Vũ Thành An & Tình Xưa Gái Huế

Huế luôn là niềm rung động cho nhiều văn nghệ sỹ. Nhạc sỹ Vũ Thành An cũng là một trong số đó. Trong lần về Việt Nam năm 2017 vừa rồi, đi xuôi theo “con đường cái quan” từ Bắc chí Nam, nhà nhạc sỹ có dịp dừng chân ở vùng đất “Sông Hương Núi Ngụ” để ôn lại nhiều kỷ niệm thời tuổi trẻ mà qua đó ông cảm tác nên ca khúc “Tình Xưa Gái Huế”, tức bài Không Tên Số 13. Dòng Nhạc Xưa xin giới thiệu với quý vị đôi nét về nhạc phẩm này.

Nhạc sĩ Vũ Thành An cùng ‘nữ hoàng phòng trà’ HN trở lại Huế ôn kỷ niệm

(Nguồn: bài viết của tác giả Duy Nam đăng trên tienphong.vn ngày 2017-08-06)

TPO – Nữ ca sĩ Hiền Anh mặc áo dài tím hoá thành nhân vật chính trong bài hát “Chuyện tình không tên thứ 13 – Tình xưa gái Huế” của nhạc sĩ Vũ Thành An.

Nhạc sĩ Vũ Thành An và nữ ca sĩ Hiền Anh trên cầu Tràng Tiền. Ảnh: tienphong.vn

Trong dịp về Việt Nam lần này, ngoài các chương trình quan trọng của hành trình, nhạc sĩ Vũ Thành An đã nhất định trở về xứ Huế, với mong muốn được ôn lại một chút kỷ niệm xưa với ca khúc “Chuyện tình không tên thứ 13 – Tình xưa gái Huế” của ông.

Tình Khúc Thứ Nhất (Vũ Thành An – Nguyễn Đình Toàn)

Trong một bài viết trước đây về nhạc sỹ Vũ Thành An, [dongnhacxua.com] có nhắc đến sáng tác đầu tiên đưa nhà nhạc sỹ đến với công chúng: bản “Tình khúc thứ nhất”. Hôm nay, chúng tôi mạn phép đăng lại bài viết của nhạc sỹ Tuấn Khanh về nhạc phẩm nổi tiếng này.

Tình khúc thứ nhất (Vũ Thành An - Nguyễn Đình Toàn). Anh: NguoiDoThi.vn
Tình khúc thứ nhất (Vũ Thành An – Nguyễn Đình Toàn). Anh: NguoiDoThi.vn

GHI CHÉP DĂM PHÚT VUI TRẦN THẾ
(Nguồn: nhacsituankhanh.wordpress.com)

Trong tất cả những tác phẩm mà nhạc sĩ Vũ Thành An đã cống hiến cho đời, có lẽ Tình khúc thứ nhất là một tuyệt phẩm lạ thường nhất. Mọi người vẫn nói vậy, khi ngồi với nhau và hát, nhân khi nghe tin nhạc sĩ Vũ Thành An rồi sẽ được chấp nhận xuất hiện ở quê nhà.

Nhà thơ Trần Tiến Dũng thường rất ít khi hát, nhưng trong dăm phút vui trên cõi đời cứ dần cạn, mỗi khi nói về cuộc đời và tình yêu, ông hay xin được hát bài này thay cho ngôn từ của mình. Ông không phải là một giọng hát hay, nhưng khi cất lên giai điệu của Tình khúc thứ nhất, thường thì ai có mặt cũng đều xúc động như lặng nhìn một bức tranh tuyệt đẹp của đời người, đầy những gam màu của bầu trời và vực thẳm.

“Nhiều năm nữa, người ta có thể viết nên những bài thơ hay hơn, nhưng khó mà thương đau cao vút như lời của Nguyễn Đình Toàn và nhạc của Vũ Thanh An”, nhà thơ Trần Tiến Dũng vẫn nói như vậy, trong sự xúc động mỗi khi nghe lại. Nhà thơ có ngôn ngữ hiện đại hiếm hoi của Việt Nam được nhà xuất bản Norton (Mỹ – 2007)* chọn dịch để giới thiệu 100 gương mặt thi ca đương đại Châu Á này, luôn nói ông cứ bị chấn động khi nghe phần ngôn xướng của Tình khúc thứ nhất, như được uống phần suối nguồn tinh hoa của một quá khứ văn nghệ vàng son miền Nam Việt Nam.

Có cái gì đó thật lay động khi người ta lắng nghe ca từ của Tình khúc thứ nhất. Bài hát được viết vào năm 1963, nhân công việc ở Đài Phát Thanh Sài Gòn mà ông gặp được nhà văn Nguyễn Đình Toàn để có được cơ duyên cho ra đời bài hát này. Từ năm 1954, khi đặt chân vào miền Nam, nhạc sĩ Vũ Thành An trãi qua nhiều khó khăn để vào đời, cũng như không dễ dàng thành đạt trong đời sống âm nhạc ở Sài Gòn lúc ấy đang có quá nhiều tên tuổi văn nghệ áp đảo. Nhưng khi nổi lên với Tình khúc thứ nhất, Vũ Thành An lập tức trở thành một cái tên lớn và được ghi nhớ mãi về sau, bất chấp có những nghịch cảnh của thời thế khiến ông phải cắt đứt với âm nhạc bình thường trong một giai đoạn dài.

Trong những cuộc tán gẫu bất tận về sự diệu vợi của nền âm nhạc miền Nam giữa cuối thế kỷ 20, Vũ Thành An vẫn được nhắc đến với nét nhạc luôn buồn bã loay hoay. Ngay cả trong lời hy vọng của ông, nghe như cũng vang lên từ huyệt mộ sâu thẳm. Đôi lúc người nghe phải tự hỏi rằng thương đau nào mà ông đã trãi qua, tận cùng đến mức trong ý nhạc đó, luôn là sự cào cấu của hối tiếc, nghẹn ngào. Lạ lùng, những điều đó làm nên tên tuổi của ông. Không biết liệu hôm nay, đứng trên một sân khấu những người nghe đã rất khác, một cuộc sống rất khác, liệu ông có tìm thấy một chút nắng vàng đẹp đẽ ngày cũ của mình?
“Lời nào em không nói em ơi. Tình nào không gian dối. Xin yêu nhau như thời gian làm giông bão mê say…” câu hát được đẩy đến những thanh âm cao ngất, như một lời oán thán trong đêm. Vọng âm như một đoạn thánh thi về tình yêu mà tuyệt vọng là cảm giác chiếm hữu duy nhất. Có rất nhiều nhạc sĩ đã viết về nỗi buồn, mỗi người một vẻ, mà thế giới của Vũ Thành An là một điều rất lạ, dường như vẫn sẽ day dứt, giày vò sẽ còn đuổi theo ông suốt hết kiếp người.

Non nửa thế kỷ đã trôi qua, kể từ khi Việt Nam dừng tiếng súng. Nhiều bài hát tưởng chừng khó khăn lắm mới trở lại đời thường, rồi cũng đã dần dần xuất hiện trên sân khấu, truyền hình. Đã nhiều chục năm, nhưng nhiều bài hát nghe đâu như vẫn còn rất tươi mới những nỗi lòng người Việt. Câu chuyện tình yêu đơn sơ ở quê nhà bị lạc mất trên những nẻo đường đô thị đầy cám dỗ, vang vọng sự hối tiếc – như Tình khúc thứ nhất – cũng không phải xa lạ gì trong cuộc sống hôm nay. Những người con trai, con gái Việt Nam giờ đây trong đất nước có tên gọi thanh bình vẫn phải rời bỏ làng quê để đi tìm một cơ hội trong đời, rồi không còn quay lại. Dù ở thế hệ nào, vẫn có thể nao nao như tìm thấy phận mình trong tiếng ca muôn thuở.

Không phải ngẫu nhiên mà Tình khúc thứ nhất hay vô vàn những bài tình ca, những lời hát về cuộc đời… mà hàng ngàn bài hát của nền văn hoá miền Nam trước năm 1975 vẫn sống và lay động lòng người bất chấp rêu phong thời cuộc. Những bài hát đó vẫn góp tiếng vào thị trường thương mãi âm nhạc, nhưng được viết ra bằng sự chia sẻ, bằng cách kết nối sự cảm thông của thành thị và thôn quê, của con người biết đau từng nỗi đau của nhân thế. Khác với mua bán và giải khuây, những bài hát đó là lịch sử và văn hoá của một thời kỳ, nó giảng giải một cách đơn giản về chiến tranh và mất mát, chia sớt nỗi buồn của thân phận và nghịch cảnh quê hương mà không có chương trình lịch sử nào có thể sánh bằng. Vi vậy, dù đã nghe biết bao lần, trái tim ta vẫn diệu vợi khi thưởng thức, như chỉ mới vừa biết một tình khúc nào đó, lần thứ nhất trong đời.

Cuộc đời khép mở bất tận. Hôm qua, có những bài hát bị giày xéo và nguyền rủa, thì hôm nay chúng lại được trang hoàng lộng lẫy, gọi mời trở lại. Không ai có thể tự giày xéo mình đau thương bằng chính mình, cũng như chỉ có chế độ kiểm duyệt mới có thể cắt ứa máu linh hồn và trí tuệ của chính dân tộc mình.

Có người nói rằng dẫu muộn, thì việc chấp nhận phần văn hoá miền Nam Việt Nam đó vẫn còn hơn không. Nhưng ai biết được, rằng cuộc quay lại đó, là huy hoàng đón nhận hay chỉ là lời chào kết thúc.

Nhà thơ Vũ Ngọc Giao cũng viết trong một cuộc rượu, rằng:
Về đâu khi ngày đã tắt
Ngồi đây ta uống rượu chơi
Cuộc đời nằm trong con mắt
Một lần khép mở mà thôi

Ôi… trong một lần khép mở ấy, vô tận ấy biết bao đổi thay, chứa khôn cùng buồn vui trần thế.

[footer]

Em đến thăm anh đêm 30 (Vũ Thành An – Nguyễn Đình Toàn)

Theo ý thơ của thi sỹ Nguyễn Đình Toàn, nhạc sỹ Vũ Thành An đã góp một nhạc phẩm bất hủ vào kho tàng nhạc Xuân. [dongnhacxua.com] muốn trân trọng nhắc đến “Em đến thăm anh đêm 30”. Một điểm khá lý thú là nhạc phẩm này không dùng một chữ “xuân” như nhiều ca khúc khác mà thay vào đó chúng ta chỉ thấy “tết”.

Em đến thăm anh đêm 30 (Nguyễn Đình Toàn - Vũ Thành An). Ảnh: AmNhacMienNam.blogspot.com
Em đến thăm anh đêm 30 (Nguyễn Đình Toàn – Vũ Thành An). Ảnh: AmNhacMienNam.blogspot.com

em-den-tham-anh-dem-30--1--vu-thanh-an--nguyen-dinh-toan--amnhacmiennam--dongnhacxua.com em-den-tham-anh-dem-30--2--vu-thanh-an--nguyen-dinh-toan--amnhacmiennam--dongnhacxua.com

EM ĐẾN THĂM ANH ĐÊM 30
(Nguồn: yume.vn)

Những ngày cuối năm.

Khuya. Khi còn lại một mình trên mạng, tôi hay treo blast : Trời sắp Tết hay lòng mình đang Tết?

Một bạn tình cờ ghé lại, hỏi : Có niềm vui rồi à? Chúc mừng nhé !

Bạn chúc mừng, sao lòng bỗng ngổn ngang trăm mối. Tết đang đến rất gần, chắc chắn rồi mùa cũng sẽ rộn ràng những thời khắc chuyển giao. Nhưng ta, ta có còn những đêm ba mươi đầy háo hức?

Khi nghe và yêu thích một ca khúc nào đấy, thì bạn đã thực sự gắn hồn mình vào trong giai điệu và ca từ của bài hát. Chỉ vì tiếng guitar solo nồng nàn, một đoạn piano gõ thánh thót hay đôi khi, chỉ là một thoáng ngẫu hứng saxophone đầy phiêu lãng… Nhưng chắc chắn vẫn phải là ca từ, ca từ êm ái và mượt mà như thơ ấy. Chúng là những lời nhắc nhớ chân thành, cứ thủ thỉ bên ta mãi…

Em đến thăm anh đêm ba mươi
Còn đêm nào vui bằng đêm ba mươi ?
Anh nói với người phu quét đường
Xin chiếc lá vàng làm bằng chứng yêu em…

Xưa, khi nhạc sĩ Vũ Thành An bắt đầu phổ nhạc những câu thơ này từ thi sĩ Nguyễn Đình Toàn, chắc có lẽ, ông đã không dụng công lắm để trao chuốt chúng thành những giai điệu ấm áp và tình cảm thế. Bởi tôi, bạn và tất cả những người đã từng yêu đều có thể dễ dàng bật lên thành câu hát. Khi khắc khoải về một vùng kí ức đẹp. Khi tiếc nuối mơ hồ về một kỉ niệm tình đã cắt cớ ngủ yên.

Có thể ta không có những đêm ba mươi cùng em vô ưu, lang thang trên những con phố mòn mỏi bước. Là con đường Duy Tân, là con đường Gia Long, là con đường Tú Xương… xa lắc trong nỗi nhớ. Và có lẽ, chúng chỉ còn là giấc mơ u hoài, lê thê kéo từ thế kỉ trước. Nơi có những đêm ba mươi, vào thời khắc giao mùa thiêng liêng vẫn còn những người phu quét lá bên đường. Miệt mài và cần mẫn. Và ta , ta có dừng lại xin một chiếc lá vàng, để làm bằng chứng yêu em?

Người phu quét đường…
Chiếc lá vàng…

Khung cảnh im lắng. Đẹp một cách mộc mạc, đơn sơ. Một bức tranh huyền thoại về tình yêu, lồng hờ hững vào trong phố. Yên bình, trong vắt. Nhưng tình yêu có thực sự cần những nhân chứng và vật chứng ấy không? Ta đã ngô nghê đặt lại câu hỏi ấy, có nghĩa là ta cũng đang dần quên đi một thời yêu đương phóng khoáng, cuồng say…

Tay em lạnh để cho tình mình ấm
Môi em mềm cho giấc ngủ em thơm
Sao Giao Thừa xanh trong đôi mắt ngoan
Trời sắp Tết hay lòng mình đang Tết?

Thì là Tết đấy. Những con đường đang nhộn nhịp quá những người qua. Phố xá dần đông vui lên, rộn ràng những sắc màu nghênh tiếp năm mới. Với lòng người, có quá nhiều điều để háo hức, chờ mong…

Trời sắp Tết hay lòng mình đang Tết?

Mà có phải khi ai vu vơ thốt lên câu hát bất chợt ấy, cũng là đang thực sự có niềm vui đâu…
Tháng ngày đã trôi qua
Tình đã phôi pha
Người khuất xa
Chỉ còn chút hương xưa
Rồi cũng phong ba
Rụng cùng mùa…

Tác phẩm đầu tay nổi tiếng của nhạc sĩ Vũ Thành An, “Tình khúc thứ nhất”, cũng là một bài hát phổ từ thơ của thi sĩ Nguyễn Đình Toàn : “Có yêu nhau xin ngày thơ ngây Lúc mắt chưa nhạt phai Lúc tóc chưa đổi thay Lúc môi chưa biết dối cho lời…”. Đấy là những câu thơ rưng rức đầy tiếc nuối. Mờ. Phai.

Nỗi buồn ở đây dường như đã đi đến cùng tận. Khi “chỉ còn chút hương xưa” rồi cũng đã “phong ba”, và cuối cùng, “rụng cùng mùa” ?

Không. Với kỉ niệm đẹp, nỗi buồn ấy như là một thú vui tao nhã. Những khi thấy lòng mình chùn xuống, ta thong thả mang ra gặm, nhắm…

Dòng sông đêm hồn đen sâu thao thức
Ngàn vì sao mọc hay lệ khóc nhau?
Đá buồn chết theo sau
Ngày vực sâu
Rớt hoài xuống hư không
Cuộc tình đau…

Đã có rất nhiều ca sĩ trình bày ca khúc này. Nhưng được yêu thích nhất có lẽ là Khánh Ly và Nguyên Khang. Nếu Khánh Ly với giọng hát nữ tính, đầy chất ma mị của mình đã tình tự khôn nguôi về một thời yêu thương say đắm, thì Nguyên Khang bằng sự ấm áp cố hữu, lại đem đến một hoài niệm buồn. Một nỗi buồn sang trọng và cần thiết.

Giao thừa đang sắp đến. Gần, đã gần lắm rồi…

Và trong cái thời khắc mong manh ấy, khi trời đất đang bắt đầu trở mình cho một cuộc chuyển giao, thế nào tôi cũng để cho cái ngày xưa của mình quay lại. Rằng :

Em đến thăm anh đêm ba mươi Còn đêm nào vui bằng đêm ba mươi ?
Anh nói với người phu quét đường Xin chiếc lá vàng, làm bằng chứng yêu em…
.
(*) Nhạc Vũ Thành An, thơ Nguyễn Đình Toàn.

Lời tình buồn (Chu Trầm Nguyên Minh – Vũ Thành An)

Trong niềm tiếc thương nhà thơ Chu Trầm Nguyên Minh, tác giả của bài thơ ‘Lời tình buồn’ (sáng tác năm 1967) mà sau đó nhạc sỹ Vũ Thành An đã phổ thành bản nhạc nổi tiếng mãi hơn 40 năm qua. Một lần nữa  [dongnhacxua.com] cầu chúc linh hồn ông mau hưởng niềm vui bất tận nơi miền miên viễn.

LỜI TÌNH BUỒN
(Nguồn: tác giả Trương Văn Dân đăng trên bbqt.com)

Lời ngỏ

Bài này viết vào đầu tháng 1/2014, lúc anh Tâm (CTNM) nhập viện. Lúc đó đã có 2 bản dịch ra tiếng Pháp và tiếng Ý của Elena. Dù rất mệt nhưng anh Tâm cũng cố gắng viết và gửi cho tôi bài viết về nguồn gốc và những liên quan về “lời tình buồn” để làm tư liệu.

Vừa rồi khi đến thăm anh ở bệnh viện Triều An anh Tâm nói còn thiếu bản dịch sang tiếng Anh. Tôi có nhờ HKO nhưng lúc này chị rất bận. Anh nhờ tôi thay anh viết mail nhờ nhà thơ Đặng Lệ Khánh.Mới đầu chị Khánh cũng hơi ngại việc dịch thơ nhưng khi biết tình hình sức khỏe của anh Tâm đang chuyển biến xấu … thì ngay chiều hôm đó tôi nhận được bản dịch qua mail. Mừng quá, tôi copy vào bài viết và gửi cho anh. Nhưng lúc này anh đã phải thở oxy và không mở mail được.

Hôm 18/2/2014 tôi gọi điện thăm anh nhưng mãi đến chiều mới liên lạc được. Chị Tùng Vân cho hay là lúc đó anh đang ngủ. Chị cho biết là lúc sáng chị có mở mail và đọc lại bài viết này cho anh nghe. Anh rất vui và xúc động.. 16h ngày 19/2 thì nghe tin anh đã từ giã bạn bè…

Tôi xin gửi bài viết này như thắp một nén nhang không màu khói để tiễn anh về cõi vô thường. Và tưởng nhớ những ngày chung sống cùng anh và các bạn văn ở nhà bs Thiện tại Paris.

Ảnh: luanhoan.net
Ảnh: luanhoan.net

Gần 50 năm trước bài thơ Lời Tình Buồn của Chu Trầm Nguyên Minh xuất hiện như một lời chia tay trong tâm trạng bấp bênh, mang đầy nuối tiếc của kẻ ra đi mà chẳng biết ngày về… “Anh đi rồi” vang lên như lời than thở của kẻ đang giã từ đời sống bình yên để bước vào cõi đạn bom. Cuộc ra đi đó là dấu chấm hết của đời thư sinh, xếp bút nghiên để cầm lấy súng. Bản tính hiền hòa, CTNM mang súng mà có lẽ chắc chẳng biết phải dùng súng để làm gì. Trong lòng anh chỉ mang nặng những âu lo, trước mắt anh chỉ có một bầu trời đầy sa mù nên lời thơ của anh âm thầm vang lên như một nỗi buồn thân phận. Cá nhân. Nhưng cũng là tập thể, của những trai tráng cùng thời…

Chỉ với câu thơ đầu : “ Anh đi rồi còn ai vuốt tóc”…. Bài thơ đã ngân lên như một khúc nhạc nhẹ nhàng, nhưng cũng đầy day dứt, xót xa khi phải xa cách trong tình yêu.

Chỉ một từ “đi” thôi nhưng sao nó làm nỗi buồn như kéo dài đến vô tận! Từ “đi ” ở đây không hẳn là chuyển động… mà còn là sự chia ly, là kéo dài khoảng cách không gian giữa hai kẻ yêu nhau, sẽ không còn thấy, không còn gặp, không còn được tình tự, âu yếm nhau nữa.

Một cảm giác cô quạnh khi hai người không được sống bên nhau. Sự chia ly làm kẻ ra đi buồn da diết và tình yêu sâu sắc của anh dành cho người ở lại lúc này đang lớn lên như biển như trời. Những câu hỏi kế tiếp chính là nỗi băn khoăn của kẻ ra đi: “đêm xuống rồi em buồn không hỡ?” Trời sa mù tầm tay với âu lo…

Chắc chắn là chỉ trước lúc xa nhau con người mới cảm nhận hết tình yêu thương, sự mất mát và nỗi cô đơn. Ý tưởng không mới, cũng chẳng lạ… thế nhưng người đọc thơ anh cứ nghe lòng buồn da diết – Có lẽ nó giải bày niềm khát khao hạnh phúc và nỗi đớn đau lúc chia ly trong tình yêu bằng cảm xúc rất thật, rồi ngôn ngữ và nhạc điệu đã làm cho cảm xúc thăng hoa? Đọc thơ anh, không khó nhận ra là lời thơ tự nhiên tuôn chảy, hoàn toàn không cường điệu hay cố gắng tạo ra những tiếng kêu thê thiết… mà âm vang vẫn man mác, trầm buồn.

Anh đi rồi còn ai đưa đón…

Nỗi lo lắng đơn giản mà xúc động. Những câu hỏi sau đó còn được anh liên tiếp, phóng bút đưa ra, dồn dập… như sự hốt hoảng này chính là nỗi buồn/nhớ đang giăng ngập hồn mình. Nó chiếm lĩnh trọn tâm hồn kẻ ra đi.

Bởi ra đi trong thời khói lửa chiến tranh là sự ra đi một đi không trở lại.

Quá khứ không quay về… Có còn lại chỉ là những kỉ niệm về ngày xưa. Những hoài niệm làm người đi day dứt… nên “đi rồi” mà như vẫn đứng đó, ngẩng nhìn về phía sau, vì, chỉ một chút nữa thôi là không còn chi nữa. Không còn mái tóc xanh “trùng dương sóng lượn” không còn cả ngôn ngữ để “ nói hết yêu thương”.

Đi, mà lòng vẫn ao ước được ở bên em… ở đâu cũng được, dưới thấp hay trên cao, thậm chí lơ lửng giữa bầu trời như một đóm sao…miễn là được nhìn thấy em, chiêm ngưỡng em… chăm lo cho em mọi thứ. Nhưng đi rồi…thì không gian xa khuất… nên lòng “..chợt buồn đứng ngóng bâng khuâng”

Bâng khuâng. Và lo sợ. Vì ngày mai biết đâu anh sẽ không còn sống, hay sống sót trở về mà một phần xương thịt đã gửi lại núi rừng.

Bài thơ chỉ có vỏn vẹn 112 chữ nhưng chứa đựng bao điều muốn nói. Ngắn, nhưng cô đọng những tâm tình, những âu lo, mất mát, của tuổi thanh xuân chìm sâu hun hút theo dòng lịch sử của một thời chinh chiến.

Bài thơ khi đọc lên, tự nó đã thấy buồn. Rồi qua lời hát nó còn da diết hơn. Thê thiết hơn. Ngôn ngữ trữ tình thanh thoát còn được bay lượn trên làn sóng âm thanh làm lòng người nghe cảm nhận một cảm giác chơi vơi. Đó có phải là ký ức về một thời trai trẻ, về mối tình đầu… mà ai ai trong chúng ta cũng sẽ giữ mãi? Cho dù ngày sau có ra sao đi nữa…có chết đi…thì vẫn hạnh phúc vì đã có được một tình yêu nồng thắm… “Phúc yêu em dấu lần quá khứ ”…Âm thanh du dương cao vút rồi khép lại bằng “ Nụ hôn đầu rụng xuống hư vô” …

Rồi tất cả chìm vào hư không… Còn lại chăng chỉ là một nỗi buồn, tiếc, nhớ… mênh mang…

&

Thơ là một dòng suối mà ngôn ngữ là con thuyền chuyên chở cảm xúc, nhờ thứ ngôn ngữ cô đọng đó nên “cái bên trong” của nhà thơ… lan ra bên ngoài…tưới mát tâm hồn và chạm đến trái tim người đọc. Thế nhưng xưa nay hiếm có những bài thơ mà âm vang dừng lại thật lâu, đọng lại trong tâm người thưởng thức..

Phần lớn những vần thơ đến với chúng ta chỉ trong một thoáng, nó như bức tranh mây đa sắc xuất hiện giữa bầu trời…và hình như chỉ khi nào có một họa sĩ tài hoa bằng nghệ thuật độc đáo của mình, nắm bắt được hình ảnh bất chợt, vẽ lên tranh thì hình tượng ấy mới trở nên cụ thể, hư ảo và sắc màu cùng hiện thì cảm xúc của nhà thơ mới được hình tượng hóa : và người yêu thơ mới có thể cảm nhận hết sự cộng hưởng của giai điệu và lời ca.

Bài thơ Lời Tình Buồn của CTNM nhẹ nhàng và ngôn ngữ tự nó có mang theo âm tiết như một bài ca. Nhưng phải nói thêm là tiếng vang của nó sẽ vụt tắt nếu không bắt gặp bàn tay tài hoa của Vũ Thành An. Chính có sự gặp gỡ này thì ngôn ngữ và âm thanh mới giao thoa và những cung bậc cảm xúc được vang lên bằng một thứ âm thanh len lỏi vào trái tim người nghe, ngân vang và được lưu giữ mãi.

Bài hát đã chắp cánh cho những vần thơ ngọt ngào, da diết … bay cao, lay động lòng người.

Nhiều năm sau nghe lại Khánh Ly (*)…giọng hát có lúc trầm buồn, có khi cao vút, khơi dậy trong lòng người nghe những nỗi nhớ của một thời yêu thương, lòng vấn vương bao kỷ niệm của hương xưa, của thuở chiến chinh, của trời mây non nước… Lời Tình Buồn cuốn hút, mang tâm hồn tôi bay ngược về quá khứ, hất tung những hình ảnh bị che mất dưới lớp bụi mịt mờ của thời gian…

Trương Văn Dân
Sài Gòn 1/2014

Trong cảm xúc ấy, xin ghi lại ở đây bài thơ Lời Tình Buồn của Chu Trầm Nguyên Minh:

LỜI TÌNH BUỒN

Anh đi rồi còn ai vuốt tóc
Lời tình thơm sách vở học trò
Đêm xuống rồi em buồn không hở
Trời xa mù tầm tay với âu lo

Anh đi rồi còn ai đưa đón
Áo em bay khuất mất thiên đường
Tuổi hai mươi vòng tay chờ đợi
Ngôn ngữ nào anh nói hết yêu thương

Anh đi rồi còn ai chiêm ngưỡng
Cổ em cao tay mười ngón thiên thần
Tóc em xanh trùng dương sóng lượn
Anh chợt buồn đứng ngóng bâng khuâng

Anh đi rồi còn ai tình tự
Đêm đầy trời ru tiếng nhớ bơ vơ
Phúc yêu em dấu lần quá khứ
Nụ hôn đầu rụng xuống hư vô.

Chu Trầm Nguyên Minh

…và bản dịch sang tiếng Anh của Đặng Lệ Khánh :

Love Blue

Once I am away, no one will softly touch your hair
Loving words – sweet as school years – no longer murmured to your ears
Night is falling now, are you feeling heartbroken
Misty fog is dripping down filling your arms with worriment

Once I am away, no one will pick you up and see you off
Paradise becomes unreal, so is your fluttering dress
Being twenty something, we are waiting for embraces
No word, nor language can describe my love enough

Once I am away, no one will adore your graceful neck
And your fingers so heavenly delicate
Your long hair flows like soft waves in the ocean
Standing here, in sudden sadness, I am longing for none

Once I am away, there will be no one to share your love
The night sky is filled with songs of remembrance and sorrow
The joy of loving you will soon be flowing into the past
And our first kiss will be falling into emptiness

và hai bản dịch sang tiếng Pháp và tiếng Ý của Elena Pucilo Truong

Les paroles tristes pour un amour
Je suis parti ….Qui te caressera les cheveux ?
Les mots d’amour parfument encore les cahiers
Tu seras triste quand tombera la nuit

Et le ciel brumeux te remplira de souci
Je suis parti…Qui t’accompagnera ?
Vole la bande de l’ao dai , en voilant le paradis
A vingt-ans , les bras sont ouverts en attendant un amour

Par quels mots je pourrais exprimer tout mon sentiment?
Je suis parti….Qui adorera
Ton long cou et tes doigts d’ange
Tes cheveux, fluctuants comme une vague de l’océan?

Et le regard se perd dans la tristesse…avec émotion
Je suis parti….à qui tu t’es confieras ?
Le ciel nocturne murmure la nostalgie mélancolique
La chance de t’avoir aimée , maintenant me fait oublier notre passé

Et le premier baiser sombre déjà dans le rien…

Bản dịch sang tiếng Ý :

Le parole tristi per un amore
Sono partito, chi ti accarezzera’ i capelli ?
Le parole d’amore profumano ancora i quaderni
Sarai triste quando calera’ la notte

E il cielo nebbioso ti riempira’ di preoccupazione.
Sono partito..chi ti accompagnera’?
Il lembo di ao dai vola, velando il paradiso
a vent’anni , le braccia sono aperte in attesa di un amore

Con quali parole potrei esprimere tutto il mio sentimento?
Sono partito… chi adorera’
Il tuo lungo collo e le dieci dita d’angelo
I tuoi capelli, fluttuanti come l’onda dell’oceano?

E lo sguardo si perde nella tristezza…con emozione
Sono partito… con chi ti confiderai ?
Il cielo notturno sussurra la malinconica nostalgia
La fortuna d’averti amato ora mi fa dimenticare il nostro passato

Ed il primo bacio già sprofonda nel nulla…

[footer]

Đời Đá Vàng (Vũ Thành An): Có oằn mình đớn đau mới hiểu được tình yêu

Người yêu nhạc dễ nhận ra ở bản ‘Đời đá vàng’ của nhạc sỹ Vũ Thành An nét nhạc bay bổng và ca từ đầy chất tự sự thường thấy của dòng nhạc xưa. Chúng tôi không có  cơ hội gặp gỡ nhạc sỹ Vũ Thành An cũng như không có nhiều thông tin về quá trình nhà nhạc sỹ cho ra đời ‘Đời đá vàng’ nhưng chắc chắn ca khúc này là những tâm tình chất chứa trong tận cùng sâu thẳm của một người đã trả qua nhiều thăng trầm của cuộc sống và giờ đây đã tìm được sự thanh thản đích thực trong tâm hồn.

[dongnhacxua.com] trân trọng gởi lời chúc bình an đến nhạc sỹ Vũ Thành An và cũng qua bài viết này xin gởi một làn gió mát thoảng nhẹ để vỗ về an ủi những tâm hồn còn ‘buồn phiền’ sẽ được ‘tháng ngày bình yên’!

Đời đá vàng (Bài không tên số 40) - Vũ Thành An. Ảnh: http://my.opera.com/ngsinh/blog/?startidx=140
Đời đá vàng (Bài không tên số 40) – Vũ Thành An. Ảnh: http://my.opera.com/ngsinh/blog/?startidx=140

BÀI VIẾT CỦA NHẠC SỸ HOÀNG THANH TÂM VỀ ‘ĐỜI ĐÁ VÀNG’ CỦA VŨ THÀNH AN
(Nguồn: HoangThanhTam.blogspot.com)

Thân tặng Tăng Huỳnh Mai

Nhạc sĩ Vũ Thành An phải cần tới ……. 27 năm để viết và … hoàn tất nhạc phẩm “Đời Đá Vàng”!
Vũ Thành An bắt đầu viết nhạc phẩm “Đời Đá Vàng” từ năm 1974 tại Việt Nam và cho biết bài hát này đã không được ông phổ biến cho mãi đến năm 1994, khi ông qua Mỹ, định cư tại Portland, tiểu bang Oregon ông mới viết thêm lời cho bài hát này với những câu sau:

“Có một lần mất mát mới thương người đơn độc,
có oằn mình đớn đau mới hiểu được tình yêu,
qua dầm dề mưa tuyết mới vui ngày nắng về,
có một thời khóc than mới hiểu đời đá vàng”.

Và cho tới năm 2001, ông lại viết thêm lời sau cho bản nhạc này:

“Xuống tận cùng dưới đáy mới thấy mênh mông rộng đất trời,
hãy mở lòng chúng ta đón nhận niềm tin yêu.
Có nghìn lần tha thứ cũng chưa là ái từ,
hãy cảm tạ biết ơn có được đời đá vàng”.

Đó là những lời ông đã viết để hoàn tất nhạc phẩm này sau khi chọn con đường theo đạo và chấm dứt sự nghiệp viết tình ca của mình để chỉ viết Thánh Ca mà thôi ….

Mời bạn thưởng thức nhạc phẩm đã trải qua biết bao biến thiên và sự chiêm nghiệm về con người và cuộc đời, để NS Vũ Thành An có thể viết lên những lời lẽ ông đã “ngộ” được bằng chính sự thăng hoa từ những tân cùng sinh tử của bản thân mình để đạt đến niềm tin yêu và cuộc sống mới của một …. ĐỜI ĐÁ VÀNG

[footer]

Vũ Thành An và những bài không tên

Nhắc đến nhạc sỹ Vũ Thành An, có lẽ tất cả những ai yêu nhạc đều nhớ đến khoảng 40 bài ‘không tên’. Tuy nhiên nếu có điều kiện tìm hiểu rõ hơn về nhà nhạc sỹ, chúng ta mới khám phá nhiều điều thú vị về một trong những nhạc sỹ có khuynh hướng sáng tác rất riêng nổi tiếng vào cuối những năm 1960 ở miền nam Việt Nam (cùng với Trịnh Công Sơn, Ngô Thụy Miên, Từ Công Phụng, v.v.)

ĐÔI NÉT VỀ NHẠC SỸ VŨ THÀNH AN
(Nguồn http://vi.wikipedia.org/wiki/Vũ_Thành_An)

Vũ Thành An sinh năm 1943 tại Hải Hậu, Nam Định.

Năm 1954 ông theo gia đình di cư vào miền Nam.

Năm 1960, ông vào học trường trung học Nguyễn Trãi, có theo học nhạc sĩ Chung Quân cùng Ngô Thụy Miên, Đức Huy.

Năm 1961 ông thi hỏng Tú tài và về trường Hưng Đạo học tiếp Đệ nhị.

Năm 1963, Vũ Thành An thi đậu Tú tài toàn phần. Sau đó ông được linh mục Trần Đức Huynh, giám đốc trường Hưng Đạo cho dạy lớp Đệ thất để có tiền học Đại học.

Cuối năm 1963, Vũ Thành An vào làm phóng viên ở Đài phát thanh Sài Gòn, ở đó ông gặp nhà thơ Nguyễn Đình Toàn.

Năm 1965, ông viết Tình khúc thứ nhất, thơ Nguyễn Đình Toàn và nổi tiếng ngay từ ca khúc đầu tay đó. Những năm tiếp theo, ông viết nhiều Bài không tên khác.

Năm 1967, Vũ Thành An nhập ngũ khóa 25 Sĩ quan dự bị Thủ Đức và 1969 ông lập gia đình.

Năm 1969, ông phát hành tập nhạc Những bài không tên. Các tác phẩm của Vũ Thành An được yêu thích ở khắp miền Nam khi đó. Người ta có thể nghe tại gần như hầu hết các quán cà phê nhạc của Sài Gòn và những thành phố lớn khác, tại các quân trường và trên các làn sóng phát thanh. Tên tuổi của Vũ Thành An cùng với Tình khúc thứ nhất, Em đến thăm anh đêm ba mươi và các Bài không tên gắn liền với giới trẻ thời bấy giờ. Vũ Thành An cùng với Trịnh Công Sơn, Ngô Thụy Miên, Từ Công Phụng, Lê Uyên Phương tạo thành một lớp nhạc sĩ mới đầy tài năng.

Năm 1971, Vũ Thành An tốt nghiệp đại học Luật khoa Sài Gòn.

Ông tiếp tục làm việc tại đài phát thanh Sài Gòn với cấp bậc sĩ quan, và trải qua nhiều chức vụ: Trưởng cơ sở dân vận Gia Định 1973, Trưởng phân khối văn hóa, Phụ tá trưởng khối chương trình, Trưởng khối chương trình và Trưởng phân khối kế hoạch hệ thống truyền thanh 1974.

Ngày 30 tháng 4 1975, Vũ Thành An là người cuối cùng rời Đài phát thanh Sài Gòn, lúc 10 giờ 30 giờ sáng. Sau đó ông bị tù cải tạo suốt mười năm dài từ 1975 đến 1985 tại miền Bắc.

Theo lời Vũ Thành An, ông bắt đầu sáng tác Thánh ca, Những Bài Nhân Bản trong thời gian cải tạo từ năm 1981.

Năm 1991, Vũ Thành An rời Việt Nam và định cư tại Hoa Kỳ. Năm 1996, ông ghi danh học chương trình Cao học Thần học của Tổng giáo phận Portland, Oregon.

Năm 2000, Vũ Thành An được đào tạo làm chức Phó Tế và phụ trách Đài phát thanh Việt Nam Hải Ngoại ở Portland, Oregon. V

ũ Thành An ngừng sáng tác tình khúc và chỉ tiếp tục soạn các bản thánh ca, và tham gia các công việc từ thiện.

“TÌNH KHÚC THỨ NHẤT” VÀ MỐI LƯƠNG DUYÊN VỚI NHÀ THƠ – NHẠC SỸ NGUYỄN ĐÌNH TOÀN

Nhạc sỹ Vũ Thành An viết nhạc từ rất sớm: ngay từ khi học lớp đệ tứ, tức lớp 9 ngày nay. Sáng tác đầu tay đã bị người thầy là nhạc sỹ Chung Quân (tác giả bản nhạc bất hủ “Làng tôi” – Làng tôi có cây đa cao ngất tầng xanh …) chê, nói chính xác là chê phần lời. Thế là nhà nhạc sỹ của chúng ta chỉ sáng tác phần nhạc và để đó.

Mãi đến khi vào làm việc ở đài phát thanh Sài Gòn và có dịp gặp gỡ rồi làm quen với nhà thơ, nhạc sỹ Nguyễn Đình Toàn và được sự giúp đỡ và động viên của nhà thơ thì Vũ Thành An của chúng ta mới tự tin hơn và dần dần tự đặt lời cho những ca khúc của mình. Năm 1965, khi mới 22 tuổi, Vũ Thành An vụt nổi tiếng với “Tình khúc thứ nhất”, phần nhạc Vũ Thành An và phần lời của Nguyễn Đình Toàn. Đây có thể nói là sáng tác đầu tiên của Vũ Thành An được công chúng biết đến.

“BÀI KHÔNG TÊN CUỐI CÙNG” NHƯNG LẠI LÀ BÀI ĐẦU TIÊN TRONG LOẠT NHỮNG “BÀI KHÔNG TÊN”

Cũng trong năm 1965, mối tình đầu của nhà nhạc sỹ tan vỡ. Tâm sự ấy đã được Vũ Thành An gởi gắm vào “Bài không tên cuối cùng”. Chữ “cuối cùng” ở đây mang ý nghĩa đó là kỷ niệm cuối cùng với người con gái mà nhà nhạc sỹ đã thầm yêu.

Theo lời tự sự của chính nhà nhạc sỹ, tác phẩm này vô tình đã gây nhiều đau khổ cho “người con gái” trong cuộc sống. Vì thế cho nên năm 1991, ngay khi đặt chân đến trại tỵ nạn, Vũ Thành An viết ngay “Bài không tên cuối cùng tiếp nối” nhưng là một phần để xoa dịu nỗi đau ngày xưa:

“Này em hỡi, con đường em đi đó, con đường em theo đó đúng đấy em ơi …”

[footer]