Cây guitar điện và phong trào nhạc trẻ Sài Gòn

Quay về với phong trào nhạc trẻ của Sài Gòn thưở trước, Dòng Nhạc Xưa xin trân trọng giới thiệu gương mặt của nghệ nhân Lâm Hào, ông vua chế guitar điện ngày nào cùng vài thông tin thú vị về một thời nhạc trẻ của Hòn Ngọc Viễn Đông, qua một bài viết của nhà báo Lê Văn Nghĩa.

Một thời nhạc trẻ Sài Gòn: Ông vua làm đàn guitar điện ở Chợ Lớn

(Nguồn: bài viết của tác giả Lê Văn Nghĩa đăng trên thanhnien.vn ngày 2017-02-22)

Nhóm nhạc nữ The Blue Stars

Một ban kích động nhạc đúng chuẩn phải có “bèo” lắm là 2 cây đàn guitar

điện: một lead, một bass hoặc accord.

Tìm được cây đàn điện thời ấy là trăm nghìn gian nan vì phải nhập cảng từ Mỹ với giá không chịu nổi. Rất may đã xuất hiện một nhân tài sản xuất guitar điện, đó là ông Lâm Hào.

Bây giờ nhắc đến tên ông, những ca sĩ như Elvis Phương, Đức Huy, Tuấn Ngọc, Tiến Chỉnh… không thể không biết. Theo lời kể của “vua nhạc trẻ” Trường Kỳ, một ngày nọ, một người Mỹ xách cây đàn guitar Fender và ampli chính hiệu đến một tiệm đàn tuốt trong Chợ Lớn để nhờ sửa. Nhân cơ hội bằng vàng này, người chủ tiệm đàn ghi lại tất cả sơ đồ cấu tạo của cây đàn và ampli để nghiên cứu. Một thời gian sau, anh thợ sửa đàn mang tên Lâm Hào đã tung ra thị trường cây đàn guitar điện đầu tiên được chế tạo tại VN, rập theo cây đàn hiệu Fender. Và từ đó tiệm của anh trở thành nơi cung cấp đàn guitar điện và ampli cho những ban kích động nhạc chuyên nghiệp cũng như tài tử vì giá cây đàn tại tiệm này chỉ bằng 1/3 đàn hiệu Fender, Hofner hay Gibson.

Nối đuôi theo Lâm Hào, một người sản xuất trống tên Năm Đúng ở đường Trần Hưng Đạo cũng sản xuất trống “made in Saigon” cho các chàng trai thích chơi nhạc Tây, nhạc Mỹ. Từ đó các tay chơi nghèo đã có thể dành dụm tiền để mua đàn trống rồi tập hợp thành một ban kích động nhạc đi múa dùi, vuốt đàn ở những tụ điểm vui chơi. Phải công nhận rằng ông Lâm Hào, và sau này có tiệm Viễn Phương, đã góp phần không nhỏ trong việc góp phần thúc đẩy phong trào kích động nhạc.

Ủng hộ và đả kích nhạc trẻ

Nếu không là những ban nhạc kiểu gia đình như The Dreamers (các con của bố già Phạm Duy), The Uptight (gia đình Tuấn Ngọc, Anh Tú, Khánh Hà, Bé Thúy), C.B.C… thì các ban nhạc được thành lập kiểu “góp gạo nấu cơm chung” – nhạc công tự mang nhạc khí của mình đến, biểu diễn xong thì xách về (chỉ trừ ca sĩ chỉ mang giọng hát đến mà thôi). Khi thành lập, họ phải tìm một cái tên không phải của VN và Tàu là được, như: Les Vampires, The Blue Stars, The Teen Sound, The Black Caps, The Spotlights, The Crazy Dogs… Một số thành viên ban nhạc còn lấy tên Mỹ, Tây thay cho tên Việt như Jo Marcel, Billy Shane, Bernard… để dễ dàng trình diễn trong các câu lạc bộ dành riêng cho lính Mỹ. Hầu hết các ban kích động nhạc hát những bản đang thịnh hành của The Beatles, The Monkees, The Ventures… Họ thường nghe qua đĩa, băng rồi tập đàn và hát theo. Ca sĩ Bích Chiêu (chị Tuấn Ngọc) quan niệm rằng trước hết muốn hát được nhạc ngoại quốc thì phải hát cho đúng nhạc và lời, làm sao cho thật giống để người nghe có thể rung động, có thể cảm được tiếng hát của mình. Tuấn Ngọc cho biết cũng nghe băng rồi tập hát theo. Nghe lại, nếu còn thấy dở và chưa đúng với băng gốc thì tập tiếp, chừng nào nghe thật giống băng mới thôi. Tuấn Ngọc cố hát sao cho giống Tom Jones, thần tượng của anh, nên giới báo chí gọi anh là Tom Jones Tuấn Ngọc.

Điều khá bất ngờ là có một vài ban nhạc mà những thành viên không hề biết nhạc lý là gì, chỉ thẩm âm rất tốt, nghe theo đĩa và bắt chước theo. Ông bố kiêm bầu sô của ban nhạc gia đình nổi tiếng The Peanuts đã nói với Báo Kịch Ảnh: “Chúng tôi thành thực thú nhận rằng cho tới nay cả bốn đứa tụi nó chưa đứa nào biết qua một nốt nhạc. Tất cả đều toàn ‘tự mò’ lấy mà thôi. Thằng Bernard nghe đĩa rồi chỉ lại cho từng đứa…”. Jo Marcel đã xác nhận điều này trong buổi hội thảo về nhạc trẻ do Báo Kịch Ảnh tổ chức vào năm 1971: “Nghe nhiều, bắt chước chơi theo đĩa và học được nhiều cái mới lạ của nhạc ngoại quốc”.

Với các thể loại tên tuổi, các ban nhạc đặt tên Mỹ, hát nhạc Mỹ ầm ĩ, giậm giựt, kích động, tóc tai và quần áo khác người nên nhạc trẻ chỉ được dạng công chúng trẻ ưa thích. “Dưới mắt những người lớn tuổi, nhạc trẻ được nhìn như một thứ gì quái lạ mang nhiều tính chất phi luân. Mỗi khi nhắc đến kích động nhạc, họ thường lắc đầu, không hiểu thứ nhạc đó là nhạc gì mà toàn những tiếng gào, tiếng thét rầm rầm, lại còn nằm dài cả xuống đất, giãy lên đành đạch”… (Trường Kỳ – Tuần báo Hồng). Chưa nói đến tệ nạn một số thành viên trong các ban nhạc trẻ dính vào xì ke, ma túy để phê khi chơi loại nhạc này. Ngay cả trong giới nhạc sĩ cũng phân luồng ý kiến. Chỉ có nhạc sĩ Phạm Duy lên tiếng ủng hộ mạnh nhất: “Nhạc trẻ cũng như những bộ môn khác, đều có cái hay riêng của nó. Và nếu được dẫn dắt kỹ càng, những ban nhạc trẻ VN sẽ còn tiến rất xa”.

Có thể vì sự ủng hộ của nhạc sĩ Phạm Duy đối với nhạc trẻ nên lúc đó ông được gọi là “bố già hippy”.

LÊ VĂN NGHĨA

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *