(Trong một bài viết trước về bản “Sầu đông” của nhạc sỹ Khánh Băng, [dongnhacxua.com] có trích đăng bài viết của nhà báo Hà Đình Nguyên viết cho báo Thanh Niên đầu năm 2005 nhân sự ra đi của nhà nhạc sỹ. Trước đó 3 năm, anh Hà Đình Nguyên cũng đã có một buổi trò chuyện với nhạc sỹ Khánh Băng, khi đó đã 67 tuổi. Để cung cấp thêm thông tin cho bạn trẻ yêu nhạc xưa, [dongnhacxua.com] xin trích đăng lại bài viết này.)
CHIỀU NAY GIÓ ĐÔNG VỀ
(Nguồn: nhà báo Hà Đình Nguyên, đăng trên báo Thanh Niên năm 2002)
Trước mặt tôi là một ông già 67 tuổi. Dù chưa bước qua ngưỡng “thất thập cổ lai hi” nhưng đôi mắt của ông gần như đã mù lòa. Mọi việc, dù nhỏ nhặt bình thường nhất cũng cần có người thân giúp đỡ. Con người ấy đã một thời thành danh trong làng âm nhạc ở Sài Gòn những năm trước 1975. Giờ đây ông quẩn quanh trong nhà, với nỗi niềm “lực bất tòng tâm” như lời một bài hát của chính ông – nhạc sĩ khánh Băng: “Chiều nay gió đông về…”.
Sinh năm 1935 tại Thắng Tam (Vũng Tàu), ngay từ thời còn học tiểu học cậu bé Phạm Văn Minh đã khiến cho bạn bè “lác mắt” bởi ngón đàn mandolin. Cậu cũng luôn là người “đầu têu”, dàn dựng những chương trình văn nghệ học đường. Cậu học trò Minh cũng bắt đầu sáng tác nhạc trong thời gian này. Bản nhạc nào tâm đắc, cậu gửi lên Sài Gòn cho nhạc sĩ Võ Ðức Thu (anh ruột của người bạn thân tên Võ Ðức Thảo). Nhạc sĩ Thu xem, sửa chữa những chỗ sai sót bằng bút đỏ rồi gởi trả về Vũng Tàu như một kiểu học hàm thụ – nhờ thế mà khả năng, kiến thức về nhạc lý, sáng tác của Khánh Băng được củng cố và tiến bộ rất nhiều.
* Ðó là thời thơ ấu. Thực ra ông chính thức bước vào lĩnh vực ca nhạc từ lúc nào ?
Tôi có được chút tiếng tâm kể từ lúc lên Sài Gòn học trung học ở Trường Huỳnh Khương Ninh – Ða kao (năm 1949). Ở khu vực Tân Ðịnh này, chúng tôi thành lập một nhóm thanh thiếu niên yêu thích văn nghệ, trong đó có Vân Hùng, Tùng Lâm… thường xuyên tập dượt với nhau để chỉ… đi phục vụ đám cưới miễn phí. Vậy mà vui lắm! Tôi chuyên biểu diễn mandolin. Cũng nhờ cây đàn 8 dây này mà năm 1954 tôi thi đậu vào… làm nhạc công trong Ðài Phát thanh Sài Gòn. Sau đó chính Tùng Lâm tiến cử tôi với nhạc sĩ Trần Văn Trạch, ông này cho tôi được chơi đàn ở đoàn Sầm Giang của ông và giới thiệu tôi vào đàn ở Ðài Pháp – Á. Khánh Băng khởi nghiệp từ đó…
* Với cây đàn mandolin ?
– Mới đầu là vậy nhưng một thời gian sau tôi thấy cây đàn mandolin khó có chỗ để dụng vô, tôi bèn quay sang cây đàn guitar. Tự học. Phải mất hơn 2 năm khổ luyện. Có thể nói, tôi là người Việt Nam đầu tiên sử dụng cây guitar điện trên sân khấu.
* Trong lĩnh vực sáng tác, đến nay ông đã có bao nhiêu tác phẩm? Nhạc phẩm đầu tay của ông là bản nhạc nào?
Khó nhớ hết những bản nhạc tôi đã sáng tác. 500 thì… quá ít, 1.000 lại hơi nhiều. Tôi sáng tác từ thời còn… mặc quần cộc nên cũng chẳng nhớ nhạc phẩm đầu tay là bài nào. Có điều tôi không bao giờ quên là vào ngày thứ ba 15.3.1955 Ðài phát thanh Sài Gòn lần đầu tiên phát bài hát của tôi, bài Nụ cười thơ ngây do Minh Trang và Anh Ngọc song ca. Còn thành danh nhờ bài Vọng ngày xanh (1956). Bài hát này được Hội S.C.A.C.E.A.M (Hội Tác quyền quốc tế) có trụ sở tại Paris mời gia nhập hội với lời Pháp do nữ văn sĩ Francoise Sagan viết cộng với bài Sầu đông do tôi tự viết lời Pháp, tựa là Johnny Mon amour (1967).
* Thời đó, người ta gọi thể loại nhạc mà ông sáng tác là “kích động nhạc”. Ông giải thích cụm từ này như thế nào?
Thật ra chẳng có gì ghê gớm cả! Chẳng qua là một cách gọi để chỉ các bản nhạc có tiết tấu nhanh, sôi động (như nhạc trẻ bây giờ). Trước tôi đã có nhiều nhạc sĩ sáng tác thể hóa này, như Lê Yên (Ngựa phi đường xa), Y Vân (Sài Gòn đẹp lắm)… Tuy nhiên những bài hát Sầu đông, Có nhớ đêm nào, Tiếng mưa rơi… do tôi sáng tác vào khoảng năm 1962 vẫn được coi là những bài nhạc trẻ đầu liên ở Việt Nam. Mà tôi đâu chỉ viết nhạc kích động, tôi cũng viết nhạc trữ tình dưới các bút danh khác như: Anh Minh, Nhật Hà… Từ năm 1991 đến năm 1996, trước khi mắt bị mờ tôi vẫn còn sáng tác được hơn 100 bài, trong đó có những bài khá phổ biến như Trên nhịp cầu tre, Chờ người, Chiều đồng quê… mang phong cách nhạc đồng quê Nam Bộ.
* Ban nhạc Khánh Băng – Phùng Trọng nổi tiếng trước đây không lẽ chỉ có… hai người?
Ồ không, đông chứ! Nhưng chỉ lấy tên hai người trụ cột là Khánh Băng (guitar), Phùng Trọng (trống). Ngoài ra còn có Nguyễn Thành (saxo ténor), Sầm Sơn (guitar bass), Thu Phước (trompette). Ban nhạc được thành lập đầu thập niên 60. Ðây cũng là ban nhạc đầu tiên xuất hiện trên truyền hình. Năm 1966 ban nhạc được HCV do khán giả bình chọn là Ban nhạc chơi hay nhất trong cuộc thi do Hội Ký giả Sài Gòn tổ chức. Anh Phùng Trọng hiện còn sống ở TP Hồ Chí Minh.
* Quả là một thời lừng lẫy. Chắc chuyện tình cảm của ông thời đó cũng… lẫy lững không kém. Ông có thể tiết lộ chút ít về cô Khanh và cô Băng mà ông đã “mượn” tên ?
Lẫy lừng gì, rối rắm thì có. Không phải là mình tham lam gì, chỉ vì… cầm lòng không đậu (cười). Còn hai cô Khanh và Băng, chỉ là những ấn tượng đẹp đầu đời. Thuở ấy chúng tôi còn… tí xíu! Cô Băng giờ cũng đang… dưỡng lão ở Vũng Tàu, cô Khanh thì biệt tích từ lâu. Mới đó mà “mùa đông” đã về với chúng tôi rồi.
Chiều nay gió đông về. Dừng chân trên bến xưa…
Hà Đình Nguyên
[footer]