Lệ Đá (Trần Trịnh – Hà Huyền Chi)

Nhạc sỹ Trần Trịnh (1937 – 2012) sáng tác không nhiều nhưng chỉ cần một bản ‘Lệ đá’, tên tuổi ông đã lưu danh vào dòng nhạc Việt. Với giai điệu mượt mà và lời ca trau chuốt nhưng lại gần gũi, bản này xứng đáng được coi là một tác phẩm bất hủ. Dòng Nhạc Xưa xin mời người yêu nhạc tìm hiểu đôi nét ca khúc này qua một bài viết của tác giả Trần Chí Phúc mà chúng tôi xin mạn phép đăng lại từ trang sbtn.tv.

Ca khúc Lệ Đá – giao duyên đẹp giữa nhạc Trần Trịnh và lời Hà Huyền Chi

(Nguồn: bài viết của tác giả Trần Chí Phúc đăng trên sbtn.tv ngày 2015-10-28)

Hoa trong nhạc: ti-gôn

Chỉ với một áng thơ “Hai sắc hoa ti-gôn” của thi sỹ bí ẩn T.T.KH, loài hoa mang hình dáng “tim vỡ” đã đi vào thơ nhạc Việt. Dòng Nhạc Xưa xin tiếp nối chủ đề hoa trong nhạc với ti-gôn.

Hai sắc hoa ti-gôn (T.T.KH – Trần Trịnh). Ảnh: AmNhacMienNam.blogspot.com

Đôi nét về hoa ti-gôn

(Nguồn: wikipedia)

Hoa ti-gôn. Ảnh: wikipedia

Chi Ti-gôn hay còn gọi chi hiếu nữ, Ăng-ti-gôn (danh pháp khoa học: Antigonon) là tên gọi chung để chỉ chi thực vật thuộc họ Rau răm (Polygonaceae), có nguồn gốc từ Trung Mỹ.

Xuân này con không về (Trịnh Lâm Ngân)

Kinh tế thế giới năm qua (2013) vẫn chưa thoát ra khỏi khủng hoảng và trong bối cảnh đó, kinh tế Việt Nam cũng chẳng khả quan gì: đầu tư nước ngoài giảm sút, hàng ngàn doanh nghiệp phá sản, bất động sản đóng băng, hệ thống ngân hàng vẫn còn bất cập… Một điều tất yếu là người lao động không được tăng lương, thưởng tết cũng vì thế mà bị bóp lại, đó là chưa nói đến chuyện đáng buồn hơn là bị mất việc. Chính vì vậy mà tết Giáp Ngọ 2014 chúng ta thấy có nhiều đứa con tha phương cáo lỗi cùng gia đình là “xuân này con không về”, ở lại đón một mùa xuân mới ở Sài Gòn, Hà Nội hay một chốn thị thành nào đó.

Trong tâm tình đó, [dongnhacxua.com] xin gởi đến bạn yêu nhạc, đặc biệt là những đứa con không về sum vầy bên gia đình trong những ngày xuân, một nhạc phẩm xân bất hủ: ‘Xuân này con không về’ của nhóm tác giả Trịnh Lâm Ngân, tức bao gồm nhạc sỹ Trần Trịnh, Nhật Ngân và Lâm Đệ. Với những bản nhạc sáng tác chung dưới bút danh Trịnh Lâm Ngân thì phần lớn là sáng tác của Nhật Ngân, còn Trần Trịnh tham gia viết lời và chỉnh sửa đôi chút, còn Lâm Đệ, con rể của ông chủ hãng đĩa Asia Sóng Nhạc ngày xưa thì lo phần phát hành.

Cũng cần nói thêm là bản này qua tiếng hát Duy Khánh đã trở nên quá nổi tiếng đến nỗi nhiều người lầm tưởng đây là sáng tác của Duy Khánh.

Xuân này con không về (Trịnh Lâm Ngân). Ảnh: AmNhacMienNam.blogspot.com
Xuân này con không về (Trịnh Lâm Ngân). Ảnh: AmNhacMienNam.blogspot.com

xuan-nay-con-khong-ve--1--trinh-lam-ngan--amnhacmiennam.blogspot.com--dongnhacxua.comxuan-nay-con-khong-ve--2--trinh-lam-ngan--amnhacmiennam.blogspot.com--dongnhacxua.com

xuan-nay-con-khong-ve--3--trinh-lam-ngan--amnhacmiennam.blogspot.com--dongnhacxua.com

‘XUÂN NÀY CON KHÔNG VỀ’ VÀ NHẠC SỸ NHẬT NGÂN
(Nguồn: rfa.org)

Dường như bao giờ những ca khúc viết về mùa xuân cũng đều đẹp, đều vui. Thế nhưng, vẫn có những ca khúc thật đẹp, sống mãi với thời gian song lại đượm buồn mà hầu như người Việt nào cũng đã một lần từng nghe, từng biết. Đó là tác phẩm Xuân Này Con Không Về của nhạc sĩ Nhật Ngân.

Chương trình âm nhạc cuối tuần kỳ này, xin được một lần nhìn lại tác phẩm của người nhạc sĩ tài hoa mới ra đi ở độ tuổi 70, chỉ 2 ngày trước khi xuân Nhâm Thìn gõ cửa.

Thưa quí thính giả, cứ mỗi độ xuân về thì dường như không người Việt nào lại không nghĩ đến tác phẩm Xuân Này Con Không Về, bài hát đã gắn liền với nhiều thế hệ người nghe nhạc suốt nửa thế kỷ qua.

Lời hát và giai điệu của ca khúc chậm buồn, diễn tả tâm trạng của người con xa nhà vào dịp Tết, không về sum họp được với gia đình, không được gặp mẹ, không được gặp các em. Đó là lúc mai đào nở vàng, là lúc có nồi bánh chưng nghi ngút khói, là lúc có tiếng pháo nổ với đàn trẻ thơ, thế nhưng, người trai đó lại ở tận nơi phương trời xa và chạnh lòng nghĩ tới cảnh đoàn viên.

Đến tận gần cuối bài hát, người nghe mới nhận ra đây là một người lính trong thời chiến khi có “bao lứa trai cùng chào xuân chiến trường.” Ngậm ngùi là thế, đau đáu là thế, nhưng vì nghĩa vụ mà người lính kia phải gác lại chuyện cá nhân của mình để làm tròn nhiệm vụ và chỉ biết ước hẹn một ngày nào đó, được trở về với mẹ, với em.

Hôm nay, Vũ Hoàng xin được dành chương trình này gọi là một chút tri ân đến người nhạc sĩ tài hoa, qua buổi trò chuyện với nhà văn Nguyễn Ngọc Ngạn, một người bạn thân thiết của nhạc sĩ Nhật Ngân để cùng nghe ông chia sẻ về kỷ niệm của bài hát này cũng như những dòng tâm sự khi tác giả của Xuân Này Con Không Về mới vừa ra đi.

Tâm sự người lính xa nhà

Nhạc sĩ Nhật Ngân. Lúc sinh thời, nhạc sĩ Trần Trịnh rất thân thiết với nhạc sĩ Nhật Ngân; hai ông đã cộng tác với nhau để viết nên nhiều bài hát bất hủ . Photo courtesy of Trần Vũ Trân.
Nhạc sĩ Nhật Ngân. Lúc sinh thời, nhạc sĩ Trần Trịnh rất thân thiết với nhạc sĩ Nhật Ngân; hai ông đã cộng tác với nhau để viết nên nhiều bài hát bất hủ . Photo courtesy of Trần Vũ Trân.

Vũ Hoàng: Thưa nhà văn Nguyễn Ngọc Ngạn, là người bạn thân của nhạc sĩ Nhật Ngân và ông cũng đã từng biết đến bài hát Xuân Này Con Không Về từ nhiều năm nay, thì ông có thể chia sẻ đôi dòng suy nghĩ của mình về bài hát này được không ạ?

Nhà văn Nguyễn Ngọc Ngạn: Vâng trước hết, tôi xin kính chào quí thính giả của Đài Á Châu Tự Do, tôi là Nguyễn Ngọc Ngạn, đang ở Toronto, Canada.

Phải nói như thế này, nhạc sĩ Nhật Ngân, ông viết rất nhiều bài về xuân, chẳng hạn như Xuân Này Con Không Về, qua bên này, ông viết Xuân Này Con Về Mẹ Ở Đâu, rồi ông viết bài Cám Ơn cũng là thư xuân, rồi Xuân Nào Con Sẽ Về.

Một loạt những bản nhạc, nói chung ngày đầu năm ông hay nhớ về người mẹ. Thì bài Xuân Này Con Không Về đương nhiên là ông viết trong thời chinh chiến, mà nhạc sĩ Nhật Ngân thì ông có rất nhiều sáng tác trong thời chiến và bài này là lần đầu tiên ông đưa cho ca sĩ Duy Khánh thu trong studio của Asia tại Sài Gòn.

Bài này khi được tung ra lần đầu tiên, lúc đó chúng tôi đang trong quân đội, thành thử nghe rất xúc động bởi vì nó chia sẻ được tâm sự của bất kỳ người lính nào xa nhà, thì lúc nào cũng nhớ về quê nhà của mình và nhất là nhớ về hình ảnh người mẹ. Đó là kỷ niệm của tôi đối với bài Xuân Này Con Không Về mà Vũ Hoàng của Đài Á Châu Tự Do vừa nhắc đến.

Vũ Hoàng: Vâng, thế còn với nhạc sĩ Nhật Ngân ạ, ông có thể chia sẻ những kỷ niệm nào của mình với cố nhạc sĩ được không ạ?

Nhà văn Nguyễn Ngọc Ngạn: Còn riêng đối với nhạc sĩ Nhật Ngân, thì chắc thính giả cũng còn nhớ Trung Tâm Thúy Nga Paris By Night đã tổ chức một chương trình đặc biệt cho nhạc sĩ Nhật Ngân với nhạc sĩ Trần Trịnh, 2 người đã kết hợp dưới cái tên Trịnh Lâm Ngân, ngay cả trong bản nhạc in bài Xuân Này Con Không Về cũng đề tên là Trịnh Lâm Ngân và không đề riêng là của Nhật Ngân. Quý vị chắc cũng nhớ trên Paris By Night, nhạc sĩ Nhật Ngân có giải thích nhiều bài nhạc sĩ Nhật Ngân viết chung với nhạc sĩ Trần Trịnh. Có nhiều bài thì của riêng nhạc sĩ Trần Trịnh, có nhiều bài của riêng nhạc sĩ Nhật Ngân, nhưng đều ký chung là Trịnh Lâm Ngân.

Đang nói đến tin buồn của nhạc sĩ Nhật Ngân thì mới nghĩ trong đời có nhiều trùng hợp. Chẳng hạn như nhạc sĩ Y Vân viết bài 60 Năm Cuộc Đời, cuộc đời ông đâu chỉ có 60 năm, nhưng theo ý niệm của tử vi, tròn một lục thập hoa giáp, thí dụ như ai sinh năm Nhâm Thìn, 1952, thì năm nay là năm Nhâm Thìn, thì đủ một vòng 60 năm thì người ta gọi là 60 Năm Cuộc Đời, mà trong tử vi gọi là Lục Thập Hoa Giáp.

Nhạc sĩ Y Vân viết 60 Năm Cuộc Đời, thì không ngờ ông mất ở năm 60. Còn nhạc sĩ Nhật Ngân viết một loạt nhạc về xuân, như chúng tôi vừa kể ít nhất là có 5 bài, thì ông lại chết vào đúng dịp Tết, nói cho chính xác 2 ngày trước Tết, thì ông mất. Đó là điều chắc chắn gây nhiều xúc động.

Cho nên sự ra đi của nhạc sĩ Nhật Ngân thì đối với quần chúng, khán thính giả đã là một sự mất mát lớn, đối với trung tâm Thúy Nga hay đối với chúng tôi mất đi một người bạn đáng quí.

Khát khao hòa bình

Ca nhạc sỹ Duy Khánh. Ảnh: my.opera.com/diemxuacafe/blog
Ca nhạc sỹ Duy Khánh. Ảnh: my.opera.com/diemxuacafe/blog

Vũ Hoàng: Vâng, cám ơn ông. Vũ Hoàng xin quay lại một chút với cuộc đời sáng tác của nhạc sĩ Nhật Ngân. Chúng tôi được biết là nhạc sĩ Nhật Ngân không chỉ nổi tiếng với những tác phẩm xuân của người lính, mà với tư cách là một người lính nữa, nhạc sĩ Nhật Ngân cũng còn có một số tác phẩm khác viết về thời chiến rất nổi tiếng phải không ạ?

Nhà văn Nguyễn Ngọc Ngạn: Chúng tôi hiểu nhạc sĩ Nhật Ngân trong tâm tư của ông, ông là một người lớn lên trong thời chiến, ông là một người khoác áo chiến y, ông sáng tác nhiều bài tâm sự về người lính ở ngoài chiến trường.

Nhưng trong thâm sâu ông là một người khát khao đất nước có hòa bình, cho nên chúng ta thấy rằng sau Hiệp định Paris năm 72-73 đó, ông viết 2 bài mà chắc chắn bất cứ một người nào cũng nhớ là Qua Cơn Mê và Một Mai Giã Từ Vũ Khí. Ông là một người làm trọn người trai trong thời chiến, nhưng ông khát khao đất nước chấm dứt chiến tranh, có được hòa bình cho nên, tất cả những tâm sự đó của ông được gửi qua 2 bài Qua Cơn Mê và Một Mai Giã Từ Vũ Khí mà chúng ta đã nghe đi nghe lại nhiều lần.

Tôi nghĩ đó là tâm trạng chung của bất kỳ người nào ở thế hệ của ông, chẳng hạn như chúng tôi, miền Nam hay miền Bắc, chỉ trừ một số người chủ trương hiếu chiến chứ còn ai cũng có khát vọng hòa bình và nhạc sĩ Nhật Ngân đã diễn tả được ý đó. Nên khi tâm sự với anh trong các quán cà phê thì cũng rất hiểu được tâm trạng của anh trong thời chiến.

Vũ Hoàng: Xin được hỏi ông câu cuối, bài Xuân Này Con Không Về cũng gắn bó với nhiều thế hệ ca sĩ, từ những ngày bắt đầu với ca sĩ Duy Khánh, cho đến bây giờ là Quang Lê hay Đặng Thế Luân. Được chứng kiến sự thay đổi đó, ông có nhận xét về các thế hệ ca sĩ hát bài này không ạ?

Nhà văn Nguyễn Ngọc Ngạn: Nhạc sĩ Duy Khánh là người đầu tiên hát bài đó, cho nên để lại một ấn tượng rất mạnh và rất là lâu và sâu trong lòng người, nhưng có thể là do kỹ thuật thâu thanh thời đó, cách đây hơn 40 năm, gần 50 năm thì không thể bằng bây giờ được, cho nên tiếng hát của Quang Lê giờ đây trẻ trung và đầy.

Khi nhạc sĩ Duy Khánh vào nghề thì tuổi cũng đã lớn hơn Quang Lê bây giờ, mà nhạc sĩ Duy Khánh lại sống trong thời chiến, cũng là một khoác áo lính, cho nên tâm sự được diễn tả nồng nàn hơn, nhưng chất giọng của Quang Lê bây giờ trẻ trung hơn và dĩ nhiên là kỹ thuật thâu âm bây giờ cao hơn ngày trước nhiều, cho nên chúng ta thấy vang dội hơn, nhưng mà ấn tượng để sâu trong lòng người vẫn là Duy Khánh là người hát đầu tiên bài này.

Vũ Hoàng: Vâng, Vũ Hoàng xin được thay mặt thính giả, cám ơn nhà văn Nguyễn Ngọc Ngạn rất nhiều, và nhân dịp đầu xuân mới, xin chúc ông và gia đình một năm mới vạn sự như ý. 

Thưa quí thính giả, như quí vị cũng nhớ, cách đây khoảng hơn 3 tháng, chúng tôi có thực hiện 2 chương trình âm nhạc nói về dòng tân nhạc Việt Nam trước và sau năm 1975 với sự giúp đỡ của nhạc sĩ Nhật Ngân. Không ngờ, đến hôm nay, ông đã ra đi.

Qua làn sóng của Đài ACTD, Vũ Hoàng xin được gửi lời phân ưu đến gia đình và mong ông yên giấc nơi chín suối. Trước khi khép lại chương trình hôm nay, mời quí vị nghe lại ca khúc Xuân Này Con Không Về qua tiếng hát ca sĩ Quang Lê. Vũ Hoàng xin chào và hẹn gặp lại quí vị trong chương trình âm nhạc cuối tuần kỳ sau.

[footer]

Trần Trịnh: một đời bên phím dương cầm

Trần Trịnh | Nghệ sỹ và đời sống | Trường Kỳ || 21/10/2012 | Sài Gòn | [dongnhacxua.com] || [facebook] [googleplus]

Như một nén hương thắp cho linh hồn nhạc sỹ Trần Trịnh, [dongnhacxua.com] trân trọng gởi đến quý vị yêu nhạc xưa bài phỏng vấn của cố nhạc sỹ, ký giả Trường Kỳ thực hiện cho chuyên mục “Nghệ sỹ & Đời sống” của đài VOA Hoa Kỳ.

Bấm vào đây để nghe toàn bộ bài phỏng vấn này

Không những là một nhạc sĩ sáng tác, Trần Trịnh còn là một trong những nhạc sĩ  có nhiêu gắn bó nhất với lãnh vực phòng trà và vũ trường của Sài Gòn về đêm trước năm 75. Nhắc đến Trần Trịnh, không ai quên được nhạc phẩm Lệ Đá (do Hà Huyền Chi viết lời) đã dính liền với cuộc đời sáng tác của ông.  Ngoài nhạc phẩm điển hình đó, Trần Trịnh còn là tác giả của nhiều nhạc phẩm đặc sắc khác, trong số có nhiều bài cùng với hai người bạn nghệ sĩ là Nhật Ngân và Lâm Đệ được ký dưới tên Trịnh Lâm Ngân trong những thập niên 60 và 70.

Trần Trịnh & Nhật Ngân lúc trẻ

Tuy đã bước vào lớp tuổi 70, nhưng Trần Trịnh vẫn còn nhớ rành mạch rất nhiều chi tiết khi tâm sự với người viết về quá trình hoạt động âm nhạc lâu dài của ông cùng với cuộc sống tình cảm trong cuộc sống thăng trầm của một người nghệ sĩ chịu một ảnh hưởng lớn của nền văn hoá Tây Phương.
 
Với một giọng kể chuyện say mê, Trần Trịnh cho biết âm nhạc đã quyến rũ ông mãnh liệt khi theo học chương trình Pháp tại trường Taberd Sài Gòn trong suốt 10 năm, từ năm 1945 cho đến khi ra trường vào năm 1955 với mảnh bằng Bacc 2 (Tú Tài 2 Pháp). 
 
Nhưng niềm đam mê nơi ông đã gặp một trở ngại lớn là sự không đồng ý của bố mẹ để chấp thuận cho ông theo ngành âm nhạc, ngoài những giờ học nhạc trong chương trình của trường. 
 
Mặc dù là một nhân viên của tòa đại sứ Pháp theo tây học, nhưng thân phụ ông vẫn tỏ ra không mấy  có cảm tình với cuộc đời nghệ sĩ. Và mẹ ông, một phụ nữ người Lào – vợ sau của thân phụ ông – cũng chẳng tỏ ra khuyến khích cậu con trai út trong số 3 người con của mình. 
 
Tuy vậy, cậu học sinh tên thật là Trần Văn Lượng, sinh năm 1936 tại Hà Nội vẫn luôn ấp ủ giấc mơ đến với âm nhạc một ngày nào đó. Trong những năm học ở Taberd, Trần Trịnh đã rất khâm phục sư huynh Rémi mang họ Trịnh, trong những giờ học nhạc do ngài phụ trách. Sư huynh Rémi đã trở thành thần tượng của ông để ông ghép họ của mình với họ của sư huynh Rémi là Trịnh thành nghệ danh Trần Trịnh ngay từ khi sáng tác nhạc phẩm đầu tiên.
 
Thật ra Trần Trịnh đã mon men đến với lãnh vực sáng tác từ khi mới 14 tuổi nhờ có khả năng thiên phú cộng với một đầu óc nhận xét nhạy bén trong khi theo học những giờ  nhạc do sư huynh Rémi hướng dẫn.
 
Sáng tác đầu tiên của ông là Cung Đàn Muôn Điệu, được viết vào năm 1950 là năm ông được 14 tuổi. Nhưng mãi đến năm 17 tuổi mới được phổ biến bởi nhà xuất bản An Phú. Ba năm sau, vào năm 1956, nhạc phẩm này lại đã được nhà xuất bản Diên Hồng tái bản. 
 
Sau đó, nhạc phẩm này còn được dùng làm nhạc chuyển mục trong một chương trình tân nhạc cùng với bài Chuyến Xe Về Nam, do nhà xuất bản Tinh Hoa ấn hành vào năm 55. Cũng trong năm 1956, Trần Trịnh lại cho ra đời thêm một nhạc phẩm khác là Viết Trên Đường Nở Hoa.
 
Sau khi đậu bằng Bacc 2 vào năm 1955, Trần Trịnh được gia đình gửi lên vừa học vừa làm tại Nha Kiến Trúc Đà Lạt. Qua năm 1957, ông thi hành nghĩa vụ quân dịch khóa đầu tiên là khoá Ngô Đình Diệm tại Trung Tâm Huấn Luyện Quang Trung. Đánh dấu cho dịp này, ông đã viết bài Đôi Mươi, do Anh Ngọc trình bày lần đầu tiên.
 
Trần Trịnh đã phục vụ 2 tháng ở liên đoàn A và 2 tháng ở liên đoàn B và sau đó vào phục vụ trong ban văn nghệ Trung Tâm Huấn Luyện Quang Trung cho đến khi về. Trong thời gian đó, ông đã phổ nhạc cho bài thơ Hai Sắc Hoa Ti-Gôn. 
 
Sau khi được trở về nguyên quán vào năm 58, Trần Trịnh thực hiện giấc mơ của mình khi ghi tên theo học với thần tượng âm nhạc của ông là sư huynh Rémi, tiến sĩ âm nhạc ở Rome và cũng là tác giả nhạc hiệu của Institution Taberd. 
 
Khi học tại trường, khi học tại cư xá của các sư huynh dòng La San tại Thanh Đa, Trần Trịnh đã được huấn luyện về âm nhạc trong suốt 9 năm trời – từ năm 58 đên năm 67 – nên đã có được một căn bản vững vàng về nhạc pháp cũng như về nghệ thuật sử dụng piano.  
 
Và tuy đã thi hành xong nghĩa vụ quân dịch, nhưng với lòng mê thích âm nhạc, Trần Trịnh vẫn tình nguyện tham gia vào những công tác văn nghệ của Trung Tâm Huấn Luyện Quang Trung trong mục đích ủy lạo các binh sĩ.  Cũng với  ban văn nghệ này, Trần Trịnh đã gặp Nhật Ngân 7 năm sau đó khi nhạc sĩ này thi hành quân dịch ở đây.
 
Vào những năm học nhạc cuối cùng với sư huynh Rémi, Trần Trịnh đã bắt đầu đi tìm việc làm tại các phòng trà trong vai trò nhạc công sử dụng piano. Sở dĩ ông chọn phòng trà là do ảnh hưởng từ khi còn nhỏ đã bị tiêm nhiễm nhạc dancing và thuộc rất nhiều nhạc khiêu vũ trong thời gian gia đình ông cư ngụ gần vũ trường Au Vieux Cambodge bên Khánh Hội.
 
Khởi đầu cuộc đời một nhạc công, Trần Trịnh cộng tác với một phòng trà nhỏ tên Lệ Liễu. Sau đó ông bước chân đến với phòng trà Bồng Lai.  Và dần dần được mời cộng tác với tât cả những phòng trà và vũ trường khác tại Sài Gòn.
 
Nhận biết được khả năng âm nhạc của Trần Trịnh sau suốt một thời gian dài cộng tác với ban văn nghệ, đại úy Quốc Hùng, trưởng ban văn nghệ Trung Tâm Huấn Luyện Quang Trung đã vận động xin được cho ông một chương trình ca nhạc trên đài truyền hình Việt Nam vào năm 67, sau khi sư huynh Rémi qua đời.  
 
Từ đó Trần Trịnh trở thành nhạc trưởng của ban văn nghệ Đống Đa, cùng với ban Vũ Thành và Tiếng Tơ Đồng là 3 ban văn nghệ truyền hình có giá trị nhất vào giai đoạn đó. Riêng ban Đống Đa của Trần Trịnh đã qui tụ được trên 50 nhạc sĩ và một ban hợp ca trên 100 thành viên.
 
Đến năm 68, nhạc sĩ Trần Trịnh được một người bạn là một nhạc sĩ sử dụng kèn giới thiệu với thi sĩ  Hà Huyền Chi, lúc đó đang phục vụ ở phòng báo chí cục Tâm Lý Chiến trong giai đoạn cắm trại 100% sau biến cố Mậu Thân. Hai người nói chuyện với nhau suốt sáng. Và trong một lúc, Trần Trịnh đã lục trong số những bản nhạc do ông sáng tác ra một bản nhạc, sau này trở thành nổi tiếng là Lệ Đá do Hà Huyền Chi viết lời…
 
Được biết Trần Trịnh cũng đã nhập ngũ từ năm 65 và phục vụ tại đài phát thanh Quân Đội thuộc phòng Tâm Lý Chiến. Ông đã không gia nhập khóa sĩ quan để xin được phục vụ tại đây với điều kiện được chơi nhạc tại phòng trà và vũ trường vào buổi tối…
 
Trong một lần tham gia công tác văn nghệ tại Bình Long vào năm 1964, Trần Trịnh quen với Mai Lệ Huyền, lúc đó là thành viên trong ban văn nghệ của tỉnh do nhạc sĩ Bắc Sơn làm trưởng ban.  
 
Thời kỳ này Mai Lệ Huyền theo thân phụ sống ở Bình Long vì gia đình chị sở hữu một số đồn điền ở đây ngoài ngôi nhà ở Sài Gòn. Sau khi trở về, hai người thư từ qua lại với nhau và đi dần đến những tình cảm đậm đà.  
 
Trần Trịnh sau đó đề nghị Mai Lệ Huyền về Sài Gòn sống để được gần gũi nhau hơn. Mai Lê Huyền nhận lời. Và chỉ một thời gian ngắn sau tình yêu giữa hai tâm hồn nghệ sĩ đã chuyển thành tình vợ chồng cũng trong năm 1964. Họ có với nhau một con gái tên Lê Trinh, sinh năm 1965, hiện là một ca sĩ ở Sài Gòn.
 
Sau khi thành vợ chồng, Trần Trịnh đã giới thiệu Mai Lệ Huyền đi hát ở tất cả những phòng trà và vũ trường ông cộng tác, cũng khởi đầu với phòng trà Lệ Liễu. Nhận thấy giọng hát của Mai Lệ Huyền thích hợp với thể loại nhạc tươi vui nên sau đó ông đã cùng với nhạc sĩ Nhật Ngân sáng tác một thể loại nhạc kích động để vợ mình trình bầy cùng với Hùng Cường như Gặp Nhau Trên Phố, Vòng Hoa Yêu Thương, Hai Trái Tim Vàng, vv…

Hùng Cường & Mai Lệ Huyền

Và chính nhờ ở những nhạc phẩm Trần Trịnh vừa kể được ký dưới tên Trịnh Lâm Ngân, cặp song ca kích động nhạc Hùng Cường-Mai Lệ Huyền đã gặt hái được những thành công đáng kể để được mệnh danh là “Cặp Sóng Thần”, một thời làm mưa làm gió trên các sân khấu đại nhạc hội ở Sài Gòn.

Sau hơn 10 năm sống bên nhau, Mai Lệ Huyền đã từ giã chồng con ra đi vào tháng 4 năm 75, trong khi ông không thể đi cùng để bỏ lại song thân đã cao tuổi, cũng là hai người đã nuôi đứa cháu nội từ khi mới lọt lòng. Hai người coi như xa nhau từ đấy.
 
Hai năm sau khi rời khỏi Việt Nam, Mai Lệ Huyền viết thư về cho con gái, đại ý khuyên Trần Trịnh bước thêm một bước nữa trong khi chị cũng đã đi đến quyết định như vậy.
 
Vào năm 1977, Trần Trịnh lập gia đình lần thứ hai.  Người vợ sau của ông đã cho ông 3 người con trai. Nhưng chả may người con đầu bị thiệt mạng trong một lần đi tắm sông với bạn bè khi mới được 17 tuổi. 
 
Người con thứ nhì của vợ chồng nhạc sĩ Trần Trịnh năm nay 24 tuổi hiên đang phục vụ trong binh chủng hải quân Hoa Kỳ, có khả năng sử dụng kèn trumpet. Trong khi người con út năm nay 22 tuổi cũng rất thích nhạc nhưng không có khuynh hướng đi theo con đường của bố.
 
Sau biến cố tháng 4 năm 75, Trần Trịnh không còn mấy quan tâm đến công việc sáng tác. Ông chỉ chú trọng đến việc cộng tác với hết đoàn hát này đến đoàn cải lương hay gánh xiệc khác để mưu sinh.  
 
Khởi đầu, ông cộng tác với đoàn cải lương Cửu Long cùng với tay trống Phùng Trọng và vài nhạc sĩ khác. Liên tiếp nhiều năm sau, ông đã đàn piano cho rất nhiều đoàn khác trong những chuyến lưu diễn liên miên tại khắp các tỉnh ở Việt Nam. 
 
Mãi đến năm 1982, khi các phòng trà được phép hoạt động trở lại, ông mới quay về Sài Gòn làm nhạc trưởng tại phòng trà Đệ Nhất Khách Sạn là nơi ông đã từng giữ vai trò then chốt về chương trình từ khi mới khai trương vào đầu thập niên 70.  Đây có thể coi như một ban nhạc có một thành phần đông đảo nhất với 11 nhạc sĩ.
 
Liên tục đóng đô tại phòng trà (sau là vũ trường) Đệ Nhất Khách Sạn suốt gần 10 năm, Trần Trịnh sang cộng tác với vũ trường Maxim’s vào năm 1991.  
 
Nhưng sau hơn 3 năm, ông đã xin nghỉ khi bị tai nạn khi ông đang chạy trên một chiếc xe gắn máy khiến ông bị thương nặng ở chân. Do tai nạn đó, đến nay Trần Trịnh vẫn cần phải dùng gậy trong việc đi đứng. 
 
Sau khi tĩnh dưỡng 6 tháng, vợ chồng Trần Trịnh cùng 2 con lên đuờng sang Mỹ theo diện ODP vào tháng 10 năm 1995 bằng sự bảo lãnh của người chị ruột ông là vợ của cố giáo sư Nguyễn Đình Hòa, được biết đến như một phụ nữ Việt Nam đầu tiên sinh con trên đất Mỹ vào năm 1952, từng được báo chí Mỹ thời đó đề cập tới.
 
Nhưng chỉ sau 3 tháng ở với gia đình người chị ở San Francisco, gia đình Trần Trịnh quyết định dời xuống Orange County. Một mặt không muốn là một gánh nặng cho vợ chồng người chị, lúc đó đã lớn tuổi cùng với tình trạng sức khoẻ không được khả quan. 
 
Mặt khác, môi trường hoạt động âm nhạc của Trần Trịnh sẽ có cơ hội phát triển hơn ở nơi được coi là thủ đô của ca nhạc Việt Nam hải ngoại.
 
Nhưng thật sự hoạt động của ông chỉ duy trì được một tầm mức trung bình trong thời gian đầu, khi mà ông còn kiếm được lợi nhuận nhờ làm hoà âm cho một số trung tâm nhạc ở nam California. 
 
Nhưng chỉ một thời gian sau, khi tình trạng băng đĩa từ Việt Nam càng ngày càng đổ qua ào ạt khiến nhiều trung tâm nhạc cũng như nghệ sĩ độc lập phải chùn bước trước trước sự cạnh tranh đáng ngại này. Bởi vậy, khả năng âm nhạc của ông cũng đã không còn được sử dụng.
 
Tài năng ấy bây giờ chỉ nhắm vào việc hoạt động trong một ban nhạc có tên là The Stars Band gồm một số nhạc sĩ lớn tuổi, hợp nhau lại để trình diễn trong những sinh hoạt có tính cách cộng đồng.

Nhạc Sĩ Nguyễn Hiền (accordeon), Nhạc Sĩ Trần Trịnh (keyboard) và ban nhạc The Stars Band: Eric, Trần Minh, Châu Hiệp, Lý Văn Quý, Phạm Gia Cổn, Thanh Hùng. Photo: CoThomMagazine.com

Ngoài Trần Trịnh, The Stars Band còn có các ca nhạc sĩ Quang Anh, Thanh Hùng, Phạm Gia Cổn (cũng là một vị võ sư!), vv… Không kể trước đó còn có nhạc sĩ Ngọc Bích cùng sự tham gia đặc biệt của nhạc sĩ  Nguyễn Hiền, mà nay cả hai đã vĩnh viễn ra đi.
Hiện nay Trần Trịnh chỉ chú tâm vào việc nghiên cứu nhạc để viết cho ban Stars Band trình diễn. Kết quả là nhạc phẩm mang tên Stars Band của ông đã được một trung tâm nhạc của Mỹ thu thanh trên một CD và mới tung ra thị trường vào tháng 11 năm 2006…
 
Gần đây, một nhạc phẩm hoà tấu do ông là tác giả cũng đã được trung  tâm nhạc HillTops của Hoa Kỳ ở Hollywood thu vào CD đã được phát hành rộng rãi khắp nơi.  Đó là nhạc phẩm mang tựa đề Forget Me Not.
 
Cuộc sống hiện nay của Trần Trịnh tương đối vất vả, nhất là vợ ông lại mang một căn bệnh hiểm nghèo, tưởng đã không qua khỏi sau khi giải phẫu vào tháng 6 năm 2006 vừa qua. Tuy vậy Trần Trịnh không tỏ ra bi quan, ngoài việc lo âu những điều không may xẩy ra với ông và gia đình…
 
Tuy không còn nhiều hứng thú trong việc sáng tác, nhưng gần đây Trần Trịnh đã bất chợt tìm lại được nguồn rung cảm khi được thưởng thức lại bài thơ ông từng học thời trung học là La Dernière Feuille của thi sĩ Théophile Gauthier do người con nuôi ông tình cờ tìm thấy.  Liền sau đó, ông đã phổ thành ca khúc bài thơ bất hủ này…
 
Đối với Trần Trịnh, La Dernière Feuille tức Chiếc Lá Cuối Cùng cũng chính là nhạc phẩm cuối cùng trong cuộc đời sáng tác của ông.  Nhưng dòng nhạc của riêng ông cũng như của Trịnh Lâm Ngân vẫn sẽ mãi được coi là một dòng nhạc đã có những đóng góp đáng kể cho nền tân nhạc Việt Nam.  
 
Đó là chưa kể ngón đàn dương cầm của ông khó có thể phai mờ trong tâm hồn những khách quen thuộc trong thời kỳ vàng son của vũ truờng Sài Gòn ngày nào…

[footer]

Vĩnh biệt nhạc sỹ Trần Trịnh (1937-2012)

Trần Trịnh | Vĩnh biệt || 18/10/2012 | Sài Gòn | [dongnhacxua.com] || [facebook] [googleplus]

[dongnhacxua.com] xin gởi lời chia buồn sâu sắc đến gia quyến của nhà nhạc sỹ đáng kính của chúng ta. Mong linh hồn ông mau về cõi vĩnh hằng!

Source: CoThomMagazine

[footer]