Ngày xuân cùng Giáo sư Trần Văn Khê về với âm nhạc dân tộc

Nhân dịp xuân về, Dòng Nhạc Xưa mời quý vị và các bạn dành chút ít thời gian tìm hiểu về âm nhạc dân tộc cùng với cố Giáo Sư -Tiến Sỹ Âm Nhạc Trần Văn Khê.

 

Giáo sư Trần Văn Khê – ngọn hải đăng âm nhạc cổ truyền Việt Nam

(Nguồn: bài viết của tác giả Trần Chí Phúc đăng trên sbtn.tv ngày 2015-06-26)

Đi Chùa Hương (Trần Văn Khê)

Hầu hết chúng ta biết đến nhạc sỹ Trần Văn Khê qua âm nhạc dân tộc. Trong bài viết này, để người yêu nhạc xưa có cái nhìn đa diện hơn về nhà nhạc sỹ tài hoa , [dongnhacxua.com] xin giới thiệu một trong những bản tân nhạc hiếm hoi (có lẽ là sáng tác đầu tay) của nhà nhạc sỹ tài hoa: bản “Em đi chùa Hương” theo ý thơ Nguyễn Nhược Pháp.

Đi chùa Hương. Ảnh: asobi.vn
Đi chùa Hương. Ảnh: asobi.vn

‘ĐI CHÙA HƯƠNG’ CỦA TRẦN VĂN KHÊ
(Nguồn: website của nhạc sỹ Trần Quqng Hải, con trai của nhạc sỹ Trần Văn Khê)

Nhật Hoa Khanh phỏng vấn, Úc Châu, trang Thơ Nhạc đầu tháng 1-3-2011

(17/2/2011)
Suốt gần 60 năm nay, bài thơ Chùa Hương (tác giả Nguyễn Nhược Pháp) sau khi được nhạc sĩ Trần Văn Khê phổ nhạc toàn bài, ngày càng nổi lên trên văn đàn và trên sân khấu. Bài thơ Chùa Hương của Nguyễn Nhược Pháp được Trần Văn Khê phổ nhạc toàn bài và lấy tên là Đi Chùa Hương.

** Thưa GS nhạc sĩ, ông đã từng gặp nhà thơ Nguyễn Nhược Pháp lần nào chưa?

– Tôi chưa bao giờ gặp nhà thơ nổi tiếng Nguyễn Nhược Pháp mà chỉ đọc những bài thơ của ông trong cuốn Thi nhân Việt Nam của Hoài Thanh, Hoài Chân mà thôi.

** Vì sao ông lại phổ nhạc toàn bộ bài thơ Chùa Hương của Nguyễn Nhược Pháp?

– Đó là năm 1946, khi đang lánh nạn ở Lộc Ninh, ban đầu tôi chưa hề có ý định, nhưng vì rất thích nên tôi đã đọc bài thơ đó nhiều lần. Tôi thường hay ngâm thơ nên ban đầu có ý ngâm bài thơ, nhưng vì là thể thơ ngũ ngôn, có rất nhiều đoạn khó. Vì thế tôi thấy rằng làm như vậy không hấp dẫn bằng có nhiều đoạn mình ngâm “theo kiểu mới”. Một hôm, khi chuyển qua ngâm thơ theo điệu mới, một vài nét nhạc thoáng qua đầu, trong 10 ngày, tôi ghi lại những đoạn tâm đắc, lúc đó mới nghĩ đến việc ký âm lại cho dễ nhớ và từ đó bắt đầu phổ nhạc.

** Xin GS kể chi tiết một số đoạn xử lý với bài thơ độc đáo này?

– Tôi không phải là nhạc sĩ sáng tác, nhưng lúc đàn piano phụ họa theo tiếng ngâm của mình, tôi bắt đầu bằng gam Pha trưởng, rồi nhiều đoạn chuyển sang gam Rê thứ, chỉ có lúc cuối cùng, do tình cảm nhớ thương da diết nên tôi chuyển sang ngâm theo phong cách Sa mạc, nhưng cũng dựa theo gam Rê thứ. Lúc đó, tôi cũng định ghi nhạc để hát chơi cho các bạn nghe chớ không định phổ nhạc một bài thơ.

** Hành trình tiếp theo của cuộc đời bài hát, thưa GS?

– Người đầu tiên tôi đưa bài phổ nhạc là nhạc sĩ Lê Thương, bạn rất thích. Khi tôi chuẩn bị sang Pháp thì Lê Thương gởi thư nói rằng nến không giới thiệu với công chúng thì rất uổng. Lê Thương đã nhờ ca sĩ Mộc Lan học thuộc lời và giới thiệu trong một buổi hoà nhạc có nhiều bạn bè của ông, lúc đó tôi đang ở Pháp.

Sau đó, NXB Tinh Hoa, qua giới thiệu của Lê Thương, đã viết thư yêu cầu tôi cho phép xuất bản bài Đi Chùa Hương. Lúc đó tôi đang bịnh, đang nhập viện nên rất cần tiền. NXB bằng lòng trả tiền tác giả để in lần đầu khoảng 2000 bản và không lâu sau, báo tin đã bán hết và xin tái bản lần hai, đồng thời gửi đầy đủ tiền tác quyền sang Pháp cho tôi. Lúc đó, đồng VN bằng 17 franc cũ. Nhờ tiền tác quyền, tôi sống bình yên 4 tháng trời tại Paris! Lê Thương còn cho biết, Mộc Lan cũng trình bày bài đó trên Đài phát thanh Pháp á. Rồi bên nhà báo sang là Thái Thanh cũng hát. Nhưng tôi không nhận được bản ghi âm nào. Sau này, tôi biết bên Mỹ cũng có vài ca sĩ giới thiệu bài Đi Chùa Hương, trong đó có ý Lan – con gái Thái Thanh – đã thu được nhiều kết quả. Khi về nước làm việc, tôi được Thanh Lan tặng một cuốn băng video ghi lại bản nhạc Đi Chùa Hương rất đầy đủ. Trong các nghệ sĩ hát bài này, có Hồng Vân là thuộc hết bản nhưng chỉ thường giới thiệu trích đoạn chứ không hát cả bài.

** Những năm 50, 60 ở VN, những năm 90 ở hải ngoại, nhiều nữ danh ca đã thể hiện Đi Chùa Hương với những giọng truyền cảm sâu sắc. GS thích nhất giọng nào?

– Tiếc rằng tôi không được diễm phúc nghe tận tai tất cả các ca sĩ hát bài này. Đến nay tôi chỉ còn nhớ giọng của ý Lan mà tôi được một người bạn bên Mỹ cho nghe qua điện thoại. Giọng của Thanh Lan, tôi cũng còn nhớ rõ vì có cuộn băng. Hồng Vân thì đã rất nhiều lần hát tặng tôi ở những buổi họp mà tôi có mặt…

* Nhạc sĩ Lê Thương, tại TpHCM, đã nói với tôi: Chùa Hương là bai thơ dài thấm đẫm hồn dân tộc trong thể thơ và nội dung, trong lời thơ. Nhạc sĩ Trần Văn Khê đã phổ nhạc thành công bài thơ dài và độc đáo đó. GS suy nghĩ thế nào về nhận định này?

– Bạn tôi vì quá ưu ái mà có lời khen tặng như vậy. Về mặt nhạc học, lẽ tất nhiên là Lê Thương rất sành sỏi nên lời nhận xét đó không xa với thực tế. Nhưng tôi vẫn không dám nhận tất cả những lời khen của bạn, vì tôi không phải là nhạc sĩ sáng tác chuyên môn để có được những quan điểm sâu sắc về cách phổ nhạc.

** GS có nhớ lần đầu tiên ra Hà Nội và lần đầu tiên thăm chùa Hương?

– Tôi đi chùa Hương lần đầu lúc đang học trường Y tại Hà Nội năm 1942. Về sau được đọc bài thơ Chùa Hương của Nguyễn Nhược Pháp thì bao nhiêu cảnh đẹp chùa Hương mà tôi đã được thấy, như hiện rõ trong câu thơ và nhờ đó mà bản phổ nhạc được nhiều bạn yêu thích

Năm 1976, nhạc sĩ Đỗ Nhuận tổ chức cho tôi đi viếng chùa Hương cùng GS Nguyễn Hoán và phu nhân, Võ Thị Tri Túc, và con trai của hai bạn là cháu Cảnh. Tôi thật bồi hồi! Không gian cũ hiện lên, cùng với những cảm xúc vẫn nguyên vẹn trong lòng, tất cả như còn tươi mới!

** Chân thành cảm ơn GS nhạc sĩ Trần Văn Khê

[footer]

Vĩnh biệt Giáo sư – Nhạc sỹ Trần Văn Khê

Rạng sáng hôm nay, ngày 24.06.2015, nền tân nhạc Việt Nam chứng kiến một mất mác to lớn khi vĩnh biệt Giáo sư – Nhạc sỹ Trần Văn Khê, một trong những cây đại thụ của nền âm nhạc dân tộc. [dongnhacxua.com] xin mượn bài viết này để tri ân những đóng góp to lớn, những nỗ lực không mệt mỏi cho âm nhạc dân tộc và cầu chúc linh hồn ông mau an nghỉ chốn vĩnh hằng.

GS.TS. Trần Văn Khê diện Âu phục, sử dụng đàn cò - Ảnh chụp năm 1952 mà Trần Văn Khê rất trân quý vì là kỷ niệm của ông với người bạn tại Viện dưỡng lao sinh viên Aire sur l'Adour tại Pháp. Ảnh: PhuNuOnline.com.vn
GS.TS. Trần Văn Khê diện Âu phục, sử dụng đàn cò – Ảnh chụp năm 1952 mà Trần Văn Khê
rất trân quý vì là kỷ niệm của ông với người bạn tại Viện dưỡng lao sinh viên Aire sur l’Adour tại Pháp. Ảnh: PhuNuOnline.com.vn

GIÁO SƯ TRẦN VĂN KHÊ QUA ĐỜI 
(Nguồn: Thanh Niên ngày 24.06.2015)

(TNO) Mặc dù được các bác sĩ tận tình cứu chữa nhưng GS-TS Trần Văn Khê đã vĩnh viễn ra đi vào lúc 2 giờ 55 phút hôm nay 24.6. Ông thọ 94 tuổi.

GS-TS Trần Văn Khê xuất hiện tại một triển lãm ảnh năm 2013 - Ảnh: Độc Lập
GS-TS Trần Văn Khê xuất hiện tại một triển lãm ảnh năm 2013 – Ảnh: Độc Lập

Theo thông tin từ Bệnh viện Nhân dân Gia Định (TP.HCM), GS-TS Trần Văn Khê đã qua đời vào rạng sáng nay. Trước đó, ông nhập viện điều trị tại đây từ ngày 27.5.

Chia sẻ với Thanh Niên Online, bác sĩ Hồ Văn Hân – Phó phòng Kế hoạch tổng hợp Bệnh viên Nhân dân Gia Định cho biết GS-TS Trần Văn Khê tuổi cao lại mang trong người nhiều chứng bệnh nội khoa phối hợp về tim, phổi, thận trong đó nặng nhất là viêm phổi. Trước đây, ông từng nhiều lần ra vào bệnh viện để điều trị nhưng đây là lần nặng nhất.

Trong những ngày nằm viện, giáo sư nằm tại khoa Hồi sức đặc biệt, điều trị cách ly. Người trực tiếp chỉ đạo điều trị cho GS-TS Trần Văn Khê là PGS-TS Hoàng Quốc Hòa – Giám đốc Bệnh viện Nhân dân Gia Định.

Theo ghi nhận của Thanh Niên Online, những ngày trước, GS-TS Trần Văn Khê vẫn nhận biết được khi con cháu vào thăm. Thậm chí, ông chảy nước mắt xúc động khi có một người cháu nắm tay và hôn lên trán ông.

Túc trực tại bệnh viện để chăm sóc giáo sư là người giúp việc Nguyễn Thị Na, người đã tận tình chăm sóc ông suốt 10 năm nay. Bên cạnh đó, các con của ông (hiện sống ở nước ngoài) cũng đã về VN để gần gũi, chăm sóc ông những ngày qua.

GS-TS Trần Văn Khê - Ảnh: Độc Lập
GS-TS Trần Văn Khê – Ảnh: Độc Lập

Người thân cho biết trước khi ra đi, ông đã sắp đặt mọi chuyện hậu sự của chính mình. Theo bản di nguyện của giáo sư (được người nhà cung cấp cho Thanh Niên), chủ tang sẽ là con trai trưởng của ông, GS-TS Trần Quang Hải. Bên cạnh đó còn có một tiểu ban tang lễ gồm: nhà văn – nhà báo Nguyễn Đắc Xuân, ông Trần Bá Thùy và bà Lý Thị Lý.

Dù không theo một tôn giáo nào nhưng Giáo sư Trần Văn Khê mong muốn được an táng theo nghi thức Phật giáo. Ban nhạc lễ do nhạc sĩ Nhất Dũng phụ trách. Ngoài ra còn có một dàn nhạc đờn ca tài tử gồm những bạn thân đồng điệu và môn sinh của GS-TS Trần Văn Khê, sẽ hòa tấu một buổi đặc biệt trong tang lễ.

Cũng theo ước nguyện của GS-TS Trần Văn Khê, linh cữu của ông sẽ được quàn tại tư gia (số 32 Huỳnh Đình Hai, P.24, Q.Bình Thạnh, TP.HCM) trong thời gian từ 1 tuần lễ cho đến 10 ngày để các con, các cháu, bạn bè thân thuộc ở xa có thời gian về kịp dự tang lễ.

Thủ bút của GS-TS Trần Quang Hải cho phép PV Thanh Niên sử dụng Bản di nguyện của GS-TS Trần Văn Khê làm tư liệu cho bài viết. Ảnh: ThanhNien.com.vn
Thủ bút của GS-TS Trần Quang Hải cho phép PV Thanh Niên sử dụng Bản di nguyện của GS-TS Trần Văn Khê làm tư liệu cho bài viết. Ảnh: ThanhNien.com.vn

Chi phí tang lễ sẽ được sử dụng từ tiền mặt của giáo sư và trích từ sổ tiết kiệm của ông tại VN. Ngoài ra, ông mong muốn tiền phúng điếu có thể dùng để lập một quỹ học bổng hoặc giải thưởng Trần Văn Khê để hằng năm phát cho người được giải thưởng nghiên cứu về âm nhạc truyền thống VN.

Bên cạnh đó, ngôi nhà mà ông ở khi còn sống tại VN sẽ được sử dụng để làm Nhà lưu niệm Trần Văn Khê. Trong bản di nguyện, ông bày tỏ mong muốn những thủ tục vào đọc sách, tham khảo tư liệu tại Thư viện Trần Văn Khê được dễ dàng cho những người đến thư viện đọc và nghiên cứu.

Ngoài ra, ông cũng không quên người đã tận tình giúp việc cho ông trên 10 năm là bà Nguyễn Thị Na. Theo ông, bà Na đã tự tay chăm sóc ngôi nhà này và biết rất rõ những sinh hoạt của ông trong căn nhà này. Vì thế, ông mong muốn bà Na sẽ được tiếp tục ở lại giúp cho người quản lý Nhà lưu niệm Trần Văn Khê sau này.

Những di nguyện đầy tính nhân văn, thấm đẵm nghĩa tình với những người xung quanh của GS-TS Trần Văn Khê đã khiến nhiều người không khỏi xúc động…

GS-TS Trần Văn Khê là cây đại thụ của nền âm nhạc Việt Nam và thế giới. Ông sinh năm 1921 tại làng Vĩnh Kim, tỉnh Mỹ Tho (nay là tỉnh Tiền Giang). 6 tuổi ông đã biết chơi đàn kìm, 8 tuổi biết chơi đàn cò, 12 tuổi biết đàn tranh, đánh trống nhạc.

Sau khi sang Pháp du học (năm 1949), ông là người Việt Nam đầu tiên đậu tiến sĩ khoa Âm nhạc học vào năm 1958, với luận án Âm nhạc truyền thống Việt Nam. Ông nguyên là giáo sư Trường đại học Sorbonne (Pháp), thành viên danh dự Hội đồng quốc tế âm nhạc – UNESCO.

Trở về nước vào năm 2006, GS-TS Trần Văn Khê được cấp cho căn nhà tại số 32 Huỳnh Đình Hai (quận Bình Thạnh, TP.HCM). Đây cũng trở thành nơi để giáo sư tổ chức các buổi sinh hoạt về âm nhạc dân tộc.

Những năm gần đây, mặc dù đã bước vào tuổi “xưa nay hiếm”, phải di chuyển bằng xe lăn nhưng tâm huyết mà GS-TS Trần Văn Khê dành cho âm nhạc dân tộc vẫn không thay đổi. Dù tuổi cao, sức yếu nhưng ông vẫn thỉnh thoảng xuất hiện trong những chương trình hay những buổi nói chuyện về âm nhạc dân tộc. Buổi chia sẻ gần nhất của ông là vào ngày 25.5, trước khi giáo sư ngã bệnh.

Theo chia sẻ từ một số người thân thiết, mặc dù ở tuổi 94, mắt kém nhưng ông vẫn không ngừng làm việc với tâm niệm hệ thống hóa lại kho tư liệu về âm nhạc dân tộc cho thế hệ sau.

Giáo sư cũng là người sống nghĩa tình. Ông sống gần gũi với những người chăm sóc ông suốt nhiều năm qua. Ông còn là người thầy đáng kính của nhiều thế hệ học trò. Khi ông ngã bệnh, nhìn cách săn sóc hết lòng của những người thân thiết, sự lo lắng của các người học trò cũ hay những cuộc hỏi thăm liên tục về bệnh tình giáo sư cũng nói lên được phần nào tình cảm của mọi người dành cho cây đại thụ của nền âm nhạc dân tộc.

[footer]