Người Đẹp Và Suối Tóc

Mái tóc của phái đẹp từ lâu đã đi vào dòng nhạc xưa qua nhiều sáng tác bất hủ. Hôm nay, Dòng Nhạc Xưa xin mạn phép đăng lại bài viết có giá trị của ca sỹ Quỳnh Dao.

Ảnh: kontumquetoi.com
Ảnh: kontumquetoi.com

NGƯỜI ĐẸP VÀ SUỐi TÓC
(Nguồn: dactrung.com)

Một thương tóc xõa đuôi gà
Hai thương ăn nói mặn mà có duyên
Ba thương má lúm đồng tiền
Bốn thương đôi mắt như sao hiền mùa thu…

Chúng ta đều biết Đông và Tây ít khi gặp nhau và người Việt mình khác dân Tây phương về nhiều lĩnh vực. Chuyện ấy lý luận cả tháng chắc cũng không hết. Trong mục tạp ghi hôm nay, người viết chỉ dám đề cập đến cái rất riêng trong những cái chung của hai thế giới. Cái chung là Đông Tây gì thì cũng yêu cái đẹp và thích ca tụng vẻ đẹp. Cái riêng là cách tán tụng vẻ đẹp. Nói cho “huy hoàng” vào ngày cuối năm thì sự dị biệt của người mình và người ngoại quốc chính là “mỹ quan”.

Bảo rằng huy hoàng để cho vui thôi chứ người ta có nhiều cách so sánh chuyện riêng và chung của hai nếp văn hoá, trong khi Quỳnh Giao chỉ dám thu hẹp vào một lĩnh vực nhỏ xíu… bằng sợi tóc. Đó là những khúc tình ca viết về mỹ nhân với suối tóc.

Ngẫm lại thì nhạc ngoại quốc có lời từ ca tụng nhiều nhất là đôi mắt, ngay sau đó tới… thân hình. Còn các nhà thơ và giới sáng tác của chúng ta chỉ cần mê đôi mắt và.. tụng mái tóc thì “cũng đủ lãng quên đời”. Hèn chi mà Đinh Hùng viết “một sợi tóc đủ làm nên mê hoặc….”

Vì vậy, xin nói về mái tóc trong các nhạc khúc xa xưa.

Từ thuở phôi thai của nền tân nhạc, Thẩm Oánh có bài “Suối Huyền” nhịp Slow, viết theo giai điệu Hạ Uy Di, nghe lả lướt óng chuốt, tiếc là đã lâu không còn ai hát lại nữa. Người viết thì còn nhớ hình bìa in ảnh cô Tâm Vấn với mái tóc dài, dợn sóng và khóe mắt hồ thu. Cũng theo lời thân mẫu kể lại thì ông viết để tặng mái tóc nổi tiếng ấy.

Suối huyền, lả buông làn tóc
Thướt tha, óng chuốt uốn lưng ong…

Nhớ lại thì cả Thẩm Oánh và Văn Phụng đều cùng thấy mái tóc óng mượt chảy xuôi như môt dòng suối.

Suối Tóc (Văn Phụng – Thy Vân).

Khi kết duyên cùng Châu Hà, nhạc sĩ Văn Phụng viết bài “Suối Tóc”, với lời của Thy Vân. Ca khúc có nét tân kỳ quý phái với điệu Boston dìu dặt như nhịp bước của đôi tình nhân. Không biết tác giả có lời yêu cầu với ông Thy Vân không, mà lời ca thì rõ là để tả mái tóc thời ấy của cô Châu Hà. Buông dài đến tận lưng, mầu nâu nhạt óng ả. Cho đến nay, ca khúc này vẫn còn được hát, đơn ca hay song ca, tam ca đều hay. Và dĩ nhiên người hát bài này tình tứ nhất là Châu Hà. Chứ còn ai nữa!..

Tìm cho thấy liễu xanh xanh lả lơi
Hay đi tìm dòng suối tóc trên vai…

Cũng có khi ca dao được dùng làm tựa đề như bài “Tóc Mai Sợi Vắn Sợi Dài” của Phạm Duy một thời được những người con trong gia đình là ban Dreamers hát hằng đêm tại phòng trà Ritz. Như các tình ca khác của Phạm Duy, đến nay bài này vẫn thịnh hành. Cách hay nhất là song ca nam nữ.

Thuở ấy em vừa thôi kẹp tóc
Thuở ấy anh vừa thôi học xong
Yêu anh yêu anh em làm thơ
Yêu em yêu em anh soạn nhạc…

Nhạc sĩ Nguyển Hiền có nét nhạc bay bướm mềm mại và viết bài “Mái Tóc Dạ Hương” phổ thơ Đinh Hùng rất đạt. Nhịp Boston êm đềm và cung Trưởng trong sáng làm cho ca khúc dễ hát dễ nghe. Ngày xưa Thanh Lan hát bài này trong cassette của Phạm Mạnh Cương rất dễ thương.

Từ giã hoàng hôn trong mắt em
Tôi đi tìm những phố không đèn
Gió mùa thu sớm bao dư vị
Của chút ân tình hương tóc quen…

Cũng trong băng nhạc Phạm Mạnh Cương, Thanh Lan có hát bài “ Tóc Em Chưa Úa Nắng Hè”. Bài hát có tựa đề giống tên dịch từ một cuốn phim chiếu ở Sài Gòn thời 70.

Ca khúc này được Phạm Mạnh Cương viết trên cung Trưởng, nhịp Boston .

Em buông lơi tóc thề
Tình mình theo cơn lốc về
Em như mưa nắng hạ
Hôn bờ biển xanh sỏi đá…

Hồi còn làm nhân viên cho phòng kỹ thuật cho đài phát thanh Sài Gòn, nhạc sĩ Hoài Linh có sáng tác bài “Về Đâu Mái Tóc Người Thương”, thường được Thanh Thúy trình bầy và thính giả rất thích vì tưởng tượng ngay ra mái tóc rất đặc biệt của người nữ ca sĩ có nét đẹp rất Liêu Trai…

Hồn lỡ sa vào đôi mắt em
Chiều nao xoã tóc ngồi bên rèm…

Ra hải ngoại, Quỳnh Giao được nghe và thích bài “Tóc Mây”, về sau mới biết là của nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ. Bài này thường được các nhạc sinh học hát chọn để trình bầy, vì nét nhạc lên bổng xuống trầm thật thướt tha và lả lướt. Nhịp Slow chậm rãi trên cung Trưởng trong sáng. Người viết nghe nhiều version, nhưng thích nhất là giọng Thái Hiền khi diễn tả ca khúc này. Cô diễn tả được nét bơ vơ, phát âm rõ ràng tròn trịa và không cường điệu.

Như cánh hoa đêm đong đưa nụ tình
Gọi mời cơn gió hôn lá trên cao
Như cánh chim đêm bơ vơ một mình
Trời bao nhiêu gió tóc bao nhiêu tình…

Cũng ở hải ngoại , Thanh Trang của “Duyên Thề” sáng tác thêm nhiều ca khúc trữ tình đẹp cả từ lẫn nhạc. Bài anh viết về mái tóc phổ thơ Hà Nguyên Dũng có tựa đề rất nên thơ là “Tóc Em Vẫn Là Hương Của Mẹ”. Nét nhạc mang âm hưởng cổ kính của đất Thần Kinh.

Trời đang nắng bỗng mưa nào ai biết
Mưa ướt rồi mái tóc xoã phai hương
Anh yêu lắm mùi hương trên làn tóc
Em đi qua thơm ngát cả con đường…

Nhạc sĩ trong giới tubip Phạm Anh Dũng thường sáng tác tình ca, có bài “Tóc Thề Đi Đâu Mà Vội” phổ thơ Hoàng Lan Chi, nhịp Luân Vũ nhịp nhàng, êm ái. Hát lên là nhớ lại thuở mặc áo dài trắng đứng trong sân trường.

Em đi đâu mà vội
Nắng đã xếp hàng chưa?
Tóc còn bờ vai xõa
Cho ai lời hẹn xưa…

Chắc là còn nhiều lắm mà khuôn khổ một bài tạp ghi không cho người viết kể lể nhiều hơn. Người Tây phương ít khi rưng rưng chỉ vì một sợi tóc, chứ người Việt chúng ta lãng mạn mà kín đáo. Thương mái tóc là nhớ cả dáng người. Phải chăng vì mái tóc là biểu tượng của sự dịu dàng thơm tho, và cả nét đẹp của tâm hồn người yêu mái tóc nữa?

Nghĩ lại thì lối ca tụng cái đẹp tinh khiết và thánh thiện đó là một phong cách văn minh mà mình nên gìn giữ.

Xuân họp mặt (Văn Phụng)

Trên đường từ quê Ngoại ở Bến Tre quay trở lại Sài Gòn sau tết Giáp Ngọ 2014, chúng tôi có hỏi cô con gái nhỏ (mới 7 tuổi, đang học lớp một) về “điều gì làm con thích nhất mỗi khi về quê ăn tết?” Thật bất ngờ khi câu trả lời là “con được họp mặt và chơi với các anh chị”. (Xin mở ngoặc nói thêm ‘các anh chị’ ở đây là các anh chị họ, bé vẫn chưa có anh chị em ruột) Thật trùng hợp, trong thâm tâm của Dòng Nhạc Xưa chúng tôi, những người không còn trẻ, ngày xuân ngày tết cũng chính là những ngày của sự “họp mặt”: với ông bà, cha mẹ, các bạn thời niên thiếu, bà con chòm xóm và cả cô láng giềng. Cũng nhờ tinh thần “họp mặt” này mà dân tộc Việt Nam chúng ta vẫn còn giữ được nhiều nét văn hóa đặc trưng và đáng trân trọng như thế!

Mong sao truyền thống “xuân họp mặt” sẽ mãi trường tồn cùng quê hương Việt Nam của chúng ta, như một bản nhạc xuân nổi tiếng viết năm 1973 của cố nhạc sỹ Văn Phụng.

Xuân họp mặt (Văn Phụng). Ảnh: AmNhacMienNam.blogspot.com
Xuân họp mặt (Văn Phụng). Ảnh: AmNhacMienNam.blogspot.com
xuan-hop-mat--1--van-phung--dakto--amnhacmiennam--dongnhacxua.com
xuan-hop-mat--2--van-phung--dakto--amnhacmiennam--dongnhacxua.com
xuan-hop-mat--3--van-phung--dakto--amnhacmiennam--dongnhacxua.com

KHÔNG CÒN TẾT

(Nguồn: tạp văn của Lê Minh Nhật đăng trên Tuổi Trẻ Cuối Tuần)

Sáng mùng bốn, mẹ bưng cặp dưa hấu trên bàn thờ gia tiên xuống, mấy đứa cháu tròn mắt: Hết tết rồi hả ngoại? Ờ, người lớn thì hết nhưng con nít vẫn còn đến ra giêng.

Minh họa: Đức Trí
Minh họa: Đức Trí

Chưa chắc, con thấy người lớn thường ăn tết lâu hơn con nít. Đứa cháu nổi tiếng có năng khiếu lý sự lại “trở chứng vặn vẹo” đầu năm.

Những đứa con của mẹ, trễ nhất là chiều mùng hai chúng đã tề tựu đông đủ dưới mái nhà mà cách nay mấy chục năm trước chúng lần lượt được sinh ra. Chỉ năm đứa ban đầu, sau đó nhân lên gấp đôi khi dựng vợ gả chồng; cứ mỗi năm, trong số đó ít nhất lại “đóng góp” cho việc tăng dân số trên toàn cầu một cá thể. Tính đến cái tết này thì đã tăng gấp bốn lần so với nguyên trạng.

Chiếc bàn tròn giữa nhà không còn đủ chỗ ngồi cho tất cả nên mâm cơm sum họp phải dọn trên bộ ván gõ. Bộ ván mà khi còn sống cha đã mua với sự tiên đoán tài tình rằng: Con cháu của mình sau này ngồi xếp bằng trên đó là vừa đủ!

May là nhà nước giới hạn chỉ tiêu chứ cứ thả cửa như hồi trước thì chắc cả nhà mình phải ngồi bẹp ngoài sân mới đủ chỗ. Người anh cả thay chỗ cha ngồi so đũa xưa kia, sau khi “duyệt quân số” của đại gia đình, buông câu pha trò rồi phớt lờ câu hỏi của đứa cháu ưa lý sự: Thả cửa là sao hở cậu?

Sau mâm cơm sum họp, những đứa con của mẹ lại tản ra khắp xóm để thắp nhang cho những người vắng mặt: những ông chú, ông bác, bà cô… những nhà mà cách đây vài mươi năm chúng từng để lại đó ít nhiều kỷ niệm; hễ nhắc đến con của bà Hai là người ta nhắc ngay đến cái câu: con trai con gái gì cũng phá như quỷ sứ!

Những bạn cấy, những bạn chăn trâu, phát cỏ ngày xưa, không ít đứa đến cái tết này lại “bể kế hoạch”. Thằng nuôi vợ đẻ từ lúc giao thừa chắc cho đến hết mùng, đứa bụng đội lùm lùm thẹn thùng ra cửa đón khách với ba bốn đứa con loi nhoi lít nhít chạy theo í ới. Gì thì gì, mỗi nhà cũng phải “vào ba ra bảy” mới thấm thía hết cái tình quê sau cả năm dài phờ mặt ở quê người.

Thấm thía đến nỗi cứ mỗi lượt ghé vào một nhà là thể nào cũng phải “dằn cọc” lại một người trong cánh đàn ông. Giáp vòng xóm, lúc quay về chỉ còn những “mẹ sắp nhỏ” với một bầy con nít mặt mày phờ phạc, cố ghi lại trong đầu thứ bậc của những người mà mình khoanh tay thưa gởi suốt từ sáng sớm đến chạng vạng.

Cánh đàn ông “rơi rớt” đâu đó dọc đường, chỉ còn cánh phụ nữ nhưng cũng vẫn phải ghé vào một nhà cuối cùng, thoi loi trên ngọn kinh trước khi băng tắt ngả ruộng về. Nhà của bà mụ vườn duy nhất trong xóm. Tụi con bà Hai chính một tay tui đỡ chớ ai vô đây!

Bà mụ vườn không còn để nhắc đi nhắc lại cái câu ấy mỗi khi chống gậy ra ngoài cửa, đón những đứa trẻ không còn trẻ đến thăm mình vào mỗi dịp tết. Bà đã đi theo những người cùng thời với mình vào những tháng ngày cuối cùng lạnh giá chưa từng thấy của năm cũ.

Mới năm ngoái thôi, bà còn lụm cụm soạn bộ đồ nghề của mình khi ngoài ngõ vang tiếng gọi: Em dâu con chuyển dạ rồi bà ơi! Đau gần cả tiếng đồng hồ rồi, con đậu xuồng dưới bến đợi nè, nhanh nhanh lên. Rồi tiếng cười phá lên rộn ràng làm bà sực nhớ ra: mình đã giải nghệ kể từ khi có cái trạm y tế, trước cả lúc bà tay run chân yếu mắt mờ.

Đứa con gái xưa kia nổi tiếng quậy phá hơn con trai, rưng rưng khi nhắc lại kỷ niệm của mình với bà mụ vườn.

Tết mà toàn nhắc chuyện xưa, tụi con không hiểu gì hết!

Trẻ nhỏ cằn nhằn.

Trong mắt chúng, người lớn thật lạ lùng. Họ cứ chờ đến tết để đi tìm những thứ được gọi là kỷ niệm và nhắc nhớ nó một cách nâng niu trân trọng, mặc dù chúng vô hình và quên bẵng: suốt một thời gian dài họ đã bỏ lăn lóc chúng ở nơi nào đó.

Trẻ nhỏ không hay chính chúng cũng đang bắt đầu tích cóp và bắt đầu bỏ quên. Nhiều đứa trong số chúng cất kỹ đến nỗi có lẽ trong tương lai gần sẽ không tài nào tìm ra cho được.

Lưỡi dao vừa xắn vào trái dưa hấu là đã phát ra tiếng bụp nho nhỏ. Cả một màu đỏ tươi hiện ra như một điềm báo, một lời chúc tốt lành. Mẹ phân phát hết cho con cháu, dâu rể, mỗi đứa một miếng là vừa đủ; chỉ riêng mình mẹ ngồi ngắm đàn con hối hả ăn sợ trễ chuyến xe đò cuối ngày. Sau món quà tết này, chúng lại cồn cả ra đi như chính lúc sửa soạn quay về.

Ra khỏi ngõ quê mình, những đứa con ấy đã không còn tết nữa!

LÊ MINH NHẬT

[footer]