Thật ra từ lâu DòngNhạcXưa đã có ý định viết về bản “Tôi đưa em sang sông” để lưu lại chút ít tư liệu cho thế hệ trẻ về tác giả cũng như hoàn cảnh ra đời của nhạc phẩm nổi tiếng này. Thế nhưng khi tìm kiếm thông tin cho bài viết thì chúng tôi thấy trên mạng đã có quá nhiều tư liệu từ nhiều nguồn khác nhau nên cứ lần lữa mãi vì bản thân DòngNhạcXưa cũng không có thêm được điểm nào mới mẻ.
Tuy nhiên cách đây vài tháng (cuối năm 2017) sau khi xem xong một chương trình trên đài truyền hình HTV, chúng tôi nhận thấy phải lên tiếng với mục đích không phải để làm rõ trắng đen mà chỉ mong đem lại một chút gì đó gọi là công bằng cho một người đã mất: nhạc sỹ Nhật Ngân.
Trước hết, xin quý vị xem qua clip (mà chúng tôi muốn nói đến) về một chương trình nhạc chủ đề về nhạc sỹ Y Vũ do HTV thực hiện.
Cụ thể hơn là nhạc sỹ Y Vũ đã khẳng định bài đó là do chính ông và chỉ mỗi bản thân ông sáng tác
[dongnhacxua.com] vừa nhận được câu hỏi của vài quý độc giả hỏi bản “Duyên tình” là sáng tác của nhạc sỹ Xuân Tiên hay của Y Vân hay là sáng tác chung của hai người. Không có cơ duyên gặp gỡ hai nhạc sỹ để tìm hiểu nhưng qua những gì chúng tôi sưu tầm trên internet thì có thể tạm kết luận “Duyên tình” phần chính là được Xuân Tiên sáng tác, nhưng nhạc sỹ Y Vân cũng góp phần. Sinh thời hai nhà nhạc sỹ khả kính của chúng ta không câu nệ “ai chính – ai phụ” và vẫn vui vẻ đứng tên chung thì theo thiển ý của [dongnhacxua.com], thế hệ hậu sinh chúng ta cũng không nên tranh luận quá mức làm gì mà cái chính là những ai yêu nhạc xưa cứ mãi say sưa “Biết nhau giữa độ trăng tròn …” là Y Vân mỉm cười nơi chín suối còn Xuân Tiên chắc cũng thanh thản an hưởng tuổi già ở Úc Châu xa xôi!
Xung quanh cuộc đời và những sáng tác của nhạc sỹ Y Vân là những giai thoại, hầu hết là dễ thương. Câu chuyện về bản “Ảo ảnh” mà [dongnhacxua.com] giới thiệu hôm nay là một trong số đó. Một khi là giai thoại thì khó mà xác định đúng hay sai – điều duy nhất đúng là công chúng có yêu mến Y Vân nên mới thêu dệt nhiều câu chuyện thú vị về ông.
ẢO ẢNH CUỘC TÌNH (Nguồn: bài viết của anh Hà Đình Nguyên, đăng trên báo Thanh Niên)
Y Vân lập gia đình năm 1963, lúc này anh đã là trưởng ban nhạc Y Vân danh tiếng ở Sài Gòn (cùng với sự cộng tác của các ca sĩ Thanh Thoại, Tuyết Mai, Mai Hương…). Một buổi trưa năm 1965, từ đài phát thanh, Y Vân dắt xe máy ra cổng chuẩn bị về thì có một chú bé chạy đến mời anh vào quán nước cạnh đấy. Nơi đây, một thiếu nữ khá xinh ngồi chờ sẵn, chú bé giới thiệu đó là chị của mình, tên Huyền, đang là sinh viên Ban Việt-Hán, Đại học Văn khoa Sài Gòn. Huyền có đôi mắt to, đen và buồn. Trên bâu áo của nàng có chít một mảnh tang đen. Y Vân cố nhớ lại xem mình đã gặp cô gái này ở đâu chưa, nhưng chịu thua. Theo phép xã giao anh ngỏ lời chia buồn. Nhưng cô gái lắc đầu, buồn bã: “Em đâu có người thân nào qua đời. Mảnh tang này là dành cho mối tình của em đó!”. Y Vân sượng sùng, anh cũng manh nha đoán rằng phải có một điều bí ẩn gì đó mới khiến cô gái này vượt qua nỗi e dè thường thấy của phái nữ, không ngại điều thị phi để đánh bạo gặp anh, nhưng cũng khó mở miệng để hỏi, đành chỉ ngồi nói chuyện bâng quơ một lát rồi viện cớ cáo từ.
Hai hôm sau, Y Vân tìm đến nhà Huyền theo địa chỉ cô đã cho. Đó là một căn nhà vách gỗ đơn sơ nhưng ngăn nắp, sạch sẽ nằm bên chiếc ao rau muống trong con hẻm đường Trương Minh Giảng (gần chợ Phú Nhuận bây giờ). Huyền không có nhà nhưng cậu em trai đã thổ lộ với chàng nhạc sĩ những điều thầm kín của chị mình. Chú bé cho biết họ là con của một địa chủ tiếng tăm ở Long An, được gia đình gửi lên Sài Gòn trọ học. Huyền rất thích âm nhạc và ca hát, đặc biệt là thích nhạc của tác giả Y Vân. Những cuốn vở học trò của Huyền cũng được cô kẻ khung, chép nhạc (hầu hết là nhạc của Y Vân). Tiền gia đình gửi lên để Huyền hoàn tất chương trình cử nhân Văn khoa lại được nàng đem đóng học phí vào… lớp dạy đàn Tây Ban cầm. Suốt ngày Huyền chỉ ôm đàn và hát nhạc Y Vân.
Việc học bê trễ, mấy năm liền chẳng đậu thêm được chứng chỉ nào. Thấy vậy, ông bố đã bắt hai chị em về quê, ép gả Huyền cho một anh trung úy hải quân. Huyền quyết liệt từ chối. Bẽ mặt với nhà trai, ông bố đăng báo từ con. Huyền đau khổ, trút tâm sự với em trai rằng đã yêu nhạc sĩ Y Vân. Sau khi bàn tính, hai chị em trốn nhà lên Sài Gòn, Huyền phải tìm việc làm để mưu sinh và nuôi hy vọng có ngày sẽ được cùng người trong mộng kết tóc se tơ. Sau nhiều lần dò hỏi, biết chắc nhạc sĩ Y Vân đã có gia đình, Huyền làm một mảnh tang đen, luôn đeo nó trên bâu áo.
Nhưng lòng nàng lúc nào cũng tơ tưởng đến nhạc sĩ tài hoa. Nàng đã nhờ em trai tìm cách cho nàng gặp anh để nói với anh điều này. Nhưng khi gặp, nàng lại không dám nói. Y Vân ra về như chạy. Và ca khúc Ảo ảnh ra đời sau đó: “…Những ân tình em đong bằng nước mắt. Khóc cho đầy hai chữ tình yêu. Phấn hương nồng anh xem tựa tấm áo, đã thay màu ân ái từ lâu. Những neo thuyền yêu thương thường dễ đứt, khiến bao chiều trên bến tịch liêu. Vắng con tàu sân ga thường héo hắt. Thiếu em lòng anh thấy quạnh hiu…”.
[dongnhacxua.com] thật ngạc nhiên khi vô tình biết thêm một chi tiết thú vị về phố núi Pleiku, nhạc sỹ Y Vân và nhà thơ Kim Tuấn: nhạc phẩm nổi tiếng “Những bước chân âm thầm” của Y Vân là phổ từ bài thơ “Kỷ niệm” của thi sỹ Kim Tuấn viết về thành phố Pleiku bụi mờ đầy kỷ niệm của những năm 1960.
Người hát nếu không để ý kỹ sẽ dễ hát sai thành “hoa bỗng dưng tuyết trắng“. Trong bài thơ thì Kim Tuấn viết “hoa vông rừng tuyết trắng“, còn trong bản nhạc mà chúng tôi sưu tầm được thì nhạc sỹ Y Vân viết “hoa vòng rừng tuyết trắng“. Theo chúng tôi thì “hoa vông rừng” là chính xác nhưng không biết có phải là Y Vân cố tình sửa thành “hoa vòng rừng” hay đó chỉ là lỗi xuất bản. Y Vân đã mất năm 1992, Kim Tuấn cũng đã vĩnh viễn giã từ “miền kỷ niệm” năm 2003. Thế là [dongnhacxua.com] và những người yêu dòng nhạc xưa vẫn còn đó một câu hỏi thật dễ thương!
Qua bài viết này, [dongnhacxua.com] cầu nguyện cho linh hồn nhà thơ Kim Tuấn sẽ được thanh nhàn miền cực lạc!
PLEIKU THÂN YÊU – TỪ ‘KỶ NIỆM’ ĐẾN ‘NHỮNG BƯỚC CHÂN ÂM THẦM’ (Nguồn: tác giả Xuân Trường đăng trên PleikuCafe.com)
Những năm 60 của thế kỷ trước, nhà thơ Kim Tuấn sống tại Pleiku và đã sáng tác nhiều bài thơ cho miền đất thơ mộng này. Sau đó, anh về Sài Gòn rồi mất năm 2003. Kỷ niệm là bài thơ anh viết cho Pleiku, được Y Vân phổ nhạc và trở nên nổi tiếng…
Ngày ấy, nhà ở đường Phan Bội Châu, buổi chiều anh thường lang thang ra ngoại ô. Những khu vườn làng đồng bào dân tộc được trồng những cây vông rừng (cây gòn rừng), mỗi khi nó nứt trái thì bông bên trong màu trắng bay lả tả theo gió, rơi rơi nhẹ nhàng như từng miếng nhạc chạm vào cuối chiều xa nhớ đến tận cùng hoàng hôn, khiến anh nghĩ đến Pleiku có tuyết trắng:
Từng bước từng bước thầm Hoa vông rừng tuyết trắng Rặng thông già lặng câm Hai đứa nhiều nuối tiếc
Tình yêu trong bài thơ dù có nguyên mẫu hay không, nhà thơ cũng đã tinh tế hòa nhịp cái tình trong cái cảnh, như một bức tranh Pleiku hoàng hôn, thanh thản nỗi buồn trong veo mà người ta dễ cảm nhận ở cái xứ sương mù và quanh năm mùa đông này.
Những năm tháng ấy, Pleiku còn nhiều cảnh chiến tranh và bắt lính. Có lẽ vì thế mà tuổi trẻ buồn cho thân phận, buồn cho tương lai như những hàng thông lặng câm, hay mây núi chụm đầu thủ thỉ. Tác giả đã điệp khúc nỗi buồn của tuổi trẻ ngày ấy nhiều lần:
Từng bước từng bước thầm Cuối đầu in dấu mỏi Tuổi trẻ buồn lặng câm Núi nghiêng đầu thủ thỉ
Từ bài thơ Kỷ niệm của Kim Tuấn, nhạc sỹ Y Vân ở Sài Gòn đã phổ nhạc thành ca khúc Những bước chân âm thầm mà đến nay nhiều người Pleiku, Sài Gòn hoặc hải ngoại đã hát thuộc lòng, nhưng ít có người biết đó là bài hát liên quan đến Pleiku, được sáng tác tại Pleiku.
Từ những năm 90, người ta ồ ạt khai thác gỗ vườn để xẻ ván xuất khẩu, làm vắng bóng những cây gòn rừng, bay tuyết trắng chiều ngoại ô Pleiku. Biết bao giờ mới có lại cái không gian cây xanh ấy.
Kim Tuấn và Y Vân không còn nữa nhưng Kỷ niệm – Những bước chân âm thầm vẫn đang bềnh bồng khắp mọi nơi, không chỉ có ở Pleiku thân yêu. Thêm một lần nữa, chúng ta hãy cùng đọc lại bài thơ này:
Từng bước từng bước thầm Hoa vông rừng tuyết trắng Rặng thông già lặng câm Hai đứa nhiều nuối tiếc
Sương mù giăng mấy đồi Tay đan đầy kỷ niệm Mưa giữa mùa tháng năm Dật dờ cơn gió thổi
Một tháng không trăng rằm Mây núi ôm trời thấp Giá rét về căm căm Cao nguyên mù đất đỏ
(Nhân nói về nhạc phẩm “Buồn“, [dongnhacxua.com] xin trích đăng lại một bài viết của nhạc sỹ Lê Dinh đăng trên tờ Nguyệt San Nghệ Thuật số 152/11-2006 do ông chủ biên)
Nhà thơ Lê Phụng Thiên có gửi đến Nghệ Thuật một lá thư cho biết nhạc phẩm «Buồn» của Y Vân là do Y Vân phổ bài thơ có tựa là «Buồn như» trong Tuyển tập thơ «Sầu ở lại» của nhà thơ Tạ Ký. Nhạc phẩm «Buồn» của cố nhạc sĩ Y Vân do tác giả viết năm 1980. (Xem thủ bút ca khúc Buồn của Y Vân kèm theo). Trong bản chép tay này, Y Vân không có ghi phổ từ bài thơ «Buồn như» của Tạ Ký hay «Ýù thơ của Tạ Ký».
Trong phạm vi sáng tác ca khúc, nếu chúng ta lấy nguyên văn – hoặc gần như nguyên văn một bài thơ nào đó – chúng ta ghi «Phổ từ bài thơ nào của nhà thơ nào» hoặc nếu ta chỉ lấy ý thơ thôi mà không lấy nguyên văn bài thơ, thì chúng ta ghi «Ý thơ của…»
Trong suốt 32 trường canh của ca khúc «Buồn» với 86 chữ của phần lời, chúng ta thấy Y Vân có lấy nguyên văn 5 chữ «Buồn như ly rượu đầy» (Câu thứ 3 của bài thơ) để làm câu đầu của ca khúc «Buồn», và nguyên văn 5 chữ «Buồn như ly rượu cạn» và 5 chữ «Không còn rượu cho say» để làm lời ca cho từ trường canh thứ 5 đến trường canh thứ 8 (sửa chữ «cho» thành chữ «để» – «cho say» thành «để say»):
«Buồn như ly rượu đầy Không có ai cùng cạn Buồn như ly rượu cạn Không còn rượu để say…»
Từ trường canh thứ 9 đến trường canh thứ 16, lời không giống bài thơ, chỉ có ý là có hơi hám của bài thơ:
«Buồn như trong một ngày Hai đứa không gặp mặt Buồn như khi gặp mặt Không còn chuyện để vui».
Riêng đoạn giữa, từ trường canh thứ 17 đến trường canh 24 với lời ca:
«Đôi ta như bước lên đỉnh sầu Vì đời lên cao ngất thương đau Bao lâu ân ái chưa được nhiều Toàn là cay đắng giết thương yêu»
thì không hoàn toàn dính dáng gì đến bài «Buồn như».
Và 4 trường canh chót với lời ca:
«Tình đôi ta thật buồn Như lứa hoa nở muộn Tình yêu không trọn vẹn Buồn mỗi ngày buồn hơn»
thì cũng hoàn toàn khác hẳn với bài thơ.
Về ca khúc «Buồn» của nhạc sĩ quá cố Y Vân, nếu tác giả cẩn thận ghi thêm «Ý thơ của Tạ Ký» thì là một điều phải và đúng thì không có gì để nói. Theo tôi, có nhiều nhạc sĩ sáng tác, tình cờ đọc đâu đó một bài thơ có ý lạ, giữ trong đầu ý hay và lạ đó để rồi sáng tác một ca khúc dựa vào ý thơ đã thoáng qua trong đầu nhờ nội dung bài thơ đã đọc mà chắc chắn rằng họ không còn nhớ nguyên văn bài thơ, cùng tên bài thơ và cả tên tác giả. Ca khúc «Buồn» của Y Vân nằm trong trường hợp này và sự việc tương tự đã xảy ra không ít trong giới sáng tác ca khúc. Ngoài ra, chúng ta cũng nên biết rằng Y Vân là một nhạc sĩ có tài, sáng tác rất nhanh, bàn luận với anh tối hôm trước về một đề tài nào đó, sáng hôm sau Y Vân có ngay một sáng tác mới để trình làng và rất hay. Đó là trường hợp của những bài như «Anh về thủ đô», «Người bạn 10 năm qua». «Hát lên nào» v.v… Hoàn thành xong một ca khúc với cả phần nhạc và lời trong vài chục phút, ghi vội lên góc giấy tên tác giả để kịp đưa cho ca sĩ thu thanh, đó là Y Vân và bởi vậy chuyện «khiếm xác» thế nào cũng dễ dàng xảy ra.
Dưới đây là bài thơ «Buồn như» của Tạ Ký
Buồn như ly rượu cạn, Không còn rượu cho say Buồn như ly rượu đầy, Không còn một người bạn.
Buồn như đêm khuya vắng, Qua cửa sổ trông trăng. Buồn như em nói rằng: Nhớ anh từng đêm trăng.
Buồn như yêu không được, Dù người yêu có thừa. Buồn như mối tình xưa, Chỉ còn dòng lưu-bút.
Buồn như buồn như thế, Buồn như một kiếp người. Đây cõi lòng quạnh-quẽ Buồn như đóa hoa rơi. (Tặng Tôn Thất Trung Nghĩa)
[dongnhacxua.com] không có điều kiện để tìm hiểu kỹ về cuộc sống của nhạc sỹ Y Vân sau năm 1975. Tuy nhiên, dựa vào những thông tin thu lượm được, chúng tôi có thể hình dung phần nào về cuộc sống khó khăn và tâm trạng chán chường của ông trong giai đoạn này: từ sự tự do để sáng tác, ông bắt buộc phải đi theo đường lối của chế độ mới nếu muốn còn được viết nhạc; từ vị thế một nhạc lừng danh có cuộc sống thoải mái, ông phải lao động cật lực với đủ thứ nghề để nuôi sống gia đình vốn đông con, v.v.
Thế nên, trong tâm trạng như vậy, cảm tác từ bài thơ “Buồn như” của Tạ Ký, đầu những năm 1980, nhạc sỹ Y Vân đã cho ra đời một nhạc phẩm lạ với giai điệu đẹp và ca từ đặc sắc để diễn tả … nỗi buồn: nhạc phẩm “Buồn”, bản tình ca hiếm hoi mà Y Vân sáng tác sau 1975. Thời gian sau đó, những năm 1986-1992, Việt Nam bắt đầu mở cửa và với chính sách thoáng hơn, Y Vân đã bắt đầu có cảm hứng sáng tác trở lại nhưng hầu hết là ông làm nhạc phim và nhận soạn hòa âm cho các trung tâm băng nhạc ở Sài Gòn.
Có một chi tiết bên lề về nhạc phẩm “Buồn”: có người nói Y Vân đã thiếu sót khi quên ghi tên tác giả bài thơ vào bản nhạc. Theo thiển ý của [dongnhacxua.com], nhà nhạc sỹ của chúng ta hoàn toàn không cố ý, cũng có thể do điều kiện thông tin liên lạc thời đó còn thô sơ và chuyện xuất bản, in ấn nhạc không được quy củ như thời trước 1975 nên mới có hiểu lầm này. Với tài năng đặt lời trau chuốt và khả năng dùng tiếng Việt đầy sức biểu cảm (như trong “Ngăn cách”, “Nhạt nắng”, …) Y Vân hoàn toàn viết nên những dòng tâm sự như trong “Buồn”.
[dongnhacxua.com] xin mượn bài viết này để phần nào “minh oan” cho nhạc sỹ Y Vân và cũng xin đóng góp một phần nhỏ bé để tri ân nhà nhạc sỹ đáng mến của chúng ta!
XEM THÊM VÀI BẢN NHẠC TRƯỚC 1975 MÀ Y VÂN CẨN THẬN GHI TÊN NHÀ THƠ (Nguồn: http://amnhacmiennam.blogspot.com/)
Trong một bài viết về nhạc sỹ Y Vân, tác giả Lê Thiếu Nhơn có nhắc đến ca khúc ‘Người em sầu mộng’ . Theo tác giả thì ca khúc này nhạc sỹ Y Vân sáng tác vào thập niên 1980. Thật ra nhạc phẩm này Y Vân phổ theo ý thơ của nhà thơ Lưu Trọng Lư và đã nổi tiếng qua tiếng hát Sỹ Phú từ trước 1975. Theo bản nhạc mà [dongnhacxua.com] sưu tầm được thì bản nhạc này đã được Diên Hồng phát hành năm 1963 tại Sài Gòn.
Theo hiểu biết của chúng tôi, những ngày còn ở Hà Nội (trước năm 1952), chàng trai trẻ Trần Tấn Hậu có đi dạy nhạc cho một người con gái có tên là Tường Vân, con của gia đình quyền thế thời Pháp thuộc. Không biết chuyện tình cảm giữa nhà nhạc sỹ và nàng Tường Vân sâu đậm đến mức nào mà sau này khi bước vào sự nghiệp sáng tác, ông lấy nghệ danh là Y Vân, tức “yêu Vân”. Nghe nói sau đó nàng Tường Vân qua Pháp và Y Vân cũng có vợ con đề huề nên chuyện ngày xưa chắc chỉ còn là kỷ niệm.
(Tiếp nối dòng hồi tưởng về nhạc sỹ Y Vân, [dongnhacxua.com] xin trân trọng gởi đến quý vị yêu nhạc xưa một bài viết có giá trị của một người bạn – nhà báo, nhà văn, nhà thơ Lê Thiếu Nhơn – đăng trên An Ninh Thế Giới Cuối Tháng) Trong những nhạc sĩ quá cố mỗi ngày vẫn khơi dậy thương yêu cho chúng ta từ các ca khúc của họ, Y Vân là một trường hợp khiến tôi chú ý. Khi đời sống văn hóa cởi mở hơn, đủ để sự vùi lấp được lấp lánh lại và đủ để sự thiệt thòi được an ủi lại, thì nhạc sĩ Y Vân không còn trên đời mà nói về bao nhiêu góc khuất riêng tư.
1. Đôi lần tôi định phác thảo chân dung ông bằng chút chữ nghĩa khiêm tốn của mình, nhưng cứ day dứt suy nghĩ: cái lý lịch đáng tin cậy nhất và bền vững nhất của nhạc sĩ chính là những giai điệu thăng hoa từ tâm hồn, chứ không phải bất kỳ một lời hoa mỹ nào. Không thể nói khác hơn, giá trị ca khúc sẽ trực tiếp chứng minh nhạc sĩ ấy đã đến, đã trân trọng và đã ngoảnh lại tiếc nhớ cuộc sống này ra sao. Thế nhưng, đến một ngày gặp gỡ những người thân của nhạc sĩ Y Vân và được ngồi trong căn nhà nhỏ mà ông đã lặng lẽ sáng tạo đến giây phút cuối cùng trên cõi nhân gian, tôi quyết định viết về ông, dẫu dài dẫu ngắn hoặc dẫu sớm dẫu muộn cũng tỏ bày dăm ba niềm mến mộ của khán giả hôm nay dành cho tác giả nhiều ca khúc nức danh như “Lòng mẹ”, “Sài Gòn”, “60 năm cuộc đời”…
2. Xin nhắc lại, với di sản âm nhạc của nhạc sĩ Y Vân, ông không cần ai bênh vực cho mình trước sự bôi xóa nghiệt ngã của thời gian. Và cái lý lịch của Y Vân không chỉ đơn giản rằng: tên thật Trần Tấn Hậu, sinh năm 1933 tại Hà Nội, mất năm 1992 tại TP HCM. Lý lịch của Y Vân cần được hình dung bằng những tác phẩm của Y Vân. Tôi đến tư gia của ông không phải để dò hỏi tin tức mà để cảm nhận không gian đã chở che và nâng đỡ nhiều ca khúc ký tên Y Vân xuất hiện.
Trên bức tường ngay phòng khách trang trọng treo bức tranh chân dung Y Vân do người con trai trưởng của ông vẽ bằng chất liệu sơn dầu. Đó là một bức tranh chân dung chứa đựng nhiều rung động thẩm mỹ. Nhìn vào đấy có thể thấy một Y Vân tóc gợn sóng phiêu lãng, vầng trán gồ nghị lực, và đặc biệt là đôi mắt sắc u uẩn buồn. Dù người vẽ thêm vào nhiều nốt nhạc quanh khuôn mặt khắc khổ của ông, thậm chí khói thuốc bay vòng lên từ vành môi ông cũng biến thành khóa sol, vẫn không thể nào khỏa lấp được nét buồn cứ thăm thẳm trào ra đôi mắt. Cứ như cả tuổi thơ khốn khó của một cậu bé mồ côi cha, xuôi ngược cùng mẹ nuôi hai em trong một ngõ nhỏ ở phố Khâm Thiên – Hà Nội, đều dồn vào đôi mắt ấy. Y Vân qua nét vẽ của con trai trưởng. Cứ như cả chuỗi ngày mê mải cùng các ban nhạc vất vả ở các phòng trà kiếm tiền cơm vợ áo con đều dồn vào đôi mắt ấy. Cứ như cả chuỗi khuya khoắt lầm lũi ôm cây đàn guitare ký xướng từng nốt nhạc lên trang bản thảo nhọc nhằn, đều dồn vào đôi mắt ấy. Lạc trong đôi mắt Y Vân, tôi bỗng mường tượng bài hát “Buồn” xa vắng tri âm của ông: “Buồn như ly rượu đầy, không có ai cùng cạn. Buồn như ly rượu cạn, không còn rượu để say”.
3. Bà Trần Thị Minh Lâm, người gắn bó với quãng đời sau của nhạc sĩ Y Vân, lần giở những bản nhạc của ông được gìn giữ cẩn thận bằng vẻ mặt hồi tưởng rưng rưng. Từ khi ông khuất bóng, bà sống dưới ngôi nhà này giữa ngổn ngang kỷ niệm. Gần 20 năm đã trôi qua, nhưng ngôi nhà vẫn bày biện như thời ông còn tại thế. Với bà, hình ảnh ông không hề xa xôi hay cách biệt, có thể ông vừa ra ngõ mua một bao thuốc lá, có thể ông vừa đến phòng thu để hòa âm một ca khúc mới, và cũng có thể ông vừa đi thực tế sáng tác ở đâu đó.
Bà Trần Thị Minh Lâm chính thức đến với nhạc sĩ Y Vân do… vợ trước của nhạc sĩ Y Vân trực tiếp đi hỏi cưới. Bên chiếc máy may nhỏ, mỗi ngày bà tận tụy từng mũi kim đường chỉ để làm điểm tựa cho ca khúc của Y Vân tiếp tục bay cùng năm tháng. Bà rạch tòi: “Y Vân viết khoảng 200 ca khúc, tui đã đi đăng ký bản quyền 136 bài. Mong ước lớn nhứt của tui là có thể in một tuyển tập ca khúc Y Vân thật đầy đủ!”. Trong ký ức của bà vẫn còn nguyên tấm lưng gầy gò của nhạc sĩ Y Vân bên ngọn đèn đêm âm thầm viết nhạc. Hơn ai hết, bà hiểu ông viết ca khúc và viết nhạc phim giữa cái xóm lao động nghèo trên đường Trần Huy Liệu, quận 3, TP HCM không chỉ bằng đam mê mà còn bằng trách nhiệm của một người chồng, người cha. Bà sinh cho nhạc sĩ Y Vân bốn người con, và đối xử thân tình với bốn người con của vợ trước một cách êm ấm. Cả bà và người vợ trước đều xác định rất rõ, họ đứng sau một người đàn ông tài hoa và lận đận. Họ cảm thông sâu sắc rằng, đôi mắt buồn của Y Vân những thời khắc lủi thủi cùng bóng tối có thể giúp người yêu nhạc ngày mai được rộn ràng theo giai điệu “Đêm đô thị”, được đắm đuối theo tiết tấu “Những bước chân âm thầm”, được xao xuyến theo khúc thức “Ảo ảnh”… Và họ cũng mở lòng chấp nhận cả những phút giây trái tim liêu xiêu của ông lúc thoáng gặp mỹ nhân nào đó lướt qua, vì khoảnh khắc ấy được chuyển thành sáng tạo run rẩy, dẫu là “Thúy đã đi rồi” hoài niệm hay dẫu là “Kim” nơi nào ngậm ngùi: “Cớ sao buồn vậy Kim? Cớ sao sầu vậy Kim? Ai thương em hơn anh mà tìm?”.
4. Ngày 28/11/1992, nhạc sĩ Y Vân vẫy chào cõi người khi vừa bước vào tuổi 60, đúng như ông tiên liệu “Em ơi, có bao nhiêu. Sáu mươi năm cuộc đời”. Tác phẩm cuối cùng của ông là ca khúc “Từ xa nghìn trùng” viết cho bộ phim “Người về từ nghìn trùng” của đạo diễn Lưu Bạch Đàn. “Từ xa nghìn trùng” viết theo điệu slow, tất nhiên Y Vân không thể theo dõi sức lan tỏa của ca khúc ấy, nhưng ca sĩ Phương Thảo thể hiện và những diễn viên tham gia bộ phim “Người về từ nghìn trùng” như Việt Trinh, Lê Tuấn Anh, Y Phụng, Nguyễn Huỳnh đều lấy tâm trạng gửi gắm trong lời hát “sao anh quay đi để em lạnh lùng” để làm cột mốc nhớ thương ông! Ngày tiễn Y Vân về một chốn mơ màng khác, tôi không biết có bao nhiêu nước mắt bẽ bàng. Tuy nhiên, tôi dám chắc, không có những giọt nước mắt nào xót xa bằng nước mắt “lá vàng khóc lá xanh” ở người mẹ ruột của nhạc sĩ Y Vân. Người mẹ ấy chính là nguồn cảm hứng dạt dào để nhạc sĩ Y Vân tuổi đôi mươi đã viết nên ca khúc “Lòng mẹ” ngọt ngào đến tận hôm nay và mai sau: “Lòng mẹ chan chứa trên bao xóm làng gần xa. Lòng mẹ dâng tới trăng ngàn đứng lặng để nghe”. Có nhiều giai thoại khác nhau về sự ra đời của ca khúc “Lòng mẹ”, nhưng chỉ có một điều mà ai cũng có thể nhận ra mỗi lần lời hát vang lên, đó là sự hiếu thảo của nhạc sĩ Y Vân. Sau khi để tang cho con trai được 10 tháng, người mẹ ruột của Y Vân chia biệt dương gian trong nỗi niềm thắm thiết: “Lời ru man mác êm như sáo diều dật dờ. Nắng mưa sớm chiều vui cùng tiếng hát trẻ thơ”.
5. Bên cạnh “Sáu mươi năm cuộc đời” và “Lòng mẹ”, một ca khúc nữa của nhạc sĩ Y Vân được trình diễn với tần số dày đặc là “Sài Gòn”. Theo tài liệu mà tôi có được, bản nhạc “Sài Gòn” được in lần đầu tiên vào tháng 8/1965. Với điệu chachacha, ca khúc “Sài Gòn” phô diễn sức sống của một thành phố phương Nam nhộn nhịp và hào phóng: “Dừng chân trên bến khi chiều nắng chưa phai. Từ xa thấp thoáng muôn tà áo tung bay”. Nhiều lần nghe ca sĩ trong nước cũng như nhiều ban nhạc nước ngoài hát lại “Sài Gòn”, tôi luôn từ sự trầm trồ chuyển sang sự ngạc nhiên. Phong cách âm nhạc của Y Vân thật khó nắm bắt, vì nơi ông cộng hưởng nhiều thẩm mỹ không gần nhau, đối lập nhau. Y Vân có thể thành công với điệu bolero, rumba nhưng cũng có thể thành công với điệu twist, rock. Vì vậy, nếu tổ chức một đêm nhạc Y Vân, hoàn toàn có thể dàn dựng hàng chục bài hát mang màu sắc khác nhau lôi cuốn khán giả từ đầu đến cuối! Và tôi tin, cũng đến một ngày nào đó, chúng ta sẽ hân hạnh công bố những ca khúc mà nhạc sĩ Y Vân đã sáng tác với tên thật Trần Tấn Hậu vào thập niên 80 của thế kỷ trước như: “Người con gái Việt Nam” phổ thơ Tố Hữu, “Người em sầu mộng” phổ thơ Lưu Trọng Lư, “Thề non nước” phổ thơ Tản Đà, “Một lần cuối” phổ thơ Nguyễn Bính…
Nhắc đến Y Vân là giới yêu nhạc nghĩ ngay đến ‘Lòng mẹ’ bất hủ dù ông có trên dưới 200 sáng tác thuộc đủ mọi thể loại. Theo [dongnhacxua.com] ‘Lòng mẹ’ là bản nhạc hay nhất và tiêu biểu nhất cho tình yêu bao la của người mẹ Việt Nam.
Nhạc sỹ Y Vân tên thật là Trần Tấn Hậu. Ông sinh năm 1933 tại Hà Nội và mất năm 1992 tại Sài Gòn. Sớm mồ côi cha từ nhỏ, tình yêu và lòng kính trọng đối với người mẹ tảo tần nuôi đàn con thơ có lẽ là những động lực sâu xa để nhạc sỹ Y Vân viết nên ‘Lòng mẹ’. Thế còn duyên cớ để cho ra đời bản nhạc này, theo như lời kể của nhạc sỹ Y Vũ, em trai của ông là: năm 1952, gia đình nhạc sỹ di cư vào Nam. Vào khoảng năm 1959, khi đó Y Vân là nhạc công có tiếng chơi cho các ban nhạc ở Sài Gòn mà khi đó đang là giai đoạn bắt đầu hưng thịnh của các phòng trà. Trong một đêm lo mải giặt đồ cho cả nhà ở cây nước công cộng trong xóm mà mẹ của Y Vân đã về trễ sau giờ giới nghiêm. Và kết quả là bà bị quân cảnh tạm giữ. Khuya đó khi đi diễn về, Y Vân nghe tin và ông vội vã đến đồn cảnh sát để bảo lãnh cho mẹ. Cũng trong đêm đó, Y Vân đã thức trắng đêm để viết nên ‘Lòng mẹ’. Sáng hôm sau, ông đã hát cho mẹ nghe và như thế có lẽ mẹ ông là người đầu tiên được nghe bản này.