên hạ đồn vang
Nơi đã khóc, đã yêu thương tha thiết
Ôi ! Trời ơi ! là Phan Thiết ! Phan Thiết !
Mà tang thương còn lại mảnh sao rơi
Ta đến nơi : nàng ấy vắng lâu rồi !
Nghĩa là chết từ muôn trăng thế kỷ !
Trăng vàng ngọc, trăng ân tình, chưa phỉ
Ta nhìn trăng khôn xiết ngậm ngùi trăng
Ta vãi tung thơ lên tận cung Hằng
Thơ phép tắc bỗng kêu rên thống thiết.
Hỡi Phan Thiết ! Phan Thiết !
Mi là nơi ta chôn hận nghìn thu
Mi là nơi ta sầu muộn ngất ngư !”
Rời túp lều hoang không đầy hai tháng, thì Hàn Mặc Tử yếu dần và tạ thế tại nhà thương Qui Hòa, ngày 11 tháng 11 năm 1940. Được tin ông mất, các tờ báo trên khắp nước đã viết bài, đăng tin, ra số đặc biệt tưởng niệm thi sĩ tài hoa nhưng bất hạnh này. Bạn bè, người yêu, độc giả khắp nơi đều thương tiếc, nhưng không một ai đến đưa đám tang thi sĩ HMT. Trần Thiện Thanh đã kết thúc bài hát Hàn Mặc Tử bằng:
“Xót thương thân bơ vơ cho đến một buổi chiều kia
Trời đất như quay cuồng khi hồn phách vút lên cao
MẶC TỬ nay còn đâu !
Khi sáng tác ca khúc “Hàn Mặc Tử” này cách đây đúng 40 năm (1965-2005), có lẽ nhạc sĩ Trần Thiện Thanh không ngờ rằng sau này cuộc đời ông cũng có nhiều điểm giống như thi sĩ tài hoa bạc mệnh này. Nơi tỉnh nhà Phan Thiết, từ nhỏ Trần Thiện Thanh đã cùng bạn bè dạo chơi ở những nơi mà ngày xưa thi sĩ Hàn Mặc Tử và Mộng Cầm từng in dấu. Nên ông đã viết: “Đường lên dốc đá, nửa đêm trăng tà nhớ câu chuyện xưa, Lầu ông Hoàng đó, thuở nao chân HMT đã qua”.
Vào Sài Gòn lập nghiệp, nhạc sĩ Trần Thiện Thanh đã mang theo ông những kỷ niệm này và sáng tác nên “Hàn Mặc Tử”. Trong khoảng thời gian bắt đầu ca hát và viết nhạc từ năm 1958 cho đến năm 1975, ca sĩ Nhật Trường-Trần Thiện Thanh đã cống hiến cho đời những lời ca tiếng nhạc thật tuyệt vời. Tên tuổi và danh vọng của ông đã sáng rực lên khắp mọi nơi. Đã có không biết bao nhiêu thiếu nữ, khán giả ở mọi lứa tuổi yêu nhạc và yêu thương ông tha thiết. Nhưng kể từ sau năm 1975, thì sự nghiệp của ông dần dần đi xuống, kể cả khi ra hải ngoại, những sáng tác mới của ông cũng không còn xuất sắc được như ngày xưa. Cuối cùng thì ông lại mắc phải một chứng bịnh nan y là ung thư phổi. Những tháng ngày cuối cùng của ông thật là cô đơn, hiu quạnh. Đâu còn thấy lại “ánh đèn sân khấu”, đâu còn thấy lại những khán giả thân thương, những bạn bè xưa, người yêu cũ. Ngay cả bà mẹ già 82 tuổi và cô em gái Như Thủy trong ban Tứ ca Nhật Trường ngày xưa, những đứa con, đứa cháu của ông vẫn còn ở bên Việt Nam nghìn trùng xa cách. Những tuần lễ sau cùng, khi đã tuyệt vọng, ông không chịu nằm trong bịnh viện mà muốn trở về nằm nghỉ nơi nhà riêng. Bên cạnh ông trong giờ hấp hối chỉ có người vợ sau là ca sĩ Mỹ Lan và đứa con trai út mới vừa 3 tuổi, tên là Trần Thiện Anh Chí. Ông đã ra đi trong âm thầm lặng lẽ sau mấy tháng chịu nhiều đau đớn, dày vò vì căn bịnh quái ác này. Cho đến ngày 13-5-2005 thì “trời đất như quay cuồng, khi hồn phách vút lên cao”. Trần Thiện Thanh đã thực sự vĩnh biệt chúng ta khi vừa đúng 62 tuổi đời, là cái tuổi vẫn còn rất trẻ trên đất tạm dung Hoa Kỳ.
*Tài liệu tham khảo để viết bài này:
-Tuyển tập nhạc “Bao giờ anh quên” (25 tác phẩm TTT)
-CD nhạc Thúy Hằng 3 : “Tình Thiên Thu”, Mây Productions, USA, 1998
-Theo chân những tiếng hát, Hồ Trường An, Hoa Kỳ, 1998
-Hàn Mạc Tử (thân thế & thi văn), Trần Thanh Mại, Tân Việt, 1957
-Đôi nét về Hàn Mặc Tử, hồi ký Quách Tấn, Quê Mẹ, Paris, 1988
-Văn Thi sĩ tiền chiến, Nguyễn Vỹ, Khai Trí, Saigon, 1969
-Thơ Hàn Mặc Tử, Sở văn hóa thông tin Nghĩa Bình, 1988
-Website : http:// vietlove.com (viết về Nhật Trường).
-Website : http:// phanthiet.com (di tích, thắng cảnh)
Có những địa danh đã đi vào thơ nhạc và để lại những dấu ấn khó phai mờ trong lòng người yêu nhạc qua nhiều thế hệ. Hôm nay xin gởi đến quý vị một trong số đó: phá Tam Giang.
Đôi nét về phá Tam Giang (có tham khảo wikipedia) Phá Tam Giang là một phá nằm trong hệ đầm phá Tam Giang-Cầu Hai. Diện tích phá Tam Giang khoảng 52km², trải dài khoảng 24 km theo hướng tây tây bắc-đông đông nam từ cửa sông Ô Lâu đến cửa sông Hương, thuộc địa phận ba huyện Phong Điền, Quảng Điền, Hương Trà tỉnh Thừa Thiên-Huế.
Phá Tam Giang chiếm khoảng 11% diện tích đầm phá ven bờ của Việt Nam.
Độ sâu của phá này từ 2-4 m, có nơi sâu tới 7 m. Hàng năm khai thác trên vùng đầm phá hàng nghìn tấn hải sản, cá, tôm các loại. Hiện nay có kế hoạch nghiên cứu đầu tư xây dựng cầu qua Phá Tam Giang để có điều kiện phát triển kinh tế và du lịch tại vùng này.
Phá Tam Giang với cửa Thuận An và sông Hương là thủy lộ chính lên kinh thành Huế nên ngày xưa ai thượng kinh đều phải vượt phá. Tuy là đầm nhưng vì có sóng nên ca dao có câu:
Đường vô xứ Huế quanh quanh Non xanh nước biết như tranh họa đồ Thương em anh cũng muốn vô Sợ truông Nhà Hồ, sợ phá Tam Giang…
Phá Tam giang ngày xưa hai bên bờ là những đầm lầy đầy lau lách, ở đó có sào huyệt của một nhóm cướp khét tiếng vào thời kỳ bấy giờ. Cho nên thương em mà không dám vô cớ là vậy.
Sự ra đời của nhạc phẩm bất hủ ‘Chiều trên phá Tam Giang’ của Trần Thiện Thanh theo ý thơ Tô Thùy Yên
Theo lời kể của chính nhạc sỹ Trần Thiện Thanh trong một chương trình văn nghệ hát chung với Khánh Ly thì đó là vào khoảng năm 1971 – 1972, tức là khi cuộc chiến Việt Nam đang ở trong thời kỳ khốc liệt nhất mà đỉnh cao là “mùa hè đỏ lửa” 1972, nhạc sỹ Trần Thiện Thanh cùng với nhạc sỹ Phạm Duy, nhà thơ Tô Thùy Yên và vài người nữa từ Sài Gòn đi thăm những vùng tiền đồn.
Chiều hôm đó, trên chiếc trực thăng bay là là trên mặt phá Tam Giang rộng mênh mông, nhà thơ Tô Thùy Yên cùng với Trần Thiện Thanh đã nảy ra ý định sẽ làm một bài thơ hay nhạc về phá Tam Giang này. Thế là không lâu sau đó, bài thơ “Chiều trên phá Tam Giang” ra đời.
Cũng chính vì cảm tác từ chuyến đi tưực tế mà nhạc sỹ Trần Thiện Thanh đã cho ra đời một nhạc phẩm bất hủ, vượt trên nhiều bản theo dòng nhạc đại chúng của ông.
Là một người sinh ra và lớn lên ở Phú Yên, vùng đất miền Trung thân yêu với núi Nhạn – sông Đà, chúng tôi rất tự hào khi xem chương trình Duyên Dáng Việt Nam lần thứ 23 tổ chức vào hai đêm 8-9/01/2011 ở nhà hát Sao Mai, khu du lịch Thuận Thảo, thành phố Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên.
Cảm nhận chung của DongNhacXua.com là chương trình đã thành công trong việc đưa giới thưởng ngoạn, có mặt ở nhà hát cũng như xem qua sóng VTV về với dòng nhạc xưa với chủ đề Nhớ.
Đạo diễn Nguyễn Quang Dũng cũng như người biên tập âm nhạc là nhạc sỹ Đức Trí đã có nhiều sáng tạo trong suốt chương trình: chuyển cảnh rất nhanh và nhịp nhàng, sử dụng dây kéo cho diễn viên múa rất khéo léo, dùng phông nền rộng với nhiều tư liệu phong phú về các thế hệ nhạc sỹ, ca sỹ đã không còn với chúng ta như Đoàn Chuẩn, Anh Tú, Ngọc Tân, v.v.
Riêng cá nhân tôi rất ấn tượng với màn chuyển cảnh từ bản “Đêm cuối cùng” của Phạm Đình Chương sang bài “Suối mơ” của Văn Cao với tam ca Lân Nhã, Quang Dũng và Đàm Vĩnh Hưng. Ngay giây phút ấy, chúng tôi cảm thấy như có một cái gì đó dù không còn nữa nhưng hình như vẫn còn vương vấn đâu đây. Đó có lẽ là chính hiệu ứng của những nhạc phẩm bất hủ mà giai điệu, ca từ không bao giờ phai nhạt theo năm tháng:
” … Em ơi, đêm cuối cùng gần nhau Sợ rằng một ngày mai giấc mộng không thành. ” (hai câu kết trong “Đêm cuối cùng)
hay “… Suối ơi! Nghe rừng heo hút. Giòng êm đưa lá khô già trút. Còn như lưu hương yêu dấu, Với suối xưa trôi nơi đâu. ” (đoạn kết của “Suối mơ”)
Một điểm nhấn khác của chương trình và sự kết hợp giữa một ngôi sao thời danh và 2 ngôi sao đã tắt: Đàm Vĩnh Hưng hát chung với Anh Tú trong “Lạc mất mùa xuân” (nhạc ngoại quốc, lời Việt của nhạc sỹ Lữ Liên, là thân phụ của chính ca sỹ Anh Tú, Tuấn Ngọc, Khánh Hà, v.v.) và Đàm Vĩnh Hưng cùng hòa giọng với Ngọc Tân trong “Khoảnh khắc” (của Trương Quý Hải). Sẽ rất khập khiễng khi đi so sánh hai giọng hát khác nhau nhưng dù sao cũng phải nói rằng ca sỹ Đàm Vĩnh Hưng đã rất nỗ lực và cố gắng hoàn thành tốt vai trò cầu nối hai thế hệ. Cá nhân tôi cảm thấy ca sỹ họ Đàm đã rất khiêm tốn trên sân khấu hôm đó để nhường những cảm xúc sâu thẳm nhất của khán giả cho hai ca sỹ tài danh nhưng yểu mệnh: Anh Tú (1950-2003) và Ngọc Tân (1948-2004).
Rất nhiều lần nhà tổ chức nhắc đến dòng nhạc bolero trong chương trình này nhưng cá nhân tôi thấy gọi như vậy chưa chính xác vì trong chương trình còn nhiều giai điệu không phải là dòng nhạc bolero (hay chúng tôi gọi là dòng nhạc “sến” với tất cả sự trân trọng chứ hoàn toàn không có ý chê bai). Tuy nhiên, nếu phải chọn ra vài ca sỹ là điểm nhấn của dòng nhạc “sến” thì có lẽ không ai xứng đáng bằng Mạnh Đình trong nhạc phẩm “Chuyện hẹn hò” (của Nhật Trường – Trần Thiện Thanh).
Hương Lan vẫn giữ phong độ với dòng nhạc này dù tuổi đời cũng không còn trẻ. Chị đã làm chúng tôi rơi nước mắt trong “Mẹ tôi” (của Nhị Hà).
Ngoài ra cũng phải kể đến ca sỹ Quang Linh và Cẩm Ly, những người đã mà theo chúng tôi đã “cứu” cả “chuyến đò” tốp ca trong tiết mục mở đầu “Chuyến đò quê hương” (của Vy Nhật Tảo).
Nhân nói đến đây thì chúng tôi xin mạn phép nêu ra vài điểm chưa đạt theo thiển ý của chúng tôi như sau:
Vài ca sỹ hoàn toàn không thích hợp với nhạc “bolero” nhưng cũng “cố gắng” góp giọng và đã không thành công: như Lân Nhã đã vào rất “phô” trong “Chuyến đò quê hương” mà chúng tôi đã nói ở trên. Tuy nhiên anh đã rất thành công với “Như một lời chia tay” (của Trịnh Công Sơn) ở phần sau.
Quang Dũng rất vững vàng và đầy kỹ thuật trong “Chiếc lá cuối cùng” (của Tuấn Khanh) nhưng anh lại quá sa đà vào việc phô diễn kỹ thuật thành ra khán giả chưa được lắng đọng với “đêm chia ly buồn gì sao chẳng nói” mà tác giả Tuấn Khanh muốn chuyển tải. Tuy nhiên sau đó Quang Dũng lại rất thành công với “Lá đổ muôn chiều” (của Đoàn Chuẩn – Từ Linh). Có lẽ chi tiết “ngày mai người em nhỏ bé ngồi trong thuyền hoa, tình duyên đành dứt …” làm cho Quang Dũng có nhiều cảm xúc hơn chăng !?
Tên tác giả của “Trộm nhìn nhau” là Trầm Tử Thiêng chứ không phải “Trầm Tử Thiên” như mà hình đã hiện ra
Dương Triệu Vũ có hát được giọng Phú Yên trong “Trách phận” nhưng anh hình như sợ người nghe nhận ra điểm yếu của mình hay sao đó mà anh hát nhanh quá thành ra chính người Phú Yên như chúng tôi cũng khó mà nghe kịp lời hát
Năm sinh và năm mất của ca sỹ Ngọc Tân (1948-2004) được chương trình chiếu lên (1950-2003) chưa đúng. Có lẽ đạo diễn lộn với năm sinh và năm mất của Anh Tú
Tóm lại: Duyên Dáng Việt Nam 23 tại Phú Yên đã để lại rất nhiều cung bậc cảm xúc cho khán giả, xứng đáng là một trong những chương trình ca nhạc chủ đề hay nhất Việt Nam.