Bài bolero đầu tiên trong âm nhạc Việt (Vũ Đức Sao Biển)

Trong một bài viết trước đây, [dongnhacxua.com] đã giới thiệu bản “Nắng chiều” của nhạc sỹ Lê Trọng Nguyễn. Hôm nay, nhân dịp đầu Xuân Bính Thân 2016, chúng tôi mạn phép nhạc sỹ Vũ Đức Sao Biển để chia sẽ bài viết của anh đăng trên báo Xuân Thanh Niên năm nay về bài hát bất hủ này.

Nắng chiều (Lê Trọng Nguyễn). Ảnh: AmNhacMienNam.blogspot.com
Nắng chiều (Lê Trọng Nguyễn). Ảnh: AmNhacMienNam.blogspot.com

nang-chieu--1--le-trong-nguyen--amnhacmiennam.blogspot.com--dongnhacxua.com nang-chieu--2--le-trong-nguyen--amnhacmiennam.blogspot.com--dongnhacxua.com

BÀI BOLERO ĐẦU TIÊN TRONG ÂM NHẠC VIỆT NAM
(Nguồn: bài viết của nhạc sỹ Vũ Đức Sao Biển đăng trên tạp chí Thanh Niên Xuân 2016)

Một câu hỏi đặt ra là nhạc sĩ nào đưa dòng âm nhạc ấy vào nền âm nhạc Việt để viết bài bolero đầu tiên.

Bolero phát xuất từ Tây Ban Nha, do nhạc sĩ Sebastiano Carezo sáng tạo năm 1780, vốn là điệu nhạc nhảy. Điệu nhạc du nhập các nước châu Âu, được các nhạc sĩ viết nhạc cổ điển như Chopin (Ba Lan, 1810 – 1849), Bizet (Pháp, 1838 – 1875) và Debussy (Pháp, 1862 – 1918) sử dụng viết các chương trong các hòa tấu khúc và nhạc kịch của mình. Trong nhạc cổ điển, bolero được viết đầy tính quy luật, tính hàn lâm nên không được quan tâm nhiều. Ngược lại, bolero du nhập các quốc gia vùng Caribe và Nam Mỹ được đón nhận nồng nhiệt bởi nó gần gũi với kiểu chơi nhạc lãng mạn, phóng khoáng của người Mỹ Latin. Nó trở thành âm nhạc của quần chúng.

Bolero Mỹ Latin là một thứ giai điệu phóng khoáng và trữ tình. Nhạc sĩ hai nước Cuba và Mexico có công phát triển bolero, biến tấu nó với các điệu thức tương tự viết theo phép ký âm 4/4, tạo ra hẳn một dòng nhạc bolero mới; xôn xao hơn, rực rỡ hơn, lãng mạn hơn và đậm chất Latin. Dòng nhạc bolero này bao gồm các điệu bolero, rumba, rumba bolero, mambo, calypso, baiao; kể cả tango, tango habanera, chachacha. Mẫu số chung là kiểu viết nhạc 4/4 tương tự nhau; chỗ khác nhau là cách chơi, cách xử lý ca khúc.
Bolero du nhập Việt Nam những năm 1950. Nền tân nhạc non trẻ của Việt Nam đã nhanh chóng thẩm thấu điệu thức ấy, biến nó thành hẳn một dòng nhạc tình ca. Một nhạc sĩ tài hoa kiêm nhà nghiên cứu âm nhạc đã viết thành công bài rumba bolero đầu tiên, sau này trở thành bài tình ca nổi tiếng trong thế kỷ 20. Đó là nhạc sĩ Lê Trọng Nguyễn với ca khúc Nắng chiều.

Nhạc sỹ Lê Trọng Nguyễn. Ảnh: ThanhNien.com.vn
Nhạc sỹ Lê Trọng Nguyễn. Ảnh: ThanhNien.com.vn

Nhạc sĩ Lê Trọng Nguyễn tên thật là Lê Trọng, sinh năm 1926 tại Quảng Nam, hội viên của Hội Tác giả, nhạc tác gia và nhà xuất bản âm nhạc Pháp (Société des Auteurs, Compositeurs et Editeurs de Musique – SACEM). Chữ “Nguyễn” trong bút danh của ông là họ của người mẹ. Nhà ông là Trường tư thục Hoàng Hồ nằm trên đường Nhật Bản (cũ), sau này đổi tên là đường Cường Để và nay là đường Trần Phú trong khu phố cổ Hội An (Quảng Nam).

Lê Trọng Nguyễn viết Nắng chiều năm 1952. Hình tượng gợi cảm xúc trong ca khúc này là một cô gái dịu dàng người gốc Quy Nhơn (Bình Định) đang ở cùng cha mẹ tại Hội An. Ca khúc được thu thanh lần đầu tiên năm 1953 bằng đĩa than 33 tours do Hãng đĩa Việt Nam (Sài Gòn) sản xuất với tiếng hát của danh ca Minh Trang. Chính Lê Trọng Nguyễn soạn hòa âm và phối khí cho dàn nhạc chơi bài này.

Thật không ngờ, bài tình ca viết với điệu thức rumba bolero đầu tiên lại có sức chinh phục và cuốn hút người nghe đến vậy. Nắng chiều được phát liên tục trên Đài phát thanh Sài Gòn, Đài Pháp Á (đường Hàm Nghi, Sài Gòn) và Đài phát thanh Huế. Lúc bấy giờ, người ta chỉ được nghe nhạc qua sóng phát thanh từ radio; nhà nào sang lắm mới có được máy pick up hát đĩa than. Nhiều thế hệ ca sĩ sau bà Minh Trang như Quỳnh Giao, Mai Hương, Kim Tước, Hà Thanh và các ông Anh Ngọc, Ngọc Long cùng hát Nắng chiều và cũng được người yêu nhạc tán thưởng.

Lê Trọng Nguyễn viết Nắng chiều đúng quy chuẩn của một ca khúc, xét về mặt nhạc pháp. Ca khúc được viết với cung sol trưởng; mỗi ô nhịp 4/4 rất ít nốt nên tiết tấu khoan thai, vận dụng nhịp ngoại tài tình, chuyển âm giai rất phong phú. Đặc biệt, đoạn điệp khúc được ông biến tấu qua mi thứ – âm giai tương đương cùng bộ khóa, nên giai điệu ca khúc rất mềm mại và đẹp. Âm hình cấu tạo của ca khúc gồm đoạn A (A1 + A2) + B (B1 + B2) + A’ (giống như A2). Cấu trúc ca khúc cổ điển nhưng nội dung lại hàm chứa nét nhạc hiện đại và lãng mạn như phong cách rumba bolero Mỹ Latin.

Ca từ của Nắng chiều giàu tính văn học, giàu chất thơ, tỏ rõ tác giả là con người từng thẩm thấu một cách sâu đậm văn chương Việt Nam: “Qua bến nước xưa lá hoa về chiều/Lạnh lùng mềm đưa trong nắng lưa thưa/Khi đến cuối thôn chân bước không hồn/Nhớ sao là nhớ đến người ngày xưa… Anh nhớ xót xa dưới tre lá ngà/Gợn buồn nhìn anh, em nói mến anh/Mây lướt thướt trôi khi nắng vương đồi/Nhớ em dịu dàng nắng chiều ngừng trôi”.

Bạn để ý đấy, một bài tình ca rất lãng mạn nhưng không hề có động từ “yêu” hay danh từ “người yêu” nào trong đó. Ngay cô gái ngày ấy cũng chỉ được mô tả là “Gợn buồn nhìn anh em nói mến anh” chứ không nói “yêu anh”, bởi nói “yêu anh” thì nghe phàm tục quá! Đúng ra, có một chỗ tác giả viết “Hình bóng yêu kiều kề hoa tím, biết đâu mà tìm” nhưng “yêu kiều” ở đây là tính từ mất rồi. Tình ý của ca khúc thật nhẹ nhàng nhưng quá đỗi sâu lắng, say đắm, nhớ nhung.

Bản nhạc được các nhà xuất bản An Phú (Sài Gòn), Tinh Hoa (Sài Gòn) và Tinh Hoa (Huế) in ra nhiều lần thành bài rời; mỗi lần in khoảng 3.000 bản. Năm 1958, nữ ca sĩ Nhật Bản Satsuki Midori gặp Lê Trọng Nguyễn và đã dịch bài hát sang ca từ tiếng Nhật với tựa đề Việt Nam tình ca, thu thanh ở Tokyo. Năm 1960, nữ ca sĩ Đài Loan Kỷ Lộ Hà cũng đã gặp ông, hát và thu thanh với ca từ tiếng Quan thoại do Thận Chi viết; tựa đề ca khúc là Tịch dương. Cả hai nữ danh ca này có vẻ như rất mến mộ Lê Trọng Nguyễn. Sau đó, Nắng chiều còn được dịch qua tiếng Anh, tiếng Thái và tiếng Khmer với nhiều ca sĩ hát, trở thành một bài Á châu tình ca!

Vậy đó, Nắng chiều với phong cách rumba bolero đầu tiên đã trở thành bài tình ca đẹp nửa sau thế kỷ thứ 20 trong âm nhạc Việt Nam. Nó thoát hẳn phong cách xôn xao, rực rỡ và khá nhanh của dòng bolero Mỹ Latin; tạo nên một phong cách bolero Việt Nam chậm và kể lể (lento recitativo), chậm và diễn cảm (lento expressivo). Về sau này, Lê Trọng Nguyễn tiếp tục lối sáng tác ấy để viết hai ca khúc Bến giang đầu (Nắng chiều 2) và Chim chiều không tổ. Hai ca khúc này đều viết với cung re trưởng; chất bolero thật đậm nét. Ông còn là người dung nạp tài hoa các điệu nhạc đặc trưng của Mỹ và đảo Hawaii như jazz, blue, boston rock, slow để viết những bài tình ca khác.

Các nhạc sĩ hòa âm sau này đã hòa âm cho ca sĩ hát Nắng chiều với các điệu khác nhau như rumba, bolero, calypso, baiao hoặc nhanh hơn chút nữa thì chachacha. Từ năm 1955 trở đi, miền Nam phát triển một hệ tình ca mới chủ yếu sử dụng dòng bolero làm chủ đạo. Nhạc sĩ Trúc Phương (Nguyễn Thiện Lộc) đẩy bolero chậm lại hơn nữa, dung hợp với phong cách dân ca Nam bộ sáng tác một loạt bài tình ca bolero cung thứ với ca từ rất lạ, được xem là “vua bolero” Sài Gòn. Nhiều nhạc sĩ khác cũng đồng thời dùng bolero viết tình ca, hình thành hẳn một dòng nhạc bolero trữ tình, đặc sắc, gần gũi với đông đảo người nghe nhạc.

Vũ Đức Sao Biển

[footer]

“Thu, Hát Cho Người” và những giai thoại

DongNhacXua.com còn nhớ lần đầu tiên được nghe “Thu, Hát Cho Người” là vào những năm khó khăn của thời bao cấp (độ cuối những năm 1980). Khi đó những anh chị em trong nhà chuyền tay nhau tập nhạc chép tay bài hát này và mãi sau đó mấy năm mới được nghe từ băng cassette. Từ đó “Thu, Hát Cho Người” theo chúng tôi trong suốt một thời hoa mộng của tuổi học trò. Mãi gần 20 năm sau, trong một chương trình trên HTV7, DongNhacXua.com mới may mắn nghe chính tác giả là nhạc sỹ Vũ Đức Sao Biển kể đôi lời về hoàn cảnh sáng tác nhạc phẩm này: Theo lời của chính tác giả trong chương trình “Gặp gỡ cuối tuần” phát trên HTV7 trưa ngày 24/01/2010 thì đó là những tình cảm trong sáng của chính tác giả với một người con gái cùng quê Quảng Nam. Sau một thời gian xa cách, khi trở về, cô gái ngày xưa giờ có lẽ đã có một bến bờ khác. Một mình lang thang lên đồi sim tím, nơi đã từng gắn bó với mối tình ngày xưa, cảm xúc chợt ùa về và “Thu, hát cho người” ra đời trong hoàn cảnh ấy. Trong bài hát có nhắc đến tên 2 loài hoa là “nguyệt cầm” và “linh lan“, là những loại hoa dại mọc rất nhiều ở vùng quê Quảng Nam của tác giả. Thế rồi trong một bài viết khác mà DongNhacXua.com tìm trên internet qua trang XuQuang.com, tác giả nói nhiều hơn về Vũ Đức Sao Biển và Đynh Trầm Ca, hai đứa con văn nghệ của đất Quảng Nam. “Thu, Hát Cho Người” là tên một bản nhạc của Vũ Đức Sao Biển. Nhạc phẩm được trình làng khoảng thập niên sáu mươi và đã được nhiều người yêu thích, lời bản nhạc như sau: Dòng sông nào đưa người tình đi biền biệt, Mùa thu nào cho người về thăm bến xưa. Hoàng Hạc bay, bay mãi bỏ trời mơ Về đồi sim ta nhớ người vô bờ. Ta vẫn chờ em dưới gốc sim già đó, Để hái dâng người một đoá đẫm tương tư, Đêm nguyệt cầm, ta gọi em trong gió. Sáng linh lan, hồn ta khóc bao giờ. Ta vẫn chờ em trên bao la đồi nương, Trong mênh mông chiều sương, Giữa thu vàng bên đồi sim trái chín, Một mình ta ngồi khóc tuổi thơ bay.” Thu là mùa Thu, một trong bốn mùa của thời tiết đất trời. Xuân, Hạ, Thu, Đông. Mùa Thu có lá vàng bay, có gió heo may hiu hắt thổi về lạnh lạnh khiến người có tâm hồn nghệ sĩ dễ cảm hoài, nhất là nhà thơ, nhà văn hay nhạc sĩ. Nguyễn Khuyến có bài thơ Thu Điếu, Tản Đà có Cảm Thu, Tiễn Thu, Lư Trọng Lư có Tiếng Thu, và nhiều tác giả nữa…như tôi cũng có bài Thu Thảo, là cỏ mùa thu, hay tên một người, bài thơ viết về một tình yêu đơn phương, tình tuyệt vọng. Lời bình của nhà nghiên cứu văn học Trần Văn Nam trong tập “Trong Dòng Cảm Thức Văn Học Miền Nam, Phân Định Thi Ca Hải Ngoại”, tác giả xuất bản 2006, “Thơ Trần Yên Hoà, trong bài Thu Thảo, nghiêng về giải đáp muốn vượt qua thơ lãng mạn tình yêu, để hướng về thơ diệu vợi, bởi từ ngữ “em” không phải chỉ về người mà chỉ về thiên nhiên: mùa thu được nhân cách hóa thành người em hương sắc” (trang521, sđd): ”Thu đang đến nghĩa là em đang đến Bước chân em xao động cả san hà. Ta một mình ôm gối mộng tình ta Ta khốn khổ bơ vơ nhìn lá chết.” Nhưng “Thu, Hát Cho Người” là bài hát viết về một người con gái có tên Thu. Cô gái đã làm trái tim hai chàng nhạc sĩ quê Quảng Nam điêu đứng, đó là Vũ Đức Sao Biển và Đynh Trầm Ca. Cô Thu, lúc đó, khoảng thập niên sáu mươi, tuổi mới mười tám đôi mươi, là nữ sinh trường Trung Học Tiểu La, Thăng Bình, Quảng Nam (Quảng Tín cũ). Cô có mái tóc dài, khuôn mặt trái soan, làn da trắng hồng. Hai chàng nhà thơ này là những học trò chân đất, nhìn người đẹp rồi mơ mộng yêu đương và về nhà làm thơ viết nhạc. Đynh Trầm Ca có nhiều bài thơ cho Thu và Vũ Đức Sao Biễn có Thu, Hát Cho Người. Nhưng đó là mối tình lãng mạn, tình yêu trong mộng tưởng. Nàng Thu lấy chồng sớm, một chàng trung úy pháo binh tên Trần Đình Ái, một pháo đội trưởng pháo binh (sau này lên đại úy), đẹp trai, hào hùng, oai ra phết. Tôi quen anh chàng Ái trong những ngày hành quân ở sư đoàn 2 bộ binh, hành quân vùng Sơn Tịnh, Quảng Ngãi, khoảng năm bảy ba. Đơn vị tôi là đơn vị bộ binh trấn đóng căn cứ hỏa lực Hoàng Oanh, Aí là sĩ quan pháo binh yểm trợ cho bộ binh hành quân. Tôi gặp và đã nói chuyện với Ái nhiều lần và biết anh là chồng của cô Thu, nhân vật nữ trong nhạc phẩm Thu, Hát Cho Người. Khi cô Thu trong mộng của hai chàng nhạc sĩ đi lấy chồng, Đynh Trầm Ca có bài Ru Con Tình Cũ cũng rất hay, bản nhạc được ca sĩ Hà Thanh hát trên đài phát thanh Quân Đội, lúc đó tôi đang đi hành quân, trong một đêm dừng quân, nằm trên võng nghe nhạc phẩm này thật não lòng: ”Ôi ba năm qua rồi, Đời chưa nguôi gió bão, Người xa xôi phương nào, Người oán trách gì không? Thôi em ơi, em đừng hờn trách nữa, Đời ta như rong rêu tội tình…” Thế là nhân vật Thu được bước vào giai thoại của âm nhạc, mà Trần Quốc Bảo trong báo Nghệ Sĩ cách đây khá lâu đã đăng về mối tình tay ba này. Thật ra, đây chỉ là một mối tình tuyệt vọng cho cả hai nhạc sĩ. Có thể mối tình đó day dứt mãi hai chàng không thôi, ai cũng dành cho riêng mình cô Thu đó. Sau này, Vũ Đức Sao Biển có thêm nhạc phẩm Thu Sài Gòn, những chắc Thu Sài Gòn không bằng Thu “Quảng Nam” dạo nọ. Đynh Trầm Ca thì có bài Sông Quê, cũng nhắc đến Thu: Sóng đời cuồng trôi lỡ rồi sông bên đó Nhà em cũng bỏ làng đi mãi không về Mỗi ngày bên sông không còn em đi học Ngọn gió reo buồn, buồn trong nhánh mù u. Nhánh mù u con bướm vàng không đậu Anh bao chiều về thơ thẩn qua sông Sông quê trường làng con đò trên bến lỡ Cũng vì em xa mà thành điệu nhớ xao lòng     Ơi con sông quê     Bao năm đã lỡ đã bồi     Đời biển dâu nên anh cũng dạt quê người Chiếù nay bỗng nhớ cây mù u Giòng sông vang bóng em chiều thu Về đây mới biết Bên sông không còn mái nhà ngày xưa… Và gần đây nhất là một bài báo khác của tác giả Hà Đình Nguyên đăng trên báo Thanh Niên số ra thứ tư, 08/06/2011 Đất Quảng Nam vốn sinh ra nhiều nhân tài và cả nhiều giai thoại. Trong đó một giai thoại hy hữu là có 2 nhạc sĩ đương thời cùng nặng tình với một nàng thiếu nữ, và mỗi người đã sáng tác một ca khúc để riêng tặng nàng. Cả hai bài hát này đều rất quen thuộc với công chúng… Đó là một giai thoại lý thú mà giới văn nghệ Quảng Nam và Sài Gòn vẫn kể cho nhau nghe: Ngày xưa (thập niên 60), ở một thị trấn nhỏ của tỉnh Quảng Nam, có một cô học trò trung học, ngày hai buổi ôm cặp đi về trên con đường bụi mù phố lẻ. Nàng họ Hồ, tên Thu, có mái tóc dài, mặt trái xoan, da trắng hồng và cặp mắt long lanh như sóng nước hồ thu. Sóng mắt của nàng đã làm trái tim hai chàng nhạc sĩ tài hoa lỗi nhịp. Nhờ đó mà giới yêu nhạc có được hai ca khúc “để đời” mà hát: bài Thu, hát cho người của Vũ Đức Sao Biển và bài Ru con tình cũ của Đynh Trầm Ca. Người viết là “thằng em” thân thiết của cả hai nhạc sĩ. Mười lăm năm trước, khi tôi vào làm Báo Thanh Niên thì anh Vũ Đức Sao Biển là “sếp” – phụ trách tờ Thanh Niên bán nguyệt san, còn khi anh Đynh Trầm Ca giã từ ngày tháng phiêu dạt ở phương Nam để đưa vợ con về quê (năm 1998) thì chính tôi là người đưa tin trên báo. Chuyện cả hai ông anh cùng yêu một cô gái rồi viết nhạc, tôi cũng đã biết từ lâu nhưng nay mới có dịp… hỏi cho ra nhẽ.
Hồ Thị Thu ngày ấy – Ảnh: tư liệu
Với anh Vũ Đức Sao Biển, trong những phát biểu chính thức thì anh không hề nói anh viết Thu, hát cho người cho đích danh một ai cả. Chỉ là một buổi sáng năm 1968, anh lang thang trên đồi sim ở Thăng Bình quê anh, chợt nhớ về một người con gái đã xa mới bật ra những tứ nhạc: “Dòng sông nào đưa người tình đi biền biệt. Mùa thu nào cho người về thăm chốn xưa...”, rồi bảo: Những câu thơ Hoàng hạc nhất khứ bất phục phản của Thôi Hiệu trong bài Hoàng Hạc lâu đã ám ảnh anh, để anh làm câu tiếp theo Hoàng hạc bay, bay mãi bỏ trời mơ, về đồi sim, ta nhớ người vô bờ… Gì thì gì, chính dấu phẩy sau chữ Thu trong cái tựa Thu, hát cho người đã khiến anh bị “bắt quả tang”: viết cho Thu chứ còn ai vào đó nữa!… Tôi hỏi anh Đynh Trầm Ca thì anh cười khà khà: “Chuyện cũ rích, mà nếu tau kể thì có hay ho chi mô. Tau cho mi số điện thoại của ông anh rể của cô đó và cả của cô đó nữa. Mi hỏi đi!”. Tôi mừng rơn, gọi cho anh Hồ Luân đang ở Quảng Nam. Anh ấy tuôn một tràng: “Thằng Mạc Phụ (tên thật của Đynh Trầm Ca) quen con Thu là qua tui. Dạo đó tui để ý cô chị (tên Liên), Liên bị bệnh, tui muốn đến thăm nhưng đi một mình thì hơi run, bèn rủ thằng Phụ đi theo. Ai dè, tới nhà Liên, hắn gặp cô em, đâm ra như… mất hồn! Còn con Thu có “tình cảm” chi với Võ Hợi (tên thật của Vũ Đức Sao Biển) không thì tui không rõ. Nhưng mà tui thấy nhiều khi người ta hư cấu mà… hay quá trời, đến nỗi mình là người trong cuộc mà còn ngẩn tò te nữa đó. Năm rồi, cô em tôi kể trong cuộc nhậu có một ông lãnh đạo địa phương. Ổng hỏi: “Ở Quảng Nam có hai nhạc sĩ nổi tiếng, quý vị biết là ai không?”. Mọi người đáp: “Vũ Đức Sao Biển với Đynh Trầm Ca chứ ai!”. “Đúng. Vậy hai ông này có đặc điểm gì?”. Đáp: “Cùng yêu cô Thu và cùng viết bài hát cho cô này!”. “Đúng luôn, nhưng mà xuất xứ của từng bài hát ra sao?”. Không ai trả lời được, lúc đó vị này mới kể: “Hai ông này là nhạc sĩ nên chơi thân với nhau. Thân quá, cho nên khi yêu thì cũng yêu một người. Nhưng do ông Đynh Trầm Ca nghèo, mà lại xấu trai còn ông Vũ Đức Sao Biển chẳng những đẹp trai mà còn làm được bản nhạc Thu, hát cho người rất nổi tiếng nên cô Thu… lấy ông này. Khi cặp vợ chồng này có một đứa con thì một hôm ông Đynh Trầm Ca đến thăm bạn cũ, thấy ông Vũ Đức Sao Biển đang ngồi… ru con. Chuyện vãn được một lúc thì ông Vũ Đức Sao Biển bận việc gì đó, mới nhờ bạn ru con hộ mình. Ông Đynh Trầm Ca ngồi ru con (của) người tình cũ, thấy buồn thấm thía, nên mới cảm tác ra bài Ru con tình cũ. He he… Hay quá phải không chú mày?”… Tôi hỏi nhân vật chính: Thu – người đẹp của một thời: “Chị ơi, sao người ta lại gọi chị là Thu Chuẩn?”. “À, Chuẩn là tên ba của tôi, ở miền quê người ta thường gọi tên “kép” như thế để phân biệt con nhà này với con nhà kia”. Hỏi “chuyện xưa”, chị cười bảo: “Dạo đó tôi với anh Đynh Trầm Ca cũng có tình cảm nhưng chỉ là tình cảm tuổi mới lớn. Hồi quen anh ấy tôi mới học lớp đệ lục (lớp 7 bây giờ) trường Trung học Tiểu La, nhưng rồi không duyên nợ. Tôi lấy chồng năm 1966, chồng tôi người gốc Hà Nội. Một năm sau thì tôi biết anh Đynh Trầm Ca có viết bài Ru con tình cũ…”. “Do đâu chị biết được?”. “Chu choa, bài này được hát ra rả trên radio, không muốn nghe cũng phải nghe! Còn chuyện anh Vũ Đức Sao Biển thì sau này tôi có nghe một người bạn gái kể là anh ấy cũng có tình cảm với tôi và có viết bài Thu, hát cho người. Nếu đúng vậy thì… cũng là chuyện có duyên không nợ…”. Có một trùng hợp lý thú là cả Đynh Trầm Ca lẫn Vũ Đức Sao Biển đều bỏ quê, trôi dạt vào phương Nam. Đầu thập niên 70 thế kỷ trước, Vũ Đức Sao Biển vào Bạc Liêu dạy học suốt mấy năm rồi lên Sài Gòn làm báo. Sau 1975, Đynh Trầm Ca cũng dắt díu vợ con trôi dạt về Sóc Trăng, An Giang, rồi Sài Gòn… đến năm 1998 mới hồi hương. Anh hiện là ông chủ quán Thạch Trúc Viên ở thị trấn Vĩnh Điện (Điện Bàn, Quảng Nam). Có một chuyện ly kỳ nữa là dạo còn ở miền Tây, một lần Đynh Trầm Ca xuống bến đò thấy cha con một người hành khất, người cha ôm cây đàn guitar cũ kỹ hát, còn đứa con gái cầm chiếc thau nhôm móp méo đi đến từng người để xin tiền. Bản nhạc mà người hành khất đang hát là bài… Ru con tình cũ: “Ba năm qua em trở thành thiếu phụ. Ngồi ru con như ru tình buồn… Ôi, ba năm qua rồi, lòng chưa nguôi gió bão… Người xa xôi phương nào, người oán trách gì không?”. Đynh Trầm Ca nghe mà thắt cả lòng. Tháng 5.1988, Báo Thanh Niên đăng bài thơ Bất chợt trên bến đò ngang của anh: “…Mười mấy năm rồi người con gái sang sông/Tôi viết lời ca sao buồn quá vậy?/Những lời ca cho lòng tôi thuở ấy/Ai biết bây giờ/Bố con người hành khất dùng để ăn xin?”. Nhạc sĩ Xuân Hồng đã phổ nhạc bài thơ này.